Triết lý về hòa bình hay triết lý về sự xung đột (Phần 2/2)

Triết lý về hòa bình hay triết lý về sự xung đột (Phần 2/2)

Triết lý của xung đột

« Điều tôi đã học được qua bốn năm làm lính với những quan sát cụ thể về sự lãng phí của thời chiến, đó là cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa sâu sắc nếu con người ta không chọn cho mình một lý tưởng, tuy nhiên có những lý tưởng nếu mang ra so sánh với cuộc sống của một cá nhân và thậm chí của một dân tộc thì không có một ý nghĩa gì cả. Mặc dù các mục tiêu mà tôi đã chiến đấu như một cá nhân, như một người lính trong một đội quân, đã không thể đạt được, mặc dù sức mạnh vật chất quật ngã chúng tôi xuống mặt đất, thì chúng tôi rốt cuộc đã học được rằng phải đứng lên chiến đấu cho một lý tưởng và nếu cần thiết, thì có thể ngã xuống như một người đàn ông thực thụ… Không phải thế hệ nào cũng có được niềm vinh quang đó.» — Ernst Jünger1

Trong khi chủ nghĩa tự do truyền thống dạy rằng những lợi ích của con người có thể được hòa giải một cách hòa bình thông qua thương mại, lý lẽ, thảo luận dân chủ, và sự khoan dung đối với những điều khác biệt, và rằng một thể chế đúng đắn có thể làm giảm xung đột và bạo lực, thì những đối thủ và những người phản đối, những người vẫn còn luyến tiếc trật tự xã hội cũ, bắt đầu xây dựng các lý thuyết dựa trên ý tưởng rằng xung đột là một điều không thể tránh được của cuộc sống con người, xung đột đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Một trong những người phản đối triết lý mới về tự do có ảnh hưởng lớn nhất là Joseph de Maistre – nhà phản biện người Pháp. Ông công kích chống lại ý tưởng về hòa bình và ca tụng chiến tranh như một nguyên nhân tạo ra những điều tốt nhất cho loài người: “hoa thơm quả ngọt thực sự của loài người – nghệ thuật, khoa học, những doanh nghiệp vĩ đại, những quan niệm cao cả, những đức hạnh tốt đẹp – đều bắt nguồn từ chiến tranh… Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng những nhân tài được tạo ra từ máu đổ xuống trong chiến tranh”.2 Đồng tình với Heraclitus, Joseph de Maistre khẳng định: “thế giới thì không có gì ngoài bạo lực”.3 Đó từng là quan điểm nền tảng của trào lưu Khai sáng nghịch (Counter-Enlightenment) và của những triết gia phản đối những ý tưởng mới của chủ nghĩa tự do truyền thống.

Những triết gia thuộc trào lưu Khai sáng nghịch từ chối cái phổ quát và ngợi ca những điều cụ thể; họ từ chối sự thật khách quan và khen ngợi sự sáng tạo – không phải là sự sáng tạo của cá nhân tự do, mà là của tập thể, nơi mà những cá nhân không còn giá trị.4 Thị trường, thương nhân, và người Do thái chiếm phần lớn trong số những thương gia ở châu Âu, đã từng bị chửi rủa. Một quốc gia, một giai cấp, và một chủng tộc sẽ chỉ tìm thấy sự đoàn kết thông qua những cuộc xung đột với một quốc gia, một giai cấp, và một chủng tộc khác. Steven Pinker nhận xét rằng, ngoài việc từ chối cái phổ quát, tính khách quan và sự duy lý, “Trào lưu Khai sáng nghịch cũng từ chối giả định rằng bạo lực cũng là một vấn đề cần được giải quyết. Đấu tranh và đổ máu là đặc tính cố hữu của trật tự tự nhiên, và không thể loại bỏ nó mà không dẫn đến phá hỏng trật tự tự nhiên cũng như chống lại số phận của nhân loại”.5

Những triết gia của chủ nghĩa xã hội, điển hình là Friedrich Engels và Karl Marx – những người chối bỏ quan điểm hoà bình, thương mại, sự khoan dung và tự do cá nhân, coi những giá trị này tầm thường và đơn giản –nhìn nhận rằng xung đột liên miên đã làm lung lay điều cốt lõi trong cuộc sống loài người, và họ luyến tiếc về hình ảnh một trật tự xã hội cũ của những mối quan hệ đã được giải quyết. Họ cho rằng những giá trị về tự do tầm thường và đơn giản đã che đậy và làm lu mờ tầm nhìn về một dạng xung đột, bạo lực và bóc lột khác nham hiểm và xảo quyệt hơn. Họ thừa nhận rằng những giá trị tự do đã hành động để thay thế chiến tranh bằng hòa bình, trộm cắp bằng sự trao đổi, trừng phạt bằng khoan dung, và thù địch giữa các quốc gia bằng sự bao dung trên khắp thế giới; nhưng tất cả những điều này bị làm mờ đi bởi những hình thức nham hiểm hơn của bạo lực. Như Engels đã chỉ trích trong một ấn phẩm được xuất bản năm 1844:

Chúng đã mang lại tình bằng hữu cho các dân tộc – nhưng tình bằng hữu này là tình bằng hữu của những tên trộm. Chúng đã làm giảm số lượng các cuộc chiến tranh – để kiếm những lợi ích lớn hơn trong hòa bình, để tăng cường tối đa sự thù hằn giữa các cá nhân, một cuộc chiến đáng khinh của sự cạnh tranh! Khi nào chúng làm điều gì đó “ngoài những đặc tính tinh khiết của nhân loại”, từ ý thức về sự vô ích của việc đối đầu giữa lợi ích toàn thể và cá nhân? Khi nào chúng trở nên có đạo đức mà không đi kèm với lợi lộc, không đi kèm với với sự vô đạo đức chất chứa trong tâm trí, hay những động cơ ích kỷ?

Bằng việc pha trộn đặc tính giữa các quốc gia, hệ thống kinh tế tự do đã làm điều tốt nhất để phổ cập hận thù, để biến đổi nhân loại thành một đàn thú ăn thịt (cho những gì được gọi là đối thủ cạnh tranh?), những kẻ sẵn sàng cắn xé lẫn nhau chỉ bởi vì chúng có chung mối lợi đối với những kẻ khác.6

Chủ nghĩa tự do và thương mại tự do không những “làm giảm số lượng các cuộc chiến tranh” mà còn “kiếm những lợi ích lớn hơn trong hòa bình”. Luận điểm này cần được nhấn mạnh, bởi rằng: Engels khẳng định tồn tại những lợi ích lớn hơn - điều mà ông căm ghét (trừ phi đó là lợi ích của cá nhân ông ta) – và ông bận tâm nhiều hơn so với thực tế là số lượng các cuộc chiến tranh đã giảm.

Nhà phê bình nghệ thuật thời Victoria và người phản đối trào lưu Khai sáng Tory John Ruskin đã đánh bóng lịch sử về sự nhân đạo của chiến tranh và khẳng định rằng “không có nghệ thuật vĩ đại nào được sinh ra trên mặt đất, ngoại trừ trong quốc gia của những người lính. Sẽ không có nghệ thuật trong một dân tộc mục đồng nếu họ chỉ sống trong hòa bình. Không có nghệ thuật trong một dân tộc làm nông nghiệp nếu họ chỉ sống trong hòa bình. Thương mại hoàn toàn không đồng nhất với nghệ thuật, và cũng chẳng thể tạo ra nghệ thuật. Hoạt động sản xuất công nghiệp không thể để tạo ra nghệ thuật, nhưng lại có thể phá hủy bất cứ hạt giống nào của nghệ thuật tiềm tàng. Không có nghệ thuật vĩ đại nào tồn tại trong một quốc gia chưa từng kinh qua chiến trận”.7

Đối lập với những điều đó, những triết gia thuộc trào lưu Khai sáng, như Voltaire, cho rằng hòa bình và hòa hợp xã hội là những giá trị thuộc quyền của con người, chứ không chỉ đơn thuần là những mưu mẹo để che đậy kỹ càng sự đối kháng trong xã hội như quan điểm của Engels và Marx. Voltaire đại diện cho những giá trị và quan điểm của trào lưu Khai sáng khi cổ vũ cho sự trao đổi và khoan dung một cách đúng đắn, bởi vì chúng tạo ra hòa bình.8 Những triết gia thuộc trào lưu Khai sáng nghịch, như Marx, de Maistre, và Ruskin đã lên án sự trao đổi và khoan dung như sự suy thoái của giá trị nhân bản.

Karl Marx và người cộng sự của mình, Friedrich Engels – một nhà tư bản – đã định nghĩa chủ nghĩa tự do bằng sự nổi lên của một “tầng lớp” mà họ gọi là “giai cấp tư sản” (một thuật ngữ được sử dụng lộn xộn và không nhất quán trong các tác phẩm của họ), đó là “tầng lớp” mà họ buộc tội là đã thay đổi trật tự thế giới và thay thế tình cảm bằng hữu ấm áp trong xã hội bằng những tính toán lạnh lùng. Mối quan hệ thị trường ngày càng lan rộng và tăng cường, trao đổi hàng hóa (ví dụ: đổi trứng lấy bơ) đã dần được thay thế bằng cách trao đổi qua phương tiện trung gian là tiền tệ (đổi trứng lấy tiền sau đó dùng tiền để đổi lấy bơ). Điều này hàm ý tư duy duy lý gia tăng trong xã hội bởi mọi người có thể so sánh các cách sử dụng khác nhau của các nguồn lực khan hiếm thông qua một phương tiện chung: tiền tệ. Điều này đến lượt nó làm thúc đẩy các hoạt động tính toán duy lý, bao gồm tính toán lời - lỗ, đồng nghĩa với việc sẽ nhiều cơ hội hơn cho hợp tác kinh tế được tạo ra, nhiều của cải hơn được tạo ra, công chúng sẽ được hưởng lợi từ sự thịnh vượng chung, bao gồm cả nguyện vọng và mong muốn của những cộng đồng dân cư thiểu số hoặc sống tại vùng hẻo lánh. Marx và Engels đã bác bỏ tư duy thị trường và xem chúng như là “sự nhẫn tâm” và “dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ”. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, họ đã khẳng định những giá trị, thể chế, và thực hành của chủ nghĩa tự do chỉ tỏ vẻ nhân bản hơn, nhưng trên thực tế, chúng đã thay thế hình thức của bạo lực này bằng hình thức bạo lực khác, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Bất cứ ở chỗ nào mà giai cấp tư sản chiếm được chính quyền thì nó đã đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và điền viên. Tất cả những mối quan hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người phong kiến với “những bề trên tự nhiên” của mình, đều bị giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích cá nhân trần trụi và lối “tiền trao cháo múc” không tình không nghĩa. Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ. Nó đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; nó đã đem tự do buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và đã giành được một cách chính đáng. Tóm lại, giai cấp tư sản đã đem lại sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị.9

Những người lãnh đạo hệ tư tưởng của trào lưu Khai sáng nghịch đã tấn công dữ dội vào chủ nghĩa tự do và đi tìm những cảnh huống tươi đẹp của chủ nghĩa tập thể trong những hình thức quan hệ bằng hữu mới giữa các quốc gia, nhà nước, giai cấp và chủng tộc. Trong mọi trường hợp, những nhà lãnh đạo Khai sáng nghịch gửi đi thông điệp rằng: những nhóm người đối lập trong những hình thức quan hệ này theo đuổi những lợi ích trái ngược thiết yếu và không thể chia sẻ. Họ tin rằng: đoàn kết chỉ được tạo ra khi có thêm thù địch và lòng căm thù. Như một tiểu thuyết gia sáng suốt cổ vũ cho tự do truyền thống Robert Musil đã viết: “Một thực tế không thể chối bỏ về bản chất của loài người đó là: bản năng xã hội sâu sắc nhất của loài người lại chính là bản năng ghét bỏ xã hội cực điểm”.10 Quan điểm này đã tồn tại trong giới trí thức - những người không chấp nhận giá trị của thương thuyết dựa trên lý trí và các tính toán duy lý về giao dịch thị trường, hay sự khoan dung và hòa bình. Một số trong họ có thể cho rằng bản thân đang ủng hộ hòa bình (vì chẳng có trí thức gia nào công khai ca ngợi những lợi ích của xung đột quân sự cả), nhưng tất cả đều ôm chặt lấy nền tảng cốt lõi của những lợi ích trái ngược thiết yếu và không thể chia sẻ, của đấu tranh, của sự tương phản, của những xung đột không thể hòa giải được. Trong cuốn sách nổi tiếng xuất bản vào năm 1848, hai trí thức khi đó ít người biết (Friedrich Engels và Karl Marx – ND) đã đề xuất một quan điểm - một quan điểm đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của một phong trào về sau đã nhấn chìm thế giới trong bể máu.

Lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại từ trước cho đến ngày nay là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp… Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.11

Những người mác-xít theo đuổi cuộc chiến giai cấp và niềm tin vào xung đột không thể hòa giải giữa những giai cấp của con người, được xác định theo phương diện kinh tế. Trong số những giai cấp đó, giai cấp tư sản phải bị “làm cho biến mất”.12 Những người theo chủ nghĩa phát xít tán dương chiến tranh và xung đột như một động lực thanh khiết để tạo nên một quốc gia.13 Những người theo chủ nghĩa Quốc gia Xã hội (“Quốc Xã”) tìm kiếm sự thuần hóa đối với những chủng tộc “không thuần khiết” hoặc “hạ đẳng”, thực hiện bởi người “Aryan”, và đặt ra một thách thức “Những người muốn sống, hãy để họ chiến đấu, và đối với những người không muốn chiến đấu trong một thế giới của sự đấu tranh liên tục thì không xứng đáng để được sống”.14 Những lý thuyết gia phản biện (bị ảnh hưởng bởi Marx, cũng vời sự tiếp tay của Nietzsche, Freud, hay bất cứ một ai chống lại sự khoan dung tự do) tin rằng “chủ nghĩa tự do và lòng khoan dung của giai cấp tư sản không hơn gì một chiếc mặt nạ vĩ đại của một ‘ý chí thống trị’”.15 Những nhân vật của trào lưu Khai sáng nghịch phủ nhận tự do ngôn luận và xem đó đơn thuần là một hình mẫu của “sự khoan dung mang tính chất khiên cưỡng”.16 Rất nhiều trí thức đã tạo nên một lực lượng xã hội chống tự do hùng hậu – bao gồm nhiều giai tầng, mọi giới tính, chủng tộc, và những hình thức khác. Họ có tầm ảnh hưởng hơn và có tác động thực tế mạnh hơn những cá nhân khác trong xã hội. (Mặc dù kể cả các giáo sư trong biên chế cũng phải mất rất nhiều thời gian để hiểu về những lực lượng xã hội này một cách đúng đắn và không sai lệch).17

Những người theo chủ nghĩa quân phiệt tán dương chiến tranh đã mang lại những lợi ích về đạo đức và kinh tế.18 Những người tân bảo thủ (neo-conservatives) tôn thờ giá trị thượng võ, coi đó là lý tưởng cao thượng và một cơ hội để “trải nghiệm dư vị anh hùng ca” của một đất nước.19 (Những người tân-bảo thủ coi “lòng tự tôn quốc gia” là một mục tiêu tốt đẹp hơn, cao thượng hơn, và đáng kính trọng hơn những thứ lòe loẹt, hạ đẳng, và tính cách ngoại lai như sự “mưu cầu hạnh phúc”). “Những người duy thực” công nhận hận thù vĩnh cửu, hay mối quan hệ đóng băng giữa những quốc gia, hay thậm chí mở rộng hơn, giữa “những nền văn minh”.20

Những kẻ cai trị bằng thần quyền tìm kiếm sự khuất phục hoàn toàn trước Chúa (hay các vị chúa và thánh thần) thông qua bạo lực, bằng việc nhân danh một đức tin, một tôn giáo, một hình mẫu của cuộc sống, hoặc, nếu điều đó không khả thi, thì ít nhất một nhà nước thần quyền sẽ coi thường hoặc làm khinh rẻ những người thuộc tôn giáo khác, và thông thường sẽ trục xuất hoặc thủ tiêu những người không theo tôn giáo nào.

Nhiều nhà phê bình chủ nghĩa tự do truyền thống đương đại, kể cả những người «mác-xít phân tích», thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội không gây ra nhiều bạo lực hơn so với các hệ thống xã hội khác nếu chỉ nhằm mục đích đẩy lùi việc sử dụng vũ lực, vì rằng các quy trình ra quyết định sử dụng nguồn lực khan hiếm trong các hệ thống xã hội đều biện minh cho việc sử dụng vũ lực.21 Đây là một sự chỉ trích cũ rích đối với chủ nghĩa tự do, xuất hiện ít nhất là vào thế kỷ 17, khi Sir Robert Filmer viết những ngôn từ bảo vệ cho quyền thiêng liêng của chế độ quân chủ tuyệt đối, ông lập luận rằng:

Có nhiều câu chuyện trong đó nói rằng thế giới của tự do chỉ được tìm thấy trong những quốc gia thịnh vượng phổ biến. Phát biểu về tự do sau đây đúng được bao nhiêu phần là điều đáng tìm hiểu: “tự do đích thực là tự do cho mỗi người để làm những gì mà mình đưa ra, hoặc để sống như cách mà người đấy muốn, và không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào”. Nhưng kiểu tự do này không được tìm thấy ở bất kỳ quốc gia thịnh vượng nào cả, vì những lãnh thổ này nhiều luật lệ hơn bất cứ nơi nào khác, và như thế thì tự do sẽ càng ít đi; và nhiều người cho rằng chính phủ được tạo ra để cưỡng đoạt tự do, và không trao tự do cho tất cả mọi người. Như vậy, kiểu tự do này không thể tồn tại được; nếu nó tồn tại, thì chính phủ phải biến mất.22

Như vậy, theo khuôn mẫu tư duy trên, một nhà nước chống lại sự cưỡng chế thì phải dùng bạo lực không ít hơn so với việc nhà nước đó cho phép sự cưỡng chế, và để đẩy lui một kẻ cưỡng đoạt thì cũng phải dùng vũ lực không ít hơn so với việc cưỡng đoạt. Tức là, theo quan điểm này, hàm số bạo lực trên thế giới, sẽ không tăng mà cũng không giảm.23 Chủ nghĩa tự do không chấp nhận điều đó và từ chối việc đặt ngang hàng sự cưỡng đoạt với việc đẩy lui nó.

Sự phân biệt bạn – thù

Trong số những người đóng góp vào trào lưu Khai sáng nghịch để bác bỏ quan điểm tự do truyền thống về hòa bình và sự hòa giải xung đột, người có ảnh hưởng lớn nhất ở thế kỷ trước là Carl Schmitt, một lý thuyết gia về luật. Với cuốn sách The Concept of the Political [Quan điểm của chính trị], ông đã tạo ra một ảnh hưởng to lớn đối với cả hai phe, chống tự do “hữu khuynh” và chống tự do “tả khuynh”. Schmitt là “kẻ thù vĩ đại nhất của chủ nghĩa tự do ở thế kỷ này”.24 Schmitt đã khẳng định rằng “một sự phân biệt chính trị cụ thể… có thể được tối giản đến mức độ chỉ còn lại bạn và thù”.25

Schmitt đã nhấn mạnh rằng người theo chủ nghĩa tự do đã sai về hòa hợp xã hội, sai trong việc xem trao đổi có thể thay thế cho xâm lược, sai khi cho rằng tranh luận có thể thế chỗ cho chiến trận, khoan dung thế chỗ cho hận thù, và sai khi cho rằng một thế giới không có kẻ thù là điều khả thi. Với Schmitt, xung đột là điều không thể tránh khỏi trong chính trị, và chính trị thì cần thiết cho cuộc sống con người. Do có lối sống bị chỉ trích, nên Schmitt không tạo được ảnh hưởng rõ ràng về tư tưởng chính trị ở thế kỷ trước. Tuy nhiên, ý tưởng cốt lõi của ông đã thấm vào suy nghĩ của cả bên tả và bên hữu và đã truyền cảm hứng cho cả hai bên cùng phủ nhận sự khoan dung, kinh tế thị trường, chính phủ hạn quyền, thương mại tự do và hòa bình. Những ý tưởng của Schmitt cũng đã đưa đến sự trỗi dậy trở lại tư tưởng phát xít ở châu Âu, ví dụ như, công trình của giảng viên Aleksandr Dugin tại đại học Moscow, Nga đã tái khẳng định hệ tư tưởng quốc gia xã hội theo một cách nhẹ nhàng hơn, với một nước “Nga” theo chủ nghĩa bành trướng thay cho “Đức” và “Kế hoạch Âu - Á”26 thay cho “Đệ tam Quốc xã”27

Theo Schmitt, “Kẻ thù không phải chỉ là các đối thủ cạnh tranh hay người đối đầu ta trong xung đột. Kẻ thù không phải của riêng cá nhân ai. Ở một dạng tiềm năng, kẻ thù tồn tại chỉ khi một tập thể con người chiến đấu đối mặt với tập thể tương tự ».28 Thực ra, “chỉ một trận chiến thực thụ mới có thể bộc lộ ra được kết quả cực đoan nhất của sự kết hợp bè đảng giữa các nhóm chính trị bạn và thù. Trong điều kiện cực đoan nhất đó, cuộc sống của con người sẽ sản sinh ra những dạng căng thẳng chính trị đặc thù”.29

Triết gia mác-xít Slavoj Žižek thừa nhận rằng cả hai phái hữu và tả của tư tưởng chính trị chống-tự do đã bảo vệ tư tưởng phân biệt bạn - thù của Schmitt, và là một “người tả khuynh”, Žižek nhận ra sự tập trung của cánh hữu vào những kẻ thù bên ngoài từ “tính ưu tiên vô điều kiện của sự đối kháng cố hữu đã cấu thành nên chính trị” thuộc cánh tả:

Thấy rõ rằng, cánh cực hữu nói về chiến tranh giai cấp thay vì đấu tranh giai cấp. Dấu hiệu rõ nhất thể hiện sự chối bỏ chính trị từ những người theo quan điểm của Schmitt này là nhiều ưu tiên dành cho chính trị đối ngoại (quan hệ giữa những nhà nước có chủ quyền) lớn hơn chính trị đối nội (sự đối kháng trong xã hội ở bên trong quốc gia). Theo đó, ông đã nhấn mạnh: không phải cứ coi một quốc gia khác là thù địch thì có thể chối bỏ cuộc đấu tranh xã hội bên trong, điều đã tồn tại xuyên suốt toàn bộ cấu trúc của xã hội. Đối lập với Schmitt, một người theo lập trường cánh hữu nên tuyên bố về tính ưu tiên vô điều kiện của sự đối kháng cố hữu đã cấu thành nên chính trị.30

Đối với những triết gia này, bất kể là cánh tả hay cánh hữu, xung đột – “sự đối kháng cố hữu” – là thành tố cấu thành nên sự chung sống của loài người. (Ngay cả triết gia cấp tiến trung-tả đương thời như John Rawls đã đưa vào lý thuyết về công bằng xã hội một sự xung đột cố hữu giữa người dân, dưới hình thức phân biệt giữa sự công bằng đối với hành vi của người dân và sự công bằng cho một trật tự xã hội toàn thể, vì rằng ngay cả khi “tất cả mọi người có lý do tin rằng họ đang hành xử công bằng và nghiêm chỉnh tôn trọng các thỏa thuận chuẩn mực… thì nền tảng công bằng đang có xu hướng bị xói mòn, kể cả khi những cá nhân hành xử một cách công bằng; kết quả tổng thể của những giao dịch riêng biệt và độc lập là rời xa và không hướng đến nền tảng công bằng”.31 Tức là, xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội được lồng vào trong cấu trúc của sự công bằng, mặc dù có sự quy định mọi người hành xử theo các quyền của họ và với những quy tắc công bằng, kết quả vẫn là bất công và xung đột, và nhà nước phải can thiệp để áp đặt một trật tự mới cho xã hội, hoàn toàn độc lập với những quy tắc phẩm hạnh của cá nhân. )

Trong những năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, một “nền công nghiệp Carl Schmitt” trong lĩnh vực xuất bản đã xuất hiện trong nhóm những người theo tư tưởng cực tả; tạp chí bị ảnh hưởng bởi tư tưởng mác-xít Telos đã bảo vệ nền tảng lý thuyết chính trị của Schmitt đối với chương trình chống tự do của họ32 và những ý tưởng của Schmitt đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh hưởng, khai nổ một cuộc tấn công dữ dội vào chủ nghĩa tự do và hòa bình. Nhà văn cánh tả người Ý Antonio Negri (người đã có thời gian bị giam cầm vì liên quan tới bạo lực, bao gồm cả việc giết người ở Ý) và nhà lý luận văn học người Mỹ Michael Hardt đã coi các tư tưởng của Schmitt như là “Bản Tuyên ngôn Cộng sản mới”.33 Trong cuốn sách Empire [Đế quốc] của họ­ - một cuốn sách khó hiểu được Harvard University Press (Nhà xuất bản Đại học Harvard) xuất bản ngay trước vụ tấn công 11/09 vào Tòa tháp đôi ở New York -, họ đã báo trước cuộc tấn công này, với lời kêu gọi cho một cuộc tấn công vào “tư bản toàn cầu”. Định nghĩa của cuốn sách về “kẻ thù” là “một chế độ đặc trưng bởi những mối quan hệ toàn cầu mà chúng ta có thể gọi là Đế quốc”.34 Cuốn sách đưa ra những nhận xét lạnh lùng về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan như là một hình thức khác của chủ nghĩa hậu hiện đại, và kêu gọi cho “tiềm năng của quần chúng trong việc phá hoại và phá hủy trật tự của căn bệnh hậu hiện đại bằng lực lượng sản xuất của mình”.35 (Không một câu văn nào trong cuốn sách là rõ ràng và dễ hiểu, điều đó chắc chắn là do sự cực đoan và thù ghét trong triết lý của tác giả; như George Orwell đã giải thích: “Khi tồn tại khoảng cách giữa thực tế hiểu biết và khả năng phát ngôn của một người, người đó sẽ viết ra những ngôn từ dài dòng và những thành ngữ tối nghĩa, như một con cá mực làm bắn tung tóe cái chất đen nhờn nhợn của nó (chứ không phải là việc sử dụng cây bút một cách thành thạo – ND)”.36

Việc Schmitt bảo vệ cách tiếp cận “Großraum”37 của Đệ tam Quốc xã về những mối quan hệ địa chính trị đã truyền cảm hứng cho Negri và Hardt. Schmitt tìm cách cổ vũ “nhiệm vụ của giới thẩm phán Đức là một mặt phải thoát khỏi việc duy trì một cách bảo thủ đầy sai lầm về kiểu tư duy liên bang - điều người ta vẫn đang phổ biến tới ngày nay, đồng thời cũng phải tránh việc biến thành một hệ thống vô nhà nước, vô quốc gia để tạo thành một điều luật phổ quát toàn cầu được nền dân chủ phương Tây thực hiện. Cần tìm thấy giữa hai thái cực này khái niệm về một trật tự không gian rộng lớn cụ thể sao cho tương ứng với cả hai chiều không gian của trái đất cũng như các khái niệm mới của chúng ta về nhà nước và quốc gia”.38 Chính cái “hệ thống vô nhà nước, vô quốc gia để tạo thành một điều luật phổ quát toàn cầu được nền dân chủ phương Tây thực hiện” là thứ mà Negri và Hardt gọi là “Đế quốc” và họ kêu gọi phá hủy chúng bằng bạo lực.

Những ý tưởng và quan niệm về chính trị của Schmitt gắn chặt với tư tưởng cực hữu và tư tưởng tân bảo thủ; kênh ảnh hưởng tới tư tưởng tân bảo thủ chủ yếu thông triết gia Leo Strauss, người đã có ảnh hưởng lớn đối với Schmitt,39 và những học trò người Mỹ của ông. Trong số đó có cựu cố vấn Nhà trắng William Kristol – tổng biên tập tạp chí The Weekly Standard và một trong những chiến lược gia của Chiến tranh Iraq40;41 và nhà báo David Brooks của tạp chí New York Times - người kêu gọi một “chủ nghĩa bảo thủ quốc gia vĩ đại”42 (national greatness conservatism). Trong một xã hội với ít ảnh hưởng quân sự, chủ nghĩa bảo thủ kêu gọi xây dựng mô hình quốc gia vĩ đại; trong một xã hội với nhiều ảnh hưởng và hình thái quân sự đa dạng, chủ nghĩa bảo thủ kêu gọi chiến tranh. Những người theo trường phái tân bảo thủ là lực lượng chính, đứng đằng sau cuộc xâm lược Iraq và tiếp tục thúc đẩy những cuộc đối đầu quân sự ở hầu hết các ngóc ngách trên thế giới. Tiến hành chiến tranh, theo William Kristol và Robert Kagan, sẽ khôi phục lại “một chủ nghĩa bảo thủ đích thực của trái tim” – tức là “cần nhấn mạnh trong cả trách nhiệm quốc gia và trách nhiệm cá nhân, nắm bắt cơ hội tham gia của cả đất nước, tạo ra quốc gia vĩ đại, khôi phục lại chủ nghĩa anh hùng còn đang thiếu sót trong chính sách đối ngoại – và cả trong chủ nghĩa bảo thủ – của Hoa Kỳ trong những năm gần đây”.43

Những nhận xét của Leo Strauss đối với công trình của Schmitt có ảnh hưởng sâu sắc tới Schmitt và những gợi ý của Strauss đã được Schmitt tiếp thu để hình thành những ý tưởng chống tự do mạnh mẽ hơn. Strauss đã nhận xét về cuốn The Concept of the Political phiên bản năm 1932 và kết luận rằng Schmitt đã không bác bỏ chủ nghĩa tự do một cách triệt để và vẫn còn đang mắc kẹt trong những phạm trù khái niệm của chủ nghĩa tự do. Strauss kết luận: “Chúng ta đã nói Schmitt đảm đương trọng trách phê phán chủ nghĩa tự do trong một thế giới tự do; tức là sự phê phán chủ nghĩa tự do này diễn ra bên trong lằn ranh của chủ nghĩa tự do; xu hướng phi tự do trong tác phẩm này của Schmitt vẫn tiếp tục bị kiềm chế bởi ‘hệ thống tư tưởng tự do’. Phê phán chủ nghĩa tự do của Schmitt chỉ có thể hoàn chỉnh khi nó vượt qua cả lằn ranh mà chủ nghĩa tự do đặt ra cho mình”.44 Và Schmitt đã theo đuổi điều đó. Ở phiên bản năm 1933, được xuất bản sau chiến thắng của Hitler nhưng đã bị kiểm soát sau chiến tranh (các phiên bản tiếp theo của cuốn sách là bản in lại của phiên bản năm 1932), Schmitt đã tán thành chủ nghĩa xã hội quốc gia, đã làm rõ quan điểm bài Do thái của mình, và sử dụng những diễn đạt kỳ thị chủng tộc để miêu tả về sự xung đột giữa bạn và thù.45 (Trong cuốn sách, có một sự ngược đời, đó là Schmitt phê phán trí thức Do thái, nhưng thông qua đó lại thuyết phục và khuyến khích trí thức Đức trở thành một người Quốc xã và “nhà luật học Quốc xã hàng đầu”46 của Đệ tam Quốc xã. )

Với Schmitt, cũng như với Marx và Engels, thương mại tự do không phải là một sự thay thế hòa bình cho chiến tranh, mà chỉ là một lớp vỏ bọc cho một hình thức bóc lột tàn bạo hơn. “Khái niệm về sự nhân văn là một công cụ tư tưởng đặc biệt hữu ích cho việc mở rộng đế chế, và với hình thức nhân văn -đạo đức, đây là một công cụ rõ ràng cho chủ nghĩa đế quốc về kinh tế”.47 Với Schmitt, khái niệm tự do về quyền con người phổ quát đã bị bác bỏ do mâu thuẫn với cách phân biệt giữa bạn và thù của ông:

Nhân văn không phải là một khái niệm chính trị, và không có một thực thể chính trị - xã hội hay một hình thái tương tự. Khái niệm “nhân văn” của những người theo chủ nghĩa nhân đạo ở thế kỷ 18 là sự phủ nhận trắng trợn sự tồn tại của hệ thống quý tộc phong kiến và các đặc quyền đi kèm với nó. Nhân văn, theo quy luật tự nhiên và những quy tắc về tự do cá nhân, là một khái niệm phổ quát, tức là: bao hàm khả năng che chở cho tất cả, lý tưởng xã hội, và một hệ thống các quan hệ giữa cá nhân. Điều này chỉ được hiện thực hóa khi khả năng xảy ra chiến tranh bị loại trừ và không tồn tại các nhóm lợi ích bạn hay thù nữa. Trong xã hội toàn cầu như thế sẽ không tồn tại những quốc gia như là những thực thể chính trị, không còn những cuộc đấu tranh giai cấp, và không còn những nhóm thù địch.48

Đối với ông thì không có bất kỳ ý tưởng tự do nào đáng quan tâm, như quyền con người phổ quát, sự bao dung hay tự do ngôn luận, thương mại, và du lịch.       

Mọi sự ủng hộ tự do phổ quát đều biến dạng thành đàn áp và hạn chế tự do. Tất cả sự xâm hại, và nguy cơ đối với tự do cá nhân, tài sản riêng tư và cạnh tranh tự do đều được gọi là sự đàn áp và là cái xấu tự thân (eo ipso evil)49. Những gì mà chủ nghĩa tự do vẫn còn thừa nhận về nhà nước, chính phủ, và chính trị chính là những thứ được dùng để đảm bảo các điều kiện cho tự do cá nhân và loại bỏ sự xâm phạm tới tự do.

Do vậy, chúng ta hướng đến một hệ thống tổng thể các khái niệm hoàn toàn phi quân sự và phi chính trị.50

Một thế giới “phi quân sự và phi chính trị” nghĩa là, theo Schmitt (và cả Strauss, Junger, và những người khác có cùng tư tưởng): một thế giới không có bất kỳ điều gì nghiêm túc, và dường như là một thế giới của “sự giải trí”. Đó là bởi, một thế giới loài người đích thực là một thế giới chính trị hóa, và “chính trị là sự đối kháng mãnh liệt và khắc nghiệt nhất, mọi sự đối kháng cụ thể trở nên có tính chính trị hơn khi khi nó được đẩy tới ngưỡng, đó chính là lằn ranh giữa những nhóm bạn - thù”.51 Bất kể kẻ thù từ bên trong hay bên ngoài, điều này là tâm điểm của cuộc sống cho cả bên tả và bên hữu. Những quyền lực lớn có tính chất anh hùng phải đọ sức với nhau trong cuộc tranh đấu vinh quang, cao quý hơn so với cuộc sống của “sự giải trí”, của kinh doanh, của thương mại, của gia đình, của tình yêu, tất cả những giá trị đó không đáng khi so sánh nghiêm túc với “chính trị”. Để có một cuộc sống chính trị nghiêm túc, các giá trị « bên trong» như hợp tác hòa bình, lòng khoan dung, và tinh thần đa nguyên đối với cuộc sống – tất cả những giá trị của chủ nghĩa tự do –, theo Schmitt, đều phải bị ngăn chặn, và các lực lượng xã hội cần phải được tập trung để đánh bại kẻ thù.

Ý tưởng năm 1914

«Chúng ta đứng đây với ký ức về những người đã khuất – những ký ức thiêng liêng - và chúng ta tin rằng bản thân mình được ủy thác bởi nhân dân với niềm tin và sự bảo trợ tinh thần. Chúng ta đấu tranh cho những gì luôn là điều đúng đắn. Mặc dù không có quân đội hùng mạnh, và giờ đây ta cần phải cam tâm, nhưng miễn là lưỡi kiếm vẫn còn tạo ra một ánh lửa trong đêm đen, thì ta vẫn sẽ hãnh diện tuyên bố: nước Đức bất tử và nước Đức sẽ không bao giờ hạ mình!» —Ernst Jünger52

Schmitt là một trong những nhân vật điển hình tiêu biểu của trào lưu trí thức với ảnh hưởng sâu sắc của “Ý tưởng năm 1914” - một sự tán dương cho năm mà cả châu Âu đã chìm trong sự cuồng loạn điên đảo và hàng triệu người đã bị giết.53 Cuộc thí nghiệm chiến tranh này đã tạo ra một sự ảnh hưởng to lớn đến toàn thế giới, không chỉ trong những vấn đề chính trị (ví dụ như việc tập trung quyền lực nhà nước ở Hoa Kỳ), mà còn tạo ra một sự tôn sùng của xung đột, của các hình thái chế độ, và của chiến tranh. Tác phẩm nổi tiếng của Ernst Jünger The Storm of Steel [Cơn bão thép] là một công trình đặc biệt theo trào lưu này. (Jünger cũng là một người bạn thân của Schmitt; hai người đã thường xuyên trao đổi thư từ trong hơn 50 năm.54)

Jünger, cũng giống như người bạn thân Schmitt của ông, là một nhân vật trí thức mạnh mẽ có ảnh hưởng đến cả bên tả và bên hữu trong việc chống lại giá trị và ý tưởng của chủ nghĩa tự do.55 Tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ I, chính Jünger là một ví dụ cụ thể của “Ý tưởng năm 1914”, đặc biệt là về chủ nghĩa tập thể quân phiệt. Trong cuốn Cơn bão thép, Jünger đã vinh danh những cuộc đấu tranh và xung đột thông qua chiến tranh. Cuộc sống với những vấn đề thường ngày của nó thật tẻ nhạt, người ta sẽ chẳng còn nghĩ ngợi điều gì nghiêm túc khi sống trong hoà bình. Họ chỉ có sản xuất ra sản phẩm, rồi mua bán chúng; người ta đi xem hoà nhạc, xem kịch hát, làm việc trong phòng thí nghiệm, đi xem triển lãm nghệ thuật; người ta tìm hiểu khám phá tri thức khoa học mới hay ngồi uống bia cùng vài người bạn thân. Cuộc sống của giai cấp tư sản thì thật là trì độn, trong khi cuộc sống của sự đấu tranh, của cái chết đẫm máu, của chiến tranh là điều kiện duy nhất mà trong đó một người có thể sống một cách đúng nghĩa.

Và nếu có ai đó phản đối cho rằng chúng ta thuộc về một lực lượng hoang dã thì câu trả lời của chúng ta là: Chúng ta sẽ đứng bằng đôi chân của mình trên máu và bùn, nhưng đầu chúng ta vẫn hướng đến những phẩm hạnh cao quý. Và trong số những người đã ngã xuống bởi cuộc chiến tranh, không có ai đã ngã xuống một cách vô nghĩa. Mỗi người đều đã hoàn thành ý nguyện của bản thân.

Khi ai đó không đủ khả năng để hiểu làm cách nào một người đàn ông dâng hiến cuộc đời của mình cho đất nước – và thời gian sẽ trôi đi – khi đó mọi người sẽ quên đi lòng trung thành đó, và ý tưởng về Đất Mẹ chết đi; và rồi, có lẽ, chúng ta sẽ bị đố kỵ, cũng như chúng ta đố kỵ với những vị thánh vì sức mạnh nội tâm và không thể cưỡng lại được của họ.56

Đó là cách mà Jünger và nhiều người khác nhìn nhận về chiến tranh, nhưng nó dường như không phải là cách mà hàng triệu người lính nhìn về nó - những người chết chìm trong những hố bùn, những người phổi của họ đã bị đốt cháy bởi khí gas độc hại hay chết vì bệnh ho ra máu, những người mà không bao giờ thấy những khuôn mặt thân thương của vợ, của con, của người yêu, của bạn bè thêm lần nào nữa. Erich Maria Remarque, tác giả của cuốn sách All Quiet on the Western Front [Mặt trận phía Tây yên tĩnh], đã miêu tả sự im lặng của chiến tranh theo một cách khác. Jünger thì được tôn vinh, nhưng những công trình của Remarque thì bị thiêu hủy bởi những người theo chủ nghĩa Quốc xã. Em gái của ông bị xử tử theo phán quyết của “quan tòa” Quốc xã “Volksgerichtshof” (“Toà án nhân dân), họ đã nói với cô: “Anh trai của ngươi đã thoát khỏi chúng ta, nhưng ngươi thì không thể”.57

Jünger không chỉ là một nghệ sĩ, nhưng thông qua việc ông cổ vũ cho một chế độ độc tài toàn trị cho thấy ông là một người có khiếu thẩm mỹ đặc biệt đối với bạo lực và xung đột. Như ông đã viết trên danh nghĩa của một nhà độc tài;

Cuộc cách mạng đúng nghĩa chắc chắn vẫn chưa diễn ra. Nhưng chúng ta đang tiến về phía trước một các vững chắc. Nó chưa thành hiện thực, nhưng với đầy đủ những đặc trưng và biểu hiện của nó thì còn hơn cuộc cách mạng hiện tại. Ý tưởng của nó là về dân tộc, đã được rèn giũa dù không biết được hình hài sẽ ra sao; biểu tượng của nó là một chữ thập ngoặc; những hình thái bên ngoài của nó tập trung vào một điểm duy nhất – chế độ độc tài! Chế độ độc tài sẽ thay thế từ ngữ bằng hành động, thay thế mực bằng máu, thay thế sự lên tiếng bằng sự hy sinh, thay thế cây bút bằng thanh gươm.58

Khái niệm “tổng động viên” được Jünger đưa vào trong tiểu luận của ông năm 1930 đã kích thích những tín đồ chủ nghĩa tập thể chống tự do (trong đó có Martin Heidegger) về một chủ nghĩa tập thể được liên kết bởi công nghệ. Ông đã ca ngợi “sự tước đoạt ‘tự do cá nhân’ – một thứ đặc ân mà trước giờ người ta đã đặt rất nhiều câu hỏi”. Ông đã kinh ngạc khi tìm hiểu cách Liên bang Xô viết “triển khai “kế hoạch 5 năm” lần đầu tiên, khi người Nga khiến thế giới sững sờ trước một nỗ lực to lớn để chuyển những năng lượng tập thể của một đế chế vĩ đại thành một dòng thống nhất,” Jünger đã nhắc tới “tổng động viên” như “như một dấu hiệu cho sự khả thi của một hình thức tổng động viên ở mức cao hơn trong tương lai”.59

Lựa chọn chế độ độc tài, tức là bất kỳ điều gì ngoại trừ chủ nghĩa tự do, thể hiện sự tương đồng sâu sắc của những hình thức đối đầu trong chủ nghĩa tập thể. Jünger đã hồi tưởng lại về thái độ của ông ủng hộ chế độ Xô viết (trước khi cống hiến cho Đệ tam Quốc xã); về Liên bang Xô viết, ông nói:

Tôi đã rất hứng thú với kế hoạch hóa ngay từ phần ý tưởng. Tôi tự nhủ với bản thân: thật xuất chúng, họ không có hiến pháp, nhưng họ có kế hoạch. Điều này thật vĩ đại.60

Hãy thử so sánh cách Jünger và nhóm người ủng hộ ca ngợi chủ nghĩa tập thể và cách nhà văn người Nga Vasily Grossman, người đã trưởng thành dưới hệ thống cai trị của chủ nghĩa tập thể Xô viết và đã chối bỏ nó, phản ứng với điều này. Grossman đã thấy một cách rõ ràng rằng có sự tương đồng giữa chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa quốc xã, và chủ nghĩa cộng sản. Grossman là một nhà báo của tờ Ngôi sao Đỏ (Red Star), một tờ báo thuộc Hồng quân Liên Xô, và là người đầu tiên viết một bài tường thuật khi Hồng quân giải phóng Treblinka - một trong những trại giết người tập trung thuộc Đệ tam Quốc xã. Grossman - người chưa bao giờ sống trong một xã hội tự do - đã hiểu và mong mỏi về một xã hội như thế. Tiểu thuyết Life and Fate [Cuộc đời và số phận] không được xuất bản trong khi ông còn sống. Cuốn sách, cùng với chiếc máy đánh chữ đã viết nên tác phẩm đó đã bị KGB61 thu giữ sau khi hoàn thành. Trong Cuộc đời và số phận, ở giữa cuộc chiến tranh giữa Đệ tam Quốc xã và Liên bang Xô viết, thượng tá Hồng quân Xô viết Pyotr Pavlovich Novikov đã thẩm vấn những người lính thuộc quyền chỉ huy của ông và nhận thấy,

Các nhóm người tập hợp lại với nhau đều có chung một mục đích: đó là yêu cầu quyền được khác biệt, được đặc biệt, quyền suy nghĩ, cảm nhận và sống theo cách riêng của mình. Mọi người tham gia cùng nhau trong trật tự để đạt được hay bảo vệ quyền lợi này. Nhưng bỗng nhiên lại xảy đến một điều kinh khủng, một sự trớ trêu của số phận: người ta tin rằng những nhóm này được định danh dưới cái tên gọi là một chủng tộc, một vị Thiên Chúa, một đảng, hay một nhà nước. Niềm tin này đã trở thành mục tiêu tối thượng của cuộc sống, và không đơn giản như là phương tiện để phục vụ mục đích cuộc sống. Không! Ý nghĩa đúng đắn duy nhất và mãi mãi của cuộc đấu tranh là vì sự sống nằm ở mỗi cá nhân, ở những nét đặc trưng khiêm tốn và những quyền đối với những đặc trưng đó của chính bản thân.62

“Những đặc trưng khiêm tốn” như trên không mang lại nguồn cảm hứng cho những nhà tư tưởng của chủ nghĩa tập thể ở cả bên tả và bên hữu, những người đang có ý định tranh thủ và áp đặt lên những người còn lại trong chúng ta vào những lý lẽ và cuộc đấu tranh to lớn của họ.

Sự ảnh hưởng của Jünger vẫn còn tiếp tục. Người ta có thể nghe thấy giọng điệu của ông khá rõ rệt trong những bài viết trên tờ New York Times của tác giả theo xu hướng tân bảo thủ David Brooks. Trong số ra ngày 23 tháng 8 năm 2010, với tựa đề “A Case of Mental Courage” [Một tinh thần can đảm], Brooks đã nhắc tới cách tiểu thuyết gia Fanny Burney miêu tả về kinh nghiệm khủng khiếp khi phẫu thuật ngực không cần gây mê (“Tôi cảm thấy con dao chạm vào xương ức, xạo xạo! Sự tra tấn này diễn ra mà tôi hoàn toàn không có một lời kêu ca”.) và ca ngợi những trải nghiệm thực sự này như là một “cử chỉ anh hùng” của cô gái (“là một thử thách đầy khó khăn nhưng thực sự cần thiết nếu cô ấy hy vọng trở thành một người can đảm”). Bài báo này của Brooks tương đồng với tư tưởng của bài luận nổi tiếng năm 1934 của Jünger “On Pain” [Cơn đau] - công trình đã bác bỏ những tiến bộ của trào lưu Khai sáng và tuyên bố “một cách chắc chắn rằng thế giới của những cá nhân tự hài lòng và tự phê bình đã qua, và rằng hệ thống những giá trị của nó, không còn nghi ngờ gì nữa, đã bị lật đổ ở tất cả những điểm chính yếu hoặc bị bác bỏ bởi hậu quả mà nó mang đến”.63

Theo Brooks, “Chủ nghĩa anh hùng ca tồn tại không chỉ ở nơi chiến địa hay nơi công cộng mà phải xuất phát từ tâm trí, trong khả năng để đối mặt với những ý nghĩ khó chịu”. Hơn nữa, theo chân Schmitt, Jünger, và Strauss, Brooks cũng phàn nàn về chủ nghĩa tư bản tự do: “Chúng ta ít có những cuộc nói chuyện về tội ác và sự yếu đuối trong thời kỳ này, đó là lỗi của chủ nghĩa tư bản. Trong những cuộc thi trên truyền hình, mọi người được nhận những phần thưởng vì đã tạo ra một nội dung “vui vẻ, tán dương”. Cuộc sống dường như đã bị quy giản về nội dung “vui vẻ,tán dương” và mất đi “tính anh hùng ca”. Những quan ngại này chính là sự lặp lại những lời than phiền của Strauss và Schmitt về xã hội tự do thiếu đi sự nghiêm túc. Trong bài viết của mình, Brooks - cũng là một người ủng hộ nhiệt tình cho cuộc chiến tranh Iraq - đã đưa ra nhận xét ủng hộ những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, như Robert Kagan và William Kristol. Họ đồng tình muốn “khôi phục cảm giác anh hùng” ở Hoa Kỳ bằng cách sử dụng sức mạnh quân đội để “kiềm chế hoặc tiêu diệt những con quỷ của thế giới”.64

Một quốc gia có thể lớn mạnh mà không cần tới chiến tranh, không cần tới bạo lực, không cần tới sự đối kháng, bằng cách bảo vệ quyền lợi của cá nhân, để người ta có thể thể hiện một cách hòa bình những đặc trưng khiêm tốn của họ - điều này là không tưởng với những người theo chủ nghĩa tập thể. Với họ, cuộc sống không có những cuộc tranh đấu là cuộc sống không có sự nghiêm túc và không còn ý nghĩa. Tính anh hùng ca thể hiện trong chiến tranh là đã cung cấp nhiên liệu để thiêu đốt cuộc sống của hàng triệu con người.

Chiến tranh không phải là điều tất yếu

“Sẽ sớm thôi, những người nghèo đói sẽ không còn dại dột tham gia vào một cuộc chiến; không phải bởi chiến tranh không còn mang lại kế sinh nhai cho họ, mà bởi chiến tranh chưa bao giờ tạo ra kế sinh nhai, bởi ý thức xã hội đã phát triển dựa trên nguyên lý của chủ nghĩa tự do cá nhân - những người luôn đấu tranh cho hòa bình. Tự do sẽ mang lại hòa bình, còn uy quyền sẽ dẫn tới chiến tranh. Những người yêu mến tự do sẵn sàng so sánh cuộc sống của những người đấu tranh cho tự do với những người đấu tranh cho uy quyền, của những người luôn cố gắng để bảo tồn với những người luôn cố gắng để phá hủy”.—Charles T. Sprading65

Vào năm 1913, ngay trước cuộc chiến tranh chết chóc và tàn khốc nổ ra ở châu Âu, một tín đồ tự do người Mỹ đã phản biện bài phát biểu của Woodrow Wilson, vị tổng thống Hoa Kỳ đã đưa nước Mỹ vào cái mà ông ấy gọi là “một cuộc chiến để chấm dứt tất cả các cuộc chiến”. Charles T. Sprading đã chất vấn:

Chiến tranh được ngăn chặn bằng cách nào? Bằng một cuộc chiến khác ư? Cảnh máu đổ sẽ dừng lại bằng sự đổ máu ư? Không; cách để ngăn chặn chiến tranh là không có thêm bất kỳ cuộc chiến nào nữa.66

Tiếng nói của chủ nghĩa tự do cá nhân lúc đấy đã không được lưu tâm và hàng triệu người đã phải trả giá bằng mạng sống của họ. Cơn thủy triều thời đại đã quay lưng lại với tự do, như nhà báo cổ vũ cho chủ nghĩa tự do cá nhân E. L. Godkin đã cảnh báo tại bước ngoặt của thế kỷ:

Chỉ còn một bộ phận bé nhỏ, đa phần là những người già nua, vẫn vang trong tim những học thuyết về tự do, và khi họ ra đi, sẽ không có ai để đấu tranh cho tự do… Những ảo tưởng cũ về quyền lực tối cao đã hơn một lần cho thấy sức tàn phá của nó, và trước khi người ta một lần nữa bác bỏ những ảo tưởng này thì nó đã kịp tạo ra thêm nhiều cuộc đấu tranh trên bình diện quốc tế với quy mô khủng khiếp.67

Godkin đã đúng trong ngắn hạn còn Sprading đã sai. Nhưng cả hai người đều thấy được tầm nhìn dài hạn hứa hẹn sự hòa bình. Cơn thủy triều của thời đại đã quay lưng một lần nữa đối với những ý tưởng tự do. Những tín đồ tự do cá nhân trên mọi châu lục đang làm việc cho một thế giới hòa bình và tự do cho tư tưởng, ngôn luận, tín ngưỡng, tình yêu, hiệp hội, du lịch, công việc và thương mại. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm giảm bớt nguy cơ chiến tranh và tăng thêm cơ hội cho hòa bình.

Chúng ta sẽ là người quyết định bác bỏ, một lần và mãi mãi, những lý thuyết hiện đại về “quyền lực thần thánh” của những kẻ cai trị, những chính khách, và những tướng chỉ huy để sắp đặt cuộc sống cho người khác. Như Colonel Pyotr Pavlovich Novikov nói, đây là thời điểm “để xác quyết quyền được khác biệt, được đặc biệt, quyền suy nghĩ, cảm nhận và sống theo cách riêng của mình,” và để ý thức rõ về một thế giới mà trong đó tất cả mọi người đều được tận hưởng tự do và hòa bình.

Chú thích:

(1) Ernst Junger, The Storm of Steel, from the Diary of a German Storm-Troop Officer on the Western Front, (New York: Howard Fertig, 1996), tr. 316-17.

(2) Joseph de Maistre, Considerations on France, Sđd., tr. 29.

(3) Sđd., tr. 31.

(4) Xem Isaiah Berlin, “The Counter-Enlightenment”, trong cuốn The Proper Study of Mankind: An Anthology of Essays, Isaiah Berlin (New York: Farrar, Straus và Giroux, 1998), tr. 243-68.

(5) Steven Engels, The Better Angels of Our Nature, tr. 226.

(6) Friedrich Engels, “Outlines of a Critique of Political Economy”, trong cuốn The Young Hegelians: An Anthology do Lawrence S. Stepelevich biên tập (Amherst, N.Y: Humanity Books, 1999), tr. 278-302, tr. 283.

(7) John Ruskin, “War”, trong bài giảng tại Học viện Quân sự Hoàng gia (Royal Military Academy), Woolwich, trong cuốn The crown of Wild Olive, Munera Pulveris, Sesame and Lilies, tác giả John Ruskin (New York: Thomas Y. Crowell & Co., không ghi ngày xuất bản), tr. 66-67. Ruskin thêm vào “Quan niệm phổ biến cho rằng hòa bình và những phẩm hạnh của đời sống dân sự sẽ phát triển mạnh mẽ cùng với nhau, tôi thấy điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận. Hòa bình và các tệ nạn của đời sống dân sự sẽ đi liền với nhau. Chúng ta nói về hòa bình và sự học hỏi, hòa bình và sự thịnh vượng, hòa bình và sự văn minh; nhưng tôi thấy những điều này không phải là những ngôn từ được nói ra bởi Nàng Thơ của lịch sử, thực sự là: hòa bình đi liền với nhục dục, hòa bình và sự ích kỷ, hòa bình và tham nhũng, hòa bình đi liền với cái chết. Một cách ngắn gọn, tôi thấy tất cả những quốc gia vĩ đại tìm thấy sự đúng đắn trong chiến tranh, và lãng phí bởi hòa bình; được dạy dỗ bởi chiến tranh, và bị lừa dối bởi hòa bình; huấn luyện bởi chiến tranh, và bị phản bội bởi hòa bình; - chốt lại, những quốc gia vĩ đại được sinh ra trong chiến tranh và chết đi trong hòa bình” (tr. 70).

(8) Trong tác phẩm Letters Concerning the English Nation, Voltaire đã mô tả kinh nghiệm của ông về một nước Anh sầm uất và tự do hơn (so với nước Pháp) và đã quan sát thấy:

Dù Tân giáo (Episcopal) và Giáo hội trưởng lão (Presbyterian) là hai giáo phái hiện hành phổ biến ở Anh quốc, nhưng tất cả các giáo phái khác đều được chào đón tại đảo quốc này và tồn tại một cách rất chan hoà với nhau, dù phần lớn những người truyền giáo của chúng ghét nhau đến mức gần như người theo giáo phái Gian-xen chửi rủa thầy tu dòng Tên.

Với quan điểm của tôi Royal-Exchange ở Luân Đôn là một nơi đáng được tôn trọng hơn rất nhiều toà án công lý, nơi mà đại diện của tất cả các quốc gia gặp gỡ vì lợi ích của nhân loại. Nơi đó người Do thái, người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo giao thương với nhau như thể tất thảy họ đều theo cùng một tôn giáo, và chỉ gọi những kẻ vỡ nợ là kẻ không tôn giáo. Nơi đó người Presbyterian giãi bày tâm sự với người Anabaptist (tín đồ của giáo phái rửa tội), và người trong giáo hội (Churchman) lại nghe lời người thuộc phái Quaker. Khi phá vỡ sự kết hợp hoà bình và tự do này, một số đã rút tới giáo đường Do thái uống một chén. Người đàn ông này đi và được rửa tội trong một cái chậu lớn, nhân danh Cha, Con và các Thánh Thần: con trai của người đàn ông đó đã được cắt bao quy đầu trong khi người ta lầm bẩm cầu nguyện bằng những chữ Hebrew (mà ông chẳng hiểu gì) trên phiến đá. Những người khác đi tới nhà thờ của họ và ở đó họ chờ sự truyền cảm từ thiên đường khi họ đều đang đội mũ và tất cả đều rất hài lòng.

Voltaire, Letters Concerning the English Nation (1733; Oxford: NXB Đại học Oxford, 1994), văn bản VI, “Bàn về Giáo hội Presbyterians”, tr. 30.

(9) Karl Marx và Friedrich Engels, “The Communist Manifesto” (1848; London: Verso, 2012), tr. 37.

(10) Robert Musil, The Man Without Qualities, Tập I, dịch bởi Sophie Wilkins (New York: Vintage Books, 1995), tr. 22.

(11) Karl Marx và Frederick Engels, sđd., tr. 34-35.

(12) Như Marx đã chỉ ra, “khi nhắc tới ‘cá nhân’ tức là nhắc đến nhà tư sản, người thuộc tầng lớp trung lưu sở hữu tài sản mà thôi. Mà cái cá nhân ấy thì chắc chắn cần phải thủ tiêu đi” (The Communist Manifesto, tr. 55). Tham khảo một bài phê bình lý thuyết của Marx về xung đột giai cấp, “Chủ nghĩa tự do truyền thống, chủ nghĩa Marx, và xung đột giai cấp: Lý thuyết chủ nghĩa tự do truyền thống về xung đột giai cấp” trong một cuốn sách của Tom G. Palmer, Realizing Freedom: Libertarian Theory, History, and Practice (tái bản lần hai: Washington, D.C: Viện Cato, 2014). Việc hiện thực hóa tầm nhìn về xung đột giai cấp thông qua việc loại bỏ các kẻ thù giai cấp, kết hợp với sự nỗ lực tai hại để loại bỏ quyền sở hữu, trao đổi trên thị trường, và hệ thống giá cả là những thứ phải chịu trách nhiệm cho hàng chục triệu cái chết trong thế kỷ 20. Tất nhiên, theo lý thuyết là có một giai cấp có tính bao quát sẽ xuất hiện, đó là giai cấp vô sản, giai cấp này sẽ đứng trên tất cả và sự xung đột giai cấp sẽ biến mất, nhưng thực tế cho thấy một hệ thống giai cấp mới được tạo ra và cả những cuộc xung đột bên trong lẫn bên ngoài được gây ra bởi sự cần thiết phải xác định và chiến đấu chống lại vô số những kẻ thù, những người được chỉ định là giai cấp vô sản hoặc có liên quan tới giai cấp vô sản.

(13) Như một nhà lý thuyết phát xít người Ý Giovanni Gentile đã nói, chủ nghĩa phát xít bắt nguồn từ một học thuyết thống nhất các quốc gia thông qua chiến tranh: “lao vào cuộc chiến tranh [Chiến tranh Thế giới lần I] là một sự cần thiết để đạt được sự đoàn kết giữa các quốc gia thông qua sự đổ máu… Chiến tranh được xem như là một cách để củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia mà chỉ có chiến tranh mới có thể làm được, tạo ra một ý nghĩ duy nhất cho tất cả công dân, một cảm giác duy nhất, một đam mê duy nhất, và một niềm hy vọng chung, một cuộc sống lo âu bởi toàn thể, ngày qua ngày – với niềm hy vọng rằng cuộc sống cá nhân có thể nhìn thấy và cảm nhận bởi một sự kết nối, mờ mịt hay sống động, hay cuộc sống bình thường với tất cả mọi người – và đây là điều vượt lên trên việc hưởng thụ những lợi ích cụ thể của bất kỳ người nào. Chiến tranh được xem như là cách để mang các quốc gia lại gần nhau – để trở thành một quốc gia thực thụ, sống động, khả năng hành động và sẵn sàng để tạo ra giá trị cho bản thân và mang lại những kết quả đối với thế giới – để tạo ra lịch sử với đặc sắc riêng của mình, với mô hình của mình, với tính cách của mình, với nguồn gốc của mình, không bao giờ trở lại cuộc sống với nền văn hóa buồn chán của những người khác và núp bóng những người vĩ đại đã làm nên lịch sử. Do đó, để tạo ra một quốc gia thực thụ, cách duy nhất tạo ra thực tại thần thánh đó là thực hiện [chiến tranh]: với sự nỗ lực và hy sinh”. Giovanni Gentile, Origins and Doctrine of Fascism, dịch bởi A. James Gregor (New Brunswick, NJ: Transaction Publishers, 2007), tr. 2.

(14) Adolf Hitler, Mein Kampf (“My Struggle”), dịch bởi Ralph Mannheim (Boston, Houghton Mifflin, 1943), tr. 289.

(15) David Held, Introduction to Critical Theory: Horkheimer to Habermas (Berkeley: NXB Đại học California, 1980), tr. 160 [trích dẫn Nietzsche].

(16) Herbert Marcuse, “Repressive Tolerance”, trong cuốn A Critique of Pure Tolerance, Robert P. Wolff, Barrington Moore, Jr., và Herbert Marcuse (Boston: NXB Beacon, 1965).

(17) Hiện nay xuất hiện nhiều phân ngành học thuật tuyên bố ủng hộ các cuộc đấu tranh chống lại sự bá quyền văn hóa, thương mại hóa, việc xem phụ nữ như là một thực thể tình dục và nhiều điều khác nữa. Việc nghiên cứu các chủ đề đó có thể mang lại nhiều giá trị, vì rằng lịch sử loài người được đặc trưng bởi các cuộc xung đột và sự thống trị. Câu hỏi đặt ra là liệu xung đột có thể giảm, cải thiện, hoặc giải quyết, hay đó là một điều hiển nhiên đối với loài người, là một phần của nhân loại. Một ví dụ về một trường phái bác bỏ chủ nghĩa tự do, quyền bình đẳng, tự do ngôn luận, và sự khoan dung là một phong trào được gọi là “chủ nghĩa nữ quyền” (chủ yếu do các nhà phê bình gọi), một nhà lý luận chủ đạo là Catherine MacKinnon, người thúc đẩy việc hình sự hóa các nội dung khiêu dâm, truy tố và bỏ tù những người sản xuất, buôn bán và trao đổi nó. Theo MacKinnon, “Tình dục… là một hình thức của quyền lực. Giới tính, như được qui ước trong xã hội, là hiện thân của tình dục, chứ không phải là ngược lại. Phụ nữ và đàn ông, do các đòi hỏi xã hội của tình dục khác giới, được chia ra bởi giới tính, tạo ra hai giới như chúng ta biết, và thể chế hóa vị thế thống trị trong tình dục của đàn ông và vị thế khuất phục trong tình dục của phụ nữ”. Catherine A. MacKinnon, “Feminism, Marxism, Method, and the State: An Agenda for Theory”, Signs, Tập 7, Số 3, Feminist Theory (Mùa xuân 1982), tr. 515-44, tr. 533. Trong cuốn Toward a Feminist Theory of the State (Cambridge: Ma.: NXB Đại học Harvard, 1989), bà bác bỏ “bình đẳng giới” và “quyền cá nhân” với lý do rằng “Sự bình đẳng không thực tế chắc chắn [nhấn mạnh] củng cố thêm sự bất bình đẳng trên thực tế đến mức mà nó đều phản ánh một sự sắp xếp xã hội bất bình đẳng” (tr. 227) và “xem các giới tính ‘như những cá thể’, mang nghĩa khác nhau ở những thời điểm khác nhau, cứ như thể chúng không thuộc về các giới, là hành động che lấp một cách hoàn hảo những thực thể tập thể này cũng như những tương quan khăng khít của nhóm giới tính đằng sau lớp mặt nạ của việc thừa nhận các quyền cá nhân.” (tr. 227) Xem thêm quan điểm cân bằng trong mối quan hệ nam - nữ về tình trạng hiếp dâm trong bài luận của bà “Crimes of War, Crimes of Peace”, do Stephen Shute và Susan Hurley biên tập, On Human Rights: The Oxford Amnesty Lectures 1993 (New York: Basic Books, 1993), “Việc người Serbia tiến hành xâm lược là một thực tế không thể nghi ngờ, cũng như việc đàn ông đối xâm phạm với phụ nữ là thực tế đã quá rõ ràng, dù là ở đây hay ở bất kỳ nơi nào khác”, tr. 87.

(18) Như Rear-Admiral S. B. Luce đã viết năm 1891: “Chiến tranh là một hành động vĩ đại mà qua đó sự phát triển của loài người được thực hiện. Sự trừng phạt – dù vậy – phần lớn lại là đáng tiếc, chúng ta vẫn phải công nhận chiến tranh giống như là sự vận hành của các quy luật kinh tế tự nhiên để cai quản gia đình loài người. Nó kích thích tăng trưởng quốc gia, giải quyết các vấn đề xung khắc của nền kinh tế nội địa và kinh tế chính trị, và gột rửa một quốc gia ra thoát khỏi các dịch thể (humors) của nó”. Rear-Admiral S.B. Luce, Hải quân Hoa Kỳ, “The Benefits of War”, The North American Review, Tập 153, Số 421, tháng 12 năm 1891.

(19) William Kristol và Robert Kagan, “Toward a Neo-Reaganite Foreign Policy”, Foreign Affairs, tháng 7/8 năm 1996, truy cập tại

http://www.foreignaffairs.com/articles/52239/william-kristol-and-robert-kagan/toward-a-neo-reaganite-foreign-policy http://www.foreignaffairs.com/articles/52239/william-kristol-and-robert-kagan/toward-a-neo-reaganite-foreign-policy.

(20) Samuel Huntington thừa nhận một “Sự va chạm giữa các nền văn minh” trong cuốn “The Clash of Civilizations and the Remarking of World Order (New York: Simon & Schuster, 1997), tr. 207: “Các nền văn minh là đích đến cuối cùng của những bộ tộc người, và sự va chạm của các nền văn minh là sự tranh giành mang tính bộ tộc trên quy mô toàn cầu. Trong một thế giới đang phát triển, các nhà nước và các nhóm từ hai nền văn minh khác biệt có thể tạo thành những kết nối và các liên minh chiến thuật, có giới hạn để gia tăng lợi ích của chúng chống lại các thực thể từ một nền văn minh thứ ba hoặc cho các mục đích được chia sẻ khác. Mặc dù vậy, mối quan hệ nhóm từ các nền văn minh khác nhau sẽ không bao giờ khăng khít, mà sẽ luôn mới mẻ, thường xuyên thù địch”, tr. 207.

(21) Xem ví dụ, G.A. Cohen, “Freedom, Justice and Capitalism”, New Left Review, I/126 (tháng 3/ 4 năm 1981), tr. 3-16.

(22) Sir Robert Filmer, “Observations upon Aristotle’s Politiques,” trong Filmer, Patriarcha and Other Writings, do Johann P. Sommerville biên tập (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1991), tr. 275. John Locke, một trong những nhân vật đầu tiên diễn ngôn các ý tưởng của chủ nghĩa tự do hiện đại, trả lời rằng: “Tự do không phải là, như chúng ta được nói [bởi Filmer], một thứ tự do cho mỗi con người làm những gì mà người đó muốn (Mỗi người có thể được tự do khi điều người khác muốn có thể làm ảnh hưởng đến người đó?) Nhưng một thứ tự do sử dụng, sắp đặt theo ý muốn của mình các gia nô, các hành động, các chiếm hữu của mình và toàn bộ tài sản của mình trong sự thừa nhận của luật pháp của nơi anh ta đang ở; và do vậy không phải chịu điều khiển bởi ý chí độc đoán, chuyên quyền của người khác, mà được tự do theo đuổi ý chí của bản thân mình.” John Locke, Two Treatises of Government, do Peter Laslett biên tập [Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1988], II, chương VI, phần 57, tr. 306.

(23) Tính nguỵ biện của luận điiểm này trở nên rõ ràng khi ta cân nhắc đến cả quan điểm của những nạn nhân bị hãm hiếp, không chỉ đơn thuần về mặt thể chất, mà còn về những ham muốn của nạn nhân liên quan đến cơ thể của nạn nhân, và liệu rằng nạn nhân có đưa ra lựa chọn liên quan đến cơ thể của mình hay cơ thể đó là chủ thể của những ham muốn của bất kỳ hay tất cả những người muốn thỏa mãn nó. Hơn nữa, từ quan điểm tự do, việc suy giảm những vụ hiếp dâm hoàn toàn không tương đương một chút nào với việc gia tăng số vụ hiếp dâm, vì rằng một sự kiềm chế (ngăn chặn hiếp dâm) vượt qua trạng thái cân bằng với những yếu tố khác (mà có thể dẫn đến hiếp dâm).

(24) Jan-Werner Muller, A Dangerous Mind: Carl Schmitt in Post-War European Though (New Haven: NXB Đại học Yale, 2003), tr. 1. Franz Oppenheimer và Joseph Schumpeter, hai tác gia nổi tiếng cổ vũ cho chủ nghĩa tự do truyền thống bằng những tác phẩm viết bằng tiếng Đức, những ý tưởng của hai người đã được đưa vào cuốn The Concept of the Political (tr. 76-79).

(25) Carl Schmitt, The Concept of the Political, do Georg Schwab dịch và biên tập (1932; Chicago: NXB Đại học Chicago, 2007), tr. 26.

(26) Kế hoạch Âu - Á (Eurasia): Một kế hoạch với ý tưởng nhằm liên kết nước Nga với các nước Đông Âu và Trung Đông (chủ yếu là Iran) tạo ra một khu vực Âu - Á xoay quanh nước Nga, với tham vọng khôi phục lại Đế chế Nga. (ND)

(27) Xem Aleksandr Dugin, The Fourth Political Theory (London: Arktos, 2012), trong đó kết hợp các yếu tố chính của lý thuyết Quốc xã, ngoại trừ thái độ chống người Do thái (nhưng thay vào đó là người đồng tính và người Mỹ), bao gồm cả việc phụ thuộc quá nhiều vào lý thuyết của Schmitt về “Những khoảng không kỳ vĩ” (Great Spaces).

(28) Carl Schmitt, The Concept of the Political, tr. 28.

(29) Carl Schmitt, The Concept of the Political, tr. 35. “Nhà nước là chủ thể chính trị quan trọng sở hữu một quyền lực khủng khiếp: khả năng tiến hành chiến tranh và qua đó công khai quyết định số phận của con người. Jus belli (luật của chiến tranh – ND) chứa đựng những điều như vậy. Nó bao hàm hai khả năng: quyền yêu cầu việc cảm tử từ các thành viên của mình và không ngần ngại để tiêu diệt kẻ thù”.

(30) Slavoj Žižek, “Carl Schmitt in the Age of Post-Politics”, trong cuốn The Challenges of Carl Schmitt, do Chantal Mouff biên tập (London: Verso, 1999), tr. 18-37, tr. 29.

(31) John Rawls, Political Liberalism (New York: NXB Đại học Columbia, 1993), tr. 267.

(32) Saul Anton, “Enemies: A love story”, Lingua Franca, tháng 5/6 năm 2000.

(33) Xem nghiên cứu của Jan-Werner Muller, A Dangerous Mind: Carl Schmitt in Post-War European Thought, tr. 229-32.

(34) Michael Hardt và Antonio Negri, Empire (Cambridge, Ma. NXB Đại học Harvard, 2001) tr.45-46. Tiền thân của vụ tấn công liều chết vào tòa nhà Tháp Đôi và Lầu Năm Góc gây ra bởi Osama bin-Laden có thể là lý do vì sao cuốn sách nhanh chóng bị chìm nghỉm sau vụ tấn công. Xem Lorraine Adams, “Một lý thuyết toàn cầu quay trên một trục bị thay đổi: 'Đế chế' – tác giả Michael Hardt trong sự trỗi dậy của những cuộc tấn công”, Washington Post, ngày 29, tháng 9, năm 2001. Trong cuốn sách của họ, Hardt và Negri suy đoán rằng “tư bản càng mở rộng mạng lưới toàn cầu về sản xuất và sự kiểm soát của mình, thì bất kỳ điểm nổi dậy đơn lẻ nào cũng sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn. Đơn giản bằng cách tập trung vào sức mạnh của bản thân mình, tập trung năng lượng vào một sợi dây căng và mảnh, những cuộc nổi dậy thâm độc này đánh trực tiếp vào những khớp nối quan trọng nhất của trật tự đế quốc.” (tr. 58). Hardt và Negri cảm thấy tiếc nuối do sự tăng trưởng của thương mại quốc tế và các tổ chức quốc tế phi chính phủ, điều mà họ nhận thấy như nguyên nhân gây ra “sự suy giảm của bất kỳ nhóm chính trị độc lập nào”. Khái niệm nhóm chính trị độc lập theo cách hiểu của họ đồng nhất, và điều này không có nghĩa là họ phủ nhận luận đề của Schmitt, mà là sự xác nhận, bởi sự hiện diện của cuộc đối đầu giữa bạn bè với kẻ thù để duy trì sự tồn tại; đây đơn thuần chỉ là sự chuyển đến “mức độ siêu quốc gia” (tr. 307-9). Hơn nữa, trong một ngôn ngữ phức tạp điển hình, họ kêu gọi đàn áp toàn diện đối với sự tự do ngôn luận: “Hành động cách mạng thật sự tham chiếu đến mức độ sản xuất. Sự thật sẽ không làm chúng ta tự do, nhưng việc kiểm soát quá trình tạo ra sự thật thì có. Tính thay đổi và lai tạo sẽ không có tính giải phóng nhưng việc kiểm soát sự sản sinh ra sự thay đổi và sự không đổi, sự tinh khiết và sự pha trộn thì có. Phần thưởng thật sự của Đế chế sẽ là hội đồng lập hiến của dân chúng, là nhà máy xã hội cho việc sản sinh ra chân lý.” (Trang 156) Nhà văn theo chủ nghĩa Mác thất thường và bốc đồng Slavoj Žižek đã đi theo cách tiếp cận của Schmitt; ông lập luận rằng thậm chí dân chủ tự do cũng phải đi theo cách tiếp cận của Schmitt, và rằng “các nền dân chủ tự do đa nguyên và khoan dung vẫn còn rất Schmitt: họ tiếp tục dựa vào Einbildungskraf chính trị [quyền lực siêu nghiệm của sự tưởng tượng] để cung cấp cho họ những con số thích hợp để làm cho những kẻ thù vô hình trở nên hiện hữu.,Với việc định nghĩa Kẻ Thù như là kẻ chống lại trào lưu chính thống của lòng khoan dung đa nguyên, thì điều này chỉ đơn giản là thêm vào logic nhị nguyên Bạn/Thù một khuynh hướng phản thân thay vì loại bỏ nó.” Slavoj Žižek, “Are we in a war? Do we have an enemy?”, London Review of Books, Tập 24, Số 10, Ngày 23 tháng 5, 2002.

(35) Michael Hardt và Antonio Negri, Empire, tr. 65–66.

(36) George Orwell, “Politics and the English Language,” George Orwell, A collection of Essays (New York: Harcourt, 1981), (tr. 167).

(37) Großraum: Kế hoạch mở (open-plan), chỉ những kế hoạch của Hitler trong thời kỳ Đệ tam Quốc xã mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng của nước Đức đối với các khu vực khác trên thế giới. (ND)

(38) Carl Schmitt, “The Großraum Order of International Law with a Ban on Intervention for Spatially Foreign Powers: A Contribution to the Concept of Reich in International Law (1939-41),” Carl Schmitt, Writings on War, Timothy Nunan dịch (London: Báo Chính trị, 2011), tr. 75–124, tr. 109.

(39) Mối quan hệ giữa Schmitt và Strauss đã được trao đổi ở rất nhiều sách, nhiều trong số đó xuất hiện/ nhảy múa quanh câu hỏi về sự ngưỡng mộ của Strauss đối với chủ nghĩa phát-xít. Hãy xem Leo Strauss “Notes on Carl Schmitt, The Concept of the Political, tr. 97-122; Heinrich Meier, Carl Schmitt and Leo Strauss: The Hidden Dialogue (Chicago: Đai học Báo chí Chicago, 2006); và C. Bradley Thompson, cùng Yaron Brook, Neoconservatism: An Obituary for an Idea (Boulder: Paradigm Publishers, 2010) đặc biệt là Chương 9, “Flirting with Fascism.” Ngoài ra còn có chủ đề mà lá thư của Strauss đề ngày 19 tháng 5, năm 1933 gửi cho Karl Löwith, được viết ở Pháp sau chiến thắng của chủ nghĩa xã hội quốc gia ở Đức. Strauss viết rằng thật là kinh khủng khi “toàn bộ trí thức vô sản Do thái gốc Đức lại ở đây (ở Paris) và rằng ông ta thích nhất là quay trở lại Đức, nhưng, ông cũng chú ý rằng, người Do thái không còn được chào đón Ở Đức. Dù ông cũng bổ sung thêm rằng ngay cả khi nước Đức đã chuyển sang phe cực hữu và không còn khoan dung họ nữa thì vẫn không có gì đi ngược lại các nguyên lý về quyền (Löwith cũng là người Do thái): “darauss, dass das rechts – gewordene Deutschland uns nicht gegen die rechten Prinzipien.” “Trái lại”, ông viết, “chỉ với những nguyên lý về quyền – những nguyên lý đế quốc, phát-xít hay chuyên chính – thì ai đó mới có thể chống lại một cả một hệ thống suy đồi khốn nạn (‘mit Anstand’) và không cần đếm xỉa đến có những lời kêu gọi lố bịch hay không thỏa đáng đối với “những quyền không thể xâm phạm được của con người.” Ông bổ sung thêm (và đây rõ ràng là hành động thọc dao vào cổ họng của chủ nghĩa tự do) “Không có lý do gì để bò từng bước một cách hối lỗi tới cây thánh giá [một cụm từ giàu ý nghĩa trong tiếng Đức không dễ dịch, đặc biệt là nó đề cập đến “cây thánh giá” và Strauss là người Do thái, đó có thể là lý do tại sao ông sử dụng cụm từ đó], và càng không đối với cây thánh giá chủ nghĩa tự do, chừng nào tia lửa của những ý tưởng Roman đúng đắn vẫn chập chờn đâu đó trên thế giới này; và dù sao đi nữa, một khu chất lượng tốt dành cho cộng đồng thiểu số [chẳng hạn khu người Do thái] còn tốt hơn bất kỳ hình thức thánh giá nào.” Bức thư ngày 19 tháng 5 năm 1933 của Leo Strauss gửi Karl Löwith, trong Leo Strauss, Gesammelte Schriften, Band 3, Hobbes’s politische Wissenschaft und zugehörige Schriften – Brife, trong bản sửa đổi lần 2, biên dịch bởi Heinrich và Wiebke Meier (Stuttgart: Verlag J.B. Metzler), tr. 624-26. Những người biện hộ cho Strauss, khi họ nhận được bức thư, đã phải khá vất vả để giải thích ý của ông theo cách khác, nhưng có vẻ khá chắc chắn là, ngay cả với lời tuyên bố quả quyết của ông về “những nguyên lý đế quốc, phát-xít hay chuyên chính”, ông đề cập đến một nhà nước phát-xít mà Mussolini đang thành lập ở Rome. Lúc này Mussolini đang cố gằng thành lập “Đế chế Roman mới” và đang là đối thủ, chứ không phải đồng minh, của Hitler và những kẻ theo Quốc xã, và không, lưu ý thêm một lần nữa là tại thời điểm đó, đưa tinh thần bài Do thái vào hệ tư tưởng của quốc gia.

(40) Chiến tranh Iraq (Iraq War): (20/03/2003 – 19/08/2010) là cuộc chiến xảy ra tại Iraq với một bên là lực lượng đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu và một bên là chính quyền độc tài Saddam Hussein (ban đầu) và các lực lượng nổi dậy (về sau). (ND)

(41) Robert Kagan và William Kristol, “What to do about Iraq”, The Weekly Standard, ngày 21 tháng 1 năm 2002, truy cập tại:

http://www.Weeklystandard.com/Content/Public/Article/000/000/000/768pylwj.asp

(42) David Brooks, “A Return to National Greatness: A Manifesto for a Lost Creed”, The Weekly Standard, ngày 3 tháng 3 năm 1997.

(43) William Kristol và Robert Kagan, “Toward a Neo-Reaganite Foreign Policy”.

(44) Leo Strauss, “Notes on The Concept of the Political), in lại trong cuốn The Concept of the Political,” Carl Schmitt, tr. 97-122, tr. 122. Ảnh hưởng của Strauss lên Schmitt đã được mô tả bởi Heinrich Meier, Carl Schmitt and Leo Strauss: The Hidden Dialogue. Những người đã bác bỏ sự phục vụ của Schmitt đối với Đệ tam Quốc xã và xem đó như là công việc phải làm hay mang tính cơ hội nên đọc những tác phẩm mang tính trấn áp của Schmitt, chẳng hạn “Der Fuhrer Schutzt das Recht” (“The Leader Guards/Protects the Law”), phát hành với tựa đề Deutsche Juristen-Zeitung (ngày 1 tháng 8 năm 1934; truy cập tại http://www.flechsig.biz/DJZ34_CS.pdf), được phát hành sau vụ xử tử hàng trăm người đối lập của Hitler, và mở đầu những chương về Schmitt trong cuốn Hitler’s Philosophers, Yvonne Sherratt (New Haven: NXB Đại học Yale, 2013) và Emmanuel Faye, Heidegger: The Introduction of Nazism into Philosophy (New Haven: NXB Đại học Yale, 2009), cũng như những tiết lộ và phân tích của Raphael Gross trong cuốn Carl Schmitt and the Jews: The “Jewish Question”, the Holocaust, and German Legal Theory (Madison: NXB Đại học Wiscousin, 2007).

(45) Xem cuộc thảo luận trong cuốn Heidegger: The Introduction of Nazism into Philosophy, sđd., tr. 158-62.

(46) Ludwig von Mises, Omnipotent Government: The Rise of the Total State and Total War (1944; Indianapolis: Quỹ Tự do, 2011), tr. 106, truy cập tại

http://files.libertyfund.org/files/2399/Mises_OmnipotentGovt1579_LFeBk.pdf http://files.libertyfund.org/files/2399/Mises_OmnipotentGovt1579_LFeBk.pdf.

(47) Carl Schmitt, The Concept of the Political, tr. 54.

(48) Sđd., tr. 55.

(49) eo ipso: là một từ Latin, thường được sử dụng trong những văn bản triết học để chứng minh khả năng hay sự khả thi từ trong bản chất. (ND)

(50) Sđd., tr. 71.

(51) Sđd., tr. 29.

(52) Ernst Junger, The Storm of Steel, from the Diary of a German Storm-Troop Officer on the Western Front, tr. 319.

(53) Cụm từ này được phổ biến rộng rãi bởi nhà văn marxist Johann Plenge trong tác phẩm xuất bản năm 1916 của ông und 1914: Die symbolischen Jahre in der Geschichte des politischen Geistes, trong đó ông tuyên bố rằng “Với sự tất yếu của chiến tranh, những ý tưởng chủ nghĩa xã hội đã hướng về đời sống kinh tế Đức, cách thức tổ chức của nó cũng đã phát triển theo hướng một tinh thần mới, và do đó khẳng định vị thế của dân tộc chúng ta đối với nhân loại trong việc đã đưa ra ý tưởng về cuộc chiến năm 1914, ý tưởng về một mô hình tổ chức kiểu Đức, một đơn vị quốc gia của chủ nghĩa xã hội nhà nước.” Trích trong F. A. Hayek, The Road to Serfdom (1944; London: Routledge & Kegan Paul, 1979), p. 127.

(54) Briefwechsel, Briefe 1930–1983 Ernst Jünger / Carl Schmitt, do Helmut Kiesel biên tập (Stuttgart: Klett-Kotta, 2012).

(55) Sinh nhật lần thứ 100 của Junger đã được kỷ niệm với một bức thư từ vị Tổng thống chủ nghĩa xã hội Pháp François Mitterand, người đã từ bỏ phục vụ trong những năm chiến tranh cho phát-xít Vichy và chuyển sang phục vụ cho chủ nghĩa xã hội khi cuộc chiến đã xác định được bên nào sẽ chiến thắng. Bức thư có thể được tìm thấy tại http://www.ernst-juenger.org/2012/05/francois-mitterand-to-ernst-junger-on.html.

(56) Ernst Jünger, Sđd., tr. 317.

(57) Trong cuốn Erich Maria Remarque: The Last Romantic, Hilton Tims (New York: Carroll & Graf, 2003), tr. 143.

(58) “Die echte Revolution hat noch gar nicht stattgefunden, sie marschiert unaufhaltsam heran. Sie ist keine Reaktion, sondern eine wirkliche Revolution mit all ihren Kennzeichen und Au.erungen, ihre Idee ist die volkische, zu bisher nicht gekannter Scharfe geschliffen, ihr Banner das Hakenkreuz, ihre Ausdrucksform die Konzentration des Willens in einem einzigen Punkt—die Diktatur! Sie wird ersetzen das Wort durch die Tat, die Tinte durch das Blut, die Phrase durch das Opfer, die Feder durch das Schwert.” Ernst Junger, “Revolution und Idee,” Völkischer Beobachter (được quảng bá như là “Đường lối chiến đấu của phong trào Quốc xã vì một nước Đức vĩ đại”), ngày 23/24 tháng 9 năm 1923, trong cuốn Ernst Junger: Die Biographie, Helmuth Kiesel (Munchen: Siedler Verlag, 2007), tr. 268.

(59) Ernst Junger, “Total Mobilization”, dịch bởi Joel Golb & Richard Wolin trong cuốn The Heidegger Controversy: Acritical Reader, do Richard Wolin biên tập (Cambridge, MA: NXB MIT, 1998), tr. 119-39, tr. 127, tr. 134. Benito Mussolini đã sớm bày tỏ ý tưởng về chế độ quân chủ như là một sự thay thế cho chủ nghĩa tự do: “Sự thật, một điều hiển nhiên đối với tất cả những người mà đôi mắt không bị che phủ bởi chủ nghĩa giáo điều, là con người đang mệt mỏi với tự do. Họ đã có một cuộc chè chén say sưa với nó. Tự do ngày nay không còn là một cô trinh nữ trong trắng và nghiêm trang như lúc ban đầu, nó đã chết đi cùng với thế hệ những người thuộc giai đoạn đầu của thế kỷ trước. Đối với giới trẻ ngày nay, những người gan dạ, nhiệt huyết, nghiêm nghị, đó là bình minh của kỷ nguyên mới, có những từ khác mà diễn tả niềm đam mê mãnh liệt hơn đối với những từ này như: trật tự, cấp bậc, kỷ luật,… Rồi chúng sẽ biết, một lần và mãi mãi, rằng chủ nghĩa phát-xít thì không có thần tượng, không thờ phụng thần linh nào cả. Nó đã thực sự bước đi, và nếu cần thiết, sẽ lặng lẽ quay lại từ bước đầu tiên, trên cơ thể đã thối rữa của Nữ thần Tự do”. The Life of Benito Mussolini, Margherita G. Sarfatti, Lời giới thiệu được viết bởi Signor Mussolini, dịch bởi Frederic Whyte (New York: Công ty Frederick A. Stokes, 1925), tr. 328-99 (được trích nguyên văn từ một bài luận được công bố của Mussolini Gerarchia tháng 5 năm 1923).

(60) Julien Hervier, The Details of Time: Conversation with Junger (New York: NXB Marsilio, 1995), tr. 69.

(61) KGB: cơ quan an ninh, tình báo của Liên bang Xô viết. (ND)

(62) Vasily Grossman, Life and Fate: A Novel, dịch bởi Robert Chandler (New York: Harper & Row, 1987), tr. 230.

(63) Ernst Junger, On Pain, dịch bởi David C. Durst (1934; New York: NXB Telos, 2008), tr. 17.

(64) William Kristol và Robert Kagan, sđd.

(65) Charles T. Sprading, Liberty and the Great Libertarians (1913; New York: Fox & Wilkes, 1995), tr. 29.

(66) Sđd., tr. 28.

(67) E.L. Godkin, “The Eclipse of Liberalism”, The Nation, ngày 9 tháng 8, 1900.

Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 8, Jameson Books, Inc., 2014

 

 

Dịch giả:
Chu Diệu Hiền
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.