Phỏng vấn với một doanh nhân vì hòa bình – Chris Rufer

Phỏng vấn với một doanh nhân vì hòa bình – Chris Rufer

Có mối liên hệ nào giữa thương mại và hòa bình? Điều gì đã thúc đẩy một doanh nhân ủng hộ cho hòa bình và phản đối chủ nghĩa can thiệp ngoại bang? Có mối liên hệ gì giữa tự do, hành động tự nguyện, và hòa bình? Chris Rufer đã thành lập một doanh nghiệp chế biến cà chua hàng đầu thế giới và vận hành các doanh nghiệp chế biến, phân phối, và dịch vụ dựa vào nông nghiệp. Ông là nhà sáng lập của Viện Quản lý Bản thân (Self–Management Institute) và Quỹ vì Đoàn kết và Thịnh Vượng.

Palmer: Cảm ơn vì đã giành dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này, ông Chris. Hôm nay, tôi đã thực hiện một số giao dịch với ông và công ty của ông, mặc dù tôi không nghĩ rằng ông biết chuyện đó. Tôi mua một ít sốt cà cho món khoai tây chiên và một ít cà chua cho món salad. Từ những gì tôi biết, có khả năng rất cao là những quả cà chua đó đã được xử lý bởi công ty của ông. Như vậy tức là, bằng cách nào đó mà ngày hôm nay thị trường đã kết nối chúng ta một cách hòa bình. Điều đó dẫn tới câu hỏi khá “khoai” đầu tiên như sau: Tại sao một doanh nhân lại quan tâm tới vấn đề hòa bình?

Rufer: Tôi cho rằng có một số cách để trả lời câu hỏi này. Hòa bình cho phép chúng ta giao dịch kinh doanh cùng nhau và tạo ra giá trị chung cao nhất. Vì vậy, thay vì bị cưỡng ép làm điều gì đó theo cách này hay cách kia, chúng ta có thể đáp ứng được các giá trị của mỗi bên, những giá trị thực sự đối với mỗi người. Hòa bình là điều kiện tiên quyết cho việc trao đổi tự nguyện, mà đó là chính là tất cả những thứ mà tôi làm. Khi chúng ta tương tác mà không bị ép buộc, trên cơ sở tự nguyện, chúng ta tìm hiểu về giá trị của khách hàng và nhà cung ứng. Và những khách hàng và nhà cung ứng này, cùng với những bên phụ thuộc là những người duy nhất hiểu rõ giá trị của họ. Là một doanh nhân, tôi phản hồi lại những tín hiệu trong nền kinh tế mà cho tôi biết, dưới hình thức giá cả, rằng cái gì có giá trị. Thông tin đó đến với tôi dưới dạng những con số, các mức giá cả, mà không có quốc tịch, ngôn ngữ, chủng tộc hay tôn giáo đính kèm trên đó. Chúng là những tín hiệu về giá trị của loài người.

Đó là một trong những điều tuyệt vời về thị trường và về kinh doanh. Giá cả thì không có điều gì đứng sau chúng; không có những định kiến; không có quốc tịch hay tôn giáo. Chúng là những giá trị được tạo ra bởi nhiều người hợp lại và được mang đến cho tôi dưới hình thức giá cả, thứ được thể hiện bởi một con số và có thể so sánh với những con số khác. Tôi có thể sử dụng những con số này để đưa ra quyết định về việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm. Chúng cho tôi thấy về các chi phí của những nguồn lực, dưới dạng giá mà người khác sẽ trả để sử dụng chúng. Giá cả giúp tôi trở nên hòa hợp hơn đối với các giá trị của những người khác.

Palmer: Ông có thực hiện hoạt động kinh doanh quốc tế nào không?

Rufer: Chúng tôi có. Trên thực tế, khoảng 30% sản phẩm của chúng tôi được bán trên thị trường quốc tế.

Palmer: Cho người nước ngoài?

Rufer: Đúng là cho người nước ngoài, nhưng với tôi, họ chỉ là khách hàng. Tôi không bận tâm về những điều như vậy trừ khi chính phủ các nước đó ngăn cản hoạt động của tôi. Có từ 10% đến 20% trong doanh số bán hàng của chúng tôi đến từ Canada và Mexico, còn những doanh số bán hàng khác thì từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi tháng chúng tôi bán cho khách hàng đến từ 40 đến 50 quốc gia – Nhật Bản, Ả Rập Saudi Arabia, Hà Lan, Anh, Argentina và nhiều nước khác nữa. Hầu hết là các sản phẩm về cà chua và sốt cà chua.

Palmer: Và ông kiếm được tiền từ tất cả những thương vụ này?

Rufer: Chắc chắn rồi, nếu không thì chúng tôi không làm với họ. Điều đó cho tôi thấy rằng chúng tôi đang tạo ra thêm giá trị cho thế giới, rằng chúng tôi đang đáp ứng và hoàn thiện giá trị cho khách hàng của mình. Nó cũng mang tới một ảnh hưởng khác liên quan đến việc ứng xử với giá trị của người khác. Bạn có thể nghĩ về sản phẩm bạn bán cho người khác, cho dù là xuyên biên giới (quốc tế) hay bên trong biên giới (trong nước), như là một sứ giả vì hòa bình, vì sự hợp tác và tôn trọng. Khi bạn nhìn nhận người khác như là khách hàng, thì chắc chắn bạn sẽ không muốn bắn hay làm tổn thương họ. Giao thương là một sự thay thế tốt đẹp cho bạo lực và sự cưỡng chế.

Palmer: Một số người nói rằng thương mại quốc tế gây ra nhiều thiệt hại về môi trường và nếu…

Rufer: Doanh nhân, khi hoạt động trong một thị trường tự do, luôn phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản của những người khác, và điều này hàm ý rằng anh ta là người bảo vệ tuyệt đối cho môi trường. Một nhà môi trường thực thụ sẽ thấy được các chi phí sản xuất hàng hóa, chi phí khai thác các nguồn nguyên liệu, cho dù chúng là dầu, gỗ, cao su hay thủy tinh, hoặc bất cứ thứ gì khác. Và bởi vì ta có thể thực hiện ghi chép kế toán qua giá cả và lỗ lãi, những thông tin về chi phí không chỉ là thông tin đơn thuần, đó là thông tin có thể gây ảnh hưởng; nó làm thay đổi hành vi. Giá cả cho chúng ta biết về chi phí và đồng thời mang đến động lực để ta giảm thiểu chúng. Chúng tôi không muốn thấy những sự lãng phí và có động lực để điều đó không xảy ra. Điều mấu chốt là tôn trọng quyền của những người khác, tức là quyền tài sản; khi những quyền tài sản không được tôn trọng, ta sẽ phải đối mặt với sự suy thoái môi trường, ô nhiễm, chất thải, và sự tàn phá. Khi quyền tài sản được xác định và được bảo vệ tốt, chúng tôi cân nhắc tới những ảnh hưởng do lựa chọn của mình tác động lên những người khác. Bạn biết đấy, các chính phủ thường không phải cân nhắc những ảnh hưởng do hành động của họ tác động lên người khác, bởi vì họ có thể dùng biện pháp cưỡng chế, nhưng chúng tôi phải suy nghĩ về những giá trị và quyền lợi của người khác từng phút từng giờ. Việc kinh doanh của chúng tôi tập trung vào những hành động tự nguyện. Chúng tôi không thể và không được sử dụng vũ lực để ép buộc mọi người phải mua hàng của mình, hay sản xuất chúng, hay cung cấp hàng hóa cho chúng tôi. Tất cả đều là tự nguyện trong tất cả các khâu.

Palmer: Ông đã đề cập đến hoạt động tự nguyện rất nhiều lần. Có phải ông tự nhận mình là một người theo chủ thuyết tự nguyện hay một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân hay …?

Rufer: Đối với tôi, những từ đó là tương đương nhau. Thuật ngữ cũ là “tự do” (liberal), nhưng điều đó đôi khi gây ra một số sự nhầm lẫn ở Hoa Kỳ, bởi vì “tự do” đang được xem xét như là trái ngược với “bảo thủ” tại đây. Bạn có thể nói tôi là một người “tự do cổ điển”, nhưng với sự hiểu biết đúng đắn các thuật ngữ, bạn có thể nói rằng tôi tán thành tất cả những từ ngữ đó, tự do, tự do cổ điển, người theo chủ thuyết tự nguyện hay người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Điều quan trọng với tôi là mọi người không bị cưỡng ép và chúng ta tương tác một cách tự nguyện và hòa bình.

Palmer: Ông có được quan điểm này từ bao giờ và ông đã đến với những quan điểm này như thế nào?

Rufer: Bố mẹ tôi khá thờ ơ với chính trị và hồi bé tôi rất hay xấu hổ. Đến giờ, tôi cho là tôi vẫn thế. Vì vậy, tôi thường không tham gia các cuộc tranh luận và những việc vô bổ. Tôi chưa bao giờ coi bản thân mình như là một trí thức. Sau đó tôi trở thành sinh viên năm nhất học ở UCLA (Đại học California, Los Angeles – ND) và sống trong một ký túc xá, được biết rất nhiều người trạc tuổi tôi, trong đó có nhiều    người thông minh hơn tôi rất nhiều. Đó thực sự là lần đầu tiên tôi bắt đầu nói chuyện về chính trị, và vì lý do nào đó tôi dường như đã tranh luận theo một cách nhất định mà tôi không cho rằng việc gây hại đến người khác là đúng đắn. Và khi thời gian trôi đi, tôi chỉ tinh lọc lại những lập luận của mình. Đó dường như là điều hiển nhiên với tôi. Có thể có những ảnh hưởng, nhưng quả thực thì tôi cũng không biết những ảnh hưởng đó đến từ đâu. Tôi không thể nhớ được một cuốn sách, một người hay một câu nói gì cụ thể đã làm tôi tin tưởng như vậy. Tôi có xu hướng chỉ nhìn vào những sự việc và cố gắng để hiểu cách chúng hoạt động và làm thế nào để chúng vận hành hiệu quả hơn. Tại UCLA, chuyên ngành của tôi là kinh tế học, thầy Tom Sowell là giáo sư về kinh tế học lao động 1, cùng với thầy Armen Alchian và thầy William Allen đều là những giảng viên tuyệt vời. Nếu tôi nhớ không lầm thì lớp học đầu tiên tôi tham dự là do thầy Bill Allen đứng lớp, dạy về Kinh tế học 1. Vì vậy tôi cho rằng mình đã đến với kinh tế học trướctiên. Tôi đã hiểu rằng kinh tế học là điều khá quan trọng trong việc tìm hiểu cách thức mọi người làm việc.

Kinh tế học là một môn khoa học xã hội; nó không phải là một phần của toán học như rất nhiều người đang cố gắng làm hiện nay. Đó là một môn khoa học xã hội nghiên cứu về cách mọi người phối hợp với nhau. Ở thời điểm đó, tôi không hề biết đến việc người ta vận động những chương trình nghị sự chính trị như thế nào, cũng như    chưa bao giờ nghe thấy cụm từ “tự do cá nhân” (“libertarian”), nhưng tôi đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cách mọi người có thể phối hợp hành động để đạt được những giá trị của họ. Và một thời gian sau thì tôi nghe nói về chủ nghĩa tự do cá nhân, và tôi chỉ nói: “Đó là triết lý của tôi. Đó cơ bản là những gì tôi nghĩ. ””. Không có một ánh chớp nào tạo niềm cảm hứng cho tôi cả. Tôi chỉ nghĩ rằng con người có thể sống cuộc đời của họ một cách hòa bình và tìm ra cách để đạt được giá trị của họ trên tinh thần hợp tác. Chỉ sau đó tôi mới biết rằng có một cái tên cho niềm tin của mình.

Palmer: Ông đã học về kinh tế học lúc còn ở đại học, thứ mà ông xem như là môn học về sự hợp tác tự nguyện. Vậy ông đã đi từ lý thuyết sang áp dụng thực hành nó trong công việc kinh doanh ra sao? Chuyện đó đã xảy ra như thế nào?

Rufer: Tôi lớn lên trong một gia đình công nhân lao động. Nhưng ông tôi là một người kinh doanh nhỏ, một nghiệp chủ. Tôi nhớ đã tới thăm một khu vực có dầu mỏ nơi mà ông đã đầu tư một ít tiền vào việc khoan dầu. Ông đã có một hoặc hai bằng sáng chế cùng với một cuộc hội thảo trong nhà mình. Vì vậy, ông có một chút gì đó của một nhà sáng chế và một nghiệp chủ. Tôi có nhiều kỷ niệm về ông từ khi tôi còn rất nhỏ. Ông qua đời khi tôi khoảng 12 tuổi. Nhưng tôi luôn mang trong mình nhân sinh quan từa tựa như của ông, rằng khi bạn già đi mọi thứ sẽ giông giống như vậy. Giờ đây, cha tôi về cơ bản theo đuổi sự nghiệp của ông tôi. Một sự nghiệp trên một trang trại. Bạn là một đứa trẻ và bạn thấy bố mình lái một chiếc máy kéo còn ông thì đi đến ngân hàng, làm những công việc giao dịch kinh doanh trong khi bố thì làm các công việc vận hành. Tôi nghĩ rằng đó là hướng đi trong cuộc sống vì mọi người đều làm vậy. Nó nhắc nhở tôi về một số điều. Tôi có một bằng cử nhân về kinh tế học, một bằng thạc sỹthạc sĩ về khoa học nông nghiệp và sau đó là bằng thạc sỹthạc sĩ quản trị kinh doanh. Tôi đã hoàn thành chương trình tại trường kinh doanh tại đại học UCLA và tôi thậm chí chưa bao giờ đi phỏng vấn xin việc. Tôi mới chuyển đến Davis, California và bắt đầu triển khai một số ý tưởng của mình mà tôi có được khi đang lái xe tải. Vì vậy, đó là một phần con người tôi, một phần trong sự mong đợi của tôi.

Tôi thực sự đã kinh doanh từ thời đại học. Bố hỗ trợ tôi trong khoảng 15 tháng đầu, sau đó tôi phải tự làm. Chỉ là vì ông đã không thể chi trả thêm được nữa. Không có trao đổi, bàn cãi lớn nào xảy ra; tôi chỉ đơn giản là tiếp nhận thông tin đó, ra ngoài tự lo cho bản thân và bắt đầu làm việc. Bố tôi đã lái một chiếc xe tải gần như suốt cuộc đời ông. Vì vậy, tôi thấy rằng có thể làm công việc đó. Với một số người bạn của ông, tôi đưa ra một số ý tưởng về việc chuyên chở cà chua số lượng lớn từ nơi này đến nơi khác. Khi tôi là sinh viên năm thứ ba hay thứ tư gì đó, tôi thuê một chiếc xe tải cùng với một đội những người bốc vác, làm việc dưới giấy phép của bố tôi và có một công việc phụ kéo, vận chuyển cà chua, đào và mấy thứ linh tinh khác trong suốt mùa hè. Vâng, tôi đã làm điều đó trong 5 năm, 5 mùa hè.

Palmer: Vậy lúc đó ông còn đang đi học?

Rufer: Đúng vậy, việc đó giúp tôi hoàn thành khóa học và mang đến cho tôi những kiến thức cơ sở ban đầu của việc kinh doanh. Trong trường hợp này là kinh doanh cà chua. Là một người lái xe tải, bạn đến những cánh đồng, các trạm phân loại, những nhà máy chế biến và tới xem các loại hoa quả. Và vì vậy tôi đã nảy ra một số ý tưởng. Bạn biết đấy, “Hhệ thống sẽ làm việc tốt hơn nếu họ chỉ cần thay đổi cách họ thu hoạch cà chua, những người xử lý thay đổi cách họ bốc dỡ cà chua từ xe tải vào nhà máy và di chuyển các trạm phân loại từ chỗ này đến chỗ kia. Họ có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. ”. Tôi nhận thấy, “Nnếu hệ thống này thay đổi chút ít thì dù tôi là một người lái xe tải cũng có thể kiếm được rất nhiều tiền. ”. Như vậy là vấn đề đặt ra đã vượt ra khỏi cả yêu cầu công việc của tôi, . “Làm thế nào để có thể làm tốt hơn?” Tôi đã quan sát những hoạt động kinh doanh của người khác và cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào để cải thiện hệ thống. Vì vậy tôi đã thiết kế một hệ thống khác biệt và giới thiệu nó đến những người khác. Tôi đã tìm kiếm cơ hội,    học nhiều hơn về ngành công nghiệp chế biến và đã nảy ra một số ý tưởng để thiết kế một nhà máy chế biến cà chua khác biệt. Tôi quyết định theo đuổi và cố gắng quyên tiền trong 5 năm, tìm thêm nhiều cơ hội, và cuối cùng tôi đã quyên được đủ tiền. Đó là thời điểm để xây dựng nhà máy. Tôi có 3 ba đối tác lớn – tôi là đối tác nhỏ nhất – và chúng tôi xây dựng nhà máy chế biến sốt cà chua đầu tiên. Có một số hoạt động tạo mới trong nhà máy và trong kinh doanh khiến công việc của chúng tôi tiến triển một cách cực kỳ thuận lợi. Bấy giờ tôi là đối tác nhỏ nhất, nhưng tôi không nhận lương và thương lượng để được hưởng phần trăm lợi nhuận lớn hơn. Trong 7 năm, tôi đã kiếm cho các đối tác của mình và bản thân mình rất nhiều tiền. Chính vì thế công việc thực sự rất trôi chảy. Đó là điều đúng đắn phải được làm tại đúng thời điểm. Tôi đề nghị những đối tác của mình xây thêm nhà máy thứ hai nhưng họ đã từ chối, vì vậy chúng tôi tách ra. Tôi đã xây dựng một nhà máy khác mà tôi đủ khả năng tài chính để làm chủ hoàn toàn. Và mọi chuyện bắt đầu từ đó.

Palmer: Ông cổ vũ một triết lý bắt nguồn từ kinh nghiệm kinh doanh của mình mà ông gọi là “tự quản lý”. Ông đã thiết lập một Viện nghiên cứu về tự quản lý (Self-Management Institute) để cổ vũ cho sự hợp tác tự nguyện và sự tự quản lý. Làm thế nào ông có thể tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, cái mà ông đã đưa vào một video trên trang web của học viện, để sứ mệnh cá nhân của mọi người là phù hợp với hoặc mang tính hỗ trợ cho những mục đích thương mại của chính họ, và ngược lại?

Rufer: Đối với tôi, việc tự- quản lý dường như khá đơn giản. Mọi người tự quản lý cuộc sống cá nhân của bản thân. Không ai có một ông chủ quản lý cuộc sống của mình. Họ sống cuộc đời của họ. Và họ sống cuộc đời của họ dựa trên một sứ mệnh. Tôi tin rằng sứ mệnh của mọi người trong cuộc đời là để được hạnh phúc. Cho dù họ hiểu nó hay không thì họ cũng đang phấn đấu để có được hạnh phúc. Mỗi sinh vật đều phấn đấu để phát triển. Mọi người có những ý tưởng khác nhau về những cái làm cho họ hạnh phúc. Điều quan trọng bây giờ để hỗ trợ mọi người hợp tác một cách tự nguyện với nhau trong kinh doanh là việc tạo ra một sứ mệnh cho từng người ở trong doanh nghiệp.

Con người có những đánh giá chủ quan về những gì thúc đẩy mục đích của mình và khi họ trao đổi thứ gì đó, họ mặc cả. Họ sử dụng những đánh giá chủ quan của mình và cả những kiến thức mà họ có, thứ mà những người khác thường không có. Vì vậy họ trao đổi: rất nhiều những thứ này đổi lấy rất nhiều những thứ khác. Những tỷ lệ trao đổi đó được chuyển thành giá cả khi con người bắt đầu sử dụng tiền tệ - thứ thiết yếu mà mọi người chấp nhận bởi vì họ biết rằng người khác cũng sẽ chấp nhận nó. Kết quả là những đánh giá chủ quan được chuyển đổi thành giá cả và được thể hiện dưới dạng những con số trong nền kinh tế thị trường. Tất cả chúng đều được thể hiện dưới cùng một đơn vị, nên ta có thể so sánh chúng với nhau. Điều đó thú vị ở điểm nào? Bạn không cần một nhà hoạch định ở cấp trung ương để điều phối hay ra lệnh. Đó là một điều tuyệt vời về thị trường tự do. Và chúng ta làm việc thông qua sự tự- quản lý để mang lại sự tự do, tự định hướng và những lợi ích của một nền kinh tế thị trường tự do cho công ty. Mọi người biết những điều mà người khác tuy không biết nhưng có thể cảm thấy sự hữu dụng của chúng. Thị trường cho phép chúng ta giao tiếp trong khi thực hiện mục đích chủ quan của mình. Chúng tôi làm việc để mang những nền tảng    nguyên lý đó vào công ty và chúng tôi cố gắng dựa vào sự tự định hướng chứ không phải là những hệ thống cấp bậc. Và điều đó đã mang lại kết quả mỹ mãn.

Palmer: Thế còn những xung đột thì sao? Có phải đó là điều không thể tránh khỏi? Có phải xung đột là bất biến, hay là đều có cách để xử lý chúng? Kinh nghiệm của ông như thế nào về điều đó?

Rufer: Xung đột là không thể tránh khỏi. Đó là điểu điều hiển nhiên. Sẽ không có kinh tế học nếu không có xung đột. Nguồn lực là hữu hạn và kinh tế học là sự nghiên cứu làm cách nào để phân bổ chúng. Và xung đột sẽ liên tục diễn ra. Chắc chắn là vậy. Vấn đề là làm thế nào để giải quyết chúng một cách tốt nhất. Xung đột có thể xảy đến với mọi hành động con người hoặc mọi hoạt động sử dụng tài nguyên. Có hai cách để giải quyết. Bạn có thể thảo luận về chúng và tự nguyện thống nhất    ở điều gì đó hoặc một người có thể sử dụng vũ lực với người khác để giải quyết xung đột – một cách hòa bình hoặc một cách bạo lực. Nếu bạn có thể làm việc với người khác, những người đồng ý giải quyết xung đột một cách hòa bình, thì bạn thắng và mọi người cùng thắng. Tôi luôn tìm kiếm những giải pháp đôi bên cùng có lợi khi gặp những vấn đề. Giải pháp đôi bên cùng có lợi mang lại lợi ích cho tất cả. Chúng tạo ra hòa bình, sự thịnh vượng và hạnh phúc.

Palmer: Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang một số câu hỏi mang tính chính trị hơn. Một số người nói rằng họ ủng hộ kinh doanh (pro-business). Tôi lại nghe được từ một số người khác rằng họ ủng hộ thị trường tự do (pro-free market). Có sự khác biệt nào giữa hai điều đó không?

Rufer: Thị trường tự do là hành động tự nguyện. Khi người ta nói về việc họ ủng hộ kinh doanh, có thể họ đang nói về việc giành chiến thắng từ một góc nhìn thiển cận, bạn biết đấy, thắng lợi khi người khác mất đi quyền của họ. Kinh doanh tự nguyện là những gì được giao dịch dưới những điều kiện của tự do, của thị trường tự do, không có ưu đãi đặc biệt cho nhóm này hay nhóm kia, doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia. Nếu một doanh nghiệp tiếp cận chính phủ và sử dụng nó như là một nơi để có được những gì không thể có được một cách tự nguyện, đó rõ ràng là trái với đạo lý và không hiệu quả. Doanh nghiệp nên tự nguyện, hoạt động một cách có đạo đức, và không nên nhận ưu đãi hoặc trợ cấp nếu gây thiệt hại đến người khác thông qua sự ép buộc từ chính phủ.

Thật không may, và tôi thực sự đấu tranh chống lại điều này, một kiểu của “thị trường được ủng hộ”, tức là một thị trường trong sự cưỡng chế. Nó giống như việc tôi sử dụng súng của anh để cưỡng chế những gì tôi muốn từ người khác và sau đó tôi và anh chia chác chiến lợi phẩm. Đó là một loại bệnh được gọi là “chủ nghĩa thân hữu”, tức là những gì bạn có được khi chính phủ sử dụng quyền lực của mình để ưu tiên làm lợi cho một số nhóm trong khi các nhóm khác phải chịu thiệt. Phương thuốc để chữa bệnh được gọi là thị trường tự do – tự do để cạnh tranh, tôn trọng quyền của người khác, và sự bình đẳng trước pháp luật. Chính trị thân hữu chỉ đơn giản là đi đến cơ quan của chính phủ để sử dụng vũ lực. Nó giống như chỗ trú tạm của những tổ chức mafia. Không có sự khác biệt thực sự.

Palmer: Bây giờ hãy trở lại với vấn đề của hòa bình. Mối quan hệ giữa kinh doanh và hòa bình là gì? Ông kinh doanh với những người ở châu Á, châu Mỹ Latin, và Trung Đông. Theo ông thì doanh nhân có nên ủng hộ cho hòa bình không?

Rufer: Chắc chắn nên chứ. Những người kinh doanh nên hỗ trợ cho hòa bình bằng nhiều cách. Điều đầu tiên là kết hợp hòa bình vào những giá trị cá nhân; tôi đang nói về nội bộ các doanh nghiệp của họ, hỗ trợ các giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề và không nhờ cậy chính phủ để ngăn cấm sự cạnh tranh hay tham gia vào mối quan hệ chính trị thân hữu. Không nhận sự trợ cấp. Không sử dụng các chương trình của chính phủ. Tránh càng xa càng tốt những kẻ có hành vi cưỡng chế, về cơ bản đó là những cơ quan của chính phủ.                           

Điều thứ hai là đưa ra những quyết định có đạo lý, không giao dịch trong sự cưỡng chế, bán cho chính phủ các công cụ thực thi bạo lực hay cưỡng chế hay trấn áp. Điều đó    khá quan trọng.

Điều thứ ba là thúc đẩy sự kết nối hòa bình giữa những quốc gia thông qua thương mại tự nguyện. Thương mại làm giảm nguy cơ chiến tranh. Người ta càng quen biết nhau và làm lợi cho nhau    thông qua thương mại, thì nguy cơ chính phủ của họ tham chiến sẽ càng ít đi, bởi vì sẽ càng nhiều người ở cả hai quốc gia ủng hộ hòa bình. Thương mại càng phát triển thì A sẽ càng phụ thuộc vào B, và ngược lại. Tôi biết có rất nhiều nghiên cứu về điều này, những nhà kinh tế học và nhà khoa học chính trị nghiên cứu về hòa bình, kinh doanh và thương mại. Tôi biết được điều    này cũng là nhờ    kinh nghiệm của bản thân trong cuộc sống và kinh doanh. Khi khách hàng đến với    bạn, bạn sẽ không muốn bắn họ. Bạn muốn chào đón họ để mang lại lợi ích cho họ cho bạn, gia đình của bạn đồng nghiệp của bạn. Bạn có thể chọn thương mại hoặc chiến tranh. Tôi rất rất ưa chuộng thương mại. Nó thật sự văn minh và tốt cho tất cả mọi người, có lẽ chỉ ngoại trừ những người thích làm tổn thương người khác. Tôi thì không ở trong nhóm đó.

Palmer: Ông đang nói về những quyết định có đạo đức trong kinh doanh, nhưng nếu ông xem phần lớn những chương trình truyền hình, những người kinh doanh chỉ là những kẻ giả tạo: họ không hề tốt; họ không hề thân thiện; và họ không có chút đạo đức nào. Họ chỉ đi lừa người ta. Đó là cách mà phần lớn các nền văn hóa phổ biến miêu tả những người làm kinh doanh. Làm thế nào mà đạo đức có thể đi vào doanh nghiệp được, thưa ông?

Rufer: Một trong những nền tảng của hợp tác là tình bạn. Nếu bạn không có một tình bạn nào hết thì làm thế nào bạn có thể phối hợp với những người khác trong cuộc đời mình? Bạn sẽ trở nên hoàn toàn cô độc. Hiện nay, tình bạn có thể có nhiều hình thức. Có thể là vợ chồng, những người bạn thân, thậm chí bạn chơi bowling, và nhiều hình thức khác nữa. Và cũng có những người bạn kinh doanh, những người bạn thích ở xung quanh mình vì họ đối xử tốt với bạn và hữu ích cho bạn. Người ta thông thường không thích ở cạnh những người hay khó chịu, nên những người cô độc thường hay làm hại hoặc ăn cắp của nhau. Nên bạn sẽ không thể có một mối quan hệ nếu bạn không tôn trọng những giá trị của việc không làm hại hay ăn cắp từ người khác. Và hơn nữa, một điều hiển nhiên là, con người muốn những người xung quanh mình là những người dễ chịu.

Vì vậy, nếu bạn muốn có một doanh nghiệp, bạn muốn nó hoạt động có hiệu quả, và bạn muốn có một doanh nghiệp lớn hơn thì động lực để bạn hợp tác với những người khác để có được sự hợp tác của họ sẽ là rất lớn. Tôi chỉ nghĩ được có hai cách làm thế nào để người khác làm điều mà bạn thích: cách thứ nhất là bạn dùng roi đánh họ hoặc đặt họng súng vào đầu họ; tôi chưa từng gặp người nào muốn bị như thế, nên mọi người thường tránh xa những người muốn đánh hay bắn họ. Cách thứ hai, bạn có thể tôn trọng họ và quyền của họ. Trong một thị trường tự do, bạn có thể lựa chọn về người mà bạn muốn cộng tác cùng. Để có một doanh nghiệp thành công, bạn phải là một người đáng tôn trọng và có danh dự, nếu không người khác sẽ không muốn làm ăn với bạn. Tôi có thể nói nhiều hơn về điều đó, nhưng tôi luôn luôn không hiểu nổi những người mà không thấy được tầm quan trọng của đạo đức trong kinh doanh. Nó giống như là họ không biết suy nghĩ vậy.

Palmer: Còn sự can thiệp quân sự ở nước ngoài của chính phủ thì sao? Ông có thể mô tả vấn đề đó như thế nào?

Rufer: Tôi nghĩ rằng nếu ta nghĩ giống như bộ phận tiếp thị thì ta sẽ thấy rõ. Những người khác muốn gì? Bạn có thể tưởng tượng có một đội quân Trung Quốc, Nga hay thậm chí là Canada diễu hành qua các thành phố của Hoa Kỳ? Chỉ mặc quân phục và đi bộ qua Los Angeles hay Denver? Hoặc có những căn cứ quân sự hay lái các phương tiện quân sự đi qua các thành phố? Ồ! Đó chính là những gì chính phủ Hoa Kỳ đang làm trên toàn thế giới. Nó hẳn là sự sỉ nhục. Nó đã hạ bệ danh tiếng của chúng ta. Nơi nào đang thực sự có sự tranh đấu để bảo vệ sự độc lập của đất nước, thì nơi đó sẽ có những thiện chí tốt đẹp được gây dựng. Nhưng khi không có những yếu tố rõ ràng như vậy, thật khó để biết được lý do cho sự hiện diện quân sự là gì ngoài việc là nguyên nhân gây ra sự hận thù và oán giận.

Palmer: Ông là một người ủng hộ tích cực cho những giá trị của tự do cá nhân. Ông sẽ làm như thế nào để tạo ra một thế giới hòa bình và tự do hơn?

Rufer: Ở mọi nơi tôi đến thì cá nhân tôi đều ủng hộ cho các giá trị và nguyên tắc của hòa bình và tự do. Ở mọi quốc gia tôi đến thăm trong những lần đi công tác, không có một bữa tiệc trưa nào, không có một cuộc họp nào mà tôi không bắt đầu thảo luận về cách thức mà xã hội có thể được tổ chức mà không có sự cưỡng ép, không có bạo lực, và những gì chúng ta có thể làm để biến điều đó thành hiện thực. Tôi rất thẳng thắn.

Palmer: Có một truyền thống lâu đời của những lãnh đạo doanh nghiệp đấu tranh vì hòa bình. Tôi đang nghĩ về Richard Cobden và John Bright ở Anh, những người vừa là những nhà tạo mới trong kinh doanh vừa là nhà lãnh đạo vì hòa bình vĩ đại. Liên minh ChốngĐế quốc ở Hoa Kỳ có rất nhiều thành viên là doanh nhân, những người phản đối cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ hay sự chiếm đóng của Mỹ ở Philippines và những thuộc địa khác của Tây Ban Nha. Ông có thấy bản thân mình là một phần trong truyền thống đó của những doanh nhân vì hòa bình?

Rufer: Có chứ. Tôi biết rằng những doanh nhân – không phải là những kẻ thân hữu, mà là những doanh nhân lương thiện – là sứ giả vì hòa bình. Trao đổi tự nguyện là một cuộc làm ăn mà tất cả đều có lợi. Điều không may là có nhiều người không hiểu điều đó. Có một câu ngạn ngữ cổ mà tôi nhớ: “Khi hàng hóa không thể vượt qua biên giới, thì quân đội sẽ tràn qua. ””. Tôi ủng hộ việc trao đổi hàng hóa, thay vì súng đạn và những quả tên lửa. Như ở thập niên 1960, người ta nói “Make Love, Not War” (Hãy yêu nhau, thay vì chiến tranh - ND). Câu đó không tệ, nhưng tôi muốn thêm vào “Make Love and Business, Not War” (Hãy yêu nhau và hợp tác kinh doanh, thay vì chiến tranh - ND).

Palmer: Ông muốn nói điều gì với những bạn trẻ, những người đang suy nghĩ nên làm gì tiếp theo sau khi tốt nghiệp, cho dù là tốt nghiệp trung học hay đại học, để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn? Ông sẽ khuyên người đó nên làm kinh doanh? Hay là làm việc cho chính phủ?

Rufer: Làm việc cho chính phủ là một sự lãng phí và tôi có thể giải thích thêm về điều này. Nhưng tôi chắc chắn sẽ khuyên các bạn làm kinh doanh, hay là làm về truyền thông, trở thành nhà báo hoặc một hình thức truyền thông nào đó khác.

Palmer: Thế còn trở thành một đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh cà chua thì sao?

Rufer: [Cười lớn] Điều đó cũng tốt. Làm kinh doanh và tham gia vào giao thương quốc tế, nếu bạn quan tâm đến hòa bình, sẽ là một điều tuyệt vời. Điều đó thực sự sẽ làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Và nếu có ai muốn tham gia kinh doanh và cạnh tranh với tôi thì tôi hoan nghênh điều đó. Tôi muốn có một số đối thủ cạnh tranh mạnh hơn để giữ cho tôi luôn tập trung vào công việc.

Palmer: Cảm ơn ông vì đã dành thời gian quý báu cho cuộc phỏng vấn này, ông Chris.

Rufer: Ồ, không có gì.

Chú thích:

(1) Kinh tế học lao động (labor economics – dịch từ từ gốc ở trên là labor economist): nghiên cứu về hành vi kinh tế của người lao động và cách họ phản ứng với các thay đổi về giá cả, lợi nhuận, tiền lương và điều kiện làm việc. (ND)

Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 4, Jameson Books, Inc., 2014

Dịch giả:
Lương Vân Lam
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.