[Nền kinh tế tự do] Chương 2: Chuyên môn hóa và trao đổi làm chúng ta giàu lên

[Nền kinh tế tự do] Chương 2: Chuyên môn hóa và trao đổi làm chúng ta giàu lên

THỊ TRƯỜNG KHÔNG PHẢI MỚI XUẤT HIỆN HÔM QUA

Khảo sát những nền văn minh lâu đời nhất,  ta thấy thị trường đã có từ rất lâu rồi. Lịch sử cũng cho thấy như thế: Lịch sử được nhắc tới trong Kinh Cựu Ước, đấy là khi Ezekiel viết về đồng, dầu ăn, mật ong, lúa mì và lao động được trao đổi trên thị trường, trong khi, trong Kinh Tân Ước Chúa Jesus đã đập phá thị trường trao đổi ngoại tệ kiếm lời.

Những bức vẽ trong các ngôi mộ cho chúng ta thấy ở Ai Cập cổ đại, thị trường hoạt động như thế nào. Một ngôi mộ ở Thebes có bức tranh vẽ khu vực bến cảng với những người đàn ông trên thuyền đang đổi cá lấy bột mì và những người đàn bà trao đổi bánh mì và bia. Một bức vẽ khác cho thấy dân chúng đang trao đổi cá, hoa quả và vải. Bức vẽ thứ ba cho thấy một người đàn ông đang đổi đôi dép lấy một món nước uống có đường, gọi là sat. (Chắc chắn sat là món ngon. Hay đôi dép không tốt).

Đấy là hàng đổi hàng - một món hàng đổi trực tiếp lấy một món hàng khác. Nhưng khó mà nhớ được mỗi món hàng tương đương với bao nhiêu đơn vị của món hàng khác; ví dụ, một đôi dép thì đổi được bao nhiêu cốc bia hay một con cá thì đổi được bao nhiêu vải? Cho nên người ta bắt đầu định giá trao đổi theo đơn vị của một hàng hóa duy nhất. Đấy là khởi đầu của tiền.

Ở Ai Cập, ngũ cốc được dùng làm đơn vị tiêu chuẩn. Nhưng đấy là loại tiền không bền, khó bảo quản trước các loài gây hại như chuột, côn trùng hay người thu thuế. Chẳng bao lâu sau, những loại hàng hóa lâu bền như vàng, bạc và đồng đã được đưa vào sử dụng.

TIỀN LÀM THẾ GIỚI TRỞ THÀNH PHẲNG

Tiền làm việc trao đổi dễ dàng hơn hẳn và thị trường thực sự cất cánh. Thành phố Athens có một khu chợ rất lớn, gọi là Agora, gần pháo đài cổ Acropolis. Hiện nay khu chợ này đã không còn, nhưng 2.500 năm trước, đây là khu vực rất sầm uất. Dân chúng đến đây không chỉ để mua lương thực thực phẩm, vải, nô lệ và những món hàng nhu yếu phẩm khác, mà còn thảo luận công việc, triết học, văn học và chính trị. Đúng ra, đây là khởi nguồn của chế độ dân chủ ở Athens.

Forum của Rome không chỉ là nơi họp chợ (nó đúng là có hình chữ nhật - kiến trúc có tên là Vitrivius có kích thước theo tỷ lệ 3:2). Nơi này là trung tâm xử án, trung tâm tôn giáo và dân sự, với các đền miếu và phòng họp ở xung quanh và bục diễn thuyết (rostra) ở bên trong. Quân đội thường duyệt binh qua quảng trường này sau khi đã chinh phục được một dân tộc bán khai nào đó: Khải hoàn môn Seplimus Severus (xây năm 203 sau Công nguyên) hiện vẫn còn.

Những khu chợ lớn thời Trung cổ ở châu Âu cũng vẫn còn. Khu chợ lớn nhất là ở thành phố Krakow, Ba Lan - khu phố buôn bán ở ngoại ô thời đó. Quảng trường Đỏ ở Moskva dường như được xây dựng để cho những buổi duyệt binh thời Xô Viết, nhưng thực ra khởi thủy, đây là chợ. Các khu chợ thường khá lớn, có vai trò quan trọng và hiện diện khắp nơi (ít nhất là cho đến khi bắt đầu có những cuộc duyệt binh thời Liên Xô).

Ở Anh, nhà thờ là trung tâm các hoạt động xã hội của cộng đồng: Chợ thường ở gần đó, họp vào chủ nhật khi mọi người đi ngang qua để tới nhà thờ. Hàng hóa và ý tưởng được mang ra trao đổi, người lao động được thuê, gia súc, gia cầm được bán, ngựa được đóng móng và dụng cụ canh tác được sửa chữa ở đây.

Buôn bán tạo ra những khoản thu lớn cho các ông vua và những ông chủ thái ấp, đây là những người (tương tự như Viện Nguyên lão ở Rome thời xưa) nắm quyền kiểm soát các khu chợ, việc cung cấp hàng hóa tới chợ làm cho họ có quyền loại bỏ sự cạnh tranh từ những nơi khác. Ngày họp chợ như sau: đi một phần ba ngày mới tới chợ, mua bán một phần ba ngày, về một phần ba ngày nữa. Vì người ta đi được khoảng 20 dặm (khoảng 32 cây số) một ngày, như vậy, chợ thường cách nhà hơn 6 dặm (chưa đầy chục cây số).

Buôn bán tạo ra những khoản thu lớn

cho các ông vua và những ông chủ thái ấp.

Cũng như ở Athens và Rome, chợ và khu vực hành chính thường ở cạnh nhau. Nhiều thị trấn ở Anh vẫn còn giữ được những ngôi nhà lớn dùng làm nơi họp chợ, được xây trên những cột đá hay cột gỗ, chợ họp ở tầng dưới, chính quyền và phòng xử án ở tầng trên. Trên cùng là gác chuông, mỗi khi đánh lên báo hiệu khởi đầu và kết thúc ngày buôn bán - hiện ở Phố Wall người ta vẫn làm như thế.

TRAO ĐỔI LÀ TỰ NHIÊN

Công việc chủ yếu của thị trường đã và vẫn là trao đổi.

Trao đổi là công việc tự nhiên đến nỗi trẻ con vẫn thường làm mà không cần suy nghĩ. Từ khi có món bánh mì kẹp thịt (có lẽ phải 2.000 năm trước khi hãng Earl of Sandwich tuyên bố họ là người đầu tiên làm ra món này), các cậu học trò vẫn mở hộp ăn trưa và nhìn thèm thuồng hộp của bạn bên cạnh và đồng ý trao đổi.

Trẻ em cũng đã và đang trao đổi những món đồ chơi từ ngày ấy. Thực vậy, tất cả các ngành đều đã và đang dựa vào trao đổi - từ điếu thuốc lá, hộp trà, những tấm thẻ đầu tiên vào năm 1880 đến những tấm thẻ được bán trong các hộp một cách ngẫu nhiên và muốn có đủ bộ sưu tập, ví dụ, [muốn sưu tầm trọn bộ thẻ] các cầu thủ chơi trong giải bóng đá quốc tế thì chỉ có một cách duy nhất là đổi những thẻ bạn dư với người có thẻ bạn còn thiếu.

Nhưng, thường thì chúng ta không trao đổi trực tiếp, tương tự như người Ai Cập cổ đại đổi dép lấy món đồ uống gọi là sat. (Không khác gì người thợ giày đang khát mà phải tìm cho được người bán đồ uống cần mua giày). Thay vào đó, chúng ta làm cho quá trình trao đổi diễn ra thuận lợi hơn và minh bạch hơn bằng cách sử dụng tiền. Gọi là bán và mua, nhưng có những hình thức trao đổi phức tạp hơn. Chúng ta đổi (bán) thời gian, tay nghề và sản phẩm lấy tiền mặt - khoản tiền mà chúng ta sẽ sử dụng tới khi muốn đổi lấy (mua) những món hàng và dịch vụ khác do người khác làm ra.

TẠI SAO CHÚNG TA TRAO ĐỔI NHIỀU NHƯ THẾ?

Tất cả mọi người trên hành tinh này đều tham gia trao đổi - vì trao đổi làm cho mọi người đều được lợi. Nếu trong tuần này mẹ bạn đã chuẩn bị cho bạn đến ba lần món bánh mì kẹp pho mát và rau thì bạn sẽ được lợi khi trao đổi - tương tự như người bạn của bạn đã ăn ba lần món trứng rán và cà chua. Vụ trao đổi đơn giản đó giúp ai cũng được ăn món mình thích hơn món mà mình có. Trao đổi làm cho cả hai đều được lợi. Nếu không, đã chẳng ai mất thì giờ làm việc đó.

Tưởng như rõ ràng như vậy, nhưng thường bị hiểu lầm; đấy là khi tiền dính líu vào. Người ta thường nghĩ rằng tiền là của cải, và vì thế mà người ta tưởng tượng là chỉ có người thu được tiền trong vụ trao đổi mới là người được lợi - tức là người bán được lợi, còn người phải trả tiền - tức là người mua, chắc chắn là mất.

Đấy là điều ngớ ngẩn - tại sao người ta lại đồng ý trao đổi nếu nó làm cho người ta thiệt hại? Nhưng, cho đến mãi thế kỷ XIX, toàn bộ nền thương mại quốc tế được xây dựng trên ý tưởng này. Tất cả các nước đều khuyến khích xuất khẩu và cấm hay đánh thuế hàng nhập khẩu, với hy vọng sẽ mang về nhiều vàng và bạc nhất có thể và đưa ra nước ngoài ít nhất có thể. (Việc theo đuổi này là vô ích: Vàng và bạc trông thì đẹp đấy, nhưng khi bạn đã còng xuống vì những món trang sức bằng vàng và bàn ăn của bạn võng xuống vì thìa dĩa bằng bạc thì điều duy nhất bạn có thể làm là đưa những “của cải” này vào kho dưới tầng hầm).

Các chính phủ đã tìm cách làm cho tờ giấy trở thành hoàn toàn vô giá trị

bằng cách in lên đấy hình của các vị tổng thống quá cố.

Hiện nay tình hình thậm chí còn tệ hại hơn, vì bạn thậm chí không được trả bằng tiền kim loại mà chỉ được trả bằng tiền giấy. Tờ giấy trắng còn có giá trị vì ít nhất bạn có thể viết lên đó, nhưng các chính phủ đã tìm cách làm cho nó hoàn toàn trở thành vô giá trị bằng cách in lên đấy hình của các vị tổng thống quá cố. Tất cả những gì bạn có thể làm với tờ giấy này là chuyển cho người nào đó sẵn sàng nhận nó để đổi cho bạn những món đồ mà bạn muốn với hy vọng một ai đó khác cũng sẵn sàng chấp nhận nó để đổi lấy món hàng mà người đó muốn.

Ví dụ, người Iceland xuất khẩu cá sang Đức để nhận về đồng euro. Không thể sử dụng đồng euro ở Iceland, nhưng không sao, vì có thể dùng tiền này để mua xe BMW sản xuất ở Đức, mua rượu vang sản xuất ở Pháp hay quần áo sản xuất ở Italy. Tiền mặt làm cho việc trao đổi trở nên dễ dàng hơn, nhưng nguyên tắc thì cũng không khác trẻ con trao đổi đồ chơi là bao: Người ta đổi cái người ta thừa lấy cái mà người ta thiếu.

Trao đổi cũng không giới hạn ở hai đối tác. Ví dụ nổi tiếng hồi thế kỷ XVII là “buôn bán tay ba”. Các ông chủ đồn điền vùng Caribe đưa đường, thuốc lá, bông, rượu rum, và cà phê sang châu Âu; chính những con tàu đó lại mang từ châu Âu vải, súng, đồ sắt tới châu Phi; và từ châu Phi mang theo nô lệ trở về các đồn điền vùng Caribe. Mạng lưới khủng khiếp.

CỘNG TÁC NHỜ… BẤT ĐỒNG

Việc này dường như có thể làm người ta bối rối vì một người có thể mua, còn người kia có thể bán cùng một món hàng với giá thỏa thuận mà cả hai người đều nghĩ rằng họ đã thực hiện một giao dịch có lợi. Điều duy nhất làm chúng ta bối rối là chúng ta thường nghĩ rằng mỗi món hàng hóa chỉ có một giá trị đặc thù: Làm gì có người có lý trí nào lại sẵn sàng trả giá cao hơn hay bán với giá thấp hơn giá trị này?

Nhưng giá trị không phải là cố định. Giá trị có tính cá nhân: Tương tự như sắc đẹp, nó được thể hiện trong mắt người xem - nó có tính chủ quan chứ không phải khách quan. Nếu chúng ta đánh giá tất cả các đồ vật giống nhau thì chúng ta hoàn toàn chẳng có bất kỳ lý do gì để trao đổi. Buôn bán diễn ra và khả thi chỉ vì, và chính là vì, mỗi người chúng ta đánh giá các đồ vật khác nhau. Đứa trẻ cần một tấm thẻ để hoàn thiện bộ sưu tập sẽ sẵn sàng cho đứa kia mấy cái thẻ khác. Các thủy thủ người Iceland có nhiều cá sẵn sàng đổi cá lấy chiếc xe BMW.

Trên thực tế, người ta càng không thống nhất về giá trị của các món đồ thì họ càng dễ cộng tác với nhau bằng cách trao đổi những món đồ đó. Sự khác biệt trong đánh giá của mỗi người làm cho khả năng trao đổi càng dễ xảy ra hơn và mỗi bên càng nghĩ rằng họ được lợi sau khi trao đổi.

 

Manhattan có đáng giá đó?

Giá trị có tính chủ quan, là đánh giá của từng cá nhân. Hai người có thể trao đổi một món gì đó, và ai cũng hài lòng vì đã thực hiện giao dịch chính vì họ có đánh giá khác nhau về món đồ mà họ mang ra trao đổi.

Đấy là lý do vì sao người dân bản địa Canarsie đã đổi đảo Manhattan với người Hà Lan để lấy tràng hạt bằng kính giá 24$; chắc chắn họ đã nghĩ mình là những người giảo hoạt. Và ai là người có quyền phản đối họ? Năm 1626, Manhattan là đảo hoang đầy rắn và đỉa (Một số người khắt khe còn nói rằng [đến giờ vẫn] chẳng có gì thay đổi hết).

Và hãy lưu ý một điều, nếu người Mỹ bản địa gửi ngân hàng 24$ này với lãi suất 6% thì ngày nay họ có đủ tiền để mua toàn bộ địa điểm này hai lần (những ngôi nhà chọc trời và tất cả những thứ khác) cộng thêm khoảng 1 tỷ $ nữa.

 

 

Khả năng thúc đẩy hợp tác, thậm chí giữa những người có quan điểm khác nhau, mà thực ra là trái ngược nhau, là một trong những đặc điểm hấp dẫn và đáng ngạc nhiên nhất về thị trường. Bạn có thể tưởng tượng là con người chỉ có thể hợp tác khi đồng ý về mục tiêu chung và đồng ý về chương trình nhằm đạt được mục tiêu đó. Nhưng thông qua trao đổi, họ có thể hợp tác và cả hai bên đều được lợi mà không cần phải xây dựng bất kỳ thỏa thuận về chính trị hay thực tiễn nào. Họ không cần phải tranh luận về sự khác biệt, thậm chí chẳng cần biết là có khác biệt. Họ có thể vẫn là những người có quan điểm hoàn toàn trái ngược về thế giới. Tất cả những gì họ cần biết và cần thỏa thuận là mức giá họ sẵn sàng trao đổi.

CHUYÊN MÔN HÓA VÀ HIỆU QUẢ

Như vậy, thị trường dựa vào sự khác biệt của con người để tạo ra một cái gì đó có tính tích cực. Thị trường khuyến khích chúng ta sử dụng sự khác biệt đó sao cho tối đa hóa được lợi ích cho tất cả. Thị trường khuyến khích chúng ta chuyên môn hóa và sau đó trao đổi sản phẩm làm ra với những người chuyên môn sản xuất những món hàng khác. Và chúng ta làm thế là vì nó hiệu quả hơn hẳn so với việc chúng ta tìm cách sản xuất và tự mình làm tất cả mọi thứ mình cần.

Giữa những năm 1970, BBC chiếu bộ phim hài nhan đề Cuộc đời tốt đẹp (The Good Life), trong đó một cặp (do Richard Brier và Felicity Kendall thủ vai) quyết định từ bỏ loài người xấu xa và sống cuộc đời tự cấp tự túc. Việc họ đánh vật với vườn rau, đàn gà và mấy con dê khiến những người hàng xóm thạo việc của họ cười lăn cười bò; nhưng tuyến gây cười thứ hai là họ phát hiện ra rằng tự cấp tự túc vô cùng vất vả. Nói cho cùng, trao đổi không phải là xấu.

Nhưng, tại sao lại phải tự làm mọi thứ? Bạn phải có kiến thức, tay nghề, đất và nhiều thiết bị khác nhau để nuôi dê và trồng cà chua, và phải có hàng rào chắc chắn để ngăn dê không vào ăn cà chua. Chúng ta có lý khi chỉ làm một trong hai việc này và trao đổi sữa và cà chua khi cần. Bằng cách đó, mỗi người đều có thể trở thành chuyên gia, thuần thục, được trang bị tốt hơn và hiệu quả hơn, nghĩa là có thể sản xuất được nhiều hơn so với việc mỗi người cố gắng làm cả hai việc.

Tự cấp tự túc vô cùng vất vả

Hệ thống chuyên môn hóa và trao đổi - hệ thống thị trường - tạo điều kiện cho chúng ta cộng tác trên quy mô cực kỳ lớn. Hầu như mọi thứ chúng ta sử dụng hiện nay đều do trao đổi mà có, chứ không phải do chúng ta tự tay làm nên. Và mỗi công đoạn sản xuất ra những món đồ đó lại nhờ cậy tới sự chuyên môn hóa và trao đổi của nhiều người. Adam Smith (xem hộp đóng khung) đã công nhận điều này từ năm 1776. Ông giải thích rằng, ngay cả những sản phẩm đơn giản nhất cũng chứa đựng trong nó công sức lao động của “rất nhiều” chuyên gia, qua trao đổi đã đưa họ lại với nhau. Ví dụ, trong chiếc áo khoác bằng len có công lao động của người chăn cừu, người chải len, người thợ nhuộm, người quay tơ, người thợ dệt và người hồ vải. Chỉ riêng việc vận chuyển vải đã có công lao động của thủy thủ, thợ đóng tàu và thợ làm buồm. Thậm chí để có được dụng cụ để sử dụng họ còn nhờ cậy cả vào:

Thợ mỏ, thợ lò để nấu chảy quặng, tiều phu chặt củi, thợ đốt than dùng cho lò luyện, thợ đóng gạch, thợ xây, những người coi sóc lò, thợ đúc, thợ rèn… Adam Smith, Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations), London, 177).

Hàng trăm người khác tham gia vào việc sản xuất áo, giày, giường ngủ, bếp lò, đồ dùng trong nhà bếp, đồ gỗ, thìa dĩa và cửa sổ. Tóm lại, hệ thống chuyên môn hóa và trao đổi của thị trường tạo điều kiện cho mỗi người chúng ta nhận được “sự trợ giúp và hợp tác của hàng ngàn người khác”. Không có thị trường, chúng ta sẽ nghèo hơn hẳn.

CHUYÊN MÔN HÓA TẠO RA NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CỰC KỲ CAO

Không có chuyên môn hóa chúng ta sẽ nghèo hơn hẳn, vì chuyên môn hóa tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn so với ta tự làm lấy tất cả mọi thứ. Smith đưa ra ví dụ nổi tiếng về việc sản xuất đinh ghim. Dường như đấy là “công việc chế tạo tầm thường”, nhưng làm ra một cái đinh ghim không phải là việc dễ. Phải kéo sợi thép ra, làm cho nó thẳng, cắt, làm nhọn một đầu và làm phẳng đầu kia, lắp mũ vào; mũ cũng phải làm từ trước và lắp vào một đầu đinh ghim. Sau đó phải tẩy trắng và cho vào hộp…

 

Tài sản của một học giả

Adam Smith (1723-1790) sinh ở hải cảng Kirkcaldy, Scotland. Lúc nhỏ từng bị những kẻ lang thang bắt cóc trong một thời gian ngắn. Ông đi học, rồi trở thành giáo sư tại trường Đại học Glasgow. Cuốn sách viết về tâm lý học khiến ông nổi tiếng và ông được thuê làm gia sư cho một nhà quý tộc trẻ (Một sự lựa chọn kỳ quặc: mặc dù rất thông minh, nhưng Smith cũng nổi tiếng là người đãng trí và hay quên. Ông đã từng bị ngã xuống giếng vì không nhìn vào đường đi, một lần khác, đáng lẽ phải nấu trà thì ông lại cho bánh mì và bơ vào nồi. Ông không phải là người mà bạn muốn giao con của mình cho ông ta chăm sóc).

Trong khi đưa người học trò trẻ tuổi đi khắp lục địa châu Âu (ông đã gặp gỡ các nhà trí thức hàng đầu của châu Âu trong chuyến đi này), Smith bắt đầu chấp bút tác phẩm vĩ đại về kinh tế học - cuốn Của cải của các quốc gia (1776). Tác phẩm này bàn về những rào cản trong lĩnh vực thương mại, các cơ sở độc quyền và những hạn chế trong lĩnh vực buôn bán thời ông và ủng hộ thị trường tự do và cạnh tranh. Tất cả các chính trị gia hàng đầu đều đọc tác phẩm này và đấy là khởi đầu cho thời đại thương mại tự do, thế kỷ XIX.

 

 

Trên thực tế, quá trình sản xuất ra sản phẩm đơn giản này phải trải qua khoảng 18 bước. Bạn hay tôi, nếu tự làm đinh ghim, có lẽ một ngày chúng ta không làm được 20 cái, Smith nói - và có thể cả năm không làm được 20 cái nếu chúng ta còn phải khai mỏ và luyện kim nữa. Nhưng trong nhà máy làm đinh ghim, công việc được chia ra sao cho mỗi công nhân chỉ chuyên làm một hay hai việc cụ thể. Một đội gồm mười người khỏe mạnh một ngày có thể làm được 48.000 chiếc đinh ghim - gấp hàng ngàn lần năng suất của một người riêng lẻ.

Đấy là sự gia tăng khủng khiếp năng suất lao động trong “công việc chế tạo tầm thường”. Xin hãy tưởng tượng quá trình chuyên môn hóa mang lại lợi ích to lớn như thế nào trong toàn bộ nền kinh tế. Nhưng làm sao lợi ích to lớn như thế lại khả thi?

CHUYÊN MÔN HÓA LÀM CHO NGƯỜI TA KHÉO LÉO HƠN

Một trong những nguyên nhân là người ta có những khả năng rất khác nhau. Ngay cả các cháu học sinh cũng biết rằng bạn nào giỏi các môn điền kinh nhất, bạn nào thông minh nhất hay bạn nào viết văn hay nhất. Đi với đội bóng đá để trông có vẻ oách, nhưng nếu muốn quay cóp thì phải ngồi gần người chăm học.

Đi với đội bóng đá để trông có vẻ oách, nhưng nếu muốn “cùng tiến”

thì phải ngồi gần người chăm học.

Do có sự khác biệt như thế, cho nên chuyên môn hóa mới có ý nghĩa. Người có hai bàn tay rắn chắc có thể là thợ xây tốt, nhưng là thợ sửa đồng hồ tồi. Người nhút nhát có thể là thư ký văn phòng kín kẽ, nhưng sẽ là chính trị gia tồi. Cho nên người thợ xây cần sửa đồng hồ phải đi tới nhà người thợ sửa đồng hồ có những ngón tay nhỏ nhắn; còn thư ký văn phòng thì cần chính trị gia… Vâng, đấy có thể là những ví dụ tồi, nhưng bạn đã nắm được vấn đề.

Người ta còn muốn làm những việc khác nhau. Tôi thích kinh tế học và do chuyên môn hóa, tôi có thể dành cả đời mình để làm công việc mình thích. Tôi không thích nấu ăn, nhưng anh bạn Ricky, người đầu bếp trong khách sạn Italy gần nhà tôi lại rất thích làm bếp. Cho nên tôi viết sách về kinh tế học và chi tiêu một ít tiền trong khách sạn của Ricky và cả hai chúng tôi đều vui.

Nguyên nhân thứ ba là chuyên môn hóa làm người ta không mất thì giờ chạy từ việc này sang việc khác. Kingsley Amis, tác giả cuốn Lucky Jim (Anh chàng Jim may mắn), có lần nhận xét rằng nếu phải tự nấu ăn, sau đó còn phải rửa bát thì chẳng ai có thể viết được hay. Những việc đó có thể không mất nhiều thì giờ, nhưng rất dễ làm người ta rối trí. Hãy ngồi vào chỗ của Ricky và bạn có thể nghĩ ra dòng tiếp theo, trong khi anh ta nấu ăn.

Do thường xuyên lặp đi lặp lại một số động tác, những người làm nghề chuyên môn còn cải thiện được tay nghề. Ricky có thể nhào bột làm bánh pizza khéo đến mức ngạc nhiên bởi vì ngày nào anh cũng làm việc đó. Nếu tôi làm thì đó sẽ là một đống bầy nhầy, nhão nhoét. Và anh còn hiểu rõ thị trường của mình - biết khách hàng nào thích ăn gì và uống món gì; nhà cung cấp nào tạo cho anh ta giá trị cao nhất và tìm các nhân viên đáng tin cậy ở đâu. Nếu muốn mở nhà hàng thì tôi sẽ phải loay hoay hàng mấy tuần lễ. Cần phải có kiến thức chuyên môn, mang tính khu vực, phải là người có kinh nghiệm mới biết.

TÍCH LŨY TƯ BẢN

Có thể nguyên nhân chính làm cho chuyên môn hóa tạo ra năng suất lao động cao như thế là do các nhà chuyên môn thấy cần phải đầu tư vào dụng cụ, máy móc và thiết bị giúp tiết kiệm lao động. Có thể dùng tay bắt cá, nhưng nếu bỏ ít thì giờ làm lưỡi câu và cần câu, thì bạn có thể bắt được nhiều cá hơn; nếu bỏ thêm thời gian đan lưới thì còn bắt được nhiều hơn nữa. Đóng một con thuyền và bạn đã thực sự tham gia kinh doanh. Đầu tư một con thuyền gắn động cơ và máy định vị thì bạn đã là người đánh cá chuyên nghiệp rồi.

Dĩ nhiên là không gia đình nào có thể ăn hết số cá đó để có thể biện hộ cho khoản đầu tư lớn như thế. Nhưng với người đi biển chuyên nghiệp, chuyên bắt cá để đổi lấy những thứ mà họ cần thì khoản đầu tư như thế là hợp lý, vì thế mà gia tăng được năng suất lao động.

Tư bản là thay vì tiêu thụ hết những thứ sản xuất được, bạn để lại một ít và dùng nó để mua thiết bị chuyên dùng, giúp tiết kiệm sức lao động, tạo điều kiện cho bạn sản xuất được nhiều hơn nữa. Người ta gọi đó là tư bản (vốn), đấy là khoản tiền dùng để mua thêm thiết bị. Cộng đồng càng tích lũy được nhiều tư bản thì càng làm ra được nhiều sản phẩm hơn, càng cần trao đổi nhiều hơn và mỗi người càng được lợi hơn. Hiện nay chúng ta sống xa hoa đến mức các ông hoàng bà chúa thời Trung cổ không dám mơ, không phải vì chúng ta làm việc vất vả hơn mà đơn giản là vì chúng ta có nhiều tư bản hơn.

CHUYÊN MÔN HÓA - THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG NỮA

Chuyên môn hóa giúp chúng ta sản xuất được nhiều hơn, tạo ra nhiều của cải hơn. Có nhiều của cải hơn, chúng ta lại mua được nhiều thiết bị hơn, tạo điều kiện sản xuất được nhiều hơn, tạo ra nhiều của cải hơn; rồi lại mua được nhiều thiết bị giúp tiết kiệm lao động hơn… cứ như thế.

Vòng tròn này phụ thuộc vào việc chúng ta có khả năng trao đổi số thặng dư to lớn mà chúng ta sản xuất được để lấy những thứ mà chúng ta thực sự cần. Nhưng đấy là hiện tượng tự nhiên của nhân loại. Chúng ta lại còn làm cho quá trình đó diễn ra một cách trơn tru hơn nhờ những phát minh, ví dụ, tiền (làm cho việc trao đổi diễn ra dễ dàng hơn) và thị trường vốn (giúp nhà sản xuất chuyên nghiệp tiếp cận được với tiền vốn mà họ cần).

Thực vậy, đây là vòng tròn ngày càng mở rộng. Hiệu quả của mạng lưới điện thoại phát triển rất nhanh khi có thêm người đăng ký thuê bao, vì số người có thể nói chuyện với nhau tăng theo cấp số nhân. Tương tự, càng có nhiều người làm việc chuyên nghiệp thì cơ hội trao đổi sẽ càng nhiều, và lợi ích của hệ thống thị trường càng gia tăng nhanh chóng.

Trao đổi, chuyên môn hóa và năng suất lao động cao do chuyên môn hóa tạo ra là động cơ của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng hiện nay. Nhờ có chúng mà chúng ta đã đi xa khỏi hiện tượng hàng đổi hàng bên bờ hải cảng của người Ai Cập cổ đại.

Nguồn: Nền kinh tế tự do,  Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường