Kinh tế chính trị học về đế quốc và chiến tranh

Kinh tế chính trị học về đế quốc và chiến tranh

Các nền văn minh có nhất thiết phải va chạm nhau không? Chủ nghĩa đế quốc hoặc chủ nghĩa thực dân là những phương án thành công hay thất bại? Những chiến sĩ vĩ đại nhất của hòa bình và đối thủ lớn nhất của chủ nghĩa đế quốc là ai? Có nhất định phải có những cuộc “chiến tranh dầu lửa” hay không? Ai quyết định các vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình, và ai là người được hưởng lợi từ những điều đó?

“Tự do trong nước và hòa hiếu với nước ngoài. Đó là toàn bộ kế hoạch”.1 - Frédéric Bastiat (1849)

Một số người nghiên cứu chiến tranh để có thể tiến hành nó một cách hiệu quả hơn. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu về chiến tranh – từ một góc nhìn khác – để tránh xa chiến tranh, để giảm bớt chiến tranh, để ngăn chặn và để xóa bỏ chiến tranh. Chúng ta có thể tìm cách để hiểu được chiến tranh, không phải theo cách chúng ta hiểu biết về thời tiết hay thiên văn hay thậm chí bệnh tật, mà là theo cách chúng ta hiểu về các kiểu hành vi của con người. Được trang bị những hiểu biết như vậy, chúng ta có thể khai sáng cho bản thân và cho những người xung quanh, cho bạn bè, gia đình, và đồng bào mình về những ảo tưởng ẩn sau những lời biện hộ hào nhoáng cho các cuộc chiến tranh. Hơn nữa, chúng ta có thể hành động để kiến tạo và tăng cường sức mạnh cho các thể chế có khả năng giảm bớt nguy cơ chiến tranh. Nếu ta hiểu rõ hơn về những vấn đề có liên quan thì ta có thể làm giảm những nguy cơ chiến tranh và giúp con người bớt phải trải qua những trải nghiệm bạo lực. Những thông tin sai lệch và hiểu lầm có thể đe dọa đến tính mạng con người, trong khi thông tin và sự hiểu biết đúng đắn sẽ cứu được nhiều mạng sống.

Trong suốt những thế kỷ vừa qua, những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa tự do cá nhân đã dành nhiều công sức để tìm hiểu nguyên nhân của chiến tranh và để nuôi dưỡng những tinh thần và thể chế có khả năng xây dựng hòa bình.

Hòa bình không còn đơn thuần là một ảo tưởng nữa. Trên thực tế, ghi chép lịch sử cho thấy rằng thế giới đã trở nên hòa bình hơn. Kinh tế học, xã hội học và tâm lý học có thể giải thích nguyên nhân của hiện tượng đó. Được trang bị những kiến thức này, chúng ta có thể giúp cho thế giới trở nên hòa bình hơn nhiều. Chúng ta có thể giảm thiểu những trải nghiệm về bạo lực của con người. Thế giới có thể đồng thời trở nên hòa bình hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn và tự do hơn.

Tin tốt: Bạo lực đang giảm dần

“Dù bạn có tin hay không – và tôi biết là đa số mọi người đều không tin – bạo lực đã và đang thoái trào trong một khoảng thời gian dài, và hiện tại có thể chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thái bình nhất trong lịch sử tồn tại của loài người”.2 - Steven Picker                

Nếu ai đó nói rằng bạo lực đang giảm dần thì đa số sẽ bác bỏ điều đó ngay lập tức. Nói cho cùng, các bản tin thời sự vẫn đầy những câu chuyện về bạo lực, đi kèm với những hình ảnh đẫm máu. Hiếp dâm, giết người và ám sát trở thành tâm điểm của các bản tin buổi tối. “Có đổ máu là sẽ ăn khách”. Ở đâu đó trên thế giới đang sa lầy trong các cuộc xung đột vũ trang. Nhưng chúng ta cần phải lùi lại để nhìn được bức tranh lớn hơn. Xung đột, đặc biệt là những xung đột bạo lực và chết chóc, luôn thu hút sự chú ý hơn nhiều so với quan hệ hợp tác hoà bình. Chúng ta quen coi quan hệ qua lại hòa hảo và tự nguyện như “không có chuyện gì xảy ra”, trong khi trên thực tế rất nhiều điều đã xảy ra: người dân đi làm, nông dân trồng trọt, các nhà đầu tư bỏ vốn để thành lập các công ty mới, công nhân trong các xí nghiệp lắp ráp các sản phẩm hữu ích; người ta đi mua sắm, người ta yêu nhau, lấy nhau, sinh con đẻ cái, tổ chức sinh nhật; cuộc sống đã diễn ra. Nhưng tất cả điều đó chỉ diễn ra một cách bình lặng. Đó là trình trạng hết sức bình thường. Không có bản tin nào giật tít là “Hàng tỉ người đang làm việc trong hòa bình”. Chỉ có những thứ bất thường, như là xung đột (đặc biệt là xung đột bạo lực) là đáng được chọn làm tít. Thực tế là, và mặc dù nó có vẻ như là một nghịch lý, bạo lực càng ít phổ biến bao nhiêu, nó càng dễ trở thành tin nóng bấy nhiêu. Chúng ta tự lừa bản thân mình rằng thế giới đang trở nên tàn bạo hơn trong khi thực tế nó đang trở nên hòa bình hơn.

Nhà chính trị học James Payne và nhà tâm lý học Steven Pinker đã ghi nhận được một số sự kiện đáng chú ý.3 Khả năng một người (được chọn ngẫu nhiên) sẽ bị ảnh hưởng bởi bạo lực nhìn chung đã giảm dần trong suốt mấy nghìn năm vừa qua. Kể cả khi tính những sự kiện tàn bạo khủng khiếp như Thế chiến thứ nhất và thứ hai, các trại lao động khổ sai của Đức Quốc xã, Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những cuộc “thanh lọc chủng tộc” và những trang sử kinh hoàng khác trong một trăm năm qua, trải nghiệm về bạo lực trong đời sống hàng ngày của người dân đã và đang giảm dần. Nghe có vẻ khó tin nhưng lại là thực tế. Thế nên có rất nhiều lý do để tin tưởng, dù trái tim chúng ta vẫn tan nát khi nghe nói về số phận những người vẫn đang phải chịu cảnh bạo lực. Tin tốt là từ khá lâu rồi những trải nghiệm đó đang ngày càng trở nên ít phổ biến hơn.

Bạo lực, bao gồm cả chiến tranh, không phải là một đặc điểm bất biến trong bản chất của con người. Tần suất của nó đã giảm dần theo thời gian. Chúng ta không phải chịu kiếp sống mà trong đó thế giới chìm trong một số lượng không đổi các vụ bạo lực. Bạo lực cũng có thăng trầm; và trong một khoảng thời gian rất dài nó đã và đang giảm đi. Khoa học xã hội và chính trị học giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân của điều đó. Các học giả đã tích lũy và kiểm nghiệm rất nhiều bằng chứng mà theo đó những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển đã đúng khi kiên định cho rằng chìa khóa để bảo đảm hòa bình chính là các quyền tự do, đặc biệt là quyền chất vấn và phê bình chính phủ và quyền được tự do thương mại, đi lại và đầu tư ở nước ngoài.

Các nền văn minh hay các quốc gia có nhất thiết phải “va chạm”?

Có một luận điểm nổi tiếng rằng thế giới đang phải đối mặt với “sự va chạm giữa các nền văn minh”. Theo nhà chính trị học Samuel Huntington, “phương Tây” suy tàn bởi một số nguyên nhân, một trong số đó là vì “các nước phương Tây” kiểm soát ít diện tích bề mặt trái đất hơn trên bình diện quân sự. Theo quan điểm của Huntington, lợi ích của các “nền văn minh” là đối lập với nhau, và khi một nền văn minh mới nổi lên thì các nền văn minh khác phải suy tàn.  

Huntington đưa ra nhiều nhận định thú vị trong cuốn sách của mình, nhưng ông ta có rất ít kiến thức kinh tế chính trị học về sự tương tác giữa con người. Hiểu biết về kinh tế học của ông ta rất yếu, và ông ta thất bại trong việc lĩnh hội được tầm quan trọng của thương mại tự nguyện, một đặc điểm chung của tất cả các nền văn minh và là phương tiện để các nền văn minh làm phong phú lẫn nhau. Thay vào đó, ông ta ủng hộ quan điểm tổng bằng không đối với các quan hệ xã hội.4

Ví dụ sau đây là một trong những cách chính mà ông dùng để đánh giá sự “suy tàn” của một nền văn minh:

Vào năm 1490 các xã hội phương Tây kiểm soát phần lớn lục địa châu Âu, trừ vùng Ban-căng, tức khoảng 1,5 triệu dặm vuông trên tổng diện tích đất liền của toàn thế giới (không tính Nam Cực) là 52,5 triệu dặm vuông. Vào năm 1920 ở thời kỳ đỉnh điểm của của công cuộc mở rộng lãnh thổ, phương Tây kiểm soát trực tiếp 25,5 triệu dặm vuông, tức là gần một nửa đất đai của Trái đất. Đến năm 1993 phạm vi kiểm soát này đã giảm một nửa xuống còn khoảng 12,7 triệu dặm vuông. Phương Tây trở về với phần cốt lõi ban đầu của nó là lục địa châu Âu cộng thêm những vùng đất rộng lớn của người di cư tại Bắc Mỹ, Úc, và New Zealand. Lãnh thổ của các xã hội Hồi giáo độc lập, ngược lại, tăng từ 1,9 triệu dặm vuông vào năm 1920 đến hơn 11 triệu dặm vuông vào năm 1993. Những thay đổi tương tự cũng diễn ra trong vấn đề kiểm soát dân số. Vào năm 1900, gần 30 phần trăm dân số thế giới là người phương Tây, và các chính phủ phương Tây thống trị gần 45% dân số lúc bấy giờ, và 48% vào năm 1920. Vào năm 1993, ngoại trừ vài lãnh thổ đế quốc nhỏ bé còn sót lại như Hồng Kông, các chính quyền phương Tây không còn thống trị ai khác ngoài người phương Tây.5

Đó có phải một sự suy tàn không? Hãy nhìn vào trường hợp của một trong những quốc gia châu Âu và đế quốc của nó. Vương quốc Hà Lan đã từng cai trị vùng đất mà sau này trở thành Indonesia trong giai đoạn từ năm 1800 cho đến năm 1942, thời điểm quần đảo này bị xâm lược bởi đế quốc Nhật Bản. Sau Thế chiến II, chính phủ Hà Lan quay trở lại và đã vật lộn trong suốt gần 5 năm nhằm tái thiết lập chế độ kiểm soát thuộc địa Hà Lan. Nhưng họ đã thất bại và Indonesia đã trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1950.

Nếu đi theo giả thuyết của Huntington, chúng ta sẽ dự đoán, một cách tự nhiên, rằng sau tổn thất đó, cơ nghiệp của người Hà Lan đang dần tiêu tan. Có thật như vậy không? Sử dụng sức mua của đồng đô-la Mỹ vào năm 1990 làm chuẩn mực thu nhập, GDP bình quân đầu người ở Hà Lan vào năm 1950 (tức là mức thu nhập đầu người trung bình tại Hà Lan) là vào khoảng 5.996 đô-la.6 Vào năm 2010 thì sao? GDP bình quân đầu người của Hà Lan vào năm 2010, tính theo giá trị của đô-la năm 1990, ở vào khoảng 24.303, tức là tăng 305%.7 Việc chính phủ đánh mất sở hữu thuộc địa Đông Ấn Hà Lan (tức Indonesia) không phải là điều gì thảm hoạ đối với người dân đất nước này. Không một chút nào. Họ không phải đưa nam thanh niên sang chiến đấu và cũng không phải gửi hàng loạt viên chức sang quản lý thuộc địa. Giờ đây, khi người Hà Lan muốn một thứ gì đó từ Indonesia, họ có thể dễ dàng mua nó mà không phải đổ máu và đổ tiền của trên lãnh thổ của một đất nước khác. Thương mại hóa ra có lợi cho người Hà Lan hơn rất nhiều so với chủ nghĩa đế quốc, đó là nguồn lợi lớn cho người Hà Lan và thậm chí cũng lợi hơn nhiều cho người Indonesia – những người có GDP bình quân đầu người, cũng tính theo giá trị không đổi của đô-la năm 1990, đã tăng từ 817 đô-la vào năm 1950 lên 4.722 đô-la vào năm 2010, tức là tăng 478 %.8

Trên thực tế, sự thịnh vượng của quốc gia này không nhất thiết phải là sự đói nghèo của một quốc gia khác. Khi đối tác kinh doanh của bạn trở nên giàu có hơn, đó cũng là có lợi đối với bạn. Đúng như nhà kinh tế học Jean-Baptiste Say đã giải thích vào năm 1803 (dù khi đó rất ít người chịu lắng nghe ông), rằng:

Một vụ mùa bội thu có lợi không chỉ cho nhà nông, mà còn cho tất cả lái buôn của tất cả các mặt hàng thiết yếu nói chung. Hoa màu càng nhiều thì người trồng càng mua sắm nhiều. Một vụ mùa thất bát, ngược lại, tổn hại đến doanh số bán hàng thiết yếu nói chung. Và đối với các sản phẩm của hoạt động sản xuất công nghiệp và thương nghiệp cũng vậy. Thành công của một ngành thương mại tạo ra sức mua dồi dào, và vì thế mở ra thị trường cho sản phẩm của các ngành khác; mặt khác, sự trì trệ của một ngành sản xuất công nghiệp hay thương nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành còn lại.9

Những nhà kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc tại các quốc gia giàu có thường bực tức khi đọc được rằng người Trung Quốc hay người Ấn Độ hay người Gha-na đang trở nên giàu có hơn. Suy cho cùng, nếu những người nghèo đang giàu lên thì nghĩa là những người giàu đang nghèo đi! Nhưng cách nghĩ đó không chỉ xấu xí và ích kỷ; nó còn dựa trên một lý do tệ hại. Người Canada (hay người Đức, người Đan Mạch, người Mỹ, người Nhật hoặc bất kỳ dân tộc nào khác) không nên tức giận nếu người Trung Quốc hay người Ấn Độ trở nên giàu có hơn; nếu những nước đó đang giao dịch thương mại với họ, thì sẽ chỉ có lợi cho những người này ở chỗ là khách hàng của họ trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm. Điều đó cũng đúng với người Hàn Quốc, Kenya, người dân các bang Virginia và Vermont, những người nông dân và công nhân nhà máy.

Nếu tất cả các tương tác kinh tế đều là các tương tác có tổng bằng không thì lợi ích của các quốc gia sẽ “không thể đội trời chung”. Và nếu thực tế là như vậy thì xung đột sẽ là không thể tránh khỏi, và giả thuyết của Hungtington sẽ là chuẩn xác. Nhưng thực tế là ông ta đã sai.10

Chủ nghĩa đế quốc trọng thương có phải là một phương án thành công?

Mặc dù xuyên suốt nhiều thời kỳ, một vài tiếng nói chống lại chiến tranh và đế quốc đã vang lên, nhưng thật đáng buồn là việc xâm lược ngoại bang, chiếm tài sản và bắt người bản xứ làm nô lệ đã không bị lên án một cách đủ rộng rãi. Chính sự nhận thức ngày một tăng về lợi ích của thương mại dựa trên sự tôn trọng các quyền cá nhân, và về tác hại cho bản thân gây ra bởi sự bất công của bạo lực đã đặt nền móng cho một sự phê phán có nguyên tắc đối với các cuộc xâm lăng và chinh phục. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà triết học đạo đức, tác giả cuốn The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về các tình cảm luân lý] (xuất bản năm 1759), đã lên án sự “điên rồ và bất công” của chủ nghĩa thực dân châu Âu trong cuốn sách xuất bản năm 1776 của ông:

Điên rồ và bất công dường như đã và đang là những nguyên tắc chỉ huy và điều khiển công cuộc thiết lập các thuộc địa này; sự điên rồ của việc săn tìm những mỏ vàng và bạc, và sự bất công bởi ham muốn tài sản của một đất nước có những người dân bản xứ vô hại, không những không gây tổn thương gì cho những người dân châu Âu, mà còn đón tiếp những nhà thám hiểm đầu tiên với tất cả biểu hiện của lòng tốt và sự hiếu khách.11

Adam Smith nhận ra rằng chủ nghĩa đế quốc là “không trả công”, chí ít là cho đa số người dân, và rằng tổng chi phí để kiến tạo và duy trì các đế quốc là lớn hơn rất, rất nhiều so với tổng của bất kỳ lợi ích nào mà chúng có thể gặt hái được. Nhà triết học đạo đức và kinh tế học người Scotland đã lưu ý rằng, bên cạnh việc gây ra những bất công, những cuộc phiêu lưu quân sự và các đế quốc gây tốn kém cho người nộp thuế hơn rất nhiều so với tổng của tất các các lợi ích khả dĩ.

Một đế quốc vĩ đại được thành lập với mục đích duy nhất là nuôi dưỡng một quốc gia khách hàng với nghĩa vụ phải mua sắm từ các cửa hàng của nhà sản xuất khác nhau của chúng ta những hàng hóa mà những nhà sản xuất này có thể cung cấp. Chỉ vì mục đích gây ra sự tăng giá ít ỏi trả cho những nhà sản xuất của chúng ta từ tình trạng độc quyền này mà những người tiêu thụ nội địa phải gánh toàn bộ chi phí duy trì và bảo vệ đế chế đó. Vì và chỉ vì mục đích này, trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, người ta đã tiêu hơn hai trăm triệu và vay nợ hơn một trăm bảy mươi triệu, và trên hết các chi phí bỏ ra vì mục tiêu tương tự trong các cuộc chiến trước đó. Riêng phần lãi từ khoản vay này thôi không chỉ lớn hơn toàn bộ khoản lợi nhuận siêu ngạch, cái mà có thể bị ngụy tạo ra, sinh ra từ độc quyền thương mại với thuộc địa, mà còn lớn hơn toàn bộ giá trị thương mại hay toàn bộ giá trị hàng hóa trung bình mỗi năm được xuất sang các thuộc địa.12

Chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc cùng với các cuộc chiến tranh chinh phục và đàn áp và chúng gây ra trên thực tế không phục vụ cho quyền lợi của người dân chính quốc, những người đóng thuế, cung cấp trang bị cho quân đội và mang trên mình những gánh nặng của đế quốc. Dĩ nhiên, cũng có những người được hưởng lợi: những nhà thầu và nhà cung cấp cho chiến tranh, những viên chức quản lý thuộc địa và các vị toàn quyền, những kẻ được hưởng độc quyền thương mại và đất đai cướp được, những kẻ kinh doanh đồ chiến lợi phẩm và lao động khổ sai. Nhưng những thứ họ đạt được là cực kỳ nhỏ bé so với những thiệt hại mà những người đóng thuế ở chính quốc và dân chúng ở các nước thuộc địa phải gánh chịu. Như Adam Smith đã chỉ ra, chỉ riêng lãi suất từ khoản vay cần để chi trả cho các lực lượng quân đội tham chiến thôi cũng đã lớn hơn rất nhiều so với giá trị thương mại có liên quan. Tựu chung lại, nó chỉ là một phương án thất bại.13

Điều này được những nhà buôn theo chủ nghĩa tự do cổ điển hiểu rõ. Vào năm 1860, Richard Cobden, nghị sĩ Quốc hội Anh, một trong những nhà kinh doanh xuất chúng và thẳng thắn nhất trong lịch sử châu Âu, đã nhận xét một cách chua chát rằng nếu một người nào đó chỉ đơn giản muốn hỗ trợ cho các nhóm đặc quyền hùng mạnh thì có nhiều cách rẻ và ít gây hại hơn nhiều. Ông nổi tiếng vì đã thương lượng được một hiệp ước thương mại tự do với Pháp, giúp bảo đảm cho một nền hòa bình lâu dài giữa hai địch thủ truyền thống. Trong một bài bình luận về sự điên rồ của đế quốc Anh, ông châm biếm bằng cách đưa ra một cách tiếp cận khác, ít tính tàn phá và tốn kém hơn nhằm thỏa mãn các bên liên quan vốn tham lam. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta đơn giản đem cho những kẻ đầu cơ từ chiến tranh, với một phần nhỏ so với phí tổn chiến tranh, của cải bằng với những gì họ có thể nhận được từ chiến tranh và đế quốc, và giải phóng cho phần còn lại của xã hội gánh nặng chiến tranh và thương vong:

Thật không may, chúng ta có một tầng lớp – và lại là tầng lớp có ảnh hưởng lớn nhất – chuyên kiếm tiền từ những cuộc viễn chinh hoặc nỗi hoang mang vì lo sợ Pháp xâm lược. Làm sao giới quý tộc có thể tồn tại được nếu thiếu đi những khoản chi cho chiến tranh và vũ khí? Liệu không thể tìm ra một biện pháp nào nhân đạo và ít xứng đáng hơn để giúp đỡ họ hay sao? Khi tôi bàn với ngài Rouher (một chính khách người Pháp – ND) về việc cắt giảm thuế quan, và khi chúng tôi nói đến vài ngành công nghiệp nhỏ, thuê ít nhân công và có ít vốn đang đưa ra yêu cầu được bảo hộ, tôi theo thói quen đã đề nghị ngài ấy là thay vì can thiệp vào thương mại của quốc gia với mục đích để cho những nhóm đặc lợi thiểu số này có cơm ăn áo mặc, hãy mua cho họ một vài căn hộ sang trọng tại khách sạn Louvre và cho họ ăn thịt hươu và uống sâm-panh bằng tiền nhà nước cho đến hết đời. Tại sao lại không thể đạt được một sự thoả hiệp tương tự cho con em giới quý tộc của chúng ta, thay vì giúp chúng bằng những biện pháp tốn kém nhất, đó là dùng chiến tranh và chuẩn bị cho chiến tranh?14

Năm 1858, John Bright, cũng là một nhà sáng lập của phong trào tự do thương mại tại Anh, giống Cobden, một nghị sĩ Quốc hội chống chủ nghĩa đế quốc đã so sánh đế quốc Anh và những cuộc chiến do nó tiến hành với một hệ thống tiền trợ cấp an sinh (“outdoor relief”- trợ cấp hỗ trợ cho người nghèo tiền, thức ăn, quần áo và hàng hoá để giảm nghèo mà không yêu cầu người nhận phải vào một tổ chức nào - trái ngược với “indoor relief” yêu cầu người nhận phải vào nhà tế bần – ND) cho người giàu.

Không có nhân viên thống kê nào trên đời có thể tính toán được rằng có bao nhiêu của cải, bao nhiêu sức mạnh, bao nhiêu uy quyền mà các danh gia vọng tộc Anh quốc kiếm được từ việc ăn chực xấu xa thành quả của nền công nghiệp của nhân dân, thứ bị cướp đoạt khỏi tay họ bởi đủ loại thuế má, và bị phung phí trong đủ thứ tội ác có thể tưởng tượng được mà một chính phủ có thể gây ra. Các bạn càng xem xét vấn đề này bao nhiêu thì sẽ càng đi đến kết luận mà tôi đã nghiệm ra bấy nhiêu, rằng chính sách ngoại giao này, đề cập đến “những quyền tự do của châu Âu”, quan tâm một lần tới “những lợi ích của người theo đạo Tin Lành”, tình yêu quá lớn dành cho “thế cân bằng quyền lực” này không khác gì một hệ thống tiền trợ cấp an sinh khổng lồ dành cho giới quý tộc Anh quốc.15

Ví dụ, những người Anh chuyên cung cấp dịch vụ cho quân đội và cả “con em quý tộc” ra nước ngoài làm thống đốc hay sĩ quan quân đội ở nước thuộc địa là những người được hưởng lợi từ sự mất mát của cả người dân thuộc địa lẫn người dân Anh quốc. Nhưng dân tộc Anh nói chung chắc chắn không hề được hưởng lợi. Ngược lại là đằng khác. Sau khi nghiên cứu kỹ càng các khoản chi tiêu, đầu tư, thuế má và các khoản tài chính khác của đế quốc Anh, Lance E. Davis và Robert A. Huttenback đã kết luận trong nghiên cứu của họ Mammon and the Pursuit of Empire: The Economics of British Imperialism [Phú quý và theo đuổi đế chế: Nền kinh tế của chủ nghĩa đế quốc Anh] rằng:

Người Anh nói chung chắc chắn đã không được lợi gì về mặt kinh tế từ đế quốc. Mặt khác, chỉ các nhà đầu tư cá nhân được hưởng lợi. Trong chính Đế quốc, mức độ hưởng lợi phụ thuộc vào người được hỏi và cách tính. Đối với các thuộc địa của người định cư da trắng, câu trả lời là rất rõ ràng: họ phải trả rất ít nhưng lại nhận về rất nhiều. Trong các lãnh thổ đế quốc phụ thuộc, người định cư da trắng gần như chắc chắn cũng được hưởng lợi. Đối với các dân tộc bản địa, dù họ nhận được một giỏ hàng hóa thiết yếu do nhà nước cung cấp với giá bán buôn thực sự thì cũng không có bằng chứng để gợi ý rằng họ sẽ mua những thứ hàng hóa thiết yếu đó, kể cả ở mức giá siêu rẻ, nếu được quyền tự do lựa chọn.16

Chủ nghĩa đế quốc không mang lại lợi thế kinh tế cho người dân các cường quốc thực dân nói chung, mặc dù để người ta theo đuổi chủ nghĩa đế quốc thì ắt hẳn nó phải đem lại lợi thế cho một vài nhóm nhỏ trong số đó. Những người được hưởng lợi là một thiểu số rất nhỏ trong toàn bộ dân số và lợi ích mà họ đạt được là ít ỏi so với sự mất mát mà người khác phải gánh chịu. Có quá nhiều những giả thuyết ngây thơ của nhiều thành viên của cả phe cánh tả lẫn phe cánh hữu là “nếu một người được lợi thì người khác nhất định phải chịu thiệt;” “nếu một người bị thua thiệt thì người khác ắt hẳn phải được lợi;” và “thiệt và lợi luôn luôn cân bằng”. Những giả thuyết này là sai lầm.

Xung quanh chúng ta là điều mà các nhà khoa học xã hội gọi là các cuộc chơi có “tổng dương”, hay theo cách gọi của đa số là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Khi một khách hàng mua thứ gì đó từ một thương nhân, người khách hàng sẽ nói “cảm ơn”. Một người tin rằng thế giới có tính một mất một còn sẽ phải ngạc nhiên khi nghe thấy cả người bán hàng lẫn khách hàng đều nói “cảm ơn”. Một người không phải chịu thiệt khi giúp người khác. Lợi ích của người này không đồng nghĩa với mất mát của người khác. Thay vào đó, cả hai đều được lợi. Tổng của lợi ích là dương chứ không phải là bằng không. Những giao dịch như thế có khắp xung quanh ta, nhưng ít người để ý đến hai tiếng “cảm ơn” đồng thời của những trao đổi tự nguyện có tổng dương này.

Còn có một kiểu tương tác khác được biết đến là trò chơi có “tổng âm”. Trong trường hợp xung đột, không chỉ một bên bị thua mà còn có khả năng bên thắng cũng thiệt hại nặng nề hơn lợi ích thu được, nghĩa là cả hai bên đều là những kẻ thua cuộc. Tình trạng này thực sự khá phổ biến. (Cần phải lưu ý rằng trò chơi có tổng âm này có thể bao gồm cả những người chơi được lợi ròng. Một tên cướp đâm chết người để cướp tiền của anh ta/ cô ta có thể lấy được 10 đô-la, nhưng nạn nhân không chỉ mất 10 đô-la mà còn mất cả mạng sống của anh ấy/ cô ấy. Kẻ thắng được một chút lợi ích nhưng lại tạo ra thiệt hại hoàn toàn cho người thua cuộc. Thậm chí cả hai bên đều có thể thua, nếu họ đánh nhau và cả hai đều bị giết, hoặc đều bị thương nặng, tất cả chỉ vì tranh chấp 10 đô-la mà tên cướp hy vọng lấy được. )

Những cuộc càn quét của cướp biển Viking từng một thời mang lại những thuyền chở đầy chiến lợi phẩm cho bọn cướp. Hạm đội Bạc của Tây Ban Nha từng đem nhiều kim loại quý – do lao động nô lệ khai thác từ trong lòng đất – từ các thuộc địa hoàng gia về Tây Ban Nha để làm giàu cho triều đình (mặc dù điều đó cuối cùng chỉ mang lại tai ương cho cả đất nước nói chung). Cướp biển từng một thời là hiểm họa lớn đối với những người liều mạng đi biển. Nhưng thế giới đã đổi thay. Xét những cuộc phiêu lưu quân sự ở hải ngoại trong suốt hai thế kỷ vừa qua thì thiệt hại gây ra cho người dân ở nước thuộc địa không mang đến lợi ích gì cho người dân (nói chung) của các nước tham gia vào những cuộc phiêu lưu đế quốc. Tất nhiên là vẫn có những kẻ được lợi ròng (ví dụ như những nhóm đặc lợi chuyên cung cấp cho quân đội), nhưng lợi ích thu được ít hơn rất nhiều so với thiệt hại, không chỉ đối với người dân nước thuộc địa hoặc bị chiếm đóng, mà còn cho cả người dân các cường quốc xâm lược nữa. Trong trường hợp những cuộc chiến tranh toàn thế giới như Thế chiến I và II, thiệt hại cho tất cả các bên lớn đến mức kinh hoàng. Vào buổi cuối của Thế chiến II, châu Âu và phần lớn châu Á rơi vào đổ nát và người dân của hai châu lục lúc đó đang phải khốn khổ vì chế độ phân phối lương thực theo định mức, và thậm chí là cả sự hoành hành của nạn đói. Hòa bình và thương mại, chứ không phải là chiến tranh, đã đặt nền tảng cho công cuộc phục hồi kinh tế thời hậu chiến.17

Những người chống đối chủ nghĩa đế quốc và các cuộc phiêu lưu quân sự ở hải ngoại quyết liệt nhất, dù là ở Pháp, Anh hay Đức, đều là những thương nhân tự do tận tụy nhất. Người đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel hòa bình, Frédéric Passy, là một nhà kinh tế có tư tưởng tự do thương mại hàng đầu, nhà sáng lập Hiệp hội Trọng tài Quốc tế của Pháp, và là một người bạn, người đồng sự của Richard Cobden và John Bright. Nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng này giải thích rằng:

Mặc dù có quá nhiều ngoại lệ đau lòng, nhưng nguyên tắc hòa hảo và đồng thuận quốc tế, được thể hiện qua lý tưởng cao thượng về sự đoàn kết và lòng bác ái của loài người, vẫn là xu hướng chủ đạo. Căn nguyên của xu hướng đó chính là sự giao lưu trao đổi. Không có giao lưu trao đổi, con người và các dân tộc chỉ là những người anh em bị thất lạc và trở thành kẻ thù. Thông qua trao đổi, họ học cách hiểu và yêu thương lẫn nhau. Lợi ích chung giúp hòa giải loài người và sự hòa giải đó khai sáng cho họ. Không có trao đổi, mỗi người sẽ chỉ sống trong góc tối của mình, xa lánh cả thế giới và lạc ra khỏi những con đường chủ yếu của tạo hóa… Thuyết giáo điều về việc cấm đoán và hạn chế không chỉ rao giảng cho tình trạng biệt lập và cô độc mà còn buộc loài người phải sống trong nỗi căm hờn và tình trạng thù địch.18

Passy đã dành các tác phẩm của mình cho mục tiêu khuyến khích tự do thương mại và các thể chế trọng tài quốc tế như một công cụ để khuyến khích hòa bình và phòng tránh chiến tranh.

Cũng như những nhà phê phán chiến tranh và đế quốc tại châu Âu, những người phê phán các tham vọng và dự án đế quốc của Mỹ cũng trong tình thế đúng như vậy. Liên đoàn Phản đế được hình thành vào năm 1898 bởi các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà văn và các nhà nghiên cứu để chống lại chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Hoa Kỳ. Một trong những thành viên của họ, William Graham Sumner, một giáo sư của đại học Yale trong bài tiểu luận năm 1898 nổi tiếng của mình “Sự chinh phục Hoa Kỳ của Tây Ban Nha” đã tranh luận rằng mặc dù Hoa Kỳ đã đánh bại Tây Ban Nha về mặt quân sự và đã chiếm được Guam, Puerto Rico và Philippines từ tay Tây Ban Nha, nhưng trên thực tế thì những nguyên tắc của đế chế Tây Ban Nha đã chinh phục nước Mỹ.

Như Sumner đã kết luận bản cáo trạng đầy xúc động của mình về chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh: “Chúng ta đã đánh bại Tây Ban Nha trong một cuộc xung đột quân sự nhưng lại bị họ chinh phục về mặt tư tưởng và chính sách. Chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa đế quốc không khác gì những triết lý cổ lỗ về thịnh vượng quốc gia, thứ đã đưa Tây Ban Nha đến vị trí như ngày nay. Những triết lý đó kích động sự tự cao và lòng tham của dân tộc. Dưới những góc nhìn ngây thơ và óc suy xét nông cạn, chúng trở nên đặc biệt cám dỗ, và vì thế không thể phủ nhận là chúng có sức phổ biến rất mạnh. Những ảo tưởng đó sẽ khiến chúng ta thất bại thảm hại trừ khi chúng ta có một cái đầu lạnh đủ tỉnh táo để cưỡng lại chúng”.19

Thế còn “Chiến tranh dầu mỏ (và các tài nguyên khác)” thì sao?

Sự chiếm đóng thuộc địa theo đúng nghĩa của nó ngày nay ít phổ biến hơn (tuy vẫn có một số trường hợp), nhưng chẳng thiếu lúc chúng ta nghe người dân nhiều nước nói rằng việc lật đổ các chính phủ nước ngoài, sử dụng lực lượng quân sự và đe dọa phát động chiến tranh, và những động thái khác của quyền lực chính phủ bên ngoài biên giới quốc gia là cần thiết để bảo đảm nguồn tài nguyên. Đó là sự quay trở lại của lý luận trọng thương cổ điển đã bị các nhà kinh tế học bác bỏ hết lần đến lần khác. Các nhà hoạch định chính sách đôi lúc tranh luận rằng cần phải tiến hành chiến tranh vì những mục đích kinh tế. Trong kỷ nguyên hiện tại, họ tranh luận rằng cần phải đổ máu và ngân khố để bảo đảm quyền tiếp cận dầu lửa. Năm 1990, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ khi đó là James Baker đã xác nhận trước Quốc hội Hoa Kỳ đại diện đảm nhận tiến hành chiến tranh vùng Vịnh chống lại chế độ Saddam Hussein. Ông đã chỉ ra “những tác động lên nền kinh tế của chúng ta” và phát biểu rằng:

Vấn đề không phải là một ga-lông (đơn vị đo dung tích theo hệ thống của Mỹ bằng 3,785 lít) ga tại một trạm xăng địa phương tăng giá. Vấn đề không chỉ đơn giản là nguồn cung dầu từ Kuwait hay Iraq. Hơn hết, vấn đề nằm ở chỗ một tên độc tài, kẻ đã hành động đơn phương và không bị ngăn cản, có thể bóp nghẹt trật tự kinh tế toàn cầu và dùng sắc lệnh để định đoạt việc tất cả chúng ta liệu có rơi vào trì trệ, hay thậm chí là một cuộc suy thoái, hay không.20

Một trong những người tiền nhiệm của ông, Henry Kissinger, trước đó đã viết trên tờ Thời báo Los Angeles cảnh báo rằng nhà độc tài Iraq, Saddam Hussein, có “khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu”.21 Vấn đề về quyền tiếp cận dầu lửa đã lại được đưa ra trong cuộc xâm lược Iraq lần thứ hai do Mỹ cầm đầu. Một trong những khuyết điểm của những người ủng hộ việc tiến hành chiến tranh vì dầu lửa này là việc họ đã không hiểu kinh tế học cơ bản. William Niskanen, khi đó là Chủ tịch Viện Cato đồng thời là cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời tổng thống Reagan và là nhà kinh tế học lỗi lạc, đã phát biểu trong một cuộc tranh luận với cựu giám đốc CIA James Woolsey như sau:

Vào cả hai năm 1991 và 2001, dầu lửa đều không đáng để gây ra chiến tranh. Dầu lửa phục vụ cho lợi ích của bất cứ ai kiểm soát nó với điều kiện họ phải bán nó cho chúng ta và các dân tộc khác trên thế giới. Và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ không phụ thuộc vào câu hỏi ai sở hữu lượng dầu đó, trong khi câu hỏi đáng quan tâm hơn là là đất nước đó giàu có cỡ nào. Điều đó đúng kể cả khi hàng hóa đó là đậu tương chứ không phải là dầu mỏ, và nó cũng không phụ thuộc vào việc chúng ta nhập khẩu rất nhiều dầu lửa hay chúng ta là các nước xuất khẩu dầu. Giá dầu ở Nhật Bản là bằng với giá dầu ở Anh, nơi mà Nhật Bản phải nhập khẩu toàn bộ lượng dầu mỏ họ cần còn Anh thì phần lớn tự cung cấp được dầu. Chúng ta có một thị trường dầu lửa mang tính quốc tế… Như vậy dầu lửa không đáng để gây ra chiến tranh. Không đáng vào năm 1991 và bây giờ cũng vậy.22

Niskanen đã nói đúng. Dầu lửa là một thứ hàng hóa và nó có một mức giá chung toàn cầu. Ngay cả những tên độc tài điên rồ cũng nhận ra rằng dầu không có hoặc rất ít giá trị nếu không được bán. Thật vậy, những kẻ thù không đội trời chung của Hoa Kỳ, như cố tổng thống Hugo Chavez người Venezuela, đều hiểu điều đó và đã bán phần lớn sản lượng của các công ty dầu quốc doanh cho các khách hàng Mỹ.

Nhưng hãy cứ cho là dòng dầu lửa hoặc một số tài nguyên khác có thể bị giảm đi. Vậy sau đó sẽ ra sao? Kinh tế học cho chúng ta biết hai điểm quan trọng sau:

1. Sử dụng lực lượng quân sự cũng rất tốn kém. Thật vậy, điều đó gần như lúc nào cũng tốn kém hơn rất nhiều so với bất cứ sự suy giảm về sức khỏe và hạnh phúc gây ra bởi việc các chính phủ nước ngoài hạn chế nguồn cung. Những người ủng hộ chủ trương can thiệp quân sự cho rằng các lực lượng này không hề tốn kém, trong khi thực tế không phải vậy.23

2. Con người, bằng việc tương tác với nhau thông qua thị trường, từ lâu đã khám phá ra các cơ chế để ứng phó với tình trạng suy giảm nguồn cung, trong đó đáng chú ý là cơ chế giá cả. Theo đó, giá cả tạo ra động lực để phân phối hàng hóa theo giá trị sử dụng cao nhất của nó (khi giá cả tăng, chúng ta “tiết kiệm” việc sử dụng các tài nguyên khan hiếm). Việc giá tăng tạo ra động lực để bảo tồn tài nguyên, tăng nguồn cung và chuyển sang các hàng hóa thay thế (trong trường hợp của dầu lửa, các hàng hóa thay thế bao gồm khí đốt, năng lượng nước, năng lượng mặt trời, và các nguồn năng lượng khác). Dựa vào thị trường là cách ít tốn kém hơn rất, rất nhiều so với việc sử dụng các lực lượng quân sự.24

Đương nhiên, tư duy trọng thương và việc không tính đến các chi phí can thiệp quân sự không chỉ là của riêng chính phủ Hoa Kỳ. Những chính sách tương tự đã khiến Liên bang Xô Viết phải phá sản (mỗi quốc gia vệ tinh được thêm vào đế quốc của họ lại mang đến những gánh nặng đáng kinh ngạc lên quyền lực đế quốc), còn Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong một vài năm gần đây đang phải trả những khoản phí không nhỏ để có được quyền tiếp cận dầu lửa và các mặt hàng khác. Chính sách này gây tốn kém không nhỏ cho người đóng thuế ở Trung Quốc, vì nhà nước phải trả nhiều hơn giá thị trường (chưa tính đến chi phí đút lót bôi trơn được trả cho các nhà hoạch định chính sách nước ngoài) và sau đó lại trao quyền sử dụng những tài nguyên đó cho các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ.25

Chính phủ Pháp đã phải lao lực trong nhiều năm để giành được những nhượng bộ đặc biệt cho các doanh nghiệp của nước này tại Tây Phi, nhưng những nhượng bộ đó lại gây hại cho người tiêu dùng châu Phi và người đóng thuế ở Pháp. Chính phủ Pháp tìm cách làm lợi cho các doanh nghiệp Pháp thông qua việc duy trì đồng franc CFA (CFA ban đầu là viết tắt của Colonies francaises d’Afrique [thuộc địa Pháp ở châu Phi] từ 1945 đến 1958, sau đó là Communauté francaises d’Afrique [cộng đồng thuộc Pháp ở châu Phi], và sau khi các thuộc địa của Pháp giành độc lập, Communauté Financière Africaine [cộng đồng tài chính châu Phi], viện trợ nước ngoài (một gánh nặng đối với người nộp thuế ở Pháp, tương tự như viện trợ nước ngoài của Mỹ đối với người dân Mỹ và viện trợ nước ngoài của Trung Quốc đối với người nộp thuế Trung Quốc), và lực lượng quân đội Pháp đồn trú cũng như các cuộc can thiệp quân sự định kỳ. Người được hưởng lợi ròng không phải là “người Pháp” nói chung, mà là các nhóm đặc quyền được hưởng lợi từ thiệt hại của phần còn lại của dân số Pháp. Như tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy đã buột miệng nói trong một cuộc hội đàm (bị các phóng viên ghi lại) với tổng thống được bầu ra của Togo, Faure Gnassingbe (đắc cử nhờ sự ủng hộ của Pháp), rằng: “Khi ngài là bạn của nước Pháp thì ngài phải nghĩ đến các công ty Pháp”. Thông điệp ở đây quá rõ ràng không thể nhầm lẫn và phần nào hé mở cho chúng ta về thế giới của chủ nghĩa thân hữu hiện đại.26

Tương tự như vậy, chính phủ Nga dưới thời tổng thống Putin đã tìm cách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga, cả quốc doanh lẫn tư doanh, bằng một chính sách ngoại giao hung hăng, bao gồm cả việc xâm lược các nước láng giềng và thôn tính lãnh thổ, và kiến tạo một “Liên minh Thuế quan Âu-Á”. Kết quả là người tiêu dùng và đóng thuế của Nga phải chịu thiệt, nhưng người được hưởng lợi là các chủ doanh nghiệp và nhà quản lý doanh nghiệp thân cận với điện Kremlin, đặc biệt là phe “siloviki” (tức những chính trị gia xuất thân từ các cơ quan an ninh/ quân đội của Nga – ND) cung cấp thêm sức mạnh và ủng hộ cho chế độ chính trị ngày càng độc tài của nước này.27

Tự do trao đổi là cách tiếp cận tài nguyên tốt hơn nhiều so với việc sử dụng quyền lực nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào. Chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt chỉ có lợi cho một vài nhóm đặc quyền hạn hẹp, nhưng lại trái ngược với lợi ích của cộng đồng. Chúng chỉ là những đề xuất thất bại.

Ảo tưởng kinh tế và quan hệ quốc tế  

Frédéric Bastiat, một trong những người đấu tranh cho tự do và hòa bình vĩ đại nhất, đồng thời là một trong những người đại biểu lỗi lạc nhất cho những giá trị của chủ nghĩa tự do, từng tuyên bố sứ mệnh mấu chốt của kinh tế chính trị học tự do chủ nghĩa là giải thích được rằng thương mại mang lại lợi ích cho cả hai bên, còn chiến tranh thì chỉ mang tính hủy diệt lẫn nhau.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải đấu tranh chống lại hệ thống kinh tế chính trị sai lầm và nguy hiểm, mà theo đó sự thịnh vượng của một dân tộc này xung khắc với sự thịnh vượng của một dân tộc khác, và đánh đồng giữa thương mại và chinh phục và giữa làm việc năng suất với thống trị mang tính bóc lột. Khi mà những tư tưởng đó vẫn còn được chấp nhận, thế giới này sẽ không thể có dù chỉ là 24 tiếng hòa bình. Thậm chí còn hơn thế nữa, hòa bình sẽ trở thành một ý tưởng nhảm nhí và lố bịch.28

Sự tồn tại dai dẳng của những học thuyết đã bị lật tẩy hoàn toàn như “cán cân thương mại” – ý tưởng cho rằng “thương mại của một quốc gia sẽ có lợi tỷ lệ thuận với mức xuất siêu”29 - đã gây tác hại nghiêm trọng cho cả thế giới. Việc bác bỏ những giáo điều sai trái này không phải vấn đề thuộc về ý thức hệ chính trị, mà là một tư tưởng kinh tế học hợp lý, không phụ thuộc vào thế giới quan của mỗi người. Như nhà kinh tế học thương mại Paul Krugman đã biện luận:

Xung đột giữa các quốc gia mà nhiều học giả chính sách cho là đang thống trị thực chất chỉ là một ảo ảnh, nhưng đó là một ảo ảnh có thể hủy diệt hiện thực về những lợi ích chung có được nhờ thương mại.30

Sự thiếu hiểu biết của các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa dân tộc và các bản đề xuất theo chủ nghĩa trọng thương do họ đưa ra, và của những người khăng khăng quả quyết rằng các nước nghèo hơn và đang phát triển là mối đe dọa đối với các quốc gia phát triển hoặc ngược lại, bởi một trong hai nhóm quốc gia này sẽ cùng lúc thu hút đầu tư nước ngoài ròng và đạt được thặng dư thương mại31 thật là đáng kinh ngạc. Chúng ta có thể hy vọng rằng sự thiếu hiểu biết như vậy sẽ lui vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những phân tích kinh tế hợp lý, và rằng chúng ta sẽ không phải chờ đợi lâu hơn cái ngày mà Jean-Baptiste Say đã dự đoán:

Sớm muộn gì thì ngày ấy cũng sẽ tới, cái ngày mà người ta sẽ ngỡ ngàng về sự cần thiết phải chấp nhận mọi phiền toái để vạch trần sự điên rồ của một hệ thống quá đỗi trẻ con và lố bịch, nhưng lại rất thường hay được áp đặt bằng sức mạnh lưỡi lê.32

Khi mà hàng hóa không thể vượt qua biên giới thì quân đội sẽ tràn qua

Tự do thương mại và đầu tư tạo ra hòa bình giữa các quốc gia. Nó không thể loại trừ hoàn toàn chiến tranh nhưng có thể khiến chiến tranh khó xảy ra hơn, và điều đó là một thành tựu đáng kể. Các nhà tư tưởng tự do cổ điển từ lâu đã liên hệ hòa bình với thương mại. Như nhà tư tưởng tự do cổ điển người Đức John Prince-Smith đã tranh luận vào năm 1860.

Sự kết nối của các lợi ích trên quy mô quốc tế do tự do thương mại đem lại là cách thức ngăn chặn chiến tranh hiệu quả nhất. Nếu chúng ta tiến bộ đến mức có thể thấy mỗi người ngoại quốc là một khách hàng tiềm năng thì sẽ có ít lý do để rút súng bắn anh ta hơn nhiều.33

Ngày nay, chúng ta đã hiểu rõ hơn mối liên kết tích cực mạnh mẽ không chỉ giữa hòa bình và tự do thương mại, mà cả giữa hòa bình và tỉ trọng thương mại. Càng nhiều dòng thương mại và đầu tư lưu thông qua biên giới bao nhiêu thì nguy cơ chiến tranh càng giảm đi bấy nhiêu.

Vào năm 1748, nhà triết học, nhà tư tưởng chính trị người Pháp Montesquieu đã chỉ ra trong tác phẩm có ảnh hưởng lớn của mình, The Spirit of the Laws [Tinh thần pháp luật], rằng

hệ quả tự nhiên của thương mại là dẫn đến hòa bình. Hai quốc gia giao thương với nhau sẽ trở nên phụ thuộc lẫn nhau; nếu nước này có lợi trong việc mua thì nước kia lại có lợi trong việc bán, và tất cả mọi liên kết đều được xây dựng trên nền tảng nhu cầu chung.34

Theo kết luận của Solomon W. Polachek và Carlos Seiglie sau khi nghiên cứu các cuộc xung đột thì “các quốc gia là đối tác thương mại sẽ hợp tác nhiều hơn và xung đột ít đi. Nếu thương mại tăng gấp đôi thì tình trạng giao tranh sẽ giảm đến 20%”.35 Thương mại xuyên biên giới, và đặc biệt là đầu tư xuyên biên giới khuyến khích người ta duy trì gìn giữ hòa bình. Những người đang có nhiều quan hệ thương mại hoặc đầu tư xuyên biên giới hơn sẽ ít có khả năng ủng hộ chiến tranh chống lại các khách hàng và đối tác kinh doanh của họ. Càng có nhiều người mà sinh kế của họ phụ thuộc vào việc duy trì thương mại bao nhiêu thì sự ủng hộ cho hòa bình càng lớn bấy nhiêu, vì sẽ có càng nhiều tiếng nói chống lại việc phá vỡ các mối quan hệ có giá trị này. Và tỉ trọng đầu tư xuyên biên giới càng lớn thì sự ủng hộ cho hòa bình cũng càng tăng, vì lý do dễ hiểu là người ta không thích nhìn thấy của cải của chính mình bị ném bom hay nổ tung.36

Chính sách “bảo hộ thương mại” (như là đặt các rào cản thương mại để “bảo hộ” các nhà sản xuất đang hoạt động trong nước) ngờ nghệch và phá hoại của thập niên 1930 được hiểu một cách rộng rãi như là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến Đại Suy thoái và tiếp nối sau đó là Chiến tranh thế giới.37 Thật vậy, điều đó đã được dự báo bởi 1.028 nhà kinh tế học người Mỹ, những người đã cùng ký vào một đơn kiến nghị phản đối các hạn chế thương mại cực đoan đối với trên hai mươi nghìn hàng hóa nhập khẩu được thông qua bởi Quốc hội Mỹ vào năm 1930. Đó không chỉ là một đòn đánh vào người tiêu dùng Mỹ (và các nhà nhập khẩu), mà còn làm bùng nổ một làn sóng của chủ nghĩa bảo hộ trên khắp thế giới và kéo dài cũng như làm sâu sắc thêm suy thoái tại châu Âu và Hoa Kỳ, dẫn đến sự sụp đổ của thương mại quốc tế và giúp dọn đường cho chiến tranh. Những lời kết luận của bản kiến nghị là: “một cuộc chiến thuế quan không vun đất lành cho sự nảy nở của hòa bình thế giới”.38 Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Sau những kinh hoàng của Thế chiến II, vào năm 1947, tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman đã quan sát thấy rằng:

Vào thời điểm cụ thể này, cả thế giới đang dồn phần lớn năng lượng và trí tuệ của mình để đạt đến các mục tiêu là hòa bình và tự do. Những mục tiêu này hoàn toàn gắn liền với một mục tiêu thứ ba – tái thiết lập thương mại thế giới. Trên thực tế, cả ba mục tiêu này – hòa bình, tự do, và thương mại quốc tế – là không thể tách rời. Những bài học quan trọng của quá khứ đã minh chứng cho điều đó.

Trong bài phát biểu này, tổng thống Truman đã lưu ý rằng: “với mỗi trận chiến trong cuộc chiến tranh kinh tế vào những năm ba mươi, kết cục bi thảm không thể tránh khỏi đã trở nên ngày một rõ ràng hơn”.39

Một hiểu biết cổ đại

Nhận thức rằng thương mại và hành vi hòa bình có liên hệ với nhau đã có từ rất lâu. Trong tập IX của trường ca Odyssey, nhà thơ Hy Lạp Homer mô tả những tên khổng lồ một mắt (Cyclop), những kẻ ăn thịt bất cứ ai bước chân lên hòn đảo của chúng, là những tên man rợ. Chúng thiếu những thể chế văn minh, đặc biệt là sự thận trọng, luật pháp và thương mại.

Chúng không có nơi hội đồng họp mặt, cũng chẳng có luật lệ gì cả,

không, trên những đỉnh núi chúng sống trong những hang vòm –

mỗi kẻ tự quyết định luật lệ cho bản thân, trị vì vợ con hắn,

không mảy may quan tâm gì đến láng giềng.

Vì bọn Cyclop không có những con thuyền với mũi đỏ thắm,

không có thợ để đóng những con thuyền tốt

để giong buồm chở chúng đến những hải cảng xa xôi,

chẳng như đa số con người

vẫn đang vượt sóng gió của biển khơi để buôn bán với những cư dân khác.40

Tranh biện, thảo luận, phê bình, buôn bán, du lịch, đầu tư và những yếu tố khác của các xã hội tự do không làm cho chiến tranh biến mất, nhưng chúng khiến cho điều đó khó xảy ra hơn. Chúng hạn chế và giảm thiểu bạo lực dã man. Và điều này có rất nhiều ưu thế.

Ai là người quyết định?

Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân luôn hiểu rằng sẽ là ngây thơ và nông cạn nếu cho rằng những cuộc chiến được gây ra bởi tầng lớp thống trị bằng cách nào đó lại có thể mang đến lợi ích cho người dân các nước gây chiến. Nhà sử học Parker T. Moon đã đưa ra vấn đề này một cách khá rõ ràng trong tác phẩm Imperialism and World Politics [Chủ nghĩa đế quốc và chính trị toàn cầu] của ông:

Ngôn ngữ thường che mờ sự thật. Đôi mắt của chúng ta dễ bị đánh lừa bởi những mánh khóe của ba tấc lưỡi mà không nhìn thấy được những thực tế trong quan hệ quốc tế. Khi một người sử dụng một từ đơn tiết như “Pháp”, người đó nghĩ đến Pháp như một thực thể, một đơn vị. Khi muốn tránh sự lặp từ vụng về, chúng ta dùng đại từ nhân xưng để chỉ một quốc gia – ví dụ như nói “Pháp gửi quân của họ sang chinh phục Tunis” – chúng ta không chỉ quy sự thống nhất, mà còn cả nhân cách cho một đất nước. Chính những từ ngữ che đậy thực tế và biến quan hệ quốc tế thành một màn kịch quyến rũ, với diễn viên là các quốc gia được nhân cách hóa, và chúng ta quá dễ dàng quên đi những người đàn ông, đàn bà bằng xương bằng thịt, những chủ thể thực sự. Sẽ thật khác nếu như chúng ra không hề có từ “Pháp”, và thay vào đó phải nói: ba mươi tám triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em với mọi thứ lợi ích và niềm tin khác nhau, sống trên lãnh thổ 218.000 dặm vuông! Lúc đó chúng ta nên mô tả cuộc viễn chinh ở Tunis một cách chính xác hơn như cách sau: “Một vài trong số ba mươi tám triệu người này đã cử ba mươi nghìn người khác đến xâm chiếm Tunis”. Cách đặt vấn đề bằng thực tế này ngay lập tức gợi mở câu hỏi, hay đúng hơn là một loạt những câu hỏi. “Một vài” kia là ai? Tại sao họ lại cử ba mươi nghìn người sang Tunis? Và tại sao những người đó lại phải tuân lệnh?

Đế quốc được xây dựng bởi con người chứ không phải bởi “các quốc gia”. Vấn đề trước mắt ta là tìm ra những người, nhóm thiểu số đang hoạt động ở mỗi quốc gia và có lợi ích gắn bó trực tiếp với chủ nghĩa đế quốc, và sau đó phân tích lý do khiến số đông chấp nhận trả những chi phí và tham gia chiến đấu trong những cuộc chiến mà bành trướng đế quốc đòi hỏi phải có.41

Sẽ chỉ là một sự giản lược của những hoạt động phức tạp đằng sau chiến tranh khi nói rằng “Nước X gây chiến hoặc gửi lính sang để xâm lược nước Y”; thực tế là một vài nhóm người của nước X đưa ra lựa chọn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với những nhóm khác, và nhiệm vụ của một nhà khoa học xã hội nghiêm túc là phải hiểu được tại sao và làm thế nào người ta lại lựa chọn như vậy và tại sao những người khác lại chấp thuận lựa chọn của họ. Chiến tranh cũng là một sự lựa chọn, ít nhất là về phía kẻ gây chiến. Nỗ lực gộp tất cả người dân, tất cả mọi lợi ích, tất cả mọi luồng ý kiến có trong một đất nước vào một tác nhân đưa ra lựa chọn không chỉ là biểu hiện của sự vô lý kỳ bí, mà tệ hơn, nó che đậy khiến chúng ta không nhận ra được những câu hỏi quan trọng nhất của khoa học chính trị. Thế nhưng đó lại là cách tiếp cận của nhiều nhà bình luận, nhà phân tích và nhà lý luận chiến tranh và xung đột. Họ không thể hiểu được những vấn đề có liên quan bởi vì họ là những kẻ theo chủ nghĩa tập thể không chỉ trong đạo đức, mà cả trong các phương pháp xã hội học nữa. Họ nghĩ rằng một đất nước, vốn được tạo thành bởi một số lượng lớn các cá nhân rất khác nhau và các mối quan hệ phức tạp của họ (gia đình, mạng lưới quan hệ, các đảng chính trị, các doanh nghiệp, tôn giáo, vân vân và vân vân) là một cá nhân giống như những cá nhân cấu thành nó.42 Đó là một tư duy cẩu thả tùy tiện với những hậu quả nghiêm trọng.

Lựa chọn phải được con người thực hiện, chúng không thể tự diễn ra được. Chúng ta phản hồi lại trước những động lực thúc đẩy, nhưng mặt khác chúng ta cũng bị thôi thúc bởi các ý tưởng. Các ý tưởng ngốc nghếch sẽ ủng hộ cho các chính sách ngớ ngẩn và tạo những động cơ lầm lạc – thậm chí là nguy hiểm như thảm họa.

Nếu các bạn muốn có hòa bình, các bạn phải đứng lên đấu tranh vì nó. Nếu như người ta đưa ra lập luận ủng hộ chiến tranh thì lập luận đó phải được thử thách. Với chiến tranh không thể có lựa chọn “nước đôi”. Đó là một lựa chọn giữa hai tình huống: nếu bạn không ủng hộ chiến tranh nghĩa là bạn phải chống lại nó; không có sự trung lập trong bản thân vấn đề chiến tranh. Sự hủy diệt gây ra bởi chiến tranh, những thương vong của những mảnh đời vô tội, sự mất mát mà chiến tranh đem lại tạo ra một căn cứ rất rất chắc chắn để chống lại việc gây chiến. Hơn thế nữa, nếu bạn mong muốn người khác cũng mong muốn hòa bình, bạn không chỉ cần cất tiếng nói ủng hộ hòa bình, mà còn phải chiến đấu chống lại những ngụy biện về “sự va chạm giữa các nền văn minh”, “xung đột kinh tế”, “chủ nghĩa bảo hộ”, và thế giới quan có tổng bằng không; và ủng hộ một cách tích cực các thể chế với khả năng tạo ra động lực để hướng đến hòa bình, trong đó đặc biệt là tự do thương mại, đi lại, đầu tư, và các quyền dân chủ về tự do ngôn luận và phê bình chính sách của chính phủ.

Thách thức của nhà sử học Parker T. Moon về “phân tích các nguyên nhân khiến số đông chấp nhận trả những chi phí và tham gia chiến đấu trong những cuộc chiến tranh” cũng chính là thách thức cho chúng ta. Và khi đã hiểu được vấn đề, chúng ta cần phải đứng lên đấu tranh cho những điều đúng đắn – cho triết học, cho kinh tế chính trị học, cho các thể chế, các chính sách và cho sự hiện thực hóa của một thế giới hòa bình, hợp tác tự nguyện.

Chú thích:

(1) Frédéric   Bastiat, “Peace   and   Freedom   or   the   Republican   Budget” (1849), trong Frédéric Bastiat, The Collected Works of Frédéric Bastiat. Vol. 2:  The Law, The State, and Other Political Writings, 1843–1850, Jacques de Guenin, General Editor, (Indianapolis: Liberty Fund, 2012), tr. 282–327, tr.191. Xem online tại http://oll.libertyfund.org/index.php?option=com_staticxt&staticfile=show.php%3Ftitle=2450&Itemid=28. 

(2) Steven Pinker, The Better Angels of Our Nature: A History of Violence and Humanity (London: Penguin Books, 2011), tr. 19. 

(3) James L. Payne, A History of Force: Exploring the worldwide movement against habits of coercion, bloodshed, and mayhem (Sandpoint, Idaho: Lytton Publishing Co., 2004), Steven Pinker, op. cit. 

(4) Huntington còn bộc lộ một sự hiểu biết nông cạn về những thuật ngữ như “cạnh tranh” và “xung đột”: “Điều thú vị và có phần khó hiểu là người Mỹ ủng hộ cạnh tranh trong xã hội Mỹ giữa các nhóm ý kiến, đảng phái, các nhánh quyền lực nhà nước, các doanh nghiệp. Tại sao người Mỹ lại tin rằng xung đột là tốt trong phạm vi xã hội của họ nhưng lại là tồi tệ trong quan hệ giữa các quốc gia là một câu hỏi thú vị mà theo hiểu biết của tôi chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc.” Samuel Huntington, The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (New York: Simon & Schuster, 1997), trang 221. Có vẻ như ông ta không hiểu là có thể có những nguyên nhân tại sao không ai nghiên cứu một cách nghiêm túc sự mơ hồ học thuật này. Cơ chế “kiểm soát và cân bằng” giữa các nhánh quyền lực của chính quyền và sự cạnh tranh giữa các công ty để thu hút khách hàng rất khác so với xung đột “giữa các xã hội”. 

(5) Samuel Huntington, Sđd., tr. 84.

(6) Angus Maddison, Contours of the World Economy, 1–2030 AD, Essays in Macro-Economic History (Oxford: NXB Đại học Oxford, 2007), Số liệu từ Bảng A7, trang 382.

(7) Jutta Bolt và Jan Luiten van Zanden, “The First Update of the Maddison Project: Re-Estimating Growth Before 1820,” Maddison Project Working Paper WP-4 (Tháng Giêng 2013), xem online tại http://www.ggdc.net/maddison/maddison-project/publications/wp4.pdfa; database tại http://www.ggdc.net/maddison/maddison-project/data/mpd_2013-01.xlsx. Tính theo tỉ giá đô-la năm 2010 thì con số này còn lớn hơn rất nhiều do chính sách lạm phát của Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ. Theo Ngân hàng Thế giới (http://data.worldbank.org/indicator/NY.GNP.PCAP.CD/countries/NLXS?display=graph, tính theo tỉ giá đô-la năm 2010, GDP đầu người của Hà Lan là US$48,530.

(8) Dữ liệu của Bolt và van Zanden. http://www.ggdc.net/maddison/maddison-project/data/mpd_2013-01.xlsx 

(9) Jean-Baptiste Say, A Treatise on Political Economy, dịch bởi C. R. Prinsep và Clement C. Biddle (Philadelphia: Lippincott, Grambo & Co., 1855), Quyển I, Chương XV, “Of the Demand or Market for Products,” xem tại http://www.econlib.org/library/Say/sayT15.html. 

(10) Một thế giới quan có tổng bằng không như thế đồng nghĩa với việc sẽ chẳng bao giờ có thương mại, vì người ta chỉ giao thương nếu như họ mong muốn thu về lợi nhuận. Chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế không thống nhất từ đầu đến cuối. 

(11) Adam Smith, An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, biên tập bởi R. H. Campbell và A. S. Skinner, tập II của Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund: 1981), IV: vii, “Of Colonies,” tr. 588. 

(12) Adam Smith, An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, biên tập bởi R. H. Campbell và A. S. Skinner, tập II của the Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund: 1981). IV: viii, “Conclusion of the Mercantile System,” tr.661. 

(13) Người sống cùng thời với Smith là Jeremy Bentham còn cay nghiệt hơn trong những mô tả của mình về chiến tranh xâm lược ngoại bang. Ông tuyên bố rằng: “Mọi lợi nhuận kiếm được từ xâm lược dưới bất kỳ hình dạng nào, tôi coi không hơn gì trò trộm cướp với công cụ là giết chóc, cả hai (cướp bóc và giết chóc) được triển khai ở mức độ lớn nhất có thể; trò cướp bóc do tầng lớp thống trị thiểu số tại quốc gia chinh phạt thực hiện với đa số người dân tại cả nước thống trị lẫn bị trị; trò cướp bóc mà nếu xét theo chi phí vũ trang thì người dân các quốc gia gây chiến là những nạn nhân đầu tiên.” Bentham coi “tất cả các chế độ thống trị kiểu này không hơn gì một công cụ, một kế sách nhằm tập trung quyền bảo hộ và quyền đàn áp trong tay thiểu số lãnh đạo tại quốc gia thống trị, với phí tổn, hy sinh quyền lợi và hạnh phúc của đa số người dân tại cả nước thống trị lẫn bị trị.” Jeremy Bentham, “In International Dealings, Justice and Beneficence,” in E. K. Bramsted và K.J. Melhuish, eds., Western Liberalism: A History in Documents from Locke to Croce (London: Longman, 1978), doc. 36, tr. 353. 

(14) John Morley, The Life of Richard Cobden (London: T. Fisher Unwiin, 1903). Chương XXXIII.: miscellaneous correspondence, 1859-60-paris-return to England. Truy cập tại http://oll.libertyfund.org/title/1742/90559/2050419 vào ngày 2014-01-02. 

(15) Selected Speeches of the Rt. Hon. John Bright M.P. On Public Questions, giới thiệu bởi Joseph Sturge (London: J. M.  Dent and Co., 1907), Chương XVI, Chính sách nước ngoài, bài phát biểu ngày 29 tháng 10, 1858, Birmingham. 

(16) Lance E. Davis và Robert A. Huttenback, với sự hỗ trợ của Susan Gray Davis, Mammon and the Pursuit of Empire: The Economics of British Imperialism, abridged edition (Cambridge: Cambridge University Press, 1988), tr. 267. 

(17) Quan điểm cho rằng “Thế chiến thứ 2 đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi Đại Suy thoái” đã bị đánh đổ hoàn toàn bởi nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Robert Higgs trong “Wartime Prosperity? A Reassessment of the U.S. Economy in the 1940s,” The Journal of Economic History, Tập 52, Số 1 (Tháng 3 năm 1992), và “From Central Planning to the Market: The American Transition, 945–47, The Journal of Economic History, Tập 59, Số 3 (Tháng 9 năm 1999, cả hai tác phẩm trên đều được in và hiệu đính lại trong Robert Higgs, Depression, War, and Cold War: Studies in Political Economy (Oxford:  NXB Đại học Oxford, 2006), Chương 3, tr. 61–80 và tr. 101–23. 

(18) “Et ainsi prévaut, malgré trop de douloureuses exceptions, cette loi d’harmonie et d’entente universelle qu’exprime   si bien l’idée sublime de l’unité, de la fraternité de la race humaine. Le ressort de ce mouvement, c’est l’échange. Sans l’échange, les hommes et les peuples sont des frères égarés et devenus ennemis. Par l’échange, ils apprennent à se connaître et à s’aimer. Les intérêts les rapprochent, et le rapprochement les éclaire. Sans l’échange, chacun reste dans son coin, déshérité de l’univers entier, déchu un quelque sorte de la majeure partie de la création. Par l’échange, chacun retrouve ses titres en retrouvant ses biens, et rentre en partage de l’héritage inépuisable du père de famille.... Non-seulement elle [la doctrine de la prohibition et de la restriction] leur prêche l’isolement et le dénuement, mais elle les condamne à l’hostilité, à la haine.” Frédéric Passy, Leçons d’Économie politique faites à- Montpellier, 1860–1861 (Montpellier: Gras, 1861), tr. 548. 

(19) William Graham Sumner, “The Conquest of the United States by Spain” (1898)

(Indianapolis: Liberty Fund, 2013). Truy cập tại http://oll.libertyfund.org/title/2485 on 2014-02-03. Xem thêm David T. Beito và Linda Royster Beito, “Gold Democrats and the Decline of Classical Liberalism” 1896–1900,” The Independent Review, tập IV, số 4 (Mùa xuân năm 2000), tr. 555–75, xem online tại http://www.independent.org/pdf/tir/tir_04_4_beito.pdf. 

(20) James Baker, “Confrontation in the Gulf: Excerpts from Baker Testimony on U.S. and Gulf,” [Đối đầu ở vùng Vịnh: những đoạn trích từ Baker Testimony ở Hoa Kỳ và vùng Vịnh” New York Times, Tháng 5 năm 1990, xem tại http://www.nytimes.com/1990/09/05/world/confrontation-in-the-gulf-excerpts-from-baker-testimony-on-us-and-gulf.html. 

(21) Henry Kissinger, “U.S. Has Crossed Its Mideast Rubicon—and Cannot Afford to Lose,” Los Angeles Times, 19 Tháng 8, 1990. 

(22) William Niskanen và James Woolsey, “Should the United States Go to War against Iraq?” tranh luận trước công chúng tại Viện Cato, 13 tháng 12 năm 2001, xem tại http://www.c-span.org/video/?167840-1/WarAgainst. 

(23) Đối với trường hợp chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, xem David R. Henderson, “Do We Need to Go to War for Oil?,” Cato Institute Foreign Policy Briefing, 24 tháng 10 năm 1990, tại http://object.cato.org/sites/cato.org/files/pubs/pdf/fpb004.pdf. Henderson là cựu kinh tế gia cao cấp chuyên về năng lượng của Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Ông là phó giáo sư ngành kinh tế tại Trường Cao học Hải quân. Ông đã tính toán chi phí giá dầu tăng có thể bị gây ra (dù rất ít khả năng) bởi một sự sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng trong trường hợp Saddam Hussein kiểm soát dầu lửa từ Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và phát hiện rằng tác động vào kinh tế Mỹ sẽ chỉ là một phần nhỏ so với chi phí can thiệp quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn điều đó. Đơn giản là hoàn toàn không có căn cứ về mặt kinh tế nào để Hoa Kỳ sử dụng sức mạnh quân sự tại Vịnh Ba-tư.

(24) Xem Eugene Gholz và Daryl G. Press, “Protecting ‘The Prize’: Oil and U.S. National   Interest,” Security Studies, tập 19, số 3 (mùa thu 2010), tr. 453–85.

 

(25) Ví dụ, “Derek Scissors, một học giả tại American Enterprise Institute nghiên cứu vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc phát biểu rằng các công ty của Trung Quốc thường chi rất rộng rãi để mua các tài sản. ”Họ lạm chi để các công ty có liên quan có thể bán thỏa thuận này một cách chính trị” ông nói, và cũng vì họ có một ngân sách đầu tư khổng lồ mà họ muốn tiêu bớt. Nhiều nhà phân tích ngành đồng tình rằng những người mua Trung Quốc có thể đã lạm chi trong những thương vụ gần đây. Đầu năm nay, Sinochem đạt thỏa thuận với Pioneer Natural Resources Co. để mua dầu khai thác từ vũng dầu Permian với giá cao hơn 40% so với mức mà các nhà phân tích dự đoán. Cnooc trả dư 61% cho Nexen, và Sinopec trả dư 44% cho nhà sản xuất dầu cát Daylight Energy. (“Chinese Energy Deals Focus on North America: State-Owned Firms Seek Secure Supplies, Advanced Technology,” Russell Gold và Chester Dawson, Wall Street Journal, 25 tháng 10 năm 2013).

Nhà nước không chỉ trả giá cao hơn khi mua các hàng hóa nước ngoài, mà sau đó còn bán chúng với mức giá ưu đãi cho các doanh nghiệp quốc doanh được bảo trợ tại Trung Quốc, dẫn đến sự bòn rút kép đối với nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Như Hong Sheng và Nong Zhao của Viện Unirule tại Bắc Kinh đã lưu ý, “từ 2001 đến 2009, các doanh nghiệp quốc doanh đã trả tiền thuế tài nguyên thấp hơn mức thị trường 243,7 tỉ nhân dân tệ. Cộng với than, khí ga tự nhiên và các tài nguyên khác, các doanh nghiệp quốc doanh đã trả thấp hơn 497,7 tỉ nhân dân tệ.” Hong Sheng và Nong Zhao, China’s State-Owned Enterprises: Nature, Performance and Reform (Singapore: World Scientific Publishing Company, 2012) (các vị trí trích đoạn trong bản Kindle: 242–43). 

(26) ‘Quand on est ami de la France, il faut penser aux entreprises françaises,’aurait glissé M. Sarkozy, fin 2007, au président togolais Faure Gnassingbé (élu avec le soutien de la France) qui hésitait à concéder le port de   Lomé au groupe Bolloré, selon Le Canard enchaîné.” “La politique africaine de Nicolas Sarkozy tarde à rompre avec une certaine opacité,” Le Monde, 25 tháng 3, 2009, xem tại http://www.lemonde.fr/afrique/article/2009/03/25/la-politique-africaine-de-nicolas-sarkozy-tarde-a-rompre-avec-ne-certaine-opacite_1172354_3212.html. 

(27) “Nga, cùng với Belarus và Kazakhstan, các bạn hàng trong Liên minh Thuế quan, đóng góp 1/3 các biện pháp bảo hộ của thế giới trong năm 2013, theo một nghiên cứu của Global Trade Alert (GTA), một dịch vụ giám sát thương mại độc lập hàng đầu thế giới.” “Russia Leads the World in Protectionist Trade Measures, Study Says,” Moscow Times, 12 tháng 1 năm 2014. 

(28) “Notre mission est de combattre cette fausse et dangereuse économie politique qui fait considerer la prospérité d’un peuple comme incompatible avec la prospérité d’un autre peuple, qui assimile le commerce à la conquête, le travail à la domination. Tant que ces idées subsisteront, jamais le monde ne pourra compter sur vingt-quatre heures de paix. Nous dirons plus, la paix serait une absurdité et une inconséquence.” Frédéric Bastiat – M. de Noailles a la Chambre des Pairs, 24 Janvier 1847, trong Oeuvres Complètes de Frédéric Bastiat, Tome Deuxieme, Le Libre-Échange (Paris: Guillaumin et Cie., 1855), xem tại http://files.libertyfund.org/files/2343/Bastiat_Oeuvres_1561.02.pdf. 

(29) Jean-Baptiste Say, A Treatise on Political Economy, dịch bởi C. R. Prinsep và Clement C. Biddle (Philadelphia: Lippincott, Grambo & Co., 1855), tập I, chương XVII, “Of the Effect of Government Regulations Intended to Influence Production,” xem tại http://oll.libertyfund.org/title/274/38004. Ý tưởng rằng cân bằng thương mại là một ảo tưởng nguy hại đã được các nhà kinh tế học nhận ra hàng trăm năm rồi, nhưng điều đó vẫn có sức thu hút lớn đối với những người không chịu suy nghĩ thấu đáo. Nhà kinh tế học vĩ đại người Pháp là Turgot, trong tác phẩm năm 1759 của ông “Éloge de Gournay” về thầy giáo của mình là Vicent de Gournay, đã viết rằng việc bảo vệ cho chính sách trọng thương là “quên rằng không có giao dịch thương mại nào không có tính qua lại, bởi vì mong muốn bán tất cả cho người ngoại quốc mà không mua gì từ họ là một điều phi lý.” “Portrait of a Minister of Commerce, Éloge de Gournay,” trong W. Walker Stephens, ed., The Life & Writings of Turgot (1895; New York: Burt Franklin, 1971), tr. 238. 

(30) Paul Krugman, “The Illusion of Conflict in International Trade,” trong Paul Krugman, Pop Internationalism (Cambridge, Mass.: NXB MIT, 1998), tr. 84. Các bài luận khác trong sách này cũng rất đáng đọc, bao gồm cả bài viết khá dễ hiểu của ông “What Do Undergraduates Need to Know About Trade,” tr. 116–25.

(31) Điều đó đơn giản là không khả thi, vì đồng nhất thức kế toán căn bản “Tiết kiệm – Đầu tư = Xuất khẩu – Nhập khẩu” cho thấy rằng nếu xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu thì tiết kiệm lớn hơn đầu tư, nghĩa là đang xuất khẩu vốn. Để tìm hiểu kỹ hơn về thương mại quốc tế, bao gồm quan hệ của nó với hòa bình, xem Donald J. Boudreaux, Globalization (Westport, CT: Greenwood Press, 2008).

(32) Jean-Baptiste Say, A Treatise on Political Economy, Quyển I, chương XVII, “Of the Effect of Government Regulations Intended to Influence Production,” xem tại http://oll.libertyfund.org/title/274/38004. 

(33) John Prince-Smith, “On the Significance of Freedom of Trade in World Politics,” Address to the Third Congress of German Economists, Köln, 1860, trong E. K. Bramsted và K.J. Melhuish, eds., Western Liberalism: A History in Documents from Locke to Croce, op. cit., trang 357–59, tr. 357. 

(34) Montesquieu, The Spirit of the Laws, dịch bởi Anne M. Cohler, Basia Carolyn Miller, và Harold Samuel Stone (1748; Cambridge: Cambridge University Press, 1989), Book 20, “On the laws in their relation to commerce, considered in its nature and its distinctions,” Chapter 2, “On the spirit of commerce,” tr. 338. 

(35) Carlos W. Polachek và Carlos Seiglie, “Trade, Peace and Democracy: An Analysis of Dyadic Dispute,” Viện Nghiên cứu Lao động (IZA), Discussion Report 2170 (tháng 6 năm 2006), xem tại http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=915360##. 

(36) Xem Erik Gartzke, Quan Li, và Charles Boehmer, “Investing in Peace: Economic Interdependence and International Conflict,” International Organization, Vol. 55, No. 2 (Spring 2001), tr. 391–438. 

(37) Xem Douglas A. Irwin, Peddling Protectionism: Smoot-Hawley and the Great Depression (Princeton: NXB Đại học Princeton, 2011). 

(38) Xem tại http://econjwatch.org/articles/economists-against-smoot-hawley. 

(39) Harry S. Truman, “Address on Foreign Economic Policy, Delivered at Baylor University, March 6, 1947,” Public Papers of the Presidents, Harry S. Truman 1947–53, xem tại http://trumanlibrary.org/publicpapers/index.php?pid=2193&st=&st1=.

(40) Homer, The Odyssey, dịch bởi Robert Fagles (New York: Penguin, 1997), tr. 215.

(41) Parker T. Moon, Imperialism and World Politics (New York: The MacMillan Company, 1926), tr. 58. Nên đọc miêu tả của Moon về sự bóc lột tàn bạo tại thuộc địa Congo của Bỉ, cái được vua Leopold gọi là “nhà nước tự do”, điều đã dẫn đến sự thống khổ không thể tượng tưởng đối với người dân bản địa, làm giàu cho nhà vua và tiêu phí của người đóng thuế tại Bỉ. Hành động công bố những điều kinh hoàng tại Congo cho dân chúng Bỉ của Sir Roger Casement anh hùng thông qua Báo cáo Casement năm 1904 cần được tưởng nhớ vĩnh viễn. Thật đáng buồn là sau khi trở thành anh hùng trong mắt dư luận nhờ vạch trần những tội ác ở Congo và Brazil, ông đã bị chính phủ Anh tử hình vì đã tích cực ủng hộ cho nền độc lập của Ai-len.

(42) Xem Tom G. Palmer, “Myths of Individualism”, Cato Policy Report (Tháng 9/10 năm 1996), xem tại http://www.libertarianism.org/publications/essays/myths-individualism.

Nguồn: Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 6, Jameson Books, Inc., 2014

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh