“Mọi người đều phải có việc làm”

“Mọi người đều phải có việc làm”

Chương X: “Mọi người đều phải có việc làm”

Mục tiêu kinh tế của bất kỳ một quốc gia hay cá nhân nào đều là nhằm đạt được những kết quả lớn nhất với một nỗ lực nhỏ nhất. Tiến bộ về kinh tế của nhân loại chính là sự tăng sản lượng với cùng một lực lượng lao động. Chính vì lý do này, con người bắt đầu dùng lừa thay vì đôi vai của chính mình để gánh đồ và tiến đến việc chế tạo ra bánh xe và xe kéo, đường sắt và xe tải. Chính vì lý do này, con người đã dùng sự khôn ngoan của mình để tạo ra hàng trăm ngàn sáng chế nhằm tiết kiệm sức lao động.

Tất cả những điều này đều hết sức cơ bản đến mức chắc ta phải đỏ mặt vì xấu hổ khi phải nhắc lại chúng nếu chúng không thường xuyên bị lãng quên bởi những người chuyên tạo ra và phổ biến các khẩu hiệu kinh tế cho xã hội. Khi nhìn từ phương diện quốc gia, nguyên tắc đầu tiên này có nghĩa là mục tiêu thực sự của chúng ta là tối đa hóa sản xuất. Khi ta nhằm vào điều đó, việc tuyển dụng toàn bộ lực lượng lao động - nghĩa là không có người thất nghiệp không tự nguyện - sẽ trở thành một hệ quả tất yếu. Nhưng sản xuất mới là mục đích; sự tuyển dụng chỉ là phương tiện. Chúng ta không thể duy trì sản xuất ở tình trạng tối ưu nếu không tuyển dụng được toàn bộ lực lượng lao động. Điều ngược lại không đúng: chúng ta có thể dễ dàng đạt được việc tuyển dụng toàn bộ lực lượng lao động mà không đạt được sản xuất tối ưu.

Những bộ lạc nguyên thủy không có quần áo và luôn thiếu thốn đồ ăn và chỗ ẩn náu, song họ không biết đến tình trạng thất nghiệp. Trung Quốc và Ấn Độ nghèo hơn chúng ta rất nhiều, song vấn đề chính của họ là các phương pháp sản xuất cổ xưa và thô sơ (điều này là nguyên nhân và hậu quả của tình trạng thiếu vốn sản xuất) chứ không phải là nạn thất nghiệp. Không có gì dễ đạt được hơn là việc tuyển dụng toàn bộ lực lượng lao động nếu nó được xem xét như một mục tiêu riêng lẻ chứ không trong mối tổng hòa với mục tiêu tối ưu hóa sản xuất. Hitler đã tuyển dụng toàn bộ lực lượng lao động với chương trình sản xuất quân trang khổng lồ của mình. Thế Chiến II đã tạo ra tình trạng tuyển dụng toàn bộ lao động trong mọi quốc gia có liên quan. Những người bị cưỡng bức lao động ở Đức cũng được huy động toàn bộ. Các nhà tù và băng nhóm được huy động toàn bộ. Sự cưỡng bức luôn có thể khiến mọi lao động được tuyển dụng.

Thế nhưng tại quốc hội, các nhà làm luật của chúng ta trình ra các điều luật về Tuyển dụng toàn bộ chứ không phải về Sản xuất tối ưu. Ngay cả các ủy ban của các doanh nhân cũng đề nghị thành lập “một ban đặc nhiệm của Tổng thống về Tuyển dụng toàn bộ” chứ không phải về Sản xuất tối ưu hay về Tuyển dụng toàn bộ và Sản xuất tối ưu. Ở đâu ta cũng thấy cái thực sự là phương tiện bị biến thành mục tiêu, trong khi cái đích thực là mục tiêu lại bị bỏ quên.

Nhiều người thảo luận về lương và sự tuyển dụng như thể chúng không có liên quan gì đến năng suất và sản lượng. Với quan điểm cho rằng lượng công việc cần được làm là cố định, họ kết luận rằng tuần làm việc 30 giờ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn và vì thế tốt hơn so với tuần làm việc 40 giờ. Hàng trăm thông lệ của các công đoàn nhằm tạo việc làm một cách không hợp lý vẫn được mọi người chấp nhận. Khi Petrillo đe dọa sẽ đóng cửa một đài phát thanh trừ phi đài phát thanh đó chịu tuyển gấp đôi số nhạc sĩ cần thiết, ông ta được nhiều người trong công chúng ủng hộ bởi họ cho rằng ông ta cũng chỉ đang nhằm mục đích tạo thêm việc làm. Khi chúng ta tạo ra chương trình WPA (Work Projects Administration: Chương trình nhằm tạo việc làm cho những người có kỹ năng chuyên môn song bị thất nghiệp trong thời kỳ Đại khủng hoảng, được đưa ra vào năm 1935), trong đó các nhà quản lý tạo ra các dự án tuyển dụng lượng lao động nhiều nhất có thể cho một công việc nhất định (có nghĩa là giảm tối đa tính năng suất của mỗi lao động), nhiều người đã cho rằng đây là một sáng kiến tuyệt vời.

Nếu ta được chọn - điều không xảy ra trong thực tế - thì việc đạt được sản xuất tối ưu với một phần dân cư không có việc làm và được hưởng trợ cấp xã hội sẽ tốt hơn nhiều so với việc cố gắng tuyển dụng toàn bộ lực lượng lao động thông qua những chương trình tạo việc làm được trá hình, khiến cho sản xuất bị rối loạn bởi các chương trình này. Sự tiến bộ của văn minh nhân loại luôn đồng nghĩa với việc giảm bớt chứ không phải tăng thêm lao động. Chính vì chúng ta đã trở nên một quốc gia ngày càng giàu có mà chúng ta đã có thể xóa bỏ lao động trẻ em, giúp người già cũng như hàng triệu phụ nữ không cần phải làm việc để kiếm sống. Chỉ một bộ phận nhỏ trong dân số Mỹ, nhỏ hơn nhiều so với tại Trung Quốc và Nga, cần phải lao động. Câu hỏi quan trọng là trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ sản xuất được bao nhiêu và kết quả là mức sống của chúng ta sẽ như thế nào, chứ không phải là chúng ta sẽ tạo ra được bao nhiêu triệu việc làm ở Mỹ. Vấn đề phân phối, điều đang được nhiều người quan tâm ngày nay, rốt cuộc sẽ được giải quyết dễ dàng hơn khi ta có nhiều thứ hơn để phân phối.

Chúng ta có thể tư duy một cách rõ ràng hơn nếu chúng ta biết tập trung vào điều quan trọng: những chính sách sẽ giúp tối ưu hóa nền sản xuất.

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 10

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh