Ảo ảnh về lạm phát

Ảo ảnh về lạm phát

Tôi đã một số lần phải nhắc nhở độc giả rằng một chính sách nhất định sẽ dẫn đến một kết quả nào đó “nếu không có lạm phát”. Trong các chương về công trình công cộng và tín dụng, tôi đã hẹn sẽ nghiên cứu các tác động phức tạp của lạm phát ở phần sau. Thế nhưng tiền và chính sách tiền tệ là một bộ phận rất mật thiết và hữu cơ trong mọi quy trình kinh tế, đến mức sự tách biệt này, cho dù chỉ để giúp chúng ta phân tích được vấn đề rõ hơn, không phải là chuyện dễ làm. Vì vậy, trong các chương về ảnh hưởng của các chính sách khác nhau về lương của chính phủ và công đoàn đối với tuyển dụng lao động, lợi nhuận và sản xuất, chúng ta đã phải xem xét ngay một số tác động của các chính sách tiền tệ khác nhau.

Trước khi xem xét hậu quả của lạm phát trong các trường hợp cụ thể, ta sẽ cùng nghiên cứu tác động chung của nó. Thế nhưng, trước hết, chúng ta nên hỏi tại sao lạm phát lại thường xuyên được sử dụng, tại sao từ xưa đến nay nó luôn có một sự cám dỗ lạ kỳ, tại sao hết quốc gia này đến quốc gia khác đã theo tiếng gọi của lạm phát để đi vào khủng hoảng kinh tế nặng nề.

Sai lầm dễ thấy nhất, đồng thời là sai lầm cổ điển và bướng bỉnh nhất, đã tạo nên sự hấp dẫn của lạm phát là sự nhầm lẫn giữa “tiền” và sự giàu có. Adam Smith đã viết cách đây hơn hai thế kỷ:

“Quan niệm phổ biến cho rằng sự giàu có đồng nghĩa với tiền, hoặc vàng và bạc, xuất phát tự chức năng kép của tiền tệ. Nó vừa là một công cụ mua bán, vừa là thước đo giá trị… Trở nên giàu có nghĩa là có tiền; tóm lại, nói một cách đơn giản, sự giàu có đồng nghĩa với tiền bạc trên mọi phương diện.”

Tất nhiên, sự giàu có thật là những gì được sản xuất ra và tiêu thụ: thực phẩm chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, nhà cửa chúng ta sống. Nó là đường sắt, đường bộ và xe hơi; tàu thủy, máy bay và nhà máy; trường học, nhà thờ và rạp hát; đàn piano, tranh và sách vở. Song sự không phân biệt rõ ràng về ngôn ngữ giữa sự giàu có và tiền tệ phổ biến đến mức ngay cả những người đôi khi nhận ra sự nhầm lẫn này vẫn tiếp tục mắc phải nó trong tư duy của họ. Mỗi người đều thấy rằng nếu có nhiều tiền hơn, mình sẽ có thể mua được nhiều thứ hơn từ những người khác. Nếu có nhiều tiền gấp đôi, người đó sẽ có thể mua gấp đôi số hàng hóa mình muốn. Nếu có nhiều tiền gấp ba lần, người đó sẽ “đáng giá” gấp ba lần. Vì vậy, nhiều người đương nhiên cho rằng nếu chính phủ phát hành thêm tiền tệ và phân phát cho mọi người, tất cả chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn.

Đây là cách suy nghĩ của những người ủng hộ việc tăng lượng tiền tệ và tín dụng một cách “ngây thơ”. Bên cạnh nhóm này, có một nhóm khác với lý luận sắc sảo hơn. Họ thấy rằng nếu mọi việc đơn giản như thế, chính phủ sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề của chúng ta đơn giản bằng cách phát hành thêm tiền tệ. Họ cảm thấy có một cái bẫy ở đâu đó, vì vậy, họ sẽ hạn chế số lượng tiền tệ mà họ muốn yêu cầu chính phủ phát hành thêm. Họ sẽ chỉ yêu cầu chính phủ in vừa đủ để bù đắp vào một “khoản thiếu hụt” hay “khe hở” nào đó.

Họ cho rằng sức mua luôn ở tình trạng thiếu hụt bởi vì, do một lý do nào đó, các ngành sản xuất không cung cấp đủ tiền cho các nhà sản xuất để họ, với tư cách là người tiêu dùng, có thể mua lại những gì đã được sản xuất ra. Có một chỗ “rò rỉ” nào đó mà họ không biết. Một nhóm đã “chứng minh” điều này bằng các phương trình. Ở một vế của các phương trình, họ đếm mỗi thứ một lần. Ở vế kia của phương trình, họ đếm cùng một thứ một vài lần. Điều này tạo ra một sự chênh lệch lớn giữa cái mà họ gọi là “các khoản thanh toán A” và cái được gọi là “các khoản thanh toán A + B”. Vậy là họ có nguyên cớ để mặc lên người những bộ đồng phục xanh và bắt đầu một phong trào đòi chính phủ phát hành thêm tiền hoặc “tín dụng” để bù vào các khoản thanh toán B đang bị thiếu hụt.

Chúng ta có thể cười nhạo những người tin vào “tín dụng xã hội” một cách ngây ngô, song có rất nhiều trường phái khác ủng hộ việc gây lạm phát với lý luận sắc sảo hơn và các kế hoạch mang tính “khoa học” nhằm phát hành vừa đủ lượng tiền tệ và tín dụng để lấp đầy một sự thiếu hụt định kỳ hay dài hạn nào đó mà họ tính ra theo cách của mình.

Những người khôn ngoan hơn trong số họ nhận ra rằng bất kỳ sự tăng đáng kể nào trong lượng tiền tệ sẽ làm giảm sức mua của mỗi đơn vị tiền tệ - nói theo cách khác, nó sẽ dẫn đến việc tăng giá hàng hóa. Song điều này không khiến họ bận tâm; nó thực ra là mục đích của họ, là lý do vì sao họ muốn có lạm phát. Một số người trong bọn họ cho rằng điều này sẽ giúp cải thiện tương quan giữa những người nghèo đi vay và những người giàu cho vay theo hướng có lợi cho người nghèo. Một số người khác cho rằng nó sẽ kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Một số người khác lại cho rằng đây là một phương cách hữu hiệu để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, để “kích thích các ngành sản xuất”, và để giúp “mọi lao động đều có việc làm”.

Có rất nhiều lý thuyết khác nhau về tác động của việc tăng lượng tiền tệ (bao gồm cả tín dụng ngân hàng) đối với mức giá. Đầu tiên, như chúng ta vừa thấy, ta có những người cho rằng lượng tiền tệ có thể được tăng lên với bất kỳ mức nào mà không ảnh hưởng gì đến mức giá. Họ chỉ coi việc tăng lượng tiền như là một cách tăng “sức mua” của mọi người, nghĩa là giúp mọi người mua được nhiều hàng hóa hơn trước đây. Hoặc họ không chịu hiểu rằng toàn xã hội sẽ không thể tăng gấp đôi lượng tiêu dùng trừ khi lượng hàng hóa được sản xuất tăng gấp đôi, hoặc họ tưởng rằng điều duy nhất khiến sản xuất không thể tăng vô tận là sự thiết hụt nhu cầu tiền tệ chứ không phải không phải là sự thiếu hụt những yếu tố khác như nhân công, thời gian hay năng lực sản xuất. Họ cho rằng nếu mọi người muốn mua hàng hóa và có đủ tiền để mua chúng, hàng hóa đó sẽ được sản xuất ngay lập tức.

Mặt khác, ta có những người, trong đó có cả một số nhà kinh tế học nổi tiếng, tin vào một lý thuyết cứng nhắc về ảnh hưởng của nguồn cung tiền tệ đối với giá cả. Theo cách giải thích của họ, tất cả tiền tệ trong một quốc gia sẽ được dùng để mua toàn bộ lượng hàng hóa. Vì thế, giá trị của tổng lượng tiền tệ nhân với “tốc độ lưu chuyển tiền tệ” phải luôn cân bằng với giá trị của tổng lượng hàng hóa được mua. Vì vậy, nếu tốc độ lưu chuyển tiền tệ không thay đổi, giá trị của mỗi đơn vị tiền tệ sẽ thay đổi hệt như lượng tiền được đem vào lưu chuyển theo chiều ngược lại. Nếu ta tăng gấp đôi lượng tiền tệ và tín dụng ngân hàng, ta sẽ tăng gấp đôi “mức giá”; nếu tăng gấp ba lượng tiền tệ và tín dụng, mức giá cũng sẽ tăng lên gấp ba. Nói tóm lại, nếu ta tăng lượng tiền lên n lần, ta cũng phải tăng giá hàng hóa lên n lần.

Tại đây, ta không có đủ chỗ để chỉ ra tất cả những luận chứng sai lầm trong lời giải thích có vẻ hợp lý này. Thay vì làm việc đó, chúng ta sẽ xem xét vì sao việc tăng lượng tiền dẫn đến việc tăng giá, và điều đó xảy ra như thế nào. 

Một lượng tiền lớn hơn phải được tạo ra theo cách nào đó. Chúng ta hãy giả sử rằng nó được tạo ra bởi chính phủ có các khoản chi tiêu lớn hơn lượng tiền chính phủ có thể thu hoặc muốn thu từ thuế (hoặc thông qua việc người dân dùng tiền tiết kiệm của mình để mua công trái chính phủ). Hãy giả sử rằng chính phủ phát hành tiền tệ để thanh toán cho các nhà thầu phục vụ chiến tranh. Các khoản chi tiêu này trước hết sẽ làm tăng giá các mặt hàng phục vụ chiến tranh và cung cấp thêm tiền cho các nhà thầu và lao động của họ. (Trong chương về sự định giá của chính phủ, chúng ta quyết định tạm thời chưa xét tới ảnh hưởng của lạm phát. Tương tự như vậy, khi xem xét vấn đề lạm phát trong chương này, chúng ta sẽ bỏ qua các ảnh hưởng từ sự cố định giá của chính phủ. Nếu xem xét những ảnh hưởng này, ta sẽ thấy chúng cũng không thay đổi bản chất của vấn đề ở đây. Chúng chỉ làm giảm nhẹ hoặc che giấu một số ảnh hưởng ban đầu của lạm phát, sau đó lại làm trầm trọng hơn các ảnh hưởng về sau.)

Các nhà thầu phục vụ cho chiến tranh và các lao động của họ khi đó sẽ có thu nhập bằng tiền lớn hơn. Họ sẽ dùng nó để mua những hàng hóa hay dịch vụ mà họ muốn. Bởi nhu cầu tăng cao, những người bán các loại hàng hóa và dịch vụ này sẽ tăng giá của chúng. Những người có thu nhập bằng tiền lớn hơn sẽ sẵn sàng trả giá cao để có được các hàng hóa và dịch vụ này bởi họ có nhiều tiền hơn trước. Đối với họ, đồng đô la sẽ có giá trị nhỏ hơn.

Chúng ta hãy gọi những nhà thầu này và lao động của họ là nhóm A và những người cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho họ là nhóm B. Nhóm B, do bán được nhiều với giá cao hơn, sẽ mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn từ nhóm C. Nhóm C vì vậy cũng nâng được giá sản phẩm của họ lên và có thu nhập lớn hơn để mua hàng hóa và dịch vụ của nhóm D, và cứ như vậy cho đến khi việc tăng giá và thu nhập bằng tiền xảy ra trên toàn bộ quốc gia. Khi quá trình này kết thúc, hầu như mọi người sẽ có mức thu nhập quy ra tiền lớn hơn, nhưng (giả sử rằng lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra không tăng) giá của hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ tăng một lượng tương đương. Quốc gia sẽ không giàu hơn so với trước kia.

Điều này không có nghĩa là tài sản hay thu nhập của tất cả mọi người, tính một cách tương đối hay tuyệt đối, sẽ giống hệt trước đây. Ngược lại, quá trình lạm phát chắc chắn sẽ tác động không đồng đều đến địa vị và hoàn cảnh kinh tế của các nhóm khác nhau. Nhóm đầu tiên được nhận lượng tiền tăng lên sẽ được lợi nhiều nhất. Thu nhập bằng tiền của nhóm A sẽ tăng lên trước khi các mức giá tăng lên, vì thế, lượng hàng hóa họ mua được cũng tăng tương đương với thu nhập của họ. Thu nhập bằng tiền của nhóm B sẽ tăng sau, khi các mức giá đã bắt đầu tăng, nhưng nhóm B vẫn được hưởng lợi thông qua lượng hàng hóa họ mua được. Trong khi đó, các nhóm vẫn chưa có thu nhập bằng tiền lớn hơn đã phải bắt đầu trả giá cao hơn cho các hàng hóa họ muốn mua. Điều này có nghĩa là mức sống của họ sẽ bị giảm so với trước đây.

Chúng ta có thể giải thích điều này rõ ràng thông qua các số liệu giả định. Giả sử chúng ta tùy ý chia ngẫu nhiên xã hội thành bốn nhóm sản xuất chính A, B, C, và D, và bốn nhóm này nhận được mức thu nhập bằng tiền lớn hơn nhờ lạm phát theo trình tự đó. Khi thu nhập bằng tiền của nhóm A đã tăng 30%, giá của những mặt hàng họ mua vẫn hoàn toàn chưa tăng. Khi thu nhập bằng tiền của nhóm B tăng 20%, giá hàng hóa bình quân mới chỉ tăng 10%. Tuy nhiên, khi thu nhập bằng tiền của nhóm C tăng lên chỉ 10%, giá cả đã tăng lên 15%. Và khi thu nhập bằng tiền của nhóm D chưa tăng một chút nào, mức giá bình quân của các hàng hóa họ phải mua đã tăng lên đến 20%. Nói cách khác, mức lợi ích do các nhóm đầu tiên thu được từ việc tăng giá hoặc lương do lạm phát cũng gây ra sự thiệt hại (thông qua tiêu dùng) cho những nhóm sản xuất được tăng giá hoặc lương cuối cùng.

Nếu lạm phát ngừng lại sau một vài năm, kết quả cuối cùng có thể là cả thu nhập bằng tiền và giá đều tăng một lượng tương đương là 25%, và cả hai sẽ được phân phối đều giữa các nhóm trong xã hội. Nhưng điều này không bù đắp được những lợi ích hay thiệt hại trong giai đoạn chuyển tiếp ban đầu. Ví dụ như nhóm D: mặc dù thu nhập và mức giá của họ cuối cùng cũng tăng lên đến 25%, họ vẫn chỉ mua được một lượng hàng hóa và dịch vụ tương tự như trước khi có lạm phát. Những thiệt hại của họ trong thời kỳ đầu tiên, khi thu nhập và giá của họ chưa tăng một chút nào trong khi họ phải mua hàng hóa và dịch vụ của nhóm A, B, và C với giá cao hơn tới 30%, sẽ không bao giờ được đền bù.

Vì vậy, lạm phát cũng chỉ là một ví dụ nữa minh họa cho bài học chính của chúng ta. Nó có thể thực sự đem lại lợi ích trong một thời gian ngắn cho những nhóm được ưu ái, song điều này chỉ xảy ra thông qua những thiệt hại mà các nhóm khác phải chịu, và về lâu dài sẽ gây ra nhiều hậu quả tai hại cho toàn bộ xã hội. Ngay cả lạm phát nhẹ cũng có thể làm méo mó cơ cấu sản xuất. Nó sẽ kích thích một số ngành sản xuất mở rộng quá mức, khiến cho những ngành khác phải thu nhỏ. Nó sẽ dẫn đến việc đầu tư sai và lãng phí vốn sản xuất. Khi lạm phát sụp đổ hoặc bị ngừng lại, lượng vốn đầu tư sai – cho dù ở dạng nào: máy móc, nhà máy, các tòa nhà văn phòng, v.v… - sẽ không thể đem lại mức lợi nhuận phù hợp và sẽ mất phần lớn giá trị của nó.

Ta không thể khiến lạm phát ngừng lại một cách nhẹ nhàng và tránh sự khủng hoảng thường xảy ra sau đó. Một khi lạm phát đã bắt đầu, ta thậm chí không thể ngừng nó lại tại một điểm nào đó được định trước hay chặn nó lại khi các mức giá đã tăng đến mức được thỏa thuận từ trước, bởi các yếu tố kinh tế và chính trị sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ta. Khi ta ủng hộ việc tăng giá ở mức 25% thông qua lạm phát, chắc chắn sẽ có người thấy rằng lợi ích đạt được sẽ tăng gấp đôi khi tăng giá ở mức 50%, thậm chí là gấp bốn khi tăng giá ở mức 100% thông qua lạm phát. Những nhóm có thể gây sức ép chính trị và được hưởng lợi từ lạm phát sẽ đòi phải tiếp tục duy trì lạm phát.

Hơn nữa, trong thời kỳ lạm phát, ta không thể kiểm soát được giá trị của tiền tệ bởi, như ta đã thấy, nguyên nhân của sự mất giá tiền tệ không chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Ta không thể nói trước rằng việc tăng 100% lượng tiền tệ sẽ làm giá trị của mỗi đơn vị tiền tệ giảm đi 50%. Như ta đã thấy, giá trị của tiền tệ phụ thuộc vào sự đánh giá mang tính chủ quan của người giữ tiền, và sự đánh giá này không chỉ phụ thuộc vào lượng tiền mà người đó đang giữ. Nó cũng phụ thuộc vào chất lượng của tiền tệ. Trong thời chiến, giá trị của một đơn vị tiền tệ của một quốc gia không dựa trên chuẩn vàng và sẽ tăng hay giảm so với ngoại tệ tùy thuộc vào việc quốc gia đó thắng hay thua, cho dù lượng tiền tệ có thay đổi như thế nào. Sự đánh giá giá trị tiền tệ trong hiện tại thường phụ thuộc vào việc mọi người trông đợi lượng tiền trong tương lai sẽ là bao nhiêu. Và, giống như các hàng hóa trên thị trường đầu cơ, sự đánh giá của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào việc người đó nghĩ giá trị tiền tệ sẽ là bao nhiêu mà còn dựa trên việc người đó nghĩ những người khác sẽ đánh giá giá trị của tiền tệ như thế nào.

Điều này giải thích vì sao một khi siêu lạm phát xảy ra, giá trị của một đơn vị tiền tệ giảm nhanh hơn nhiều so với tốc độ lượng tiền tệ được hoặc có thể được tăng. Khi lạm phát đạt đến giai đoạn này, điều xấu nhất sẽ sớm xảy ra: phá sản.

Vậy nhưng vẫn luôn có những người ủng hộ lạm phát. Dường như chẳng có quốc gia nào học được bài học từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, và chẳng có thế hệ nào tránh được vết xe đổ của những người đi trước. Mọi thế hệ và quốc gia đều chạy theo ảo ảnh lạm phát, cố gắng nắm bắt lấy những lợi ích kinh tế vốn sẽ sớm tan thành khói bụi, bởi đó là bản chất của lạm phát: nó có thể tạo ra vô vàn ảo tưởng cho con người.

Trong thời đại của chúng ta, quan điểm hay được sử dụng nhiều nhất để ủng hộ lạm phát là nó sẽ “kích thích các ngành sản xuất”, rằng nó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những thiệt hại không thể bù đắp được của sự đình trệ kinh tế, rằng nó sẽ khiến cho “mọi lao động đều có việc làm”. Quan điểm này, ở dạng thô sơ nhất của mình, dựa trên sự nhầm lẫn giữa tiền và sự giàu có thật. Nó cho rằng “sức mua” mới đang được tạo ra, và tác động của lượng sức mua này sẽ được nhân lên và ngày càng lan rộng, giống như các vòng tròn của gợn sóng khi ta ném một viên đá xuống hồ. Tuy nhiên, sức mua thực sự đối với một loại hàng hóa, như chúng ta đã thấy, chính là các loại hàng hóa khác. Nó không thể được tăng lên một cách mầu nhiệm thông qua việc in thêm các tờ giấy gọi là tiền. Về cơ bản, điều xảy ra trong nền kinh tế mang tính trao đổi là những thứ do A sản xuất ra được trao đổi lấy những thứ do B sản xuất ra. 

Tác dụng thực sự của lạm phát là thay đổi tương quan giữa giá và chi phí. Sự thay đổi quan trọng nhất mà lạm phát cần tạo ra là tăng giá hàng hóa trong tương quan với mức lương, và nhờ vậy phục hồi được mức lợi nhuận trước đây và khuyến khích tiếp tục tăng sản lượng vượt lên mức còn tồn tại các nguồn lực nhàn rỗi, thông qua việc phục hồi tương quan hợp lý giữa giá và chi phí sản xuất. 

Ta có thể thấy ngay rằng điều này có thể đạt được một cách trực tiếp và thẳng thắn hơn bằng cách giảm mức lương không hợp lý. Song những người ủng hộ lạm phát với lý luận sắc sảo hơn sẽ cho rằng điều này không thể đạt được về mặt chính trị. Đôi khi họ còn đi xa hơn và tuyên bố rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mọi đề xuất đòi giảm trực tiếp một mức lương nào đó để giảm thất nghiệp đều là các đề xuất “chống lại người lao động”. Song nói trắng ra, điều họ muốn làm là lừa người lao động bằng cách giảm mức lương thật của họ (mức lương tính bằng sức mua) thông qua việc tăng giá.

Điều họ quên mất là người lao động cũng đã trở nên khôn ngoan, là các công đoàn lớn đã thuê những nhà kinh tế học thông thạo các chỉ số về lương và giá cả, là người lao động không để mình bị lừa nữa. Vì vậy, trong hoàn cảnh hiện tại, chính sách này rất dễ thất bại trong cả mục tiêu kinh tế cũng như mục tiêu chính trị của nó. Chính các công đoàn mạnh nhất, nơi mức lương cần điều chỉnh nhất, mới đang kiên quyết yêu cầu mức lương của họ được tăng lên ít nhất là tương đương với độ tăng của chỉ số chi phí sinh hoạt. Nếu các công đoàn mạnh nhất kiên quyết đòi cho được điều này, tương quan bất hợp lý giữa giá và các mức lương chính sẽ tiếp tục tồn tại. Trên thực tế, cơ cấu lương thậm chí còn có thể bị bóp méo hơn nữa, bởi một số lượng lớn lao động không thuộc công đoàn, những người mà ngay từ trước lạm phát đã có thể có một mức lương không phù hợp (hay thậm chí đã có thể bị chà đạp bởi họ không nằm trong công đoàn) sẽ tiếp tục bị thiệt hại nhiều hơn trong giai đoạn đầu của lạm phát bởi sự tăng giá hàng hóa.

Tóm lại, những người ủng hộ lạm phát với những quan điểm tinh vi hơn cũng là những người đầy tính toán. Họ không hoàn toàn trung thực trong lý lẽ của mình, và kết cục là họ lừa dối chính bản thân. Giống như những người ủng hộ lạm phát với quan điểm “thô sơ”, họ bắt đầu bằng việc nói về tiền giấy như thể nó là một loại của cải thực sự mà có thể được in ra tùy ý ở các nhà máy in tiền. Họ thậm chí còn nói đến “khả năng tự nhân lên” của lượng tiền này, hay là việc mỗi đô la do chính phủ phát hành và tiêu sẽ nhờ một phép màu nào đó mà biến thành nhiều đô la góp thêm vào tài sản của quốc gia.

Tóm lại, họ làm chệch hướng sự chú ý của công chúng và của bản thân họ ra khỏi các nguyên nhân thật của tình trạng khủng hoảng trong hiện tại. Trong phần lớn trường hợp, nguyên nhân thực sự là sự điều chỉnh sai mối tương quan của lương, chi phí và giá: sự điều chỉnh sai mối tương quan giữa lương và giá, giữa giá của nguyên vật liệu thô và giá của thành phẩm, giữa các mức giá hoặc giữa các mức lương với nhau. Những sự điều chỉnh sai này, đến một thời điểm nào đó, sẽ triệt phá động cơ sản xuất hoặc làm cho sản xuất không thể tiếp tục được nữa, và thông qua những mối quan hệ hữu cơ giữa các thành phần trong nền kinh tế trao đổi, khủng hoảng sẽ lan ra. Tình trạng sản xuất và tuyển dụng lao động tối ưu chỉ có thể được phục hồi khi những sự điều chỉnh sai này được sửa chữa lại.

Đôi khi lạm phát có thể sửa chữa những sự điều chỉnh sai này, nhưng nó có thể là một con dao hai lưỡi. Nó không điều chỉnh bằng những phương pháp thẳng thắn và công khai mà thông qua các ảo tưởng. Lạm phát phủ một lớp màn ảo tưởng lên trên mọi quy trình kinh tế. Nó lừa dối và gây nhầm lẫn cho hầu hết mọi người, bao gồm cả những người phải gánh chịu những thiệt hại do nó gây ra. Chúng ta luôn quen với việc tính thu nhập và tài sản của mình bằng tiền. Thói quen này ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta và mạnh đến mức ngay cả những nhà kinh tế học hay thống kê học cũng không thoát nổi nó. Không phải dễ để ta có thể luôn luôn nhìn ra các mối tương quan trên thông qua hàng hóa thật hoặc phúc lợi thật. Ai trong chúng ta không cảm thấy giàu có và tự hào hơn khi biết rằng tổng thu nhập quốc dân của chúng ta đã tăng gấp đôi (tính theo đô la) so với một thời điểm nào đó trước lạm phát? Ngay cả một nhân viên trước đây được trả 75 đô la một tuần và giờ nhận được 120 đô la một tuần cũng nghĩ rằng mình đã trở nên giàu hơn, cho dù chi phí sinh hoạt hiện tại của anh ta đã tăng lên gấp đôi so với khi anh ta nhận mức lương 75 đô la. Không phải anh ta không nhận ra sự tăng lên trong chi phí sinh hoạt; song anh ta cũng không hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế thực sự của mình trong hiện tại (nếu chi phí sinh hoạt của anh ta không thay đổi, song mức lương của anh ta giảm đi khiến sức mua của anh ta bị giảm tương đương với sức mua của anh ta trong hiện tại với mức lương và giá mới cao hơn vì lạm phát, chắc anh ta sẽ nhận rõ hoàn cảnh kinh tế của mình hơn). Lạm phát khiến người ta ngộ nhận, bị thôi miên, bị gây mê để không cảm thấy sự đau đớn do lưỡi dao mổ gây ra. Lạm phát là thuốc phiện của quần chúng.

Đây chính là chức năng chính trị của lạm phát. Vì lạm phát khiến mọi việc trở nên rối loạn, nên nó thường xuyên được áp dụng bởi các chính phủ theo đuổi “kinh tế kế hoạch”. Ví dụ: trong chương IV, chúng ta đã chứng minh sự sai lầm của quan điểm cho rằng các công trình công cộng sẽ tạo thêm việc làm. Chúng ta đã thấy rằng nếu tiền dành cho các công trình này được lấy từ thuế, mỗi đô la chính phủ chi tiêu cho các công trình này là một đô la bị lấy đi từ chi tiêu của người nộp thuế, và mỗi công việc do chính phủ tạo ra trong những công trình này có nghĩa là một công việc bị mất đi trong khu vực kinh tế tư nhân.

Nhưng giả sử các công trình phúc lợi đó không được chi trả từ nguồn thuế mà thông qua khoản vay nợ của các cơ quan chính phủ hoặc thông qua lượng tiền tệ được in thêm. Lúc đó, các kết quả ta vừa miêu tả bên trên dường như không xảy ra. Các công trình phúc lợi dường như được tạo ra bằng một lượng sức mua “mới”. Ta không thể nói rằng lượng sức mua này bị cướp đi từ những người nộp thuế. Trong một khoảng thời gian nhất định, dường như quốc gia có thêm nhiều thứ mà chẳng mất gì.

Song, theo đúng tinh thần bài học, chúng ta hãy cùng xem xét các hậu quả dài hạn. Các khoản vay nợ đến một lúc nào đó phải được hoàn trả. Chính phủ không thể cứ chồng chất nợ mãi được, bởi nếu làm thế, đến một lúc nào đó chính phủ sẽ bị phá sản. Như Adam Smith đã chỉ ra vào năm 1776:

“Khi các khoản nợ quốc gia đã bị tích lũy đến một mức độ nào đấy, tôi tin rằng hầu như không có trường hợp nào chúng sẽ được hoàn trả nghiêm túc và đầy đủ. Việc giải phóng thu nhập quốc dân, nếu xảy ra, luôn xảy ra thông qua sự phá sản; đôi khi là sự tuyên bố phá sản, song luôn là sự phá sản thật, mặc dù thường xuyên thông qua một sự thanh toán giả."

Nhưng khi phải thanh toán những khoản nợ đến từ việc chi trả cho các công trình công cộng, chính phủ sẽ phải đánh thuế cao hơn mức chi tiêu của mình. Vì vậy, trong giai đoạn sau này, lượng việc chính phủ hủy hoại sẽ nhiều hơn lượng việc làm chính phủ tạo ra. Mức thuế quá cao mà chính phủ phải áp dụng không chỉ lấy đi sức mua; nó cũng làm giảm hay thậm chí triệt tiêu động cơ sản xuất, và vì vậy làm giảm tổng thu nhập và tài sản của quốc gia.

Cách duy nhất để tránh được kết cục này (điều mà những người ủng hộ chi tiêu chính phủ luôn giả định) là những người nắm quyền lực chính trị sẽ chỉ tiêu tiền vào những thời kỳ mà, nếu không có sự tác động của chi tiêu chính phủ, sẽ trở thành những thời kỳ khủng hoảng hoặc “giảm phát”, và sẽ nhanh chóng trả hết những khoản nợ này trong những thời kỳ mà, nếu không phải trả nợ cho các khoản chi tiêu chính phủ, sẽ là những thời kỳ kinh tế bùng nổ hoặc “lạm phát”. Song đây chỉ là chuyện giả tưởng; những người nắm quyền lực chính trị chưa bao giờ hành động như thế. Hơn nữa, những dự đoán kinh tế thường không ổn định, và sẽ luôn có sức ép chính trị khiến các chính phủ không hành động như vậy. Việc chi tiêu chính phủ nhờ các khoản vay nợ, một khi được thực hiện, thường tạo ra những lợi ích cá nhân mạnh mẽ đòi hỏi phải duy trì sự chi tiêu theo cách này trong mọi tình huống.

Nếu chính phủ không thực sự tìm cách thanh toán các khoản nợ tồn đọng một cách chân thực và phải dùng đến cách gây lạm phát, kết quả sẽ giống những gì chúng ta đã miêu tả. Một quốc gia, với tư cách là một tổng thể, không thể có được cái gì miễn phí. Lạm phát thực chất cũng là một dạng thuế, một dạng thuế đáng sợ nhất và thường tác động nặng nề nhất đến những người ít có khả năng chi trả nhất. Giả sử rằng lạm phát ảnh hưởng đồng đều đến mọi người và mọi thứ (điều không bao giờ xảy ra trên thực tế, như chúng ta đã thấy), nó sẽ giống một mức thuế doanh thu đồng đều cho tất cả mọi loại hàng hóa. Thuế suất áp dụng với bánh mì và sữa cũng cao như thuế suất áp dụng với kim cương và áo lông thú. Hay ta cũng có thể so sánh nó với một mức thuế thu nhập đồng đều trên tất cả mọi người, không ai được miễn trừ. Nó được áp dụng không chỉ với các khoản chi tiêu mà cả với tiền tiết kiệm và bảo hiểm của mỗi cá nhân. Trên thực tế, nó là một loại thuế đồng đều được áp dụng trên vốn sản xuất, không ai được miễn trừ; người nghèo cũng phải chịu thuế suất cao như người giàu.

Trên thực tế, mọi việc còn tồi tệ hơn, bởi lạm phát không và không thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người một cách đồng đều. Một số người sẽ bị thiệt hại nhiều hơn người khác. Quy ra tỷ lệ phần trăm, người nghèo thường bị tác động nặng nề hơn so với người giàu bởi họ không có các phương tiện để bảo vệ bản thân mình bằng cách mua để đầu cơ những giá trị thực có khả năng quy đổi sau này. Lạm phát là một loại thuế vượt ngoài sự kiểm soát của những người quản lý thuế. Nó tấn công một cách điên loạn theo mọi hướng. Thuế suất của lạm phát không cố định và không thể được định trước. Ngày hôm nay chúng ta biết nó là bao nhiêu, song ngày mai ta không thể biết nó sẽ tăng hay giảm thế nào; và vào ngày mai, ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày kia.

Như các loại thuế khác, lạm phát quyết định các chính sách cá nhân và kinh tế mà chúng ta buộc phải tuân theo. Nó khiến cho mọi sự khôn ngoan trở nên vô ích. Nó khuyến khích sự tiêu xài hoang tàn và phí phạm. Nó thường khiến cho việc đầu cơ đem lại nhiều lợi nhuận hơn là việc sản xuất. Nó phá tan hệ thống các tương quan kinh tế bền vững. Sự bất công tột độ của nó đẩy con người đến những giải pháp tuyệt vọng. Nó gieo các hạt giống của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Nó khiến con người đòi hỏi sự kiểm soát mang tính độc tài. Kết cục của nó thường là sự vỡ mộng cay đắng và sụp đổ.

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 23

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh