Việt Nam lập kỷ lục về tốc độ gia tăng chỉ số tự do kinh tế

Việt Nam lập kỷ lục về tốc độ gia tăng chỉ số tự do kinh tế

Trong 25 năm qua, không quốc gia nào với quy mô dân số tương tự có mức gia tăng chỉ số tự do kinh tế mạnh mẽ hơn Việt Nam. 

Từ năm 1995, Heritage Foundation, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về nghiên cứu và đưa ra giải pháp về các vấn đề kinh tế, thương mại và phát triển xã hội toàn cầu đã tiến hành xác lập và công bố “Chỉ số tự do kinh tế” của các quốc gia (Index of Economic Freedom, hiện bảng này có 178 quốc gia). Các số liệu cho thấy, từ thời điểm bảng chỉ số này được hình thành, không quốc gia nào với quy mô dân số tương tự có số điểm gia tăng mạnh mẽ như Việt Nam.

Chỉ số này được tính dựa trên 12 tiêu chí để biểu đạt mức độ tự do kinh tế của một quốc gia. Hiện tại, dẫn đầu là Singapore, New Zealand, Australia và Thụy Sĩ. Đứng cuối bảng là Cuba, Venezuela và Triều Tiên. Chỉ số cao nhất mà một quốc gia có thể giành được hiện tại là  89,7 (Singapore), thấp nhất là 5,2 (Triều Tiên). Chỉ số năm 2021 của Việt Nam là 61,7 - tăng 2,9 điểm so với năm ngoái. Qua đó, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm các nước “tự do kinh tế trung bình”.     

Dẫn đầu về tốc độ gia tăng chỉ số tự do kinh tế

Vị trí thứ 90 của Việt Nam trong bảng xếp hạng 178 nước hiện tại dường như không có gì ghê gớm. Nhưng khi đánh giá triển vọng kinh tế của một quốc gia, điều quan trọng không phải là thứ hạng hiện tại của quốc gia đó trong bảng xếp hạng, mà là thứ hạng đó đã gia tăng như thế nào trong lịch sử, tức là tự do kinh tế tăng hay giảm xét trong một tiến trình dài hạn. Và xét về khía cạnh này, Việt Nam đã thành công xuất sắc: Năm 1995, khi Heritage Foundation công bố chỉ số này lần đầu tiên, Việt Nam chỉ đạt số điểm 41,7, nhưng năm 2005 số điểm đã tăng lên 48,1.

Điểm đáng chú ý là sự gia tăng tự do kinh tế của Việt Nam đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ kể từ năm 2015 - thời điểm mà giá trị chỉ số của Việt Nam là 51,7. Chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam đã tăng 10 điểm, lên 61,7 vào năm 2021. Trên tổng thể, từ năm 1995, chỉ số của Việt Nam đã tăng 20 điểm.

Để so sánh: Năm 1995, số điểm của Mỹ là 76,7, nhưng năm 2021 đã giảm nhẹ xuống mức 74,8. Italy và Pháp hầu như giẫm chân tại chỗ về tự do kinh tế trong 25 năm với lần lượt 61,2 và 64,4 điểm trong năm 1995, và hiện nay là 64,9 và 65,7 điểm. Các chỉ số này cũng phần nào nói lên sự “giậm chân tại chỗ” của các nền kinh tế Italy và Pháp trong suốt thời gian dài.

Trong 25 năm qua chỉ có năm quốc gia nhỏ - với quy mô dân số không thể so sánh được với Việt Nam - đạt được mức gia tăng tự do kinh tế tương đương hoặc cao hơn ít nhiều Việt Nam. Đó là Moldova, Bulgaria, Belarus, Romania và Angola.

Ở chiều ngược lại: Venezuela

Trong khi sự gia tăng tự do kinh tế đồng nghĩa với kinh tế tăng trưởng và mức sống của người dân được nâng cao, mà Việt Nam là ví dụ điển hình, thì ở chiều ngược lại, sự suy giảm tự do kinh tế cũng đồng nghĩa với thu nhập của người dân và chất lượng sống suy giảm. Đó là trường hợp của Venezuela. Trong khi Việt Nam đã liên tục chuyển đổi từ nền kinh tế quốc doanh sang nền kinh tế thị trường, thì Venezuela ngược lại, đã chuyển từ kinh tế thị trường sang kinh tế quốc doanh. Năm 1995, Venezuela còn giữ được chỉ số tự do kinh tế ở mức 59,8 điểm, nhưng khi Hugo Chavéz lên cầm quyền và cho triển khai “Chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21” với các chính sách quốc hữu hóa, kiểm soát giá cả thì tự do kinh tế của nước này đã ngày càng bị bóp chặt. Kết quả là trong bảng xếp hạng năm 2021 của Heritage Foundation, giá trị chỉ số của Venezuela đã xuống còn 24,7 điểm.

Điều đó có nghĩa là, trong vòng một phần tư thế kỷ, khi chỉ số của Việt Nam tăng 20 điểm, thì chỉ số của Venezuela giảm ngót 36 điểm. Và trong khi mức sống của người Việt Nam đã được cải thiện thần kỳ trong 25 năm qua, nó lại suy giảm đầy kịch tính đối với người dân Venezuela: Tỉ lệ lạm phát ở nước này cao hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, nhiều người sống trong nghèo đói và hơn 10% dân số đã rời bỏ quê hương.

Sự trỗi dậy của Việt Nam bắt đầu vào năm 1986 với công cuộc cải cách mang tên “Đổi mới”, trong đó tỷ trọng của kinh tế nhà nước ngày càng giảm xuống và kinh tế tư nhân ngày càng có nhiều đất phát triển hơn. Kết quả là, trong thập kỷ qua, chỉ rất ít quốc gia có quy mô dân số tương đương đạt được tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ như Việt Nam (Tốc độ tăng trưởng GDP đầu người 2010 – 2020 ở mức khoảng 6,7%, tổng sản phẩm GDP của Việt Nam năm 2020 tăng 2,2 lần so với 2010).

Cần kiện toàn nhà nước pháp quyền

Chỉ số tự do kinh tế của Heritage Foundation được tính dựa trên 12 tiêu chí, chia theo bốn nhóm. Việt Nam đặc biệt ghi điểm trong các lĩnh vực “Chi tiêu công”, “Ngân sách nhà nước”, “Giảm gánh nặng thuế”, “Tự do thương mại” và “Tự do tiền tệ”. Các giá trị đó của Việt Nam đều xuất sắc: Thuế thấp, tài chính công lành mạnh và chi tiêu công thấp là những đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Trái lại, ở các tiêu chí như “Chính phủ liêm chính”, “Hiệu suất của hệ thống tư pháp” và “Tự do đầu tư”, Việt Nam có điểm số thấp. Nhất là tham nhũng vẫn là một vấn đề còn tồn đọng, điều đó cũng được phản ánh trong một chỉ số khác: “Chỉ số nhận thức tham nhũng” của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Ở đây Việt Nam chỉ đứng hạng 104 trên 173.

Bài học cho Việt Nam, theo tôi, là cần tiếp tục con đường đã chọn, theo hướng gia tăng thị trường và giảm dần tỷ trọng kinh tế nhà nước, đồng thời chống tham nhũng mạnh mẽ và kiện toàn chế độ nhà nước pháp quyền. Trong cuốn sách The Power of Capitalism (Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản), tôi đã chứng minh rằng, trong suốt tiến trình lịch sử, người dân ở khắp nơi đều có đời sống phồn thịnh hơn và hạnh phúc hơn khi họ được nhà nước trao cho nhiều không gian tự do hơn trong các hoạt động kinh tế.

Trung Quốc chính là một ví dụ về sự phát triển đúng đắn này. Năm 1981, 88% người Trung Quốc còn sống trong tình trạng nghèo đói tận cùng. Rồi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế (như Việt Nam vài năm sau đó), bằng những biện pháp thiết lập sở hữu tư nhân, giảm dần vai trò của nhà nước. Kết quả là tỉ lệ người cực nghèo ở Trung Quốc hiện nay chỉ còn ở mức dưới 1%. Nhà kinh tế Trung Quốc Trương Duy Nghênh đã phân tích nguyên nhân của sự tiến bộ này như sau: “Không phải quyền lực mạnh mẽ của chính phủ và khu vực kinh tế nhà nước, mà thị trường hóa và sự phát triển của các khu vực ngoài quốc doanh đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh và ngày càng đổi mới sáng tạo.”

Tôi nghĩ điều đó cũng hết sức đúng đối với Việt Nam. Tôi cho rằng chính khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang là động cơ cho sự phát triển hùng hậu, và các nhà lãnh đạo ở Việt Nam đã rất sáng suốt khi mở rộng không gian cho khu vực này. Sự gia tăng chỉ số tự do kinh tế chính là cơ sở cho thành công của Việt Nam hiện nay.

* Dịch từ nguyên bản tiếng Đức: Rainer Zitelmann, Weltrekord fuer Vietnam: In 25 Jahren hat in keinem Land vergleichbarer Größe die wirtschaftliche Freiheit mehr zugenommen. Bài viết do tác giả gửi cho Thị trường Tự do Academy.

© Thị trường Tự do Academy 2021