[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 1)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 1)

VÀI ĐIỀU XEM XÉT TÌNH TRẠNG HIỆN THỜI VÀ TƯƠNG LAI NÀO CHO BA CHỦNG TỘC ĐANG SỐNG TRÊN LÃNH THỔ HOA KÌ

Nhiệm vụ chính yếu tôi tự đặt cho mình nay đã hoàn thành; bằng mọi cách để có thể đạt tới mục đích, tôi đã chỉ ra đâu là luật pháp của nền dân trị nước Mĩ; tôi đã giới thiệu được tập tục của nước này. Thực ra tôi có thể dừng lại ở đây, nhưng bạn đọc hẳn sẽ thấy là tôi chưa làm thoả mãn những gì các bạn trông đợi.

Ta còn gặp ở nước Mĩ nhiều điều khác nữa chứ không chỉ là một nền dân trị mênh mông và trọn vẹn; ta có thể hình dung những con người sinh sống nơi Tân thế giới dưới nhiều góc độ khác nhau nữa.

Trong quá trình soạn thảo công trình này, đề tài đã nhiều lần đưa tôi tới người Anh điêng bản địa và người da đen, nhưng tôi chưa có lần nào đủ thời gian dừng lại nói về vị trí của hai chủng tộc này trong cái quốc gia dân chủ đang được tôi bận tâm phác hoạ. Tôi thường nói về cái tinh thần Mĩ được luật pháp liên bang của người Mĩ gốc Anh tạo dựng nên ra sao. Tôi mới chỉ nói qua và nói không đầy đủ những nguy cơ đe doạ cái liên bang đó, và tôi không sao trình bày được chi tiết đâu là những cơ may cho liên bang này tồn tại lâu dài, bất kể luật pháp và tập tục của nó ra sao. Khi nói đến khối các nước cộng hoà thống nhất đó, tôi không dám đưa ra một suy đoán nào về sự trường tồn của các hình thức cộng hoà ở Tân thế giới, mà chỉ thỉnh thoảng nói ám chỉ tới hoạt động thương mại trong Liên bang, song tôi cũng không dám xem xét đến tương lai của người Mĩ như một quốc gia thương nhân.

Những đối tượng này gần sát với chủ đề nghiên cứu của tôi nhưng lại không nằm trong đó. Đó là những chuyện Mĩ nhưng không nhất thiết là dân chủ, trong khi nền dân trị mới là chân dung hàng đầu mà tôi định phác hoạ. Thế là tôi đành tạm tách chúng ra đã; nhưng bây giờ sách đang đến hồi kết, tôi phải quay lại với chúng thôi.

Cái lãnh thổ họ đang ở, hoặc cái lãnh thổ được Liên hang Mĩ tuyên bố là của mình, nằm trải từ Đại Tây Dương cho tới tận bờ biển Nam. Phía Đông và phía Tây, giới hạn của lãnh thổ này là tận cùng của lục địa. Nó đi xuống phía Nam tới bờ của vùng nhiệt đới rồi nó ngược lên tới trung tâm vùng biển băng phương Bắc.

Không giống như ở châu Âu, những con người nằm trải khắp không gian này không là đám con hoang của cùng một dòng họ. Thoạt gặp họ là thấy ngay họ gồm có ba giống người trời sinh ra đã khác hẳn nhau, và hầu như còn có thể nói là thù địch với nhau nữa. Nền giáo dục, luật pháp, nguồn gốc, cho đến cả những nét bề ngoài, đã tạo nên giữa ba giống người đó một thanh chắn hầu như không sao vượt qua nổi. Vận hội đã tập hợp họ trên cùng một mảnh đất, nhưng pha mà không trộn, và mỗi giống vẫn cứ đi theo số mệnh riêng của mình.

Trong số những con người thật khác nhau như vậy, giống người thứ nhất thu hút mắt nhìn, giống người đứng đầu về phương diện trí tuệ, về sức mạnh, về hạnh phúc, là giống da trắng, người châu Âu, kẻ xuất sắc hết nhẽ. Bên dưới con người da trắng này là người da đen và người Anh điêng bản địa.

Hai giống người bất hạnh này không có gì chung nhau cả về sự ra đời, cả về nét mặt, cả về ngôn ngữ, cả về tập tục. Họ chỉ giống nhau về những nỗi bất hạnh. Cả hai giống người này đều có vị trí thấp ngang nhau trong cái đất nước họ đang cư ngụ. Cả hai đều biết đến những tác động của bạo quyền. Và nếu như cảnh khốn cùng của họ khác nhau, cả hai đều có thể cùng kết án những tác giả chung.

Nhìn những gì xảy ra trên thế giới, liệu ta có thể nói rằng người châu Âu so với các giống người khác cũng hệt như con người so với con vật? Anh ta bắt những kẻ kia phục vụ mình theo cách mình sử dụng, và một khi thấy không thích hợp nữa, anh ta tiêu diệt chúng.

Sự đàn áp đồng thời cũng tước đoạt mất của con cháu những người châu Phi hầu hết những đặc quyền của nhân loại! Người da đen Hoa Kì đã mất đến cả kí ức đất nước mình; anh ta không còn nghe được cái tiếng nói cha ông mình vẫn nói; anh ta phải bỏ tôn giáo cũ và quên đi các tập tục xưa. Thôi không còn gắn bó gì nữa với châu Phi như vậy, song anh ta chẳng có chút quyền gì đối những điều tốt đẹp của châu Âu; anh ta dừng lại giữa hai xã hội; anh ta sống cách biệt giữa hai quốc gia; anh ta bị quốc gia này đem bán đi và được quốc gia kia xua đuổi; chỉ còn lại trên thế gian này ngôi nhà ấm êm của ông chủ mình, và đó là hình ảnh không trọn vẹn về tổ quốc của anh ta.

Người da den không có gia đình; anh ta chẳng tìm thấy gì ở người đàn bà một chút gì khác hơn là người đồng hành tạm bợ cho mấy thú vui, và khi được sinh ra, các con trai của anh cũng là những người bình đẳng với anh.

Liệu tôi có nên coi đây là một ân huệ của Chúa Trời hay đây là lời nguyền cuối cùng khi Người lên cơn giận không: cái trạng thái tâm hồn khiến con người vô cảm trước những điều khốn cùng không sao tả xiết, và thậm chí đôi khi lại còn có cả sự thích thú sa đoạ đối với nguyên nhân của những khổ đau?

Bị rơi vào vực thẳm khốn khó đó, người da đen khó mà cảm nhận được nỗi bất hạnh của mình; bạo lực đã đẩy anh ta vào cảnh sống nô lệ, rồi khi đã quen với thân phận nô lệ lại khiến anh ta có những ý nghĩ và một tham vọng của kẻ nô lệ; anh ta chiêm ngưỡng những bạo chúa hơn là căm ghét chúng và anh ta thấy được niềm vui và niềm kiêu hãnh trong sự bắt chước nhục nhã những kẻ đã áp bức mình.

Trình độ trí khôn của anh ta được hạ xuống ngang mức tâm hồn anh ta.

Người da đen cùng một lúc bước vào đời và bước luôn vào thân phận nô lệ. Tôi nói có đúng không? Lắm khi anh ta bị bán khi còn trong bụng mẹ, và có thể nói anh ta bắt đầu thân phận nô lệ trước khi chào đời.

Không có nhu cầu cũng như chẳng có thú vui, vô ích ngay cho chính mình, qua những khái niệm đầu tiên về cuộc sinh tồn, anh ta biết rằng mình là tài sản của kẻ khác, và lợi ích của anh ta chỉ còn là lo cho sự sống của chính mình. Anh ta nhận ra rằng anh ta chẳng có được quyền chăm sóc cho số phận riêng mình; ngay cả việc sử dụng tư duy cũng là một món quà vô ích được Chúa Trời ban cho, và anh ta thanh thản tận hưởng mọi đặc quyền của thân phận thấp hèn của mình.

Nếu được trả tự do, sự độc lập lắm khi đối với anh ta lại thành một cái xiềng còn nặng hơn bản thân chế độ nô lệ. Vì trong những ngày dài sinh tồn, anh ta đã học được cách thủ phận trước mọi điều, ngoại trừ thủ phận theo lí trí. Và khi lí trí trở thành kẻ dẫn dắt duy nhất cho anh ta, anh ta không làm sao nhận biết được tiếng nói của lí trí nữa. Hàng ngàn nhu cầu mới bao vây anh ta, và anh ta thiếu sự hiểu biết và năng lượng cần thiết để cưỡng lại chúng. Nhu cầu là phải đấu tranh chống lại những ông chủ, thế mà anh ta chỉ học được sự thủ phận và tính vâng lời. Tới đỉnh cao của khốn cùng, đó là thân phận nô lệ khiến anh ta thành thú vật và tự do lại dìm cho anh ta chết hẳn.

Đè nén và áp bức cũng tạo ảnh hưởng không kém đến giống Anh điêng bản địa, song tác động thì có khác.

Trước khi người da trắng đến Tân thế giới, những con người cư trú ở Bắc Mĩ sống yên lành trong rừng. Bị bỏ mặc cho những biến thiên hàng ngày của đời sống hoang dã, họ có những tật xấu và những đức tính của những nhóm người không văn minh. Người châu Âu, sau khi xua các tộc người Anh điêng bản địa đi xa vào trong hoang mạc, buộc họ phải sống cuộc đời lang thang phiêu dạt đầy những cảnh cùng khổ không sao diễn tả cho hết.

Việc cai trị những dân tộc còn mông muội chỉ tiến hành thông qua tinh thần và tập tục.

Bằng cách làm suy yếu tình cảm về tổ quốc trong các nhóm dân Anh điêng Bắc Mĩ, bằng cách làm lưu tán gia đình họ, bằng cách làm cho truyền thống của họ bị lu mờ đi, bằng cách làm thay đổi thói quen của họ, bằng cách cắt đứt chuỗi kí ức của họ và bằng cách gia tăng quá đáng các nhu cầu của họ, nền bạo quyền của châu Âu đã khiến cho các nhóm dân này sống trong hỗn độn và bớt văn minh so với trình độ họ đã đạt tới. Điều kiện đạo đức và tình trạng vật chất của các nhóm dân này không ngừng cùng nhau ngày càng trở nên tồi tệ, và càng đau khổ thì họ càng trở nên hoang dại hơn. Dẫu sao, người châu Âu vẫn không sao làm thay đổi được hoàn toàn tính cách người Anh điêng bản địa, và cùng với cái quyền tiêu diệt họ, người châu Âu lại chẳng bao giờ có khả năng khiến họ văn minh lên và buộc họ cam chịu theo mình.

Người da đen bị đẩy vào những giới hạn tột cùng của cảnh nô lệ; người Anh điêng bản địa thì bị đẩy vào những giới hạn tột cùng của sự tự do. Chế độ nô lệ không tạo ra được ở người da đen những tác động tai hoạ hơn là cảnh độc lập đối với người Anh điêng.

Người da đen đã mất hết thậm chí sự sở hữu con người mình, và cuộc đời riêng tư của họ chẳng còn gì ngoài vài ba trò ăn cắp vặt.

Con người (Anh điêng) mông muội được thả lỏng cho bản thân một khi nó có thể hành động. Anh ta mới chỉ biết được một chút thế nào là uy quyền gia đình. Anh ta không khi nào chịu uốn mình theo ý thích của đồng loại. Không có gì dạy cho anh ta biết phân biệt một sự phục tùng tự nguyện với một cảnh bầy tôi xấu hổ, và anh ta còn chưa biết tới tên gọi của luật. Với anh ta, tồn tại tự do có nghĩa là thoát ra khỏi hầu hết mọi mối dây liên hệ của xã hội. Anh ta sống thoả mãn trong nền độc lập man dại này, và anh ta muốn thà chết còn hơn phải hi sinh dù một chút nho nhỏ cái độc lập ấy. Nền văn minh có rất ít quyền lực đối với kiểu con người như vậy.

Người da đen làm cả ngàn nỗ lực vô ích để được nhập vào một xã hội xua đuổi họ. Anh ta làm theo mọi ý thích của những kẻ đàn áp mình, chấp nhận các ý kiến của họ thành ý kiến mình và tìm cách bắt chước họ để đạt khát vọng được hoà lẫn vào với họ. Người ta cho anh ta biết ngay từ khi chào đời rằng nòi giống anh ta trời sinh ra đã thấp hèn so với người da trắng, và anh ta dễ tin đó là sự thật, anh ta thấy xấu hổ cho bản thân. Trong từng nét của mình, anh ta nhận thấy có một dấu vết của chế độ nô lệ, và nếu có thể thì anh ta sẽ vui vẻ đồng tình tự xua đuổi hoàn toàn chính con người mình.

Ngược lại người Anh điêng bản địa hoàn toàn tưởng tượng thấy gốc gác giả định là quý tộc của mình. Anh ta sống và chết giữa những cơn mơ kiêu hãnh về mình. Còn xa mới chịu quỳ gối khuất phục theo tập tục của chúng ta, anh ta bám chặt lấy tình trạng hoang dại như một dấu hiệu đặc trưng của nòi giống mình, và có thể anh ta xua đuổi nền văn minh không vì căm ghét nó mà vì sợ bị giống với người châu Âu.

Đối lập lại với sự hoàn thiện các nghề công nghiệp của ta, họ vẫn giữ những nguồn vật dụng kiếm từ hoang mạc. Đối lập với chiến thuật của ta, họ vẫn giữ lòng dũng cảm vô kỉ luật cũ. Đối lập với bề sâu các dự định của ta, họ chỉ có những bản năng bột phát của bản chất hoang dại. Họ gục ngã trong cuộc chiến không cân sức này.

Người da đen những muốn được hoà vào với người châu Âu. Người Anh điêng tới một mức nào đó có thể thành công trong việc này, nhưng anh ta coi khinh việc thử làm chuyện ấy. Thân phận nô lệ của một anh này dẫn anh ta tới sự nô dịch, còn lòng kiêu hãnh của một anh kia dẫn anh ta tới cái chết.

Tôi nhớ lại chuyến đi vào miền rừng khi vẫn còn phủ kín bang Alabama, có bận kia tôi tới bên ngôi lều một người đi tiên phong mở đường. Tôi chẳng muốn bước vào dinh cơ của người Mĩ, nhưng tôi tới bên giếng nước gần đó trong rừng để nghỉ một lát. Khi tôi đang ở đó thì có một phụ nữ Anh điêng tới (đó là nơi gần lãnh thổ của tộc người Creeks). Tay chị ta dắt một bé gái chừng năm sáu tuổi, người da trắng, tôi nghĩ đó là con gái của người Mĩ đi tiên phong mở đường. Một người nữ da đen đi theo họ. Lối trang điểm của người phụ nữ Anh điêng có một vẻ sang trọng hoang dại: đeo nhẫn kim khí vào cánh mũi và tai; tóc trang điểm nhiều hạt thuỷ tinh xoã xuống vai, và tôi biết cô này chưa có chồng, vì cô ta vẫn mang vòng vô số mà các cô gái đồng trinh sẽ đem đặt trên giường cưới. Còn cô da đen thì ăn mặc quần áo châu Âu rách mướp.

Cả ba người tới ngồi bên thành giếng nước, và cô gái Anh điêng ôm đứa bé gái vào lòng, vuốt ve, tình cảm đằm thắm như thể mẹ con. Còn cô da đen kia thì tìm mọi cách ngây ngô để thu hút sự chú ý của con bé lai. Cô bé lai này trong từng cử chỉ nhỏ đều bộc lộ một vẻ hạ cố của bề trên hoàn toàn trái ngược với cái bé bỏng yếu đuối của nó. Ta có cảm tưởng con bé tỏ ra rất là bề trên khi nhận những chăm sóc vuốt ve của các cô gái đi kèm.

Ngồi xổm trước cô chủ nhỏ, săn đón từng ý thích của con bé, cô da đen dường như vừa biểu lộ một sự gắn bó mang tình cảm mẹ con lại vừa lộ ra một vẻ sợ sệt nô lệ; trong khi đó, có thể thấy trong những vuốt ve âu yếm của người đàn bà hoang dại kia một vẻ tự do, kiêu hãnh và hầu như dữ tợn nữa.

Tôi đến bên và lặng lẽ quan sát cảnh đó. Vẻ tò mò của tôi hẳn là làm cho cô người Anh điêng khó chịu, vì cô ta đứng phắt dậy, đẩy con bé ra một cách khá thô bạo, rồi đi sâu vào trong rừng sau khi đưa cặp mắt tức bực nhìn tôi.

Tôi thường có dịp bắt gặp những cá nhân thuộc cả ba giống người sống ở Bắc Mĩ hội tụ ở cùng một địa điểm. Tôi nhận ra cả ngàn tác động khác nhau chứng tỏ sự ưu đẳng của giống da trắng. Nhưng trong cảnh tôi vừa mô tả có cái gì đó làm tôi đặc biệt cảm động: một chốn cho tình âu yếm hội tụ cả người bị đè nén áp bức lẫn người đi đè nén áp bức, và thiên nhiên càng tìm cách cố gắng gắn bó họ với nhau thì lại càng làm nổi bật khoảng cách mênh mông ngăn cách họ bằng các định kiến và luật pháp.

Dịch giả:
Phạm Toàn