Ngôi thứ nhất, số ít: văn học và sự phản kháng của cái tôi

Ngôi thứ nhất, số ít: văn học và sự phản kháng của cái tôi

Nghệ thuật có khả năng tiết lộ những sự thật bị ẩn dấu. Tự do và trách nhiệm đôi khi được thể hiện rõ nhất trong hành động, và hành động lại thường được minh họa tốt nhất trong truyện và thơ ca. Cuộc đấu tranh cho sự công nhận căn tính độc nhất của một người và thực thi các tuyên bố chống lại cường quyền chỉ là một cuộc đấu tranh vì tự do và vì công lý. Từ những câu chuyện xưa nhất của thời cổ đến Shakespeare, Mark Twain, và The Hunger Games 1 ngày nay, nghệ thuật đều cho thấy tự do và trách nhiệm được gắn bó chặt chẽ với nhau. Trở thành một người tự do là phải nắm bắt được căn tính độc nhất của mình và chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Sarah Skwire là một nhà nghiên cứu của Quỹ Liberty và là đồng tác giả của cuốn giáo trình Writing with a Thesis [Viết Luận văn] phổ biến trong trường đại học (ấn bản lần thứ 12, Boston: NXB Wadsorth, 2014). Bà nhận bằng tiến sĩ Văn học Anh tại Đại học Chicago.

Nhà thơ Tom Wayman đã viết những vần thơ hay mang đầy ý nghĩa: "một người phát biểu / giữa một biển người đang trò chuyện"2. Tiếng nói cá nhân, đầy ưu tư của nhà thơ - của người cầm bút trong bất kỳ loại hình văn học nào - , và cả tiếng nói của các nhân vật trong các tác phẩm của họ, thường là một trong những cách hiệu quả nhất nhắc nhở bản thân chúng ta rằng con người không phải là một khối vô danh được tạo nên từ các bộ phận đồng nhất và có thể thay thế, như tôi đã lập luận trong tác phẩm Peace, Love, and Liberty [Hòa bình, Tình yêu và Tự do].

Tác giả đầu tiên mà chúng ta biết đến là Enheduanna (2285-2250 TCN), một nữ tu cấp cao của nữ thần Inanna. Trong những bài thơ còn sót lại của bà có bài The Exaltation of Inanna [Thánh ca Inanna], một bài hát ngợi ca và cầu nguyện. Trong đó, Enheduanna kể tỉ mỉ câu chuyện về lòng thành kính của bà đối với nữ thần Inanna, và nỗi tuyệt vọng hiện tại của bà vì việc các nghi lễ và đền thờ bị phá hủy. Nhưng bài học nổi bật nhất của bài thơ chính là điều được học giả Roberta Binkley gọi là: "một sự hiện diện mạnh mẽ chưa từng có của tác giả trong các sáng tác văn học cổ đại cho đến thời Sappho". Thơ của Enheduanna nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của chính mình. Nỗi đau khổ của bà không chỉ là tín ngưỡng, nghi lễ, hay đại diện cho người dân của bà. Đó là nỗi đau khổ của chính bà.

Tôi không còn trú trong nơi tươi đẹp anh đã tạo ra.

Đã đến ngày mặt trời thiêu rụi tôi

Màn đêm buông, gió phương nam bao phủ

Giọng nói ngọt ngào trở nên chát chúa

Niềm vui thú bỗng chốc hóa hư vô

...Tôi, tôi là gì giữa muôn loài!

[Nguyên tác:

I no longer dwell in the goodly place You established.

Came the day, the sun scorched me

Came the shade (of night), the South Wind overwhelmed me,

My honey-sweet voice has become strident,

Whatever gave me pleasure has turned into dust.

. . . I, what am I among the living creatures!]

Tiếng nói của Enheduanna là tiếng khóc của cái tôi kháng cự đau khổ và bất công.

Chúng ta nghe thấy tiếng thổn thức tương tự trong cuốn Book of Job [Sách của Job] lúc Job phản đối sự đối xử của Đức Chúa Trời với anh ta và trong sách Sáng Thế Ký [Genesis] khi Abraham lập luận rằng Thiên Chúa đang hành xử bất công khi hủy hoại thành Sodom. Nhưng đó không chỉ là sự bất công của thần thánh mà những câu chuyện sớm nhất của chúng ta phản đối. Trong cuốn The Poor Man of Nippur [Người đàn ông nghèo Nippur], một câu chuyện về Akkadian từ năm 1.500 TCN, Gimil-Ninurta đã cố gắng chia sẻ sở hữu duy nhất của mình - một con dê - với thị trưởng. Khi thị trưởng bắt con dê và cho Gimil-Ninurta chỉ một ít thức ăn và bia hạng ba, Gimil-Ninurta tìm cách trả thù qua các trò gian lận và hành động bạo lực, kết cục là thị trưởng phật lòng và đánh anh ta một cách tàn nhẫn trong ba lần khác nhau, gần như giết chết anh ta. Dẫu khôn ngoan hay dại khờ, can đảm hay cục súc, Gimil-Ninurta rõ ràng là một cá nhân, và là một cá nhân phản đối sự đối xử bất công của chính quyền với mình.

Loại phản đối này, tức loại phản đối của cá nhân chống lại người có thẩm quyền, là mối quan tâm lớn nhất có thể đối với những người yêu tự do. Hơn một nghìn năm sau The Poor Man of Nippur và khoảng một trăm năm hoặc lâu hơn của Book of Job, vở bi kịch Antigone của Sophocles mang đến cho chúng ta một nữ anh hùng không chấp nhận để luật lệ mới chà đạp lên trách nhiệm tôn giáo của mình đối với việc chôn cất người anh đã chết. Thay vào đó, cô lén ra khỏi cổng thành, thực hiện các nghi thức cho anh, lặp lại các nghi lễ khi thi thể được mai táng, và vẫn cứng rắn không ân hận về sự phản kháng của mình đối với chính quyền. Khi bắt giữ, lính gác quan sát thấy rằng, "Cô ấy không sợ,/ Ngay cả khi bị buộc tội vì những gì cô ấy đã làm./ Cô ấy không phủ nhận điều gì cả ". Thật vậy, cô ấy thằng thắn thừa nhận việc làm của mình với kẻ cầm quyền, nói rằng sức mạnh của ông ta không là gì trước luật lệ của các vị thần, và khi bị kết tội chết vì những hành động của mình, cô đã tuyên bố rằng "Cái chết ấy tôi không coi là hình phạt; Nhưng nếu tôi bỏ đi không mai táng anh trai mình, đó mới là điều đau đớn cực hình. Còn bây giờ thì không." Tất nhiên, sự phản kháng công khai của Antigone là thay mặt cho linh hồn của anh trai của mình, nhưng cũng là thể hiện quyền được thực hành các nghi lễ tôn giáo, và tuân thủ các luật lệ của thần linh thay vì luật lệ của nhà nước.

          Sự bành trướng của nhà nước và việc gia tăng can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân đã thúc đẩy làm gia tăng số lượng những câu chuyện phản kháng của cá nhân như vậy. Lịch sử và những bi kịch của Shakespeare được lấp đầy bởi những tiểu tiết mà những nhân vật không mấy quan trọng được nói lên quyền lợi và trách nhiệm của họ đối với các nhà cai trị tàn bạo. Ví dụ như người hầu của người làm vườn trong vở kịch Richard II cho rằng việc Richard bị truất ngôi vua chỉ là một dấu hiệu cho thấy quốc gia của nhà vua đã theo gương của nhà vua về sự hỗn loạn và bạo ngược:

“Tại sao chúng ta cứ trói mình trong khuôn phép

Giữ luật lệ, hình thức và sự chỉn chu

Tô điểm cho điền trang của chúng ta thành kiểu mẫu

Để rồi khi khu vườn ngập trong biển nước, cả vùng đất,

Ngập tràn cỏ dại, chèn lấp những bông hoa thơm ngát,

Làm bật rễ những cây trái, phá hủy những hàng rào,

Làm lộn tung đám bụi cây và khóm thảo dược lành

Đầy nhung nhúc bướm sâu?”

[Nguyên tác:

Why should we in the compass of a pale

Keep law and form and due proportion,

Showing, as in a model, our firm estate,

When our sea-walled garden, the whole land,

Is full of weeds, her fairest flowers choked up,

Her fruit-trees all upturned, her hedges ruin’d,

Her knots disorder’d and her wholesome herbs

Swarming with caterpillars?]

Người làm vườn đáp lại rằng Richard đáng ra nên đối xử với đất nước theo tấm gương của những người làm vườn chăm chút cho khu vườn của mình. "Ồ, quả thật là đáng tiếc/ rằng ông ta đã không thể sắp đặt gọn gàng và trang hoàng đất nước/ như chúng ta làm với khu vườn này!"

Người hầu dùng cả cuộc đời mình để đấu tranh chống lại sự mù quáng của Gloucester trong tác phẩm King Lear [Vua Lia]; cuộc nổi dậy của Macduff chống lại Macbeth; cuộc đối đầu của Paulina với vị Chúa đáng khinh và độc ác nhất, Leontes, vương quốc Sicily, vì chế độ độc tài trong nước - tất cả đều thể hiện sự phản kháng và lòng dũng cảm, tinh thần cá nhân chống lại quyền uy của nhà nước.

Nhà nước hiện đại cũng kích thích những cuộc phản kháng tương tự. Các tiểu thuyết dystopian (phản địa đàng) vào giữa thế kỉ XX được viết để đáp trả lại sự nổi lên của các hình thức chủ nghĩa tập thể, thường xuyên hiện diện một phần cá nhân hóa, sự nổi dậy của cá nhân chống lại mệnh lệnh và kiểm soát. Hãy nghĩ đến nhân vật Winston Smith của Orwell lẩn trốn khỏi telescreen (thiết bị thu phát hình ảnh) , viết ghi chép của mình, và tìm tiểu xảo để chống lại Big Brother (Anh Cả) xuyên suốt trong tác phẩm 1984. Hãy xem cuốn tiểu thuyết We [Chúng tôi] của Zamyatin, đặt trong một xã hội được định nghĩa lại rằng: " ... những thứ duy nhất mà tự họ nhận thức được bản thân và ý thức được cá tính của mình là khi đôi mắt bị kích thích, những ngón tay bị cắt và những chiếc răng đau nhức. Một con mắt sáng, một ngón tay, một chiếc răng khỏe mạnh thậm chí không có ở đó cũng được. Có phải tự ý thức chỉ là điều bệnh hoạn?". Giữa những nỗ lực không ngừng tìm cách tiêu diệt căn tính cá nhân, những công dân trong Chúng tôi, thậm chí không có tên, vẫn tìm cách để chống đối và đòi quyền tự quản - bằng cách hút thuốc, uống rượu hay chỉ yêu nhau. Trước khi kết thúc cuốn tiểu thuyết, những cuộc nổi dậy nhỏ lẻ đã góp phần tạo ra một phong trào kháng chiến và bắt đầu làm sụp đổ bức tường phân chia lãnh địa Một Nhà nước theo chủ nghĩa tập thể với những vùng đất hoang sơ bên ngoài.

Đối với nhiều độc giả, thể loại tiểu thuyết dystopian thể hiện rõ nhất sức mạnh của sự phản kháng cá nhân chống lại một nhà nước tập quyền, độc tài là tiểu thuyết ngắn Anthem [Bài ca tư tưởng] của Ayn Rand. Xã hội được mô tả trong Anthem đã thành công trong sự nghiệp vĩ đại mà We của Zamyatin đã đặt ra. Tính cá nhân bị loại bỏ đến mức mà các đại từ số ít không còn tồn tại nữa. Thật khó để phủ nhận sức mạnh vào thời điểm nhân vật nữ cố gắng bày tỏ tình cảm cho người kể chuyện, nhưng thiếu ngôn từ để làm điều đó.

"Chúng ta yêu các ngươi."

Thế nhưng họ lại nhíu mày, lắc đầu và ngước nhìn chúng tôi tuyệt vọng.

"Không", họ thì thầm, "đó không phải là điều chúng ta muốn nói."

Họ lặng yên một lúc, rồi nói, chầm chậm từng tiếng, ngập ngừng như đứa trẻ lần đầu tập nói:

"Chúng ta là một ... một mình ... và chỉ một ... và chúng ta yêu các ngươi, các ngươi cũng là một… một mình…. và chỉ một."

Chúng tôi nhìn vào mắt nhau và cùng biết rằng hơi thở của sự huyền diệu đã vừa chạm đến rồi vội tan biến, để lại chúng tôi cùng mò mẫm trong tuyệt vọng.

Và chúng tôi cảm thấy như mình vừa bị kéo ra xa, xa khỏi cái từ mà chúng tôi chưa thể tìm ra.

Hai chương sau, việc tìm hiểu lại ngôi thứ nhất số ít với những câu "Tôi đây. Tôi suy nghĩ. Tôi sẽ" làm tan vỡ sự kìm kẹp ngột ngạt của nhà nước trong tâm trí mỗi cá nhân, và người kể chuyện của Rand biết điều đó. "Đó chính là những từ đó. Đó là lời đáp."

Phong trào yêu mến tiểu thuyết và phim ảnh dystopian trở nên phổ biến - đặc biệt đối với thanh niên - cho thấy rằng vẫn còn sự khao khát loại truyện của những cá nhân nổi dậy trước tình trạng áp bức. Ngày nay, thông điệp được gửi từ Katniss Everdeen trong Hunger Games [Đấu trường sinh tử] thay vì Winston Smith; Jonas của The Giver [Người truyền ký ức] thay cho D-503 của Zamyantin; Lena Haloway của Delirium [Lột xác] thay cho người kể chuyện trong Anthem [Bài ca tư tưởng]. Nó thậm chí còn xuất hiện trong bộ phim truyền hình Daredevil [Hiệp sĩ mù] ở đoạn trao đổi giữa người anh hùng hành hiệp trượng nghĩa Daredevil và kẻ thù của anh – Kingpin.

Matt Murdock/ Daredevil: Không, không, tôi không cố gắng để trở thành anh hùng. Tôi chỉ là một gã đã chán ngấy những kẻ như anh và tôi quyết định phải làm gì đó.

Wilson Fisk/ Kingpin: Chính điều đó làm anh trông thật nguy hiểm. Đó không phải mặt nạ, cũng chẳng phải kĩ năng. Đó là mộng tưởng của anh. Người duy nhất nghĩ rằng anh ta có thể tạo ra sự khác biệt.

Tên của các anh hùng có thể thay đổi, cũng như những phương tiện đưa những câu chuyện của họ đến với chúng ta. Nhưng thông điệp về cá nhân có khả năng chống lại nhà nước - và trách nhiệm sử dụng sức mạnh đó – vẫn còn.

Ngay cả khi xuất hiện những hình thức thể hiện nặng ký này, đối với tôi, có một ví dụ văn học cảm động nhất về sức mạnh của sự phản kháng cá nhân. Gần cuối tiểu thuyết The Adventures of Huckleberry Finn [Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn] của Mark Twain, Jim - một nô lệ da đen bỏ trốn trở thành bạn đồng hành của Huck, còn bạn bè, và nhân vật người cha qua gần hết cuốn tiểu thuyết - đã bị bắt lại. Huck hiểu, bởi vì cậu ta được dạy như vậy, rằng Jim là "tài sản" thuộc sở hữu của người khác. Huck cũng hiểu rằng đánh cắp là tội lỗi sẽ đẩy cậu ta xuống địa ngục. Những cuộc đấu tranh trong con người Huck khi phải quyết định giữa một bên là trở thành người tốt và vô tội bằng việc nói với chủ của Jim nơi có thể tìm thấy cậu ta, hoặc là trở thành người xấu và đáng nguyền rủa bằng cách giúp Jim trốn thoát, là những khám phá tinh vi nhất tôi có thể tìm ra để chống lại sức mạnh của một nhà nước suy đồi và một nền văn hóa suy đồi.

Ban đầu, Huck viết thư cho chủ của Jim. Cậu ta đã làm vậy, và sau đó dừng lại.

Tôi cảm thấy dễ chịu như vừa rửa sạch được mọi tội lỗi, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy như vậy, và tôi biết bây giờ thì có thể cầu nguyện được. Nhưng tôi chưa cầu nguyện ngay, mà còn đặt mảnh giấy xuống dưới, và ngồi nghĩ ngợi - nghĩ về những gì tốt đẹp đã diễn ra ngay vào lúc tôi thấy tuyệt vọng và cảm giác bị đẩy xuống địa ngục. Và cứ tiếp tục nghĩ. Và tôi lại nghĩ đến cả chuyến đi cùng với Jim dọc con sông này; và Jim luôn ở bên tôi, ngày cũng như đêm, dưới ánh trăng cũng như trong giông tố, và chúng tôi cùng nói chuyện, cùng hát cùng cười trên con bè trôi theo dòng nước... rồi tôi suy nghĩ và nhìn vào mảnh giấy. Thật là khó xử. Tôi nhặt mảnh giấy lên, mân mê trong tay. Người tôi run rẩy vì đây là lúc tôi phải quyết định giữa hai điều, và tôi biết điều đó.

Chúng ta đưa Huck lên đặt trên bàn cân. Cậu ta không phải anh hùng, cũng không phải vĩ nhân. Cậu ta là một cậu bé không được học, lớn lên trong bạo lực, phân biệt chủng tộc và nghèo đói. Cậu ta chỉ làm những gì cậu ta cảm thấy là đó là điều tốt duy nhất cậu có thể làm được. Cậu trả lại tài sản có giá trị cho chủ sở hữu của nó. Cậu làm tất cả để mọi người quanh cậu - chính quyền, giáo viên, bạn bè - sẽ cho rằng cậu làm điều đúng, trung thực và xứng đáng. Và cậu đã không thể làm vậy. Cậu không thể làm cho mình nhìn thế giới theo cách của họ. Và rồi cậu xé toạc tờ giấy và khóc to, "Được rồi, tôi sẵn sàng xuống địa ngục."

Sự lựa chọn của Huck là chống lại tất cả những gì cậu được dạy để tin vào điều tốt đẹp và đúng đắn để giải cứu một người gần như là một phần tài sản, rõ ràng là một trong những thành công lớn nhất của cá nhân đối với sức mạnh ép buộc của văn hóa ... và sai lầm chính trị.

Bài thơ Spelling [Đánh vần] của Margaret Atwood nhắc chúng ta rằng "một từ theo sau một từ/ theo sau một từ là sức mạnh". Và bà ấy nói với chúng ta rằng - có lẽ suy nghĩ của các tác giả trước và sau Enheduanna, những người mà có lẽ tên của họ chúng ta sẽ không bao giờ biết, và những người kể chuyện vô danh của thể loại dystopian - rằng chúng ta phải học để đánh vần:

Tên của bạn trước tiên,

cái tên đầu tiên được gọi, tên của bạn,

từ đầu tiên ấy.

[Nguyên tác:

your own name first,

your first naming, your first name,

your first word.]

Để sử dụng tên của mình, sử dụng ngôi thứ nhất số ít, để tuyên bố đó là quyền của một người và trách nhiệm của một người, là để bắt đầu chiến đấu vì tự do.

Chú thích:

(1) Tên cuốn tiểu thuyết của Suzanne Collins, được chuyển thể thành phim (được dịch ra tiếng Việt là “Đấu trường sinh tử”) của đạo diễn Gary Ross, công chiếu và đầu năm 2012 [ND].

(2) Nguyên tác: “a person is speaking / in a world full of people talking.”

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Phạm Thúy Hồng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.