[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VII: Bước ngoặt thể chế (Phần 4)
TẠI SAO LẠI XẢY RA Ở ANH?
Cuộc Cách mạng công nghiệp bắt đầu và đạt được những tiến bộ to lớn nhất ở nước Anh nhờ vào các thể chế kinh tế có tính dung hợp đặc thù của đất nước này. Điều này tiếp đến được xây dựng trên nền tảng hình thành từ các thể chế chính trị dung hợp do cuộc Cách mạng Vinh quang mang lại. Chính cuộc Cách mạng Vinh quang đã củng cố và hợp lý hóa các quyền sở hữu, cải tiến thị trường tài chính, làm xói mòn các thế lực độc quyền do nhà nước ban bố trong ngoại thương, và bãi bỏ các rào cản đối với việc mở mang công nghiệp. Chính cuộc Cách mạng Vinh quang đã làm cho hệ thống chính trị trở nên cởi mở và đáp ứng trước các nhu cầu kinh tế và nguyện vọng của xã hội. Các thể chế kinh tế dung hợp này đã mang lại cho những con người tài năng và có tầm nhìn như James Watt cơ hội và động cơ phát triển các kỹ năng và ý tưởng, đồng thời tác động đến hệ thống theo cách thức có lợi cho họ và cho đất nước. Lẽ tự nhiên, những người này, một khi thành công, sẽ có cùng những ham muốn thôi thúc mạnh mẽ như bất kỳ ai khác. Họ muốn cản trở những người khác tham gia vào hoạt động kinh doanh của họ, cạnh tranh với họ và lo sợ quá trình phá hủy sáng tạo có thể làm họ phá sản, như trước đây họ đã từng làm phá sản những người khác. Nhưng sau năm 1688, điều này trở nên khó đạt được hơn. Năm 1775, Richard Arkwright được cấp một bằng phát minh toàn diện mà ông hy vọng sẽ cho ông vị thế độc quyền tương lai trong ngành se sợi bông đang mở mang nhanh chóng. Nhưng ông không thể thuyết phục các tòa án cưỡng chế thi hành điều này.
Tại sao quá trình độc đáo này bắt đầu ở Anh và tại sao lại vào thế kỷ 17? Tại sao nước Anh phát triển các thể chế chính trị đa nguyên và đoạn tuyệt với các thể chế chiếm đoạt? Như ta đã thấy, diễn biến phát triển chính trị dẫn đến cuộc Cách mạng Vinh quang được định hình bởi một vài quá trình đan xen lẫn nhau. Trọng tâm là xung đột chính trị giữa chế độ chuyên chế và những người chống đối nó. Kết quả của cuộc xung đột này không chỉ giúp ngăn chặn những nỗ lực tạo ra một chủ nghĩa chuyên chế cách tân hơn và mạnh mẽ hơn ở Anh, mà còn trao quyền cho những người mong muốn thay đổi các thể chế của xã hội một cách cơ bản. Những người chống đối chủ nghĩa chuyên chế không chỉ đơn thuần ra sức xây dựng một loại chế độ chuyên chế khác. Điều này không chỉ đơn thuần là gia tộc Lancaster đánh bại gia tộc York trong cuộc Chiến tranh Hoa hồng. Mà thay vì thế, cuộc Cách mạng Vinh quang liên quan đến sự ra đời của một chế độ mới, dựa vào nguyên tắc hiến pháp và chủ nghĩa đa nguyên.
Kết quả này là hệ quả của sự phân hóa thể chế ở Anh và cách thức nó tương tác với các thời điểm quyết định. Trong chương trước, chúng ta đã thấy cách thức các thể chế phong kiến đã ra đời như thế nào ở Tây Âu sau khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ. Chủ nghĩa phong kiến lan rộng trên khắp châu Âu, cả đông lẫn tây. Nhưng như chương 4 cho thấy, Tây Âu và Đông Âu bắt đầu phân hóa rõ rệt sau nạn dịch hạch. Những khác biệt nhỏ nhặt về thể chế kinh tế và chính trị có nghĩa là ở Tây Âu, cán cân quyền lực dẫn đến sự cải thiện thể chế; ở Đông Âu, nó lại làm cho các thể chế trở nên xấu đi. Nhưng đây không phải là một lộ trình bất di bất dịch và chắc chắn sẽ đưa đến các thể chế dung hợp. Sẽ phải có nhiều bước ngoặt quan trọng suốt dọc đường. Mặc dù Đại hiến chương Magna Carta cố gắng thiết lập những nền tảng thể chế cơ bản cho nguyên tắc hiến pháp, nhiều nơi khác ở châu Âu, ngay cả Đông Âu, cũng từng trải qua những quá trình đấu tranh tương tự với các văn kiện tương tự. Thế nhưng, sau nạn dịch hạch, Tây Âu phân hóa đáng kể so với Đông Âu. Những văn kiện như Đại hiến chương Magna Carta bắt đầu phát huy tác dụng ở Tây Âu. Trong khi đó, ở Đông Âu, chúng trở nên gần như vô nghĩa. Ở Anh, thậm chí trước những trận xung đột của thế kỷ 17, người ta đã thiết lập một chuẩn mực rằng nhà vua không được huy động thuế mới nếu không được Quốc hội chấp thuận. Quan trọng không kém là sự trôi giạt quyền lực từ từ từng ít một từ giới quyền thế về phía quần chúng nhân dân, như thể hiện qua sự huy động chính trị của các cộng đồng nông thôn ở Anh với những khoảnh khắc như cuộc Khởi nghĩa nông dân năm 1381.
Sự phân hóa thể chế này tương tác với một thời điểm quyết định khác, hình thành từ sự mở mang hoạt động thương mại Đại Tây Dương. Như ta đã thấy trong chương 4, một phương thức quan trọng để qua đó hoạt động thương mại này ảnh hưởng đến diễn biến thay đổi thể chế tương lai còn phụ thuộc vào việc liệu triều đình có thể độc quyền hóa hoạt động thương mại hay không. Ở Anh, quyền lực của Quốc hội mạnh hơn ít nhiều có nghĩa là các vị vua Tudor và Stuart không thể làm được điều đó. Hoạt động thương mại này tạo ra một tầng lớp thương nhân và doanh nhân mới, những người tích cực chống đối kế hoạch xây dựng chủ nghĩa chuyên chế ở Anh. Ví dụ, đến năm 1686 ở Luân Đôn đã có 702 thương nhân xuất khẩu sang vùng Caribê và 1.283 thương nhân nhập khẩu. Bắc Mỹ có 691 thương nhân xuất khẩu và 626 thương nhân nhập khẩu. Họ tuyển dụng thủ kho, thủy thủ, thuyền trưởng, phu khuân vác ở bến tàu, nhân viên văn phòng - tất cả những người này đều chia sẻ quyền lợi với họ. Tương tự, các bến cảng sôi động khác như Bristol, Liverpool và Portsmouth cũng đầy những thương nhân như thế. Những con người mới này mong muốn và đòi hỏi các thể chế kinh tế khác, và khi họ trở nên giàu có hơn nhờ hoạt động thương mại, họ cũng trở nên có thế lực hơn. Những áp lực tương tự cũng phát huy tác dụng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhưng ở đó, nhà vua có nhiều khả năng hơn trong việc kiểm soát hoạt động thương mại và lợi nhuận. Nhóm người mới giúp chuyển hóa nước Anh cũng đã xuất hiện ở những nước này, nhưng họ ít hơn và yếu hơn một cách đáng kể.
Khi phiên họp Quốc hội dài bắt đầu và nội chiến nổ ra vào năm 1642, các thương nhân này chủ yếu đứng về phía Quốc hội. Vào thập niên 1670, họ tham gia sâu rộng vào việc thành lập đảng Whig để chống đối chế độ chuyên chế của vương triều Stuart, và vào năm 1688, họ là lực lượng nòng cốt để hạ bệ Vua James II. Vì thế, các cơ hội giao thương với châu Mỹ được mở rộng, sự tham gia ồ ạt của các thương nhân Anh trong hoạt động thương mại này và sự phát triển kinh tế của các thuộc địa cũng như cơ ngơi mà họ tạo dựng được trong quá trình đó đã giúp làm nghiêng cán cân quyền lực trong cuộc chiến giữa nhà vua và những người chống đối chủ nghĩa chuyên chế.
Có lẽ quan trọng hơn cả, sự ra đời và trao quyền cho các nhóm lợi ích đa dạng - từ các chủ đất nhỏ, tầng lớp nông dân thương mại xuất hiện từ thời Tudor, cho đến các nhà sản xuất đủ loại và các thương nhân Đại Tây Dương - có nghĩa là liên minh chống lại chế độ chuyên chế của vương triều Stuart chẳng những hùng mạnh mà còn rộng khắp. Liên minh này thậm chí còn được củng cố bằng sự ra đời của đảng Whig vào thập niên 1670, mang lại một tổ chức để thúc đẩy quyền lợi của họ hơn nữa. Việc trao quyền cho họ chính là yếu tố làm nền tảng cho chủ nghĩa đa nguyên sau cuộc Cách mạng Vinh quang. Nếu tất cả những người chống lại triều đình Stuart đều có chung quyền lợi và cùng nguồn gốc xuất thân, thì việc lật đổ nhà vua Stuart hẳn chỉ là sự lặp lại cuộc chiến giữa hai gia tộc Lancaster và York, một nhóm quyền lợi hạn hẹp này đọ sức với một nhóm quyền lợi hạn hẹp khác, rồi cuối cùng chỉ thay thế và tái lập các thể chế chiếm đoạt hay một hình thức khác của chúng mà thôi. Một liên minh rộng khắp có nghĩa là sẽ có nhu cầu to lớn cho sự ra đời của các thể chế chính trị đa nguyên. Nếu không có chủ nghĩa đa nguyên, sẽ có nguy cơ là một trong các nhóm lợi ích đa dạng sẽ tiếm quyền với tổn thất của những nhóm còn lại. Sự kiện Quốc hội sau năm 1688 đại diện cho một liên mình rộng khắp là yếu tố then chốt khiến cho các đại biểu Quốc hội lắng nghe các kiến nghị, ngay cả khi những kiến nghị đó xuất phát từ những người bên ngoài Quốc hội và ngay cả từ những người không được đi bầu. Đây là yếu tố quan trọng để ngăn chặn nỗ lực của một nhóm nào đó tạo ra thế lực độc quyền và gây tổn thất cho những nhóm còn lại, như nhóm các nhà sản xuất len từng cố gắng thực hiện trước khi có Luật Manchester.
Cuộc Cách mạng Vinh quang là một biến cố quan trọng chính, vì nó được lãnh đạo bởi một liên minh rộng lớn và trao quyền cho liên minh này hơn nữa, và đã xoay sở để hun đúc nên một cơ chế hiến pháp với các điều kiện ràng buộc đối với quyền lực của nhánh hành pháp và quan trọng không kém, đối với bất kỳ thành viên nào của nhánh hành pháp. Ví dụ như, chính những điều kiện ràng buộc này đã ngăn không cho các nhà sản xuất len tiêu diệt sự cạnh tranh tiềm tàng từ các nhà sản xuất bông và fustian. Vì thế, liên minh rộng lớn này là yếu tố thiết yếu dẫn đến một Quốc hội vững mạnh sau năm 1688, nhưng điều đó cũng có nghĩa là có đối trọng trong Quốc hội để ngăn cản một nhóm nào đó trở nên quá hùng mạnh và lạm dụng quyền hạn. Đó là yếu tố thiết yếu cho sự ra đời của các thể chế chính trị đa nguyên. Việc trao quyền cho một liên minh rộng khắp cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại lâu dài và củng cố các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp, như ta sẽ thấy trong chương 11.
Tuy nhiên, không yếu tố nào trong đó làm cho một cơ chế thật sự đa nguyên trở thành một điều tất yếu, và sự ra đời của cơ chế đa nguyên là một phần trong lộ trình ngẫu nhiên của lịch sử. Đã từng có một liên minh không quá khác biệt cũng đã vươn lên và giành chiến thắng từ cuộc nội chiến Anh chống lại vương triều Stuart, nhưng chỉ dẫn đến một chế độ độc tài của Oliver Cromwell. Sức mạnh của liên minh này cũng không đảm bảo rằng chủ nghĩa chuyên chế sẽ bị đánh bại. Vua James II biết đâu đã có thể đánh bại William xứ Orange. Như lẽ thường, con đường thay đổi thể chế to lớn cũng không kém tình cờ hơn so với kết quả của các xung đột chính trị khác. Sự thật là như thế, ngay cả khi lộ trình phân hóa thể chế cụ thể tạo ra liên minh rộng lớn chống lại chủ nghĩa chuyên chế và thời điểm quyết định của các cơ hội thương mại Đại Tây Dương đã được bố trí trước nhằm chống lại vương triều Stuart. Do đó, trong ví dụ này, tính ngẫu nhiên và liên minh rộng lớn là những yếu tố quyết định làm nền tảng cho sự xuất hiện của chủ nghĩa đa nguyên và các thể chế dung hợp.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)