Những hậu quả kinh tế, xã hội, chính trị của chủ nghĩa can thiệp (Phần 3/4)

Những hậu quả kinh tế, xã hội, chính trị của chủ nghĩa can thiệp (Phần 3/4)

3. Tự do và hệ thống kinh tế

Lập luận đầu tiên được đưa ra để chống lại các đề xuất thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội là trong hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ không có tự do cho mỗi cá nhân. Người ta nói, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là chế độ nô lệ cho tất cả. Không thể phủ nhận tính đúng đắn của lập luận này. Nếu chính phủ kiểm soát tất cả các phương tiện sản xuất, nếu chính phủ là người sử dụng lao động duy nhất và có quyền duy nhất để quyết định mỗi cá nhân được nhận loại hình đào tạo nào, ở đâu và anh ta làm việc như thế nào, thì cá nhân không được tự do. Anh ta có nghĩa vụ phải tuân theo và không có quyền gì cả.

Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ đưa ra một phản biện thuyết phục để bác lại lập luận này. Họ chỉ lặp đi lặp lại rằng ở các nước dân chủ có nền kinh tế thị trường, tự do chỉ dành cho người giàu, không phải cho người nghèo, và nếu vì loại tự do như vậy thì không đáng từ bỏ những niềm tin tốt đẹp về chủ nghĩa xã hội.

Để phân tích những nghi vấn này, trước tiên chúng ta phải hiểu tự do thực sự có nghĩa là gì. Tự do là một khái niệm xã hội học. Trong tự nhiên và khi bàn về tự nhiên, chúng ta không thể áp dụng thuật ngữ này cho bất kỳ điều gì. Tự do là cơ hội mà hệ thống xã hội dành cho các cá nhân để hình thành cuộc sống theo mong muốn của mình. Việc mọi người phải làm việc để tồn tại là một quy luật tự nhiên, không có một hệ thống xã hội nào có thể làm thay đổi thực tế này. Việc người giàu có thể sống mà không cần làm việc không ảnh hưởng đến quyền tự do của những người không may mắn ấy. Của cải trong nền kinh tế thị trường là biểu hiện cho phần thưởng của xã hội nói chung cho những dịch vụ vì những người tiêu dùng trong quá khứ, và chỉ có thể giữ gìn của cải bằng cách tiếp tục làm việc vì lợi ích của người tiêu dùng. Việc nền kinh tế thị trường tặng thưởng cho những hoạt động thành công phục vụ người tiêu dùng không gây hại cho người tiêu dùng, nó mang lại lợi ích cho họ. Việc đó không tước đoạt bất cứ thứ gì từ người công nhân, nhưng lại đem lại cho anh ta nhiều hơn bởi làm tăng năng suất lao động. Sự tự do của người lao động, những người không sở hữu tài sản, nằm ở quyền được lựa chọn nơi làm việc và loại hình công việc. Anh ta không phải chịu sự độc đoán của lãnh chúa. Anh ta bán dịch vụ của mình trên thị trường. Nếu một nghiệp chủ từ chối trả phần tiền công tương ứng với các điều kiện thị trường, anh ta sẽ tìm một người sử dụng lao động khác sẵn lòng trả người lao động mức lương thị trường chứ không phải vì động cơ cá nhân. Người lao động không cần khúm núm và vâng lời người sử dụng lao động; anh ta cung cấp cho người sử dụng lao động dịch vụ; anh ta nhận được tiền lương của mình, và đó không phải là một đặc ân, mà là một phần thưởng anh ta kiếm được.

Trong xã hội tư bản, người nghèo cũng có cơ hội để tự nâng mình lên bằng những nỗ lực riêng của mình. Đây không phải là trường hợp chỉ có trong kinh doanh. Trong số những người hiện nay chiếm vị trí hàng đầu trong các ngành nghề chuyên môn, trong nghệ thuật, khoa học và chính trị, phần lớn là những người bắt đầu sự nghiệp của mình từ cảnh nghèo đói. Trong số những người tiên phong mở đường và các nhà lãnh đạo, có những người do cha mẹ nghèo đói sinh ra. Những người này muốn đạt được thành tựu vĩ đại, không quan trọng đó là trong hệ thống xã hội nào, đều phải vượt qua sự tồn tại dai dẳng của sự thờ ơ, thành kiến​​, và sự thiếu hiểu biết. Rất khó có thể phủ nhận việc chủ nghĩa tư bản đã đem lại những cơ hội này.

Một số ví dụ cho thấy nhiều người vĩ đại đã bị những người đương thời đối xử tệ bạc. Một số bậc thầy vĩ đại của trường phái hội họa hiện đại của Pháp đã trải qua rất nhiều khó khăn hoặc không thể bán bất cứ bức tranh nào của mình. Có ai tin rằng một chính phủ xã hội chủ nghĩa sẽ thể hiện sự am hiểu nhiều hơn về nghệ thuật, những tác phẩm mà theo quan niệm truyền thống chỉ giống như những nét vẽ nguệch ngoạc? Nhà soạn nhạc vĩ đại Hugo Wolf1 đã từng viết thật là một sự xấu hổ khi nhà nước đã không chu cấp cho các nghệ sĩ của mình. Nhưng những gì mà Hugo Wolf phải chịu đựng đó là sự thiếu hiểu biết của một bộ phận các nghệ sĩ, các nhà phê bình, và những người yêu mến nghệ thuật đã có tên tuổi; một chính phủ xã hội chủ nghĩa sẽ phải phụ thuộc vào đánh giá của các chuyên gia được nhà nước chỉ định, và chắc chắn những con người khó chịu, không quảng giao, và tinh thần không cân bằng sẽ ít được công nhận. Khi Sigmund Freud2 đưa ra lý thuyết của mình, những cơ quan có thẩm quyền, các bác sĩ, và các nhà tâm lý học đương chức, tức những chuyên gia có những đánh giá có tính quyết định đối với chính phủ, cười nhạo và gọi ông là kẻ điên khùng.

Nhưng trong xã hội tư bản, chí ít người tài giỏi vẫn có cơ hội để tiếp tục công việc của mình.

Các họa sĩ lớn người Pháp được tự do thể hiện khả năng hội họa; Hugo Wolf đã chuyển thể các bài thơ của Moerike3 thành các bài hát; Freud tự do tiếp tục nghiên cứu của mình. Họ sẽ không thể tạo ra bất cứ sản phẩm gì nếu chính phủ, theo ý kiến nhất trí ​​của nhiều chuyên gia, giao cho họ những công việc tước mất cơ hội hoàn thành sứ mệnh của họ.

Thật không may, vì những lý do chính trị, các trường đại học không phải là không thường xuyên thất bại trong việc bổ nhiệm những người xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học xã hội vào vị trí giáo sư, hoặc bãi nhiệm họ sau một thời gian bổ nhiệm. Nhưng có gì đảm bảo rằng các trường đại học nhà nước của một quốc gia xã hội chủ nghĩa sẽ sử dụng những người giảng dạy những học thuyết không làm vừa ý chính phủ? Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, việc xuất bản cũng là một chức năng của nhà nước. Liệu nhà nước có cho phép in và xuất bản những quyển sách và tờ báo mà nó không đồng tình? Liệu nhà nước có cho phép diễn những bộ kịch mà họ nghĩ rằng không phù hợp?

So sánh vị trí của các ngành khoa học, nghệ thuật, văn học, báo chí, và phát thanh tại Nga và Đức với vị trí của chúng tại Mỹ; từ đó chúng ta sẽ hiểu tự do và thiếu tự do có ý nghĩa như thế nào. Cũng có rất nhiều điều không tốt đẹp ở Mỹ, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng người Mỹ tự do hơn so với người Nga hay người Đức.

Chỉ một nhóm thiểu số nhỏ tích cực sử dụng quyền tự do sáng tạo khoa học và nghệ thuật, nhưng tất cả đều hưởng lợi từ nó. Sự tiến bộ luôn luôn thay thế cái cũ bằng cái mới; sự tiến bộ luôn có nghĩa là thay đổi. Không một nền kinh tế kế hoạch hóa nào có thể lập kế hoạch cho sự tiến bộ; không một tổ chức nào có thể tổ chức được nó. Đó là thứ duy nhất không chấp nhận bất kỳ giới hạn hoặc quy định khuôn mẫu nào. Nhà nước và xã hội không thể thúc đẩy sự tiến bộ. Chủ nghĩa tư bản cũng không thể làm bất cứ điều gì cho sự tiến bộ. Nhưng chủ nghĩa tư bản không đặt bất cứ rào cản nào trên con đường tiến bộ, thì đó cũng đủ là một thành tựu. Xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ trở nên hoàn toàn cứng nhắc bởi vì nó sẽ làm cho sự tiến bộ không thể xảy ra.

Chủ nghĩa can thiệp không lấy mất tất cả tự do của công dân. Nhưng mỗi một biện pháp can thiệp lấy mất một phần tự do và thu hẹp phạm vi hoạt động.

Ví dụ, xem xét việc quản lý ngoại hối. Một quốc gia càng nhỏ, các giao dịch với nước ngoài càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thương mại của nước đó. Nếu việc mua sách báo nước ngoài, du lịch và học tập ở nước ngoài, phụ thuộc vào việc cấp ngoại hối của Chính phủ, toàn bộ đời sống tri thức của đất nước bị đặt dưới sự giám hộ của chính phủ. Trong lĩnh vực này, việc quản lý ngoại hối không khác gì với hệ thống chuyên chế của Hoàng tử Metternich4. Sự khác biệt duy nhất là Metternich đã công khai sự man trá về những tác động của quản lý ngoại hối.

Chú thích:

(1) [Hugo Wolf (1860-1903), nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc người Áo, dành bảy năm cuối đời mình trong viện tâm thần – Chủ biên].

(2) [Sigmund Freud (1856-1939), Người sáng lập phân tâm học người Áo – Chủ biên].

(3) [Eduard Moerike (1804-1875), Bộ trưởng và nhà thơ theo Đạo Tin lành người Đức – Chủ biên].

(4) [Hoàng tử Klemens W. N. L von Metternich (1773-1859), người phát ngôn người Áo, dựa vào quyền kiểm duyệt, hoạt động gián điệp và khả năng trấn áp để kiểm soát phần lớn châu Âu – ND].

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism:

An Economic Analysis, Edited by

Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh