Bộ máy quan liêu: Biện pháp chữa trị (Phần 10)

Bộ máy quan liêu: Biện pháp chữa trị (Phần 10)

3. Người công dân bình thường đối đầu với cán bộ tuyên truyền chuyên nghiệp của bộ máy quan liêu

Mục đích của việc phổ biến các công trình nghiên cứu kinh tế không phải là để làm cho mọi người đều trở thành các nhà kinh tế học. Mục đích thực sự là trang bị cho người công dân vũ khí để họ thực hiện chức năng công dân của mình trong đời sống cộng đồng. Xung đột giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa toàn trị - số phận của nền văn minh phụ thuộc vào kết quả của cuộc xung đột này - sẽ không được quyết định bởi nội chiến và cách mạng. Đó là cuộc chiến giữa các tư tưởng. Dư luận xã hội sẽ quyết định ai thắng ai thua.

Người ta gặp nhau dù bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào để thảo luận về bất kỳ công việc gì của thành phố, bang hoặc đất nước thì dư luận xã hội liền tiến hóa và thay đổi, dù chủ đề thảo luận có tầm thường tới mức nào. Bất cứ điều gì được nói hoặc được làm trong các giao dịch giữa người mua và người bán, giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa chủ nợ và con nợ cũng đều ảnh hưởng tới dư luận. Dư luận được định hình trong các cuộc tranh luận của vô số cơ quan đại diện, của các ủy ban và hội đồng, hiệp hội và câu lạc bộ, trong các bài xã luận, và trong các lá thư gửi cho ban biên tập, trong những lời bào chữa của các luật sư và ý kiến của các thẩm phán.

Những người chuyên nghiệp bao giờ cũng có lợi thế hơn những người không chuyên trong tất cả các cuộc thảo luận này. Lợi thế bao giờ cũng nghiêng về phía những người cống hiến tất cả sức lực của mình cho một công việc duy nhất. Mặc dù không chắc đã phải là chuyên gia và thường chắc chắn là không thông minh hơn những người nghiệp dư, nhưng họ có lợi thế của người chuyên nghiệp. Thủ thuật tranh luận cũng như quá trình huấn luyện của họ đều cao hơn người nghiệp dư. Họ đến cuộc họp với đầu óc và cơ thể thanh thản chứ không mệt mỏi sau một ngày làm việc như những người nghiệp dư.

Bây giờ, hầu hết tất cả những người hoạt động chuyên nghiệp này đều là những người ủng hộ nhiệt tình chủ nghĩa quan liêu và chủ nghĩa xã hội. Trước hết, đấy là rất nhiều công nhân, viên chức của chính phủ và nhân viên các cơ quan tuyên truyền của các đảng phái. Ngoài ra, còn có giảng viên các trường đại học, những nơi mà người ta cho rằng công khai thừa nhận chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa xã hội hoặc phái cấp tiến của chủ nghĩa Marx là dấu hiệu của người làm khoa học hoàn hảo. Đấy là các biên tập viên và những cây bút viết cho các tờ báo và các tạp chí “tiến bộ”, các nhà lãnh đạo và người tổ chức công đoàn, và cuối cùng, là những người nhiều tham vọng, ăn không ngồi rồi và rất muốn được đưa tên mình vào đầu đề các bài báo vì đã thể hiện được những quan điểm cấp tiến. Doanh nhân, luật sư hoặc người làm công ăn lương không phải là đối thủ của họ.

Người không chuyên có thể chứng minh một cách xuất sắc lập luận của mình. Nhưng vô ích. Vì đối thủ của anh ta, với vẻ trang trọng của cơ quan mà anh ta là người đại diện hoặc danh hiệu giáo sư của mình, đáp trả như sau: “Sự ngụy biện trong lý luận của quý ông đã bị các giáo sư nổi tiếng người Đức, Mayer, Muller và Schmid vạch mặt từ rất lâu rồi. Chỉ có kẻ ngốc mới có thể tiếp tục bám víu vào những tư tưởng cổ lỗ sĩ và vô tích sự đó mà thôi”. Người không chuyên kia bị mất uy tín ngay trước mắt khán giả, những người hoàn toàn tin tưởng rằng anh chàng chuyên nghiệp kia hẳn là không thể sai. Người không chuyên không biết trả lời như thế nào. Anh ta chưa bao giờ nghe ai nói tới tên của những giáo sư Đức lỗi lạc nọ. Anh ta không biết rằng sách của họ chỉ là những lời lẽ bịp bợm, vô nghĩa và họ không động chạm tới vấn đề mà anh ta nêu ra. Anh ta có thể học sau. Nhưng điều đó không thể thay đổi sự kiện là anh ta đã bị đánh bại ngay tại chỗ.

Hoặc là người không chuyên có thể chứng minh rằng dự án được đề xuất là bất khả thi. Lúc đó, người chuyên nghiệp kia sẽ phản bác: “Quý ông này ngu dốt đến mức không biết rằng chương trình đề xuất đã thu được thành công mỹ mãn ở Thụy Điển xã hội chủ nghĩa và ở Vienna “đỏ””. Một lần nữa, con người không chuyên của chúng ta phải ngậm miệng. Làm sao anh ta có thể biết rằng hầu hết những cuốn sách viết bằng tiếng Anh về Thụy Điển và Vienna đều là những sản phẩm tuyên truyền, xuyên tạc trắng trợn các sự kiện? Anh ta không có điều kiện để nhận những thông tin chính xác từ gốc.

Tất nhiên, đỉnh điểm của thuật hùng biện của người có chuyên môn là viện dẫn nước Nga, thiên đường của công nhân và nông dân. Trong gần ba mươi năm qua, chỉ có những người cộng sản cuồng tín và những ủng hộ họ là được phép nhập cảnh nào nước Nga mà thôi. Các báo cáo của họ là những bài ca ngợi một chiều Liên Xô, hoàn toàn thiếu trung thực, số còn lại cả tin chẳng khác gì trẻ con. Nhưng, một trong những sự kiện làm cho chúng ta an tâm là một số du khách đã bỏ lại ở nước Nga xu hướng cuồng Liên Xô và sau khi trở về đã cho xuất bản những tác phẩm trung thực về đất nước này. Nhưng các nhà chuyên môn dễ dàng vứt bỏ những cuốn sách đó, và gọi tác giả của chúng là “phát xít’.

Cần phải đào tạo các nhà lãnh đạo phong trào dân sự để họ có thể đối địch được với những người thuyết giáo chuyên nghiệp về quá trình quan liêu hóa và xã hội hóa. Chỉ thể hiện thái độ phẫn nộ và ca ngợi những ngày tháng huy hoàng xưa cũ không thể nào ngăn chặn được xu hướng quan liêu hóa. Một số người cùng thời với chúng ta thấy ngày xưa không được tốt như chúng ta nghĩ. Cái tuyệt vời của thời xưa là dựa vào xu hướng cải tiến, vốn là bản chất của hệ thống kinh tế thị trường không bị cản trở. Ngày xưa người ta không tin rằng chính phủ là thần thánh. Đây là chính là niềm vinh quang của thời đó.

Ảnh hưởng bất lợi nhất của thái độ ác cảm của những người công dân bình thường đối với những quan tâm nghiêm túc về các vấn đề kinh tế là họ sẵn sàng ủng hộ chương trình có tính thỏa hiệp. Người công dân bình thường coi xung đột giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội như thể đấy là cuộc cãi vã giữa hai nhóm - lao động và tư bản - mỗi bên đều tuyên bố là mình đúng hoàn toàn. Vì bản thân họ không sẵn sàng nhận xét về giá trị lập luận của mỗi bên, họ nghĩ rằng giải pháp công bằng cho cuộc tranh chấp là thỏa thuận hòa bình: Mỗi bên đều nhận được một phần đòi hỏi của mình. Do đó, những biện pháp can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh được người ta coi trọng. Không nên hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, cũng không nên hoàn toàn chủ nghĩa xã hội, mà là giữa hai cái đó, trung dung. Những người ủng hộ hệ thống thứ ba này khẳng định rằng, phải là chủ nghĩa tư bản có điều tiết và phải được các biện pháp can thiệp của chính phủ đưa vào khuôn khổ. Nhưng, biện pháp can thiệp của chính phủ không được bao trùm đến mức chính phủ kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế; chỉ nên giới hạn ở việc loại bỏ một số biểu hiện quá lạm bị nhiều người phản đối, mà không ngăn chặn hoàn toàn hoạt động của doanh nhân. Do đó, sẽ xuất hiện trật tự xã hội mà người ta cho là khác xa chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa xã hội thuần túy, trong khi vẫn giữ được những ưu điểm vốn có của mỗi hệ thống và tránh được những nhược điểm của chúng. Hầu như tất cả những những người không ủng hộ vô điều kiện chủ nghĩa xã hội thuần túy đều ủng hộ hệ thống can thiệp này và hiện nay, tất cả các chính phủ không dứt khoát và kiên quyết ủng hộ xã hội chủ nghĩa đều chấp nhận chính sách can thiệp kinh tế1. Hiện nay rất ít người phản đối bất kỳ hình thức can thiệp nào của chính phủ vào giá, tiền công, lãi suất và lợi nhuận và không ngần ngại khẳng định rằng họ coi là chủ nghĩa tư bản và kinh doanh tự do là hệ thống khả thi duy nhất, và có lợi cho toàn thể xã hội và tất cả các thành viên của nó.

Tuy nhiên, lý luận của những người ủng hộ giải pháp trung dung này là hoàn toàn sai. Xung đột giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không phải là cuộc đấu tranh giữa hai đảng nhằm tranh giành phần hơn trong thu nhập của xã hội. Xem xét vấn đề theo cách này chẳng khác gì chấp nhận tất cả các nguyên lý của chủ nghĩa Marx và những người xã hội chủ nghĩa khác. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội không chấp nhận quan điểm cho rằng trong chủ nghĩa xã hội sẽ không có bất kỳ nhóm người nào hoặc giai cấp nào có đời sống tốt hơn nhóm người khác hoặc giai cấp khác như trong xã hội hoàn toàn tư bản chủ nghĩa. Họ không thừa nhận luận điểm nói rằng trong chủ nghĩa xã hội công nhân có đời sống tốt hơn và do đó, bị chính sự tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa làm hại. Họ ủng hộ chủ nghĩa tư bản không phải nhân danh lợi ích ích kỷ của các doanh nhân và các nhà tư sản mà nhân danh lợi ích của tất cả mọi người trong xã hội. Không thể giải quyết cuộc xung đột lịch sử vĩ đại về vấn đề tổ chức kinh tế của xã hội như giải quyết cuộc cãi vã giữa hai doanh nhân về tiền bạc; không thể giải quyết bằng thỏa hiệp.

Chủ nghĩa can thiệp vào kinh tế là thất sách. Áp dụng các các biện pháp riêng lẻ không thể đem lại kết quả mà người ta tìm kiếm. Những biện pháp này sẽ đưa tới tình hình, mà từ quan điểm của chính những người ủng hộ, sẽ phiền phức hơn hẳn tình hình mà họ định thay đổi trước đó. Nhiều người sẵn sàng làm công ăn lương sẽ thất nghiệp hết năm này qua năm khác, độc quyền, khủng hoảng kinh tế, năng suất suất lao động trong cả nước sẽ bị hạn chế, chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, và chiến tranh là hậu quả không thể tránh khỏi của những biện pháp can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh doanh, mà những người ủng hộ giải pháp thứ ba khuyến nghị. Tất cả những tệ nạn mà những người xã hội chủ nghĩa vu cho chủ nghĩa tư bản chính là sản phẩm của chính sách không thích hợp, nhưng được cho là “tiến bộ” này. Những thảm họa có lợi cho những người xã hội chủ nghĩa cấp tiến là kết quả của những tư tưởng của những người thường nói: “Tôi không chống chủ nghĩa tư bản, nhưng ...” Những người như này gần chẳng khác gì những kẻ dẫn đầu quá trình xã hội hóa và quan liêu hóa toàn triệt. Ngu dốt gây ra thảm họa.

Phân công lao động và chuyên môn hóa là những đặc điểm thiết yếu của nền văn minh. Nếu không có hai sự kiện này thì không thể có thịnh vượng về vật chất và tiến bộ về trí tuệ. Sự hiện diện của nhóm các nhà khoa học, học giả và nhà nghiên cứu kết hợp với nhau là kết quả của quá trình phân công lao động, cũng như sự hiện diện của bất kỳ nhóm người chuyên nghiệp nào khác. Người chuyên nghiên cứu kinh tế là nhà chuyên môn như tất cả các nhà chuyên môn khác. Những tiến bộ hơn nữa của khoa học kinh tế trong tương lai cũng là thành tựu của những người cống hiến tất cả sức mình cho nhiệm vụ này.

Nhưng sẽ là sai lầm chết người nếu các công dân để cho các chuyên gia nắm độc quyền nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Vì những vấn đề quan trọng nhất của chính trị hiện nay thực chất là vấn đề kinh tế, xa lánh các vấn đề kinh tế cũng chẳng khác gì từ bỏ quyền của mình, để cho các chuyên gia được hưởng lợi. Nếu các cử tri hoặc nghị sĩ quốc hội đối mặt với những vấn đề trong dự luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh gia súc hoặc xây dựng một tòa nhà văn phòng, họ có thể để cho các chuyên gia thảo luận các chi tiết. Các vấn đề như bác sĩ thú y và kỹ thuật không ảnh hưởng tới các nguyên tắc cơ bản của xã hội và đời sống chính trị. Đấy là những vấn đề quan trọng nhưng không phải là quan trọng hàng đầu và có tính sống còn. Nhưng nếu không chỉ quần chúng nhân dân, mà ngay cả phần lớn những người đại diện được nhân dân bầu lên đều tuyên bố: “Chỉ các chuyên gia mới hiểu được những vấn đề tiền bạc; chúng tôi không định nghiên cứu những vấn đề đó; trong vấn đề này chúng ta phải tin tưởng các chuyên gia”, thì họ gần như đã giao chủ quyền của mình cho các chuyên gia. Vấn đề không phải là họ đã chính thức giao quyền lập pháp cho các chuyên gia hay là chưa. Dù thế nào thì các chuyên gia đã đẩy họ ra ngoài. Các viên chức quan liêu sẽ hoàn thành công việc.

Các công dân bình thường đã sai khi phàn nàn rằng các viên chức quan liêu đã nhận vơ về mình quyền lực mà họ không có; nhưng chính các công dân này và những người được họ ủy quyền đã từ bỏ chủ quyền của mình. Chính sự thiếu hiểu biết của họ về các vấn đề cơ bản của kinh tế học đã làm cho những người chuyên nghiệp trở thành những người có quyền lực cao nhất. Tất cả các chi tiết kỹ thuật và pháp lý đều có thể và phải được để cho các chuyên gia giải quyết. Nhưng dân chủ sẽ trở thành viển vông nếu những công dân xuất chúng, những nhà lãnh đạo có trí thức của cộng đồng, không thể thiết lập được ý kiến của riêng mình về những nguyên tắc chính sách căn bản về xã hội, kinh tế và chính trị. Nếu về mặt trí tuệ, các công dân phụ thuộc vào những người làm việc trong bộ máy hành chính, thì xã hội sẽ bị chia thành hai giai cấp: các chuyên gia cầm quyền, những Barahmins (Bà-la-môn – đẳng cấp cao nhất trong Ấn giáo, ND), và những người công dân khờ dại. Sau đó sẽ là chế độ chuyên chế, dù hiến pháp và luật pháp có viết thế nào thì cũng vậy mà thôi.

Dân chủ có nghĩa là quyền tự quyết. Nhưng làm sao người có thể quyết định được công việc của mình nếu họ quá thờ ơ, không muốn suy nghĩ để tự mình tìm ra những đánh giá độc lập về các vấn đề chính trị và kinh tế cơ bản? Dân chủ không phải là cái tốt lành để người có thể tận hưởng mà không gặp rắc rối. Ngược lại, nó là một kho báu, phải luôn luôn canh chừng và chinh phục đi chính phục lại bằng những nỗ lực rất lớn.

Chú thích:

(1) L. Mises sử dụng thuật ngữ interventionism (tiếng Latinh interventio - can thiệp) trong nhiều tác phẩm của mình để nói về hệ thống điều tiết kinh tế của nhà nước. Theo Mises, chủ nghĩa xã hội là một trong những hình thức của chủ nghĩa can thiệp – chú thích bản tiếng Nga, ND.

Nguồn: Ludwig von Mises, Bureaucracy, Yale University Press, 1944

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường