Thúc đẩy và cải thiện khả năng tự kiểm soát của bạn

Thúc đẩy và cải thiện khả năng tự kiểm soát của bạn

Việc có được cả sự tự do lẫn trách nhiệm có ý nghĩa như thế nào trong thực tiễn đối với đời sống cá nhân? Làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện khả năng tự kiểm soát bản thân nhưng vẫn đồng thời phát huy hiệu quả tự do và trách nhiệm cá nhân? Nghiên cứu này không chỉ cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi khoa học mà còn đưa ra những kỹ thuật để đạt được sự tự kiểm soát bản thân, thành công và hạnh phúc hơn. Dưới đây là hướng dẫn ngắn về một số kỹ thuật chính để đạt được khả năng tự kiểm soát bản thân.

“Có một điều gì đó vĩ đại khi các cá nhân được trực tiếp kiểm soát bản thân mình, kết quả của sự tự kiểm soát này là hình thành nên một con người hoạt động độc lập, thông minh, có trách nhiệm và kiên trì hơn. Người có khả năng tự tạo ra động lực, người mà không chịu sự chỉ huy từ người khác và cũng không cần bất cứ ai phải ra lệnh cho họ là hình mẫu tốt nhất mà loài người từng tạo ra. Trong mỗi cá nhân như vậy, thói quen độc lập được gắn liền với lòng tôn trọng sâu sắc về sự độc lập của người khác. Hành động để những người khác lại một mình không phải bắt nguồn từ sự thờ ơ với số phận con người, mà thực ra đó là niềm tin rằng trong những hoàn cảnh bình thường, chúng ta có thể đem lại lợi ích tối nhất cho họ bằng cách để họ tự theo đuổi mục đích của mình mà không bị ai can thiệp.” - John Lachs, Giáo sư Triết học của Centennial, Đại học Vanderbilt

“Con người và xã hội có thể trau dồi khả năng tự kiểm soát bản thân theo thời gian và qua đó làm giảm tỷ lệ bạo lực xuống.” - Steven Pinker, Giáo sư về Tâm lý học của Family Johnstone, Đại học Harvard

“Con người muốn có sự tự do để được là "con người thực sự" mà họ hằng mong muốn. Khi đó, một người sẽ cố gắng làm mọi thứ thật chính xác và tỉ mỉ để đạt được mục tiêu trên vì bản thân họ chưa thể hình dung ra ngày: rốt cuộc khi có tự do, mình sẽ trở thành người như thế nào. Vì vậy, hãy rũ bỏ một lần và tất cả những biện hộ cho tự do mang tính công cụ, những thứ chỉ được sinh ra trong các phân tích kinh tế chính thống. Con người hành động không phải vì muốn sự tự do để tối đa hóa lợi ích của mình hay tầng lớp xã hội họ thuộc về. Điều họ cần là sự tự do để trở thành người mà họ muốn. " - James Buchanan, người đạt giải Nobel về Kinh tế học

Chúng ta có khả năng tự kiểm soát bản thân. Đấy không phải là cái gì đó mà người này thì sẵn có còn người kia thì không. Khả năng tự kiểm soát hoàn toàn có thể được gia tăng, trau dồi, cải thiện, và làm nền tảng cho một cuộc sống tự do, đầy tình thương, thành công, đạt được sự tôn trọng và hạnh phúc trong cộng đồng. Có một tin vui cho những người luôn kêu than rằng họ mãi không thể thay đổi được bản thân. Chúng ta có quyền tự do để thay đổi chính mình, thay thế những thói quen có hại bằng những thói quen hữu ích, để đạt được mục đích của mình, giảm bớt bạo lực và tôn trọng những người khác hơn để trở thành người mà chúng ta muốn. Chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và cải thiện cuộc sống của chính mình cùng những người xung quanh. Và thực sự may may mắn là: sự cải thiện việc tự kiểm soát bản thân và phát triển cuộc sống tinh thần không chỉ dành cho người trẻ, ngay cả người già cũng có thể sống như cách họ muốn.

Trước khi nghiên cứu làm thế nào mà chúng ta có thể cải thiện khả năng tự kiểm soát của mình, sẽ hữu ích nếu xua tan đi một số hiểu lầm phổ biến về sự kiểm soát bản thân. Một khi điều này được hoàn tất, chúng ta có thể nhìn vào quá trình phát triển mạnh mẽ của khoa học về sự tự kiểm soát (đôi khi còn được gọi là "sức mạnh ý chí") để rút ra một số bài học thực tế mà mỗi người có thể sử dụng để cải thiện khả năng tự kiểm soát, thỏa mãn tư lợi đúng đắn, và đảm bảo tự do của mình.        

Đối với một số người, từ “tự kiểm soát bản thân” gợi lên hình ảnh một người đang nhìn chằm chằm vào một cám dỗ nào đó với quyết tâm sắt đá trong ánh mắt, giọt mồ hôi chảy chầm chậm trên gương mặt, và hai bàn tay thì run rẩy giấu dưới bàn; hoặc một vị anh hùng dũng cảm đến không ngờ, không để lộ ra sự cam chịu của mình, không thét lên trong đau đớn khi phải chịu đựng những màn tra tấn khủng khiếp nhất. Những hình ảnh này là hoàn toàn sai lệch. Ngoại trừ trong một số trường hợp đặc biệt (hoặc trong phim ảnh), tự kiểm soát bản thân không phải ý chí kiên quyết sắt đá và nó không dẫn đến đau đớn hay bắt ta phải chịu đựng. Nó cũng không phải thứ gì “gian truân” và cũng không phải tách rời cảm xúc. Sự tự kiểm soát thực sự sẽ chú ý đến những gì bạn hy vọng đạt được và những mục tiêu của bạn phù hợp với nhau như thế nào. Đó là về việc có được, đôi khi là từ từ và quá thời gian dài những thói quen có lợi giúp bạn đạt được mục tiêu. Đó là việc ngày càng nhận thức rõ hơn những người xung quanh bạn về những mối quan tâm, sự am hiểu và quyền lợi của họ. Những người tự kiểm soát có được khả năng tránh được cám dỗ mà không cần phải run rẩy hay đổ mồ hôi.

Tư duy về sự tự kiểm soát bản thân đã xuất hiện từ lâu và được tìm thấy trong nhiều truyền thống tôn giáo và triết học. Từ lâu con người đã hiểu rằng với sự nỗ lực, chúng ta có thể làm cho mình trở thành mẫu người mà mình muốn. Chúng ta có thể đạt được điều đó bằng cách hành động theo những điều chúng ta nên làm. Aristotle lưu ý rằng từ “ethics” (đạo đức) có trong tiếng Hy lạp cổ và cả tiếng Anh hiện đại, vốn bắt nguồn từ “ἦθος” (thói quen). Ông phân biệt giữa “những thứ trong cơ thể chúng ta có được từ tự nhiên”, như khả năng nghe và nhìn, là những thứ mà chúng ta vẫn sử dụng vì chúng ta vốn đã có khả năng đó, với đức hạnh, là thứ mà chúng ta có nhờ thường xuyên thực hành chúng: “để có được đức hạnh thì đầu tiên chúng ta hành động thực sự, điều đó cũng đúng với sự tập luyện trong nghệ thuật. Liên quan tới câu hỏi làm thế nào để học được cách thực hiện được điều gì đó, thì câu trả lời là học bằng cách thực hành, chẳng hạn chúng ta trở thành thợ xây bằng cách xây nhà và trở thành nguời chơi đàn thập lục bằng cách chơi đàn thập lục. Tương tự, ta trở nên đúng đắn bằng cách làm những điều đúng đắn, trở nên khiêm tốn bằng cách làm những điều khiêm tốn, và trở nên dũng cảm bằng cách làm những điều dũng cảm.”

Việc tập cho bản thân làm những điều đúng đắn giúp chúng ta trở thành người mà ta muốn. Những thói quen ta đã có hóa ra hầu như không thể biến mất một cách dễ dàng, bởi chúng đã tích lũy vào trong cấu trúc vật lý của bộ não con người. Tuy nhiên, chúng ta có thể chủ động hình thành những thói quen mà ta muốn và thậm chí nếu không thể từ bỏ những thói quen xấu ta có thể thay thế chúng bằng các thói quen khác thích hợp hơn.  Khoa học thần kinh hiện đại có thể giải thích tốt hơn Aristotle về việc làm như thế nào mà các thói quen được hình thành trong cấu trúc của bộ não. Bộ não có khả năng thay đổi, thậm chí thay đổi một cách có ý thức, trong suốt cuộc đời. Thuật ngữ hiện đại gọi khả năng thay đổi này là “neuroplasticity” [tính khả biến thần kinh], nó đề cập tới cách thức mà cấu trúc bộ não hình thành nên những thói quen, tính cách, nhận thức và một số thứ khác như thế nào. Tin tốt lành là cơ thể chúng ta có thể tự chủ động thay đổi nền tảng vật lý. Nền tảng vật chất của cơ thể đặt ra giới hạn cho những điều mà con người có thể thực hiện được, nhưng điều này không cản trở sự tự do của chúng ta. Chúng ta có tự do siêu hình để định hướng cuộc sống và để trở thành người mà ta muốn. Để làm được như vậy, con người cần làm việc, thậm chí là đấu tranh. Đạt được khả năng tự kiểm soát tốt hơn không chỉ làm cho cuộc sống tốt hơn mà còn cải thiện khả năng đấu tranh cho tự do, tức cho các quyền bình đẳng trước pháp luật trong xã hội tự do. Khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn là điều mà con người có thể có thể học được, có thể đạt được, và có thể kết hợp vào trong cuộc sống.

• Học cách đưa ra những quyết định đúng đắn hơn giúp chúng ta tránh được thất bại và đảm bảo sự độc lập;

• Học cách quan tâm nhiều hơn đến những lợi ích của người khác giúp chúng ta dễ dàng hợp tác tự nguyện để mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cả loài người;

•  Học cách tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai giúp ta tránh phụ thuộc vào hệ thống phúc lợi xã hội và những cạm bẫy của nó;

• Học cách quan tâm đến quyền lợi của người khác, bao gồm những người có quan niệm và giá trị sống khác nhau, giúp chúng ta tôn trọng họ, cùng họ bảo vệ sự tự do chung;

• Học cách kiểm soát sự bốc đồng giúp chúng ta đạt được mục đích sâu sắc và hợp lý hơn để tận hưởng cuộc sống có ý nghĩa;

• Học cách lên kế hoạch và định hướng cuộc sống giúp chúng ta chống lại nhà nước bảo mẫu với những quy định cấm đoán, sự kiểm soát và áp đặt hành vi của nó;

• Học cách nhận thức phẩm giá của bản thân giúp chúng ta từ chối sự cứu trợ tài chính và tiền trợ cấp của chính phủ được rút ra từ túi tiền của những người khác, để loại bỏ trạng thái tâm lý đi tìm kiếm đặc lợi, hoặc “cướp trước khi bạn trở thành nạn nhân” và để đứng vững trước những người láng giềng của chúng ta như những công dân tự do của các quốc gia tự do;

• Học cách nâng cao khả năng tự kiểm soát của mình không chỉ giúp chúng ta tồn tại, mà còn để được sống đúng nghĩa.

Đạt được khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn giúp chúng ta khẳng định được sự tự do, dõng dạc mà nói với các nhà chính trị gia và các quan chức rằng chúng ta có thể tự đưa ra lựa chọn và giành lấy cả tự do lẫn trách nhiệm của mình.

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Phạm Thanh Nam
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.