[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương III: Về tự do báo chí ở Hoa Kỳ

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương III: Về tự do báo chí ở Hoa Kỳ

VỀ TỰ DO BÁO CHÍ Ở HOA KÌ

Khó khăn trong việc thu hẹp tự do báo chí. − Một số quốc gia có những lí do đặc biệt để bám lấy quyền tự do đó. − Tự do báo chí là một hệ quả tất yếu về chủ quyền của nhân dân theo cách hiểu ở Mĩ. − Bạo lực ngôn ngữ của báo chí định kì ở Hoa Kì. − Báo chí định kì có những động lực hoàn toàn riêng; Hoa Kì là trường hợp đủ để chứng minh điều đó. − Dư luận của người Mĩ về việc pháp luật đàn áp giới báo chí vì các tội giới này phạm phải. − Vì sao báo chí ở Hoa Kì kém mạnh so với ở Pháp.

Tự do báo chí không chỉ thể hiện rõ quyền lực của nó đến công luận, mà còn đến tất cả các quan điểm ý kiến của con người. Báo chí không chỉ làm thay đổi luật pháp, mà còn làm thay đổi cả tập tục. Trong một phần khác của công trình này, tôi sẽ tìm cách xác định mức độ ảnh hưởng của tự do báo chí đối với xã hội dân sự Hoa Kì. Tôi sẽ tìm cách làm rõ việc báo chí định hướng tư tưởng con người ra sao, nó làm cho nếp sống của người Mĩ có màu sắc tư tưởng và tình cảm gì. Lúc này, tôi hẵng xem xét những tác động của tự do báo chí tạo ra trong đời sống chính trị đã.

Tôi phải thú nhận là, đối với tự do báo chí, tôi không có được cái tình yêu trọn vẹn và bột phát mà con người vẫn có đối với những sự vật có bản chất tốt đẹp một cách tuyệt đối. Tôi yêu báo chí vì tôn trọng việc nó ngăn chặn được những cái xấu hơn là vì những cái tốt đẹp nó tạo ra.

Nếu có ai đó chỉ ra cho tôi một lập trường trung gian khả dĩ cho tôi đứng vững giữa sự độc lập hoàn toàn và sự nô dịch hoàn toàn của tư tưởng, hẳn là tôi sẽ trú quân vào đó. Nhưng liệu ai có thể tìm ra nổi cái lập trường trung gian kia? Xuất phát từ quyền tự do phong cho báo chí, và mọi việc trở nên trật tự: bạn làm gì vậy? Trước hết bạn đem những người viết văn cho các quan toà xử, nhưng các quan toà tha bổng, và cái gì chỉ là ý kiến một con người riêng rẽ trở thành ý kiến của cả nước. Như vậy là bạn đã làm được một điều ít ỏi gì đó, vô cùng ít ỏi. Còn phải làm nữa. Bạn trao các tác giả cho các pháp quan thường trực; nhưng trước khi kết tội thì các quan toà phải thống nhất được ý kiến với nhau đã; điều gì nhà văn sợ không dám nói ra trong cuốn sách, người đó nói toáng lên trong khi cãi trước toà; và cái điều nhà văn định nói một cách tối tăm khó hiểu trong một câu chuyện được nhắc lại y nguyên trong cả ngàn câu chuyện khác. Sự biểu đạt là dạng thức bên ngoài, và tôi muốn nói như sau, nó là cái hình hài vật chất của tư tưởng, nhưng nó không phải là tư tưởng. Toà án của bạn bắt giữ cái cơ thể, nhưng tâm hồn lại thoát mất và khéo léo tuột khỏi bàn tay toà án. Như vậy là bạn đã làm được một điều ít ỏi gì đó, vô cùng ít ỏi. Còn phải tiếp tục làm nữa. Cuối cùng bạn bỏ mặc các nhà văn đó cho các nhà kiểm duyệt; hay lắm, chúng ta đang sắp tới gần cái đích cần tới rồi đây. Nhưng phải chăng diễn đàn chính trị lại không tự do hay sao? Vậy là bạn vẫn chưa hành động chút gì hết; tôi nhầm rồi, bạn chỉ làm gia tăng điều xấu xa lên thôi. Phải chăng bạn tình cờ coi tư tưởng như là một trong những sức mạnh vật chất được gia tăng chỉ vì số người mang tư tưởng đó gia tăng? Bạn định đếm đầu nhà văn như là điểm quân số hay sao? Cái đòn quật lại mọi sức mạnh vật chất là sức mạnh tư tưởng, có khi mạnh chỉ vì nhờ có số lượng nhỏ những người diễn đạt nó. Lời một người hùng cô đơn xâm nhập những đam mê của một đám đông câm tiếng có nhiều sức mạnh hơn những tiếng kêu hỗn loạn của cả ngàn diễn giả. Và cho dù ta chỉ được tự do nói năng ở chỉ một nơi công cộng, thì như thế cũng như là ta nói được công khai tại mỗi xóm thôn. Vậy là bạn cần phải thủ tiêu quyền tự do nói năng cũng như quyền tự do viết văn; nào bây giờ thì ta đã tới đích: mọi người đều im tiếng. Nhưng bạn đã tới đích chưa? Xuất phát từ những lạm dụng tự do, và tôi bắt gặp bạn đứng dưới chân một kẻ chuyên quyền.

Bạn vừa mới từ thái cực độc lập chuyển sang thái cực nô dịch mà trên cả quãng đường dài dặc ấy bạn chẳng hề gặp nổi một chốn nghỉ chân.

Có những quốc gia hoàn toàn không vướng víu vào những lí do chung như tôi vừa nêu, song lại có những lí do đặc biệt gắn bó họ với tự do báo chí.

Tại một số quốc gia tự cho mình là tự do, mỗi một nhân viên chính quyền có thể vi phạm luật pháp mà không bị hiến pháp của đất nước ấy cho phép những kẻ bị áp bức được đem khiếu nại trước công lí. Với những quốc gia này, ta không nên coi tính độc lập của báo chí như là một trong những bảo đảm, mà như là một bảo đảm duy nhất còn sót lại đối với tự do và an ninh của các công dân.

Vậy nên, một khi những con người cai quản các quốc gia đó nói tới việc tước bỏ tính độc lập của báo chí, thì toàn thể nhân dân có quyền đáp lại: Hãy để chúng tôi thưa kiện tội phạm của các vị tới các quan toà bình thường, và rất có thể khi đó chúng tôi sẽ không đưa vụ việc ra toà án dư luận.

Tại một quốc gia nơi ngự trị công khai tín điều về quyền lực tối cao của nhân dân, thì kiểm duyệt không chỉ là một nguy cơ, mà còn là một sự đại ngu xuẩn.

Khi người ta giao cho mỗi người cái quyền cai trị xã hội, thì cần phải thừa nhận ở mỗi con người đó cái khả năng lựa chọn giữa các ý kiến dư luận khác nhau đang khuấy động những người đương thời của mình và đánh giá đúng những sự kiện khác nhau mà hễ có tri thức thì có cách hiểu được.

Quyền lực tối cao của nhân dân và tự do báo chí như vậy là hai điều hoàn toàn tương thích với nhau, còn ngược lại, kiểm duyệt và phổ thông đầu phiếu là hai điều đối lập nhau và không thể gặp gỡ nhau lâu bền trong các thiết chế chính trị của cùng một quốc gia. Trong số mười hai triệu con người sống trên lãnh thổ Hoa Kì, không có duy nhất một ai lại còn cả gan đề xuất việc thu hẹp quyền tự do báo chí nữa.

Tờ báo đầu tiên tôi bắt gặp khi tới đất Mĩ có bài báo sau đây, tôi xin dịch lại nguyên xi:

Trong toàn bộ vụ việc này, ngôn ngữ của (tổng thống) Jackson là thứ ngôn ngữ của kẻ chuyên chế không có một tấm lòng, của kẻ chỉ biết một điều là giữ lấy quyền hành. Tham vọng là tội ác của ông, và ông sẽ bị trừng phạt vì nó. Ông còn quen nghe mưu đồ, và mưu đồ sẽ pha lẫn với các ý đồ của ông và sẽ tước mất đi quyền lực của ông. Ông cai trị bằng sự hủ hoá, và các thao túng tội lỗi của ông sẽ làm cho ông bối rối và hổ thẹn. Ông xuất hiện trên vũ đài chính trị như một tay chơi không biết thẹn và không biết điểm dừng. Ông đã thành công; nhưng thời khắc của công lí sắp tới; sớm muộn ông sẽ phải trả lại những gì ông đã kiếm chác được, sẽ phải vứt xa con bài lừa bịp ông dùng và cuối cùng thì rút vào xó xỉnh nào đó nơi ông có thể tự do nguyền rủa sự điên rồ của ông; vì hối lỗi chẳng phải là cái đức hạnh trái tim ông có thể biết tới. (Trích Vincenne’s Gazette)

Có vô khối người ở Pháp hình dung rằng báo chí mà có lời lẽ bạo liệt là do trạng thái xã hội bất ổn định, là do các đam mê chính trị và hệ quả kéo theo là đời sống xã hội mất thoải mái. Những người này không ngừng đợi chờ một thời kì xã hội yên tĩnh khắp nơi nơi, khi đó báo chí sẽ trở lại bình lặng. Với tôi, tôi đồng tình rằng những nguyên nhân vừa chỉ ra trên đây tạo nên một trạng thái cực đoan tuyệt đỉnh ở chúng ta; nhưng tôi không nghĩ rằng những nguyên nhân đó lại có ảnh hưởng nhiều tới cái ngôn ngữ diễn đạt trạng thái ấy. Tôi thấy rằng báo chí ra định kì có những động cơ và những đam mê riêng của chúng, hoàn toàn không bị ảnh hưởng vì cái môi trường nơi chúng đang hành động. Những gì xảy ra ở nước Mĩ làm nốt công việc chứng minh với tôi điều ấy.

Nước Mĩ vào thời điểm này có lẽ là nước trên thế giới chứa đựng trong lòng nó ít mầm mống cách mạng nhất. Song ở nước Mĩ báo chí có cùng những niềm thích thú phá phách như ở Pháp, và có cùng trạng thái bạo hành song lại không có chung những nguyên nhân tạo ra giận dữ. Ở Mĩ cũng như ở Pháp báo chí là cái thế lực đặc biệt pha trộn cực kì lạ lùng những cái tốt và những cái xấu, nhưng không có nó thì tự do chẳng thể nào tồn tại và có nó thì trật tự có thể duy trì được tàm tạm.

Điều đáng nói, đó là ở Hoa Kì báo chí có rất ít quyền lực so với ở nước ta. Ở đất nước này không có chuyện gì hiếm hơn là việc khiếu kiện báo chí. Lí do thật đơn giản: người Mĩ, khi chấp nhận với nhau cái tín điều về chủ quyền của nhân dân, đã thành thực áp dụng tín điều đó. Họ không hề có ý định dùng những thành tố thay đổi xoành xoạch hàng ngày để tạo ra những thể chế trường tồn. Tiến công vào các luật lệ hiện tồn không phải là phạm tội, miễn là người ta không có ý định dùng bạo lực để thủ tiêu chúng.

Vả chăng người Mĩ cũng tin là các toà án đều bất lực không thể kiềm chế được báo chí, và ngôn ngữ con người nhẹ nhàng uyển chuyển thường luôn luôn thấy trong những phân tích pháp lí, nên những tội phạm thuộc loại này hầu như tuột khỏi cái bàn tay định chìa ra túm lấy chúng. Họ nghĩ rằng, để có thể tác động có hiệu quả tới báo chí, thì phải tìm ra một hình thức toà án không chỉ chuyên tâm xem xét cái trật tự hiện tồn, mà còn có khả năng đứng lên trên công luận đang vùng vẫy xung quanh nó; đó là một thứ toà án xét xử mà không cho quảng bá rộng, tuyên án mà không nói rõ động cơ của các quyết định, và trừng phạt cái dụng ý nhiều hơn là những lời lẽ. Bất kì ai có được quyền tạo ra và duy trì một toà án kiểu đó hẳn là sẽ mất công theo kiện tự do báo chí; bởi vì khi đó kẻ ấy sẽ là ông chủ tuyệt đối của chính xã hội và có thể trút bỏ được cả các nhà văn lẫn các văn phẩm của họ. Trong vấn đề báo chí thực sự không có khâu trung gian giữa sự nô dịch và sự cho phép [được tự do]. Để thu lượm được những điều tốt đẹp vô cùng nhờ tự do báo chí, con người cần phải biết khuôn mình vào những điều xấu xa không tránh khỏi mà tự do báo chí tạo ra. Muốn có những thứ này mà lại tránh được những thứ kia, tức là đi theo những ảo tưởng thường thấy của các quốc gia ốm yếu khi họ đã mệt mỏi vì những cuộc giao tranh và cạn kiệt sức lực, họ đi tìm những phương cách để trên cùng một mảnh đất cùng tồn tại những ý kiến thù nghịch nhau và những nguyên tắc trái ngược nhau.

Sự kém thế lực của báo chí ở nước Mĩ có nhiều nguyên nhân, mà đây là những nguyên nhân chính:

Quyền tự do viết lách, cũng như mọi quyền khác, càng tỏ ra đáng gờm một khi đó là một cái quyền mới mẻ của con người. Người dân nào chưa từng nghe bàn luận những công việc Nhà nước ngỡ rằng báo chí là cái diễn đàn đầu tiên cho họ. Với người Mĩ gốc Anh, cái quyền tự do này cũng xưa cũ như việc tạo lập các khẩn địa. Thời đó, báo chí biết cách khéo léo đốt bùng lên những đam mê mang tính người, song chỉ riêng báo chí thì không đủ để tạo ra các đam mê ấy. Thế mà, ở Mĩ, đời sống chính trị lại năng động, đa dạng, có thể nói là quay cuồng nữa, nhưng lại hiếm khi bị xáo trộn mạnh mẽ vì những đam mê sâu xa. Hiếm khi thấy các đam mê bùng lên khi các lợi ích vật chất không bị đụng chạm, ấy vậy mà ở Hoa Kì thì các lợi ích đó lại vô thiên lùng. Để có thể đánh giá sự khác nhau giữa người Mĩ gốc Anh và chúng ta về điểm này, tôi chỉ cần nhìn báo chí của đôi bên là đủ. Ở Pháp, các quảng cáo thương mại chỉ chiếm một không gian hạn hẹp, ngay cả tin tức thì cũng không nhiều; cái bộ phận sống còn của một tờ báo là phần đăng những tranh cãi về chính trị. Ở Mĩ, ba phần tư của một tờ báo to đùng trước mắt ta đầy ắp quảng cáo, phần còn lại thường là tin tức chính trị hoặc những giai thoại nhì nhằng; chỉ thỉnh thoảng mới thấy ở một góc tờ báo ít ai chú ý một trong những cuộc tranh cãi nảy lửa, cái thứ ở nước Pháp chúng ta lại là món ăn hàng ngày cho độc giả.

Mọi quyền lực đều gia tăng sức mạnh lên cùng với sự tập trung hoá công việc điều hành. Đó là một quy luật chung của tự nhiên chỉ cần ta quan sát kĩ là rõ ngay thôi, và những anh độc tài nhỏ bé nhất thì cũng có được ngay khả năng thiên bẩm nhận diện điều đó.

Ở Pháp, báo chí là nơi hội tụ hai kiểu tập trung hoá khác nhau rõ rệt.

Hầu hết quyền lực báo chí ở Pháp được tập trung vào một nơi, và có thể nói là vào một con người, vì các cơ quan làm việc này có số lượng rất ít.

Được thành lập như vậy trong lòng một dân tộc có tính hoài nghi, quyền lực của báo chí gần như phải là vô biên. Đó là một kẻ thù mà chính quyền có thể có những cuộc hưu chiến dài ngắn ít nhiều với nó, nhưng dứt khoát chính quyền không thể chịu đựng lâu dài được báo chí.

Cả hai kiểu tập trung hoá như tôi vừa nói đến đều không có ở nước Mĩ.

Hoa Kì chẳng có thủ đô: ánh sáng cũng như sức mạnh được tản mát ở khắp nơi trên cái xứ sở mênh mông này. Những vầng sáng trí tuệ người, thay vì toả ra từ một trung tâm, lại đan chéo nhau loạn xạ. Người Mĩ không có ở bất kì nơi nào một trung tâm điều khiển tư duy con người, cả trung tâm điều khiển công việc cũng không có nốt.

Điều này có nguyên do ở những điều kiện tại chỗ, chúng không tuỳ thuộc vào con người, mà tuỳ thuộc vào luật pháp:

Ở Hoa Kì không có môn bài cho các nhà in, không có tem đăng kí các tờ báo, nghĩa là họ không biết tới những luật lệ bảo chứng.

Kết quả từ đó là việc ra một tờ báo thật đơn giản và dễ dàng; chỉ với số lượng người đặt mua ít ỏi là đủ chi trả mọi phí tổn ra một tờ báo: vì thế mà số lượng báo chí định kì và không định kì ở Hoa Kì nhiều đến mức khó tin. Những người Mĩ sáng láng nhất cho rằng sự phát tán sức lực báo chí không thể tin được như vậy là do nó yếu: có một tiên đề của khoa chính trị học Hoa Kì phát biểu rằng phương tiện duy nhất để trung hoà các tác động của báo chí đó là làm gia tăng số lượng chúng lên. Tôi không làm cách nào hình dung nổi một chân lí hiển nhiên đến thế mà lại không trở thành một chân lí thô thiển hơn nữa ở nước Pháp chúng ta. Vâng, thì những ai muốn làm các cuộc cách mạng bằng báo chí tìm cách đem lại cho báo chí vài ba tổ chức mạnh, điều này với tôi chẳng có gì khó hiểu. Nhưng khi thấy những người của nhà nước muốn duy trì trật tự đất nước mà lại tính chuyện làm giảm bớt hoạt động báo chí bằng cách tập trung hoá ngành hoạt động này thì tôi tuyệt đối không thể hiểu nổi. Tôi cảm thấy các chính quyền ở châu Âu đối đãi với báo giới hệt như cung cách các hiệp sĩ thời xưa đối đãi với kẻ kình địch: theo kinh nghiệm thì họ thấy tập trung hoá là một vũ khí mạnh, và họ muốn kẻ thù của mình cũng tập trung hoá sao cho đánh bại được đối thủ ấy thì vinh quang càng quang vinh hơn.

Ở Hoa Kì hầu như chẳng có một thôn ấp nhỏ nào lại không có tờ báo riêng. Ta dễ dàng hiểu là với vô số chiến binh như vậy thì chẳng thể nào xác lập được kỉ luật và cũng chẳng thống nhất nổi hành động: vì thế mà ta thấy mỗi tờ báo lại giương cao ngọn cờ riêng của mình. Không phải là vì tờ báo chính trị nào của Liên bang cũng đứng về phe ủng hộ hoặc phe chống lại chính quyền, nhưng các báo đó công kích hoặc bênh vực chính quyền bằng vô vàn cách khác nhau. Như thế, báo chí không tài nào dựng lên được ở Hoa Kì những dòng dư luận lớn đủ sức dâng cao hoặc tràn qua những con đê hùng vĩ. Sự chia rẽ lực lượng này của báo giới còn tạo ra những tác động khác nữa không kém lạ lùng: do chỗ ra một tờ báo là chuyện dễ dàng, nên ai ai cũng có thể làm được việc đó; mặt khác, việc cạnh tranh khiến cho một tờ báo không thể hi vọng thu lợi nhuận thật cao; điều đó khiến cho những khả năng công nghiệp lớn chỉ đứng ngoài không dính vào kinh doanh báo chí. Vả chăng do có nhiều báo chí nên cho dù báo chí có là nguồn sinh lợi nhuận chăng nữa thì vẫn không đủ các người viết văn có tài để điều hành chúng. Ở Hoa Kì, nhà báo nói chung có vị trí không cao lắm, trình độ học vấn của họ sơ khoáng, và ý tưởng họ trình bày lắm khi thô thiển. Thế nhưng ở đâu thì phe đa số cũng là kẻ làm luật; phe đa số tạo ra những kiểu dáng để rồi thành đồng phục cho tất cả; toàn bộ những tập tục chung đó làm thành một cái linh hồn: có cái linh hồn của luật gia, có cái linh hồn của phiên toà. Ở Pháp, cái linh hồn của nhà báo là thảo luận một cách bạo hành nhưng ở bậc cao và thường là hùng hồn, về những lợi ích lớn của Nhà nước. Nếu có đôi khi không như thế thì chỉ là vì luật nào cũng có ngoại lệ mà thôi, ở nước Mĩ, linh hồn của nhà báo là tinh thần tấn công một cách thô kệch, không uốn éo kiểu cách, đánh vào mọi đam mê của những ai là mục tiêu của báo chí, không đánh vào nguyên tắc mà chỉ cần đánh trúng con người, săn lùng những con người này vào đến tận đời tư, và bóc trần mọi yếu đuối và khiếm khuyết của những con người đó ra.

Cần phải thương tình cho một sự lạm dụng tư tưởng như thế. Rồi tôi sẽ có dịp tìm hiểu xem báo chí có ảnh hưởng ra sao đến thị hiếu và đạo đức người Mĩ. Nhưng xin nhắc lại là bây giờ tôi hãy quan tâm đến các vấn đề chính trị cái đã. Ta không thể che giấu những tác động chính trị của việc ban phát tự do báo chí, rằng chuyện đó lại không gián tiếp góp phần duy trì sự yên bình công cộng. Kết quả là những con người đã có một vị trí cao trong dư luận công dân nước mình đều chẳng dám viết báo nữa và do đó mà mất đi cái vũ khí đáng gờm bậc nhất có thể đem dùng để huy động các đam mê của dân chúng có lợi cho họ. Đặc biệt khi các nhà báo trình bày các quan điểm cá nhân của họ, thì có thể nói là chúng chẳng có mấy giá trị đối với bạn đọc. Cái mà độc giả đi tìm trong tờ báo là những vụ việc. Và báo chí thì chỉ có thể ảnh hưởng đôi chút lên dư luận bằng cách làm đổi thay hoặc làm biến chất các vụ việc đó mà thôi.

Bị đẩy đến chỗ chỉ còn biết tự mình trông cậy vào mình, ấy thế mà ở nước Mĩ báo chí vẫn còn quyền lực vô cùng to lớn. Nó chuyên chở cuộc sống chính trị đi khắp hang cùng ngõ hẻm trên cái lãnh thổ mênh mông kia. Chính nó có đôi mắt luôn luôn mở to để vạch trần những động lực bí mật của nền chính trị và bắt buộc những con người của công chúng phải lần lượt bị đem xét xử trước toà án dư luận. Chính báo chí tập hợp các lợi ích xung quanh những học thuyết nhất định và phát biểu thành biểu tượng của các đảng. Chính nhờ báo chí mà các đảng này lên tiếng được với nhau mà chẳng cần gặp mặt nhau, đồng tình được với nhau mà chẳng cần liên hệ với nhau. Khi một số lớn cơ quan báo chí cùng đi được theo một hướng, thì về lâu dài ảnh hưởng của chúng là điều không ai cưỡng nổi, và dư luận khi luôn luôn bị đánh vào một phía, cuối cùng phải nhường bước chịu thua báo chí mà thôi.

Ở Hoa Kì, mỗi tờ báo tách riêng ra thì có ít quyền lực; nhưng toàn bộ báo chí ra định kì đối với nhân dân vẫn còn là một trong những thế lực hàng đầu. (Xem A)

Ý kiến và dư luận hình thành dưới ảnh hưởng của sự tự do báo chí ở Hoa Kì thường khi còn bền bỉ hơn là ý kiến và dư luận hình thành dưới ảnh hưởng của báo chí bị kiểm duyệt.

Ở Hoa Kì, nền dân trị không ngừng đưa những con người mới đứng ra điều hành công việc. Vậy là các biện pháp của chính quyền ít có tính liên tục và trật tự. Nhưng các nguyên tắc chung của chính quyền ở đó vẫn ổn định rất nhiều so với nhiều nước khác, và các luồng dư luận chính điều chỉnh xã hội ở đó vẫn tỏ ra lâu bền hơn cả. Khi một ý tưởng chiếm được đầu óc nhân dân Mĩ, dù đó là ý tưởng đúng đắn hoặc phi lí, thì không có việc gì khó hơn là trục bỏ được ý tưởng đó khỏi đầu óc họ.

Cũng có chuyện đó xảy ra ở nước Anh, là quốc gia châu Âu trong cả một thế kỉ đã có một sự tự do tư tưởng lớn nhất hạng và những định kiến thì cũng vững chắc nhất hạng.

Tôi cho là điều này do chính nguyên nhân mà thoạt nhìn thì như thể nó sẽ ngăn cản điều đó [tự do tư tưởng song song với định kiến] xảy ra, ấy là tự do báo chí. Người dân các quốc gia có cái tự do đó bám chặt vào ý kiến quan điểm của họ cả vì kiêu căng lẫn vì có niềm tin thực sự. Họ yêu các ý kiến quan điểm đó vì chúng là do họ chọn, và họ khư khư bám lấy không chỉ như một cái có thật mà còn như một thứ của riêng.

Còn có vô số nguyên do khác nữa.

Một vĩ nhân đã nói rằng sự ngu dốt nằm ở hai cực của khoa học (L’ignorance était aux deux bouts de la science − ND). Có thể nói như vậy sẽ đúng hơn nói rằng các niềm tin sâu xa chỉ nằm ở hai cực còn ở giữa là sự hoài nghi. Thật vậy, ta có thể coi trí khôn con người nằm trong cả ba trạng thái khác nhau rõ rệt và thường khi [diễn ra] liên tiếp nhau.

Con người có niềm tin vững chắc bởi vì nó tiếp nhận mà chẳng chịu khơi sâu. Nó hoài nghi khi thấy có những điều chống đối lại. Thường thì nó có thể giải quyết được mọi nỗi hoài nghi, sau đó lại bắt đầu tin tưởng trở lại. Lần này, con người không còn nắm bắt chân lí ngẫu nhiên và trong chốn tăm tối nữa; nhưng nó lại nhìn thẳng vào chân lí và trực tiếp đâm sầm vào nguồn sáng chân lí.

Khi tự do báo chí bắt gặp con người trong trạng thái thứ nhất, nó để cho con người trong thời gian dài có cái thói quen tin tưởng mãnh liệt mà không suy xét gì như vậy; có điều là con người mỗi ngày lại thay đổi đối tượng những niềm tin không có suy xét của họ. Trên toàn bộ chân trời trí tuệ, đầu óc con người vậy là vẫn cứ tiếp tục lúc nào cũng chỉ nhìn thấy một điểm; nhưng điểm đó không ngừng thay đổi. Đó là thời kì của những cuộc cách mạng đột nhiên xảy tới. Khốn thay cho những thế hệ đầu tiên đột ngột tiếp nhận tự do báo chí!

Thế rồi hệ thống tư tưởng mới gần như lan tràn khắp nơi. Được trải nghiệm rồi, con người lao vào hoài nghi và không tin vào mọi điều.

Ta có thể đoan chắc là đại đa số con người luôn luôn dừng lại ở một trong hai trạng thái này: nó tin tưởng mà chẳng biết vì sao lại tin, hoặc là nó chẳng biết chắc phải tin vào cái gì.

Còn với cái thứ niềm tin có suy nghĩ và chủ động phát sinh từ khoa học và mọc cao lên khỏi cái môi trường bị lung lay vì hoài nghi, thì điều đó bao giờ cũng chỉ xảy tới với rất ít ỏi những ai nỗ lực đạt tới chốn ấy.

Thế mà, như ta đã thấy, trong những thế kỉ sặc niềm tin tôn giáo, con người đôi khi có thay đổi niềm tin, trong khi vào những thế kỉ hoài nghi, mỗi con người vẫn khư khư giữ lấy niềm tin riêng. Cũng xảy ra chuyện đó trong chính trị vào thời đại tự do báo chí. Tất cả các học thuyết xã hội đã lần lượt được thử thách trong cuộc đấu tranh, những con người nào bám chắc lấy một trong những học thuyết đó thì cố giữ lấy nó, họ hành động như thế không phải vì tất cả bọn họ đều tin chắc học thuyết đó là tốt, mà vì họ không biết chắc là liệu còn có học thuyết nào khác tốt hơn chăng.

Trong những thế kỉ đó, con người không dễ dàng hi sinh tính mệnh mình vì những quan niệm riêng. Nhưng tuy con người không thay đổi quan niệm nữa, song ta cũng lại ít bắt gặp những kẻ tuẫn đạo cũng như những kẻ phản đạo.

Thêm vào nguyên nhân đó còn một nguyên nhân nữa mạnh mẽ hơn nhiều: hoài nghi các quan niệm, cuối cùng con người chỉ gắn bó với bản năng và lợi ích vật chất, là những điều về bản chất được thấy rõ hơn, cụ thể hơn và thường xuyên tồn tại hơn so với những quan niệm.

Có một vấn đề rất khó ấy là quyết định xem cái nào cai quản xã hội tốt hơn, dân trị hay quý tộc trị. Nhưng rõ ràng là nền dân trị thì làm cho quý tộc trị khó chịu, còn nền quý tộc trị thì đàn áp nền dân trị.

Đó là một chân lí tự hình thành và con người không cần phải bàn cãi: bạn thì giàu còn tôi thì nghèo.

CHÚ THÍCH

(A)

Vào tháng Tư năm 1704 xuất hiện tờ báo Mĩ đầu tiên. Báo được xuất bản ở Boston. Xin xem Collection de la Société historique de Massachusetts, tập VI, trang 66.

Ta sẽ nhầm khi tin rằng ở nước Mĩ báo chí định kì bao giờ cũng được hoàn toàn tự do. Người ta đã có ý định xây dựng ở bên đó một thứ gì tương tự như cơ quan kiểm duyệt và cảnh báo trước khi báo in.

Đây là tài liệu tìm thấy trong đống tài liệu pháp lí bang Massachusetts ghi ngày 14 tháng Giêng năm 1722.

Uỷ ban do Đại hội toàn thể cử ra (tổ chức lập pháp tỉnh) để xem xét vấn đề liên quan đến tờ báo có tên New England courant “cho rằng khuynh hướng của tờ báo này là biếm nhạo tôn giáo và làm cho mọi người khinh rẻ tôn giáo; rằng tờ báo này viết về các tác giả thánh thiện một cách vô đạo và bất kính; rằng hành vi của các giám mục Tin lành đã bị diễn giải theo lối nhạo báng; rằng chính quyền của Đức Vua đã bị tờ báo chửi rủa và nền hoà bình và sự an lành của tỉnh này bị tờ báo kể trên làm rối loạn; do vậy, uỷ ban đồng tình là phải cấm James Franklin, chủ nhà in và chủ bút trong tương lai không được in và xuất bản tờ báo này hoặc bất kì văn phẩm nào mà trước đó không nộp lên thư kí tỉnh xét duyệt. Các pháp quan toà hoà giải tổng Suffolk có trách nhiệm cảnh báo tới ông Franklin phải có hành vi đúng đắn trong năm nay.”

Đề nghị của uỷ ban được chấp nhận và thành luật, nhưng hệ quả thì chẳng có gì. Tờ báo né tránh việc bị cấm bằng cách ghi tên Benjamin Franklin thay cho tên James Franklin ở vị trí bên dưới các cột báo, và cuối cùng dư luận kết án lại biện pháp trừng trị kia.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn