[Nền dân trị Mỹ] - Chương VIII: Về hiến pháp liên bang Hoa Kỳ (Phần 5)
VỀ NHỮNG ƯU THẾ CỦA HỆ THỐNG LIÊN BANG NÓI CHUNG VÀ ÍCH LỢI ĐẶC BIỆT CỦA NÓ VỚI NƯỚC MĨ
Các nước nhỏ được hưởng hạnh phúc và tự do. − Sức mạnh của những nước lớn. − Các quốc gia to lớn ủng hộ những mở mang văn minh. − Thông thường, sức mạnh vẫn còn là nhân tố thịnh vượng đối với các quốc gia. − Hệ thống liên bang có mục đích hội lại các thuận lợi mà các quốc gia có được từ độ to lớn mênh mông và sự nhỏ hẹp của lãnh thổ. − Những lợi thế Hoa Kì có được từ hệ thống này. − Luật pháp quy phục nhu cầu người dân, còn người dân thì không quy phục nhu cầu của luật pháp. − Hoạt động, tiến bộ, người Mĩ quen dùng và biết dùng quyền tự do. − Tư tưởng công cộng của Liên bang chỉ là sự tóm tắt của lòng yêu nước mang tính địa phương. − Mọi vật và mọi ý tưởng lưu hành tự do trên lãnh thổ Hoa Kì. − Liên bang tự do và hạnh phúc như một tiểu quốc gia, và lại được kính trọng như một đại quốc gia.
Với các quốc gia bé nhỏ, con mắt của xã hội soi mói khắp nơi; cái đầu óc muốn cải thiện sục vào từng chi tiết nhỏ nhặt: tham vọng của quốc gia vốn bị sự yếu kém của nó làm dịu đi khá nhiều, nên các nỗ lực và mọi nguồn lực hầu như được quy về phục vụ hoàn toàn cho sự phát triển cái ấm no nội tại, và chẳng hề tan biến đi trong những màng khói vinh quang vô bổ. Hơn nữa, khả năng của mỗi nước nói chung vốn dĩ hạn hẹp, nên các ham muốn thì cũng thế mà thôi. Vận may ở trong tình trạng xoàng xĩnh khiến cho các điều kiện sống gần như ngang bằng với nhau. Lối sống và tập tục giản đơn và bình lặng. Vì thế, nhìn chung và xem xét vào các mặt đạo đức và tinh thần, người ta thường thấy các quốc gia nhỏ bé thoải mái hơn, dân cư đông đúc hơn và cuộc sống bình yên hơn ở các quốc gia lớn.
Khi bạo quyền tới thiết lập trong lòng một quốc gia nhỏ, ở đó nó không múa may được tự do như ở các nơi khác, và do chỗ đó là bạo quyền trong một phạm vi hẹp nên nó lan ra khắp phạm vi đó. Do chỗ không vớ được những đối tượng lớn, nó chộp lấy vô số đối tượng bé. Nó tỏ ra vừa bạo hành vừa quấy rối. Từ bỏ cái thế giới chính trị đúng ra là địa hạt của nó, nó lại chui vào cuộc sống riêng tư của con người. Sau khi ra tay hành động, nó tiến sang cai quản cả thị hiếu con người. Sau khi chiếm được nhà nước, nó chuyển sang nắm lấy các gia đình. Nhưng chuyện đó hiếm khi xảy ra được. Thực ra thì Tự do là điều kiện tự nhiên của những xã hội bé nhỏ. Chính quyền ở đó có ít miếng mồi để nhử tham vọng con người, nguồn lực của cá nhân quá eo hẹp để cho chủ quyền tập trung chú ý và dễ dàng dồn vào bàn tay chỉ một con người. Nếu xảy ra chuyện đó, cũng chẳng khó khăn gì cho kẻ bị trị tập hợp nhau lại và cùng chung sức lật đổ cùng một lúc cả kẻ bạo chúa lẫn bạo quyền.
Vậy là vào thời nào cũng vậy các quốc gia bé nhỏ đều là cái nôi của tự do chính trị. Từng xảy ra việc phần lớn các quốc gia nhỏ bé đó đều mất cái tự do ấy đi khi họ lớn mạnh lên. Điều này cho thấy rõ là Tự do có gốc ở sự bé nhỏ của đất nước chứ không gốc ở bản thân đất nước.
Lịch sử thế giới không cho ta thí dụ về một nước lớn tồn tại được lâu trong thể chế cộng hoà[195], điều đó cũng có nghĩa chuyện đó là bất khả thi. Với tôi, tôi nghĩ thật là không thận trọng khi con người cứ muốn bó hẹp khả năng và phán xét tương lai, khi chính con người ấy luôn luôn để tuột khỏi tay cả thực tại lẫn tương lai, và bao giờ cũng bị đánh úp vì những chuyện cứ ngỡ là đã biết tường tận đến vô cùng. Điều ta có thể nói chắc, ấy là sự tồn tại một nước cộng hoà to lớn bao giờ cũng vô cùng hở sườn so với một nước cộng hoà bé nhỏ.
Tất cả các đam mê gắn bó chết người với các nền cộng hoà được gia tăng theo độ lớn của lãnh thổ, còn các giá trị đạo đức làm chỗ dựa cho nó thì lại chẳng gia tăng theo tỉ lệ đó.
Tham vọng của các cá nhân gia tăng theo sự hùng mạnh của đất nước; thế lực của phe phái gia tăng theo tầm quan trọng của mục đích đeo đuổi; nhưng lòng yêu nước, là cái phải đấu tranh chống lại những đam mê huỷ diệt kia, không phải hễ cứ ở một nước cộng hoà mênh mông thì mạnh hơn ở một quốc gia bé nhỏ. Cũng thật dễ dàng chứng minh được rằng lòng yêu nước ở một nước lớn thì kém phát triển và kém mạnh mẽ. Sự cách biệt giàu nghèo quá xa, những thành thị khổng lồ, sự băng hoại tập tục, tính ích kỉ cá nhân, lợi ích ràng buộc rối rắm, đó đều là những mối hiểm nguy hầu như bao giờ cũng được đẻ ra từ cái đất nước vĩ đại. Vô số những điều vừa kể ra đó không làm tổn hại chút gì cho sự tồn tại của một nền quân chủ chuyên chế, vài ba điều đó thậm chí còn giúp nó sống lâu hơn. Vả chăng, trong các nền quân chủ chuyên chế, chính quyền sở hữu một thứ sức mạnh riêng của nó. Nó sử dụng nhân dân nhưng không lệ thuộc vào nhân dân. Nhân dân càng lớn, đấng quân vương càng mạnh. Nhưng chính quyền cộng hoà chỉ có thể lấy đa số để đối lập lại với các nguy cơ đó. Thế nhưng, cân nhác cho kĩ, thì thành phần lực lượng đó chẳng mạnh lắm khi nó ở một nước cộng hoà to lớn, không bằng ở một nước bé. Vì thế mà, trong khi các phương tiện công kích thì gia tăng không ngừng về số lượng và cường độ, lực lượng phòng vệ vẫn y nguyên, còn có thể nói là nó bị giảm nữa, vì nhân dân càng đông và bản chất đầu óc con người và lợi ích càng đa dạng, thì khi đó càng khó hình thành một đa số chặt chẽ.
Ta cũng đã có dịp nhận xét rằng các đam mê của con người càng lúc càng tăng cường độ, không chỉ vì tầm vĩ đại của mục tiêu chúng muốn đạt tới, mà còn vì vô số cá nhân cùng trong một lần cùng cảm nhận được cái mục đích đó. Chẳng có một cá nhân nào mà không thấy cảm động hơn khi ở giữa đám đông kích động chia sẻ ý kiến mình, so với khi chỉ riêng mình với niềm xúc động. Trong một nước cộng hoà lớn, những đam mê mang tính quần chúng thật khó cưỡng lại không chỉ vì đối tượng quần chúng đeo đuổi là cao cả to tát, mà còn vì hàng triệu triệu con người cùng cảm nhận đối tượng đó theo cùng một cung cách và vào cùng thời điểm.
Vì vậy mà ta có quyền phát biểu rằng, nói chung thật chẳng có gì trái ngược với hạnh phúc và tự do của con người hơn là những quốc gia to lớn.
Tuy thế, những nhà nước lớn cũng có những ưu thế riêng chỉ chúng mới có mà ta cần phải thừa nhận.
Sự ham muốn quyền lực ở nước lớn tỏ ra cuồng nhiệt hơn nơi khác trong những con người thô lậu, tương tự như vậy, lòng yêu vinh quang ở đó cũng mạnh mẽ trong những tâm hồn đinh ninh tìm cho được trong những tiếng tung hô của đám đông quần chúng một đồ vật xứng đáng với những nỗ lực của họ, và xứng đáng được dùng để nâng cao họ lên cao hơn chính họ. Ở giữa đám đông đó, tư tưởng nhận được từ khắp nơi cái xung động nhanh hơn và mạnh hơn, các ý tưởng ở đó cũng luân chuyển tự do hơn, các thành phố lớn ở đó tựa hồ như những trung tâm trí tuệ bao la hơn, nơi để cho mọi nguồn sáng trí tuệ con người tới đó toả rạng và kết hợp cùng nhau. Điều này lí giải cho ta vì sao, hơn là ở những nước nhỏ, các quốc gia lớn tạo ra những tiến bộ nhanh hơn cho những nguồn sáng và đại nghĩa. Cũng cần nói thêm rằng những khám phá quan trọng thường đòi hỏi một sự phát triển sức mạnh quốc gia là điều chính quyền một quốc gia bé nhỏ không thể làm nổi. Ở những quốc gia lớn, chính quyền có nhiều ý tưởng to tát hơn, nó thoát ra dễ dàng hơn khỏi vết xe trì trệ của những chính quyền có trước nó và khỏi sự ích kỉ của những đầu óc địa phương. Có nhiều tài năng hơn ở những hoạch định của họ, có nhiều quả cảm hơn trong dáng dấp của họ.
Chừng nào còn duy trì được hoà bình thì sự ấm no hạnh phúc nội tại được đầy đủ hơn và rộng khắp hơn tại các quốc gia nhỏ; nhưng tình trạng chiến tranh lại tai hại cho họ hơn so với các quốc gia lớn. Ở các nước lớn, sự xa cách biên cương đôi khi cho phép đông đảo quần chúng trong nhiều thế kỉ được sống cách xa hiểm nguy. Với nước lớn, chiến tranh chỉ là một thứ gây khó chịu hơn là một sự huỷ diệt.
Nhưng về mặt này cũng như nhiều mặt khác vẫn còn một điều thống trị toàn bộ mọi điều: nhu cầu.
Nếu chỉ có các nước nhỏ và không có các nước lớn, thì nhân loại hẳn là sẽ tự do hơn và hạnh phúc hơn nhiều. Nhưng con người lại chẳng làm cách gì để không có những nước lớn.
Điều này khiến cho trên đời có thêm một yếu tố mới của sự thịnh vượng quốc gia, yếu tố sức mạnh. Không cần biết một quốc gia hình dung sự thoải mái và sự tự do như thế nào, song nếu hàng ngày nó đứng trước nguy cơ bị tàn phá và bị chiếm đóng thì sự thể ra sao? Không cần biết một quốc gia làm nghề thủ công hay thương mại, nếu có một quốc gia khác thống trị mặt biển và áp đặt luật trên khắp các thị trường thì sự thể ra sao? Các quốc gia nhỏ thường là nghèo khó, đó không phải vì chúng nhỏ, mà vì chúng yếu. Các quốc gia lớn thịnh vượng lên, đó không phải vì họ lớn, mà vì họ mạnh. Vậy là, thường khi đối với các quốc gia, sức mạnh như thể thành ra một trong những điều kiện của hạnh phúc và thậm chí của sự tồn tại. Từ đó mà xảy ra chuyện, khi thiếu những điều kiện đặc biệt nào đó, các nước nhỏ chung cục bao giờ cũng nhập lại bằng bạo lực với các nước lớn hoặc tự ý nhập lại với nhau. Tôi thật không thể hình dung nổi tình cảnh nào tồi tệ hơn là tình cảnh một quốc gia không thể tự vệ được và cũng không thể tự mình sống được.
Hệ thống liên bang đã được tạo lập ra để hội lại các thuận lợi đủ kiểu đẻ ra từ sự vĩ đại và sự bé nhỏ của các quốc gia.
Chỉ cần nhìn vào Hợp chúng quốc Hoa Kì là thấy được tất cả những cái tốt đẹp sinh ra cho họ nhờ tiếp nhận chế độ liên bang đó.
Ở các quốc gia lớn theo chế độ tập trung hoá, nhà lập pháp bị buộc phải làm cho luật pháp mang tính chất đồng nhất, không dung nạp sự đa dạng về địa phương và tập tục. Vì chưa từng biết đến những trường hợp riêng rẽ, nó chỉ có thể tiến hành mọi việc theo các quy tắc chung. Con người khi đó bị bắt buộc phải khuôn mình theo những nhu cầu lập pháp, vì việc lập pháp không biết cách khuôn mình theo nhu cầu và tập tục của con người. Đó chính là nguyên nhân to lớn của rối loạn và khốn cùng.
Điều bất lợi này không thấy có ở các liên bang: ở đây Hạ viện giải quyết những điều luật chính yếu của tồn tại xã hội; toàn bộ chi tiết còn lại được giao phó cho các nhà lập pháp địa phương.
Ta khó có thể hình dung sự phân chia quyền lực tối cao này làm lợi biết bao nhiêu cho hạnh phúc của từng bang tạo thành Liên bang Hoa Kì. Tại các tiểu xã hội này nơi người ta chẳng lo lắng gì nữa đến việc tự phòng vệ hoặc bành trướng, toàn bộ sức mạnh công cộng và toàn bộ năng lượng cá nhân đều hướng về cải thiện các mặt đời sống bên trong. Chính quyền trung ương của từng bang vốn được đặt sát bên những người nó cai trị nên được cảnh báo hàng ngày về những nhu cầu nổi trội. Vì thế mà năm nào ta cũng thấy họ trình ra những kế hoạch mới được đem thảo luận tại các đại hội công xã hoặc trong ngành lập pháp bang, rồi sau đó được đăng lên báo chí, tất cả đều kích thích sự quan tâm toàn diện và nhiệt tình của các công dân. Cái nhu cầu cải thiện đó không ngừng kích động các nước cộng hoà Mĩ mà lại không gây ra lộn xộn. Tham vọng quyền lực ở đó được dành chỗ cho tình yêu cuộc sống hạnh phúc, niềm đam mê này thô lậu hơn nhưng lại ít nguy hiểm hơn. Có một quan niệm phổ biến rộng ở Mĩ rằng sự tồn tại và sự trường tồn của các hình thức cộng hoà ở Tân thế giới tuỳ thuộc vào sự tồn tại và sự trường tồn của hệ thống liên bang. Người ta gán cho tình trạng khốn cùng tại các quốc gia non trẻ ở Nam Mĩ là do định bụng lập nên những quốc gia to lớn, thay vì chia nhỏ quyền lực tối cao ra.
Thực ra thì có một điều không thể bắt bẻ nổi, ấy là ở Hoa Kì việc người ta thích dùng và ưa dùng hình thức chính quyền cộng hoà đã ra đời trong các công xã và trong lòng các cuộc đại hội địa phương, ở một quốc gia nhỏ bé như bang Connecticut chẳng hạn, nơi đó sự kiện chính trị lớn là khánh thành một con kênh hoặc khởi công một con lộ, nơi nhà nước chẳng phải trả lương cho quân đội và cũng chẳng phải chi phí cho chiến tranh, nơi người ta cũng chẳng biết đem tài sản lèo tèo cùng vinh quang ít ỏi cho những người điều hành bang, con người ở đây nào có biết hình dung ra cái gì tự nhiên hơn và thuận trời đất hơn là thể chế cộng hoà. Vậy mà chính cái tinh thần cộng hoà đó, chính những tập tục và lối sống đó của một dân tộc tự do, sau khi sinh ra và phát triển ở các bang khác nhau, về sau đã được đem áp dụng dễ dàng trong cả nước. Tinh thần công chúng Liên bang trong bản thân nó hầu như là một bản tóm tắt của cái tinh thần ái quốc đã có ở địa phương. có thể nói là từng công dân Hoa Kì đã chuyên chở cái mối quan tâm do nước cộng hoà bé nhỏ của mình gợi hứng cho để đem vào trong cái tình yêu tổ quốc chung. Bảo vệ Liên bang, công dân đó bảo vệ sự thịnh vượng ngày một gia tăng của quận mình, bảo vệ cái quyền điều hành mọi công việc ở đó và niềm hi vọng làm sáng giá những kế hoạch cải thiện có nhiệm vụ làm giàu thêm cho chính mình: rặt là những điều đụng chạm nhiều đến con người hơn là những lợi ích chung chung của xứ sở và vinh quang của quốc gia.
Một mặt khác, nếu như tinh thần và tập tục của người dân khiến cho họ thích hợp hơn so với những người khác trong việc xây dựng một nước cộng hoà to lớn trở nên thịnh vượng, thì hệ thống liên bang đã giúp cho công việc của họ bớt khó khăn đi khá nhiều. Liên hiệp các bang ở nước Mĩ không tạo ra những bất lợi thông thường của vô số những chốn quần tụ người. Liên bang là một nước cộng hoà lớn xét về tầm bao la song ta gần như có thể xem nó giống như một nước cộng hoà bé nhỏ, chỉ vì chính quyền của nó phải lo không nhiều vấn đề. Những hành động của nó đều quan trọng, nhưng nó không phải hành động nhiều. Do chỗ quyền lực tối cao của Liên bang bị ngáng trở và không đầy đủ hoàn toàn, nên việc thực thi quyền lực này chẳng nguy hiểm gì cho tự do. Nó cũng chẳng kích động những đam mê quyền lực và ồn ào quá trớn là những thứ thật tai hoạ cho các nước cộng hoà to lớn. Do chỗ mọi điều đều không nhất thiết cứ phải dẫn đến một trung tâm chung, nên ở đó không có những thành phố mênh mông, không có những tài phú vô biên, cũng không có những cảnh bần cùng vô độ và những cuộc cách mạng bất chợt lại xảy ra. Các đam mê chính trị, thay vì diễn ra chốc lát trên toàn bộ bề mặt đất nước như trên một thảm lửa, được va chạm mạnh mẽ với những lợi ích và đam mê cá nhân của mỗi bang.
Tuy nhiên trong Liên bang, như trong một quốc gia duy nhất, mọi sự vật và mọi ý tưởng được luân chuyển tự do. Không hề có gì ngăn chặn sự cất cánh của tinh thần sáng tạo. Chính quyền của nó thu hút các tài năng và những con người sáng láng. Bên trong biên cương Liên bang là một nền hoà bình sâu xa, như bên trong một đất nước chấp thuận sống chung trong một đất nước to lớn. Bên ngoài biên cương, nó đứng ngang hàng với những quốc gia to lớn nhất của trái đất. Nó cung cấp cho nền ngoại thương hơn tám trăm dặm bờ biển. Và có trong tay những chìa khoá của cả một thế giới, nó khiến lá cờ tổ quốc được người ta tôn trọng tận mãi những đầu mút bốn biển năm châu.
Liên bang tự do và hạnh phúc như một quốc gia bé nhỏ, vinh quang và hùng mạnh như một quốc gia to lớn.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)