Can thiệp bằng cách kiểm soát giá cả (Phần 3/3)

Can thiệp bằng cách kiểm soát giá cả (Phần 3/3)

(Tiếp theo Phần 2)

3. Tiền lương tối thiểu và thất nghiệp

Việc xây dựng các mức lương thông qua hoạt động của công đoàn là một trong những chính sách quan trọng mang tính thực tiễn nhất trong những biện pháp thực hiện chính sách cố định giá cả. Tại một số quốc gia mức tiền lương tối thiểu được thiết lập trực tiếp bởi chính phủ. Chính phủ các quốc gia khác chỉ can thiệp vào tiền lương một cách gián tiếp, bằng cách ngầm chấp thuận áp lực chủ động từ các công đoàn và các thành viên của công đoàn chống lại các doanh nghiệp cũng như những người sẵn sàng làm việc, không tuân theo những sắc lệnh về lương. Mức lương được cố định độc đoán thường có xu hướng dẫn đến tình trạng thất nghiệp lâu dài đối với một bộ phận lớn trong lực lượng lao động. Tại đây một lần nữa chính phủ thường can thiệp bằng cách trợ cấp thất nghiệp.

Khi chúng ta nói về tiền lương, chúng ta luôn luôn ám chỉ tiền lương thực tế, không phải tiền lương tiền tệ. Rõ ràng là một sự thay đổi trong sức mua của đơn vị tiền tệ sẽ sớm hay muộn kéo theo một sự thay đổi tiền lương danh nghĩa.

Các nhà kinh tế luôn luôn nhận thức được rằng các mức tiền lương cũng là một hiện tượng của thị trường, và rằng tồn tại những động lực đang hoạt động trên thị trường khiến cho nếu tiền lương lệch khỏi mức lương do thị trường quy định sẽ có xu hướng quay trở lại điểm tương thích với những điều kiện của thị trường. Nếu tiền lương rơi xuống dưới mức được quy định bởi thị trường, khi đó cạnh tranh giữa các nghiệp chủ đang tìm kiếm nhân công sẽ nâng nó lên vị trí ban đầu. Nếu tiền lương tăng vượt quá mức thị trường, một phần cầu lao động sẽ bị loại bỏ và áp lực từ những người thất nghiệp sẽ làm cho tiền lương giảm trở lại. Kể cả Karl Marx và những người theo chủ nghĩa Mác-xít cũng luôn thừa nhận rằng các nghiệp đoàn không thể gia tăng tiền lương của toàn bộ công nhân vĩnh viễn trên mức được thiết lập bởi thị trường. Những người biện hộ cho chủ nghĩa nghiệp đoàn chưa bao giờ trả lời được luận điểm này. Họ chỉ kết tội kinh tế học là “ngành khoa học sầu bi”.

Phủ nhận việc nâng tiền lương lên trên mức được quy định bởi thị trường tất yếu dẫn đến suy giảm số lượng nhân công được thuê chẳng khác gì khẳng định rằng quy mô nguồn cung lao động không ảnh hưởng tới mức lương. Có thể đưa ra một số bình luận chứng minh cho sự ngụy biện trong những khẳng định như vậy. Tại sao những ca sĩ opera lại được trả lương cao? Bởi nguồn cung là rất nhỏ. Nếu nguồn cung những ca sĩ opera cũng lớn như nguồn cung người lái xe, thu nhập của họ, với nhu cầu tương ứng cho trước, sẽ ngay lập tức hạ thấp dần xuống mức lương của lái xe. Một nghiệp chủ sẽ làm gì để thu hút những nhân công có kỹ năng đặc biệt khi nguồn cung hạn chế? Anh ta sẽ tăng mức lương có thể trả nhằm thuyết phục những nhân công này rời khỏi các đối thủ cạnh tranh và đến với anh ta. 

Chừng nào chỉ có một phần lực lượng lao động, đa phần là lao động có kỹ năng, tham gia công đoàn, thì việc tăng lương do áp lực của công đoàn, tuy không dẫn đến thất nghiệp, nhưng lại là nguyên nhân khiến tiền lương cho lao động phổ thông giảm. Những nhân công có kỹ năng mất việc do chính sách tiền lương khởi xướng bởi các công đoàn tham gia vào thị trường dành cho lao động phổ thông và làm gia tăng nguồn cung. Hậu quả tất yếu đối với việc tiền lương cao hơn cho lao động có tổ chức là tiền lương thấp hơn cho lao động không có tổ chức. Nhưng, ngay khi lao động trong tất cả các tuyến sản xuất trở nên có tổ chức, tình thế thay đổi. Khi đó, những công nhân thất nghiệp trong một ngành công nghiệp có thể không tìm được công việc trong các tuyến sản xuất khác; họ buộc phải tiếp tục ở trong tình trạng thất nghiệp.

Các công đoàn chứng thực cho tính hợp lý của luận điểm này khi họ cố gắng ngăn chặn dòng chảy lao động vào ngành công nghiệp của họ hay vào quốc gia của họ. Khi các công đoàn từ chối thừa nhận những thành viên mới hay làm cho việc thu nhận trở nên khó khăn hơn bằng mức phí kết nạp cao, hay khi họ đấu tranh chống lại nạn nhập cư, họ đã tự thừa nhận rằng nếu có một số lượng lớn nhân công được tuyển dụng thì tiền lương sẽ giảm xuống.

Cũng giống như khuyến nghị mở rộng tín dụng1 để giảm thất nghiệp, các công đoàn một mặt thừa nhận tính đúng đắn của lý thuyết kinh tế về tiền lương nhưng mặt khác họ lại gán cho các nhà kinh tế nhãn hiệu “chính thống”. Mở rộng tín dụng làm giảm giá trị của đơn vị tiền tệ và vì thế làm giá cả leo thang. Nếu tiền lương ổn định hay ít nhất không tăng cùng mức độ với giá cả hàng hóa, điều đó có nghĩa là có sự suy giảm tiền lương thực tế. Tiền lương thực tế thấp hơn sẽ khiến việc thuê thêm nhân công trở nên khả thi hơn.

Cuối cùng, chúng ta phải thể hiện sự kính trọng đối với lý thuyết tiền lương “chính thống” khi chỉ ra rằng các công đoàn tự áp đặt giới hạn khi đòi cố định mức lương. Cùng với phương thức ép các nghiệp chủ trả lương cao hơn 10 phần trăm so với mức phổ biến trên thị trường, các công đoàn hoàn toàn có thể đòi các mức lương cao hơn nữa. Vậy tại sao họ không đòi một mức lương cao hơn 50 phần trăm, hoặc 100 phần trăm? Các nghiệp đoàn buộc lòng không thực thi một chính sách như thế bởi họ biết rằng có một lượng lớn hơn những thành viên của họ sẽ bị mất việc.

Nhà kinh tế xem tiền lương như một hiện tượng của thị trường; anh ta có quan điểm rằng tại bất kỳ thời điểm cho trước nào, các mức tiền lương được quyết định bởi các dữ liệu thông thường về nguồn cung tư liệu sản xuất và lao động trên thị trường, và bởi nguồn cầu hàng hóa tiêu dùng. Nếu có một hành động can thiệp, như tiền lương bị ấn định tại một mức cao hơn mức được đưa ra bởi thị trường, một phần nguồn cung lao động sẽ không được thuê; tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng. Tình huống tương tự cũng sẽ xảy ra chính xác như vậy trong trường hợp hàng hóa. Nếu những người chủ hàng hóa đòi hỏi một mức giá cao hơn mức giá thị trường, họ sẽ không thể bán toàn bộ lượng hàng của mình.

Tuy nhiên, nếu tiền lương không hoàn toàn được quyết định bởi thị trường, như những người cổ xúy việc ấn định mức lương bởi các công đoàn hay chính phủ mong muốn, câu hỏi đặt ra là, tại sao tiền lương không thể được đẩy cao hơn nữa? Đương nhiên, điều đó là đáng mong muốn để công nhân nhận được nhiều thu nhập nhất có thể. Cái gì ngăn cản các công đoàn làm vậy, nếu không phải là nỗi sợ thất nghiệp nhiều hơn.

Về vấn đề này, các công đoàn trả lời, chúng tôi không theo đuổi tiền lương cao; tất cả những gì chúng tôi muốn là “tiền lương công bằng”. Nhưng cái gì là “công bằng” trong trường hợp này? Nếu việc gia tăng tiền lương bằng chính sách can thiệp không làm tổn thương đến quyền lợi người lao động thì việc không tiếp tục tăng tiền lương đương nhiên là không công bằng. Cái gì ngăn chặn các công đoàn và các viên chức chính phủ, những người được giao phó phân xử những bất công về tiền lương, trong việc tăng tiền lương cao hơn nữa?

Tại một số quốc gia, người ta đòi ấn định tiền lương bằng chính sách sung công toàn bộ thu nhập của các nghiệp chủ và những nhà tư bản ngoài khoản lương cho hoạt động quản lý và đem phân phối cho những người làm công. Để đạt được mục đích này, người ta ban hành những sắc lệnh cấm sa thải nhân công khi chưa có sự cho phép đặc biệt từ chính phủ. Nhờ biện pháp này, sự gia tăng tình trạng thất nghiệp được ngăn chặn trong ngắn hạn. Nhưng nó đã dẫn đến những hiệu ứng khác mà trong dài hạn đi ngược lại với lợi ích của công nhân. Các nghiệp chủ và nhà tư bản không nhận được lợi nhuận và lợi tức, tuy không chết đói và không đòi hỏi trợ cấp, nhưng sẽ phải sống bằng cách tiêu xài lượng tư bản của họ. Nhưng, việc tiêu xài tư bản sẽ làm thay đổi tỉ suất vốn trên lao động, làm giảm năng suất cận biên của lao động, và vì thế cuối cùng làm giảm tiền lương. Vì lợi ích của những người làm công, tư bản không nên được mang ra tiêu xài.

Cần lưu ý rằng các phân tích trên hướng đến một khía cạnh duy nhất về hoạt động công đoàn, đó là chính sách tăng tiền lương trên mức được thiết lập trên thị trường không bị can thiệp. Những hoạt động khác mà các nghiệp đoàn xúc tiến hoặc có thể thực hiện không liên quan đến chủ đề này.

4. Hậu quả chính trị của thất nghiệp

Thất nghiệp, một hiện tượng quan trọng thường trực, đã trở thành một vấn đề chính trị luôn được quan tâm hơn cả tại tất cả các quốc gia dân chủ. Việc hàng nghìn người bị loại trừ vĩnh viễn khỏi quá trình sản xuất là một tình thế không thể chấp nhận được trong bất cứ thời điểm nào. Mỗi cá nhân thất nghiệp đều muốn làm việc. Anh ta muốn được trả công bởi anh ta đánh giá những cơ hội mà tiền lương mang đến có giá trị cao hơn tình trạng nghỉ ngơi lâu dài trong nghèo đói. Anh ta thất vọng bởi anh ta không thể tìm kiếm được việc làm. Đây là cơ hội để những kẻ gian hùng và những kẻ độc tài có tham vọng gây dựng binh đoàn hùng mạnh của họ từ trong số những người thất nghiệp. 

Dư luận quan tâm đến áp lực do thất nghiệp tạo ra giống như một bằng chứng cho sự thất bại của nền kinh tế thị trường. Dân chúng tin rằng chủ nghĩa tư bản đã thể hiện sự bất lực trong việc giải quyết những vấn đề hợp tác xã hội. Nạn thất nghiệp hiện lên như một kết quả không thể tránh khỏi của những tương phản và mâu thuẫn trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Dư luận thất bại trong việc nhận diện nguyên nhân thực chất của tình trạng thất nghiệp nhiều và lâu dài đến từ chính sách tiền lương của các nghiệp đoàn và sự hỗ trợ của chính phủ cho các chính sách như vậy. Tiếng nói của các nhà kinh tế không đến được với dư luận.

Những người không có chuyên môn luôn tin rằng tiến bộ công nghệ đã tước đi sinh kế của con người. Vì lý do này các phường hội đã xử tội mọi nhà phát minh; vì lý do này các thợ thủ công phá hủy máy móc. Ngày nay những người đối lập với tiến bộ công nghệ còn nhận được sự hỗ trợ từ những người thường được gọi là các nhà khoa học. Các cuốn sách và các bài báo khẳng định rằng thất nghiệp vì công nghệ là điều không thể tránh khỏi – ít nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Như một phương tiện chống lại nạn thất nghiệp, chính sách ít giờ làm hơn đã được khuyến nghị; vì tiền lương hàng tuần được giữ nguyên hay bị hạ thấp ở mức ít hơn tỷ lệ tương ứng, hoặc thậm chí tăng lên, nên trong mọi trường hợp chính sách này làm tăng tiền lương và gia tăng thất nghiệp. Những dự án công ích được khuyến nghị như một phương thức cung cấp việc làm. Nhưng nếu các nguồn ngân sách cần thiết được bảo đảm bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ hay bằng cách đánh thuế, tình huống vẫn sẽ diễn ra như vậy. Những nguồn ngân sách được sử dụng cho các dự án cứu tế được thu từ các hoạt động sản xuất khác, sự gia tăng những cơ hội việc làm bị trung hòa bởi sự suy giảm các cơ hội việc làm trong các ngành khác của hệ thống kinh tế.

Cuối cùng sự mở rộng tín dụng và lạm phát được viện đến. Nhưng với sự gia tăng giá cả và giảm tiền lương thực tế, những yêu cầu từ các công đoàn nhằm có tiền lương cao hơn lại có cớ để đưa ra. Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý rằng trong một số trường hợp, những chính sách phá giá hoặc những biện pháp gây lạm phát tương tự thế đã mang lại thành công tạm thời trong việc làm giảm bớt những tác động từ chính sách tiền lương của các công đoàn cũng như tạm dừng sự gia tăng thất nghiệp.

So sánh với sự bất lực trong việc đối phó vấn đề thất nghiệp của các quốc gia thường được gọi là dân chủ, chính sách của các chế độ độc tài có vẻ cực kỳ thành công. Nạn thất nghiệp biến mất nếu những người thất nghiệp bị bắt buộc vào quân đội và các đơn vị quân sự khác, vào các trại lao động hay vào các sở ban ngành bắt buộc khác. Người lao động trong các sở ban ngành này phải hài lòng với mức lương thấp hơn nhiều so với những người lao động khác. Dần dần một sự đồng nhất tiền lương sẽ được hướng đến bằng cách tăng tiền lương của công nhân viên các sở ban ngành trên và giảm tiền lương của những người lao động khác. Những thành công chính trị của các quốc gia chuyên chế chủ yếu nhờ vào việc loại bỏ thành công lực lượng lao động trong các lĩnh vực dịch vụ và giảm tiền lương của những người lao động khác. Những thành công chính trị của các quốc gia chuyên chế về căn bản dựa vào thành tựu gặt hái được trong cuộc đấu tranh chống lại nạn thất nghiệp.

Chú thích:

(1) [Xem Chương III-Chủ biên]

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Vũ Minh Long
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Greaves, Bettina Bien

Tác giả liên quan