Lạm phát và chính sách mở rộng tín dụng (Phần 3/3)

Lạm phát và chính sách mở rộng tín dụng (Phần 3/3)

(Tiếp theo Phần 2)

3. Kiểm soát ngoại hối

Khi chính phủ cố gắng sử dụng sức mạnh để làm cho tín dụng hay tiền tệ quốc gia có một giá trị cao hơn mức giá thị trường, hiệu ứng giống như định luật Gresham mô tả sẽ xảy ra. Đó là tình trạng mà mọi người thường gọi là thiếu hụt ngoại hối. Cách diễn đạt này không chuẩn xác về nghĩa. Bất kỳ ai đưa ra mức giá thấp hơn mức giá thị trường cho bất kì sản phẩm nào đều sẽ không thể mua được sản phẩm đó; điều này đúng với cả trao đổi ngoại tệ cũng như đối với tất cả các hàng hóa khác.

Đặc điểm cơ bản của hàng hóa kinh tế là nó không quá thừa thãi đến nỗi có thể thỏa mãn cho mọi nhu cầu sử dụng. Theo nghĩa này một hàng hóa không bị thiếu hụt chỉ có thể là hàng hóa miễn phí. Do tiền hẳn nhiên là một hàng hóa kinh tế, không phải là hàng hóa miễn phí, cho nên không thể không xảy ra tình trạng thiếu hụt. Các chính phủ áp dụng chính sách lạm phát và đồng thời ngụy tạo là không làm giảm sức mua của đồng nội tệ có những toan tính riêng khi than phiền về sự thiếu hụt ngoại hối. Tuy nhiên, sẽ không có cái gọi là “sự thiếu hụt” kim tiền hay ngoại hối. Những người sẵn sàng trả theo mức giá thị trường sẽ nhận được mọi nhu cầu lượng kim tiền hay ngoại tệ cho lượng nội tệ mang ra trao đổi. Những người mua hàng hóa sẽ phải trả mức giá thị trường được đưa ra bởi tỉ lệ trao đổi của thị trường; họ hoặc phải trả bằng kim tiền (hay ngoại tệ) hoặc phải trả bằng lượng đồng nội tệ theo tỉ giá trên thị trường hối đoái.

Nhưng chính phủ không muốn chấp nhận những kết cục trên. Là cơ quan nắm quyền tối cao, chính phủ tin rằng nó có quyền lực siêu phàm. Nó có thể thiết lập những bộ luật hình sự, tòa án và cảnh sát, giá treo cổ và nhà tù để có thể sử dụng bất kì lúc nào và tiêu diệt bất kỳ kẻ nào chống đối. Hậu quả là, nó đưa ra các mệnh lệnh không cho tăng giá. Một mặt, chính phủ tiếp tục in thêm thêm tiền, để đưa vào thị trường và tạo ra thêm cầu hàng hóa. Mặt khác, chính phủ lại không cho phép tăng giá, bởi nó nghĩ rằng nó có thể làm bất kì điều gì nó muốn.

Chúng ta đã phân tích những nỗ lực ấn định giá cả mọi hàng hóa và dịch vụ. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét những nỗ lực cố định tỷ giá hối đoái.

Chính phủ buộc tội sự tăng lên của tỷ giá hối đoái ảnh hưởng bất lợi đến cán cân thanh toán và làm gia tăng hoạt động đầu cơ. Bởi không muốn từ bỏ mức tỷ giá cố định, chính phủ sử dụng các biện pháp làm giảm cầu. Chính phủ chỉ chấp thuận cho phép một số người mua ngoại tệ vì một số mục đích nhất định nào đó. Không được phép nhập khẩu thêm các loại hàng hóa mà chính phủ coi là dư thừa; ngừng việc trả lãi và vốn đến hạn cho các chủ nợ nước ngoài; cấm công dân không được đi ra nước ngoài. Chính phủ không ý thức được rằng, những cố gắng của mình nhằm “cải thiện” cán cân thanh toán là vô ích. Nếu nhập khẩu ít đi, xuất khẩu cũng sẽ giảm. Công dân, ngay cả khi chi tiêu ít hơn cho các chuyến đi nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu, và trả lãi và vốn vay các khoản nợ nước ngoài, cũng sẽ không sử dụng lượng tiền nhàn rỗi để làm tăng lượng tiền mặt; họ sẽ chi khoản tiền không được chi tiêu ra nước ngoài đó trong nội địa và làm tăng giá cả trên thị trường nội địa. Bởi giá cả tăng, và bởi người dân sẽ mua nhiều hàng hóa trong nước hơn, xuất khẩu sẽ ít đi. Giá cả tăng không chỉ bởi hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn tính theo giá trị đồng nội tệ; chúng còn tăng bởi cung tiền tệ tăng lên và bởi công dân có nhu cầu lớn hơn đối với hàng hóa nội địa.

Chính phủ tin rằng họ có thể đạt được mục đích bằng cách quốc hữu hóa giao dịch trong trao đổi ngoại hối. Những người nhận được ngoại tệ – ví dụ, từ các giao dịch xuất khẩu – theo luật sẽ phải chuyển đến cho chính phủ và chỉ nhận được khoản tiền nội tệ tương ứng với giá ngoại tệ đã được cố định bởi chính phủ thấp hơn giá thị trường. Nếu quy tắc này được duy trì liên tục, xuất khẩu sẽ ngừng hoàn toàn. Vì chính phủ không muốn hệ lụy này xảy ra, rốt cục nó sẽ phải nhượng bộ. Nó sẽ cung cấp các khoản trợ giá cho các hàng hóa xuất khẩu nhằm bồi hoàn cho những thiệt hại mà nhà các nhà xuất khẩu phải hứng chịu do nghĩa vụ phải hoán đổi ngoại tệ cho chính phủ tại một mức giá cố định.

Mặt khác, chính phủ bán ngoại tệ cho những người mong muốn sử dụng chúng phục vụ cho những mục đích được chính phủ chấp thuận. Nếu như chính phủ vẫn trung thành với quan điểm của mình và chỉ đòi hỏi mức tỷ giá chính thức, thì điều này đồng nghĩa với việc trợ giá cho các nhà nhập khẩu (không phải là hàng hóa nhập khẩu). Bởi đây không phải là chủ đích của chính phủ, họ sẽ tìm kiếm những khoản bồi hoàn, ví dụ thông qua gia tăng tương ứng thuế nhập khẩu hay áp đặt các loại thuế đặc biệt lên lợi nhuận và các giao dịch của nhà nhập khẩu.

Kiểm soát giao dịch ngoại tệ đồng nghĩa với việc quốc hữu hóa ngoại thương cũng như tất cả các hoạt động kinh doanh với nước ngoài. Chính phủ không thay đổi tỷ giá hối đoái. Liệu chính phủ có dám công khai tỷ giá hối đoái thực phản ánh điều kiện thị trường hay không không phải là quan trọng ở đây. Trong các giao dịch ngoại hối chỉ có những tỷ giá phản ánh được sức mua của đồng nội tệ mới đáng quan tâm.

Những tác động của việc quốc hữu hóa như vậy với đối với tất cả các mối quan hệ kinh tế với nước ngoài ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi người dân, đặc biệt ở các nước nhỏ và các nước có quan hệ quốc tế chặt chẽ. Người dân chỉ có thể đi du lịch nước ngoài, du học tại các trường đại học nước ngoài, cũng như đọc sách và báo được xuất bản tại nước ngoài nếu được chính phủ cho phép sử dụng ngoại tệ khi cần thiết. Chính sách kiểm soát, với vai trò như một phương thức giảm mức giá trao đổi ngoại tệ, là một chính sách sai lầm hoàn toàn. Nhưng nó là một phương thức hiệu quả để thi hành chính sách độc tài.

4. Hiện tượng tháo chạy vốn và vấn đề “tiền nóng”

Có ý kiến cho rằng kiểm soát ngoại hối là cần thiết nhằm ngăn chặn hiện tượng tháo chạy vốn.

Nếu một nhà tư bản lo sợ về khả năng chính phủ sẽ tịch thu hoàn toàn hoặc một phần tài sản của mình, người đó sẽ tìm cách bảo toàn ở mức nhiều nhất có thể. Tuy nhiên việc rút vốn từ các doanh nghiệp và chuyển nó sang một quốc gia khác không thể tránh khỏi chịu tổn thất. Nếu như có một nỗi lo chung về sự tịch thu tài sản của chính phủ, cái giá trả cho việc tiếp tục kinh doanh sẽ rơi xuống mức mà phản ánh khả năng xảy ra việc tịch thu đó. Tháng 10 năm 1917, các doanh nghiệp ở Nga, vốn đã đầu tư hàng triệu rúp, được ra giá chỉ tương đương một vài xu; và sau này chúng hoàn toàn không thể bán được.

Cụm từ “tháo chạy vốn” mang nghĩa sai lệch. Nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp, nhà ở và bất động sản không thể trốn chạy; nó chỉ có thể đổi chủ. Nhà nước với ý định tịch thu tài sản sẽ không mất một xu nào từ việc này. Chủ nhân mới trở thành nạn nhân của việc tịch thu thay cho chủ cũ.

Chỉ có người nghiệp chủ kịp thời nhận ra sự nguy hiểm của việc tịch thu tài sản mới có khả năng tránh được hiểm họa mất mát bằng nhiều cách thay vì bán tháo hoàn toàn sản nghiệp kinh doanh của mình. Anh ta có thể hạn chế việc thay thế các phần thiết bị sắp hết hạn sử dụng hoặc đã hỏng hóc, và anh ta có thể chuyển các khoản tiền tiết kiệm được ra nước ngoài. Anh ta có thể giữ các khoản tiền xuất khẩu tại các quỹ ở nước ngoài. Nếu như anh ta chọn cách đầu tiên thì nhà máy của anh ta không sớm thì muộn sẽ trở nên kém hiệu quả, hay chí ít là mất khả năng cạnh tranh. Nếu anh ta chọn giải pháp sau, anh ta cũng sẽ dần hạn chế và thậm chí ngừng hẳn sản xuất do thiếu vốn hoạt động, trừ khi anh ta có thể mượn thêm vốn.

Trừ ngoại lệ trên, một chính quyền có dự định sung công, hoàn toàn hay chỉ một phần, các doanh nghiệp trong lãnh thổ của mình không phải lo lắng về nguy cơ tháo chạy vốn khỏi các cơ sở sản xuất trong nước.

Những người nắm giữ tiền, giấy nợ, tiền gửi, và các loại hối phiếu khác thấy mình có vẻ có vị thế tốt hơn so với những người chủ doanh nghiệp hay bất động sản. Tuy nhiên, họ phải chịu sự đe dọa không chỉ từ sự sung công; lạm phát cũng có thể khiến họ mất tất cả. Nhưng họ là người có khả năng mua ngoại tệ và chuyển tài sản của họ ra nước ngoài bởi tài sản của họ chủ yếu là tiền mặt.

Chính phủ không thích chấp nhận tình huống này. Họ tin nghĩa vụ của mỗi người dân là phải âm thầm chấp nhận các biện pháp tịch thu kể cả khi – như trong trường hợp lạm phát – phương pháp này không có lợi cho nhà nước mà chỉ cho một vài cá nhân. Kiểm soát trao đổi ngoại tệ là một biện pháp để ngăn chặn hiện tượng tháo chạy vốn.

Hãy quan sát một ví dụ lịch sử. Trong những năm đầu tiên sau sự kiện đình chiến năm 1918, người dân có thể bán ra nước ngoài giấy bạc, trái phiếu, và các giấy nợ nội tệ do các nước Đức, Áo, và Hungary phát hành. Chính phủ các nước trên đã ngăn cản những giao dịch đó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách buộc những người nắm giữ chúng phải từ bỏ quyền nắm giữ ngoại tệ thu được từ các giao dịch đó. Các nền kinh tế Đức, Áo, hay Hungary liệu trở nên giàu có hơn hay nghèo hơn bởi sự can thiệp này? Hãy giả sử rằng năm 1920 người Áo thành công trong việc bán trái phiếu nhà đất cho người nước ngoài với giá $10 cho mỗi 1.000 kronen giá trị danh nghĩa. Chủ nợ của người Áo như vậy sẽ được hưởng lợi tức cuối kỳ khoảng 5% giá trị danh nghĩa cho số trái phiếu anh ta nắm giữ. Những người vay nợ Áo sẽ không bị ảnh hưởng gì hết. Tuy nhiên, khi mà một con nợ người Áo phải trả khoảng nợ với giá trị trên giấy là 1.000 kronen, mà trong năm 1914 tương đương với khoảng $200, thì cũng với 1000 kronen anh ta chỉ phải trả khoảng 1,4 cent vào năm 1922. Những người nước ngoài sẽ phải gánh chịu khoản thiệt hại khoảng $9.98 chứ không phải là người Áo. Vì lý do đó, liệu ai đó có thể nói một chính sách ngăn chặn những giao dịch như vậy là hợp lý trên quan điểm lợi ích của người Áo?

Những người nắm giữ tiền mặt sẽ cố gắng tránh rủi ro từ việc hạ giá đồng tiền mà ngày nay đe dọa tất cả các quốc gia. Họ giữ số dư ngân hàng lớn tại các quốc gia có ít khả năng hạ giá đồng tiền nhất trong tương lai gần. Nếu tình thế thay đổi khiến họ lo lắng cho các khoản tiền này, họ chuyển các số dư đó tới các quốc gia mà tại thời điểm đó có sự an toàn cao hơn. Những số dư tài khoản luôn sẵn sàng trốn chạy– được gọi là “tiền nóng” – đã ảnh hưởng cơ bản đến cơ sở dữ liệu và sự vận hành của thị trường tiền tệ quốc tế. Chúng là biểu hiện cho một vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện đại.

Trong nhiều thế kỷ vừa qua, tất cả các quốc gia đã áp dụng hệ thống dự trữ đơn nhất (single-reserve system). Với mục đích giúp ngân hàng trung ương dễ dàng hơn trong việc theo đuổi chính sách mở rộng tín dụng trong nước, các ngân hàng thương mại phải gửi phần lớn dự trữ của mình vào ngân hàng trung ương. Các ngân hàng thương mại sau đó giảm lượng tiền mặt xuống mức đủ để tiến hành hoạt động kinh doanh hàng ngày. Họ thấy không còn cần thiết phải điều phối các khoản phải trả và các khoản phải thu theo thời gian đáo hạn để sao cho họ luôn hoàn thành đầy đủ và kịp thời trách nhiệm của mình. Để có thể đáp ứng các yêu cầu thanh toán hàng ngày của người gửi tiền, họ cho rằng chỉ cần sở hữu lượng tài sản thỏa mãn đòi hỏi của ngân hàng trung ương để cấp tín dụng là đủ.

Khi dòng “tiền nóng” bắt đầu chảy vào, các ngân hàng sẽ không thấy bất kỳ nguy hiểm nào trong việc gia tăng nhu cầu về tiền gửi ngắn hạn. Dựa vào ngân hàng trung ương, họ chấp nhận tiền gửi và sử dụng chúng như một cơ sở để mở rộng các khoản cho vay. Họ không nhận thức được nguy cơ đang đến gần. Họ không mảy may lo lắng về việc làm thế nào để một ngày nào đó hoàn trả lại được các khoản tiền gửi luôn sẵn sàng dịch chuyển.

Có ý kiến ​​cho rằng chính vì sự tồn tại của các dòng “tiền nóng” như vậy nên phải kiểm soát ngoại hối. Chúng ta hãy nghiên cứu tình huống tại Mỹ. Nếu như tháng 5 năm 1933, Mỹ không cấm cá nhân nắm giữ vàng, các ngân hàng thương mại đã có thể tiến hành hoạt động kinh doanh tín dụng vàng như một nghiệp vụ tách biệt với các hoạt động giao dịch khác. Họ đã có thể mua vàng, nắm giữ chúng hoặc có thể gửi an toàn tại các ngân hàng Dự trữ Liên bang. Vì thế, lượng vàng này sẽ trở nên trung hòa theo quan điểm của hệ thống tiền tệ và ngân hàng Mỹ. Chỉ bởi vì chính phủ Mỹ can thiệp bằng cách cấm các cá nhân sở hữu vàng nên vấn đề “tiền nóng” mới nảy sinh. Việc một can thiệp tạo ra hiệu ứng không mong muốn, dẫn đến việc nhất thiết phải đưa ra các can thiệp khác, không phải là một lý do chính đáng để biện minh cho chủ nghĩa can thiệp.

Dĩ nhiên, ở thời điểm hiện nay [tức năm 1940 – ND] toàn bộ vấn đề trên không còn quan trọng nữa. Mọi nguồn tài chính tháo chạy đều tìm tới nơi trú ẩn cuối cùng, đó là nước Mỹ. Nơi ẩn náu này chứng tỏ rằng chẳng còn có nơi nào an toàn để chúng có thể trốn chạy.

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Nguyễn Đức Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Greaves, Bettina Bien