![[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_11.1_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 1)
Cùng với sự sụp đổ của khối Xô Viết, sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989, sự cáo chung của Liên Xô năm 1991 – các nước cộng sản cũ đã và đang đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Một mặt, các nước Trung và Đông Âu (cùng với các nước Baltic thuộc Liên Xô cũ) nhanh chóng tiến hóa thành – và trong nhiều lĩnh vực – các chế độ dân chủ tự do, mặc dù còn một số khiếm khuyết nghiêm trọng. Nhưng mười hai nước khác thuộc Liên Xô cũ – nổi bật nhất là nước Nga – phần lớn đã thoái hóa, đánh mất khả năng trở thành các nước dân chủ hoặc đã thiết lập được các chế độ độc tài mà không còn cộng sản.
Ở Trung và Đông Âu, một số nước đã được những sáng kiến đầy sức mạnh là trở thành thành viên của NATO và Liên Minh Châu Âu (EU) thúc đẩy đã quay lại với lịch sử của chế độ quản trị dân chủ hoặc bán dân chủ vốn bị lu mờ trong một thời gian dài. Ngay từ năm 1982, Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc và Slovenia đã xuất hiện như là những nước dân chủ tự do, trong khi thời gian đầu, Bulgaria, Romania, Albania, Croatia và Macedonia còn ngập ngừng và là những nước phi tự do. Ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania, từng bị sáp nhập vào Liên Xô sau hiệp ước giữa Stalin và Hitler, kí năm 1940, cũng bước vào con đường dân chủ ngay từ năm 1992. Năm 1992 – đúng một năm sau khi tan vỡ – chỉ còn Nam Tư là nước phi dân chủ mà thôi.
Đến năm 1995, tám nước cựu cộng sản ở châu Âu đã trở thành những nước dân chủ tự do theo nghĩa là họ bảo vệ được các quyền tự do dân sự và chính trị, và cùng với thời gian, tất cả những nước này đều trở thành ngày càng tự do hơn, cởi mở hơn và mang tính cạnh tranh hơn về mặt chính trị. (Cùng với sự chia tách hoàn toàn Nam Tư và chia tách Tiệp Khắc thành hai nước là Cộng hòa Czech và Slovakia, khu vực này đã có tới 16 nước). Năm 2006, chỉ còn Bosnia-Herzegovina (nằm dưới quyền ủy trị quốc tế) là không phải nước dân chủ và chỉ còn Albania và mấy nước thuộc Nam Tư cũ là Serbia, Macedonia và Montenegro là chưa hoàn toàn dân chủ tự do mà thôi.
Các nước còn lại của Liên Xô cũ gặp số phận khác hẳn. Dưới thời tổng thống Boris Yeltsin, nước Nga đã dò dẫm con đường dân chủ, tuy còn thô sơ, nhưng là chế độ dân chủ đa nguyên, nhưng dưới thời người kế vị ông ta, Vladimir Putin, tự do dân chủ và cạnh tranh đã thụt lùi một cách nhanh chóng, như chúng ta đã thấy trong Chương 3. Georgia, Ukraine, Kyrgyzstan và Belarus ngày càng trở thành độc tài hơn, mặc dù, ở những thời điểm khác nhau, các nhà quan sát chưa thống nhất được cách phân loại những nước này, đến cuối những năm 1990, chưa có nước nào trong số đó trở thành các nước dân chủ. Trong 12 nước (không phải các nước vùng Baltic) thuộc Liên Xô cũ, trong những năm 1990, chỉ có Nga và Moldova là tạm khoác lên mình nhãn hiệu dân chủ, nhưng Nga đã nhanh chóng đầu hàng và chuyển thành chế độ độc tài.
Các cuộc cách mạng màu, Georgia năm 2003 và Ukraine năm 2004, đã chuyển các chế độ dân chủ giả hiệu thành các nước dân chủ non trẻ. Năm 2005, tinh thần dân chủ cũng đã hạ bệ tổng thống Kyrgyzstan, Askar Akayev. Ban đầu ông này được chào đón như là nhà dân chủ trong số nhiều nước độc tài, nhưng ngày càng trở thành độc tài hơn. Nhưng Kyrgyzstan, khác với Ukraine và Georgia, đã không trở thành nhà nước dân chủ và chế độ độc tài đã được thiết lập trên hầu hết các nước trong khu vực này.
Như vậy là, sự chia rẽ thời hậu cộng sản chạy ngang qua đường biên giới Liên Xô – châu Âu được thiết lập năm 1939. Mười lăm trong mười sáu nước ở phía tây đường biên giới lịch sử này là các nước dân chủ, và hầu hết là những nước tự do và ổn định. Ngay cả Bosnia, một trường hợp ngoại lệ, cũng cho thấy nhiều yếu tố của dân chủ. Nhưng chín trong mười hai nước hậu Xô Viết ở phía đông đường ranh giới là những nước độc tài, và ba nước dân chủ – Georgia, Ukraine, Mondova – là những nước phi tự do, thậm chí có phải là dân chủ hay không và là những nước không ổn định.
Gán việc chia tách này với cách mà Liên minh châu Âu xác lập đường ranh giới địa lí theo tầm nhìn về việc mở rộng liên minh là việc làm đầy hấp dẫn. Trong mười nước dân chủ tự do hậu cộng sản, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Ba Lan, Slovenia, Estonia, Latvia, Lithuania đã được kết nạp vào EU vào năm 2004, Bulgaria và Romania kết nạp năm 2007. Đến năm 2007, Croatia, nước dân chủ tự do chưa phải là thành viên của EU, và là ứng cử viên có nhiều khả năng được kết nạp nhất (cùng với Macedonia), và các nước vùng Balkan hậu cộng sản khác hiện được công nhận là “các nước ứng viên tiềm năng.” Các nước hậu-Xô Viết không được hưởng tương lai hiện thực như thế.
Nhưng có lẽ đau đớn hơn là, sự chia rẽ phản ánh di sản lịch sử và văn hóa sâu nặng làm cho các nước hậu-Xô Viết có ít hi vọng đáp hứng được những điều kiện về dân chủ, quản trị tốt và nguyên tắc pháp quyền để có thể trở thành thành viên của EU. Chưa ở đâu mà sự chia rẽ về thái độ và giá trị lại nổi bật như là ở các nước hậu cộng sản. Cuộc khảo sát New Europe Barometer, được tiến hành năm 2004 và đầu năm 2005, phát hiện ra rằng phần lớn dân chúng trong mười nước thành viên mới của EU kiên quyết bác bỏ chế độ độc tài. Khi đưa ra cho họ bốn phương án lựa chọn thay thế – quân sự, cộng sản, độc tài và tạm ngưng hoạt động của nghị viện và các cuộc bầu cử nhằm ủng hộ “nhà lãnh đạo mạnh tay, có thể giải quyết mọi vấn đề một các nhanh chóng – cứ mười người thì có sáu người bác bỏ tất cả bốn phương án này. Tỉ lệ người bác bỏ tất cả các phương án độc tài giao động từ 72% ở Hungary xuống khoảng 60% ở Estonia, Slovenia và Czech, và hơn 40% một chút ở Bulgaria và Ba Lan. Từ giữa những năm 1990, tỉ lệ người ở các nước Trung và Đông Âu bác bỏ chế độ độc tài lúc nào cũng cao hoặc gia tăng liên tục. Trong những năm gần đây, thái độ này ở Cộng hòa Czech, Ba Lan và Bulgaria đã hơi giảm vì tham nhũng và đấu đá trong giới chính trị, nhưng số người ủng hộ vẫn khá cao.
Ngược lại, những người được khảo sát trong các nước Xô Viết cũ như Nga, Belarus và Ukraine, có thái độ ủng hộ chế độ độc tài cao hơn hẳn; chỉ có 25% người Nga và người Belarus bác bỏ tất cả các phương án độc tài. Gần 50% người Nga nói rằng họ có thể ủng hộ việc tạm ngưng hoạt động nghị viện và các cuộc bầu cử và hơn 40% chấp nhận cho chủ nghĩa cộng sản quay trở lại – trong khi hai phần ba người Belarus chấp nhận phương án độc tài. Ba nước hậu-Xô Viết này có mức độ ủng hộ chế độ cộng sản cũ cao hơn hẳn. Trong khi người Nga luôn luôn ủng hộ chế độ độc tài, thì hồi cuối những năm 1990, người Belarus đã chuyển sang chống các phương án độc tài trong một thời gian ngắn, trước khi quay lại với thái độ hiện nay. Chỉ có ở Ukraine – với cuộc Cách mạng Cam – là có tỉ lệ người bác bỏ chế độ độc tài thấp như thế, nhưng cuối cùng, tỉ lệ này đã gia tăng đáng kể (lên tới 44%), trong cuộc khảo sát tháng 2 năm 2005.
Hơn nữa, trong mười nước dân chủ mới ở Đông Âu, trung bình có 53% người dân đồng ý rằng dân chủ “luôn luôn đáng mong ước hơn” (tương tự như ở Mỹ Latin năm 2005). Trong khi các cuộc khảo sát ở Belarus và Ukraine cho thấy tỉ lệ người ủng hộ dân chủ cũng cao như thế, thì chỉ có 25% số người được khảo sát ở Nga bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ chế độ dân chủ, trong khi 43% tin rằng đôi khi “chính phủ độc tài lại đáng mong muốn hơn”. Mặc dù chỉ có 37% người Ba Lan nói rằng dân chủ bao giờ cũng đáng mong ước hơn, nhưng đấy không phải là nhiều người thích độc tài. Chỉ có 20% người Ba Lan – con số trung bình của người dân trong tất cả các nước hậu cộng sản là thành viên EU – ủng hộ độc tài mà thôi. Có nhiều khả năng là dường như người Ba Lan có thái độ thờ ơ và bất cần, 43% số người được hỏi chọn phương án trả lời thứ ba: “Đối với những người như tôi, chế độ dân chủ hay không dân chủ thì cũng thế.”
Những cuộc khảo sát này dường như chứng tỏ rằng tinh thần dân chủ trong các nước cộng sản cũ là khá yếu. Nhưng năm 1995, Richard Rose, một nhà nghiên cứu chính trị học, người đã phát triển phương pháp khảo sát New Europe Barometer và các cộng sự của ông đã đưa ra ba phương án lựa chọn – chính quyền quân sự, cộng sản và “nhà lãnh đạo mạnh, có thể giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng” – 67% người dân trong bảy nước dân chủ mới ở Đông Âu đã bác bỏ cả ba phương án.Mười năm sau, tỉ lệ người dân trong bảy nước này và người dân trong ba nước cộng hòa vùng Baltic bác bỏ cả ba phương án vẫn giữ nguyên như thế. Người Đông Âu rõ ràng là gắn bó với dân chủ, trong khi ở các nước thuộc Liên Xô cũ người ta có thái độ hoài nghi hay thù địch với chế độ này.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)