Bộ máy quan liêu: Quản lí quan liêu trong doanh nghiệp nhà nước (phần 7)

Bộ máy quan liêu: Quản lí quan liêu trong doanh nghiệp nhà nước (phần 7)

1. Nhà nước kiểm soát toàn diện là bất khả thi 

Chủ nghĩa xã hội theo nghĩa chính phủ kiểm soát hoàn toàn tất cả các hoạt động kinh tế là bất khả thi, bởi vì khi đó cộng đồng xã hội chủ nghĩa không có công cụ mang tính trí tuệ mà người ta nhất định phải sử dụng để lập kế hoạch và thiết kế hoạt động kinh tế: Tính toán trong kinh tế. Chính tư tưởng về việc nhà nước lập kế hoạch đã chứa trong lòng nó mâu thuẫn rồi. Hội đồng quản lý sản xuất trung ương xã hội chủ nghĩa không thể nào giải quyết được những vấn đề sẽ phát sinh. Hội đồng này sẽ không bao giờ biết liệu các dự án đang được xem xét có phải là ưu việt hay không, nó cũng không bao giờ biết thực hiện những dự án này có làm lãng phí các nguồn lực hiện có hay không. Chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ dẫn đến hỗn loạn trong mọi lĩnh vực.

Chính việc kiêng kị, không dám thảo luận về chủ nghĩa Marx đã ngăn cản không cho người ta nhận chân được sự thật này trong suốt nhiều năm qua. Một trong những đóng góp chính của chủ nghĩa Marx vào thành công của công tác tuyên truyền nhằm ủng hộ xã hội chủ nghĩa là cấm nghiên cứu các vấn đề kinh tế sẽ phát sinh trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo Karl Marx và giáo phái của ông, những công trình nghiên cứu như thế là “chủ nghĩa không tưởng” hão huyền. Chủ nghĩa xã hội “khoa học”, như Marx và Engels gọi lĩnh vực của mình như thế, không cần mất thì giờ với những nghiên cứu vô tích sự đó.1 Những người xã hội chủ nghĩa “khoa học” phải tự hài lòng với nhận thức sâu sắc rằng chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ chiến thắng và nó sẽ biến trái đất thành thiên đường. Họ không cần phải là những người ngớ ngẩn đến mức đặt câu hỏi: Hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ hoạt động như thế nào? 

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của lịch sử trí tuệ của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là người ta đã tuân thủ tuyệt đối Verboten (cấm kị - tiếng Đức) này của Marx. Một số ít nhà kinh tế học dám thách thức nó đã bị người ta coi thường và nhanh chóng rơi vào lãng quên. Chỉ khoảng 25 năm lại đây bùa mê này mới bị đập bỏ. Tính toán kinh tế trong chủ nghĩa xã hội là bất khả thi; điều này đã được chứng minh, không ai có thể bác bỏ được.2

Tất nhiên, một số đồ đệ ngoan cố của Marx vẫn phản đối. Nhưng họ không thể không thừa nhận rằng tính toán kinh tế là vấn đề nghiêm trọng nhất của chủ nghĩa xã hội; và họ cũng không thể không thừa nhận một sự thật đáng xấu hổ, đó là việc những người xã hội chủ nghĩa tiến hành công tác tuyên truyền một cách cuồng tín trong suốt 80 năm qua đã để mất thời gian vào những chuyện vặt vãnh mà vẫn không nuốt trôi được vấn đề chính yếu đó. Nhưng họ trấn an những đảng viên cảm thấy lo lắng rằng, dễ dàng tìm được giải pháp thỏa đáng. Thật vậy, các giáo sư xã hội chủ nghĩa và những người cầm bút ở Nga và các nước phương Tây đã đưa ra những cách tính toán kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng những cách tính toán này đã được chứng minh là hoàn toàn lòe bịp. Các nhà kinh tế học dễ dàng vạch ra sai lầm và mâu thuẫn trong những cách tính đó. Những người xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thất bại, dù họ có cố gắng đến mức nào cũng không thể phủ nhận được lý lẽ nói rằng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa tính toán kinh tế là việc làm bất khả thi.3 

Rõ ràng là ban quản lý xã hội chủ nghĩa cũng sẽ nhắm tới mục tiêu cung cấp cho cộng đồng những món hàng hóa tốt nhất và nhiều nhất mà xã hội có thể sản xuất được trong điều kiện hiện có về kiến thức về công nghệ và khả năng cung cấp các yếu tố sản xuất. Chính phủ xã hội chủ nghĩa cũng sẽ nhiệt tình sử dụng các yếu tố sản xuất sẵn có để sản xuất ra những món hàng hóa mà theo họ là cực kì cần thiết, và không sản xuất những hàng hóa mà họ coi là không cần thiết bằng. Nhưng vì tính toán kinh tế là bất khả thi, nên chính phủ không thể tìm ra được phương pháp kinh tế nhất để sản xuất ra những món hàng hóa cần thiết. 

Chính phủ xã hội chủ nghĩa ở nước Nga và nước Đức hoạt động trong một thế giới mà một phần lớn của nó vẫn dính chặt vào kinh tế thị trường. Do đó, họ có thể sử dụng các mức giá cả ở nước ngoài làm cơ sở cho tính toán kinh tế mình. Chính vì có thể tham khảo giá hàng hóa ở nước ngoài, cho nên họ mới có thể tính toán, hạch toán và lập kế hoạch. Nếu tất cả các nước đều xây dựng chủ nghĩa xã hội thì vấn đề sẽ khác hẳn. Lúc đó các yếu tố sản xuất sẽ không có giá và tính toán kinh tế là bất khả thi.4

2. Xí nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường 

Các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu và điều hành của chính phủ hoặc thành phố trong một nước mà phần lớn các hoạt động kinh tế nằm dưới quyền quản lý của doanh nghiệp tư nhân thì cũng thế. Đối với những doanh nghiệp này, tính toán kinh tế không phải là việc khó.

Chúng ta không cần hỏi liệu quản lý các doanh nghiệp của chính phủ, của bang và thành phố theo như doanh nghiệp tư nhân có khả thi hay là không. Vì sự thật là, về nguyên tắc, chính quyền có xu hướng xa rời hệ thống lợi nhuận. Họ không muốn điều hành doanh nghiệp của mình với quan điểm càng thu được nhiều lợi nhuận thì càng tốt. Họ coi thực hiện những nhiệm vụ khác là quan trọng hơn. Họ sẵn sàng từ bỏ lợi nhuận hoặc ít nhất, từ bỏ một phần lợi nhuận hoặc thậm chí lỗ để hoàn thành những mục tiêu khác.

Dù những mục tiêu mà người ta nhắm tới có là gì đi chăng nữa, thì kết quả của chính sách như thế luôn luôn là trợ cấp cho một số người, trong khi những người khác phải trả tiền. Nếu doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của chính phủ làm ăn thua lỗ hoặc chỉ kiềm được một phần lợi nhuận mà nó có thể kiếm được nếu làm ăn theo động cơ lợi nhuận, thì khoản thất thu này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách và do đó, ảnh hưởng tới người đóng thuế. Nếu, ví dụ, giá vé của hệ thống giao thông thuộc quyền sở hữu của thành phố thấp đến mức không thể bù đắp được chi phí vận hành thì người đóng thuế phải trợ cấp cho người đi bằng xe của thành phố.

Nhưng, trong tác phẩm bàn về các vấn đề của bộ máy quan liêu, chúng ta không cần bận tâm tới lĩnh vực tài chính-ngân sách. Từ quan điểm của chúng ta, cần phải xem xét những hậu quả. 

Ngay khi doanh nghiệp không còn hoạt động theo động cơ lợi nhuận, thì phải áp dụng những nguyên tắc điều hành khác. Chính quyền thành phố không thể đơn giản chỉ đạo người quản lý: Không cần bận tâm tới lợi nhuận. Họ phải đưa cho anh ta những mệnh lệnh chính xác và rõ ràng hơn. Mệnh lệnh có thể là gì?

Những người ủng hộ của doanh nghiệp được quốc hữu hóa và tập thể hóa thường trả lời một cách khá ngây thơ: Nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước là cung cấp dịch vụ có ích cho cộng đồng. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Doanh nghiệp nào cũng chỉ có nhiệm vụ duy nhất là cung cấp dịch vụ hữu ích cho cộng đồng. Nhưng thuật ngữ này có nghĩa là gì? Đối với doanh nghiệp nhà nước, ai là người quyết định dịch vụ hữu ích hay là không? Và quan trọng hơn: Làm sao chúng ta biết những dịch vụ này có giá quá cao, nghĩa là, các yếu tố sản xuất dành cho việc thực hiện các dịch vụ này không được rút ra khỏi những lĩnh vực có thể tạo ra những dịch vụ có giá trị hơn?

Với doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận tư nhân, thái độ của công chúng quyết định vấn đề này. Bằng chứng về sự hữu ích của các dịch vụ được cung cấp là số người sẵn sàng trả giá mà người ta đưa ra. Không thể nghi ngờ về sự kiện là người tiêu dùng cho rằng dịch vụ của tiệm bánh là hữu ích. Họ sẵn sàng mua bánh mì với giá niêm yết. Với giá này, việc sản xuất bánh mì có xu hướng gia tăng cho đến khi bão hòa, nghĩa là, cho đến khi mở rộng thêm thì sẽ rút các yếu tố sản xuất khỏi những lĩnh vực làm ra những sản phẩm thiết yếu hơn đối với người tiêu dùng. Trong khi dùng động cơ lợi nhuận làm kim chỉ nam, doanh nghiệp tư nhân điều chỉnh hoạt động của mình theo ước muốn của công chúng. Động cơ lợi nhuận thúc đẩy tất cả các doanh nhân thực hiện những dịch vụ mà người tiêu dùng coi là cấp bách nhất. Cơ cấu giá trên thị trường nói cho họ biết họ được tự do đến mức nào trong việc đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Nhưng, nếu điều hành doanh nghiệp nhà nước mà không quan tâm tới lợi nhuận, thì hành vi của công chúng không cung cấp được tiêu chí để đánh giá tính hữu ích của nó. Nếu chính phủ hoặc chính quyền thành phố quyết tâm tiếp tục cho doanh nghiệp hoạt động dù chi phí cao hơn số tiền thu được, tiêu chí đánh giá tính hữu ích của dịch vụ được lấy từ đâu? Làm sao chúng ta biết những dịch vụ này có thâm hụt không quá lớn? Và làm sao biết liệu có thể giảm các khoản thâm hụt mà không làm giảm giá trị của dịch vụ?

Doanh nghiệp tư nhân sẽ phá sản nếu làm gì cũng lỗ và không tìm được biện pháp khắc phục tình trạng này. Không có lợi nhuận là bằng chứng chứng tỏ rằng người tiêu dùng không cần doanh nghiệp đó. Với doanh nghiệp tư nhân, không có cách nào bác bỏ phán quyết do công chúng đưa ra và tiếp tục hoạt động. Người quản lý nhà máy thua lỗ có thể giải thích và bào chữa cho thất bại của mình. Nhưng bào chữa là vô ích; bào chữa không thể ngăn chặn người ta từ bỏ dự án không thành công.

Doanh nghiệp nhà nước thì lại khác. Ở đây, thâm hụt không được coi là một bằng chứng của thất bại. Người quản lý không chịu trách nhiệm khi xảy ra thâm hụt. Đó là mục tiêu của ông chủ - chính phủ - bán với giá thấp đến mức thua lỗ là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu chính phủ hạn chế can thiệp vào việc ấn định giá bán và để cho người quản lý quyết định mọi chuyện, thì anh ta sẽ có toàn quyền thò tay vào công quỹ. 

Nhưng điều quan trọng phải nhớ là, chúng ta không quan tâm tới việc ngăn chặn người quản lý lạm dụng một cách phi pháp quyền lực của mình. Chúng tôi giả định rằng chính phủ hoặc chính quyền thành phố đã bổ nhiệm người quản lý trung thực và hiệu quả và môi trường đạo đức của quốc gia hoặc thành phố và tổ chức mà chúng ta đang nói tới đủ sức chống lại bất kỳ hành động trộm cắp nào. Vấn đề mà chúng ta đặt ra khác hẳn. Nó xuất phát từ sự kiện là dịch vụ nào cũng có thể được cải thiện bằng cách gia tăng chi tiêu. Dù cho bệnh viện, hệ thống tàu điện ngầm hoặc nhà máy cấp nước hiện tại có tuyệt vời đến đâu thì người quản lý vẫn luôn luôn biết cách làm cho chúng tuyệt vời hơn nữa với điều kiện là có đủ số tiền cần thiết. Không có nhu cầu nào của con người mà sự hài lòng đã đạt đến mức không cần cải thiện thêm. 

Mỗi chuyên gia chỉ có ý định cải thiện việc đáp nhu cầu trong lĩnh vực hoạt động của mình mà thôi. Họ không cần và không thể nghĩ tới những hạn chế mà việc mở rộng nhà máy dưới quyền mình có thể tạo ra cho việc đáp ứng những nhu cầu khác. Giám đốc bệnh viện không có trách nhiệm từ bỏ một số cải tiến của bệnh viện thành phố nếu việc này gây trở ngại cho sự cải thiện hệ thống tàu điện ngầm hoặc ngược lại. Người quản lý hiệu quả và trung thực là người cố gắng làm cho các dịch vụ do cơ sở của mình cung cấp trở thành tốt nhất. Nhưng, vì anh ta không cần quan tâm tới việc mang lại thành công về mặt tài chính, chi phí sẽ tạo ra gánh nặng cho công quỹ. Anh ta sẽ trở thành người chi tiêu vô trách nhiệm tiền của người đóng thuế. Để ngăn chặn việc đó xảy ra, chính phủ phải quan tâm tới các chi tiết vụn vặt. Chính phủ phải xác định chính xác chất lượng và số lượng dịch vụ được cung cấp và hàng hóa được bán, phải ban hành hướng dẫn chi tiết liên quan đến các phương pháp được áp dụng trong việc mua vật tư, thiết bị, tuyển dụng và trả công cho người lao động. Vì không cần xem xét lãi hay lỗ, tiêu chí chứng tỏ công tác quản lý thành công hay thất bại, cũng là biện pháp duy nhất buộc người quản lý phải chịu trách nhiệm với cấp trên - kho bạc nhà nước - là dùng luật lệ và quy định nhằm hạn chế những quyết định tùy tiện của anh ta. Nếu anh ta tin rằng sẽ có ích nếu chi nhiều hơn số tiền đã được duyệt, thì anh ta phải làm đơn xin cấp một khoản đặc biệt. Quyết định phụ thuộc vào cấp trên - chính phủ hoặc chính quyền đô thị. Nói gì thì nói, người quản lý không phải là giám đốc doanh nghiệp mà là quan chức, là cán bộ, buộc phải tuân thủ các hướng dẫn khác nhau. Tiêu chí quản lý tốt không phải là khách hàng sẵn sàng mua, làm cho doanh thu cao hơn chi phí mà là tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ của bộ máy quan liêu. Tuân thủ những luật lệ này là quy tắc tối thượng của quản lý. 

Đương nhiên là, chính phủ hoặc hội đồng thành phố sẽ nhiệt tình soạn thảo những luật lệ và quy định để đảm bảo rằng các dịch vụ cung cấp là có ích nhất, tất nhiên là theo ý họ, và thâm hụt không cao hơn mức họ muốn. Nhưng cách làm như thế cũng không xóa bỏ được tính chất quan liêu của công tác quản lý. Vấn đề quan trọng duy nhất là ban quản lý phải tuân theo các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Người quản lý không phải chịu trách nhiệm về kết quả, nếu hành động của anh ta phù hợp với quan điểm của những hướng dẫn này. Nhiệm vụ chính của anh không phải là hiệu quả, theo đúng nghĩa của từ này, mà là hiệu quả trong khuôn khổ tuân thủ các quy định. Người quản lý không phải là giám đốc điều hành trong doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận mà là công chức, ví dụ, người lãnh đạo phòng cảnh sát.

Lựa chọn thay thế duy nhất cho kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận là bộ máy quản lý quan liêu. Hoàn toàn không thể giao cho bất kỳ người nào hoặc nhóm người nào quyền tự ý chi tiêu công quỹ. Nếu không muốn những người quản lý trở thành những kẻ chi tiêu công quỹ vô trách nhiệm và ban quản lý của họ trở thành kẻ phá hoại ngân sách thì cần phải sử dụng các biện pháp quan liêu để kiềm chế quyền lực của các nhà quản lý các doanh nghiệp nằm dưới quyền quản lý của nhà nước hay chính quyền đô thị.

Chú thích:

(1) Engels viết: “Thảo luận về những biện pháp mà xã hội tương lai sẽ dùng để điều chỉnh việc phân phối thức ăn và nhà ở sẽ dẫn thẳng vào lĩnh vực không tưởng… Chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng cùng với sự cáo chung của phương pháp sản xuất tư bản chủ nghĩa, những hình thức chiếm đoạt đặc trưng cho xã hội cũ sẽ trở thành bất khả thi” (K. Marx, F. Engels, Toàn tập, In lần thứ 2, Tập.18, tr. 282) - chú thích bản tiếng Nga, ND.

(2) Năm 1920, L. Mises cho xuất bản bài báo nhan đề “Tính toán kinh tế trong xã hội xã hội chủ nghĩa”. Ý tưởng chính của nó được ông triển khai tác phẩm Chủ nghĩa xã hội, xuất bản năm 1922, và sau đó đã được tái bản nhiều lần – chú thích bản tiếng Nga, ND.

(3) Mời đọc thêm: Mises, Socialism, an Economic and Sociological Analysis (Chủ nghĩa xã hội: Phân tích kinh tế và xã hội học), translated by Kahane (New York, 1936), tr. 113-122, 131-142,516-521; Mises, Nationaloekonomie (Kinh tế quốc gia) (Geneva, 1940), tr. 188-223, 634-645; Hayek, Collectivist Economic Planning (Kế hoạch hóa kinh tế tập thể) (London, 1935); Hayek, "Socialist Calculation: The Competitive Solution" (“Tính toán xã hội chủ nghĩa) (Economica, VII, 125-149).

(4) Mises, Omnipotent Government (Chính phủ toàn trí toàn năng) (New Haven, 1944), tr. 55-58.

Nguồn: Ludwig von Mises, Bureaucracy, Yale University Press, 1944

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường