[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 3)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 3)

VỊ TRÍ GIỐNG DA ĐEN Ở HOA KÌ; NHỮNG HIỂM NGUY GIỐNG DA ĐEN GÂY RA CHO GIỐNG DA TRẮNG (1/2)

Vì sao với con người hiện đại chế độ nô lệ và các dấu vết nô lệ lại khó xoá bỏ hơn so với con người cổ đại. − Ở Hoa Kì, định kiến của người da trắng đối với người da đen hình như càng mạnh hơn sau khi thủ tiêu chế độ nô lệ. − Vị trí người da đen tại các bang miền Bắc và miền Nam. − Tại sao người Mĩ xoá bỏ chế độ nô lệ. − Sự nô dịch thú vật hoá kẻ nô lệ và bần cùng hoá người chủ. − Khác nhau giữa vùng hữu ngạn và tả ngạn sông Ohio. − Tìm nguyên nhân cho điều này. − Giống da đen càng xuống miền Nam càng suy thoái, do chế độ nô lệ tạo ra. − Giải thích điều này ra sao. − Khó khăn của các bang miền Nam trong việc xoá bỏ chế độ nô lệ. − Những nguy cơ trong tương lai. − Những điều phải suy nghĩ. − Thành lập khẩn địa da đen ở châu Phi. − Tại sao các nước Nam Mĩ vừa ghê tởm chế độ nô lệ lại vừa gia tăng sức mạnh của chế độ này.

Người Anh điêng bản địa sẽ chết trong cách biệt như họ sống; nhưng số phận người da đen lại như thể bị cột chặt vào số phận người châu Âu. Hai giống người này gắn bó với nhau mặc dù không sao hoà lẫn với nhau. Và hoàn toàn tách được họ ra khỏi nhau cũng khó như là nhập được họ lại với nhau.

Điều đáng sợ nhất trong mọi điều xấu xa tồi tệ đe doạ tương lai Hoa Kì nảy sinh từ sự hiện diện của người da đen trên đất nước này. Khi đi tìm nguyên nhân những lúng túng hiện thời và những hiểm nguy mai sau của Liên bang, bất kể xuất phát điểm ra sao, bao giờ cũng đi tới sự kiện đầu tiên ấy.

Con người nói chung cần có những nỗ lực to lớn và bền bỉ để tạo ra những điều xấu xa tồi tệ kéo dài. Nhưng có một điều xấu xa tồi tệ nó lẻn vào cuộc đời: mới đầu người ta khó mà nhận ra được nó giữa những lạm dụng quyền lực thông thường. Chuyện đó bắt đầu với một cá thể mà lịch sử cũng chẳng buồn lưu tên tuổi. Nhưng rồi cái đó được gieo vào một điểm nào đó trên mặt đất và nó thành một cái mầm đáng nguyền rủa. Cái mầm ấy sau đó tự nó nuôi nó, lan rộng dễ dàng, và lớn lên một cách tự nhiên cùng với cái xã hội đã tiếp nhận nó: điều xấu xa tồi tệ đó là chế độ nô lệ.

Ki Tô giáo đã tiêu diệt nạn nô lệ. Người Công giáo của thế kỉ XVI lại phục hồi nó. Song họ chỉ chấp nhận nó như một ngoại lệ trong hệ thống xã hội của mình, và họ cẩn thận thu hẹp nó tại một giống duy nhất trong các giống người mà thôi. Theo cách đó, họ làm cho vết thương bớt loang, nhưng là vết thương vô cùng khó chữa.

Cần phân biệt cẩn thận hai điều: bản thân chế độ nô lệ và những hệ quả của chế độ nô lệ.

Những điều xấu xa tồi tệ tức thời của chế độ nô lệ ở người cổ đại cũng như ở người hiện đại cũng gần giống như nhau, nhưng những hệ quả của chế độ nô lệ thì khác nhau giữa hai thời đại. Ở thời cổ đại, người nô lệ thuộc cùng một giống người với ông chủ anh ta, và lắm khi anh ta còn cao hơn ông chủ về đường học vấn và trí tuệ[285]. Hai bên cách xa nhau chỉ vì có hay không có tự do. Khi có tự do, họ dễ dàng hoà nhập vào với nhau.

Vậy cho nên người cổ đại có một phương tiện khá đơn giản để được giải thoát khỏi chế độ nô lệ và các hệ quả của nó. Phương tiện đó là sự giải phóng nô lệ, và khi đem dùng phương tiện đó khắp nơi, thì họ thành công.

Không phải là vì, vào thời cổ đại, những dấu vết của chế độ sử dụng lao động nô lệ không tồn tại được một thời gian sau khi chế độ nô lệ đã bị thủ tiêu.

Có một định kiến tự nhiên khiến người ta khinh bỉ kẻ nào thấp hơn mình, kể cả rất lâu sau khi kẻ đó thành người ngang hàng với ta. Tiếp theo sự bất bình đẳng do tài sản hoặc luật pháp tạo ra bao giờ cũng là sự bất bình đẳng tưởng tượng có gốc gác từ trong tập tục. Nhưng ở người cổ đại, cái tác động phụ này của chế độ nô lệ có hạn định. Kẻ nô lệ được trả tự do nom lại khá giống với những con người gốc gác tự do, đến mức là khó phân biệt được đôi bên.

Điều khó khăn hơn với người cổ đại là việc sửa đổi luật pháp, còn với người hiện đại là sự thay đổi tập tục, và với chúng ta, điều khó khăn thực sự được bắt đầu ở đoạn kết thúc của người thời cổ.

Điều này có nguyên nhân ở chỗ, với người hiện đại, chế độ nô lệ − một sự kiện khó nắm bắt và phi vật chất − lại được kết hợp một cách tai hoạ nhất với sự phân biệt về chủng tộc − một sự kiện mang tính vật chất và diễn ra thường xuyên. Hồi ức về chế độ nô lệ làm ô danh cho chủng tộc, và chủng tộc kéo dài thêm cái hồi ức về chế độ nô lệ.

Không có một người châu Phi nào lại đã đặt chân lên Tân thế giới trong tư thế con người tự do. Từ đó ta thấy rằng tất cả những người châu Phi nào bây giờ ta còn bắt gặp ở Mĩ thì đều là nô lệ hoặc là nô lệ được trả tự do. Vì thế mà, sự tồn tại của người da đen cũng là sự chuyển giao cho tất cả con cháu cái dấu hiệu bề ngoài của nỗi ô nhục đó. Luật pháp có thể thủ tiêu sự nô dịch; nhưng chỉ có một mình Chúa Trời là đủ sức làm biến đi những vết tích của sự nô dịch.

Người nô lệ thời hiện đại không chỉ khác với ông chủ nó ở chỗ có hay không có tự do, mà còn khác nhau ở nguồn gốc. Ta có thể cho người da đen được tự do, nhưng ta không làm cách gì cho anh ta có tư thế một kẻ ngoại bang khi đứng trước một anh châu Âu.

Vẫn chưa hết: cái con người sinh ra trong sự hèn kém đó; cái con người xa lạ mà chế độ sử dụng lao động nô lệ đã đem du nhập vào với chúng ta đó, khó mà chúng ta nhận ra được ở anh ta những nét chung của nhân loại. Chúng ta cảm thấy mặt mũi anh ta gớm ghiếc, trí tuệ hạn hẹp, thị hiếu tầm thường; chừng ấy là đủ để chúng ta coi anh ta là một sinh vật trung gian giữa thú và người.

Con người hiện đại, sau khi xoá bỏ chế độ nô lệ, còn phải thủ tiêu ba định kiến khó nắm bắt và bám còn chắc hơn cả chế độ đó, ấy là định kiến người chủ, định kiến chủng tộc, và sau cùng là định kiến người da trắng.

Với chúng ta, những kẻ may mắn được sinh ra giữa những con người được thiên nhiên tạo cho thành đồng loại và luật pháp lại khiến chúng ta và họ bình đẳng với nhau, thật khó khăn quá chừng vì chúng ta không sao hiểu nổi cái khoảng cách không thể vượt qua làm ngăn cách người da đen nước Mĩ và người châu Âu. Nhưng chúng ta có thể dùng cách suy luận tương đồng để có được một ý tưởng xa xa đối với vấn đề đó.

Từng thấy xưa kia giữa chúng ta có những sự bất bình đang lớn mà nguyên nhân mang tính nguyên tắc nằm ở công việc chế định luật pháp. Còn gì hoang đường hơn là một sự thấp hèn thuần tuý do luật định! Còn gì trái ngược với bản năng con người hơn là những khác biệt thường trực được xác lập giữa những con người hiển nhiên là giống nhau! Thế mà những phân biệt đó từng tồn tại nhiều thế kỉ. Chúng đang còn tồn tại ở cả ngàn nơi. Đâu đâu chúng cũng để lại những vết tích trong tưởng tượng mà thời gian khó tẩy xoá cho hết. Nếu tính bất bình đẳng chỉ do luật pháp tạo nên mà đã khó tróc rễ đi, thì làm cách gì ta có thể thủ tiêu nổi một sự bất bình đẳng dường như có cơ sở bền vững bất biến ngay trong lòng thiên nhiên?

Với tôi, khi tôi xem xét giới quý tộc thuộc mọi phẩm hạng, tôi từng thấy họ vất vả biết bao khi có thể hoà vào với quần chúng nhân dân, đồng thời vẫn duy trì nghiêm ngặt trong nhiều thế kỉ những thanh chắn ý thức ngăn cách họ với nhân dân, tôi thấy mình tuyệt vọng khi trông đợi mắt mình chứng kiến sự biến đi của một nền quý tộc xây dựng trên những dấu hiệu rõ rành rành và không sao biến mất đi được.

Tôi cảm thấy những ai hi vọng người châu Âu một ngày nào đó sẽ hoà lẫn với người da đen là những người đang ve vuốt một chuyện hão huyền. Lí trí tôi không hề bảo tôi tin vào chuyện ấy. Và tôi cũng chẳng thấy có chỉ dẫn cụ thể nào cho điều đó cả.

Cho tới nay, bất kì ở nơi đâu khi người da trắng là những kẻ có đại quyền uy, họ đều duy trì người da đen trong cảnh sống ô nhục hoặc trong cảnh sống nô lệ. Bất kì ở nơi đâu khi người da đen mạnh hơn, họ đều tiêu diệt người da trắng. Đó là tài khoản phân minh duy nhất chưa từng khi nào mở cho hai giống người đó thanh toán với nhau.

Xem xét Hoa Kì ngày nay, tôi thấy rõ là trong những vùng nhất định ở nước này, thanh chắn pháp lí ngăn cách hai chủng tộc có xu hướng được nhấc dần đi, nhưng các tập tục thì không: tôi đang thấy chế độ nô lệ lui bước, song định kiến do chế độ đó tạo ra vẫn đứng im không nhúc nhích.

Ở phần đất của Hoa Kì nơi người da đen không còn là nô lệ nữa, họ có xích gần lại với người da trắng không? Bất kì ai từng ở đất Hoa Kì hẳn sẽ nhận thấy đang xảy ra một tác động ngược lại.

Theo tôi, định kiến chủng tộc còn mạnh mẽ hơn ở những bang đã xoá bỏ chế độ nô lệ so với những bang còn giữ chế độ đó, và không ở đâu thành kiến đó tỏ ra không khoan nhượng như là ở các bang nơi xưa nay chưa từng có cảnh nô lệ.

Đúng là ở miền Bắc Hoa Kì luật pháp cho phép người da đen và người da trắng được chính thức cưới nhau. Nhưng ý kiến và dư luận coi người da trắng nào lấy một cô da đen là kẻ đê tiện, và cũng rất khó khăn có thể dẫn ra một sự kiện loại đó làm bằng.

Tại hầu hết các bang nơi chế độ nô lệ đã bãi bỏ, người da đen được quyền bầu cử; nhưng nếu đi bầu, anh ta có nguy cơ mất mạng. Bị áp bức, anh ta được quyền kêu kiện, nhưng trong hàng ngũ quan toà chỉ có những người da trắng mà thôi. Tuy luật pháp cũng mở đường cho người da đen thành quan toà, nhưng định kiến lại xua đuổi anh ta. Con trai anh ta bị tống ra khỏi cái trường học con cái người da trắng tới học. Ở nhà hát, dù có mua bằng vàng người da đen cũng không thể có quyền ngồi cạnh kẻ trước đây là ông chủ của mình. Ở bệnh viện, anh ta nằm một góc riêng. Người da đen được cầu nguyện một vị Chúa Trời chung với của người da trắng, nhưng không được cầu nguyện ở cùng một bệ thờ. Anh ta có cha đạo riêng và đền đài riêng. Không ai đóng cửa lên thiên đàng cho người da đen hết: dẫu sao thì bất bình đẳng cũng dừng lại khi gần đến thế giới bên kia. Khi người da đen chết đi, xương cốt anh ta bị chôn ở chỗ riêng, và sự khác biệt về điều kiện lại xuất hiện đúng ở trong sự bình đẳng của cái chết.

Vậy là người da đen tự do nhưng không có quyền chia sẻ cả các quyền, cả các thú vui, cả công việc làm, cả những nỗi đau, ngay cả nấm mồ của con người được tuyên bố là bình đẳng với anh ta; anh ta chẳng thấy mình được tự do ở đâu, cả khi sống cũng như khi chết.

Ở miền Nam, nơi vẫn còn chế độ nô lệ, người ta ít tìm cách tách người da đen ra; họ đôi khi cùng lao động và cùng vui chơi với người da trắng. Người ta đồng ý tới mức độ nào đó cho người da đen hoà trộn vào với người da trắng. Luật thì cứng rắn hơn với họ, song nếp sống thì khoan dung hơn và dễ chịu hơn với họ.

Ở miền Nam, người chủ không ngại nâng người nô lệ lên ngang hàng mình, vì anh ta biết rằng khi nào thích anh ta có thể quăng ngay kẻ nô lệ kia vào cát bụi. Ở miền Bắc, người da trắng không nhận ra rõ rệt lắm cái thanh chắn ngăn cách anh ta với một giống người xấu xa, và anh ta thật cẩn thận tránh xa người da đen để không còn cơ hội nào hoà vào với kẻ đó hết.

Với người Nam Mĩ, thiên nhiên, là thứ như có góp phần tạo ra các quyền ở vùng này, từng có lúc tham gia tạo dựng nên quyền bình đẳng giữa người da trắng và người da đen. Ở miền Bắc, tính kiêu căng làm cho cái đam mê cao đẹp nhất của con người cũng phải câm họng. Có thể người Bắc Mĩ sẽ đồng ý tạm vui thú với một cô gái da đen nếu các nhà lập pháp tuyên bố cô kia không có quyền mơ tưởng chung giường chiếu với người da trắng; nhưng một khi cô ta có quyền trở thành vợ, thì anh ta ghê tởm tránh xa cô ta luôn.

Chính vì thế mà ở Hoa Kì định kiến xua đuổi người da đen dường như lại gia tăng theo tỉ lệ với mức độ giải phóng người nô lệ da đen, và sự bất bình đẳng được khắc sâu thêm trong tập tục chừng nào nó bị xoá đi trong luật pháp.

Nhưng nếu tương quan giữa hai giống người sống chung nhau tại Hoa Kì đi đến tình trạng như tôi vừa mô tả, thì tại sao người Mĩ lại xoá bỏ chế độ nô lệ ở miền Bắc liên bang, và tại sao chế độ đó lại được duy trì ở miền Nam, và do đâu mà ở đó nó lại mạnh lên?

Trả lời thật dễ. Người ta xoá bỏ chế độ nô lệ ở Hoa Kì không vì lợi ích người da đen mà vì lợi ích người da trắng.

Những người da đen nô lệ đầu tiên được nhập vào bang Virginia quãng năm 1621. Ở Mĩ, cũng như bất cứ nơi nào trên trái đất này, chế độ nô lệ đều sinh ra ở miền Nam. Từ vùng đó nó loang dần đi. Nhưng khi chế độ nô lệ leo dần lên phương Bắc, thì số lượng người nô lệ bị giảm đi; ta bao giờ cũng thấy rất ít người nô lệ da đen ở New England.

Các khẩn địa được lập ra. Một thế kỉ trôi đi, và một sự kiện đặc biệt bắt đầu đập vào mắt mọi người. Dân số gia tăng, giàu có gia tăng và đời sống hạnh phúc gia tăng ở những địa phương hầu như không có nô lệ, nhanh hơn ở các địa phương có nô lệ.

Song ở các địa phương không có nô lệ, người dân phải tự mình canh tác đất đai hoặc thuê mướn dịch vụ từ người khác; tại các địa phương có nô lệ thì có sẵn lao động để thuê làm không công. Loại địa phương thứ nhất phải lao động và chi phí, loại thứ hai chỉ rong chơi và thu nhập: ấy thế mà ưu thế lại rơi vào tay loại địa phương thứ nhất.

Kết quả này hình như lại càng khó giải thích khi những người nhập cư, vốn đều thuộc giống người châu Âu, có cùng thói quen, có chung trình độ văn minh, có cùng luật pháp, và chỉ khác nhau ở những nét nho nhỏ khó nhận ra.

Thời gian tiếp tục trôi: rời bỏ bờ bến Đại Tây Dương, người Mĩ gốc Anh càng ngày càng đi sâu vào những vùng hoang vu miền Tây. Họ bắt gặp ở đó đất đai và khí hậu mới. Ở đó họ phải khắc phục những trở ngại thuộc bản chất khác. Dòng giống người của họ pha trộn nhau, người miền Nam lên miền Bắc, người miền Bắc xuống miền Nam. Giữa vô vàn nguyên nhân đó, có một sự kiện chung cứ lặp đi lặp lại mỗi bước chân họ đi. Và nói chung cái khẩn địa không hề có nô lệ lại càng ngày càng đông dân lên và thịnh vượng hơn lên so với nơi chế độ nô lệ thịnh hành.

Họ càng tiến xa thì càng thấy rằng chế độ nô lệ độc ác với người nô lệ và tai hoạ cho người chủ.

Song chân lí này được thể hiện lần cuối cùng khi họ tới được bờ sông Ohio.

Con sông mà người Anh điêng bản địa gọi tên rất hay là Ohio, hoặc Dòng-Sông-Xinh-Đẹp, tưới tắm cho một trong những thung lũng huy hoàng mà con người chưa từng được dừng chân. Trên hai bờ Ohio là những dải đất uốn lượn nơi đất đai hàng ngày đem đến cho người cày những kho báu vô tận. Trên cả đôi bờ, khí hậu đều ôn hoà và lành cho con người. Mỗi bên bờ là biên giới với một bang to rộng, bên tả ngạn cả ngàn nhấp nhô ngoắt ngoéo theo dòng chảy sông Ohio là đất bang Kentucky, bên hữu ngạn tên đất lấy luôn theo tên con sông. Hai bang ở đôi bên chỉ khác nhau ở một điểm: Kentucky chấp nhận dân nô lộ, Ohio thì dứt khoát từ chối.

Du khách một khi tới giữa lòng Ohio, để mình bị cuốn theo dòng chảy tới mãi ngã ba đổ vào sông Mississippi, và được bơi lội theo dòng trôi giữa một bên là tự do còn bên kia là nô lệ. Du khách chỉ cần đảo mắt nhìn quanh là đủ xét đoán được ngay lập tức đâu là cái tối hảo cho nhân loại.

Trên bờ tả ngạn, dân cư thưa thớt; thỉnh thoảng lại thấy một đám nô lệ đi lại nhởn nhơ vô tư trên cánh đồng vắng vẻ; chốc chốc lại xuất hiện những cánh rừng nguyên sơ; có thể nói đó là một xã hội ngủ gà ngủ gật; con người có vẻ vô công rồi nghề trong khi thiên nhiên mang hình ảnh của hoạt động và sự sống.

Trên bờ hữu ngạn thì ngược lại đó là sự ồn ào mà từ xa đã biết đó là cuộc sống công nghiệp; lúa má tốt tươi phủ kín cánh đồng; những ngôi nhà sang trọng cho thấy thị hiếu và sự chăm chút của người làm đồng ruộng; khắp nơi đều hiện ra cảnh sống dư dả; con người có vẻ giàu và hài lòng: nó đang làm lụng.

Bang Kentucky thành lập năm 1775, bang Ohio thì mười hai năm sau đó. Mười hai năm ở nước Mĩ bằng hơn một nửa thế kỉ ở châu Âu. Giờ đây dân số Ohio nhiều hơn Kentucky 250.000 người.

Ta thấy thật dễ hiểu những tác động khác nhau đó của chế độ nô lệ và tự do. Để lí giải, ta chỉ cần dùng đến cách so sánh những chỗ khác nhau giữa nền văn minh cổ đại và nền văn minh thời chúng ta bây giờ.

Bên tả ngạn sông Ohio, lao động là theo tinh thần chế độ nô lệ. Bên hữu ngạn, lao động gắn với hạnh phúc và tiến bộ. Bên kia, lao động là suy đốn, bên này người ta vinh danh lao động. Bên tả ngạn, không thấy những công nhân da trắng, họ sợ bị lẫn với những người nô lệ; lao động ở đó là của người nô lệ. Bên hữu ngạn lại khó mà tìm ra nổi một con người uể oải lờ phờ: người da trắng hoạt động và đầu tư trí tuệ mình vào mọi công việc.

Vậy là những con người đang khai thác các tài phú đất đai ở Kentucky đều không tích cực và không thông tuệ; còn những người có thể có hai thứ đó lại chẳng làm gì hết, hoặc là họ chạy qua bang Ohio, sao cho ở bên này, việc sử dụng kĩ năng và sức mạnh của họ không làm cho họ xấu hổ.

Đúng là ở bang Kentucky các chủ nô bắt nô lệ làm việc mà không bắt buộc phải trả công cho họ, nhưng kết quả đem lại thì chẳng bao nhiêu, trong khi tiền bạc trả cho các lao động tự do sẽ được thu lại trong giá trị lao động của họ.

Người lao động tự do được trả công, nhưng anh ta làm việc nhanh hơn người nô lệ, và tốc độ làm việc là một trong những thành tố to tát của kinh tế. Người da trắng bán những gì họ có, người khác chỉ mua khi thấy nó có ích. Người da đen chẳng có gì giá trị để bán, song vẫn cứ phải suốt đời nuôi anh ta; nuôi khi về già cũng như khi tuổi đã cứng, nuôi trong thời ấu thơ chẳng sinh lợi gì cũng như trong những năm tươi tốt tuổi thiếu niên, nuôi khi ốm đau cũng như khi lành lặn. Vậy là phải trả tiền công thì ta mới có được sức lao động của hai hạng người đó; người lao động tự do nhận tiền lương; người nô lệ nhận sự học hành, lương thực, chăm sóc, áo quần. Đồng tiền do ông chủ chi ra để nuôi người nô lệ chảy đi dần dần và chi tiết, và thật khó nhận rõ. Còn tiền lương trả cho người công nhân tự do thì được trả một lần và dường như chỉ làm giàu cho người được nhận lương. Kì thực người nô lệ đắt hơn người tự do, còn sản phẩm lao động của người nô lệ lại rất kém năng suất.

Ảnh hưởng của chế độ nô lệ còn vươn xa hơn nữa. Nó thâm nhập ngay cả vào tâm hồn ông chủ nô và đóng dấu ấn rõ nét vào cung cách suy nghĩ cùng thị hiếu ông ta.

Trên hai bờ sông Ohio, thiên nhiên đem lại cho con người một tính cách năng động và quyết liệt. Nhưng ở mỗi bên bờ sông, tính cách chung đó lại được đem sử dụng khác nhau.

Người da trắng bên hữu ngạn, do bị buộc phải sống bằng nỗ lực bản thân, đã đặt mục tiêu chính yếu của cuộc sống là hạnh phúc vật chất. Và do chỗ xứ sở anh ta sinh sống có vô vàn nguồn lực cho kĩ năng sản xuất của anh ta thi thố và luôn luôn chìa ra những miếng mồi ngon mới mẻ cho hoạt động của anh ta, nên nhiệt tình kiếm lợi đã vượt những giới hạn bình thường của lòng tham con người. Bị dày vò vì ước vọng lập nghiệp lớn, anh ta liều lĩnh lao vào mọi con đường làm giàu có thể được. Anh ta khi thì là thuỷ thủ, khi mở đường vào miền hoang dã, khi sản xuất hàng thủ công nghiệp, khi làm nhà nông, lúc nào và ở đâu cũng chấp nhận mọi nhọc nhằn và hiếm nguy gắn với các nghề đó. Có chút gì đó đẹp đẽ mĩ mãn trong cái lòng tham kiếm tiền của anh ta.

Người Mĩ bên tả ngạn không chỉ khinh rẻ lao động, mà khinh mọi công cuộc do lao động khiến con người thành đạt. Sống trong cảnh dư dật vô công rồi nghề, anh ta có những thị hiếu của kẻ nhàn rỗi. Tiền bạc đã mất đi một phần giá trị trước con mắt anh ta. Anh ta ít đeo đuổi lập nghiệp hơn là “hoạt động” lăng xăng và hưởng thụ các thú vui, và về phương diện này anh ta có cái năng lượng mà ông bạn hàng xóm bên kia sông đổ vào một công cuộc khác. Anh ta đam mê săn bắn và đánh nhau. Anh ta thích thú những trò luyện tập cơ thể có tính bạo lực. Anh ta quen dùng súng ống và từ tuổi nhỏ anh ta đã tập đem cuộc sống của mình đánh cược vào những trò đánh nhau lạ đời. Vậy là chế độ nô lệ không chỉ ngăn cản người da trắng lập nghiệp, nó còn khiến anh ta không thèm muốn lập nghiệp nữa.

Những nguyên nhân như thế tác động liên tục từ hai thế kỉ theo chiều ngược nhau tại các khẩn địa của người Anh ở Bắc Mĩ cuối cùng đã tạo ra một sự khác biệt lạ kì giữa khả năng thương mại của người miền Nam và người miền Bắc. Giờ đây, chỉ có ở miền Bắc là có những thuyền buôn, nhà máy, đường sắt và kênh đào.

Ta thấy có sự khác nhau này không chỉ qua so sánh Bắc Nam, mà qua so sánh giữa hai người dân ở miền Nam. Hầu hết những con người ở các bang xa tít phía Nam hễ lao vào các công cuộc thương mại hoặc tìm cách sử dụng chế độ nô lệ thì đều là người đến từ miền Bắc. Mỗi ngày, người miền Bắc lại tràn vào phần lãnh thổ này của nước Mĩ, nơi sự cạnh tranh không làm họ sợ hãi lắm. Họ phát hiện ra ở đó những nguồn lực mà cư dân ở đó chẳng nhận ra, và chịu tuân theo một hệ thống mà họ không chấp nhận, họ tìm cách thu lợi nhiều hơn cả những kẻ vẫn còn ủng hộ hệ thống ấy sau khi đã dựng nên nó.

Nếu tôi có ý định so sánh xa hơn nữa, tôi sẽ dễ dàng chứng minh được là, hầu hết những khác biệt về tính cách người Mĩ ở miền Nam và ở miền Bắc đều bắt nguồn từ chế độ nô lệ. Nhưng làm thế sẽ đi lạc đề tôi đeo đuổi: lúc này tôi chỉ đi tìm, không phải những tác động của chế độ sử dụng lao động nô lệ, mà vấn đề nó tạo ra những tác động gì tới thịnh vượng vật chất của những con người đã chấp nhận chế độ đó vào nước Mĩ.

Vào thời cổ đại, người ta chỉ biết rất sơ sài về ảnh hưởng của chế độ nô lệ tới nền sản xuất. Chế độ sử dụng lao động nô lệ khi đó tồn tại khắp thế giới văn minh, và các dân tộc không biết tới điều đó là những kẻ mông muội.

Vì vậy mà đạo Ki Tô đã thủ tiêu chế độ nô lệ bằng cách làm tôn cao giá trị của kẻ nô lệ. Vào thời nay, ta có thể công kích chế độ nô lệ nhân danh người chủ nô lệ: về điểm này, lợi ích và đạo đức đồng tình được với nhau.

Chừng nào mà các chân lí đó bộc lộ rõ ra ở Hoa Kì, ta thấy chế độ nô lệ lùi dần từng bước trước ánh sáng của kinh nghiệm.

Chế độ sử dụng lao động nô lệ bắt đầu ở miền Nam và sau đó lan rộng lên miền Bắc, và ngày nay nó rút lui đi. Tự do, xuất phát từ miền Bắc, tràn xuống miền Nam. Trong số các bang lớn, Pennsylvania ngày nay là giới hạn cuối cùng của chế độ nô lệ ở miền Bắc, nhưng nó cũng lung lay ngay trong những giới hạn đó rồi. Bang Maryland, nằm liền kề bên dưới Pennsylvania, đang chuẩn bị từng ngày để được lột bỏ chế độ nô lệ. Và bang Virginia, noi gương Maryland, đang thảo luận về ích lợi và nguy cơ của chế độ nô lệ.

Sẽ chẳng xảy ra thay đổi lớn trong các thiết chế của con người nếu như trong vô số nguyên nhân thay đổi đó người ta không phát hiện ra luật thừa kế.

Khi ở miền Nam còn tồn tại sự bất bình đẳng về chia tài sản, mỗi gia đình có đại diện là một người giàu là kẻ không có nhu cầu gì ngoài sự thích thú lao động. Xung quanh ông ta là các thành viên gia đình, hệt như những cây tầm gửi, đều có chung lối sống đó. Thế là trong tất cả các gia đình ở miền Nam xuất hiện cái cảnh mà bây giờ vẫn còn thấy ở những gia đình quý tộc một số nước châu Âu, ở đó những người con út dù không giàu như anh con trưởng song cũng vẫn cứ sống nhởn nhơ nhàn tản như anh con trưởng. Điều này xảy ra ở Mĩ và ở châu Âu đều do những nguyên nhân hoàn toàn như nhau. Ở miền Nam Hoa Kì, toàn thể giống người da trắng tạo thành một lớp quý tộc đứng đầu là một số cá nhân có đặc quyền, giàu có và ham chơi. Những người thủ lĩnh quý tộc Mĩ này làm trường tồn trong lớp quý tộc mà họ đại diện những định kiến truyền kiếp của giống da trắng, và duy trì sự vô công rồi nghề như là một điều vinh hạnh. Trong lòng tầng lớp quý tộc này, ta bắt gặp những người nghèo, nhưng không phải là những người làm ăn. Ở đó người ta có vẻ thích thú sự nghèo túng hơn là những kĩ năng làm nghề. Những người làm công da đen và nô lệ không bắt gặp ở đó những người ganh đua với họ, và dù có ai nghĩ gì về sự ích lợi của lao động nô lệ, người ta vẫn cứ phải thuê họ làm, vì duy nhất họ là những người làm việc.

Khi luật thừa kế bị xoá bỏ, tất cả tài sản đều cùng lúc bắt đầu giảm, tất cả các gia đình đều đến gần một tình trạng thấy lao động là cần thiết cho sự sống còn. Rất nhiều người trong bọn họ hoàn toàn biến mất. Tất cả đều nhìn nhận thấy cái thời điểm mà mỗi người đều phải lao động để thoả mãn các nhu cầu. Giờ đây ta vẫn còn thấy những người giàu, nhưng họ không tạo thành một tầng lớp chặt chẽ và dòng dõi. Họ không thể giữ mãi một tinh thần cũ và làm cho tinh thần đó được chấp nhận khắp nơi. Vậy là người ta cùng đồng tình từ bỏ cái định kiến khinh lao động. Khi đó số người nghèo rất đông, và người nghèo có thể có phương tiện kiếm sống mà không thấy hổ thẹn. Vì thế mà những tác động gần của việc bình đẳng trong thừa kế là sự tạo ra tầng lớp lao động tự do. Khi người lao động tự do ganh đua cạnh tranh với người nô lệ, ai cũng thấy rõ trình độ thấp kém của anh nô lệ, và chế độ nô lệ như thế là đã bị tiến công ngay từ trong nguyên lí của nó, đó chính là lợi ích của người chủ nô.

Chế độ nô lệ rút lui tới đâu, giống da đen liền đi theo nó trên bước đường tụt hậu, và cùng với nó quay về vùng nhiệt đới chốn gốc gác.

Điều này thoạt nhìn thì có vẻ lạ kì, nhưng rồi ta sẽ hiểu.

Dịch giả:
Phạm Toàn