.jpg)
Vai trò của tư pháp độc lập (Phần 1)
“Nhiều luật gia tại Hoa Kỳ cho rằng việc tòa xét duyệt các luật liên quan tới quyền con người là một điểm son và là niềm tự hào của nước ta. Tôi đồng ý”
Ruth Bader Ginsburg, Thẩm phán Tòa Tối cao Liên bang
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 ở Mỹ cứ dằng dai mãi khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Các phiếu có tính chất quyết định đã được bỏ ở Florida, nhưng một thời gian dài sau ngày bầu cử người ta còn đặt ra câu hỏi là do trục trặc về máy móc không biết một số phiếu tại Florida đã được đếm chưa mà nếu chưa đếm thì phải xử trí ra sao. Viện Lập pháp Florida và cả một số thẩm phán của tiểu bang cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Viên chức của Bộ Nội vụ bang Florida (Florida’s Secretary of State) và các đại biểu Quốc hội Mỹ tranh luận rất gay gắt. Cả hai phe ủng hộ hai ứng viên George W. Bush và Al Gore đều biểu tình ở Florida và các nơi khác khắp nước Mỹ. Trong khi cuộc tranh chấp đang diễn ra gay gắt thì nội vụ được đưa lên Tòa Tối cao để xét xử. Rốt cuộc Toà tuyên bố là Bush đã thắng Gore. Thế là xong. Gore đọc diễn văn mừng Bush. Những người biểu tình đi về nhà. Các nhà chính trị của đảng đã mất quyền tổng thống lên truyền hình tuyên bố bây giờ là lúc phải đoàn kết để tiếp tục làm việc cho quốc gia. Hiển nhiên là không phải ai cũng hài lòng với quyết định của tòa nhưng hầu như là ai cũng chấp nhận. Tuy có dư luận cho rằng một số thẩm phán có thiên kiến chính trị nhưng không ai nghi ngờ là quyết định của tòa là một quyết định không độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các nhân vật chính trị nào khác. Tính chất độc lập của ngành tư pháp liên bang và việc xã hội đồng ý tôn trọng phán xét của ngành tư pháp là một điểm son cho hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Thực vậy, trên thế giới không có một tòa án nào khác mà lại có quyền lực khác thường như toà Tối cao trong việc quyết định về các cuộc tranh chấp trong xã hội, giải thích Hiến pháp và ấn định chính sách. William Rehnquist, chánh thẩm của tòa Tối cao vào lúc có cuộc bầu cử, trước đó vài năm đã nhận định rằng ngành tư pháp Hoa Kỳ là “một trong những viên ngọc quý của hệ thống chính quyền của chúng ta.” Câu hỏi thường đặt ra cho ngành tư pháp Hoa Kỳ gồm có hai phần. Phần thứ nhất là: Tại sao Hoa Kỳ lại chấp nhận một cơ chế cho một vài vị thẩm phán được bổ nhiệm (suốt đời) chứ không phải được bầu ra có quyền bảo các ngành chính quyền khác là điều họ làm có hợp pháp không? Phần thứ hai là: Làm sao mà cái quyền có tính chất định chế đó lại có thể đi đôi được với quyền quyết định của đa số trong một thể chế dân chủ? Câu trả lời cho phần thứ nhất nằm trong quan điểm của Hoa Kỳ về bản chất và vai trò của chính quyền.
Việc thành lập ngành tư pháp
Các vị lập quốc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Hiến pháp Mỹ năm 1789 đều tin tưởng rằng quyền của nhân dân đã có trước khi có chính quyền. Các vị đó tuyên bố trong Tuyên ngôn rằng con người ta sinh ra là đã có quyền và mục đích của chính quyền là bảo vệ và phát huy các quyền đó. Chẳng hạn, chính quyền phải bảo vệ sự an sinh và tài sản của nhân dân. Đó là lý do tại sao phải có luật về tội phạm và phải có nhân viên chính quyền để thi hành luật. Nhưng các nhà soạn thảo Hiến pháp lại hỏi: nếu chính quyền (mới thành lập vào lúc đó) bảo vệ người dân khỏi xâm phạm tới nhau thì ai là người để bảo vệ cho dân khỏi bị chính quyền xâm phạm? Chính quyền có thể sai, chính quyền có thể chuyên chế, chính quyền có thể lạm dụng lòng tin của nhân dân và tước bớt quyền của nhân dân. Một trong những yếu tố then chốt của tư tưởng chính trị Hoa Kỳ là điều tin tưởng rằng tất cả mọi định chế đều có khả năng hủ hóa và tất cả mọi người làm chính trị đều có thể hủ hóa. Không những là họ có thể bị cám dỗ cụ thể là bởi tiền bạc mà nguy hại hơn nữa là họ có thể bị mê hoặc bởi lòng tự cao tự đại. Những người có quyền thế thường dễ mắc vào lỗi lầm là tin rằng những điều gì họ muốn làm đều có nghĩa là điều đúng. Điều này lại càng dễ xảy ra trong một nền dân chủ vì các nhà chính trị cứ tự nhủ rằng họ được dân bầu ra tức là dân đã tin tưởng là họ phải có giải pháp đúng. Do đó các nhà soạn thảo Hiến pháp mới muốn làm sao cho chính quyền vừa đủ mạnh để bảo vệ dân chúng nhưng lại không quá mạnh để đến nỗi trở thành một thành lũy quyền lực không kiềm chế được. Câu trả lời của các vị đó là chia quyền để kiểm soát.
Sẽ có ba ngành chính quyền: quyền tổng thống, quyền lập pháp (Quốc hội) và quyền tư pháp. Quốc hội không thể ra luật nếu không có sự đồng ý của tổng thống; tổng thống không thể thi hành chính sách nếu Quốc hội không thỏa thuận; và cả hai ngành này đều phải chịu trách nhiệm trước ngành tư pháp. Ngành tư pháp đánh giá các hành động của hai ngành này căn cứ theo các quyền lực quy định cho từng ngành trong Hiến pháp. Ngành tư pháp là cơ quan tối hậu để giải thích Hiến pháp, tức là đưa ra nhận định cuối cùng về ý của nhân dân có chủ quyền muốn chính quyền làm gì và giới hạn quyền lực của chính quyền như thế nào. Nếu hai “ngành chính trị” – tức là tổng thống và Quốc hội – muốn vượt quá các nguyên tắc chỉ đạo đó thì dân chúng có thể dựa trên Hiến pháp mà đưa ra tòa xét xử. Lúc bấy giờ ngành tư pháp sẽ can thiệp vào và bác bỏ những đạo luật trái với Hiến pháp.
Như một nhà soạn thảo Hiến pháp đã nói, ngành tư pháp không có thế lực của tiền tài cũng như của võ khí. Ngành tư pháp không thể điều động quân đội hay cảnh sát để thi hành các điều lệnh của mình và cũng không có quyền phong tỏa ngân sách của các ngành kia. Tất cả những gì mà ngành tư pháp có thể làm được là chứng tỏ mình độc lập về chính trị và muốn bảo vệ quyền công dân tới mức mà cả các nhà chính trị lẫn dân chúng đều tự cảm thấy là phải tuân theo phán xét của ngành tư pháp. Muốn cho ngành tư pháp có thể có tiếng nói không thiên vị, không sợ hãi, muốn cho ngành tư pháp được thực sự độc lập thì nó phải được thành lập ngoài quyền kiểm soát của hai ngành kia. Vì vậy, Hiến pháp Mỹ đã quy định việc thành lập Toà Tối cao. Hiến pháp cũng giao cho Quốc hội nhiệm vụ thành lập các tòa liên bang cấp dưới; thẩm phán của các tòa này do tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng viện. Quốc hội đầu tiên đã thiết lập hệ thống tư pháp liên bang đó, bao gồm các tòa xử án và các tòa kháng cáo cấp trung gian; trên hết là Tòa Tối cao tức là tòa phúc thẩm cấp cao nhất. Thẩm phán tại tòa liên bang các cấp đều được bổ nhiệm suốt đời (và theo luật thì không được giảm tiền lương của thẩm phán). Vì vậy, các tư pháp không sợ bị bãi nhiệm nếu họ đưa ra một phán xét mà mọi người không ưa thích. Một vị thẩm phán có thể tự ý ra khỏi ngành tư pháp để làm việc khác hay từ chức thẩm phán để ra tranh cử (tuy nhiên việc này ít xảy ra). Một thẩm phán ở tòa liên bang cấp dưới có thể mong muốn được bổ nhiệm vào tòa ở cấp cao hơn. Nhưng một thẩm phán cũng có thể đưa ra các phán quyết và luôn luôn biết chắc là dù phán quyết đó có thể làm cho các nhà chính trị hay dân chúng phẫn nộ như thế nào chăng nữa thì chức vụ của họ vẫn được bảo đảm suốt đời. Nói như vậy thì có vẻ nghịch lý. Một mặt thì các thẩm phán được bổ nhiệm để bảo đảm là ý muốn của nhân dân, thể hiện trong Hiến pháp, là trên hết. Mặt khác, khi được bổ nhiệm suốt đời lại có nghĩa là thẩm phán có thể đưa ra các phán quyết mà nhân dân cho là sai và đi ngược lại ý muốn của quần chúng. Hơn nữa, nếu thẩm phán lại do tổng thống và cơ quan lập pháp bổ nhiệm thì phán quyết của thẩm phán có thể phản ánh ý thích của đảng phái nhiều hơn là ý nguyện của đa số hay các điều chỉ đạo của Hiến pháp chăng? Hỏi như vậy tức là đặt ra vấn đề xem việc bổ nhiệm thẩm phán trên thực tế thực hiện như thế nào?
Nguồn: Strum, Philippa (2001). "The Role of an Independent Judiciary", in Melvin Urofsky, ed. The Democracy Papers (Washington, D.C.: US Department of State, 2001).