Toán học và kinh tế học, tính phong phú và những giới hạn của một hình thức hoá (Phần 1)

Toán học và kinh tế học, tính phong phú và những giới hạn của một hình thức hoá (Phần 1)

Nghiên cứu trong kinh tế học dưới mắt một nhà nghiên cứu

Bất hạnh thay cho ai không có vài người đối thoại riêng và quen thuộc mà họ có thể tiếp tục trao đổi suốt cuộc đời mình. Về phần mình, tôi đã sớm gặp tác phẩm của Pierre Bourdieu và ngay tức thì nhận thấy trong đó giá trị đầu tiên mà người ta gọi là chân lí. Tất cả các bạn đều biết là ông ấy không mấy mặn mà với sự hình thức hoá trong các khoa học xã hội lẫn với cách tiếp cận kinh tế về hành vi con người, chủ đề của hội thảo này. Sự căng thẳng này giữa những phê phán mà tôi hiểu, vả lại là một sự phê phán nhắm xa hơn lí thuyết kinh tế để nhắm đến thái độ kinh viện nói chung, và cách thực hành chuyên nghiệp của tôi, đã buộc tôi suy nghĩ về nó và biện minh cho nó so với những giá trị mà Bourdieu thích nhấn mạnh rằng chúng chính là kết quả của cách thực hành của tôi và của lựa chọn của bản thân khi theo đuổi một sự nghiệp hàn lâm. Như vừa nói, đứng đầu các giá trị này là chân lí: tôi nghĩ rằng có những điều là đúng và những điều là sai, và nhiệm vụ đầu tiên của các nhà trí thức, như Chomski nói, là vạch ra sự khác biệt giữa cái đúng và cái sai. 

Do đó, hãy bắt đầu bằng cách trích dẫn cuốn Méditations pascaliennes (tác phẩm của Bourdieu – ND): “Ý tưởng về sự cân nhắc tự nguyện, một ý tưởng đã từng sản sinh biết bao nhiêu bài nghị luận, đưa đến việc giả định rằng mọi quyết định, được quan niệm như một lựa chọn lí thuyết giữa những khả thể lí thuyết được cấu thành như thế, đòi hỏi hai thao tác tiên quyết: thứ nhất, thiết lập danh sách đầy đủ các lựa chọn có thể; thứ nhì, xác định những hệ quả của những chiến lược khác nhau và đánh giá chúng có so sánh. Biểu tượng hoàn toàn phi thực tế này về hành động bình thường mà lí thuyết kinh tế, không ít thì nhiều, chấp nhận – dựa trên ý tưởng cho rằng mọi hành động đều có một ý định suy tính trước và rõ ràng – chắc chắn là đặc biệt tiêu biểu cho cách nhìn kinh viện, một tri thức không hiểu biết, vì không hề biết đến đặc quyền khiến nó ưu tiên cho quan điểm lí thuyết, cho sự chiêm nghiệm tách biệt với những quan tâm cụ thể, và theo cách nói của Heidegger, “thoát khỏi bản thân như thể mình không nằm trong thế giới này”. 

Và như vậy đủ để khuyến khích ta nên khiêm tốn. Thật ra điều mà suy tưởng của Bourdieu nói với chúng ta là đừng chứng tỏ điều không phải là bản chất của mình, nhất là tỏ ra mình là một nhà quan sát vô vị lợi. Tôi không phải là một nhà xã hội học, cũng không phải là một nhà triết học. Nhưng tôi nghiên cứu toán học từ bốn mươi năm nay, và kinh tế học từ mười lăm năm nay hay hơn nữa. Chính từ bên trong cách thực hành này mà tôi sẽ trình bày nghiên cứu của mình, bằng một cách kĩ thuật nhất có thể, và sẽ không nêu những nhận định siêu hình hay khoa học luận vốn không thuộc lĩnh vực của tôi và không có cùng những tiêu chí về chân lí. Quan điểm của tôi sẽ là quan điểm của Keynes: “Nếu các nhà kinh tế có thể nghĩ về mình như một nha sĩ khiêm tốn và lành nghề thì đó quả thật tuyệt vời”. 

Nói như vậy rồi thì dưới đây là việc nghiên cứu kinh tế học theo cách tôi thực hành. Nghiên cứu này không được đặc trưng bằng lĩnh vực ứng dụng của nó, như cách nghiên cứu giới hạn vào các trao đổi sản phẩm và dịch vụ trong một nền kinh tế thị trường: nó nghiên cứu hành vi con người nói chung. Các bài báo được công bố có thể nhằm vào vấn đề tội phạm, gia đình hay các thể chế, kể cả trong những xã hội đang phát triển, sự hành hình các phù thuỷ trong các xã hội ở Đông Nam châu Phi hay việc mở rộng sự phát canh thu tô ở vùng Toscane trong thế kỉ XV. Điều đặc trưng cho kinh tế học, ít nhất là theo cách tôi thực hành, là phương pháp của nó, vốn dựa trên một tiên đề kép: 

- phương pháp luận cá thể: hành vi của các nhóm (và đặc biệt là các quan hệ xã hội) phải được hiểu là lết quả cuối cùng của những quyết định cá nhân. Đó là truyền thống của phong trào Ánh Sáng (the Scottish Enlightenment), đối lập với truyền thống hegelian, Rousseau hay Max Weber chống lại Marx hay Durkheim. 

- tính duy lí cá thể, hiểu theo một nghĩa vô cùng chính xác (Zweckzrationalität của Max Weber): sự tương hợp của các phương tiện với các cứu cánh đang theo đuổi; tính duy lí này được tách thành hai thành tố:

o các cá nhân tối ưu hoá các lựa chọn của mình: đối mặt với việc ra quyết định, họ xác lập một danh sách đầy đủ những khả thể, sắp xếp chúng theo thứ tự sở thích và chọn quyết định tốt nhất; 

o các cá nhân hành động một cách chiến lược: trong những lựa chọn của mình, họ dự kiến những lựa chọn của người khác. 

Điều này đòi hỏi vài bình luận. Nói rằng sắp xếp là tuyến tính có nghĩa là không thể thích A thay vì B, B thay vì C và C thay vì A (sắp xếp vòng tròn); điều này có thể xảy ra cho những tập thể (nghịch lí nổi tiếng của Condorcet) nhưng không xảy ra cho các cá thể. Cần phải nói rõ rằng cá nhân không tự bằng lòng với một giải pháp chấp nhận được (duy lí hạn chế) mà thật sự muốn có giải pháp tốt nhất (duy lí hoàn toàn). Nói rằng các cá nhân dự kiến những lựa chọn của người khác có nghĩa là họ làm như các tay chơi cờ vua: để tìm ra nước cờ tốt nhất trong một vị thế khống chế, phải tự hỏi đáp trả của đấu thủ sẽ như thế nào, trong trường hợp này thì nên tiếp tục ra sao, đến lượt đấu thủ sẽ phản ứng như thế nào như trong một trò chơi mà mỗi đấu thủ cần biết đấu thủ của mình sẽ làm gì để có thể quyết định. Nói cách khác, tính duy lí cá thể là chìa khoá cho phép hiểu người khác. Chính vì người khác là duy lí nên tôi có thể đặt mình vào vị trí của họ và do đó đồng ý với họ, một cách rõ ràng hay ngầm ẩn, để cùng chung sống trong xã hội.

Các tiên đề này bị nhiều người phê phán, trong số đó đặc biệt có Bourdieu, hơn nữa ông ta hoàn toàn hiểu chúng. Để làm cho cán cân nghiêng thêm về bên này, trước khi tiến hành việc kiểm tra thực nghiệm, tôi muốn nhắc lại là các nhà phê phán này có một truyền thống lâu đời, mà những nhà đại diện lừng danh nhất là Thuycidide, người Athènes, và Guicciadini ở Florence. Lịch sử cuộc chiến tranh Peloponèse và Storia d’Italia là những tượng đài hiến tặng sự bàn luận tự nguyện và việc ra quyết định duy lí, một kho tàng cho hậu thế, theo lời của chính Thuycidide, và tôi chỉ có thể khuyến khích các bạn tìm đọc hai tác phẩm này. 

Bây giờ hãy tạm thời chấp nhận các tiên đề trên và khai triển những hệ quả logic của chúng. Đó là một công việc chủ yếu được tiến hành trong thế kỉ XX và dẫn đến sự hình thành của hai đối tượng toán học – một mặt là hàm lợi ích và mặt khác là cân bằng Nash – tập hợp dưới một dạng cô đọng nội dung trí tuệ của hai tiên đề này. Ở đây tôi không có thì giờ để mô tả sự ra đời của hai ý niệm này, cũng như sự phát triển đồng thời của lí thuyết tối ưu hoá và lí thuyết trò chơi; và cũng không thể kể tên của tất cả những ai đã tham gia, các nhà toán học như John von Neumanm và các nhà kinh tế như Paul Samuelson. Còn thế nào là một hàm lợi ích và cân bằng Nash, cách tốt nhất là giải thích chúng bằng những ví dụ cụ thể, bắt đầu bằng hàm lợi ích.

Lí thuyết người tiêu dùng 

Một người tiêu dùng phải chọn một rổ sản phẩm x = (x1, ..., xN) ∈ RN với xn ≥ 0 là số lượng của sản phẩm n. Biết rằng hệ thống giá cả là p = (p1, ..., pN) ∈ RN, nghĩa là giá đơn vị của sản phẩm n là pn, và rằng ngân sách của người tiêu dùng là w, thì người tiêu dùng sẽ chọn rổ sản phẩm nào? 

Áp dụng tiên đề thứ nhất, sở thích của người tiêu dùng được tóm tắt bằng một hàm U: R N+ → R, hàm li ích của người tiêu dùng, một hàm lõm ngặt đối với mỗi biến và hơn nữa được giả định là liên tục khả vi. Trong số tất cả các rổ có thể mua được, người tiêu dùng sẽ chọn rổ nào tối đa hoá lợi ích của bản thân. Nói cách khác, để quyết định, người tiêu dùng giải bài toán tối ưu hoá: 

 max U(x) 

px ≤ w 

và ấn định lựa chọn của mình là lời giải x. Ta ghi nhận là lời giải này phụ thuộc vào các giá cả p, và do đó chúng ta kí hiệu nó bằng x(p).

Không thể đánh giá quá cao tầm quan trọng của mô hình này: đó là chủ đề được ưa thích của kinh tế học hiện đại. Kinh tế học này chỉ xử lí những tình thế mà những hệ quả của những lựa chọn của chúng ta là tức thì và hoàn toàn hiểu được. Để xử lí những trường hợp mà các hệ quả của những lựa chọn của chúng ta là không chắc chắn hay sẽ xảy ra trong tương lai thì phải bổ sung mô hình này. Nói như thế rồi thì ngay cả trong phiên bản đơn giản mô hình vẫn có một ảnh hưởng to lớn lên các chính sách công, đó là chưa nói đến hình ảnh mà chúng ta có về chính mình. 

Nhưng mô hình có đáng tin chăng? Hãy hiểu rõ điều mô hình nói. Mô hình không khẳng định rằng các giáo sư toán có một hàm lợi ích lõm. Nó cho rằng những nông dân thất học, sống ở xa nơi đây, không biết thế nào là một hàm, càng không biết một hàm lõm, có những sở thích có thể được biểu trưng bằng một hàm lợi ích lõm và hằng ngày giải bài toán tối ưu hoá mà tôi vừa mô tả. Không gì đáng ngạc nhiên khi nhiều trí tuệ từ chối tin vào mô hình. Và tôi tin chắc rằng với một tí suy nghĩ đa số cử toạ

hôm nay sẽ bác bỏ giả thiết này được Bourdieu gọi là ảo tưởng kinh viện, cùng với các bậc thiên thần trong Kitô giáo của Pseudo-Denys l’Aréopagite (nhà thần học và triết học – ND). Nhưng ở đây không phải là vấn đề niềm tin, trừ phi đặt mình ở cấp độ thần học: vấn đề không phải là bạn tin hay không vào lí thuyết người tiêu dùng, vấn đề là lí thuyết này đúng hay không, hay ít ra là có thể kiểm tra nó không. 

Đây là lúc mở một dấu ngoặc. Tôi sẽ không chỉ cho những người quen thuộc với xe mi-na Duhem là trong khoa học, vấn đề kiểm tra (hay đúng hơn là kiểm sai) được đặt ra như thế nào. Một lí thuyết là khoa học trong chừng mực chính xác là nó có những hệ quả kiểm định được, nghĩa là lí thuyết có rủi ro bị thử nghiệm bác bỏ. Bạn có thể nghĩ rằng thế giới, với mọi thứ cần thiết, vừa được thượng đế Iznogoud sáng lập năm phút trước đây và đã cẩn thận đặt những hoá thạch trong đá vôi và những kỉ niệm trong đầu chúng ta: điều này không có bất kì hệ quả nào kiểm tra được, và do đó chỉ đơn giản là một niềm tin không có cơ sở khoa học. Ngược lại, nếu bạn nghĩ rằng cuộc sống ra đời trên trái đất cách đây vài tỉ năm và các loài hiện nay là kết quả của sự tiến hoá thì có rủi ro là bạn nhận phải sự phủ nhận của một trong những nhà địa chất hay cổ sinh vật học hằng ngày thăm dò trên thực địa: chỉ cần người ta khám phá một con voi hoá thạch trong đá phiến ở Burgess (Anh) đủ để làm bạn phải thay đổi ý kiến: do đó đây quả thật là một lí thuyết khoa học. Đặc thù của một lí thuyết khoa học, để sử dụng thuật ngữ của Popper, là ta có thể kiểm sai nó, nghĩa là quan niệm và thiết kế những thí nghiệm mà kết quả xác nhận hay bác bỏ lí thuyết ấy. Nếu kết quả của thí nghiệm không phù hợp với những tiên đoán của lí thuyết thì phải bác bỏ lí thuyết. Ngược lại, nếu kết quả là phù hợp thì ta có thể giữ lại lí thuyết, nhưng vẫn phải tiếp tục kiểm định nó bằng những thí nghiệm khác. 

Liệu lí thuyết người tiêu dùng có những hệ quả kiểm định được không? Thoạt nhìn, dường như là không. Các hàm lợi ích giống như những con kỳ lân: chưa ai thấy chúng bao giờ. Không thể quan sát được chúng và do đó dường như khó mà xây dựng một experimentum crucis (thí nghiệm mấu chốt), theo kiểu Michelson và Morley, mà kết quả sẽ cho biết là người tiêu dùng tối ưu hoá hay không. Tuy nhiên đó là điều có thể

và ý tưởng về ý tưởng này đã có từ những ngày đầu của lí thuyết kinh tế. Năm 1886, Antonelli, một người kĩ sư trẻ sẽ có một sự nghiệp sáng chói trong ngành hàng không mới ra đời, tự bỏ tiền xuất bản một chuyên luận [Antonelli, 1971] chứng minh là nếu một cá nhân thực sự xác định lựa chọn x(p) của mình theo thời giá p của các thực phẩm bằng cách giải bài toán tối ưu hoá trên đây thì hàm x(p) phải nghiệm đúng một hệ phương trình có các đạo hàm riêng: 

 

 δxi δxi δxj δxj 

−−− −n

pn −−− xj = −−− −n

pn −−− xi ∀ i, j 

 δpj δpn δpi δpn 

 

Xin nhắc lại rằng xn là cầu sản phẩm n và pn là giá của sản phẩm n. Tiếc là công trình của Antonelli bị rơi vào quên lãng và cùng những phương trình trên được Eugenio Slutsky [Slutsky, 1915] khám phá lại và công bố năm 1917. Từ đó chúng được gọi là các phương trình Slutsky, và chỉ năm mươi năm sau, nhờ một phát hiện ngẫu nhiên, tính tiên phong của Antonelli mới được xác lập. 

Có vẻ như là mọi việc ngày càng tồi tệ. Lúc khởi đầu chúng tôi khẳng định rằng mọi cá nhân đều được khoác cho một hàm lợi ích lõm, cho dù bản thân mỗi người không có khả năng hiểu điều ấy có nghĩa là gì. Bây giờ chúng tôi lại nói rằng các cá nhân nghe và đọc bài trình bày này, tổ chức việc tiêu dùng hằng ngày của mình nhằm giải một hệ phương trình vi phân riêng, điều mà tôi cam đoan với các bạn là ngay cả chính các nhà toán học cũng thấy là khó. Dường như ta ngày càng rời xa hơn nữa trải nghiệm thường nhật để chìm sâu vào tưởng tượng toán học. Nhưng chính điều ngược lại mới là thực tế: ta đã đi vào trường của thử nghiệm. Thật vậy, các tiêu dùng xN(p) là quan sát được, trong lúc hàm tiêu dùng U(x) thì không. Điều hoàn toàn quan niệm được là làm biến thiên các giá (p1, ..., pN) của những sản phẩm sẵn có khác nhau và quan sát những gì người tiêu dùng mua với cùng một ngân sách w. Như vậy, những phương trình Slutsky là những gì chúng ta tìm kiếm, tức là một hệ quả kiểm định được của lí thuyết. Vấn đề bây giờ là tiến hành thí nghiệm để kiểm tra xem các hàm cầu mà ta quan sát trong thực tiễn có xác thực các phương trình hay không. 

Lịch sử việc xác minh các phương trình Slutsky là một chương vô cùng lí thú của kinh trắc học trong thế kỉ XX. Vấn đề không phải là đặt thiên hạ trong những tình thế giả định, nghĩa là đặt những câu hỏi kiểu như: “Bạn sẽ làm gì nếu giá thực phẩm tăng 5% và chi phí nhà ở giảm 10%?”. Phải tìm ra những tình huống thực tế, khi giá cả đã thực sự thay đổi và quan sát cách phản ứng của mỗi người tiêu dùng, biết rằng phản ứng là riêng của mỗi người, do phụ thuộc vào ngân sách và hàm tiêu dùng của cá nhân ấy, và với giả định rằng lí thuyết là đúng và tồn tại hàm này. Cho đến cuối thế kỉ, thí nghiệm đã được tiến hành nhiều lần, và kết quả bao giờ cũng là tiêu cực, phân tích kinh trắc các dữ liệu đã không xác thực các phương trình Slutsky: ví dụ, xem các bài của Browning và Meghir [Browning & Meghir, 1991] hay của Blundell, Pashardes, Weber [Blundell, Pashardes & Weber, 1993]. Điều này đã tạo ra một tình thế đáng chú ý, nhưng được biết rõ trong vật lí học, giữa các nhà lí thuyết (kinh tế) và các nhà thử nghiệm (kinh trắc), nhóm này trách cứ nhóm kia làm không tốt công việc của mình. Tất cả đều thay đổi năm 1998, với việc công bố một bài tạo lập của Browning và Chiappori [Browning & Chiappori, 1998]. 

Một cách cơ bản, phương pháp tiến hành của Browning và Chiappori, đối lập với những tác giả đi trước họ, là xem lí thuyết một cách nghiêm túc. Lí thuyết này, như các bạn đã nhận thấy, liên quan đến các cá nhân. Thế mà các dữ liệu được thu thập bao giờ cũng là tiêu dùng của các hộ gia đình, vốn là những dữ liệu tổng gộp. Nếu ta có thể quan sát Ông và Bà X đi chợ ở siêu thị, và cơ cấu của chiếc xe đẩy là thế này và thế khác thì ta không thể nói chính xác ai sẽ uống hai chai sữa đã lọc nửa chất kem: Ông hay Bà hay đứa con út? Tương tự như thế, nếu ta biết thu nhập của Ông và Bà thì khoản tiền thuê nhà được trả từ thu nhập nào? Điều đó có nghĩa rằng lí thuyết người tiêu dùng, theo nghĩa hẹp, không áp dụng cho các hộ gia đình, và do đó không nên chờ đợi là các phương trình Slutsky nghiệm đúng. Ý tưởng lớn của Browning và Chiappori là xử lí tách biệt các dữ liệu liên quan đến người độc thân.

Browning và Chiappori làm việc trên dữ liệu của Canadian Family Expenditure Survey (FAMEX) các năm 1974, 1978, 1982, 1984, 1986, 1990, 1992 (đây là một cuộc điều tra rất nặng nên vì lẽ đó không được tiến hành mỗi năm). Họ tập hợp tiêu dùng thành tám sản phẩm tổng gộp: thực phẩm ăn ở nhà, thực phẩm ăn bên ngoài, dịch vụ, áo quần nam, áo quần nữ, di chuyển, giải trí và thói tật (rượu và thuốc lá). Canada có mười tỉnh và giá cả khác nhau từ tỉnh này sang tỉnh khác; tóm lại có tất cả 7 x 10 = 70 hệ thống giá cả khác nhau cho tám sản phẩm này. Các cuộc điều tra FAMEX cho biết những kiểu hộ gia đình khác nhau phân bổ ngân sách của họ như thế nào trong mỗi tình huống. Bằng một phân tích kinh trắc mà tôi không trình bày, Browning và Chiappori trích xuất được thông tin này và kiểm định các phương trình Slutsky: kết quả họ tìm được là các phương trình này được xác thực cho những người độc thân, nhưng không được xác minh cho những gia đình đông người hơn! Như vậy các tác giả xử lí tách biệt các cặp đôi, và sau một phân tích lí thuyết dựa trên tiên đề là các cặp đôi không phung phí1, họ chứng minh rằng phải thay thế các phương trình Slutsky bằng một điều kiện yếu hơn, tức là ma trận: 

 δxi δxi δxj δxj 

 −−− −n

pn −−− xj − −−− +n

pn −−− xi 

 δpj δpn δpj δpn 

 i, j 

thay vì bị triệt tiêu phải phải có hạng bằng 1. Và đây cũng vậy, các dữ liệu xác thực dự báo của lí thuyết. Nói cách khác, trong chừng mực mà ta có thể đánh giá theo các phương pháp kinh trắc thông dụng, những người tiêu dùng cá thể giải các phương trình Slutsky mà không biết mình làm thế, giống như ông Jourdain2 làm văn xuôi, điều mà các cặp đôi không thể nào làm được, đành phải tự bằng lòng với những phương trình ít hạn chế hơn, nhưng dẫu sao cũng đồ sộ ! Hãy nói cho tôi biết bạn giải phương trình nào và tôi sẽ cho bạn biết bạn có bao nhiêu người. 

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Về mặt kĩ thuật là cho rằng sự phân bổ các sản phẩm trong nội bộ cặp là tối ưu theo nghĩa Pareto.

(2) Nhân vật trong vở hài kịch Trưởng giả học làm sang của Molière (ND)

Nguồn: “Mathématiques et économie, fécondité et limites d’une formalisation” trong Théorie économique et rationalité của Ivar Ekeland & Jon Elster, Paris, Vuibert, 2011, trang 5-38.

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước