[Hiểu kinh tế qua một bài học] Chương 24: Phản bác sự tiết kiệm

[Hiểu kinh tế qua một bài học] Chương 24: Phản bác sự tiết kiệm

Chương XXIV: Phản bác sự tiết kiệm

Từ xa xưa, con người luôn đề cao sự tiết kiệm và cảnh báo những hậu quả của thói hoang tàn và lãng phí. Đây vừa là vấn đề đạo đức, vừa thể hiện tính cẩn trọng của loài người. Nhưng trong chúng ta, luôn tồn tại những kẻ tiêu xài hoang phí và những người có thể đưa ra đủ lý lẽ để biện hộ cho sự lãng phí này.

Những nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển, nhằm chống lại những luận chứng sai lầm vào thời kỳ của họ, đã chỉ ra rằng chính sách tiết kiệm – chính sách tốt nhất đối với lợi ích của các cá nhân – cũng là chính sách tốt nhất cho lợi ích của quốc gia. Họ cho rằng việc một người tiết kiệm một cách hợp lý để dự phòng cho tương lai của mình không làm tổn hại mà thực chất là làm lợi cho toàn xã hội. Song ngày nay, khi quan điểm trái ngược cổ vũ sự chi tiêu trở nên thịnh hành, sự chặt chẽ và tiết kiệm - điều được người xưa ca ngợi và các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển ủng hộ - lại một lần nữa phải gánh chịu sự phản bác vì những lý do mới.

Để có thể hiểu rõ vấn đề, tôi nghĩ rằng ví dụ minh họa tốt nhất chúng ta có thể sử dụng là ví dụ của Bastiat. Chúng ta hãy cùng tưởng tượng ra hai anh em, một người tiêu xài hoang phí, một người rất khôn ngoan và cẩn thận trong chi tiêu. Cả hai đều được hưởng tài sản thừa kế như nhau với mức lợi tức hàng năm là 50.000 đôla. Chúng ta sẽ bỏ qua vấn đề thuế thu nhập cũng như câu hỏi liệu hai anh em nên thực sự lao động kiếm sống hay trao phần lớn thu nhập của mình cho các tổ chức từ thiện, bởi những điều này không liên quan đến mục đích của chúng ta tại đây.

Anh cả Alvin là người tiêu xài hoang phí. Đây không chỉ là sở thích thất thường mà là quan điểm sống của anh ta. Alvin tin theo tư tưởng của Rodbertus, người vào giữa thế kỷ XIX đã tuyên bố rằng người theo chủ nghĩa tư bản “phải chi đến đồng xu cuối cùng trong thu nhập của mình vào những gì đem lại tiện nghi và sự xa hoa cho cuộc sống”, bởi nếu họ “muốn tiết kiệm,… hàng hóa sẽ bị tồn đọng lại, và một bộ phận lao động sẽ mất việc làm”12 . Alvin thường xuyên đi đến các câu lạc bộ đêm; ông ta cho tiền boa rất hậu hĩnh; ông ta có một cơ ngơi với vẻ bề ngoài xa hoa và rất nhiều người hầu; ông ta có vài tài xế riêng, nhưng rất ít khi sử dụng những chiếc xe mình có; ông ta có một đàn ngựa đua; ông ta có một chiếc du thuyền; ông ta đi du lịch; ông ta mua cho vợ mình hàng đống kim cương và áo lông thú; ông ta mua tặng bạn bè mình những món quà vô dụng song đắt tiền.

Để có thể chi tiêu như thế, Alvin phải dùng đến tiền tiết kiệm của mình, song vậy thì có làm sao? Nếu tiết kiệm là tội lỗi thì tiêu xài hoang phí là một ưu điểm. Và có làm gì đi nữa, ông ta cũng chỉ đơn giản là đang bù đắp lại cho những thiệt hại mà sự tiết kiệm của người em trai keo kiệt Benjamin gây ra.

Chắc không nói ta cũng biết rằng người như Alvin sẽ được lòng những cô ả đào mỏ, những người bồi bàn, những ông chủ nhà hàng, những người bán lông thú hay kim cương, những người cung cấp hàng xa xỉ phẩm đủ loại. Họ coi ông ta như một Mạnh Thường Quân; ai cũng có thể thấy rằng ông ta tạo ra nhiều việc làm và vung tiền khắp nơi.

So với anh trai mình, Benjamin ít nổi tiếng hơn nhiều. Người ta hiếm khi nhìn thấy Benjamin ở các hiệu bán đồ lông thú hay kim cương hay các câu lạc bộ đêm. Ông ta không gọi những người hầu bàn trưởng bằng tên tục của họ. Trong khi Alvin không chỉ tiêu hết khoản lợi tức 50.000 đôla hàng năm mà còn phải sử dụng tiền tiết kiệm của mình, Benjamin sống đơn giản hơn và chỉ tiêu hết khoảng 25.000 đôla một năm. Tất nhiên, những người chỉ biết phán xét dựa trên những gì mình nhìn thấy sẽ cho rằng Benjamin chỉ tạo ra một nửa lượng việc làm so với anh trai mình, và phần 25.000 đôla còn lại cũng vô ích như thể nó không hề tồn tại.

Nhưng chúng ta hãy cùng xem Benjamin thực sự làm gì với 25.000 đôla còn lại của mình. Benjamin không giữ chúng trong ví, trong ngăn kéo phòng làm việc hay trong két sắt. Ông ta sẽ gửi số tiền đó vào ngân hàng hoặc sẽ đem nó ra đầu tư. Nếu ông ta gửi tiền vào một ngân hàng thương nghiệp hay một ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng sẽ dùng khoản tiền này để cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn hoặc để mua chứng khoán. Nói cách khác, số tiền của Benjamin sẽ được đem ra đầu tư, trực tiếp hoặc gián tiếp. Lượng tiền được đầu tư sẽ được dùng để mua hoặc xây dựng vốn dưới dạng hiện vật: nhà cửa, tòa nhà văn phòng, nhà máy, tàu biển, xe tải, máy móc, v.v… Bất kỳ dự án nào trong số này cũng sẽ đưa nhiều tiền vào chu chuyển và tạo ra nhiều việc làm như khi cùng một lượng tiền đó được dùng để chi tiêu trực tiếp.

Tóm lại, trong thế giới hiện đại, “tiết kiệm” cũng là một dạng chi tiêu. Sự khác biệt thường thấy là lượng tiền tiết kiệm sẽ được chuyển cho một người nào đó để mua hay xây dựng các công cụ để tăng cường sản xuất. Xét về khả năng tạo ra việc làm, tổng sự chi tiêu và “tiết kiệm” của Benjamin cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm như chi tiêu của Alvin và cũng đưa vào chu chuyển tiền tệ một lượng tiền tương tự. Sự khác biệt chủ yếu là ai cũng có thể nhìn thấy những công việc do Alvin tạo ra, song để có thể nhận ra rằng mỗi đôla Benjamin tiết kiệm cũng tạo ra nhiều việc làm như mỗi đôla Alvin phung phí, chúng ta phải quan sát kỹ càng và cẩn thận hơn.

Nhiều năm trôi qua. Alvin lâm vào cảnh phá sản. Không ai còn nhìn thấy ông ta ở những câu lạc bộ đêm hay những cửa hàng thời thượng nữa, và những người trước đây phục vụ hay bán hàng cho ông ta giờ coi ông ta như kẻ ngốc. Ông ta phải viết thư xin tiền Benjamin. Còn Benjamin, người vẫn giữ một mức độ chi tiêu và tiết kiệm như vậy, không chỉ cung cấp nhiều việc làm hơn trước đây (bởi thu nhập của ông ta đã tăng lên thông qua đầu tư) mà còn tạo ra những công việc có năng suất cao và được trả lương hậu hơn. Của cải và thu nhập của Benjamin trở nên lớn hơn. Tóm lại, ông ta đã góp phần nâng cao khả năng sản xuất của quốc gia, điều Alvin không hề làm.

Rất nhiều luận chứng sai lầm về sự tiết kiệm đã xuất hiện trong những năm gần đây, và ví dụ về hai anh em trai của chúng ta không thể là câu trả lời cho tất cả những luận chứng này. Chúng ta cần phải thảo luận thêm về chúng. Rất nhiều luận chứng xuất phát từ những sai lầm cơ bản đến mức khó tin, đặc biệt là khi chúng xuất hiện trong tác phẩm của những nhà kinh tế học được nhiều người biết đến. Ví dụ: tiết kiệm đôi khi chỉ được hiểu là sự tích trữ tiền và đôi khi được hiểu là đầu tư; không có sự phân biệt rõ ràng và nhất quán nào giữa hai ý nghĩa này.

Việc tích trữ lượng tiền trao tay, nếu được thực hiện một cách không hợp lý, bất cẩn và với quy mô lớn, sẽ gây hại trong phần lớn các trường hợp kinh tế. Song loại hình tích trữ này rất hiếm xảy ra. Một hiện tượng tương tự, song phải được phân biệt rõ ràng, là điều thường xảy ra sau khi có sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh. Cả chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư đều bị giảm. Người tiêu dùng giảm chi tiêu một phần bởi sợ rằng mình có thể bị mất việc làm, và vì thế họ muốn tiết kiệm những nguồn tài chính của mình. Họ giảm chi tiêu không phải vì nhu cầu chi tiêu của họ giảm mà bởi muốn đảm bảo rằng họ sẽ cầm cự được lâu hơn nếu bị mất việc làm.

Song người tiêu dùng cũng có thể giảm chi tiêu vì một lý do khác. Có thể giá hàng hóa đang giảm, và người tiêu dùng nghĩ rằng nó còn có thể tiếp tục giảm nữa. Nếu họ tạm thời ngừng chi tiêu, họ sẽ có thể mua được nhiều hàng hóa hơn sau này với cùng một lượng tiền. Họ không muốn chuyển vốn của mình thành hàng hóa là những thứ đang mất giá trị mà muốn giữ nó ở dạng tiền tệ là thứ đang tăng giá (xét một cách tương đối).

Chính suy nghĩ này cũng khiến họ ngừng đầu tư. Họ bị mất niềm tin vào khả năng sinh lời của các doanh nghiệp; hoặc họ cho rằng nếu họ đợi một vài tháng nữa, họ có thể mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn. Chúng ta có thể coi họ là những người từ chối giữ hàng hóa (là thứ có thể hạ giá) hoặc những người giữ tiền (để chờ tăng giá).

Gọi hành động từ chối mua mang tính tạm thời này là “tiết kiệm” là không chính xác. Nó có các động cơ khác so với tiết kiệm thông thường. Và ta sẽ sai lầm nghiêm trọng hơn nữa nếu cho rằng kiểu “tiết kiệm” này là nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Thực tế hoàn toàn ngược lại: nó là hậu quả của khủng hoảng.

Đúng là việc từ chối mua có thể kéo dài cuộc khủng hoảng hoặc khiến nó trở nên nặng nề hơn. Khi có sự can thiệp thất thường của chính phủ và khi các doanh nghiệp không biết chính phủ sẽ tiếp tục làm gì, mọi người đều cảm thấy bất ổn. Các công ty và cá nhân sẽ giữ tiền lại trong ngân hàng. Họ sẽ để ra các khoản dự phòng lớn hơn để đề phòng trường hợp bất trắc. Ta có thể nghĩ việc tích trữ tiền mặt này là nguyên nhân gây ra sự suy thoái tiếp diễn trong hoạt động kinh tế, song nguyên nhân thực là sự bất ổn do các chính sách của chính phủ gây ra. Lượng tiền mặt lớn được các công ty hoặc cá nhân giữ lại chỉ là một mắt xích trong chuỗi các hậu quả của sự bất ổn đó. Nói rằng sự “tiết kiệm quá mức” là nguyên nhân gây ra sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh cũng giống như nói rằng việc giá táo giảm không phải do mùa táo bội thu mà do người tiêu dùng không chịu trả giá cao hơn khi mua táo.

Song một khi người ta đã quyết định phê phán hay chế nhạo một điều gì đó, bất kỳ quan điểm nào chống lại điều đó, cho dù có thiếu logic đến đâu, cũng sẽ được chấp nhận. Họ nói rằng nhiều ngành sản xuất hàng tiêu dùng được xây dựng dựa trên một mức cầu nhất định, và nếu mọi người bắt đầu chuyển sang tiết kiệm, mức cầu trên thị trường sẽ xuống thấp hơn mức cầu cần thiết để duy trì ngành sản xuất và gây ra khủng hoảng. Quan điểm này dựa chủ yếu trên sai lầm mà chúng ta đã xem xét: họ quên mất rằng lượng tiền được tiết kiệm đối với hàng tiêu dùng sẽ trở thành vốn sản xuất, và “tiết kiệm” không nhất thiết khiến tổng chi tiêu giảm đi. Điều duy nhất đúng trong lý luận này là bất kỳ sự biến động đột ngột nào cũng sẽ gây ra tâm lý bất ổn. Sự bất ổn cũng sẽ xuất hiện nếu người tiêu dùng bất thình lình chuyển nhu cầu của mình từ một loại tiêu dùng sang một loại khác. Tình hình thậm chí sẽ còn bất ổn hơn nữa nếu những người tiết kiệm (và đầu tư vào vốn sản xuất) bất thình lình chuyển sang tiêu dùng hàng hóa.

Vẫn có một quan điểm nữa phản đối sự tiết kiệm: đây là một việc làm vô cùng ngốc nghếch. Họ cười nhạo luận điểm phổ biến của thế kỷ XIX cho rằng nhân loại, thông qua việc tiết kiệm, có thể tạo ra một cái bánh ngày càng lớn hơn mà không bao giờ ăn nó. Bản thân hình ảnh này đã rất ngây ngô và trẻ con. Điều này có lẽ sẽ được xử lý tốt nhất nếu chúng ta đưa ra một một sự miêu tả chính xác hơn về những điều xảy ra trên thực tế.

Chúng ta hãy cùng hình dung một quốc gia với mức tiết kiệm là 20% tổng sản phẩm hàng năm. Con số này lớn hơn nhiều so với mức tiết kiệm ròng trong lịch sử của nước Mỹ13 , song nó là một con số chẵn dễ tính toán và phù hợp với các quan điểm cho rằng chúng ta đang “tiết kiệm quá mức”.

Nhờ lượng tiết kiệm và đầu tư hàng năm đó, tổng sản phẩm quốc gia sẽ tăng hàng năm. (Để tập trung vào vấn đề này, chúng ta sẽ tạm bỏ qua những sự bùng nổ hay suy thoái kinh tế cùng các dao động khác.) Hãy giả sử rằng mức tăng tổng sản phẩm hàng năm là 2,5 điểm trên thang 100 (chúng ta sẽ sử dụng hệ thống điểm thay vì tỷ lệ phần trăm để đơn giản hóa sự tính toán). Khi đó, chúng ta sẽ có bảng sau thể hiện mối tương quan giữa hàng tiêu dùng và vốn sản xuất trong vòng 11 năm.

Tất nhiên, ta phải giả định rằng quá trình tiết kiệm và đầu tư đã tồn tại sẵn với cùng một tốc độ.

Điều đầu tiên ta nhận thấy từ bảng này là tổng sản phẩm tăng đều hàng năm nhờ sự tiết kiệm, và sẽ không tăng nếu không có tiết kiệm. (Cũng có trường hợp khi các loại máy móc và phương tiện sản xuất mới hoặc được cải tiến, với giá trị ngang bằng các loại máy móc và phương tiện sản xuất cũ, sẽ thay thế các loại máy móc và phương tiện sản xuất cũ và làm tăng tổng sản phẩm quốc dân; thế nhưng lượng tăng này sẽ không đáng kể, và điều này cũng có nghĩa là đã có những lượng đầu tư từ trước vào các máy móc và phương tiện hiện tại.) Hàng năm, lượng tiền tiết kiệm sẽ được sử dụng để tăng số lượng và chất lượng của các máy móc hiện tại, và nhờ đó tăng tổng sản lượng của quốc gia. Đúng là mỗi năm ta sẽ có một “chiếc bánh” lớn hơn. Đúng là mỗi năm, không phải toàn bộ chiếc bánh sản xuất ra sẽ được tiêu dùng hết. Song điều này hoàn toàn không phải do một sự hạn chế bất thường nào đó, bởi mỗi năm, một chiếc bánh lớn hơn sẽ được tiêu dùng, cho đến năm thứ mười một (trong ví dụ của chúng ta), khi chỉ riêng chiếc bánh của người tiêu dùng đã lớn bằng cả chiếc bánh của người tiêu dùng lẫn chiếc bánh của các nhà đầu tư vào năm đầu tiên. Hơn nữa, tổng số vốn được đầu tư vào sản xuất, hay khả năng sản xuất hàng hóa, đã tăng lên 25% so với năm đầu tiên.

Chúng ta hãy cùng xem xét một số điều nữa. Việc 20% tổng thu nhập quốc dân hàng năm được tiết kiệm hoàn toàn không ảnh hưởng đến các ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Nếu trong năm thứ nhất họ chỉ bán được 80 đơn vị sản phẩm (và không có sự tăng giá do có nhu cầu chưa được thỏa mãn), chắc chắn họ sẽ không đưa ra kế hoạch sản xuất nhằm vào tạo ra 100 đơn vị sản phẩm vào năm thứ hai. Nói cách khác, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng đã được lập kế hoạch dựa trên giả định rằng mức tiết kiệm từ trước đó sẽ tiếp tục được duy trì. Chỉ trong trường hợp lượng tiết kiệm tăng một cách đáng kể và bất ngờ, những người sản xuất hàng tiêu dùng mới bị động và không bán hết được sản phẩm của mình.

Tình trạng bất ổn này, như chúng ta đã thấy, cũng sẽ xảy ra trong các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ sản xuất nếu lượng tiết kiệm giảm mạnh và đột ngột. Nếu những lượng tiền trước đây được tiết kiệm giờ được sủ dụng để mua hàng tiêu dùng, lượng việc làm sẽ không tăng lên, song giá hàng tiêu dùng sẽ tăng và giá hàng hóa phục vụ cho sản xuất sẽ giảm. Tác động đầu tiên của nó, xét về tổng quan, sẽ là những thay đổi về cơ cấu việc làm và việc tạm thời giảm lượng việc làm trong các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ cho sản xuất. Tác động dài hạn của nó sẽ là việc giảm sản xuất xuống thấp hơn so với bình thường.

Những người phản đối tiết kiệm vẫn không chịu ngừng lại. Họ bắt đầu bằng việc phân biệt giữa “tiết kiệm” và “đầu tư”, nhưng rồi họ sẽ coi chúng là hai biến số hoàn toàn độc lập với nhau, như thể chỉ do tình cờ mà chúng bằng nhau. Những người này vẽ nên một bức tranh ảm đạm: một bên là những người đang tiếp tục tiết kiệm một cách vô nghĩa và xuẩn ngốc; một bên là những “cơ hội đầu tư” ít ỏi không nhận được khoản tiền tiết kiệm này. Kết quả là sự đình trệ. Họ tuyên bố rằng giải pháp duy nhất là chính phủ phải tịch thu những khoản tiết kiệm xuẩn ngốc và có hại đó, và tạo ra các dự án của mình, cho dù chúng có thể là những dự án vô ích như đào chiến hào hay xây kim tự tháp, để có thể dùng hết số tiền đó và tạo ra việc làm.

Trong bức tranh và giải pháp này, có nhiều điều sai đến mức chúng ta chỉ cần chỉ ra một số luận chứng sai lầm chính. Tiết kiệm sẽ chỉ lớn hơn đầu tư bằng lượng tiền mặt được tích trữ14. Trong xã hội công nghiệp hóa ngày nay, rất ít người còn giấu tiền trong tất hay dưới đệm. Ở mức độ mà nó tồn tại, lượng tiền nhỏ được tích trữ này đã được thể hiện trong kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp và trong mức giá. Nó thậm chí thường không mang tính tích lũy: những khoản tích trữ này, khi được đem ra (ví dụ như trong trường hợp những người ở ẩn lập dị chết đi và của cải tích trữ của họ được tìm thấy và phân phát), có lẽ cũng đủ đề bù lại những khoản tích trữ mới. Trên thực tế, toàn bộ lượng tiền mặt được tích trữ là một con số không có tác động gì đáng kể đối với các hoạt động kinh doanh.

Như ta đã thấy, nếu tiền được giữ trong ngân hàng kinh doanh hay ngân hàng tiết kiệm, các ngân hàng sẽ luôn sẵn sàng cho vay và đầu tư số tiền đó. Họ sẽ không để tiền nhàn rỗi. Điều duy nhất khiến mọi người tăng lượng tiền mặt tích trữ hoặc các ngân hàng tăng lượng tiền nhàn rỗi và chịu mất lợi tức là khi họ sợ rằng giá của hàng hóa sẽ giảm, hoặc khi các ngân hàng cho rằng rủi ro đối với vốn của họ là quá lớn. Điều này nghĩa là các dấu hiệu của sự khủng hoảng đã xuất hiện và tạo ra hiện tượng tích trữ tiền, chứ không phải là việc tích trữ tiền tạo ra khủng hoảng.

Ngoài lượng tiền tích trữ không đáng kể (và ngay cả trường hợp ngoại lệ này cũng có thể được coi là một dạng “đầu tư” trực tiếp vào tiền tệ), tiết kiệm và đầu tư luôn được giữ ở mức cân bằng, giống như cách cung và cầu của một loại hàng hóa được giữ ở mức cân bằng, bởi chúng ta có thể định nghĩa tiết kiệm và đầu tư như là cung và cầu cho vốn sản xuất mới. Và giống như cách cung và cầu của bất kỳ loại hàng hóa nào khác được giữ trong trạng thái cân bằng thông qua mức giá, cung và cầu của vốn sản xuất được cân bằng thông qua lãi suất. Lãi suất chỉ là một cách đặc biệt để gọi giá của vốn sản xuất cho vay. Nó cũng là một loại giá, như bất kỳ loại giá nào khác.

Do có nhiều luận chứng sai lầm và những chính sách có hại của chính phủ lại dựa trên chúng, vấn đề này trong những năm gần đây đã bị nhầm lẫn một cách thảm hại đến mức nhiều người thực sự hết hy vọng có thể quay trở lại với các quan điểm và luận chứng đúng đắn. Mọi người thường sợ hãi thái quá mức lãi suất “quá cao”. Họ lý luận rằng nếu lãi suất quá cao, doanh nghiệp sẽ không còn có lãi khi vay vốn để đầu tư vào các nhà máy và thiết bị mới. Luận chứng này có tính thuyết phục đến mức các chính phủ ở khắp nơi trong những thập kỷ gần đây đã theo đuổi chính sách duy trì lãi suất thấp. Song quan điểm, do quá quan tâm đến lượng cầu ngày càng tăng đối với vốn sản xuất, đã bỏ qua tác động của các chính sách đối với nguồn cung của vốn sản xuất. Một lần nữa, ta lại có một ví dụ về sai lầm của việc chỉ xem xét các tác động của một chính sách đối với một nhóm cá thể nhất định mà quên mất các tác động đối với những người khác.

Nếu lãi suất bị giữ ở mức quá thấp so với mức rủi ro mà vốn cho vay phải chịu, hoạt động tiết kiệm và cho vay sẽ giảm. Những người ủng hộ chính sách lãi suất thấp cho rằng việc tiết kiệm sẽ được duy trì và không bị tác động bởi mức lãi suất, bởi những người giàu có đã thỏa mãn mọi nhu cầu của mình và không có nhu cầu tiêu thêm tiền vào việc gì khác. Tuy nhiên, họ không chỉ ra được một cách chính xác ở mức thu nhập cá nhân nào một người sẽ luôn tiết kiệm một khoản cố định mà không xét đến mức lãi suất và rủi ro mà người đó phải chịu với vốn cho vay của mình.

Mặc dù tính theo tỷ lệ, lượng tiết kiệm của những người rất giàu chắc chắn ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất hơn so với lượng tiết kiệm của những người khá giả, nhưng trên thực tế, lượng tiết kiệm của bất kỳ ai cũng sẽ bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó bởi lãi suất. Việc nói rằng lượng tiết kiệm thật sẽ không giảm khi mức lãi suất giảm một cách đáng kể cũng giống như khi ta nói tổng sản lượng đường sẽ không bị giảm khi giá của nó giảm mạnh, bởi những nhà sản xuất đường với hiệu suất cao và mức chi phí thấp vẫn sẽ duy trì sản lượng cũ. Quan điểm này quên mất rằng phần lớn những người tiết kiệm là những người có mức thu nhập biên nhỏ. Vì vậy, sự thay đổi mức giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiết kiệm của họ.

Xét về lâu dài, tác động của việc giữ lãi suất thấp một cách giả tạo sẽ giống như tác động của việc giữ bất kỳ một mức giá nào thấp hơn mức giá tự nhiên trên thị trường. Nó sẽ làm tăng cầu và giảm cung. Nó sẽ làm tăng nhu cầu vốn sản xuất và giảm nguồn vốn cho vay. Nó sẽ gây ra những lệch lạc về kinh tế. Đúng là việc giảm mức lãi suất một cách giả tạo sẽ làm tăng lượng vốn vay. Trên thực tế, nó thường có xu hướng làm tăng các giao dịch mang nặng tính đầu cơ, vốn chỉ tồn tại trong bối cảnh lãi suất bị giữ thấp hơn mức của thị trường. Về nguồn cung, việc giảm lãi suất một cách giả tạo sẽ ngăn cản sự tiết kiệm và đầu tư thông thường. Nó làm giảm lượng vốn sản xuất được tích lũy. Nó làm chậm lại sự tăng năng suất, hay tốc độ “tăng trưởng kinh tế”, mà những người theo tư tưởng “tiến bộ” luôn mong đạt được.

Trên thực tế, lãi suất chỉ có thể được giữ ở mức thấp bằng cách liên tục cung cấp thêm các khoản tiền tệ hay tín dụng ngân hàng để thay cho tiết kiệm thực sự. Điều này có thể tạo ra ảo tưởng rằng ta vẫn đang có thêm vốn, giống như việc pha thêm nước vào sữa khiến ta nghĩ rằng mình có nhiều sữa hơn. Nhưng đây là chính sách duy trì lạm phát. Nó là quy trình tích lũy rủi ro và hiểm họa cho nền kinh tế. Lãi suất sẽ tăng và khủng hoảng sẽ xuất hiện khi lạm phát bị đảo ngược hoặc ngừng lại, hay thậm chí khi nó tiếp tục ở một mức độ thấp hơn.

Chúng ta cũng cần chỉ ra rằng mặc dù lúc ban đầu, việc cung cấp thêm tiền tệ và tín dụng ngân hàng có thể tạm thời khiến cho mức lãi suất giảm thấp hơn, nhưng việc tiếp tục sử dụng công cụ này về lâu dài sẽ làm tăng lãi suất. Điều này xảy ra vì việc cung cấp thêm tiền tệ thường có xu hướng làm giảm sức mua của tiền tệ. Những người cho vay nhận ra rằng lượng tiền họ cho vay sẽ bị mất giá sau một năm (khi họ nhận lại nó). Vì vậy, họ sẽ cộng thêm vào mức lãi suất thông thường một khoản phí để bù cho lượng sức mua bị giảm đi của lượng tiền cho vay. Khoản phí này có thể cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ lạm phát mà họ dự đoán. Vì lý do này, hối phiếu kho bạc của Anh vào năm 1976 có mức lãi suất hàng năm tăng đến 14%; công trái của chính phủ Italy vào năm 1977 có mức lợi tức là 16%; và mức lãi suất của ngân hàng trung ương Chile với các ngân hàng khác tăng vọt lên 75% vào năm 1974. Nói tóm lại, chính sách lãi suất thấp cuối cùng sẽ gây ra những biến động lớn hơn nhiều trong hoạt động kinh doanh so với những gì có thể xảy ra bởi mức lãi suất thị trường cao hơn, điều mà các chính sách này đang tìm cách xử lý.

Nếu chính phủ không can thiệp vào mức lãi suất thông qua các chính sách gây lạm phát, lượng tiết kiệm được tăng lên sẽ tự tạo ra nhu cầu cho nó bằng cách giảm lãi suất một cách tự nhiên. Lượng tiền lớn hơn đang tìm cơ hội đầu tư sẽ khiến những người chủ tiền phải chấp nhận mức lãi suất thấp hơn. Song mức lãi suất thấp hơn cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp sẽ có thể vay vốn, bởi lợi nhuận mà họ có thể thu được nhờ các thiết bị hay nhà máy mới thường cao hơn mức lãi suất mà họ phải chịu trên lượng vốn vay.

Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét luận chứng sai lầm cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến về tiết kiệm. Quan điểm này cho rằng lượng vốn sản xuất mới chỉ có thể được tiếp nhận đến một giới hạn cố định, hay thậm chí cho rằng chúng ta đã đạt đến mức giới hạn này của việc tiếp nhận thêm vốn. Thật khó tin là ai đó có thể tin được điều này, ngay cả những người không biết gì về kinh tế học, chứ đừng nói tới những người được coi là các nhà kinh tế học được đào tạo. Phần lớn tổng tài sản của thế giới hiện đại, hầu như tất cả những gì phân biệt thế giới của chúng ta với thế giới của thời kỳ tiền công nghiệp vào thế kỷ 17, chính là vốn được tích lũy.

Một phần của lượng vốn này bao gồm những thứ có thể được gọi là hàng tiêu dùng lâu bền – xe hơi, tủ lạnh, đồ gỗ, trường học, thư viện, bệnh viện, và đặt biệt là nhà thuộc sở hữu tư nhân. Trong lịch sử thế giới, chúng ta chưa bao giờ có đủ những thứ này. Ngay cả nếu có đủ về mặt số lượng, việc tiếp tục tăng về chất lượng là có thể, cần thiết, và không có giới hạn.

Phần còn lại của lượng vốn này bao gồm những thứ mà ta có thể thực sự gọi là vốn. Nó bao gồm các công cụ lao động, tất cả mọi thứ từ những chiếc rìu, dao hay lưỡi cày thô sơ nhất cho đến những máy móc tối tân nhất, những máy phát điện và máy gia tốc tuyệt vời nhất, hay những nhà máy với trang thiết bị hiện đại nhất. Xét về số lượng và đặc biệt là về chất lượng, khả năng và sự cần thiết của việc mở rộng lượng vốn này là vô hạn. Chỉ khi nào đất nước lạc hậu nhất trên thế giới này cũng được trang bị về kỹ thuật hiện đại như đất nước phát triển nhất, khi những nhà máy có hiệu năng thấp nhất cũng ngang hàng với những nhà máy có các trang thiết bị tối tân và hiện đại nhất, khi phần lớn các công cụ sản xuất đã được hoàn thiện đến mức con người không thể cải tiến chúng thêm nữa, chỉ lúc đó, ta mới có lượng vốn “dư thừa”. Chừng nào những điều này chưa xảy ra, chắc chắn vẫn còn có chỗ để tiếp nhận thêm vốn.

Song lượng vốn tăng thêm này có thể được “tiếp nhận” bằng cách nào? Làm sao có thể “chi trả” cho nó? Nếu nó được tiết kiệm, nó sẽ tự tiếp nhận và chi trả. Các nhà sản xuất đầu tư vào hàng hóa phục vụ sản xuất mới - họ mua các công cụ mới và tốt hơn - bởi các công cụ này giảm giá thành sản xuất. Chúng hoặc sẽ tạo ra các loại hàng hóa mà con người không có sự hỗ trợ của máy móc không thể tạo ra (chúng bao gồm phần lớn hàng hóa xung quanh chúng ta – sách, máy đánh chữ, xe hơi, đầu kéo xe lửa, cầu treo, v.v…), hoặc sẽ tăng mạnh lượng hàng hóa có thể sản xuất ra, hoặc (đây là những cách khác nhau để nói về cùng một điều) sẽ giảm chi phí sản xuất trên từng đơn vị hàng hóa. Bởi chi phí sản xuất có thể giảm không có giới hạn – cho tới khi mọi thứ có thể được sản xuất với chi phí bằng không (0) - lượng vốn mới có thể được tiếp nhận cũng không có giới hạn.

Việc giảm dần đều chi phí sản xuất tính trên đơn vị sản phẩm nhờ việc tăng vốn sản xuất sẽ đạt được một trong hai, hoặc cả hai, điều sau. Nó sẽ giảm chi phí của hàng hóa đối với người tiêu dùng, và nó sẽ tăng lương của người lao động được sử dụng các thiết bị mới bởi nó tăng năng suất của người lao động đó. Vì vậy, một thiết bị sản xuất mới sẽ đem lại lợi ích cho cả người lao động trực tiếp sử dụng nó và một số lượng lớn người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, thiết bị mới hoặc sẽ giúp họ, với cùng một lượng tiền, có được hàng hóa với số lượng nhiều hơn hoặc chất lượng cao hơn, hoặc nó sẽ tăng thu nhập thật của họ. Hai điều này thực ra là một. Đối với người lao động sử dụng thiết bị mới, mức lương thật của họ sẽ được tăng lên bằng hai cách: qua sức mua và qua lượng lương quy ra tiền. Một ví dụ điển hình là ngành sản xuất xe hơi. Ngành sản xuất xe hơi Mỹ trả mức lương cao nhất trên thế giới, và một trong những mức lương cao nhất tại Mỹ. Thế nhưng tới tận năm 1960, các nhà sản xuất xe hơi của Mỹ vẫn có thể bán sản phẩm với giá thấp nhất trên thế giới bởi chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm của họ nhỏ hơn. Bí quyết của điều này là mức độ đầu tư vốn trong ngành sản xuất xe hơi của Mỹ, tính trên bình quân mỗi người lao động và mỗi chiếc xe hơi được sản xuất ra, cao nhất thế giới.

Vậy mà vẫn có những người nghĩ rằng chúng ta đã chạm vào giới hạn của quá trình này15 và những người khác cho rằng việc chúng ta tiếp tục tiết kiệm và tăng lượng vốn tích lũy của mình là xuẩn ngốc, ngay cả nếu chúng ta chưa chạm đến mức giới hạn đó.

Sau những gì chúng ta đã phân tích, chắc ta có thể dễ dàng nhận ra ai mới thực sự là kẻ xuẩn ngốc.

(Đúng là trong những năm gần đây, nước Mỹ đã đánh mất vị trí dẫn đầu nền kinh tế thế giới. Song điều này là bởi các chính sách chống lại chủ nghĩa tư bản của chính phủ chứ không phải do chúng ta đã đạt đến độ “chín muồi” về kinh tế.)

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 24

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh