Báo khoa học
Ba tạp chí trí thức những năm trước thế chiến II
1941. Thế chiến II bước sang năm thứ ba. Ở Đông Dương từ năm trước Nhật đã nhiều lần làm áp lực trên Pháp để chặn đường tiếp tế cho quân Tưởng Giới Thạch qua ngả đường sắt từ Hải Phòng đi Vân Nam, dẫn tới việc chính phủ Vichy thay toàn quyền Catroux (thân De Gaulle) bằng đô đốc Decoux (22.7.1941) và nắm quyền cai trị Đông Dương - trên thực tế là dưới sự giám sát của Nhật, cũng như ở chính quốc chính phủ Vichy tuy trên danh nghĩa là kiểm soát một nửa nước (“vùng tự do”) thực chất chỉ là bù nhìn của Đức quốc xã.
Về phía người Việt, những đợt đàn áp của thực dân sau các cuộc nổi dậy có phần manh động năm 1930 (khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc dân đảng, Xô viết Nghệ Tĩnh của đảng Cộng sản) làm suy yếu hẳn các đảng phái Quốc gia, nhưng những người Cộng sản đã tồn tại được nhờ bám rễ vào các thành phần cơ bản của xã hội, và đủ sức tiến hành một bước chuyển biến có tính quyết định với việc thành lập Mặt trận Việt Minh vào tháng 5.1941 và trở thành lực lượng nắm được ngọn cờ độc lập dân tộc trong mắt quốc dân.
Tuy nhiên, hai chữ “cộng sản” vẫn làm ngần ngại những thành phần trí thức ở các thành thị, và nhiều người trong thành phần này đã chọn con đường báo chí để nói lên tiếng nói của mình trước thời cuộc. Để tránh né lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền thực dân (nên nhớ, tờ Ngày Nay của nhóm Tự lực Văn đoàn đã bị rút giấy phép năm 1940, nhiều người chủ chốt như Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí... bị Pháp bắt. Xem bài Giới thiệu Phong Hóa Ngày Nay của Phạm Thảo Nguyên và Nguyễn Trọng Hiền trên mặt báo này) họ chọn đi vào các lãnh vực văn hoá, giáo dục, học thuật nhưng tâm tưởng về nền độc lập dân tộc không hề phai nhạt. Chỉ riêng trong năm 1941, mặc dù những điều kiện khó khăn của cuộc sống thời chiến, thuộc địa, đã xuất hiện các tờ tạp chí nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống văn hoá VN những năm sau: tờ Tri Tân (tháng 6) và Thanh Nghị (tháng 5). Một tờ khác chỉ ra đời vào tháng 1.1942 nhưng cũng đã được thai nghén trong cùng thời gian đó: Báo Khoa học. Những người chủ trương ba tạp chí đó đều là những trí thức nổi tiếng của đất nước thời đó, đều quen biết và tôn trọng lẫn nhau, như được nêu rõ trong hồi ký của luật gia Vũ Đình Hoè, người chủ trương tờ “Thanh Nghị” cùng với nhóm bạn của ông, các ông Hoàng Thúc Tấn, Phan Anh, Lê Huy Vân, Vũ Văn Hiền.
Thật vậy, chương mở đầu Hồi ký, viết về “Xuất xứ và tổ chức của Thanh Nghị”, sau khi nói về quá trình thảo luận dẫn đến quyết định làm tờ Thanh Nghị, và tình hình chung của các nhóm sinh viên, trí thức, cho biết thêm:
“Nhóm các nhà khoa học đứng tuổi như kỹ sư giám đốc thiên văn đài Phủ Liễn Nguyễn Xiển, giáo sư toán học Hoàng Xuân Hãn, bác sĩ bệnh viện bảo hộ Nguyễn Đình Hào, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, kỹ sư điện Nguyễn Duy Thanh, kỹ sư cơ khí Nguyễn Văn Thu, v.v. giữ những trọng trách trong các ngành chuyên môn của chính quyền Bảo hộ, đang chuẩn bị ra tờ tạp chí Khoa học. Họ dự tính dùng hoàn toàn tiếng Việt trong việc dạy học và viết sách, về tất cả các môn khoa học. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã soạn xong cuốn “Danh từ khoa học” được đồng nghiệp đánh giá cao.
Nhóm các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ học thuộc trường Viễn Đông Bác cổ Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, cùng với các nhà văn, nhà sử học Hoàng Thúc Trâm, Chu Thiên, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh, v.v. đã được phép xuất bản tờ tuần báo Tri Tân chuyên về văn hoá và sử học.”[1]
Cả hai tờ Tri Tân và Thanh Nghị đều đã là chủ đề của rất nhiều nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, và đã được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tái bản dưới hình thức CD kèm theo các bài giới thiệu và tổng mục lục[2]. Chưa phải là một nghiên cứu sâu, bài viết này sẽ giới thiệu Báo Khoa học (viết tắt: BKH) trong tinh thần mạch bài về các tạp chí phổ biến khoa học thời thuộc Pháp ở Việt Nam[3]. BKH là tạp chí thứ tư và cuối cùng trong loại tạp chí này. Sau đó là cuộc Kháng chiến 9 năm, rồi chia đôi đất nước (1954-1975), thời kỳ mà cả hai miền đều có những tạp chí của mình, cần được nghiên cứu, giới thiệu với công chúng hôm nay cũng như mai sau - để lịch sử đất nước không chỉ là tiếp nối những cuộc chiến tranh và những sự kiện triều chính. Nhưng đó là một chuyện khác...
Vài thông tin chung(*)
Báo Khoa học ra đời ngày 1.1.1942, trên nguyên tắc là mỗi tháng ra một kỳ nhưng có nhiều số kép ghi hai tháng (chẳng hạn: số cuối cùng là số 35-36, tháng 11-12.1944) nên sống được tròn ba năm mà chỉ có 30 số báo (nếu tính số kép là một): năm đầu đủ 12 số, năm thứ nhì có 10 số đơn và một số kép (số 13-14, chung cho tháng giêng, hai 1943 - nhưng không phải số Xuân như các báo khác, toà soạn cũng không cắt nghĩa mà chỉ chú thích ở trang cuối là “Tuân lệnh tiết kiệm giấy chúng tôi buộc phải tính số đặc biệt như là hai số 13 và 14...”). Năm cuối (1944) chỉ giữ được hai số đơn (tháng 7 và tháng 8), còn lại là năm số kép: giấy in cũng xấu hơn, hiển nhiên là áp lực của chiến tranh lên đời sống kinh tế - xã hội không cho phép tờ báo tiếp tục như trước.
Bìa: Trong suốt ba năm ra báo, Khoa học gần như không đổi bìa: trên tên báo viết hoa là dòng chữ cho biết năm ra báo - số báo (bên trái), ngày tháng (bên phải) và những số đặc biệt thì có thêm giá báo (giữa dòng), khác với giá bình thường ghi ở măng-sét trên đầu trang nhất sau bìa.
Ở giữa bìa 1 là một cột chữ nho trích từ Luận Ngữ: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã (Biết thì nói là biết; không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy)”, hai bên là hai chữ nho “Khoa - Học” (trừ trên số 1, hai chữ này được viết thành một thành một vòng tròn đặt ở giữa, trong khi hàng chữ Luận ngữ được trình bày bên trái) - tác giả xin cảm ơn GS Hoàng Dũng, TP HCM, đã giúp đọc mấy chữ nho này. Sau cùng, phía dưới là tên ba vị Chủ nhiệm, Sáng lập và Chủ bút (xem phần nhân sự báo). Dưới cùng là địa chỉ báo quán, ban đầu ở số 7 Hàng Gai, sang đầu năm thứ nhì (số 13-14, tháng Giêng, Hai 1943) dọn sang nhà số 12b phố Dieulefils, bốn tháng sau (số 17, tháng 5 1943) lại phải dọn sang 46 phố Hàng Cói, ở đây được hai tháng thì dọn về 214 phố Hàng Bông cho tới ngày đình bản.
Trang bên trong bìa (bìa 2) được dành cho mục lục, những số đầu tiên có thêm danh sách ban biên tập phía trên mục lục. Năm cuối (1944) thì mục lục được trình bày gọn hơn, chỉ chiếm khoảng 1/3 trang và được đặt dưới măng-xét.
Sau cùng, hai trang cuối của bìa thường là quảng cáo (bìa 3 và 4) và cuối bìa 4 là thông tin về nhà in (nhà in Trung Bắc, Hà Nội). Trên bản nộp lưu chiểu có mộc (con dấu) và chữ ký của chủ nhiệm, và vài chữ viết tay xác nhận đã in bao nhiêu số (hình 3), theo đó người ta được biết là năm đầu tiên, mỗi số báo được in 2500 bản, năm cuối chỉ còn 2000.
(Bìa 1 và 2, số 4)
Giá báo này sẽ được tăng lên thành 0$40 mỗi số, 4$ một năm và 2,2$ sáu tháng kể từ đầu năm 1943 do “giá giấy mực, tiền gửi báo và công người làm ngày càng cao” (thông báo trên số 12).
(Lưu chiểu - dépot légal, số 25-26)
(Quảng cáo, số 12)
Số trang: cho tới số 18, mỗi số báo Khoa học gồm 48 trang không tính 4 trang bìa, trừ số kép có khi nhiều hơn, sau đó từ số 19 báo rút xuống còn 40 trang (thông báo trên số 18). Năm đầu tiên, mỗi số báo được đánh số trang lại từ 1 tới 48, các trang bìa không đánh số. Hai năm sau, số trang được đánh liên tục, năm 1943 từ trang 1 (số kép tháng giêng - hai, từ trang 1 tới trang 56) tới trang 488 (số tháng 12), năm 1944 từ trang 1 tới trang cuối là 324.
Nội dung
Tôn chỉ, Mục đích
Mục đích của tờ báo được nói rõ trong Lời nói đầu đăng ở số đầu tiên, xin chép lại toàn văn dưới đây, qua đó ta dễ dàng thấy những điểm chung cũng như những khác biệt so với các tờ “tiền bối”, mà rõ nhất là sự vắng bóng những bài về khoa học thường thức cho nông nghiệp, tiểu công nghiệp...
“Ngày nay khoa học đã tràn khắp trong nước, chẳng mấy người không được trông thấy đèn điện, ô tô, tàu bay, đại bác. Dẫu là người không nghĩ tới khoa học, thấy vậy cũng tự hỏi sao người ta sáng chế ra được những dị vật ấy, và tự nhiên muốn biết nguyên lý của các sự phát minh (Người viết nhấn mạnh - cũng như mấy chỗ in nghiêng khác)
Người được học nhiều thì đã có sách chữ Pháp, chữ Hán giảng giải. Còn người biết chữ quốc ngữ thì chưa biết tìm kiếm ở đâu.
Sách vở khoa học bằng tiếng mình rất hiếm. Báo chí lại càng ít ỏi. Những người trí thức chuyên môn ít ai chịu khó chăm về việc truyền bá cái sở học của mình.
Vì những lẽ đó nên “báo Khoa Học” ra đời
Mục đích tóm lại có hai phần:
Một là truyền bá ý tưởng khoa học và phương pháp khoa học cho những người không biết đọc các sách của Tây phương.
Hai là để cho những người đã đọc sách tây phương mà nay muốn có dịp giải khoa học bằng tiếng nước nhà, và tìm một tôn chỉ chung về sự lập một văn hoá mới cho quốc dân về phương diện khoa học.
Muốn đạt mục đích đầu, “Báo Khoa học” sẽ giải những vấn đề quan trọng về các ngành trong khoa học như Vật học, Hóa học, Toán học, Y học, Thiên văn, Địa học, Cơ khí, Kỹ nghệ vân vân. Mỗi khoa sẽ có một mục riêng trong báo.
Về phương pháp khoa học thì xét qua luận lý trong bài sẽ hiểu cách quan sát, thí nghiệm, suy đoán có quy củ của các nhà khoa học. Lại còn có những sự tích về các vĩ nhân khoa học, sự tích những vấn đề khoa học để tỏ sự tiến bộ của những sự phát minh.
Về mục đích thứ hai, tờ báo là cơ quan chung của các bạn trí thức nhất là các bạn tân tiến có dịp tỏ ra rằng tiếng nước nào cũng có thể, thành tiếng khoa học, chỉ có sự cần dùng mới bắt buộc phải phát minh. “Báo Khoa Học” sẽ chứng minh rằng không có một vấn đề khó khăn nào mà không giảng bằng tiếng Việt Nam được. Sự giảng rõ hay không là bởi người giảng. Sự hiểu rõ hay không là của người nghe. Ở nước nào cũng vậy, bằng tiếng nước nào cũng vậy.
“Báo Khoa học” là một cơ quan của tất cả những người tự tin, của tất cả những người mong rằng với phương pháp khoa học, với tác dụng của khoa học, nước ta không phụ với cái danh “văn hiến bốn ngàn năm”.
Trong lời giới thiệu một số đặc biệt “gồm các bài giải các bài thi khoa học ở Đông Dương về kỳ hè năm nay, từ ban thành chung đến ban đại học. Các bài tính ấy thuộc về các khoa toán học, cơ học, lý học, hoá học.” (số 33-34, tháng 9-1.1944), Hoàng Xuân Hãn trở lại mục đích thứ hai ấy một lần nữa:
“Đối với các thí sinh (...) dẫu chưa quen danh từ, nhưng đối với bài vừa trình độ của mình cũng tự nhiên đoán được. Đối với độc giả không chuyên tâm về khoa học, tập đặc san này có thể làm mạnh lòng tin rằng tiếng ta, cũng như tiếng mọi nước, dùng về khoa học được.” (...).
Ông kết luận bằng cách vạch rõ ý nghĩa văn hoá, chính trị của mục tiêu mà tờ báo đeo đuổi:
“Chúng tôi nghĩ rằng một dân tộc mà chưa có một phần lớn[1] người làm chuyên môn khoa học thì dân tộc ấy hèn về phương diện vật chất. Nếu chưa có một phần lớn người hiểu nghĩa chữ khoa học một cách thâm thuý thì dân tộc ấy còn non về phương diện tinh thần. Hèn vật chất, non tinh thần, dân tộc ắt bị diệt vong. Dân ta đã che mắt đi đến bờ vực thẳm ấy. Ước mong rằng Báo Khoa học là một đơn thuốc giải mê!”
Bài vở
Có lẽ, để giúp cho người đọc theo dõi việc thực thi các mục tiêu đó, tờ báo bắt đầu từ số 8 đã xếp các bài viết vào chung một số mục như Danh từ khoa học, Lý thuyết và đại cương, Thực hành..., nhưng việc sắp xếp này không hiểu sao lại chấm dứt vào số 22. Tuy nhiên, trong bảng Tổng mục lục kèm đây (xin bấm vào tên tệp xls dưới bài), người viết đã dựa theo sắp xếp đó để chia mục cho tất cả các bài của ba năm báo, với kết quả dưới đây:
Tên các mục (các ký hiệu M1, M2... là do tác giả tự đặt).
M0: Báo Khoa học và bạn đọc (22 bài)
M1: Danh từ khoa học (17 bài)
M2: Lý thuyết và đại cương (86 bài)
M3: Phổ thông (59 bài)
M4: Thực hành (49 bài)
M5: Toán pháp giải trí (34 bài)
M6: Quan sát và thí nghiệm (4 bài)
M7: Lịch sử Khoa học (15 bài)
YD: Y dược (24 bài)
Mục Danh từ Khoa học mở đầu với bài viết “Bàn về vấn đề Khoa học Tự điển” của Chủ bút Đặng Phục Thông trong số 1, tiếp đến trong số 2 là bài Tập “Danh từ Khoa học” của Hoàng Xuân Hãn, đăng lại một “Bài trình ở Hội nghị Khoa học tại Đông Dương”, có “thêm một vài chỗ”. Như tiểu đề của bài cho biết, đây là một bản trình bày (ngắn) một vài ý của tác giả khi soạn thảo cuốn Danh từ Khoa học, lúc đó đang chuẩn bị phát hành (trong mùa xuân năm 1942). Toàn văn những ý tưởng này được tác giả viết trong phần Lời dẫn đăng trên đầu cuốn sách, sau lời Tựa, bao gồm những nguyên tắc lần đầu tiên được ông đưa ra một cách có hệ thống với những phân tích xác đáng nhất trong việc lập ra bộ Danh từ Khoa học. Lời dẫn này hiện nay có nhiều bản được truyền trên mạng, kể cả trên mặt báo này (ở đây), nhưng đều thiếu phần “V. Danh pháp hoá học”. Rất may, Thư viện Quốc gia Pháp đã đưa lên mạng toàn văn cuốn sách, do NXB Minh Tân, Paris, tái bản lần thứ ba năm 1951. Bạn đọc có thể bấm vào đường dẫn này để vào thẳng trang đầu của Lời dẫn. Tất nhiên, qua thử thách của thực tiễn, một số danh từ do tác giả và các bạn đồng chí trong tạp chí đề nghị không còn được người sau sử dụng, nhưng nói chung đọc các bài viết trên Báo Khoa học, người hôm nay cũng không thấy xa lạ lắm và hoàn toàn có thể hiểu được khi đọc vào ngữ cảnh của bài - không khác mấy so với những danh từ thông thường đã biến chuyển theo thời gian.s
Trong 17 bài mà chúng tôi đếm được ở mục này, có sự tham gia của một số cây bút ngoài tờ báo (như các ông Lê Văn Siêu[2], Phan Khắc Khoan, hoặc một bạn đọc ký tên Dương Minh) và nhiều người khác mà báo không nhận đăng bài (“xin miễn đăng những bài không có tính khoa học, hoặc không góp được một ý kiến nào mới, một phương pháp nào có thể thực hành được”, Lời toà soạn số 7), ngoài ra là các thảo luận về các đặc thù của danh từ ngành hoá (với các bài của kỹ sư Nguyễn Duy Thanh số 3, bác sĩ Đặng Văn Ngữ - số 11) hay y dược (bài của bác sĩ Hoàng Tích Trý - số 25-26, của Phạm Khắc Quảng và Lê Khắc Thiền - số 27-28)... Ngoài ra, nhiều bài viết được kèm theo một bảng danh từ dùng trong bài với tiếng Pháp tương ứng, cho thấy toàn bộ ban biên tập chia sẻ mối quan tâm “chiến lược” này.
Hình trên, một phần bản Từ vựng kèm theo bài “Bàn về trái đất” của Đặng Phục Thông, số 3. Hình dưới, bản Từ vựng về Thảo mộc học kèm theo bài “Lứa ngô lai biến chủng thứ nhất” của Vũ Đình Mẫn, số 5.
Mục Lý thuyết và Đại cương, phần quan trọng nhất của tạp chí (gồm 86 bài), đáp ứng yêu cầu “muốn biết nguyên lý của các sự phát minh”, cũng đồng thời thể hiện tham vọng đi xa hơn các bậc tiền bối về việc tìm hiểu các ý tưởng, phương pháp của khoa học hiện đại, và truyền bá chúng vào xã hội, để mở ra “một văn hoá mới cho quốc dân về phương diện khoa học”. Có thể nói, mục này là một nhãn hiệu đặc thù của BKH, phân biệt nó với ba tờ tiền bối (bên cạnh sự vắng bóng của các bài thường thức về nông nghiệp, như đã nói). Những người làm BKH không phải là “thế hệ đầu tiên” được đào tạo về khoa học hiện đại như người ta có thể đọc đâu đây qua một vài bài viết. Các ông Bùi Quang Chiêu, Lưu Văn Lang... tốt nghiệp ở Pháp trước họ khoảng hai mươi năm. Nhưng rõ ràng họ là nhóm người đầu tiên ở nước ta ý thức rằng khoa học không thể được rút gọn vào một số ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, dù quý báu đến đâu, và xã hội Việt Nam không thể tạo ra những ứng dụng mới, độc đáo, cho mình và cho người khác, nếu không có đủ số người nắm vững những “nguyên lý của các sự phát minh”.
Ý thức tập thể đó được thể hiện qua việc tất cả các cây bút chủ chốt của tạp chí đều có những đóng góp cho mục này. Có thể kể:
GS Hoàng Xuân Hãn, với nhiều bài vừa giảng chuyên môn, vừa giới thiệu nhiều khía cạnh lịch sử khoa học đông - tây như Toán học, Đại số, Phân số liên tục, Số Pi hay chu suất - trong 4 số báo 21-24, Ma phương[3]... hay loạt bài về lịch và thiên văn (Lịch và lịch đời Lê, Đổi ngày tây lịch và can chi, Cô Kiều bị bắt ngày nào?)... Ông cũng là người viết chính các bài “toán pháp giải trí”, không tính trong mục này.
GS Nguyễn Xiển, với những bài về thiên văn, khí tượng và vật lý nói chung. Đặc biệt có các bài Phân loại khoa học (số 27-28), Những quan niệm mới về không gian và thời gian (số 31), có lẽ là những bài đầu tiên bằng tiếng Việt (cùng với một bài của Nghiêm Xuân Thiện, xem dưới đây) bàn vào các vấn đề triết lý khoa học. Đáng tiếc là bài về không gian và thời gian, sau khi đề cập tới logic của các môn hình học (ông dùng chữ “kỷ hà học”) ơ-clid và phi ơ-clid và không - thời gian tuyệt đối của Newton, lẽ ra được tiếp nối bằng thuyết tương đối của Einstein nhưng bài tiếp theo không kịp ra đời thì báo đã đóng cửa[4].
GS Nguỵ Như Kontum với nhiều bài về các vấn đề cơ bản của vật lý (Khái niệm về công suất, Những hiện tượng tự nhiên của điện, sức và áp lực, áp lực của không khí...), ba bài “Vấn đề giao thông từ quả đất sang các hành tinh”, và 7 bài Hoá học toát yếu (từ số 2 đến số 8), là “phần lý thuyết” của hoá học đại cương như được giảng dạy ở những năm cuối trung học, đầu đại học thời đó, còn “phần thứ hai, về tính chất các chất hoá học” tác giả cho biết “sẽ in thành sách”.
GS Nguyễn Thúc Hào giảng về “điều kiện cần và đủ” (trong khi, GS Hoàng Xuân Hãn, trong một bài khác, dùng thuật ngữ “điều kiện ắt có và đủ”), “những khái niệm cơ bản của hình học” hay “trực giác và luận lý trong toán học”, nhưng cũng dành thì giờ phản bác cái gọi là “những con sông đào trên hoả tinh”...
Kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện có ba bài về “Tính cách và chức vụ của các thuyết trong Khoa học” - sơ lược về nguyên lý chung và diễn giải bằng một ví dụ: các lý thuyết về ánh sáng từ Newton qua Huyghens, de Broglie, tới Einstein; 5 bài về “Chuyển động bất tuyệt”, giảng về các dạng năng lượng và nguyên lý nhiệt động học Carnot; và 9 bài chung quanh vấn đề “Khoa học có thể chế ra vàng được không?”, bàn về “Ảo vọng của các nhà luyện thuốc (nay gọi là “nhà giả kim”) bên Âu châu về thời Trung cổ là đem hoặc thuỷ ngân hoặc chì chế ra vàng” dưới lăng kính của hoá học hiện đại. Câu chuyện luyện đơn này cũng được GS Phạm Đình Ái thuật lại trong hai số báo 13-14 và 15 dưới khía cạnh lịch sử khoa học.
Kỹ sư Đặng Phục Thông “bàn về trái đất” và sự phân chia các thời đại theo địa chất học. Nhà sinh vật học Lê Văn Căn có bài về “Sắc tố” bên cạnh các bài viết khác về thực vật học (tiếc rằng bài “Cách thức phân loại về thực vật học” của ông trong số 24, cuối bài ghi “còn nữa” nhưng lại để dở dang, tuy sau đó ông còn hai bài khác cũng trong chuyên ngành này). v.v..
Hầu hết những nhân vật kể trên cũng đều có bài trong các mục Phổ thông và Thực hành mà tổng số bài cộng lại vượt qua phần Lý thuyết và Đại cương, chứng tỏ tạp chí không hề buông lơi mà ngược lại rất quan tâm tới các vấn đề truyền bá những ứng dụng của khoa học. Đề tài của các bài trong hai phần này cũng rất đa dạng, như các bài về hàn thử biểu, máy giá lạnh, pin nhiệt điện (GS Nguỵ Như Kontum), hay các vấn đề liên quan tới điện (Cột thu lôi, giá trị của sấm sét, một thứ pin mới..., do kỹ sư Nguyễn Duy Thanh chấp bút), hay loạt bài “Chuyện trên trời dưới đất” của GS Nguyễn Xiển, phổ biến các kiến thức thông thường về các hiện tượng tự nhiên trên trái đất. Một cộng tác viên, ông Võ Sum, có nhiều bài về điện dùng trong nhà (máy thu thanh, chiếc đàn điện...). Ông Đỗ Văn Rĩ có hai bài về hộp đổi số trong xe ô-tô, ông Lê Văn Căn có bài về trái cây Nam kỳ... Cũng cần nhấn mạnh là hầu hết các số báo đều có mục Hộp thơ, trong đó các thành viên ban biên tập báo phân công trả lời những câu hỏi của bạn đọc liên quan đến ứng dụng khoa học trong đời sống hoặc trao đổi về bài vở (bài đã xuất bản hoặc bài bạn đọc viết gửi cho báo).
(Hộp thơ số 12)
Riêng mục Toán pháp giải trí, thư từ của bạn đọc được xếp ngay trong mục - vì liên quan tới những bài toán đã ra trước đó. Mục này, có khi ghi là “Tính đố vui”, do GS Hoàng Xuân Hãn phụ trách và cũng là người viết chính, với sự tham gia của Đặng Phục Thông, Phó Đức Tố và của bạn đọc. Phần lớn những bài tính đố vui thuộc loại “số kín” mà người đọc phải đoán theo một vài thông tin cho trong bài, như kiểu bài tính cộng mà các con số được thay bằng chữ, bài “chia trứng” (người đầu được chia nửa số trứng cộng nửa quả, người thứ nhì nửa còn lại cộng nửa quả..., mà không quả trứng nào bị hoặc một bài hình học đập vỡ). Đôi khi, có những bài hình học, như bài chia một mảnh ruộng hình bình hành làm nhiều mảnh bằng nhau bằng những đường ngang...
Phần Y Dược của báo ngoài những bài về bệnh tật và thuốc men hay lý thuyết y học (vi trùng, A-na-tốc-xin[5], bệnh sốt rét, bệnh thương hàn, cách tổ chức y học ở nước Pháp...) cũng có những bài “phổ thông” hay “thực hành”, như bài của bà Phan Anh, dược sư, về “Cây cỏ nước nhà”, bài của hai bác sĩ Bùi Đồng và Trịnh Văn Tuất về “Nước uống ở thành thị và thôn quê”, hay bài của bác sĩ Hoàng Tích Trý (người có nhiều bài nhất trong mục Y Dược, trong đó có 6 bài về bệnh sốt rét)) trả lời câu hỏi “Dùng sách cũ có thể lây bệnh được không?” v.v.
Sau cùng, mục Lịch sử khoa học giới thiệu với người đọc những nhà khoa học lỗi lạc như Newton, Yersin, Leonard de Vinci, Galilée..., và sự tiến hoá của một vài ý tưởng khoa học (như vấn đề đo thời gian trong hai bài về “lịch sử cái đồng hồ” của GS Nguyễn Xiển), hay bài “Cuộc tiến hoá của KH xét theo sự bài trừ các quan niệm thần bí” của cùng tác giả, bàn về ảnh hưởng của tôn giáo lên suy nghĩ của các nhà khoa học...
Nhân sự
Ban biên tập
Như đã nói trên, ngay từ trang bìa người ta được biết ba nhân vật chủ chốt của báo: người sáng lập là ông Nguyễn Xiển, chủ nhiệm là ông Nguyễn Đình Thụ, và chủ bút là ông Đặng Phục Thông (từ số 1 đến số 6) rồi ông Nguyễn Duy Thanh (từ số 7 đến số cuối cùng, 35-36).
Báo Khoa học đăng liên tục từ số 1 đến số 6 một danh sách Ban biên tập gồm khoảng 30 người (và chấm dứt bằng hai chữ “v.v.”!), gần như không thay đổi. Sau đó, tới số 25-26 báo mới đăng lại lần nữa một danh sách Ban biên tập 28 người, có ghi thêm học vị và chuyên ngành của từng người, nhưng lại thiếu ông Nguyễn Xiển mặc dù ông vẫn tiếp tục viết cho báo, phải chăng chỉ là một thiếu sót. Xem hình kèm.
Danh sách này hùng hậu hơn hẳn so với các tạp chí đi trước (Khoa học Tập chí của ông Bùi Quang Chiêu, Tạp chí Khoa học của ông Nguyễn Công Tiễu), ngang với Khoa học Phổ thông của ông Lâm Văn Vãng. Nhưng khi so sánh với các tên tác giả trong toàn bộ 36 số báo thì ta thấy một vài người không (hay không kịp) có bài viết nào trong ba năm tồn tại của báo, hoặc chỉ có 1, 2 bài[6]. Mặt khác cũng có nhiều tác giả không có trong ban biên tập. Cụ thể, chúng tôi đã chép toàn bộ mục lục 36 số trong một tệp Excel (đính kèm) và sau khi xếp lại theo tên tác giả, người ta có thể đếm được 50 tác giả (không kể các bài trong “hộp thư”, hoặc của bạn đọc gửi đến, hoặc chỉ ký tắt người trong ban biên tập trả lời thư tuỳ theo nội dung...). Trong số đó những người viết nhiều nhất là các ông Hoàng Xuân Hãn (54 bài kể cả 2 bài viết chung và khoảng hơn 10 bài “toán pháp giải trí”), Nguyễn Xiển (32 bài, kể cả 1 bài ký chung với Đặng Phục Thông), Nguỵ Như Kontum (27 bài), Đặng Phục Thông (22 bài kể cả 1 bài ký chung với Nguyễn Xiển, 1 bài với Hoàng Xuân Hãn và 1 bài với Hoàng Xuân Hãn và Phó Đức Tố), Hoàng Tích Trý (21 bài), Nghiêm Xuân Thiện (20 bài), Nguyễn Duy Thanh (17 bài). Tiếp đó là các ông Lê Văn Căn (8 bài, kể cả 2 bài ký chung với Nguyễn Hữu Quán), Nguyễn Thúc Hào (7 bài), Tạ Quang Bửu (7 bài, kể cả 4 bài viết chung với Nguyễn Dương Đôn), Võ Sum (7 bài), Phạm Đình Ái (6 bài)...
Trong số các tác giả ngoài ban biên tập, đáng chú ý có tên của Giáo sư Nguyễn Dương Đôn, sau này làm bộ trưởng giáo dục của Việt Nam Cộng Hoà (1954-1957) rồi đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Ý, Vatican và Tây Ban Nha (1957-1966). Ông Đôn ký chung 4 bài về các kỳ thi “Toán học đại cương” ở Hà Nội với giáo sư Tạ Quang Bửu, sau này làm bộ trưởng Quốc phòng (1947-48) rồi bộ trưởng bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (1959-1976) của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cõ lẽ đây là trường hợp duy nhất hai người bạn học (cả hai đều đã học toán ở đại học Sorbonne những năm đầu 1930) đã cộng tác với nhau trong một tạp chí khoa học rồi sau đều làm bộ trưởng trong ngành giáo dục, một trong nam, một ngoài bắc trong thời hai miền chia rẽ. Không biết họ có giữ liên lạc với nhau? Một tác giả khác, ông Đào Trọng Đủ, có 3 bài viết về “Ma phương” (tiếng Pháp là “carré magique”) cũng là một học giả được biết tới qua nhiều bài nghiên cứu về tiếng Việt trên tạp chí Tri Tân. - như loạt bài Bàn góp về nguồn gốc tiếng Việt Nam kéo dài trên hơn một chục số tạp chí.
Dưới đây chúng tôi xin lược qua vài dòng về các nhân vật chủ chốt của báo, theo thứ tự số bài viết như đã kể trên, kèm theo vài đường dẫn để bạn đọc có thể tìm hiểu thêm.
- GS Hoàng Xuân Hãn tuy được đào tạo bài bản về khoa học tại trường Bách Khoa Paris, Trường Quốc gia Cầu Đường Pháp và đại học Sorbonne, nhưng lại nổi tiếng về những công trình nghiên cứu sử học. Xin xem Số đặc biệt Hoàng Xuân Hãn trên mặt báo này, với nhiều bài viết của ông hay về ông, như hai bài “Thư mục HXH”, “HXH, cuộc đời và sự nghiệp” của Nguyễn Trọng Nghĩa, v.v.. Nội dung các bài viết của ông, dù là viết về Lịch âm dương hay về bài toán ma phương... luôn luôn thể hiện đam mê lịch sử ấy cộng với sự gắn kết giữa tri thức khoa học và một vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá Việt Nam cũng như Trung Hoa.
- GS Nguyễn Xiển sinh năm 1907, hơn GS Hoàng Xuân Hãn một tuổi, là một nhà vật lý tốt nghiệp đại học Toulouse và đã bắt đầu đi vào nghiên cứu ở Trung tâm Henri Poincaré, Paris, nhưng cũng như nhiều bạn cùng lứa, ông đã phải về nước sớm (năm 1932), đi dạy học nuôi gia đình và mấy năm sau thì chuyển sang làm khí tượng thuỷ văn. Khi đứng ra làm báo Khoa học, ông đã là giám đốc Đài khí tượng Phù Liễn. Từ sau Cách mạng tháng Tám, ông được biết đến nhiều hơn với những cương vị chính trị như Chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc bộ (kiêm Giám đốc Nha Khí tượng), Tổng thư ký đảng Xã hội Việt Nam (từ năm 1956), Phó Chủ tịch Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ. Gần đây, người con thứ 7 của ông, nhà báo Nguyễn Lưu, có viết hai bài về thân phụ mình trong chuyên trang eMagazine của báo Vietnamnet tại địa chỉ bài 1 và bài 2.
- GS Nguỵ Như Kontum, sinh năm 1913, cũng đã bắt đầu nghiên cứu vật lý (tại Phòng nghiên cứu của GS Joliot-Curie) sau khi tốt nghiệp thạc sĩ (agrégé) lý hoá ở đại học Sorbonne, nhưng khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, đã trở về nước (năm 1939) dạy học và tham gia các hoạt động trí thức khác (ngoài tờ Khoa học, ông còn tích cực viết cho tạp chí Thanh Nghị, phụ trách mảng “khoa học”). Ông là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau hoà bình (năm 1956) và tiếp tục nhiệm vụ này cho tới năm về hưu (1982), song song với việc nghiên cứu và giảng dạy. Ông được coi như “người sáng lập ngành vật lý Việt Nam”. Từ điển Bách Khoa Toàn thư trong trang dành cho ông có kể ra nhiều công trình do ông “viết, dịch và tham gia biên soạn”, trong đó có phần Vật lý của Từ điển này.
- Kỹ sư Đặng Phục Thông[7], sinh năm 1906, người chủ bút đầu tiên của báo (từ số 1 đến số 6, khi ông đổi nhiệm sở từ Hà Nội vào Nha Trang, nhưng vẫn tiếp tục viết cho báo - bài cuối cùng đăng trên số 24), theo một vài nguồn tin (Xem Wikipedia, và bài này trên báo Sức khoẻ và Đời sống), đã tốt nghiệp hai trường kỹ sư lớn của Pháp là Trường Mỏ Paris và Trường Cầu Đường (Ecole Nationale des Ponts et Chaussées cũng hay được dịch là Trường Cầu Cống) trước khi về nước làm việc, ban đầu ở vùng mỏ than Phấn Mễ, sau chuyển về sở Hoả xa. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Việt Minh và có chân trong đoàn Việt Nam sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau (tháng 9.1946). Sau ngày toàn quốc kháng chiến cuối năm đó ông bị kẹt tại Hà Nội nhưng vẫn liên lạc với Việt Minh, mãi cho tới tháng 8 năm 1947 thì cả gia đình mới lên được chiến khu Việt Bắc. Ông được cử làm Thứ trưởng bộ Giao thông - công chính, sau kiêm thêm chức vụ hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật. Ông mất sớm (năm 1951) vì một cơn bạo bệnh.
- Bác sĩ Hoàng Tích Trý, sinh năm 1903, có lẽ là người lớn tuổi nhất trong số biên tập viên của báo Khoa học. Như nhiều đồng nghiệp thời đó, ông bắt đầu học y khoa tại Hà Nội trước khi sang Pháp học tiếp những năm cuối và tốt nghiệp bác sĩ tại đây (năm 1932). Về nước năm 1935, ông vào làm ở Viện Pasteur Hà Nội và là trưởng phòng thí nghiệm tại đây từ năm 1935 tới 1945. Ông cũng là hội viên Hội những nhà vi trùng học Paris và là Phó hội trưởng Hiệp hội các bác sĩ và dược sĩ Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được mời tham gia Chính phủ liên hiệp lâm thời trong cương vị thứ trưởng Y tế (bộ trưởng là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch), kiêm tổng giám đốc các Viện vi trùng học Việt Nam (hệ thống các viện Pasteur cũ). Khi bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch vào Nam tham gia kháng chiến, ông được cử làm bộ trưởng Y tế VNDCCH (từ tháng 11.1946) cho đến khi mất vì đau tim (tháng 11.1958).
- Kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện được biết đến nhiều hơn như một chính khách quốc gia và có lẽ là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong số bạn của ông ở toà báo[8]. Ông được học bổng của một công ty Pháp sang học kỹ sư ở Lille năm 1929, và học thêm bằng cử nhân toán cũng ở đó. Khi về nước, ông làm cho công ty cấp học bổng, đồng thời đi dạy toán ở một trường tư. Năm 1946, ông nằm trong số đại biểu Quốc hội lâm thời trong danh sách Việt Nam Quốc dân đảng tuy theo chứng từ của ông Nghiêm Phong Tuấn, một người con của ông, ông không phải là đảng viên đảng này (mà chỉ là cảm tình viên). Tuy thế, Quốc hội này trong một công văn “gửi các vị đại biểu QH trong liên khu 5, 6, 7, 8” đề ngày 20.1.1949 cho biết ông đã “bị toà án quân sự tuyên án tử hình” vì tội “làm tay sai cho giặc Pháp”. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông mở tờ nhật báo Thời sự, chủ trương một nước VN quân chủ lập hiến. Năm 1947, ông được Bảo Đại phong làm Tổng trấn Bắc hà, ông giữ chức vụ này cho đến hè 1949... Sau 1954, di cư vào Nam, ông tiếp tục làm báo với tờ Thời luận, đối lập với Ngô Đình Diệm cho tới tháng 4.1958 thì báo bị đóng cửa và ông bị bỏ tù 10 tháng với tội danh “sử dụng báo chí để phỉ báng chính quyền”. Năm 1967, ông ra tranh cử Thượng nghị viện VNCH nhưng thất cử. Có vẻ đó là hoạt động chính trị cuối cùng của ông. Sau 1975, ông sống lặng lẽ ở Sài Gòn cho tới năm 1979 thì được chính quyền cho đi Đức định cư. Ở Sài Gòn, ông tiếp tục viết những bài báo phổ biến kiến thức khoa học, lần này là cho tờ tạp chí Khoa học Kỹ thuật (xem chú thích số 6). Ông cũng cho xuất bản (năm 1960) một bản dịch cuốn sách Roads to Discovery của R.E. Lapp.
- Người kế tục ông Đặng Phục Thông làm Chủ bút cho tới khi tạp chí đình bản là kỹ sư Nguyễn Duy Thanh ít được biết đến hơn, cũng là một kỹ sư (ngành điện) được đào tạo ở Pháp về. Theo bài viết của Nguyễn Q. Thắng giới thiệu “Sơ lược tiểu sử” các phái viên và cố vấn của Phái đoàn tham gia Hội nghị Đà Lạt, trong cuốn “Một ký vãng về Hội nghị Đà Lạt” của Hoàng Xuân Hãn, Nxb Văn hoá 1996, thì ông là đại biểu Quốc hội khoá I của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và có chân trong phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị này. Trong Hồi ký nói trên, đã đăng toàn văn trên mặt báo này, GS Hoàng Xuân Hãn ghi tên ông trong nhóm “cố vấn” của phái đoàn, cùng với các ông Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân...
Tôi cũng không tìm thấy nhiều thông tin về ông Nguyễn Đình Thụ, chủ nhiệm tạp chí từ đầu đến cuối (tên ông được đặt cho một con đường ở TP Quy Nhơn), dù vị trí chủ nhiệm ấy chứng tỏ sự tin cậy của các bạn ông trong tạp chí và tất nhiên, một vị thế được tôn trọng trong giới. Năm 1941, ông được bầu làm Thủ quỹ Ban trị sự phía Bắc của Hội các Kỹ sư Đông Dương (Hội trưởng là ông Nguyễn Duy Thanh, Phó hội trưởng kiêm Thư ký là ông Đặng Phục Thông).
Tạm kết
Phải nói là nhiều người trong ban biên tập hay cộng tác viên của báo Khoa học (kể cả những người chỉ viết một vài bài như các bác sĩ Trịnh Văn Tuất, Vũ Công Hoè, các giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Phó Đức Tố, Tạ Quang Bửu...) là những trí thức có tên tuổi trong lịch sử Việt Nam hiện đại, dù chỉ một năm sau khi báo đóng cửa, cuộc Cách mạng tháng 8 đã phân tán họ đi nhiều ngả và dù sau năm 1954 họ ở lại ngoài Bắc hay di cư vào Nam hoặc ra nước ngoài. Song song với hoạt động phổ biến khoa học, như một yêu cầu hiển nhiên phải được thực thi trong mục tiêu nâng cao dân trí để hiện đại hoá đất nước, hầu hết những người này đã dấn thân trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, dù chọn đường lối nào, Việt Minh hay Việt Nam Quốc dân đảng. Do đó, viết đầy đủ và công tâm về họ, về thành quả sự nghiệp của họ, cũng là viết một trang sử quan trọng của nước nhà cả trên các phương diện chính trị và văn hoá - học thuật. Một yêu cầu mà dĩ nhiên bài này không thể đáp ứng.
Chỉ xin lấy một ví dụ để nói lên vị thế xã hội của những trí thức khoa học này. Ngay sau Cách mạng tháng 8, bộ trưởng Giáo dục Chính phủ lâm thời Vũ Đình Hoè đã thành lập Hội đồng tổ chức Đại học để chuẩn bị mở lại Đại học Việt Nam. Cùng với nhiều vị thuộc các ngành khác nhau như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Tiến sĩ vật lý Hoàng Thị Nga, nhà báo Hồ Hữu Tường, nhà văn Phạm Duy Khiêm, nhà nho Bùi Kỷ, nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai, nhà báo Phan Văn Hùm, v.v., người ta đếm thấy 10 trên số 45 thành viên của Hội đồng là thành viên hoặc đã cộng tác với báo Khoa học[9]...
Nếu mở rộng sang các tạp chí Khoa học tập chí, Khoa học Phổ thông, danh sách này còn có các tên các vị Lưu Văn Lang, Nguyễn Háo Ca, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Tá Khanh...[10]. Số người có chuyên môn là một ngành khoa học (bao gồm y khoa) chiếm khoảng một nửa Hội đồng, là một minh chứng cho ý thức của Chính phủ về vai trò của khoa học đối với việc xây dựng đất nước, dù nền độc lập mới giành được chưa có gì là vững vàng, mối đe doạ trở lại của thực dân Pháp đang ngày càng rõ rệt, và dù khoa học Việt Nam lúc đó còn rất non trẻ, vị thế của nó trong tâm khảm của người dân bình thường chắc chắn không thể so được với những tượng đài văn chương hay chính trị.
Ngày nay, người ta vẫn nói nhiều hơn đến Phong Hoá, Ngày Nay, Thanh Nghị, Tri Tân... nhiều hơn là nói tới báo Khoa học. Điều đó cũng dễ hiểu, cả về tính chất của hai lĩnh vực, và về trình độ phát triển của xã hội. Nhưng có lẽ, trừ một số nhỏ mà mặc cảm tự ti đến từ nhiều ngõ ngách của cuộc sống, ít ai đặt lại vấn đề người Việt có thể làm khoa học, và làm khoa học bằng tiếng Việt. Thành quả vô hình của những Bùi Quang Chiêu (Khoa học tập chí), Nguyễn Công Tiễu (Tạp chí Khoa học), Lâm Văn Vãng (Khoa học phổ thông), Nguyễn Xiển (báo Khoa học) và những cộng sự của họ, với vai trò đặc biệt của Hoàng Xuân Hãn trong việc đề ra những nguyên tắc Việt hoá danh từ khoa học, khó có thể đo đếm, nhưng người viết loạt bài này cho rằng đó là một thành quả vô giá, mà các thế hệ sau phải ghi nhớ, để tiếp nối, sáng tạo.
Chú thích:
(1) Vũ Đình Hoè, Hồi ký “Thanh Nghị”, Hà Nội 1999, trang 29-30. Thật ra (xem dưới đây), GS Nguyễn Mạnh Tường hoàn toàn vắng bóng trong suốt ba năm hoạt động của báo Khoa học, không có tên trong ban biên tập cũng như không có bài viết nào. Vậy có thể ông Hoè nhớ sai, hoặc ông Nguyễn Mạnh Tường chỉ tham gia thảo luận về ý tưởng lập báo rồi sau đó rút lui. Trường hợp kỹ sư Nguyễn Văn Thu cũng tương tự.
(2) Giá mỗi CD là 15€, hỏi mua tại efeo-diffusion@efeo.net, hoặc EFEO, 22 Avenue du Président Wilson, 75116 Paris, France.
Cả hai CD do TS Le Failler, thuộc EFEO, là chủ biên.
CD Thanh Nghị có lời giới thiệu song ngữ Việt Pháp “Một nhóm trí thức Việt Nam và những vấn đề của đất nước họ: tạp chí Thanh Nghị (1941-1945)” của Pierre Brocheux, và Mục lục phân tích của P. Le Failler - Nguyễn Phương Ngọc.
CD Tri Tân có hai lời giới thiệu song ngữ, một của Lại Nguyên Ân và một của P. Le Failler. Đáng tiếc là, CD này không in kèm cuốn sách Mục lục phân tích tạp chí TRI TÂN 1941-45, do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên biên soạn, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xb., Hà Nội, 1998.
(3) Các bài viết trên mặt báo này của cùng tác giả:
Khoa học tập chí, Khoa học tạp chí và nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu, Tạp chí Khoa học Phổ thông 1934-1942.
(*) Toàn bộ Báo Khoa học đã được Thư viện Quốc gia Pháp đưa lên mạng ở địa chỉ BKH. Bên cột phải của trang này, có một ô với dòng chữ “Consulter en ligne” để người đọc có thể mở ra xem báo. Ví dụ, dưới đây là đường dẫn về vài bài được nói tới trong bài này:
- Bà Phan Anh, Cây cỏ nước nhà (mới chỉ có một bài, về “cây đu đủ”);
- Hoàng Xuân Hãn, Cô Kiều bị bắt, và Câu chuyện Cô Kiều bị bắt, đối thoại với Đào Duy Anh sau bài đầu;
- Nghiêm Xuân Thiện, Tính cách và chức vụ của các thuyết trong Khoa học, phần 1, phần 2 và phần 3.
(1) “phần lớn”: theo cách nói hiện nay có lẽ phải hiểu trong nghĩa là “số đông”, “số lớn” (un grand nombre) chứ không phải “đa số” (une majorité).
(2) Bài của nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu trên số 4, mang nhan đề “Một phương pháp làm giàu Việt ngữ về khoa học và nghệ học”, đã được đăng trên ba số báo 145-146-147 tạp chí Khoa học Phổ thông năm 1941 và cũng là bài duy nhất của ông trên báo Khoa học.
(3) “Ma phương”, tiếng Pháp là “carrés magiques”, chỉ một hình vuông được chia nhỏ thành n2 ô, ngang dọc như nhau, người chơi phải điền vào các ô này mỗi ô một số nguyên tố khác nhau từ 1 tới n2 sao cho tổng của các số ở mỗi hàng ngang hay dọc đều bằng nhau. Với n=3 thì cũng bằng tổng của các số trên hai hàng chéo.
(4) Trong mục Trả lời bạn đọc số 12, Toà soạn cho biết “Thuyết tương đối của Einstein chúng tôi sẽ viết sau”, chứng tỏ độc giả của báo có người quan tâm tới những vấn đề của vật lý cao cấp mà ít ra họ đã nghe nói tới.
(5) Một thứ thuốc ban đầu được phát minh nhằm trị bệnh yết hầu (diphtérie), sau phương pháp chế biến được sử dụng cho thuốc chống bệnh tétanos.
(6) Những người trong Ban biên tâp nhưng không có bài viết nào trong ba năm báo gồm có: Bà Hoàng Xuân Hãn, các ông Phan Anh, Hà Dương Bưu, Lê Viết Khoa, Đỗ Trí Lễ, Hoàng Văn Liễn, Trần Văn Loan, Trương Công Quyền, Nguyễn Văn Tình. Các vị Bùi Phượng Chì, Bùi Tường Viên, Phạm Khắc Quảng, Phan Huy Quát chỉ có một bài, bà Phan Anh có hai bài...
Kỹ sư Hà Dương Bưu, thân phụ của người viết bài này, sau 1954 di cư vào Nam sẽ cùng với bác sĩ Trần Văn Du luân phiên điều hành tập san Khoa học Kỹ thuật từ năm 1957 đến năm 1974 ở Sài Gòn. Kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện cũng viết nhiều bài cho tập san này. Chúng tôi sẽ có bài về tập san này sau.
(7) Tên ông được viết là Đặng Phúc Thông trong số 1, nhưng từ các số sau, kể cả trên bìa báo với tư cách Chủ bút - cho tới số 6 - hoặc bên trong, như tác giả một bài báo, đều viết là Đặng Phục Thông, rõ ràng phải có sự chỉnh lý của chính ông. Tuy trên những văn bản sau này, kể cả khi tên ông được đặt cho một đường phố, người ta thấy cách viết Đặng Phúc Thông phổ biến hơn, trong bài này chúng tôi giữ cách viết đã được chỉnh lại này.
Trong tác phẩm L'Ecole française en Indochine, Paris 1995, GS Trịnh Văn Thảo có tìm thấy tên Đang Phuc Thong, học trường Mỏ Paris trong những năm 1926-1929 với học bổng của chính quyền Pháp ở Đông Dương, mà không nói gì tới việc ông học tiếp theo trường Cầu Đường (học cùng lúc có thể coi như bất khả, chế độ học của các trường kỹ sư không phải như ở đại học, thì giờ rất nghiêm ngặt). Việc học cả hai trường kỹ sư này đối với sinh viên Pháp là vô cùng hãn hữu, nhưng cũng có thể hiểu được khi một SV Đông Dương ra trường không có việc làm nên tìm cách học tiếp (với phương tiện tài chính nào?). Việc ông Thông khi về nước được bổ vào làm mỏ than rồi sau đó lại chuyển sang sở hoả xa cho thấy ông có chuyên môn của cả hai trường học này.
(8) Đặc biệt là mối liên quan của ông với nhà văn Nhượng Tống, nhân vật lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân đảng mà cái chết bí ẩn năm 1949 khi ông làm cố vấn cho Tổng trấn Nghiêm Xuân Thiện vẫn chưa được giải mã. Trên mặt báo này, con trai ông, kỹ sư Nghiêm Phong Tuấn, có bài viết về chuyện này, ở đây, và một bài khác đính chính những sai lầm của trang Wikipedia về thân phụ mình, ở đây.
(9) Các ông Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Tích Trý, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Phạm Khắc Quảng, Phan Anh, Phan Huy Quát, Tạ Quang Bửu.
(10) Xem danh sách trong luận án tiến sĩ “À l'origine de l'anthropologie au Vietnam: recherches sur les auteurs de la première génération” của Nguyễn Phương Ngọc, chương viết về nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên, lúc đó là vụ trưởng vụ đại học dưới quyền bộ trưởng Vũ Đình Hoè.
Nguồn: Báo Khoa học, DienDan.Org, 09/07/2022