Nguồn gốc của nhà nước và chính phủ

Nguồn gốc của nhà nước và chính phủ

Có phải nhà nước chịu trách nhiệm cho sự thịnh vượng và trật tự xã hội? Nhà nước là gì và chính phủ là gì? Một bài viết ngắn thuộc lĩnh vực xã hội học về nhà nước chỉ ra rằng các nhà nước xuất hiện khi “những kẻ cướp lưu động” trở thành “những kẻ cướp cố định” và thiết lập chế độ bóc lột chính quy hóa. Thành quả đạt được về quyền tự do chủ yếu là một sản phẩm của quá trình đưa các chính phủ vào khuôn khổ pháp luật, đến nay quá trình này vẫn còn là một cuộc đấu tranh liên tục. (Bài viết này vốn là một bài giảng tại Hội thảo Mùa hè Đại học Cato năm 2012.)

Rất nhiều người tin rằng nhà nước chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ. Theo Cass Sunstein, một giáo sư chuyên ngành luật tại Đại học Harvard đồng thời cũng là cựu quản trị viên của Văn phòng Thông tin và Đối ngoại Nhà Trắng, “Chính phủ ‘có liên quan’ đến tất cả mọi thứ mà con người sở hữu… Nếu người giàu có rất nhiều tiền, đó là bởi chính phủ cung cấp một hệ thống mà trong đó họ có quyền có và nắm giữ số tiền đó.”

Đây là hình thức thể hiện một khái niệm được nhắc lại theo cách phổ thông trong thời gian gần đây. “Nếu bạn là người vừa thành công, bạn không thể tự mình leo lên vị trí đó… Nếu bạn đã từng là người thành công, ai đó đã đồng hành và trợ giúp cho bạn… Ai đó đã giúp tạo ra hệ thống nhà nước Hoa Kỳ tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng mà chúng ta thừa hưởng ngày nay và cho phép bạn làm ăn phát đạt. Ai đó đã đầu tư vào những con đường và những cây cầu. Nếu bạn có một công việc kinh doanh – thì bạn vẫn không phải là người xây dựng nhà nước. Một số người khác đã làm cho bạn.” Đây là lời mà ông chủ của Sunstein, Tổng thống Obama, đã từng nói.

Dù hiểu theo lối nhẹ nhàng nhất thì những nhận xét của tổng thống Obama cũng cho thấy ông không hiểu gì về khái niệm đóng góp cận biên cho sản lượng, chẳng hạn, giá trị gia tăng bởi một giờ làm thêm của người lao động. Ông không hiểu cách thức của cải được tạo ra.

Sustein và các đồng nghiệp của ông lý giải rằng do họ coi toàn bộ của cải thuộc về nhà nước, nhà nước có quyền với khối tài sản đó, và những kẻ xuẩn ngốc tự nghĩ mình là các nhà sản xuất thì không có quyền đối với khối tài sản đó.

Vậy nhà nước chính xác là gì? Định nghĩa kinh điển đã được đưa ra bởi Max Weber, ông đã định nghĩa nhà nước là “một cộng đồng người thành công trong việc tuyên bố vị thế độc quyền trong việc sử dụng vũ lực một cách hợp pháp trên một lãnh thổ nhất định.”

Trên thực tế, không thể xảy ra trường hợp toàn bộ của cải đều thuộc về nhà nước. Theo lịch sử, sự tồn tại của bộ máy nhà nước đòi hỏi một trạng thái thặng dư trước đó để duy trì vị trí của nó ngay khi hình thành. Hay nói cách khác, nhà nước sẽ không tồn tại nếu không có của cải đã được tạo ra trước khi nó xuất hiện. Chúng ta hãy cùng khám phá thêm một chút nữa.

Tại sao con người lại có của cải? Charles Dunoyer, một nhà xã hội học theo chủ nghĩa tự do cá nhân từ thời kỳ đầu, đã giải thích rằng “trên thế giới tồn tại hai phe phái chính; đó là những người thích sống trên thành quả lao động và của cải của chính họ, và bên kia là những người thích sống trên thành quả lao động và của cải của người khác.” Hay nói một cách đơn giản là người lao động làm ra của cải trong khi kẻ chiếm đoạt hưởng thụ những của cải đó.

Trong một cuốn sách quan trọng của ông mang tên The State [Nhà Nước], nhà xã hội học Franz Oppenheimer đã phân biệt giữa những gì ông gọi là phương tiện kinh tế và phương tiện chính trị để có được của cải, hay nói cách khác là sự phân biệt giữa “lao động và cướp bóc”. “Nhà nước”, ông kết luận, “là một tổ chức thuộc nhóm phương tiện chính trị.”

Các phương tiện kinh tế phải đi trước các phương tiện chính trị. Tuy nhiên, không phải tất cả các hình thức lao động đều tạo ra đủ thặng dư cho việc duy trì một nhà nước. Chẳng hạn như bạn không thể tìm thấy nhà nước trong quần cư những người săn bắn – hái lượm, bởi họ không tạo ra đủ thặng dư để duy trì một tầng lớp bóc lột. Điều này cũng đúng với xã hội nông nghiệp nguyên thủy. Điều kiện cần đó là một nền nông nghiệp ổn định giúp tạo ra đủ thặng dư để thu hút sự chú ý của những kẻ vụ lợi và duy trì chúng. Những xã hội như vậy thường bị chinh phục bởi những người dân du mục – đặc biệt là các bộ tộc trên lưng ngựa, Họ có khả năng chế ngự những nhà nông định cư. Chúng ta đã chứng kiến cảnh này lặp đi lặp lại bao lần sau khi những người du mục trỗi dậy ở Trung Á từ nhiều thế kỷ trước đây.

Có một ký ức về một cuộc xung đột từ thời xa xưa đã được lưu truyền lại trong sách Sáng Thế1, kể về câu chuyện huynh đệ tương tàn giữa Cain và Abel. Đại ý là “Abel là một người chăn cừu, trong khi Cain là người trồng trọt trên mảnh đất đó”, một hình ảnh phản chiếu về mối xung đột giữa những người nông dân định cư và những người chăn nuôi du mục.

Sự hình thành nhà nước đại diện cho một sự chuyển đổi từ “những kẻ cướp bóc lưu động” thành “những kẻ cướp bóc cố định”. Như nhà kinh tế học Mancur Olson đã viết: “Nếu kẻ đứng đầu một băng cướp lưu động, với mục tiêu chỉ tìm cách chiếm đoạt một lượng của cải đủ lớn, có đủ sức mạnh để nắm giữ một vùng lãnh thổ nhất định và đánh đuổi những băng cướp khác, hắn ta có thể độc chiếm cai trị vùng lãnh thổ này – tức là trở thành một kẻ cướp cố định.” Đây là một cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của các tổ chức chính trị loài người.

Nhà nước, về bản chất, là một tổ chức bóc lột. Tuy nhiên, ở một số phương diện, nó cũng đại diện cho một bước tiến, ngay cả đối với những người bị bóc lột thậm tệ. Khi phương án lựa chọn là giữa những tên cướp lưu động (những kẻ ăn cướp, đánh phá và đốt những gì chúng không thể lấy, rồi lại quay lại vào năm sau đó) và những tên cướp cố định (những kẻ định cư và bóc lột từng chút từng chút một qua năm tháng), kết quả lựa chọn khá rõ ràng. Những kẻ cướp cố định ít có xu hướng giết và phá hủy bởi chúng bóc lột bạn và chúng ngăn chặn những tên cướp khác. Đó là một dạng tiến bộ - ngay cả khi xét trên quan điểm của những người bị bóc lột thậm tệ.

Các nhà nước ra đời với tư cách là những tổ chức khai thác thặng dư từ những người tạo ra của cải. Trong cuốn sách mang tên The Art of Not Being Governed [Nghệ thuật để không bị cai quản], nhà nhân chủng học và khoa học chính trị James C. Scott thuộc Đại học Yale đã nghiên cứu các vùng lãnh thổ trên thế giới mà chưa từng bị khuất phục thành công bởi nhà nước. Khái niệm trung tâm trong tác phẩm của ông là “ma sát quyền lực” (the friction of power): quyền lực không dễ dàng trôi ngược lên phía các vùng cao. Khi những làn sóng xâm lược di chuyển qua một khu vực, chúng chinh phục các thung lũng, trong khi những người trốn thoát di chuyển lên những vùng cao nguyên kém hấp dẫn hơn. Scott chỉ ra rằng những người tha hương này đã phát triển các tổ chức xã hội, pháp lý và tôn giáo để giúp họ không dễ dàng bị chinh phục. Điều này đặc biệt đúng với những người miền núi và những người vùng trũng. (Thật xấu hổ thay cho các nhà lãnh đạo không đọc sách của Scott trước khi chiếm đóng Afghanistan và thúc đẩy việc “xây dựng nhà nước” ở đó.)

Động cơ của những kẻ cai trị là gì? Những mô hình lý thuyết giản đơn cho rằng những kẻ cai trị tìm cách tối đa hóa của cải, hay chính là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, Scott lập luận rằng động lực của nhà cầm quyền không phải là tối đa hóa GDP, mà là tối đa “SAP”, tức là những sản phẩm nhà nước có thể tiếp cận (state-accessible product), được hiểu là hoạt động sản xuất mà có thể dễ dàng xác định, quản lý, liệt kê, và tịch thu thông qua thuế: “Nhà cầm quyền… tối đa hóa SAP, nếu cần thiết, sẵn sàng hy sinh của cải chung nằm trong địa hạt và là vật chất của lãnh thổ đó.”

Chẳng hạn, chúng ta hãy cùng xem xét (một nhà cai trị sẽ nói là “lấy”) ví dụ về lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà cầm quyền châu Á đã ngăn chặn việc canh tác những loại cây có rễ và củ, “những giống cây này giống như một lời nguyền đối với tất cả các nhà lập quốc từ cổ chí kim”, họ ủng hộ việc trồng lúa nước. Điều này khá khó hiểu. Tại sao các nhà cầm quyền lại quá quan tâm tới việc trồng loại cây gì như vậy? Lý do Scott chỉ ra là bạn không thể đánh thuế một cách hiệu quả đối với các loại cây mọc dưới lòng đất. Những người nông dân thu hoạch chúng khi họ muốn; nếu không họ cứ để chúng dưới mặt đất. Mặt khác, lúa nước phải được thu hoạch vào những thời điểm cụ thể với sự huy động tập trung của rất nhiều người, vì vậy nó dễ dàng hơn cho các nhà cầm quyền trong việc quản lý và đánh thuế thu hoạch đồng thời có thể lên kế hoạch tuyển người lao động gia nhập quân đội nhà nước. Động cơ của các nhà cầm quyền đã có những ảnh hưởng mang tính hệ thống trong nhiều phong tục tập quán và đã trở thành thâm căn cố đế trong các xã hội của chúng ta.

Hệ thống nhà nước kiểm soát xã hội – từ nghĩa vụ quân sự cho đến giáo dục bắt buộc – đã hoàn toàn ăn sâu vào ý thức của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta hãy cùng nói về cuốn hộ chiếu của mình. Ngày nay, bạn không thể du lịch vòng quanh thế giới nếu không có một giấy tờ do nhà nước cấp. Trên thực tế, bạn thậm chí không thể du lịch vòng quanh nước Mỹ nếu không có một giấy tờ do nhà nước ban hành. Hộ chiếu là phát minh gần đây. Trong hàng nghìn năm, người ta có thể đi bất kì nơi đâu họ muốn mà không cần sự cho phép từ nhà nước. Trên bức tường trong văn phòng của tôi có một bài quảng cáo từ một tạp chí cũ của Đức, trong đó minh họa một đôi tình nhân trong một khoang tàu đang đối mặt với một viên chức biên giới yêu cầu, “Làm ơn trình hộ chiếu của ông bà!” Nó cho thấy những cuốn hộ chiếu tuyệt vời như thế nào, chúng cho bạn quyền tự do đi khắp thế giới.

Tất nhiên, điều đó thật là ngớ ngẩn. Những tấm hộ chiếu hạn chế sự tự do của bạn. Bạn không được quyền đi du lịch nếu không được sự cho phép, thế nhưng chúng ta đã trở nên bão hòa với hệ tư tưởng của nhà nước – và đã để nó ngấm rất sâu – đến nỗi nhiều người còn coi cuốn hộ chiếu như tấm giấy thông hành đưa đến sự tự do, chứ không phải là một sự hạn chế tự do. Đã từng có lần tôi được hỏi sau một bài giảng rằng tôi có ủng hộ việc nhà nước ban hành giấy khai sinh không. Sau một hồi, tôi nói rằng tôi không thấy một lý do bắt buộc nào cho việc đó và bởi những tổ chức khác cũng có thể làm việc đó, nên câu trả lời là “không”. Người hỏi bật lại ngay lập tức! “Như vậy thì làm sao thầy có thể biết mình là ai?” Dường như ngay cả bản sắc cá nhân cũng cần được nhà nước trao cho.

Các nhà nước hiện đại cũng tự xưng là nguồn lập pháp duy nhất. Tuy nhiên trong lịch sử, các nhà nước chủ yếu thay thế luật tục bằng pháp luật cưỡng chế. Có rất nhiều điều luật xung quanh chúng ta mà không phải là sản phẩm của nhà nước, bởi các điều luật là sản phẩm phát sinh từ tương tác tự nguyện. Như luật gia vĩ đại Bruno Leoni lập luận, “Các cá nhân đặt ra luật sau khi họ có quyền tuyên bố thành công.” Khi các cá nhân đặt ra những giao kèo tư nhân cũng là lúc họ làm ra luật.

Trong thế kỷ XVI, nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng Jean Bodin đã tập trung vào ý tưởng về quyền lực tối cao, điều mà ông định nghĩa là “quyền lực cao nhất, tuyệt đối, và vĩnh viễn đối với các công dân và các đối tượng trong một cộng đồng thịnh vượng chung.” Ông đã tạo ra sự tương phản giữa thứ “quyền lực không thể phân chia” đối với một hình thức trật tự xã hội khác, được biết như là luật tục, ông bác bỏ thứ luật tục này với lý lẽ rằng “Tập quán thâu tóm sức mạnh của mình từng chút một và thông qua sự đồng thuận của tất cả, hoặc đa số, trong nhiều năm, trong khi pháp luật xuất hiện một cách đột ngột, và lấy sức mạnh của mình từ một người có toàn quyền ra lệnh với tất cả.” Nói cách khác, Bodin nhận ra rằng tập quán tạo ra trật tự xã hội, song ông định nghĩa pháp luật đòi hỏi sự áp đặt vũ lực theo hệ thống phân cấp thứ bậc, điều này lại yêu cầu một quyền lực tối cao – loại quyền lực tuyệt đối, vô điều kiện, và do đó đứng trên cả pháp luật.

Theo tính chất bắc cầu, dạng quyền lực tối cao này trái với quy định của pháp luật, cũng như trái với các nguyên tắc của hệ thống liên bang, chẳng hạn như hệ thống liên bang ở Mỹ, theo đó quyền lực được phân chia giữa các cấp và các nhánh quyền lực khác nhau của chính phủ. Trong các chế độ hợp hiến, luật pháp, chứ không phải quyền lực tuyệt đối, được xem là tối thượng.

Sự tiến hóa của tự do liên quan đến một quá trình lâu dài để đưa quyền lực xuống vị trí thấp hơn luật pháp. Việc áp đặt vũ lực dù thế nào thì cũng đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Alexander Rüstow, một nhà xã hội học lỗi lạc đồng thời cũng là cha đẻ của sự hồi sinh tự do ở Đức sau chiến tranh, đã suy tư về nguồn gốc của nhà nước từ vũ lực và hành vi cướp bóc cũng như dấu ấn lâu dài của nó: “Tất cả chúng ta, không ngoại trừ một ai, đều mang trong mình di chứng của sự đầu độc này, ở những vị trí khác nhau và thường là những vị trí không mong đợi, dưới nhiều hình thức đa dạng và thường không tuân theo nhận thức. Tất cả chúng ta, dù là tập thể hay cá nhân, đều là tòng phạm với lỗi lầm muôn thuở này, tội lỗi nguyên thủy này giống như một căn bệnh di truyền chỉ có thể cắt và xóa bỏ với sự đấu tranh bền bỉ và khó khăn, bằng sự hiểu biết sâu sắc về bệnh lý, bằng một ý chí phục hồi, và bằng hành động hối cải chủ động.” Phải tốn rất nhiều tâm sức để có thể giải phóng tâm trí chúng ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhà nước.

Khi suy nghĩ về ý nghĩa của việc sống như một người tự do, chúng ta đừng bao giờ quên rằng nhà nước không cho chúng ta bản sắc và các quyền. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ viết rằng, “Để bảo đảm các quyền này, các chính phủ đã được lập ra từ nhân dân.” Chúng ta bảo vệ những gì vốn thuộc về chúng ta. Nhà nước có thể gia tăng giá trị khi họ giúp chúng ta làm việc này, song các quyền và xã hội thì luôn có trước nhà nước. Đây là một luận điểm mấu chốt mà bạn cần ghi nhớ khi lần tới có ai đó nói rằng, “Bạn không phải là người lập nên nhà nước.”

Chú thích:

(1) Sách Sáng Thế: là sách mở đầu của Kinh Thánh, nội dung cuốn sách nói về việc Thiên Chúa đã tạo ra thế giới và loài người như thế nào (ND)

Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013

Dịch giả:
Phan Huy Đạt
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh