[Hiểu kinh tế qua một bài học] Chương 26: Xem xét lại bài học sau 30 năm

[Hiểu kinh tế qua một bài học] Chương 26: Xem xét lại bài học sau 30 năm

Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1946. Khi tôi viết những dòng này, 32 năm đã trôi qua. Bài học mà chúng ta đã cùng tìm hiểu trong những chương trước đã và đang được học và áp dụng như thế nào trong thời đại này?

Nếu nói đến các chính trị gia hay những người chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi các chính sách của chính phủ, ta sẽ thấy rằng họ hoàn toàn không học được gì. Ngược lại, các chính sách được phân tích trong các chương trước còn được áp dụng nhiều và rộng rãi hơn so với khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên, không chỉ tại Mỹ mà tại tất cả các quốc gia trên thế giới.

Chúng ta có thể chọn ví dụ nổi bật nhất: lạm phát. Đây không chỉ là một chính sách với mục đích riêng của nó mà cũng là kết quả tất yếu của phần lớn các chính sách mang tính can thiệp của chính phủ. Ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới, nó đã trở thành biểu tượng cho sự can thiệp của chính phủ.

Ấn bản năm 1946 của cuốn sách này đã giải thích các hậu quả của lạm phát, nhưng mức lạm phát trong giai đoạn đó vẫn còn khá nhẹ. Mặc dù vào năm 1926, tổng chi tiêu của chính phủ liên bang là gần 3 tỷ USD và có thặng dư, vào năm tài khóa 1946, mức chi tiêu của chính phủ đã tăng lên đến 55 tỷ USD và thâm hụt 16 tỷ USD. Vào năm tài khóa 1947, khi chiến tranh kết thúc, tổng chi phí lại giảm xuống còn 35 tỷ USD và có thặng dư gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, vào năm tài khóa 1978, tổng chi tiêu đã tăng vọt lên đến 451 tỷ USD và thâm hụt 49 tỷ USD.

Điều này đi kèm với sự tăng vọt trong lượng tiền tệ - từ 113 tỷ USD bao gồm tiền gửi không thời hạn và tiền tệ nằm ngoài ngân hàng vào năm 1947 lên đến 357 tỷ USD vào tháng tám năm 1978. Nói cách khác, nguồn cung tiền linh hoạt trong giai đoạn này đã tăng lên hơn ba lần.

Việc tăng lượng tiền tệ đã khiến các mức giá tăng mạnh. Chỉ số giá hàng tiêu dùng vào năm 1946 dừng ở mức 58,5. Vào tháng chín năm 1978 nó là 199,3. Nói tóm lại, các mức giá cũng tăng lên hơn ba lần.

Như tôi đã nói, chính sách lạm phát được áp dụng một phần để phục vụ các mục tiêu của chính nó. Hơn 40 năm sau khi cuốn General Theory (Lý thuyết chung) của John Maynard Keynes được xuất bản và hơn 20 năm sau khi các quan điểm trong cuốn sách này đã hoàn toàn bị bác bỏ thông qua phân tích và kinh nghiệm thực tế, rất nhiều chính trị gia của chúng ta vẫn đang đề xuất việc vay nợ để chi tiêu nhằm giải quyết hoặc cải thiện tình trạng thất nghiệp trong hiện tại. Điều oái oăm là họ đưa ra những đề xuất này trong khi ngân quỹ của chính phủ liên bang trong vòng 48 năm qua thì có đến 41 năm ở trong tình trạng thâm hụt, và mức thâm hụt đó đang tăng tới con số 50 tỷ USD một năm.

Oái oăm hơn nữa, không chỉ thỏa mãn với việc theo đuổi những chính sách nguy hại này trong nước, chính phủ của chúng ta còn phê phán các nước khác, đặc biệt là Đức và Nhật Bản, là không chịu theo đuổi các chính sách “mở rộng” này. Điều này khiến chúng ta nhớ đến con cáo trong chuyện ngụ ngôn của Êdốp: khi bị mất đuôi, nó đã tìm cách thuyết phục các bạn của nó cắt đuôi của mình đi.

Một trong những hậu quả tồi tệ nhất của việc tin theo và áp dụng các tư tưởng sai lầm của Keynes là nó không chỉ dẫn đến mức lạm phát ngày càng cao hơn mà còn, một cách rất hệ thống, khiến chúng ta bỏ qua các nguyên nhân thật sự của nạn thất nghiệp như mức lương quá cao do đòi hỏi của công đoàn, các điều luật về mức lương tối thiểu, bảo hiểm quá cao và kéo dài cho người bị thất nghiệp, và các khoản trợ cấp thất nghiệp quá hào phóng.

Dù một phần là có chủ ý, lạm phát ngày hôm nay chủ yếu là hậu quả của những sự can thiệp kinh tế khác của chính phủ. Nói tóm lại, nó là hậu quả của chủ trương điều chỉnh xã hội thông qua tải phân phối, hay những chính sách nhằm thu tiền của Peter để đổ dồn cho Paul một cách bất hợp lý.

Việc theo dõi quá trình này và chỉ ra các hậu quả tai hại của nó sẽ dễ thực hiện hơn nếu được đưa ra trong một chính sách cụ thể nào đó, ví dụ như đề xuất về việc đảm bảo mức thu nhập hàng năm do các ủy ban của quốc hội đưa ra và nghiêm túc xem xét vào đầu những năm 70. Đề xuất này gợi ý việc đánh thuế cao hơn nữa vào những người có thu nhập cao hơn mức bình thường và dùng số tiền thu được để hỗ trợ những người đang sống dưới mức nghèo đói tối thiểu, để đảm bảo mức thu nhập của họ cho dù họ có muốn làm việc hay không, và để “giúp họ sống một cuộc sống có phẩm giá”. Thật khó có thể tưởng tượng ra một chương trình hay kế hoạch nào có mục tiêu rõ ràng hơn nhằm ngăn cản lao động và sản xuất và cuối cùng là làm tất cả mọi người trở nên nghèo đói.

Song thay vì chỉ đưa ra một chính sách hay biện pháp như vậy và gây ra các tác hại trong một lần, chính phủ của chúng ta lại ban hành hàng trăm điều luật nhằm thực hiện việc tái phân phối một cách không đồng đều và mang nặng tính thiên vị. Các biện pháp này có thể hoàn toàn bỏ sót một số nhóm nghèo đói song lại dành cho những nhóm khác hàng chục loại hỗ trợ và lợi ích khác nhau, ví dụ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tem phiếu thực phẩm, quyền lợi cho cựu chiến binh, hỗ trợ cho nông trang, nhà bán hay cho thuê được trợ giá, ăn trưa miễn phí tại trường học, tuyển mộ trong các công trình công cộng nhằm tạo việc làm, hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ, cùng rất nhiều loại hỗ trợ trực tiếp khác, như hỗ trợ cho người cao tuổi, cho người khiếm thị, cho người tàn tật, v.v… Chính phủ liên bang đã ước tính rằng với các chương trình này, họ đang cung cấp các khoản hỗ trợ liên bang cho hơn 4 triệu người, chưa tính đến những chương trình độc lập của các bang hay các thành phố.

Một học giả gần đây đã đếm và xem xét không dưới hơn 44 chương trình phúc lợi khác nhau. Tổng chi tiêu của chính phủ cho các chương trình này vào năm 1976 là 187 USD tỷ. Mức tăng bình quân của các chương trình này trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến năm 1976 là 25% một năm, lớn gấp 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc dân trong cùng giai đoạn. Mức chi phí dự tính cho năm 1979 là hơn 250 tỷ USD. Song song với mức tăng đến chóng mặt của chi tiêu chính phủ cho các chương trình phúc lợi này là sự phát triển của một “ngành phúc lợi quốc gia”, bao gồm 5 triệu lao động của nhà nước và tư nhân, cung cấp các khoản hỗ trợ và dịch vụ cho khoảng 50 triệu người hưởng lợi .

Hầu như tất cả các nước phương Tây khác cũng đang thực hiện một loạt chương trình tương tự, mặc dù đôi khi các chương trình của họ được kết hợp chặt chẽ và lập kế hoạch cẩn thận hơn. Và để làm được việc này, họ phải trông cậy vào việc đánh thuế ngày càng nặng nề hơn.

Chúng ta có thể xem Anh như một ví dụ. Chính phủ Anh đã và đang đánh thuế thu nhập cá nhân từ công việc lên tới 83% và từ đầu tư lên tới 98%. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi lao động và đầu tư bị ngăn trở, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất và tuyển dụng lao động. Không có cách nào ngăn cản việc tuyển lao động hiệu quả hơn bằng việc gây phiền toái và thiệt hại cho các chủ doanh nghiệp. Nhưng điều này đang trở thành chính sách của nhiều chính phủ khắp nơi trên thế giới.

Song ngay cả mức thuế cao một cách khó tin này cũng không tạo ra đủ thu nhập cho chính phủ để chi trả cho các khoản chi tiêu bạt mạng và các chương trình nhằm tái phân phối của cải trong xã hội. Ngân sách nhà nước vì vậy thường xuyên ở trong tình trạng thâm hụt ngày càng nặng nề, điều này dẫn đến sự lạm phát liên miên và ngày càng tăng cao ở hầu như mọi quốc gia trên thế giới.

Trong khoảng 30 năm vừa qua, ngân hàng Citibank của New York giữ các số liệu về lạm phát tính theo các khoảng thời gian 10 năm. Các số liệu này được tính dựa trên các chỉ số ước tính về chi phí sinh hoạt do chính các chính phủ đưa ra. Trong bản tin kinh tế tháng mười năm 1977, Citibank xuất bản kết quả thống kê về lạm phát tại 50 quốc gia khác nhau. Các con số này cho thấy rằng vào năm 1976, đồng mark Tây Đức, loại tiền tệ có kết quả khả quan nhất trong bảng thống kê, đã mất 35% sức mua của nó trong vòng 10 trước đó; đồng franc Thụy Sỹ đã mất 40%; đồng đôla Mỹ mất 43%; đồng franc Pháp mất 50%; đồng yen Nhật mất 57%; đồng krone Thụy Điển mất 47%; đồng lira Italy mất 56%, đồng bảng Anh mất 61%. Khi chúng ta nhìn vào số liệu của các nước thuộc châu Mỹ Latin, đồng cruzeiro Brazil mất 89%, và đồng peso của Uruguay, Chile và Argentina mất hơn 99% giá trị của nó.

Tuy nhiên, nếu so sánh với vài năm trước, sự mất giá của các loại tiền tệ thế giới đã trở nên nhẹ hơn. Vào năm 1977, đồng đôla Mỹ mất giá ở mức 6% một năm; đồng franc Pháp ở mức 8,6%; đồng yen Nhật ở mức 9,1%; đồng krone Thụy Điển ở mức 9,5%; đồng bảng Anh ở mức 14,5%; đồng lira Italy ở mức 15,7%; và đồng peseta Tây Ban Nha ở mức 17,5%. Còn với các nước Mỹ Latin, tiền tệ của Brazil vào năm 1977 có mức mất giá hàng năm là 30,8%; của Uruguay là 35,%; của Chile là 53,9%; và của Argentina là 65,7%.

Tôi sẽ để cho độc giả tự hình dung ra sự hỗn loạn và bất ổn mà các mức độ mất giá tiền tệ đang gây ra tại nền kinh tế của các nước này và sự đau khổ mà nhiều triệu người dân ở đó đang phải gánh chịu.

Như tôi đã chỉ ra, lạm phát, vốn là nguyên nhân gây ra nhiều đau khổ cho con người, chủ yếu là hậu quả của các chính sách can thiệp kinh tế khác của chính phủ. Tất cả những can thiệp, dù không chủ định, đều minh họa và nhấn mạnh bài học cơ bản của cuốn sách. Tất cả đều được thực hiện với niềm tin rằng chúng có thể đem lại một số lợi ích tức thời cho một nhóm cá thể đặc biệt nào đó. Những người thực hiện chính sách đã không tính đến hậu quả thứ cấp của chúng và không xem xét tác động dài hạn của chúng đối với tất cả mọi người.

Nói tóm lại, bài học mà cuốn sách này cố gắng giới thiệu cách đây hơn 30 năm dường như vẫn không có tác động gì đến các chính trị gia.

Nếu chúng ta lần lượt đi qua các chương của cuốn sách này, ta sẽ thấy mọi loại hình can thiệp của chính phủ bị phê phán trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách hiện nay đều vẫn đang được áp dụng, thường với mức độ cao hơn. Khắp mọi nơi, các chính phủ đang phải cố gắng giải quyết tình trạng thất nghiệp do các chính sách của họ gây ra bằng các công trình công cộng. Họ đang áp dụng các mức thuế nặng nề và mang tính cướp đoạt hơn bao giờ hết. Họ vẫn đang đề xuất việc tăng các khoản tín dụng. Phần lớn các chính phủ vẫn coi việc “mọi người đều có việc làm” là mục tiêu chính. Họ tiếp tục áp dụng hạn mức nhập khẩu và thuế quan bảo hộ. Họ cố gắng tăng xuất khẩu bằng cách tiếp tục đánh tụt giá tiền tệ của mình. Nông dân vẫn đang “biểu tình” để đòi “các mức giá ngang bằng”. Các chính phủ vẫn cung cấp những khoản trợ cấp đặc biệt cho các ngành sản xuất thua lỗ. Các chính phủ vẫn đang cố gắng “bình ổn” giá của một số hàng hóa đặc biệt.

Các chính phủ, người khiến cho giá hàng hóa tăng cao do việc làm mất giá tiền tệ của họ, lại đổ lỗi cho các nhà sản xuất, thương nhân, và “những kẻ theo đuổi lợi nhuận” trong việc giá hàng hóa tăng. Họ áp dụng mức giá trần đối với dầu lửa và khí đốt tự nhiên và ngăn cản việc khai thác thêm trong khi điều này đang cần hỗ trợ và khuyến khích nhất. Họ cũng có thể dựa vào việc cố định và kiểm soát các mức lương và giá chung. Họ tiếp tục kiểm soát giá cho thuê nhà, bất chấp những tổn hại to lớn mà chính sách này đã gây ra. Họ không chỉ tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu mà còn liên tục nâng cao mức lương này, bất chấp tình trạng thất nghiệp kéo dài do các mức lương này sinh ra. Họ tiếp tục phê chuẩn các đạo luật trao các đặc quyền và sự miễn trừ cho công đoàn lao động, bắt người lao động phải tham gia vào công đoàn, dung túng cho việc ngăn cản người lao động làm việc trong thời kỳ biểu tình và các hình thức cưỡng ép khác, và bắt các chủ doanh nghiệp phải “cùng thực sự đàm phán” với các công đoàn, nghĩa là phải chịu nhượng bộ ít nhất một trong những đòi hỏi của các công đoàn. Mục đích của tất cả các hành động này là để “hỗ trợ người lao động”. Song một lần nữa, kết quả lại là nạn thất nghiệp kéo dài và tổng lương giảm so với mức nó có thể đạt được trong điều kiện bình thường. 

Phần lớn các chính trị gia tiếp tục bỏ qua tầm quan trọng của lợi nhuận, ước tính quá cao mức lợi nhuận bình quân hay mức tổng lợi nhuận, phê phán việc thu lợi nhuận quá cao ở bất kỳ đâu, đưa ra các mức thuế lợi nhuận cao, và đôi khi thậm chí phản đối toàn bộ việc thu lợi nhuận.

Tư tưởng chống lại chủ nghĩa tư bản ngày càng bám rễ sâu hơn. Bất kỳ khi nào hoạt động kinh doanh bị đình trệ, các chính trị gia sẽ cho rằng nguyên chính dẫn đến điều này là “chi tiêu không đủ cho tiêu dùng”. Trong khi chính phủ khuyến khích chi tiêu cho tiêu dùng, họ cũng đưa ra vô vàn hình thức nhằm ngăn cản tiết kiệm và đầu tư. Phương pháp chính mà chính phủ sử dụng ngày nay để làm được điều này, như chúng ta đã thấy, là thông qua việc gây ra hoặc nâng cao mức lạm phát. Kết quả là ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử, không một quốc gia nào vẫn còn duy trì chuẩn tiền tệ dựa trên kim loại quý. Tất cả các quốc gia đều đang lừa gạt người dân của mình thông qua việc liên tục phát hành và đánh tụt giá tiền tệ.

Để đưa ra thêm một ví dụ nữa, chúng ta hãy xem xét một xu hướng xảy ra gần đây tại Mỹ và nhiều quốc gia khác: các chương trình xã hội, sau khi được bắt đầu, thường hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta đã nhìn qua bức tranh tổng thế, nhưng giờ ta hãy cùng xem xét kỹ càng hơn một ví dụ điển hình: bảo hiểm xã hội tại Mỹ.

Điều luật đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Liên bang được phê duyệt vào năm 1935. Điều luật này dựa trên quan điểm cho rằng vấn đề chủ yếu trong lĩnh vực phúc lợi và hỗ trợ xã hội là người lao động không tích trữ đủ trong những năm lao động của họ. Vì vậy, khi không còn khả năng lao động, họ sẽ rơi vào tình trạng túng thiếu. Chính phủ cho rằng vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách bắt buộc người lao động phải tự mua bảo hiểm cho mình và chủ doanh nghiệp phải chịu một nửa phí bảo hiểm, để rồi khi những người này hết tuổi lao động (65 tuổi trở đi), họ sẽ có lương hưu đủ để sinh sống. Theo dự định, bảo hiểm xã hội sẽ là loại hình bảo hiểm tự hạch toán tuân thủ các nguyên tắc tính toán của bảo hiểm. Một quỹ dự phòng phải được xây dựng đủ cho các yêu cầu thanh toán và các khoản chi trả đến hạn.

Trên thực tế, chương trình bảo hiểm này đã diễn ra hoàn toàn khác. Quỹ dự phòng chỉ tồn tại trên giấy tờ. Khi thu được các khoản phí bảo hiểm, chính phủ sẽ sử dụng chúng để bù đắp cho các chi phí thông thường hoặc trả các khoản tiền bảo hiểm. Từ năm 1975, các khoản tiền bảo hiểm được trả đã vượt quá các khoản phí bảo hiểm thu được.

Trong mọi phiên họp của quốc hội, các thành viên quốc hội luôn tìm ra cách để tăng cường các khoản tiền bảo hiểm, mở rộng diện bảo hiểm và tăng thêm các loại hình “bảo hiểm xã hội” mới. Một nhà bình luận đã phát biểu vài tuần sau khi loại hình bảo hiểm y tế được đưa ra vào năm 1965: “Trong 7 năm bầu cử vừa qua, năm nào loại chất làm ngọt mang tên bảo hiểm xã hội cũng được sử dụng”.

Khi lạm phát xuất hiện và gia tăng, khoản tiền bảo hiểm của bảo hiểm xã hội cũng được tăng lên không phải tương đương mà cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát. Thủ đoạn chính trị hay được dùng là tập trung việc trả các khoản tiền bảo hiểm vào hiện tại và dồn chi phí vào tương lai. Song tương lai đó sớm muộn cũng đến; cứ vài năm một lần, quốc hội lại phải tăng thuế thu nhập của cả người lao động và chủ doanh nghiệp.

Không chỉ mức phí bảo hiểm mà lượng thu nhập phải chịu phí bảo hiểm cũng liên tục tăng. Trong điều luật đầu tiên vào năm 1935, chỉ 3.000 đôla đầu tiên phải chịu phí bảo hiểm. Các mức phí lúc ban đầu cũng rất thấp. Nhưng từ năm 1965 đến năm 1977, phí bảo hiểm xã hội tăng từ 4,4% trên 6.600 đôla đầu tiên của thu nhập từ công việc (cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp) lên đến 11,7% trên 16.500 đôla đầu tiên. (Từ năm 1960 cho đến năm 1977, tổng phí bảo hiểm thu được hàng năm tăng 572%, hay khoảng 12% mỗi năm. Chính phủ vẫn dự tính tăng cao hơn nữa.)

Vào đầu năm 1977, tổng số nợ chưa có nguồn chi trả của hệ thống bảo hiểm xã hội được chính thức ước tính ở mức 4,1 ngàn tỷ đôla.

Ngày nay, không ai có thể nói được bảo hiểm xã hội thực sự là một chương trình bảo hiểm hay chẳng qua chỉ là một chương trình hỗ trợ phức tạp và mất cân đối. Phần lớn những người nhận tiền bảo hiểm đều tin rằng họ tự “chi trả” cho các khoản tiền bảo hiểm của họ. Song không một công ty bảo hiểm nào có thể trả được mức tiền bảo hiểm hiện tại dựa trên khoản phí bảo hiểm thực sự thu được. Vào thời điểm đầu năm 1978, khi những người lao động có thu nhập thấp về hưu, tiền bảo hiểm hàng tháng của họ thường ở mức 60% mức lương trước đây của họ. Những người lao động có mức thu nhập trung bình sẽ được nhận khoảng 45%. Với những người có mức lương cao đặc biệt, tỷ lệ này có thể sẽ là 5 - 10%. Ngay cả nếu ta có coi bảo hiểm xã hội là một chương trình hỗ trợ xã hội, nó vẫn là một chương trình hỗ trợ rất kỳ lạ, bởi những người đã được nhận mức lương cao nhất vẫn tiếp tục nhận được khoản tiền bảo hiểm cao nhất tính theo lượng tiền.

Song ngày nay, bảo hiểm xã hội là điều bất khả xâm phạm. Việc bất kỳ một thành viên quốc hội nào đề xuất giảm các khoản tiền bảo hiểm trong hiện tại hoặc tương lai có thể được coi như đang thực hiện hành động tự sát về chính trị. Hệ thống bảo hiểm xã hội ngày nay đã trở thành một biểu tượng đáng sợ cho sự bất lực của chúng ta trong việc kiểm soát các chương trình hỗ trợ quốc gia, tái phân phối, hay các loại hình “bảo hiểm” khác, sau khi chúng được bắt đầu.

Nói tóm lại, vấn đề chính của chúng ta ngày nay không phải là về kinh tế mà là về chính trị. Các nhà kinh tế học giỏi đều thống nhất với nhau trong việc cần phải làm gì. Mọi nỗ lực của chính phủ nhằm tái phân phối của cải và thu nhập đều có xu hướng bóp nghẹt các động cơ thúc đẩy sản xuất và khiến mọi người trở nên nghèo hơn. Vai trò đúng đắn của chính phủ là tạo ra và duy trì một hệ thống pháp luật nghiêm cấm việc gian lận và ép buộc, song chính phủ phải tránh một số cách can thiệp nhất định vào hoạt động kinh tế. Chức năng kinh tế chính của chính phủ là khuyến khích và duy trì thị trường tự do. Khi Alexander Đại Đế đến thăm nhà triết học Diogenes và hỏi liệu ngài có thể làm được gì cho ông ta không, câu trả lời được truyền tụng lại của Diogenes là: “Có đấy, xin hãy tránh ra một chút để khỏi che mất mặt trời của tôi”. Đó là điều mọi công dân đều có quyền yêu cầu chính phủ của mình làm.

Tương lai thật ảm đạm, nhưng không phải không còn chút hy vọng nào. Thi thoảng ta lại thấy được chút ánh sáng xuyên qua các đám mây. Ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng chính phủ chẳng có thể cho ai một điều gì mà không lấy mất đi trước đó một thứ gì từ một người khác hay từ chính người đó. Tăng hỗ trợ cho một số nhóm nhất định cũng có nghĩa là tăng thuế, tăng thâm hụt và tăng lạm phát. Và cuối cùng, lạm phát sẽ khiến việc sản xuất trở nên chệch hướng và hỗn loạn. Ngay cả một số chính trị gia cũng bắt đầu nhận ra, và một số người trong số họ đã nói ra điều này.

Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho ta thấy luồng gió tri thức của các quan điểm kinh tế đang có sự thay đổi. Những người theo quan điểm của Keynes hay ủng hộ sự can thiệp kinh tế của chính phủ đang trên đà rút lui. Những người theo trường phái bảo thủ, những người theo chủ nghĩa tự do hay những người khác ủng hộ tự do kinh tế đang có tiếng nói ngày càng lớn và rõ ràng hơn. Ngoài ra, còn có rất nhiều người khác, ví dụ như trường phái kinh tế học Áo, đang phát triển rất nhanh với phương pháp luận dựa trên chủ nghĩa cá nhân.

Chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng các chính sách kinh tế xã hội sẽ được đảo ngược lại trước khi những tác hại do các biện pháp và xu hướng trong hiện tại trở nên vô phương cứu chữa.

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 26

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh