Can thiệp bằng cách kiểm soát giá cả (Phần 1/3)

Can thiệp bằng cách kiểm soát giá cả (Phần 1/3)

1. Lựa chọn luật định hay quy luật kinh tế

Những biện pháp kiểm soát giá hướng đến việc cố định giá cả, tiền lương, và lãi suất tại các mức khác với các mức được hình thành trên thị trường không bị can thiệp. Chính quyền, hay các nhóm được chính quyền chỉ định rõ ràng hoặc ngầm định, với quyền năng kiểm soát giá thiết lập những mức giá tối đa hoặc tối thiểu. Sức mạnh an ninh được sử dụng để thực thi những sắc lệnh này.

Mục tiêu ngầm định trong chính sách can thiệp kiểu này tới cấu trúc giá của thị trường là mang lại đặc quyền cho bên bán (trong trường hợp mức giá tối thiểu) hoặc đặc quyền cho bên mua (trong trường hợp mức giá tối đa). Mức giá tối thiểu cho phép bên bán có được những mức giá tốt hơn cho những hàng hóa anh ta chào bán; mức giá tối đa cho phép bên mua có được những hàng hóa anh ta mong muốn với một mức giá thấp hơn. Việc chính quyền lựa chọn và trao đặc quyền cho nhóm nào phụ thuộc vào những điều kiện chính trị nhất định. Lúc thì mức giá tối đa, lúc thì mức giá tối thiểu; lúc thì mức tiền lương tối đa, lúc thì mức tiền lương tối thiểu. Đối với lãi suất sẽ chỉ có mức cao nhất, không có mức thấp nhất. Lợi ích chính trị luôn luôn đòi hỏi những biện pháp như vậy.

Ngành khoa học kinh tế chính trị đã phát triển vượt ra ngoài những tranh luận về các quy định điều tiết của chính phủ đối với giá cả, tiền lương và lãi suất. Trong hàng trăm năm và thậm chí hàng ngàn năm, chính quyền đều cố gắng chi phối giá cả thông qua bộ máy quyền lực. Họ đã đặt ra những hình phạt nặng nhất cho những ai từ chối tuân theo những mệnh lệnh của họ. Vô số sinh mệnh đã bị tổn thất trong các cuộc đấu tranh. Không có lĩnh vực nào mà lực lượng an ninh lại thể hiện tham vọng trong việc sử dụng quyền lực nhiều hơn lĩnh vực này, và không có trường hợp nào mà sự hận thù chống đối chính quyền lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân chúng như thế. Tuy nhiên tất cả những nỗ lực này đều không đạt được mục đích. Lời giải thích cho sai lầm này được tìm thấy trong các tài liệu về triết học, thần học, chính trị, và lịch sử, phản ánh chính xác quan điểm của chính quyền và của số đông. Lý lẽ được xuyên suốt đưa ra là con người theo bản năng có tính vị kỷ và có bản tính xấu, trong khi chính quyền lại quá mềm yếu và miễn cưỡng trong việc sử dụng vũ lực; và để đạt được mục tiêu thì mấu chốt là phải có những nhà cai trị cứng rắn và nhẫn tâm.

Sự thật được phát hiện bắt nguồn từ những quan sát về ảnh hưởng của những biện pháp này trong một lĩnh vực tương đối hẹp. Trong các biện pháp quản lý giá cả, một biện pháp có ý nghĩa quan trọng là các nỗ lực của chính quyền nhằm biến những đồng tiền kim loại có chất lượng thấp có giá trị tương đương với những đồng tiền chất lượng chuẩn, ấn định tỷ lệ trao đổi cố định giữa vàng với bạc, và sau này, giữa tiền kim loại và tiền giấy mất giá. Những nỗ lực này đều thất bại, và lý do đằng sau những thất bại này được Ngài Thomas Gresham phát hiện qua một định luật mang tên ông sau này. Từ sự khởi đầu này, một thời gian dài sau các triết gia Scot và Anh trong thế kỷ XVIII mới đưa ra những khám phá vĩ đại rằng thị trường được dẫn dắt bởi những quy luật nhất định; những quy luật này khiến toàn bộ các hiện tượng thị trường có quan hệ với nhau.

Một trong những thành tựu vĩ đại của trí tuệ loài người là việc khám phá ra những quy luật tất yếu chi phối thị trường và quá trình trao đổi. Khám phá này đặt một nền móng cho sự phát triển của xã hội học tự do và sự nổi lên của chủ nghĩa tự do, và nhờ thế, tạo dựng lên nền văn hóa và kinh tế hiện đại. Nó mở đường cho những thành tựu công nghệ vĩ đại trong thời đại của chúng ta. Đây cũng là thời điểm bắt đầu của một môn khoa học có hệ thống về hành động con người, đó chính là kinh tế học.

Trí tuệ tiền khoa học đã phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, cái công bằng và cái bất công trong hành động con người. Nó tin tưởng rằng hành vi con người có thể được đánh giá và xét đoán bởi những chuẩn mực đã định sẵn trong một hệ thống luật lệ đạo đức dị trị (heteronomous moral law). Nó cho rằng hành động con người là tự do nếu như giải thoát được khỏi những quy luật hiện hữu trong hành vi của con người. Nó lập luận rằng con người nên hành động có đạo đức; bởi nếu anh ta hành động ngược lại, Chúa sẽ trừng phạt anh ta trong tương lai, thậm chí trong suốt phần đời còn lại của anh ta; những hành động của con người không tạo ra bất cứ hậu quả nào khác thế. Chính vì vậy, không cần thiết phải có giới hạn cho những gì chính quyền được làm miễn là không mâu thuẫn với một quyền lực mạnh hơn. Chính quyền ở vị trí tối cao và được phép tự do sử dụng quyền lực của mình với điều kiện không vượt quá những ranh giới lãnh thổ mà ở đó nó có vị trí cao nhất; nó có thể làm bất cứ thứ gì nó mong muốn. Tồn tại những quy luật không thể thay đổi trong thế giới tự nhiên, nhưng trong phạm vi xã hội, không có bất cứ giới hạn nào cho những gì chính quyền có thể làm.

Lĩnh vực khoa học kinh tế chính trị khởi đầu từ việc nhận thức rằng tồn tại một cái gì đó hạn chế phạm vi quyền lực của những kẻ nắm quyền. Nhà kinh tế nhìn sâu hơn về nhà nước và bộ máy quyền lực của nó và khám phá ra rằng xã hội loài người là kết quả của sự hợp tác giữa con người với nhau. Anh ta khám phá ra rằng tồn tại những quy luật trong địa hạt hợp tác xã hội mà nhà nước không có khả năng thay đổi. Anh ta nhận ra rằng quá trình vận động của thị trường, vốn là kết quả của những quy luật này, quyết định giá cả, và rằng hệ thống giá cả thị trường sẽ cung cấp cơ sở duy lý cho sự hợp tác giữa con người với nhau. Giá cả không còn hiện lên như một kết quả của một thái độ tùy tiện của các cá nhân theo ý niệm công lý của họ, mà được nhận diện như một sản phẩm cần thiết và rõ ràng trong cuộc chơi của những động lực thị trường. Hệ quả tất yếu là mỗi chùm dữ liệu nhất định sẽ tạo ra một một cấu trúc giá cả nhất định. Không thể thay đổi được các mức giá này – các mức giá “tự nhiên” – mà không có những thay đổi dữ liệu trước đó. Bất cứ sự xê dịch nào khỏi mức giá “tự nhiên” sẽ tạo ra những xung lực có xu hướng mang giá cả trở lại vị trí “tự nhiên”.

Quan điểm này trái ngược ngay cả với niềm tin rằng chính quyền có thể tùy ý thay đổi các mức giá thông qua mệnh lệnh, cấm đoán và sự trừng phạt. Nếu các mức giá được quyết định bởi cấu trúc dữ liệu, nếu chúng là nhân tố trong quá trình ảnh hưởng tới hợp tác xã hội và bổ trợ cho các hoạt động của các cá nhân để thỏa mãn những mong muốn của toàn bộ thành viên trong cộng đồng, khi đó một sự thay đổi tùy tiện giá cả, có nghĩa là một sự thay đổi độc lập các dữ liệu, tất sẽ khiến cho hợp tác xã hội bị xáo trộn. Đúng là một chính phủ quyền lực và đầy quyết tâm có thể đưa ra những mệnh lệnh về giá và có thể tự trừng phạt những ai chống đối một cách tàn bạo. Nhưng nó sẽ không thực hiện được mục tiêu nó hướng đến thông qua những mệnh lệnh về giá cả. Tuy nhiên, sự can thiệp của chính quyền không là gì khác mà chính xác là một loại dữ liệu trên thị trường, và dữ liệu này tạo ra những hiệu ứng nhất định do sự chi phối của những quy luật không thể tránh khỏi của thị trường. Liệu những hiệu ứng này có làm hài lòng chính phủ và liệu rằng chính phủ có phớt lờ chúng khi chúng xuất hiện kể cả khi đây là những hiệu ứng kém mong muốn hơn so với những tình trạng mà chính phủ tìm cách thay đổi; đấy là những điều rất đáng nghi ngờ. Ở bất cứ mức độ nào những biện pháp can thiệp này cũng không giúp đạt được những điều mà chính quyền mong muốn. Vì thế những can thiệp giá cả, trên quan điểm của chính quyền khởi xướng ra chúng, không chỉ không hiệu quả và vô dụng, mà còn đi trái với mục đích, gây hại và thậm chí là phi lý.

Ai bác bỏ logic của những kết luận này là chối từ khả năng phân tích của kinh tế học. Nói cách khác sẽ không có thứ gì giống như kinh tế học, và mọi ngôn từ viết về các vấn đề kinh tế đều vô nghĩa. Nếu như chính quyền có thể áp đặt mức giá cố định mà không tạo ra một phản ứng nào trên thị trường trái ngược với ý định của chính quyền, thì nỗ lực giải thích giá cả dựa trên nền tảng những động lực thị trường là phù phiếm vô ích. Bản chất thực của lời giải thích về những động lực thị trường nằm trong giả định rằng mỗi chùm dữ liệu của thị trường có một cấu trúc giá tương ứng và những động lực hoạt động trên thị trường, sẽ có xu hướng khôi phục cấu trúc giá “tự nhiên” này nếu nó bị xáo trộn.

Để bảo vệ kiểm soát giá cả, những đại diện của Trường phái lịch sử về kinh tế chính trị, và ngày nay là những người theo trường phái Thể chế, đưa ra lời giải thích khá hợp lý dựa trên quan điểm của họ, bởi họ không thừa nhận lý thuyết kinh tế. Đối với họ, kinh tế học chỉ đơn thuần là một sự tổng hợp những trật tự và những biện pháp chuyên chế. Tuy nhiên, điều vô lý là lập luận của những người, một mặt thì nghiên cứu những vấn đề của thị trường bằng những công cụ phân tích lý thuyết, nhưng mặt khác lại từ chối thừa nhận rằng những biện pháp quản lý giá tất yếu sẽ tạo ra những kết quả đi ngược với mục đích đề ra. 

Chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc luật pháp hoặc quy luật kinh tế. Giá cả hoặc là được quyết định một cách độc đoán bởi các cá nhân trên thị trường và vì thế, có thể được dẫn dắt bởi những mệnh lệnh của chính quyền theo bất cứ xu hướng nào được mong muốn; hoặc giá cả được quyết định bởi những động lực thị trường, thường được gọi là cung và cầu, và sự can thiệp của chính quyền có tác động đến thị trường chỉ là một trong nhiều yếu tố. Không có một sự thỏa hiệp nào có khả năng xảy ra giữa hai quan điểm này.

(Xem tiếp Phần 2)

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Vũ Minh Long
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Greaves, Bettina Bien

Tác giả liên quan