P/v ông Đậu Anh Tuấn: Kiểm tra chuyên ngành xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp
Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” của Bộ Tài chính đang được trình Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để làm rõ một số nội dung căn bản, xuyên suốt trong nội dung Đề án, Tạp chí Tài chính đã có cuộc phỏng vấn TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
- Phóng viên: Thưa ông Đậu Anh Tuấn, dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật có liên quan nhiều đến cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về việc Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
- TS. Đậu Anh Tuấn: Chúng tôi đánh giá cao Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xây dựng Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” với mục tiêu cải cách toàn diện và thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đề án đã đưa ra 7 giải pháp cải cách lớn nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay trong công tác kiểm tra chuyên ngành như: trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất giữa Luật và Nghị định hướng dẫn, giữa quy định và thực tế triển khai của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; quy định về miễn giảm chưa được áp dụng đầy đủ, thực chất; tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết, có nhiều cơ quan/tổ chức tham gia vào quy trình thông quan đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong khi vẫn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác kiểm tra chuyên ngành… dẫn đến kéo dài thời gian cũng như chi phí làm thủ tục của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đây cũng là những vấn đề mà VCCI đã phản ánh tới Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tiến hành cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Các giải pháp được đưa ra trong Đề án không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong công tác kiểm tra chuyên ngành mà còn xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là chính giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, việc cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đề án đã làm rõ được quy trình, thủ tục về kiểm tra chuyên ngành cũng như xác định rõ về cơ quan đầu mối, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, các phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm).
- Đối với những cải cách căn bản về phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm được đề cập trong Đề án, theo ông, điều này sẽ có tác động gì đến công tác xuất nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm trong thời gian tới?
- Một điểm đặc biệt trong nội dung Đề án chắc chắn sẽ có tác động mạnh, lan tỏa rất rộng và được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng thực phẩm đón nhận theo chiều hướng tích cực, đó là Đề án đã đề xuất việc áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm theo mặt hàng để giảm tối đa lô hàng cần phải kiểm tra…
Bên cạnh đó, Đề án cũng đã xác định rõ yêu cầu áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, thống nhất và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan…
Tôi cho rằng đây là những nội dung cải cách rất quan trọng, sẽ giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi hy vọng rằng những nội dung cải cách quan trọng mà Đề án đưa ra sẽ sớm được hiện thực hoá và được truyền tải đầy đủ tinh thần cải cách của Chính phủ trong quá trình sửa đổi quy định pháp luật cũng như quá trình thực thi sau này.
Về phía VCCI, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai Đề án, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Bùi Dương, Kiểm tra chuyên ngành xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính, 1/10/2020