![[Nền dân trị Mỹ] - Kết Luận](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k24011.54_(1).jpg)
[Nền dân trị Mỹ] - Kết Luận
KẾT LUẬN
Tôi đến hồi kết rồi đây. Cho tới nay, khi nói đến vận mệnh tương lai Hoa Kì, tôi cố gắng tìm cách chia đề tài này thành nhiều phần khác nhau để nghiên cứu kĩ lưỡng từng bộ phận đó.
Giờ đây tôi muốn gộp chung tất cả lại theo một tổng quan duy nhất. Những gì sắp nói sẽ bớt chi tiết đi, nhưng chắc chắn hơn. Tôi sẽ tri giác từng đối tượng bớt đen trắng rõ ràng; song tôi sẽ bao quát xác đáng hơn những sự kiện khái quát. Tôi sẽ như du khách đi ra khỏi những bức tường vây quanh một thành phố lớn, bây giờ leo lên một ngọn đồi kế đó. Càng đi xa thành phố nọ, những con người mình vừa từ biệt bổng biến mất khỏi tầm mắt ta. Nhà ở của họ nhoè lẫn vào nhau. Ta không thấy đâu những quảng trường nữa. Khó mà nhận ra được dấu vết những đường phố. Nhưng đôi mắt ta nay thoải mái hơn khi nhìn lại hình thể thành phố, và bây giờ lần đầu tiên chợt nhận ra hình thù của nó. Dường như cùng lúc cũng hiện ra trước mắt tôi trọn vẹn tương lai giống người Anglo ở Tân thế giới. Những tiểu tiết của bức tranh mênh mông vẫn còn nằm trong bóng tối; nhưng mắt tôi đã tri giác thấy toàn cảnh rồi, và xuất hiện trong đầu tôi một cách hiểu mạch lạc về tất cả mọi điều.
Cái lãnh thổ ngày nay bị chiếm hoặc được Hợp chúng quốc Hoa Kì sở hữu chiếm gần một phần hai mươi toàn bộ đất đai đã có người ở.
Bất kể rộng hẹp ra sao, ta sẽ phạm sai lầm nếu nghĩ rằng giống người Mĩ gốc Anh sẽ đóng kín cửa ở mãi trong phạm vi ấy; ngay bây giờ nó đã tràn khá xa ra bên ngoài rồi.
Có một thời mà chính chúng ta cũng có khả năng tạo ra một đại dân tộc Pháp ở trong vùng hoang mạc nước Mĩ và làm cân bằng vận mệnh Tân thế giới với người Anh. Xưa kia nước Pháp từng sở hữu ở Bắc Mĩ một lãnh thổ rộng gần bằng toàn bộ châu Âu. Ba con sông lớn của lục địa này đều đổ cả vào vùng theo luật pháp nước ta. Những tộc người Anh điêng bản địa kể từ cửa sông Saint-Laurent cho tới đồng bằng sông Mississippi chỉ nghe thấy mọi người nói tiếng Pháp thôi. Tất cả những cơ ngơi châu Âu rải rác trên không gian mênh mông này đều nhắc nhớ đến tổ quốc ta: Louisbourg, Montmorency, Duquesne, Saint-Louis, Vincennes, New Orleans, toàn là những cái tên thân thương với nước Pháp và quen thuộc với chúng ta.
Nhưng đất trời xui khiến với cả loạt tình tiết kể ra không xuể đã nẫng mất của chúng ta cái di sản tuyệt trần đó. Khắp nơi ở đâu mà người Pháp có số lượng ít và kém tổ chức, thì đều không còn lại gì nữa. Những người Pháp còn sót tụ lại ở một vùng nhỏ hẹp và là vùng đất do luật pháp khác cai quản. Bốn trăm nghìn người Pháp ở vùng Hạ Canada ngày nay là những mảnh vỡ của một quốc gia xưa, nay bị mất hút giữa một dân tộc mới tràn đến. Xung quanh họ, những đám cư dân lạ cứ lớn lên không ngừng, họ toả ra bốn phía, họ thâm nhập vào tận hàng ngũ những người chủ đất đai cũ, họ thống trị các thành phố và họ làm cho tiếng Pháp biến chất đi. Đám cư dân đó tương tự như cư dân ở Hoa Kì. Tôi nghĩ mình có lí khi nói rằng giống Anglo không dừng lại ở những giới hạn của Liên bang Mĩ quốc, mà còn tiến lên xa nữa khỏi miền Đông Bắc.
Ở miền Tây Bắc ta chỉ bắt gặp vài dinh cơ loàng xoàng của người Nga; nhưng ở miền Tây Nam, nước Mexico như thể một thanh chắn trước con mắt người Mĩ gốc Anh.
Vậy là, nói cho đúng ra thì chỉ còn có hai giống người thù địch nhau giờ đây đang chia nhau thế giới mới, người Tây Ban Nha và người Anh.
Giới hạn phân cách hai giống người đó được ấn định bằng một hiệp ước. Nhưng cho dù hiệp ước đó có ưu ái người Mĩ gốc Anh đến đâu, thì tôi vẫn tin rằng sớm muộn họ sẽ vi phạm.
Bên ngoài biên giới Liên bang về phía Mexico là những tỉnh rộng mênh mông vẫn chưa có người ở. Người của Hoa Kì sẽ tiến vào những vùng hoang vu ấy nhanh chân hơn cả những người có quyền chiếm dụng đất đai đó. Họ sẽ chiếm lấy đất đai, sẽ tạo ra cuộc sống xã hội ở đó, và rồi khi chủ sở hữu đúng luật trình diện, ông ta sẽ thấy hoang mạc nay đã thành đất đai phì nhiêu với những người nước ngoài ung dung ngồi trên di sản đúng lí ra không là của họ.
Đất đai Tân thế giới thuộc về kẻ nào đầu tiên chiếm lấy được nó, và chủ quyền xứ sở này có giá là sự chạy đua.
Những vùng đất đã có người đến ở cũng sẽ phải tự mình lo bảo vệ chống lại sự xâm lấn.
Trên kia tôi có nói về những gì diễn ra ở tỉnh Texas. Mỗi ngày, cư dân Hoa Kì dần dần thâm nhập vào Texas, chiếm lấy đất đai ở đó, và vẫn tuân phục luật pháp địa phương, họ xây dựng nên xứ sở của riêng mình bằng tiếng nói của họ và tập tục của họ. Tỉnh Texas vẫn còn nằm dưới quyền thống trị của Mexico; nhưng chẳng bao lâu ở đó chẳng còn ai là người Mexico nữa. Chuyện tương tự cũng xảy ra ở mọi nơi nào người Mĩ gốc Anh tiếp xúc với những cư dân khác gốc.
Ta không thể che giấu việc giống Anglo đã tạo ra được thế trội đối với các giống người khác ở Tân thế giới. Giống Anglo cao hơn họ rất nhiều về văn minh, về kĩ năng và về sức mạnh. Chừng nào trước mặt họ vẫn chỉ là những vùng hoang vu hoặc dân cư thưa thớt, chừng nào họ không bắt gặp được trên đường đi những khu dân định cư mà họ khó có thể mở đường đi qua, thì ta còn thấy họ không ngừng bành trướng. Họ sẽ không dừng lại ở những con đường do hoà ước vạch ra, mà họ tràn qua tất cả những con đê trong tưởng tượng ấy.
Điều gì tiếp tay tuyệt vời cho sự bành trướng nhanh chóng đó của giống Anglo ở Tân thế giới, đó là vị trí địa lí nơi họ chiếm được.
Khi đi ngược lên miền Bắc và vượt các đường biên thuỳ phía Bắc của họ, ta bắt gặp những vùng băng giá miền cực, và khi đi xuôi vài độ vĩ tuyến xuống bên dưới các giới hạn phương Nam, ta đi vào giữa vùng lửa nóng xích đạo. Như vậy là người gốc Anh ở nước Mĩ đã định cư ở vùng khí hậu ôn hoà nhất và vùng đất dễ định cư nhất của lục địa.
Ta hình dung được cuộc chuyển động kì diệu đánh dấu sự gia tăng dân số ở Hoa Kì diễn ra sau khi nước này giành được Độc lập. Dân số thời còn là thuộc địa gia tăng cũng nhanh như bây giờ; trong khoảng hai mươi hai năm nó tăng gần gấp đôi. Nhưng vào thời kì thuộc địa, có cái gì tác động tới người dân thì chỉ tác động đến con số nghìn, bây giờ là tác động đến con số triệu. Một sự kiện trước đây lướt qua chẳng ai chú ý thì bây giờ đập vào mọi đầu óc con người.
Người Anh ở Canada, vốn dĩ quy phục một ông vua, dân số cũng gia tăng và bành trướng gần nhanh như người Anh ở Hoa Kì, những người sống dưới chế độ cộng hoà.
Trong tám năm dài chiến tranh giành Độc lập, dân số vẫn không ngừng gia tăng theo tỉ lệ như đã nói bên trên.
Mặc cho mọi chuyện xảy ra, ở vùng biên giới phía Tây, nhiều bộ tộc lớn người Anh điêng bản địa đã liên minh với người Anh, song cuộc chuyển động di dân về phía Tây có thể nói là vẫn không hề chậm chân lại. Trong khi kẻ thù tàn phá vùng bờ biển Đại Tây dương, dân cư vẫn cứ đầy mãi vào vùng Kentucky, vào các khu phía Tây của Pennsylvania, bang Vermont và vào vùng Maine. Cái lộn xộn kéo theo sau chiến tranh không hề ngăn cản dân số gia tăng và không hề ngăn chặn bước chân nó tiến nhanh đều về phía hoang mạc. Vậy là, sự khác biệt luật pháp, trạng thái hoà bình hay chiến tranh, yên ổn hay hỗn loạn, chẳng hề ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển liên tục của người Mĩ gốc Anh.
Điều này thật dễ hiểu: không có nguyên nhân nào mang tính chất chung đủ sức đồng thời tác động lên mọi điểm ở trên cái lãnh thổ mênh mông đến thế. Vì vậy mà lúc nào cũng vẫn có một bộ phận lớn đất nước ở đó bảo đảm có được một nơi trú chân tránh được những tàn phá đang diễn ra tại chỗ khác, và những điều tồi tệ dù to tát đến đâu thì cũng vẫn luôn luôn có phương thuốc chữa còn to hơn nhiều.
Ta chớ nên nghĩ là có thể ngăn chặn được sức bật của giống người Anglo ở Tân thế giới. Dù có chăng nữa sự tan rã của Liên bang và kéo theo là chiến tranh trên khắp lục địa, là sự xoá bỏ nền cộng hoà, là sự du nhập bạo quyền, tất cả những cái đó có thể làm chậm bước phát triển, nhưng không thể nào ngăn cản người Anglo hoàn tất số mệnh tất yếu của họ. Chẳng có quyền uy nào trên trái đất này lại đủ sức cấm cửa các di dân tiến vào những hoang mạc phì nhiêu đầy triển vọng cho mọi kĩ năng người và là một chốn dung thân tránh mọi cảnh khốn cùng. Bất kể những sự biến gì xảy ra trong tương lai cũng đều không nẫng đi mất của người Mĩ cái khí hậu, những biển nội địa, những dòng sông lớn, và cả độ phì nhiêu đất đai của họ. vẫn còn có luật pháp xấu xa, vẫn còn có các cuộc cách mạng và sự hỗn loạn, nhưng tất cả vẫn chẳng thể nào huỷ diệt ở người Mĩ cái thú đi tìm cuộc sống hạnh phúc ấm no và tinh thần năng động đó dường như là đặc điểm nổi bật của cái giống người này, cũng chẳng thể nào làm tắt ngấm những nguồn sáng đã thắp cho cái thông tuệ của họ.
Và thế là, giữa những điều vô định của tương lai, ít ra cũng có một sự kiện chắc chắn. Vào một thời kì mà chúng ta có thể gọi tên là thời sắp tới, và đây là vấn đề sống còn của các quốc gia, chỉ riêng người Mĩ gốc Anh cũng đủ phủ kín toàn bộ không gian mênh mông nằm giữa vùng băng giá Bắc cực và vùng nhiệt đới; họ sẽ bành trướng từ những bãi sỏi cát bên bờ Đại Tây Dương cho đến bờ biển Nam.
Tôi nghĩ là một ngày nào đó cái lãnh thổ mà giống người Mĩ gốc Anh sẽ tràn tới phải to bằng ba phần tư châu Âu. Nhìn toàn cục, khí hậu của Liên bang sẽ được chuộng hơn khí hậu châu Âu. Những thuận lợi tự nhiên ở đó thật vô cùng lớn. Hiển nhiên là một ngày nào đó dân số vùng này khó có thể cứ giữ mãi tỉ lệ hiện thời với dân số châu Âu chúng ta.
Châu Âu, chia năm sẻ bảy giữa bấy nhiêu quốc gia khác biệt; châu Âu, qua bao cuộc chiến tranh tắt rồi lại bùng và sự man rợ Trung thế kỉ, châu Âu như vậy mà vẫn có mật độ bốn trăm mười người trên một dặm vuông, có thể có nguyên nhân nào mạnh hơn để ngăn cản Hoa Kì một ngày nào đó cũng có mật độ dân số như thế?
Có lẽ nhiều thế kỉ sẽ trôi đi trước khi lũ con cháu các kiểu của giống Anglo nước Mĩ không còn có gương mặt chung nữa. Ta chẳng thể nào tiên báo cái thời kì những điều kiện của con người ở Tân thế giới sẽ bị con người làm cho thành thường xuyên bất bình đẳng.
Bất kể là do hoà bình hoặc chiến tranh, là vì tự do hoặc bạo quyền, là bởi thịnh vượng hoặc khốn cùng, bất kể những khác biệt do những yếu tố đó mang lại cho số phận con cháu đại gia đình người Mĩ gốc Anh ra sao, tất cả bọn họ đều vẫn sẽ duy trì được ít nhất một trạng thái xã hội như nhau và sẽ có cách sử dụng như nhau những ý tưởng do trạng thái xã hội sinh ra.
Mối liên hệ duy nhất là tôn giáo là đủ vào thời Trung thế kỉ để các giống người khác nhau sống trên đất châu Âu nhập lại trong một nền văn minh chung. Người Anglo ở Tân thế giới có chung nhau hàng ngàn mối dây liên hệ và họ sống trong một thời đại mà với con người mọi thứ đều đang được làm cho bình đẳng với nhau.
Thời Trung thế kỉ là một thời kì của sự chia cắt. Mỗi quốc gia, mỗi tỉnh, mỗi thành phố, mỗi gia đình đều có xu hướng cá thể hoá mạnh mẽ. Ngày nay, ta lại thấy một sự chuyển vần ngược chiều, các quốc gia dường như đang đi về hướng thống nhất lại với nhau. Có những mối dây trí tuệ nối kết các phần cách xa nhau nhất của trái đất, và con người không sao có thể sống dù chỉ trong một ngày cách sống người xa lạ với người, hoặc sống theo lối làm ngơ trước những chuyện gì đang xảy ra nơi chân trời góc biển: vì thế mà giờ đây ta nhận thấy ít có sự khác biệt giữa người châu Âu với con cháu họ sống ở Tân thế giới, mặc dù ngăn cách họ là cả một đại dương, so với một con sông nhỏ phân chia mấy thành thị hồi thế kỉ thứ XIII.
Nếu như cuộc chuyển dịch này làm các quốc gia xa lạ gần gụi lại được với nhau, lại càng thêm lí do để nó chống đối cung cách những con cháu của cùng một quốc gia mà lại sống xa lạ với nhau.
Vậy là sẽ tới một thời mà ta có thể nhìn thấy ở Bắc Mĩ một trăm năm mươi triệu con người bình đẳng với nhau, tất cả sẽ cùng thuộc về một gia đình, có cùng xuất phát điểm, chung nền văn minh, chung tiếng nói, cùng tôn giáo, chung thói quen, cùng tập tục, và qua tất cả những yếu tố đó tư duy người sẽ lưu thông theo cùng một dạng và vẽ hằn lên thành những màu sắc như nhau. Mọi thứ khác thì đều chưa chắc chắn lắm, nhưng điều này thì chắc. Vả chăng đây lại là một sự kiện hoàn toàn mới trên thế giới mà ngay trí tưởng tượng cũng khó có thể biết được tầm quan trọng của nó đến mức nào.
Ngày nay trên trái đất có hai quốc gia lớn xuất phát điểm thì khác nhau song lại như là đang cùng tiến về một mục tiêu: đó là người Nga và người Mĩ gốc Anh.
Cả hai quốc gia đều lớn lên trong bóng tối. Và trong khi con người mãi nhìn đi nơi khác thì đột nhiên hai quốc gia này leo ngay lên vị trí hàng đầu các dân tộc, và hầu như thế giới vừa mới biết đến sự ra đời của chúng thì cũng biết liền đến sự vĩ đại của chúng.
Tất cả các quốc gia khác đều như thể đã đạt được những giới hạn do thiên nhiên vạch cho, và sau đó họ chỉ còn việc duy trì những gì đã có. Nhưng hai quốc gia kia thì cứ lớn lên mãi: mọi quốc gia khác đều dừng lại hoặc dấn lên từng bước ì ạch; nhưng hai anh này thì tiến bước thoải mái và nhanh theo một hướng đi mà mắt người chưa nhận biết được đâu là bến bờ.
Người Mĩ đấu tranh chống những trở ngại của thiên nhiên; người Nga đấu tranh với con người. Một anh chống lại hoang mạc và sự mông muội, anh kia chống lại văn minh trong tay cầm đủ loại vũ khí. Vì thế mà những chiến công của người Mĩ là từ lưỡi cày nhà nông, còn chiến công của anh người Nga là từ lưỡi gươm người lính.
Để đi tới đích, người Mĩ dựa cơ sở trên lợi ích cá nhân và không có ai hướng dẫn hết, cứ thế phó mặc cho sức mạnh và lí tính cá nhân.
Người Nga như thể tập trung tất cả sức mạnh xã hội vào trong một con người.
Người Mĩ có phương tiện hoạt động chủ yếu là tự do; người Nga có thân phận nô lệ.
Xuất phát điểm của cả đôi bên khác nhau, đường đi của hai bên cũng khác nhau. Tuy nhiên, mỗi anh dường như đều bị một ý đồ kín đáo của Chúa Trời nhắn gọi, một ngày nào đó, cả hai đều phải nắm giữ trong tay số phận của một nửa thế giới loài người.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)