[Một phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp] Tựa của chủ biên

[Một phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp] Tựa của chủ biên

Cuộc đời và sự nghiệp của Ludwig von Mises trải dài từ năm 1881 đến năm 1973. Ông sinh trưởng tại đế quốc Áo-Hung của châu Âu lục địa và là người phát ngôn nổi bật trong nhiều năm của trường phái kinh tế học mà sau này được gọi là trường phái kinh tế học Áo. Trường phái lý thuyết này khác biệt so với các trường phái kinh tế học khác ở chỗ nó không quan tâm đến những đại lượng gộp, những dãy số có quy mô lớn hay những số liệu trong quá khứ. Thay vì sử dụng phương pháp vĩ mô trong kinh tế học, nó sử dụng một phương pháp vi mô. Phương pháp này truy nguyên tất cả các hiện tượng kinh tế đều bắt nguồn từ hành động của các cá nhân – đối với những giá trị chủ quan và đối với giá trị được gán cho độ thỏa dụng cận biên của một hàng hóa hay dịch vụ bởi từng chủ thể trên thị trường. Các nhà kinh tế học trường phái Áo coi nền kinh tế thế giới như một bàn đấu giá khổng lồ mà ở đó tất cả mọi người, bằng cách đổi những thứ mà họ có lấy thứ mà họ không có, luôn luôn đặt giá cho hàng loạt các hàng hóa và dịch vụ mà họ mong muốn. Bắt đầu từ quan điểm của từng cá nhân và lập luận hợp lý từng bước một, Mises và các nhà kinh tế học theo trường phái Áo có thể giải thích được sự hình thành nên giá cả, tiền lương, tiền tệ, sản xuất, thương mại…

Mises là một cây bút tài hoa với rất nhiều tác phẩm và bài báo nổi tiếng. Ông có rất nhiều bài trình bày tại khắp các quốc gia châu Âu và có được danh tiếng trên toàn thế giới như một người ủng hộ mạnh mẽ cho chủ nghĩa tư bản và một nhà phê bình kịch liệt chủ nghĩa can thiệp. Tuy nhiên, những bài giảng của Mises bị nhấn chìm trong nhiều năm bởi sự lấn át của John Maynard Keynes, học thuyết kinh tế vĩ mô của Keynes, và những đề xuất của Keynes về sự can thiệp của chính phủ cùng những chương trình chi tiêu thực dụng mang màu sắc chính trị.

Mises rời Vienna và tới Thụy Sĩ trước khi người Đức, dưới thời Hitler, chiếm đóng Áo. Ông dạy học tại Viện Nghiên cứu quốc tế ở Geneva cho đến năm 1940, thời điểm ông nhập cư vào Mỹ. Danh tiếng của ông đã được thiết lập từ lâu tại châu Âu, nhưng khi đến Mỹ ở tuổi 59, ông chỉ là một người nước ngoài tại một vùng đất xa lạ, điều này buộc ông, một lần nữa, phải xây dựng lại sự nghiệp của mình gần như từ đầu. Ông nhanh chóng được bổ nhiệm chức vụ tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (National Bureau of Economic Research), giúp ông có cơ hội hoàn thành bản thảo cuốn sách này.

Bất cứ ai quen thuộc với những tác phẩm khác của Mises sẽ không có bất cứ ngạc nhiên đặc biệt nào đối với cuốn sách này. Mises thường xuyên phê bình những sự can thiệp của chính phủ và ông thường giải thích những nỗ lực cá nhân nhằm thực hiện được mục tiêu của họ sẽ bị sự can thiệp của chính phủ cản trở như thế nào. Tuy nhiên, về sự can thiệp chính phủ, chưa hề có bất cứ tác phẩm nào của ông giải thích một cách rõ ràng và đơn giản hơn cuốn sách này.

Mises viết cuốn sách Phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp1* bằng tiếng Đức, là tiếng mẹ đẻ của ông. Sau khi cuốn sách được Tiến sĩ Thomas McManus và Tiến sĩ Heinrich Bund dịch, ông cho rằng cuốn sách “đã sẵn sàng để xuất bản”. Tuy nhiên, hình như bản thảo của cuốn sách đã không hề được động đến và sau đó thì biến mất. Bởi sự thất bại này, Mises, bất đắc dĩ, phải nỗ lực với những hoạt động viết lách và diễn thuyết khác. Năm 1944, hai cuốn sách của ông là Bureaucracy [Bộ máy quan liêu] và Omnipotent Government [Chính phủ toàn năng] đã được xuất bản. Năm 1945, ông nhận được lời mời tới Khoa sau đại học về Quản trị kinh doanh tại Đại học New York với tư cách là Giáo sư Thỉnh giảng và bắt đầu dạy học trở lại. Sau đó, năm 1946, ông tham gia vào Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education) với tư cách là cố vấn bán thời gian. Nhiều cuốn sách của ông được xuất bản sau đó, đặc biệt là tác phẩm để đời Human Action [Hành động của con người], xuất bản năm 1949.

Cuốn sách Chủ nghĩa can thiệp này được hoàn thành vào năm 1940, trước khi Mỹ chính thức tham gia vào Thế chiến thứ hai. Trong tác phẩm này, Mises đưa ra một góc nhìn sâu sắc hiếm thấy về các nền kinh tế trong chiến tranh, cụ thể là Đức Quốc xã thời Hitler và Phát xít Ý thời Mussolini. Ông cũng phê bình các chính phủ đồng minh trước thời Thế chiến thứ hai, coi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa can thiệp là vượt trội hơn so với các phương pháp sản xuất của chủ nghĩa tư bản. Sự thật, ông phê bình sự thiếu chuẩn bị về quân sự của các Chính phủ Đồng minh, dẫn đến việc họ trở thành con mồi cho những chiến dịch tuyên truyền chống lại chủ nghĩa tư bản, đồng thời họ cũng nỗ lực quá mức trong việc ngăn chặn nạn đầu cơ trục lợi trong chiến tranh thay vì tạo ra một môi trường kinh tế có lợi cho sản xuất vũ khí. “Trong thời kỳ chiến tranh, khi các quốc gia tư bản chủ nghĩa từ bỏ sự vượt trội về công nghiệp mà hệ thống kinh tế đã mang lại cho họ, sức mạnh chiến đấu và cơ hội chiến thắng của họ sẽ bị giảm đi đáng kể… Thất bại của Pháp và việc nhiều thành phố của Anh bị phá hủy chính là cái giá phải trả đầu tiên của việc loại bỏ lợi nhuận kiếm được từ chiến tranh theo quan điểm của chủ nghĩa can thiệp.” 

Trong suốt sự nghiệp của mình, Mises luôn tìm cách chỉ ra rằng các cá nhân đối diện với rủi ro và bất trắc trong quá trình mưu sinh. Họ vấp phải những trở ngại đến từ tự nhiên và cả do con người tạo ra. Những thảm họa tự nhiên, ví dụ như động đất, lũ lụt, lốc xoáy, cuồng phong, sạt lở đất, bão tuyết, hay hỏa hoạn đều có thể cản trở những dự định của họ. Tương tự, những biến cố do con người tạo ra như chiến tranh, trộm cắp, lừa lọc, và can thiệp của chính phủ cũng có thể ngăn chặn kế hoạch của họ. Với những thảm họa tự nhiên diễn ra trong cuộc sống, con người không có sự lựa chọn nào khác là đương đầu với chúng theo cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên, đối với những trở ngại do chính con người tạo ra, tình thế không giống như vậy; con người không hoàn toàn bất lực; họ có khả năng ngăn chặn hoặc loại bỏ chúng.

Để giải thích thị trường hữu ích như thế nào, Mises đã phê bình những can thiệp của chính phủ do con người tạo ra, trong đó có các hoạt động kiểm soát, điều tiết, hạn chế, tạo ra các đặc quyền, và trợ cấp cho một số người bằng cách hi sinh lợi ích của những người khác. Giống như trong cuốn sách này, ông luôn luôn chỉ ra rằng mặc dù được thực hiện với những động cơ tốt nhất, nhưng những biện pháp can thiệp của chính phủ đều dẫn đến những tình huống mà kể cả những người ủng hộ chúng cũng thấy rằng chúng mang lại kết quả tồi tệ hơn những điều mà họ đã cố gắng né tránh. Tuy nhiên, ông cũng giải thích rằng những biến cố do con người tạo ra như thế hoàn toàn có thể ngăn ngừa và loại bỏ được một khi mọi người nhận ra rằng chính phủ không nên can thiệp vào những mối quan hệ hòa bình giữa các cá nhân. 

Mises cũng cho rằng vai trò của chính phủ nên được hạn chế. Chính phủ, bằng luật pháp của mình, nên bảo vệ sự công bằng trong cuộc sống và tài sản của tất cả mọi người. Chính phủ cũng nên nỗ lực hết mình trong việc phân xử tranh chấp giữa các cá nhân nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người. Về các lĩnh vực khác, chính phủ nên để mặc cho mọi người được tự do đi theo số mệnh của riêng họ. Chúng ta thực sự may mắn khi bản thảo này, vốn giải thích rõ ràng những nguyên lý cơ bản nói trên, được tìm thấy trong những chồng tài liệu còn sót lại sau khi Mises qua đời và đã được xuất bản như hiện nay. 

Bettina Bien Greaves

Tháng Mười năm 1997

Tựa của tác giả

Tiểu luận này nhằm phân tích những vấn đề về sự can thiệp của chính phủ vào các hoạt động kinh doanh dựa trên quan điểm kinh tế học. Hệ quả chính trị và xã hội từ những chính sách của chủ nghĩa can thiệp2 chỉ có thể được thấu hiểu và phán xét dựa trên nền tảng lý giải về các kết quả và hàm ý kinh tế của chúng.

Kể từ khi các chính quyền châu Âu bắt đầu những chính sách này trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XIX, mà ngày nay thường được gọi là “cấp tiến” nhưng thực tế lại là việc quay trở về với những chính sách của chủ nghĩa trọng thương trong thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, thì các nhà kinh tế học đã liên tục chỉ ra sự mâu thuẫn và thiếu hiệu quả trong những biện pháp này, đồng thời tiên đoán về những hậu quả chính trị và xã hội của chúng. Các chính quyền, đảng phái chính trị và công chúng luôn lờ đi những cảnh báo của các nhà kinh tế học. Họ nhạo báng lý luận cố chấp mang tính biện minh của kinh tế học “chính thống” và tự hào về “những thắng lợi” của họ đã vượt qua khuôn khổ của lý thuyết kinh tế. Nhưng đó là những chiến thắng phải trả giá khá đắt.

Chuỗi các sự kiện tất yếu xuất phát từ việc áp dụng các biện pháp theo chủ nghĩa can thiệp đã minh chứng cho tính đúng đắn trong tiên đoán của các nhà kinh tế học. Những hệ lụy chính trị, bạo động xã hội, chế độ độc tài, và chiến tranh được dự báo từ trước cũng đều đã xuất hiện. 

Tiểu luận này không có ý định đưa ra một thảo luận riêng về Chính sách Kinh tế Mới (The New Deal) của Mỹ. Nó đề cập đến chủ nghĩa can thiệp nói chung, và phần kết luận sẽ hợp lý với tất cả các trường hợp liên quan đến chủ nghĩa can thiệp, bất kể đó là quốc gia nào. Trong một thời gian dài trước năm 1933, ở Mỹ chủ nghĩa can thiệp rất được mọi người ưa chuộng. Chính sách Kinh tế Mới chỉ đơn thuần là thực tại, mang thương hiệu Mỹ cho một chính sách đã xuất hiện tại tất cả mọi nơi – kể cả tại chính Mỹ – từ một vài thập kỷ trước. Đối với các nhà kinh tế học, Chính sách Kinh tế Mới không có gì mới. Nó chỉ khác chính sách của Kaiser Wilhelm II và chính sách của Cộng hòa Weimar về các khía cạnh liên quan đến những điều kiện đặc thù của Mỹ ngày nay mà thôi. Chính sách Kinh tế Mới cũng đặt người dân Mỹ ngày nay vào một thế tiến thoái lưỡng nan, tương tự như người dân Đức nhận được với chính bản thân họ mười năm trước.

Tiểu luận này là một tác phẩm kinh tế học và vì vậy, nó không quan tâm đến những khía cạnh luật pháp và hiến pháp về chủ đề này. Tầm quan trọng của luật pháp và hiến pháp chỉ là thứ yếu. Chúng được thiết lập để phục vụ con người chứ không phải để cai trị con người. Chúng được trình bày có hệ thống và được diễn giải nhằm giúp sự phát triển kinh tế trở nên hữu ích đối với phúc lợi của toàn bộ các nhóm lợi ích trong một quốc gia. Nếu mục tiêu này thất bại, luật pháp và những lời biện hộ cho chúng buộc phải thay đổi.

Những tác phẩm viết về chủ đề này đương nhiên không thiếu; kỳ thực, những đóng góp mới xuất hiện mỗi ngày. Nhưng hầu như toàn bộ những công trình nghiên cứu này đều tập trung vào những nhóm biện pháp cụ thể và hậu quả trong ngắn hạn của những biện pháp đó. Phương pháp phân tích kiểu như vậy, rất đáng tiếc, là chưa đầy đủ. Nó chỉ cho thấy hậu quả tức thời của những biện pháp can thiệp riêng rẽ mà không quan tâm đến những hệ quả gián tiếp và dài hạn của chúng. Nó chỉ tính đến những lợi ích chưa được chứng minh và thường bỏ qua những chi phí và tổn hại.

Dĩ nhiên, việc đánh giá toàn diện những hậu quả xã hội và kinh tế của chủ nghĩa can thiệp sẽ không thể nào đạt được theo cách này. Cũng không thể phủ nhận việc một số cá nhân hay một số nhóm nhỏ nào đó thỉnh thoảng nhận được những đặc ân hoặc lợi ích nhất thời từ những biện pháp can thiệp nhất định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu hậu quả sẽ còn đi xa đến đâu, đặc biệt là nếu nỗ lực hoàn thiện chúng được thực hiện nhằm mang đến đặc ân cho những bộ phận dân chúng lớn hơn hay thậm chí là với toàn bộ quốc gia. Vì thế, việc nghiên cứu tổng thể về các chính sách can thiệp là rất cần thiết, không chỉ trong ngắn hạn mà còn là những hệ quả trong dài hạn. 

Những luận điểm của tôi sẽ bị hiểu sai hoàn toàn khi coi chúng như lời phê bình những chính khách hay những chính trị gia cầm quyền. Phê bình của tôi không hướng đến con người, mà hướng đến một học thuyết. Bất kể hiến pháp của đất nước như thế nào, chính phủ luôn luôn phải theo đuổi những chính sách được công chúng cho rằng đúng đắn và mang lại lợi ích cho họ. Liệu họ có nỗ lực đứng lên chống lại những học thuyết đang được hoan nghênh để rồi sau đó họ sẽ sớm đánh mất vị thế của mình vào tay những con người sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân trên đường phố. Những nhà độc tài cũng vậy, chỉ có thể nắm chính quyền và duy trì quyền lực khi họ được số đông ủng hộ. Chế độ độc tài trong thời đại của chúng ta là sản phẩm của việc chấp thuận rộng rãi hệ tư tưởng độc tài; chỉ có thể khắc phục được điều này bằng một triết lý khác.

Nếu chúng ta muốn thấu hiểu những vấn đề kinh tế, chúng ta phải làm cho mình thoát khỏi tất cả những thành kiến và định kiến. Nếu ngay từ đầu chúng ta đã bị thuyết phục rằng các biện pháp can thiệp đang được khuyến nghị nhằm mang lại lợi ích cho một số nhóm hoặc giai cấp nhất định, ví dụ như lao động phổ thông hay người nông dân, và quả thực chúng đang mang lại lợi ích và không tổn hại đến các nhóm này, và nếu vì thế chúng ta quyết định vẫn giữ nguyên định kiến thì chúng ta sẽ không bao giờ học được điều gì cả. Đó chính là nhiệm vụ thực sự của phân tích kinh tế nhằm xác định chắc chắn xem các chính sách được khuyến nghị bởi nhiều đảng phái và những nhóm lợi ích có thực sự dẫn đến những kết quả mà những người ủng hộ chúng mong muốn hay không. 

Vấn đề không phải là hệ thống tư bản chủ nghĩa (hay nền kinh tế thị trường) tốt hay xấu. Câu hỏi thật ra phải là có một hệ thống nào khác phục vụ lợi ích quần chúng nhân dân có thể thay thế được nền kinh tế thị trường hay không. Khi ai đó chỉ ra một số trạng thái bất lợi mà nền kinh tế thị trường không có khả năng loại bỏ, anh ta vẫn chưa chứng minh được tính khả thi cũng như sự hấp dẫn của chủ nghĩa can thiệp hay chủ nghĩa xã hội. 

Điều này hẳn nhiên vẫn là luận điểm ít bị phản đối nhất. Thường thì chủ nghĩa tư bản bị đổ lỗi cho những hệ quả không mong muốn đến từ một chính sách hướng đến việc loại bỏ nó. Người thưởng thức cốc cà phê buổi sáng không nói rằng, “Chủ nghĩa tư bản đã mang loại đồ uống này đến cho bữa sáng của tôi”. Nhưng khi anh ta đọc những bài viết nói rằng chính phủ Brazil đã ra lệnh phá hủy một phần vụ mùa cà phê, anh ta không nói rằng, “Đó là điều chính phủ làm cho bạn”; mà anh ta la lên rằng, “Đó là điều chủ nghĩa tư bản gây ra cho bạn”.

Công việc phân tích những vấn đề mà cuốn sách này quan tâm phải được thực hiện chặt chẽ dựa trên những quy luật logic và phải tránh tất cả những điều lôi cuốn cảm xúc có thể ảnh hưởng đến việc phán xét khách quan. Chính vì thế tôi không đưa vào những câu chuyện nực cười về những chính sách kinh tế ngược đời, lố bịch hiện nay, dù việc đưa chúng vào có thể khiến cuốn sách thú vị hơn. Tôi tin rằng tiểu luận này sẽ được những độc giả nghiêm túc đánh giá cao.

Một vài người có thể phản đối rằng việc thảo luận những vấn đề này chỉ dựa trên quan điểm kinh tế là chưa đầy đủ. Họ nói rằng ngoài những khía cạnh kinh tế, các chính sách can thiệp của chính phủ còn bao hàm những khía cạnh khác như chính trị, triết lý sống, và giá trị đạo đức. Tôi kịch liệt phản đối. Tất cả những tranh luận về chính trị trong thời đại của chúng ta xoay quanh chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa can thiệp. Đương nhiên cuộc sống còn nhiều điều khác. Nhưng những người đương thời với chúng ta – không chỉ là các nhà kinh tế học – đã đặt vấn đề tổ chức hoạt động kinh tế trở thành trung tâm của những tư tưởng chính trị. Tất cả các đảng phái chính trị tự giam hãm mình trong những khía cạnh kinh tế; họ khuyến khích thực hiện những chương trình của mình với sự quả quyết rằng sự điều hành của họ sẽ làm cho những người ủng hộ họ giàu hơn. Tất cả các nhóm lợi ích đều đấu tranh cho sự cải thiện về kinh tế; tất cả các đảng phái ngày nay đều là các đảng phái về kinh tế. Hitler và Mussolini tuyên bố rằng: “Chúng ta (những người nghèo) bãi công để giành lấy một phần của cải của những kẻ quyền thế”. Quyền sở hữu trở thành tiếng xung trận hàng ngày. Chúng ta có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận hoàn toàn với thực tế này, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của nó.

Chính vì vậy, việc các nhà kinh tế học thảo luận những vấn đề này dựa trên quan điểm kinh tế học là không hề cao ngạo và thiển cận. Những ai chưa thể đưa ra một quan điểm độc lập về vấn đề tính toán kinh tế, vốn được thừa nhận là khó khăn và nặng về kỹ thuật, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì chưa nên chọn bên nào giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Những ai chưa khảo cứu về những hậu quả kinh tế của chủ nghĩa can thiệp thì cũng đừng nói về chủ nghĩa can thiệp. Thói quen thảo luận về những vấn đề kiểu này dựa trên cách tiếp cận sai lệch, ngụy biện, và định kiến đang thịnh hành nên được chấm dứt. Việc tránh né những vấn đề cốt lõi và chỉ đơn thuần sử dụng những ngôn từ thông dụng cũng như những khẩu hiệu cảm tính có thể tạo ra cảm hứng. Nhưng chính trị là một vấn đề nghiêm túc. Những ai không muốn suy ngẫm về những vấn đề của nó đến tận cùng nên tránh xa nó. 

Thời điểm mà những người đương thời với chúng ta phải xem xét lại một cách thấu đáo về các ý tưởng chính trị của họ đã đến. Bất cứ ai có lý trí đều phải thừa nhận một cách trung thực rằng hai học thuyết mà trong hai mươi năm vừa qua đã thống trị độc quyền bối cảnh chính trị đều đã thất bại một cách rõ ràng. Cả chủ nghĩa chống phát xít và chủ nghĩa chống cộng sản đều đã đánh mất toàn bộ ý nghĩa của chúng kể từ khi Hitler và Stalin không còn che giấu thế giới về sự liên minh của họ3.

Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp ích cho những ai muốn suy nghĩ mạch lạc và hiểu biết rõ ràng hơn về những vấn đề hiện nay của thế giới.

Để kết thúc phần giới thiệu này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới hai đồng nghiệp của tôi, Tiến sĩ Heinrich Bund và Tiến sĩ Thomas McManus, đã trợ giúp tôi trong việc chuẩn bị bản thảo này cũng như biên dịch nó (từ tiếng Đức sang tiếng Anh).

Ludwig Von Mises

Tháng Mười Một năm 1941

Chú thích:

(1*) Mặc dù trùng tên, nhưng cuốn sách Critique of Interventionism [Phê bình chủ nghĩa can thiệp] (1929; bản dịch tiếng Anh, 1977) của Mises lại là cuốn sách hoàn toàn khác. Cuốn sách đó là một tập hợp những bài viết phê bình các học thuyết và kế hoạch của những người theo chủ nghĩa can thiệp cụ thể trong thập niên 1920; cuốn sách này trình bày một cách giản dị và rõ ràng về lý thuyết can thiệp của chính phủ.

(2) Xuyên suốt cuốn sách này, thuật ngữ chủ nghĩa can thiệp được sử dụng theo ghĩa đã được nhiều thế hệ các nhà kinh tế học chấp nhận. Nó bao hàm các chính sách can thiệp nội địa của chính phủ lên hoạt động kinh doanh. Không nên nhầm lẫn thuật ngữ này với thuật ngữ “chủ nghĩa can thiệp” trong chính trị về các chính sách quốc tế, tương phản với “chủ nghĩa biệt lập” trong cuộc tranh luận hiện nay của Mỹ về Chiến tranh. 

(3) Tôi đã dự đoán về sự hợp tác giữa những thành viên Đảng Quốc xã và Đảng Bolshevik ít nhất là vào năm 1925 trong bài viết “Chống chủ nghĩa Marx” của tôi (Weltwirtschaftliches Archiv, Tập 21, tr. 279) được in lại trong cuốn sách năm 1929 của tôi Kritik des Interventionismus, tr. 106. [bản dịch tiếng Anh, Nhà xuất bản Arlington, 1977, tr. 122; tái bản tiếng Anh lần thứ hai, Quỹ Giáo dục Kinh tế, 1996, tr. 81-82. Khi cuốn sách này được viết, Đức và Liên bang Xô Viết đang là đồng minh, liên minh thông qua một hiệp ước bất tương xâm chỉ kéo dài từ tháng Tám, 1939 đến ngày 22 tháng Sáu, 1941, khi Đức bất ngờ tấn công Nga. – Chủ biên].

Nguồn: Ludwig Von Mises, Một phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp, NXB Tri Thức