Cá nhân tự kiểm soát trong xã hội và cộng đồng (Phần 3)

Cá nhân tự kiểm soát trong xã hội và cộng đồng (Phần 3)

Các khía cạnh lịch sử của tự do và trách nhiệm cá nhân

Dù sao đi chăng nữa, lịch sử luôn quan trọng. Việc thấu hiểu lịch sử cung cấp một lăng kính mạnh mẽ để hiểu các học thuyết khoa học, các khái niệm triết học, các đạo luật được ban hành và các hiện tượng xã hội khác. Để hiểu một tư tưởng việc hiểu lịch sử của nó nói chung là hữu ích. Các ý tưởng, khái niệm và lý thuyết có thể được hiểu như công cụ mà chúng ta sử dụng để giải quyết các vấn đề và do đó sự thấu hiểu về lịch sử của chúng, tức biết được những vấn đề được giải quyết nhờ áp dụng chúng, có thể giúp chúng ta hiểu được những ý tưởng, khái niệm hoặc học thuyết đó. Cần phải nói rằng, việc xem xét một ý tưởng trên phương diện  lịch sử không có nghĩa là ý tưởng đó bị giới hạn hoặc phù hợp chỉ cho một số người, vào những khoảng thời gian hoặc địa điểm nhất định. Nó cũng không hàm lý là ý tưởng đó chỉ có thể được phát triển dưới những điều kiện đó. Hiển nhiên là những người cách xa nhau đáng kể về thời gian và không gian vẫn có thể phát triển những công cụ tương tự hoặc giống hệt nhau, và việc các công cụ và khái niệm được lan truyền đến các nhóm người khác thông qua quá trình thuyết phục và ganh đua cũng là lẽ thường tình.

Việc thừa nhận sự tồn tại của cá tính là phổ biến trong tất cả các nền văn hóa. Không thể phủ nhận việc con người là những cá thể khác biệt; trên thực tế có các cơ quan hay vùng cụ thể trong não bộ con người để giúp chúng ta phân biệt và nhận dạng khuôn mặt con người. Nếu không có điều này, các hình thức hợp tác của con người sẽ là bất khả thi.221 Mỗi con người đều là duy nhất, ngay cả khi những kẻ cai trị có thể coi chúng ta như những vật có thể hoán đổi hoặc mua bán. Có một điều ít được thấu hiểu hơn là việc tất cả chúng ta đều chia sẻ một số thứ quan trọng về mặt đạo đức và vì thế tất cả loài người đều có quyền chính đáng để đòi hỏi người khác đối xử đúng đắn với mình, có nghĩa là, tôn trọng những quyền con người của họ. Chỉ trong thời hiện đại ý tưởng như vậy mới được lan truyền rộng rãi, mặc dù vẫn còn xa để tiến tới mức được chấp nhận một cách phổ quát.

Hiểu biết trên phương diện lý thuyết về cá tính ở cả cấp độ sự độc đáo mang tính cá nhân (hoặc "sự cá nhân hóa") và cấp độ chủ nghĩa cá nhân đóng vai trò nền tảng cho các yêu cầu mang tính pháp lý và chính trị xuất hiện tại các thời điểm và địa điểm khác nhau. Những dòng tư tưởng mang đặc tính của chủ nghĩa cá nhân được hợp nhất để hình thành chủ nghĩa tự do hầu như nảy sinh từ châu Âu, mặc dù những yếu tố cốt lõi của chủ nghĩa cá nhân tự do có thể tìm thấy tại các nền văn minh Trung Hoa, Hồi Giáo, Ấn Độ và các nền văn minh khác. Chúng xuất hiện từ châu Âu bởi một số các lý do ngẫu nhiên mang tính lịch sử, bao gồm: Sự phân quyền mạnh mẽ giai đoạn hậu cổ đại của các tổ chức quyền lực tại châu Âu (đã diễn ra ở cả xã hội phong kiến và xã hội dân sự sau này, chủ yếu ở khu vực nông thôn trước đây và khu vực thành thị và thương mại sau này, nhưng cả hai đều được phân cấp để đối phó với nạn bạo hành và cướp bóc, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự thử nghiệm và cạnh tranh giữa các nhánh quyền lực);222 sự phân tách và ganh đua giữa các thể chế tôn giáo và nhà nước;223 sự cạnh tranh giữa các thế lực chính trị (bao gồm các thành phố cộng hòa, các vương quốc và các công quốc, các tổng giám mục, các lãnh địa và các thực thể chính trị khác) để thu hút công nhân, những người có kĩ năng, vốn, và duy trì đà tăng trưởng của công nghiệp và thương mại;224 và sự tái khám phá và khai thác thường xuyên một cách có chọn lọc những di sản triết học và luật pháp cổ điển (chủ yếu là Hy Lạp và La Mã).225. (Sự xuất hiện của chủ nghĩa tự do tự nó là một trật tự tự phát, không phải là sản phẩm của một hay một vài trí tuệ thiên tài; nó xuất phát từ sự hợp lưu của một số các quá trình khác nhau để hình thành nên một bộ các ý tưởng mạch lạc, bổ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực luật pháp, đạo đức, triết học, kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, lịch sử và các ngành khoa học nhân văn khác.226)

Sự ngẫu nhiên mang tính lịch sử

Lịch sử là một chuỗi những sự ngẫu nhiên, của những thứ đáng lẽ có thể xảy ra khác đi. Nếu đội quân Mông Nguyên tiếp tục tiến vào châu Âu sau vụ Thành Cát Tư Hãn bị đầu độc vào ngày 11 tháng 12 năm 1241, Lịch sử châu Âu sẽ diễn ra theo một hướng khác hoàn toàn. Như chúng ta đã biết, các thủ lĩnh Mông Cổ đã trở lại Karakorum để bầu ra một vị vua mới và nhờ thế miền trung và miền tây châu Âu đã tránh được những cuộc chinh phạt của người Mông Cổ. Sự chiếm đóng của đội quân này đã tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến quỹ đạo phát triển của các xã hội Nga, Đông Á, Khu vực dãy núi Cáp-ca, Trung Á, Ấn Độ và Trung Đông. Sự kiện ngẫu nhiên trong lịch sử cung cấp cho chúng ta lý do để cảnh giác với các tuyên bố bản chất luận về văn hoá.

Suy diễn về sự phát triển nhất định diễn ra ngay từ những điểm xuất phát ban đầu thì thật mạo hiểm, nhưng điều này hiếm khi ngăn cản được một số người làm việc đó. Vài năm về trước tôi đã tham gia một buổi hội thảo so sánh giữa tư tưởng Khổng giáo và Aristote, đến cuối buổi, một người tham dự đã kết luận rằng một nền văn hóa dựa theo tư tưởng của Aristote đã dẫn đến Hiến pháp Mỹ, cuộc cách mạng công nghiệp, và sự hủy bỏ chế độ nô lệ, trong khi đó nền văn hóa dựa trên Đạo Khổng đã dẫn đến Mao Trạch Đông, hàng chục triệu cái chết trong cuộc Đại Nhảy Vọt, và cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. Cứ như thể là chẳng có điều gì khác nữa đã xảy ra giữa thời kì của Aristote và Khổng tử và hiện nay; theo cách tiếp cận thông thường đó, lịch sử chỉ là một quỹ đạo tuyến tính từ một ý tưởng cho đến một hệ thống các kết quả đầu ra. Thứ duy nhất định hình xã hội là Ý Tưởng (viết hoa) và, bởi vì những Ý Tưởng khác nhau thường có nhiều sự hàm ý, vấn đề chỉ là việc dò ra những hàm ý đó để suy đoán hiện tại từ những ý tưởng của quá khứ. Một ai đó đọc Kinh thánh, Aristote, kinh Koran, Luận Ngữ hay Mahabharata, và nếu không có hệ thống giải nghĩa hoặc bối cảnh, chỉ có thể đưa ra các suy đoán những hàm ý của nó. (Có khá nhiều sự gán ghép vô lý, như sự gán ghép "văn hóa châu Á" với chủ nghĩa tập thể. Về viện dẫn những lập luận đó để nói về sự không thể tránh khỏi của một chế độ bạo ngược tại châu Á, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân Trung Quốc đã chỉ ra rằng Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Lenin, and Joseph Stalin, những người mà tranh ảnh của họ vẫn được treo trong các tòa nhà của các cơ quan nhà nước Trung Quốc, có lẽ nên được coi là những nhà tư tưởng người Trung Quốc hay châu Á.227 Những nỗi kinh hoàng của các chế độ độc tài theo chủ nghĩa tập thể ở châu Á gắn bó mật thiết với những ý tưởng được các nhà tư tưởng châu Âu hơn là với cái gọi là “văn hóa châu Á”, một thứ mà  hầu như chẳng đơn nhất chút nào).

Bất kì ai cũng có thể tìm ra những lời phát biểu thuộc về lý tưởng của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân trong thời xa xưa,228 những thể hiện về cá tính và sự tự do cá nhân trong các nên văn minh Ả Rập và Hồi giáo229 (bản thân nền văn minh Hồi giáo cũng là một sản phẩm kế thừa từ nền văn minh cổ đại), trong nền văn minh Trung Hoa,230 và trong nền văn minh Ấn Độ, 231 nhưng những nguồn tri thức và thiết chế hình thành chủ nghĩa tự do toàn cầu lại hội tụ chủ yếu tại châu Âu.

Quỹ đạo lịch sử đáng lẽ có thể khác đi, nhưng thực tế lại không như vậy. Trong khi tư duy mang khuynh hướng cá nhân có thể được tìm thấy trong các nền văn hóa khác - và nếu như có một số diễn tiến khác đi, chủ nghĩa tự do có lẽ đã xuất hiện, hoặc phát triển mạnh hơn, tại các nền văn hóa khác đó thay vì châu Âu, nhưng đó là điều đã không diễn ra. Điều này giải thích vì sao các sử gia đều tập trung vào nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân tự do tại châu Âu. (một số các ngành khoa học tự nhiên cũng đã được tiên phong khám phá chủ yếu bởi các nhà tư tưởng ở châu Âu, nhưng rất ít người cho rằng sinh học, hóa học, vật lý và cơ học hiện đại chỉ dành cho những người châu Âu dựa trên lý do giản đơn rằng một số phát minh hoặc khám phá mang tính tiên phong trong các lĩnh vực đó được thực hiện ở châu Âu.)

Chú thích:

221."Hợp tác qua lại có thể ổn định với một phạm vi các cá nhân rộng hơn nếu sự phân biệt có thể bao trùm rộng khắp những người khác với ít hơn sự phụ thuộc vào các tín hiệu bổ sung như vị trí. Ở con người, khả năng này được phát triển tốt, và phần lớn là dựa trên sự nhận diện khuôn mặt. Mức độ mà qua đó chức năng này trở nên chuyên biệt được thể hiện qua một loại rối loạn não gọi là chứng đau đầu (prosopagnosia). Một người bình thường có thể chỉ ra một ai đó qua các đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt, ngay cả khi các đặc điểm đã thay đổi đáng kể qua nhiều năm. Những người với chứng bệnh prosopagnosia không có khả năng này, tuy nhiên có một số triệu chứng thần kinh khác ngoài sự mất mát của một phần của thị giác. Các tổn thương gây ra rối loạn xảy ra trong một bộ phận có thể nhận biết được của não: mặt dưới của cả hai thùy chẩm, bề mặt bên trong của thùy thái dương. Sự định vị của các nguyên nhân, và cụ thể hóa ảnh hưởng, chỉ ra rằng sự nhận diện các khuôn mặt là một nhiệm vụ đủ quan trọng, chiếm một phần đáng kể các nguồn lực của não. Cũng như khả năng nhận dạng được người chơi khác là rất cần thiết trong việc mở rộng phạm vi hợp tác ổn định, khả năng theo dõi các tín hiệu để xác định khả năng tiếp tục tương tác sẽ rất hữu ích như là dấu hiệu của sự hợp tác qua lại có ổn định hay không", Robert Axelrod, The Evolution of Cooperation (rev. ed., New York: Basic Books, 2006), 102–103.

222. Diễn giải cổ điển về sự hình thành xã hội phong kiến như là một phản ứng đối với cuộc xâm lăng có thể được tìm thấy trong Marc Bloch, Feudal Society (1940; New York: Routledge, 2014), 5–61.

223.        Xem “The Origin of the Western Legal Tradition in the Papal Revolution,” trong Harold Berman, Law and Revolution: the Formation of the Western Legal Tradition (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1983), 85–119.

224. Xem Eric Jones, The European Miracle: Environments, Economies, and Geopolitics in the History of Europe and Asia (Cambridge: Cambridge University Press, 2003); Nathan Rosenberg and L. E. Birdzell Jr., How the West Grew Rich: The Economic Transformation of the Industrial World (New York: Basic Books, 1987); Robert S. Lopez, The Commercial Revolution of the Middle Ages, 950–1350 (Cambridge: Cambridge University Press, 1976).

225. Việc tái khám phá hệ thống luật La Mã được giám sát bởi thầy cãi Tribonian (và được tài trợ bởi Hoàng đế Justinian; do vậy các văn bản được biến đến biến rộng rãi như Digest of Justinian và the Institutes of Justinian) có ý nghĩa quan trọng; nó cung cấp một khuôn khổ pháp lý phức tạp cho một xã hội thương mại đang nổi lên. Việc sao chép và lưu hành các văn bản của Aristotle, Cicero (đặc biệt là tác phẩm On Duties) và các nhà tư tưởng khác trong thời cổ đại cũng đóng vai trò quan trọng.

226. Sự lớn mạnh của tư tưởng tự do cá nhân đã được nhắc đến nhiều lần; về một giới thiệu ngắn gọn, bao gồm trích dẫn để nghiên cứu thêm, hãy xem “The History and Structure of Libertarian Thought” trong Why Liberty, biên soạn bởi Tom G. Palmer (Ottawa, Illinois: Jameson Books, 2013), bản online có thể tham khảo tại http:// studentsforliberty.org/wp-content/uploads/2013/07/Why-Liberty-Final-Typeset-with-Cover.pdf.

227. Học giả Lin Yutang khi viết về việc diễn giải lại trong thế kỷ 20 các chính sách của Wang Anshih từ thế kỷ 11 có đề cập đến “các tư tưởng chủ nghĩa tập thể của phương Tây". Xem Lin Yutang, The Gay Genius: The Life and Times of Su Tungpo (New York: The John Day Company, 1947), 96.

228. Hãy xem xét than thở của Helen trong vở kịch Helen của Euripides: "Vì Đức Chúa Trời ghét sự bạo lực, và tất cả mọi người đều có lợi ích hợp pháp mà không phải cướp bóc người khác. Cần phải tránh sự giàu có một cách bất công, mặc dù nó mang lại một số quyền lực. Hơi thở của thiên đường và trái đất là di sản chung của con người, tại đó chúng ta xây dựng tổ ấm của mình mà không phải lấy tài sản của người khác bằng vũ lực. " Euripides (2012-04-30). Helen, dịch bởi E. P. Coleridge (Kindle Locations 809–811). Neeland Media LLC. Kindle Edition.

229. S. D. Goitein khám phá truyền thống phong phú của các miêu tả đặc tính cá nhân trong văn học Ả rập trong Individualism and Conformity in Classical Islam, ed. Amin Banani and Speros Vryonis Jr., 3–17.  Chủ nghĩa tự do trong truyền thống Hồi giáo được thảo luận chi tiết, từ một góc nhìn của chủ nghĩa tự do cá nhân, trong Mustafa Akyol, Islam Without Extremes: A Muslim Case for Liberty (New York: W. W. North & Co., 2011); Antony Black, The History of Islamic Political Thought: From the Prophet to the Present (2nd ed.; Edinburgh: Edinburgh University Press, 2011); Đặc biệt thú vị là nghiên cứu của ông về Khayr Al-Din Al-Tunisi, nhà cải cách và tác giả của The Surest Path to Know the Conditions of the State (290–293). Khayr Al-Din Al-Tunisi giải thích sự thịnh vượng của châu Âu bởi chính sách của họ, và ghi nhận rằng sự trỗi dậy của châu Âu "chỉ vì họ đã thực hiện các luật lệ cung cấp các yêu cầu cơ bản về tự do (như đã giải thích) để bảo vệ quyền của các cá nhân, danh dự, sự giàu có, và sự nhất trí về cách nào để thúc đẩy lợi ích công cộng và tránh tham nhũng bằng cách cân nhắc kỹ lưỡng các tập quán, hoàn cảnh và những thời điểm vào rất nhiều cách phán quyết mà Đạo luật Hồi giáo cũng cho phép”. Chính nhờ "những vì những lợi ích của những thiết chế đó, các vị vua và các bộ trưởng phải chịu đựng sự cay đắng ban đầu của việc bị hạn chế để có thể tận hưởng uy quyền và nền văn minh sẽ theo sau dó”. Kahry al-Din al-Tunisi, The Surest Path: The Political Treatise of a Nineteenth Century Muslim Statesman, Leon Carl Brown, trans. (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1967), 175. Xem thêm phần thảo luận giữa các nhà triết học Hồi giáo về vấn đề liệu linh hồn con người có phải là duy nhất cho toàn thể nhân loại hay riêng biệt với mỗi người trong Lenn E. Goodman, Avicenna, bản cập nhật (Cornell: Cornell University Press, 2006), 127–128. Ibn Rushd (Averroes) lập luận rằng tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng một linh hồn, trong khi đó Avicenna (Ibn Sīnā) vẫn ủng hộ "rằng linh hồn trí tuệ mà bị phụ thuộc vào sự bất tử là tư tưởng hay ý thức, và phải tập trung và cá biệt hóa tư tưởng: tập trung một cách khách quan, cá biệt hóa một cách chủ quan" (Goodman, 128). Cuộc tranh luận cũng diễn ra giữa các nhà tư tưởng Kitô giáo, đặt ""phái Latin Averroist"", đặc biệt là Siger xứ Brabant, trong thế đối lập với Thánh Thomas Aquinas về việc liệu có một "linh hồn trí tuệ" cho tất cả nhân loại. Phái Latin Averroist cho rằng để hai cá nhân biết cùng một điều, họ cần phải có cùng hình thức do tác nhân trí tuệ áp đặt vào cùng vật liệu trí tuệ. (Xem Siger xứ Brabant, “On the Intellective Soul,” trong Medieval Philosophy: From St. Augustine to Nicholas of Cusa, ed. John F. Wippel and Allan B. Wolter, O. F. M. [London: Collier Macmillan Publishers, 1969], 358– 65.)  Ý nghĩa của trách nhiệm cá nhân rất rõ ràng: nếu bạn và tôi có cùng một linh hồn và bạn có một cuộc sống tốt đẹp và đạt được sự cứu rỗi, thì tôi cũng vậy, bất kể những tội lỗi tôi phạm phải. Thánh Thomas đã lập luận rằng ý tưởng về một linh hồn cho tất cả nhân loại, một hình thức sâu xa của chủ nghĩa tập thể siêu hình, rõ ràng rất vô lý: "Nếu. . . trí tuệ không thuộc về người này theo cách nó thực sự là của riêng anh ta, mà chỉ được kết hợp với anh ta thông qua các ảo giác hoặc như một người thúc đẩy, ý chí sẽ không có trong người này, mà trong một trí tuệ riêng biệt. Và vì thế người này sẽ không làm chủ được hành động của mình, và cũng không có hành động nào của anh ta đáng được khen ngợi hay đáng trách. Điều này thực sự phá hủy các nguyên tắc của triết học đạo đức. Vì điều này là vô lý và trái với cuộc sống của con người (vì nó không cần bất cứ sự tư vấn hay tạo ra luật pháp) nên nó liên quan đến chúng ta theo cách mà chúng và chúng ta tạo thành một hữu thể thực sự." Thomas Aquinas, On the Unity of the Intellect Against the Averroists (Milwaukee: Marquette University Press, 1968), chap. II, par. 82, p. 57. Theo Thomas, loài thực sự có trí khôn không phải là hình thức của chính bản thân nó đã nâng mức độ hiểu biết lên cao hơn theo nghĩa đen mà là nhờ nó chúng ta nhận biết được: "Đó là. . . một thứ mà cả tôi và bạn đều hiểu. Nhưng tôi hiểu nó theo cách này còn bạn hay một giống loài có trí tuệ khác thì hiểu theo cách khác.” Thomas Aquinas, On the Unity of the Intellect Against the Averroists, chap. V, par. 112, p. 70. Vấn đề này được thảo luận trong Herbert Davidson, Alfarabi, Avicenna, and Averroes on Intellect (Oxford: Oxford University Press, 1994).

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Phạm Thanh Nam
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.