Can thiệp bằng cách kiểm soát giá cả (Phần 2/3)

Can thiệp bằng cách kiểm soát giá cả (Phần 2/3)

(Tiếp theo Phần 1)

2. Phản ứng của thị trường

Những biện pháp quản lý giá làm tê liệt sự vận hành của thị trường. Chúng phá huỷ thị trường. Chúng tước đoạt năng lực định hướng và làm cho nền kinh tế thị trường không thể hoạt động được.

Cấu trúc giá cả trên thị trường được hình thành dựa trên những xu hướng mang cung và cầu về điểm cân bằng. Nếu chính quyền tìm cách thiết lập một mức giá cố định khác với mức giá thị trường, tình trạng này sẽ không thể kéo dài. Trong trường hợp thiết lập mức giá tối đa, sẽ có những người mua tiềm năng không thể mua được mặc dù họ sẵn sàng mua với mức giá cố định từ chính quyền, hoặc thậm chí trả giá cao hơn. Hay trong trường hợp thiết lập các mức giá tối thiểu, sẽ có những người bán tiềm năng không thể tìm kiếm được người mua mặc dù họ sẵn sàng bán với mức giá được thiết lập bởi chính quyền, hoặc thậm chí bán với mức giá thấp hơn. Giá cả không còn là phương tiện phân biệt những người mua và người bán tiềm năng có thể giao dịch với những người không thể giao dịch. Phải có một nguyên lý lựa chọn khác được đưa vào hoạt động. Có thể chỉ có những người đến trước hoặc những người có vị thế đặc quyền, tùy vào những tình huống cụ thể (ví dụ như mối quan hệ cá nhân), mới có thể thực sự giao dịch. Cũng có thể chính quyền sẽ tự đưa ra các luật lệ điều tiết phân phối. Trong bất kỳ trường hợp nào thị trường cũng không còn khả năng phân phối nguồn cung sẵn có đến với người tiêu dùng. Để tránh tình trạng lộn xộn và để tránh sử dụng vũ lực cũng như xảy ra tình trạng ăn may trong việc quyết định phân phối, chính quyền sẽ phải sử dụng một kiểu hệ thống tem phiếu nào đó để thực hiện nhiệm vụ phân phối này. 

Nhưng thị trường không chỉ có chức năng phân phối một lượng hàng hóa tiêu dùng có sẵn. Nhiệm vụ trên hết của nó là định hướng sản xuất. Nó định hướng các phương tiện sản xuất vào phục vụ những nhu cầu cấp thiết nhất. Nếu các mức giá tối đa được áp dụng chỉ đối với một số hàng hóa tiêu dùng ở mức thấp hơn giá thị trường lý tưởng, nhưng lại không có các biện pháp điều tiết giá của toàn bộ các phương tiện sản xuất bổ trợ liên quan, khi đó các tư liệu sản xuất không hoàn toàn chuyên biệt sẽ được sử dụng ở mức độ cao hơn nhằm sản xuất ra những hàng hóa tiêu dùng khác vốn không bị ảnh hưởng bởi việc cố định giá. Do vậy hoạt động sản xuất sẽ được chuyển hướng từ hàng hóa mà người tiêu dùng có nhu cầu cấp thiết hơn nhưng bị ảnh hưởng bởi việc cố định giá, sang sản xuất những hàng hóa khác, mà trên quan điểm của người tiêu dùng, ít quan trọng hơn nhưng không bị luật lệ cấm đoán. Nếu quả thực ý định của chính quyền là làm thế nào để các hàng hóa được bảo vệ bởi biện pháp cố định giá cả trở nên dễ dàng mua được hơn nhờ mức giá tối đa, thì biện pháp đó đã thất bại. Việc sản xuất hàng hóa đó sẽ bị thu hẹp hoặc sẽ bị ngừng trệ hoàn toàn. Một hành động cố định giá đồng loạt đối với hàng hóa bổ trợ cũng sẽ không mang lại nhiều hiệu quả, trừ khi toàn bộ hàng hóa bổ trợ có chung đặc tính chuyên biệt: đó là chúng chỉ có thể được sử dụng để sản xuất loại hàng hóa đó. Vì lao động không có đặc tính rất chuyên biệt này, chúng ta có thể bỏ chúng ra khỏi giả định trên của chúng ta. Nếu chính quyền không sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng những biện pháp của họ, với mong muốn nhằm làm cho hàng hóa rẻ hơn, sẽ làm ngưng trệ hoàn toàn việc cung ứng những hàng hóa đó, khi đó chính quyền sẽ không thể dừng lại chỉ ở những can thiệp như thế do chúng tác động lên giá cả của toàn bộ những hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho việc sản xuất đó. Họ phải đi xa hơn nữa và sẽ phải ngăn chặn dòng vốn, lao động và hoạt động nghiệp chủ chạy ra khỏi hoạt động sản xuất này. Họ sẽ phải ấn định giá của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ cũng như lãi suất. Và họ phải ban hành những sắc lệnh đặc biệt nói rõ hàng hóa và dịch vụ nào nên được sản xuất  và sản xuất như thế nào, ở những mức giá nào và chúng nên được bán cho ai.

Khi nền kinh tế thị trường vận hành, biện pháp kiểm soát giá cả biệt lập nhằm đạt được những mục tiêu mà những người khởi xướng chúng hướng đến rơi vào thất bại; nếu theo quan điểm của những người khởi xướng chúng, chúng không những vô dụng, mà còn đi ngược lại với mục đích ban đầu khi làm cho “điều tồi tệ” mà chúng dự định làm giảm bớt đi trở nên tồi tệ hơn. Trước khi chính sách kiểm soát giá cả được thiết lập, trên quan điểm của chính quyền, hàng hóa đang quá đắt đỏ; giờ đây, chúng biến mất khỏi thị trường. Nhưng, kết quả này chưa hề được dự đoán trước bởi chính quyền, bởi họ chỉ mong muốn làm hàng hóa trở nên rẻ hơn cho người tiêu dùng. Ngược lại, trên quan điểm của chính quyền, chúng ta phải quan tâm đến sự thiếu hàng hóa, hay sự không sẵn có của chúng, như một điều tồi tệ lớn hơn; chính quyền quyền hướng đến mục tiêu tăng nguồn cung, không phải giảm bớt nguồn cung. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng, biện pháp kiểm soát giá cả đơn độc làm hỏng mục tiêu của chính nó, và rằng một hệ thống chính sách kinh tế dựa trên những biện pháp kiểu này đi ngược lại với mục tiêu ban đầu và đều mang tính phù phiếm.

Nếu chính quyền không muốn rút bỏ những biện pháp quản lý giá cả để sửa chữa những điều tồi tệ được tạo ra từ những can thiệp biệt lập đó thì họ sẽ phải bồi thêm sau bước đi này nhiều biện pháp khác. Chính quyền sẽ phải ban hành thêm những sắc lệnh bên cạnh sắc lệnh đầu tiên yêu cầu không được bán giá cao hơn các mức giá quy định. Đó là các sắc lệnh bao trùm toàn bộ nguồn cung, từ việc chỉ dẫn hàng hóa được bán cho ai và với số lượng bao nhiêu, đến các biện pháp quản lý giá liên quan đến hàng hóa bổ trợ3, cố định các mức tiền lương và yêu cầu lao động bắt buộc đối với nhân công, kiểm soát lãi suất, và cuối cùng là những sắc lệnh sản xuất cái gì, tức các chỉ dẫn về lựa chọn các cơ hội đầu tư cho những người sở hữu phương tiện sản xuất. Không thể giới hạn áp đặt những quy định điều tiết này trong một vài ngành sản xuất, mà phải mở rộng điều tiết lên toàn bộ hoạt động sản xuất. Họ nhất thiết phải điều khiển giá cả của toàn bộ hàng hóa, toàn bộ mức tiền lương, và hoạt động của toàn bộ nghiệp chủ, các nhà tư bản, địa chủ, và công nhân. Nhưng điều này có nghĩa là việc định hướng toàn bộ hoạt động sản xuất và phân phối được đặt vào tay của chính quyền. Dù có dự định trước hay không, nền kinh tế thị trường cũng đã chuyển thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Có duy nhất hai tình huống có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả hiệu quả trong một phạm vi tương đối hẹp:

1. Những biện pháp quản lý giá cả dẫn đến hạn chế sản xuất bởi chúng khiến người sản xuất cận biên không thể sản xuất nếu không chấp nhận thua lỗ. Những yếu tố sản xuất không chuyên dụng được chuyển sang các ngành sản xuất khác. Những yếu tố sản xuất có tính chuyên dụng cao – vốn được sử dụng theo mức giá thị trường ở mức độ tùy thuộc vào những cơ hội sử dụng thay thế khác của các yếu tố bổ trợ không chuyên dụng – sẽ được sử dụng ở mức độ nhỏ hơn; một phần của chúng sẽ không được sử dụng. Nhưng nếu khối lượng các yếu tố chuyên dụng cao quá ít thì chúng sẽ được tận dụng hoàn toàn theo giá thị trường để tạo ra các sản phẩm, khi đó sẽ tồn tại một khoảng không gian nhất định để đưa ra các sắc lệnh chuyên chế làm hạ thấp giá cả. Việc ấn định giá cả cả sẽ không dẫn đến hạn chế sản xuất chừng nào biện pháp này vẫn còn chưa tước đoạt toàn bộ tô kinh tế của các nhà sản xuất cận biên. Một sự can thiệp không đi xa hơn giới hạn này sẽ không làm giảm nguồn cung. Nhưng do nó làm tăng cầu, nó sẽ làm cho cung và cầu sai lệch nhau, dẫn đến tình trạng bất ổn, trừ phi chính quyền tự đứng ra phân bổ các sản phẩm giữa những người mua triển vọng.

Lấy thí dụ: Chính quyền muốn thiết lập các giá thuê tối đa đối với các căn hộ và cho các địa điểm đặt cửa hàng tại những khu vực trung tâm đô thị. Nếu hành động của chính quyền không đi quá xa khiến việc sử dụng đất nông nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với người chủ đất, hành động này sẽ không làm giảm nguồn cung đối với các căn hộ và cửa hàng 2. Nhưng, với các mức giá được cố định bởi chính quyền, nhu cầu sẽ vượt quá cơ sở vật chất sẵn có. Làm thế nào chính quyền phân bổ lượng cơ sở vật chất giới hạn này giữa những người sẵn sàng trả mức giá thuê cố định không phải là điều quan trọng ở đây. Bất kể sự phân phối được tiến hành như thế nào thì kết quả vẫn sẽ là lấy đi một phần lợi nhuận của người chủ đất và trao cho người thuê nhà. Chính quyền đã lấy đi của cải từ một số cá nhân và trao cho những cá nhân khác.

2. Độc quyền giá là tình huống thứ hai mà những biện pháp quản lý giá cả có thể được sử dụng và mang lại một vài hiệu quả. Biện pháp quản lý giá có thể thành công trong trường hợp giá cả độc quyền nếu biện pháp này không áp đặt mức giá bán dưới mức giá cạnh tranh trong một thị trường không độc quyền và không bị can thiệp. Trong trường hợp giá cả độc quyền được thiết lập bởi một một tập đoàn (cartel) quốc tế những nhà sản xuất thủy ngân, một chính quyền tầm thế giới (hay quốc tế) có thể thực hiện quản lý giá cả thành công, đẩy giá thủy ngân xuống đến điểm mà ở đó nó sẽ bán trong trường hợp có sự cạnh tranh giữa một số nhà sản xuất. Đương nhiên, điều tương tự cũng đúng trong trường hợp những nhà độc quyền thể chế. Nếu chính quyền ban hành một chính sách can thiệp tạo ra những điều kiện cần thiết cho giá cả độc quyền, khi đó có thể ban hành một sắc lệnh thứ hai để có thể phá bỏ chúng. Nếu nhờ được cấp bằng sáng chế, một nhà đầu tư có được vị thế thiết lập giá cả độc quyền, khi đó chính quyền cũng có thể lấy đi đặc quyền đã trao trước đó bằng cách cố định mức giá bán đối với sản phẩm được tạo ra từ bằng sáng chế ở mức tương đương với trường hợp có cạnh tranh. Vì thế, cố định giá có hiệu quả trong thời điểm các phường hội có mục tiêu hướng đến giá cả độc quyền. Nó cũng có thể hiệu quả chống lại các tập đoàn kinh tế có xu hướng thiết lập giá cả độc quyền nhờ thuế bảo hộ. 

Các chính quyền thích đánh giá hiệu quả của những hành động của họ theo cách lạc quan. Nếu như việc cố định giá dẫn đến hiện tượng hàng hóa với chất lượng thứ cấp thế chỗ vị trí của hàng hóa chất lượng cao, chính quyền cũng sẵn sàng bỏ qua sự khác biệt về chất lượng và cố chấp trong ảo tưởng rằng sự can thiệp của họ mang lại hiệu quả họ mong đợi. Tại nhiều thời điểm và mang tính tạm thời, họ gặt hái được một chút thành công nhỏ nhưng đều phải trả giá rất đắt. Những nhà sản xuất, do tác động bởi việc cố định giá, có thể chấp nhận lỗ tại một thời điểm nhất định hơn là hứng chịu rủi ro mới; ví dụ, họ có thể sợ rằng xí nghiệp của họ sẽ bị cướp bóc bởi sự kích động quần chúng khi không có sự bảo vệ thỏa đáng từ chính phủ. Trong những trường hợp này biện pháp quản lý giá dẫn đến sự tiêu tốn tư bản và vì thế gián tiếp làm suy yếu nguồn cung sản phẩm.

Ngoại trừ hai ngoại lệ đề cập ở trên, các biện pháp quản lý giá cả không phải là phương tiện phù hợp cho chính quyền nhằm định hướng nền kinh tế thị trường đến các kênh mong muốn. Các động lực thị trường đã chứng tỏ sự vượt trội của mình so với quyền lực của chính quyền. Chính quyền phải đối diện giữa hai lựa chọn, hoặc chấp nhận quy luật thị trường như nó vốn có, hoặc cố gắng thay thế thị trường và nền kinh tế thị trường bằng một hệ thống không có thị trường, nghĩa là bằng chủ nghĩa xã hội. 

(Xem tiếp Phần 3)

Chú thích:

(1) Có thể bỏ qua trường hợp ấn định trực tiếp giá cả đối với những phương tiện sản xuất, hay nguyên nhiên vật liệu, mà không thể được sử dụng cho tiêu dùng trực tiếp; nếu như giá cả được cố định đối với tất cả hàng hóa tiêu dùng, và nếu lãi suất và tiền lương bị cố định, và nếu toàn bộ nhân công bị ép buộc làm việc, và toàn bộ những người sở hữu phương tiện sản xuất bị ép buộc sản xuất, khi đó giá cả của những phương tiện sản xuất là nguyên nhiên vật liệu cũng sẽ bị cố định một cách gián tiếp.

(2) Để đơn giản chúng ta loại trừ chi phí xây dựng.

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, F­EE, 1998­

Dịch giả:
Vũ Minh Long
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Greaves, Bettina Bien

Tác giả liên quan