Hoá học não bộ giải thích sự tự do của con người và giúp chúng ta nhận ra nó như thế nào (Phần 1)

Hoá học não bộ giải thích sự tự do của con người và giúp chúng ta nhận ra nó như thế nào (Phần 1)

Sức mạnh ý chí liệu có giống như sức mạnh cơ bắp không? Bạn có thể rèn luyện nó không? Bạn có thể bắt nó làm việc đến kiệt sức không? Bạn có thể nuôi dưỡng nó không? Trong những thập kỷ gần đây, các nhà tâm lý học thực nghiệm đã khám phá được rất nhiều điều lí thú về ý chí. Tin vui là (May mắn thay) nhiều kiến thức thu được từ đó mang lại giá trị rất thiết thực. Bạn có thể tăng cường sức mạnh tinh thần của mình, cải thiện cuộc sống, và thông qua việc tự điều chỉnh mà tạo cho mình sự tự do. John Tierney là một cây bút mảng khoa học tại New York Times và cùng với nhà tâm lý học thực nghiệm Roy Baumeister, là đồng tác giả của cuốn sách Willpower: Rediscovering the Greatest Human Strength [Sức mạnh ý chí: Khám phá lại sức mạnh vĩ đại nhất của con người] (New York: Penguin Books, 2011).

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, khi Bản tuyên ngôn mang tính cách mạng về tự do con người của Thomas Jefferson đang trong thời điểm hoàn tất và thông qua, ông cũng cho ra đời những bản viết có giá trị nhưng ít được ca ngợi hơn.

"Trả tiền cho Sparhawk để mua một chiếc nhiệt kế", ông viết, ghi lại một cách nghiêm túc số tiền chính xác - 3 bảng 15 shilling - ông đã trả ngày hôm đó tại cửa hàng của John Sparhawk ở Philadelphia. Thậm chí ngay cả bản Tuyên ngôn Độc lập cũng không thể làm ông lãng quên đi quyết tâm ghi nhận lại mọi lần mua hàng. Việc ông theo đuổi công việc ghi chép tỉ mỉ là rất hiếm, nhưng quyết tâm kiểm soát bản thân - để thiết lập mục tiêu và theo dõi hành vi - là điều khá phổ biến đối với những nhân vật cùng thời với ông lúc đó. Khi còn ở tuổi vị thành niên, George Washington đã viết ra một danh sách 110 "quy tắc ứng xử văn minh" đề cập mọi thứ từ phép tắc ăn uống ("Không uống rượu, hoặc nói chuyện khi đang nhai thức ăn") cho đến đạo đức ("Giải trí có thể hết mình nhưng không được phép có hành động sai trái"). Benjamin Franklin lúc trẻ luôn có biểu đồ đánh giá sự tiến bộ của mình theo từng tuần dựa trên việc cụ thể hoá mười ba đức tính tốt. Bằng cách đánh dấu bất kỳ sai sót nào thuộc về các đức tính Điều độ, Tiết kiệm, Siêng năng, Sạch sẽ, và các đức tính khác, ông hướng đến mục tiêu "chế ngự tất cả những gì mà khuynh hướng tự nhiên của bản thân, khách hàng, hoặc công ty có thể đưa đến." Những nhà khai quốc [Hợp chủng quốc Hoa Kỳ] tin rằng quyền tự do là quyền không thể chuyển nhượng được của con người, nhưng họ biết nó phụ thuộc vào trách nhiệm cá nhân mỗi người. Để được giải phóng khỏi sự cai trị của bạo chúa, con người phải có khả năng cai trị chính bản thân mình: sự thật đó dường như là hiển nhiên.

Ngày nay, điều đó thậm chí còn rõ ràng hơn, mặc dù phải mất một thời gian, các nhà khoa học xã hội mới bắt kịp những người đi trước. Trong suốt thế kỷ 20, khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sức mạnh phi lí tính và vô thức trong não, niềm tin của họ về sự tự kiểm soát đã trở nên suy yếu. Thay vào đó là niềm tin vào sự kiểm soát của nhà nước: càng ngày càng có nhiều luật lệ và các chương trình để bảo vệ chúng ta khỏi chính bản thân chúng ta. Nhưng giờ đây, nhờ có những nghiên cứu mới, những lợi ích của sự tự kiểm soát đã trở nên rõ ràng trở lại. Các nhà khoa học xã hội nhận thấy đó là đức tính quan trọng nhất, là điều cốt yếu cho thành công của mỗi cá nhân và sự hòa hợp trong một xã hội tự do. Họ đo lường tác động của nó đến hành vi và bắt đầu hiểu ra nó hoạt động như thế nào trong não. Họ đã khám phá ra điều mà chính họ phải ngạc nhiên, sức mạnh ý chí không chỉ đơn thuần là một phép ẩn dụ kì quặc.

Thuật ngữ "sức mạnh ý chí" đã được đưa ra bởi con người sống trong thời đại của nữ hoàng Victoria, những người đã chia sẻ tâm huyết của những nhà khai quốc Hoa Kỳ về sự tự kiểm soát. Người dân thời Victoria tự nhận thấy mình như đang sống trong một thời kỳ chuyển tiếp khi mà sự tất định về đạo đức và chế độ phong kiến bảo thủ của châu Âu lụi tàn dần. Những người nông nô thời trung cổ luôn bị phụ thuộc vào các hình thức kiểm soát từ bên ngoài đối với hành vi của họ như: mệnh lệnh của vua chúa, các điều răn dạy của nhà thờ, và các quy tắc buộc phải tuân theo một cách nghiêm ngặt ở làng xã. Nhưng khi những người nông dân di dời về các thành phố trong thế kỷ 18 và 19, họ đã không còn bị cưỡng chế bởi nhà thờ địa phương và áp lực xã hội của các cộng đồng nhỏ. Những biến động của Kitô giáo và các cuộc xung đột đã làm cho tôn giáo mang tính cá nhân hơn, và Thời kỳ khai minh đã làm suy yếu niềm tin vào bất cứ loại giáo điều nào. Một chủ đề phổ biến trong cuộc tranh luận giữa những người dân thời đại Victoria là liệu đạo đức có thể sống sót mà không có tôn giáo. Bởi luôn băn khoăn với sự mục nát về đạo đức và bệnh xã hội đang tập trung ở các thành phố, người dân thời Victoria muốn tìm kiếm cái gì đó đáng tin cậy hơn là ân sủng của chúa trời, thứ sức mạnh nào đó từ bên trong có thể bảo vệ ngay cả một người vô thần.

Họ gọi thứ đó là sức mạnh ý chí bởi theo quan niệm cổ xưa cho rằng tồn tại thứ sức mạnh nào đó - thứ đến từ bên trong, tương tự như sức mạnh của hơi nước đã làm nên cuộc Cách mạng công nghiệp. Người ta luôn tìm cách mở rộng kho lưu trữ ý chí của mình bằng cách làm theo những lời khuyên của một người đàn ông Anh Quốc, Samuel Smiles, trong cuốn sách Self-Help [Tinh thần tự lực], một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất trên cả hai bờ Đại Tây Dương, vào thế kỷ XIX. "Thiên tài luôn biết kiên nhẫn," ông nhắc nhở độc giả, khi giải thích về thành công của mọi người, từ Isaac Newton đến Stonewall Jackson, vốn là kết quả của sự "tự tiết chế" và "kiên trì không mệt mỏi."

Sức hấp dẫn của ý niệm sức mạnh ý chí đã suy yếu đi vào thế kỷ XX, phần là phản ứng trái chiều với sự quá khích của những người thời Victoria, phần còn lại là kết quả của những thay đổi về kinh tế và chiến tranh thế giới. Sự đổ máu kéo dài của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất dường như là hậu quả của việc quá nhiều quý ông ngoan cố đi theo "nghĩa vụ được giao" để nhận lấy cái chết vô nghĩa. Những nhà trí thức đã thuyết giảng về một cuộc sống dễ chịu hơn nhiều ở Mỹ và phần lớn Tây Âu - nhưng không may lại không bao gồm nước Đức, nơi mà họ đã phát triển "tâm lý học ý chí" để dẫn dắt đất nước của mình, trong suốt thời kỳ hồi phục ảm đạm sau chiến tranh. Chủ đề đó được Đức quốc xã cổ vũ và phong trào Đức Quốc xã vào năm 1934 đã được đưa vào bộ phim tuyên truyền khét tiếng của Leni Riefenstahl, Triumph of the Will [Thắng lợi của ý chí]. Tư tưởng chủ nghĩa Đức Quốc xã về sự phục tùng của số đông đối với một đường lối xã hội vốn không phải là tư tưởng về sức mạnh tinh thần cá nhân của con người thời Victoria, nhưng sự khác biệt đó cũng đã không còn nữa. Nếu như Đức quốc xã đại diện cho thắng lợi của ý chí... thì nói về sức mạnh ý chí đúng là một kiểu PR tồi tệ, và khi đó không tồn tại thứ gì như kiểu sức mạnh ý chí cá nhân của Adolf Hitler cả.

Sự suy tàn của ý chí không hẳn là một điều quá tệ, và sau chiến tranh còn có những lực lượng khác tiếp tục làm suy yếu nó. Khi công nghệ làm cho hàng hoá có giá rẻ hơn và người dân ở các vùng ngoại ô trở nên giàu có hơn, thì việc đáp ứng theo thị hiếu của người tiêu dùng đã trở nên cực kỳ quan trọng trong kinh tế, và xuất hiện một ngành công nghiệp quảng cáo mới mẻ, tinh vi kêu gọi mọi người mua hàng ngay tức khắc. Các nhà xã hội học đã xác định một thế hệ mới những người "bị chi phối bởi người khác", họ bị dẫn dắt bởi ý kiến của những người xung quanh hơn là niềm tin mạnh mẽ vào đạo đức bền vững bên trong chính mình. Những cuốn sách self-help của thời đại Victoria lúc này được xem như mang nội dung ngây thơ về việc tự coi mình là trung tâm. Những cuốn sách bán chạy nhất lúc bấy giờ là những tác phẩm vui nhộn như How to Win Friends and Influence People [Đắc nhân tâm] của Dale Carnegie và Power of Positive Thinking [Sức mạnh của tư duy tích cực] của Norman Vincent Peale.

Sự thay đổi trong tính cách của con người đã được nhận ra bởi một nhà phân tâm học, có tên là Allen Wheelis, người vào cuối những năm 1950 đã tiết lộ một điều vốn được xem như bí mật cố che giấu trong nghề nghiệp của ông, đó là: Những liệu pháp trong học thuyết Freud không gây ra những tác dụng theo cách mà chúng lẽ ra phải là. Trong cuốn sách The Quest for Identity [Cuộc truy tìm danh tính], Wheelis đã mô tả sự thay đổi trong cấu trúc của tính cách kể từ thời kỳ Freud. Các công dân thuộc tầng lớp trung lưu thời kì Victoria, vốn chiếm phần lớn số bệnh nhân của Freud, họ có ý chí cực kỳ mạnh mẽ, làm cho các nhà trị liệu cảm thấy khó khăn để có thể phá vỡ lớp rào chắn bảo vệ cứng như sắt và khả năng nhận thức đúng sai của họ. Các nhà trị liệu của Freud tập trung vào việc phá vỡ những điều đó và giúp cho họ nhìn ra tại sao mình lại phải đau khổ và mắc chứng bệnh về thần kinh, bởi vì một khi những người này đạt được ngưỡng thấu hiểu sâu sắc nội tại, họ có thể thay đổi dễ dàng. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ, tấm khiên che chắn tính cách của con người lại biến đổi khác đi. Wheelis và các đồng sự của ông đã nhận ra rằng con người đạt được sự hiểu biết sâu sắc về nội tại nhanh hơn so với thời kỳ Freud, nhưng liệu pháp vẫn thường xuyên ngừng trệ và bị thất bại. Thiếu đi tính cách mạnh mẽ của người Victoria, người ta không có đủ sức để theo đuổi sự thấu hiểu về nội tại và thay đổi cuộc sống của họ. Wheelis đã sử dụng các thuật ngữ của Freud để bàn về sự suy yếu của "cái siêu tôi" trong xã hội phương Tây, nhưng ông chủ yếu nói đến sự suy yếu của sức mạnh ý chí - và tất cả những điều này đều đã xảy ra trước khi thế hệ sinh vào "thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh" đến tuổi trưởng thành vào những năm 1960 với một câu thần chú phản văn hoá: "Nếu cảm thấy tốt, hãy làm đi."

Văn hoá đại chúng vẫn tán dương "sự tự nuông chiều bản thân" của thế hệ "Me Generation" [Thế hệ cái Tôi] vào những năm 1970, và xuất hiện những lập luận mới mẻ chống lại quan điểm sức mạnh ý chí đến từ các nhà khoa học xã hội, vốn là những người mà kể cả về số lượng và ảnh hưởng của họ đều tăng vụt lên vào cuối thế kỷ 20. Hầu hết các nhà khoa học xã hội đều tìm kiếm nguyên nhân của mọi hành vi sai trái ở bên ngoài cá nhân: nghèo đói, thiếu thốn tương đối, áp bức, hoặc là sự tệ hại của các hệ thống kinh tế và chính trị hay môi trường. Tìm kiếm các yếu tố từ bên ngoài thường tạo ra sự thoải mái hơn cho mọi người, đặc biệt đối với nhiều học giả, khi mà họ luôn lo lắng mình có nguy cơ vướng vào tội không chuẩn chỉnh về mặt chính trị (politically incorrect) dưới cái tên: "đổ lỗi cho nạn nhân", khi nhận định rằng vấn đề của người dân có thể phát sinh từ các nguyên nhân bên trong họ. Các vấn đề xã hội cũng có thể dễ dàng khắc phục hơn so với các khiếm khuyết trong tính cách, ít nhất là đối với các nhà khoa học xã hội, khi mà họ đang đề xuất các chính sách và chương trình mới của chính phủ để giải quyết chúng.

Quan niệm về việc con người có thể kiểm soát một cách có ý thức chính bản thân mình - vốn đã bị các nhà tâm lý học nhìn nhận một cách nghi ngờ. Những người theo quan điểm Freud tuyên bố rằng nhiều hành vi của người lớn là kết quả của những tiến trình và sức mạnh vô thức. B. F. Skinner gần như không trân trọng giá trị của ý thức và các quá trình tâm trí khác, ngoại trừ khi chúng cần thiết cho việc thực hiện những hành vi có gia cường (reinforcement contingencies). Trong Beyond Freedom and Dignity [Vươn xa hơn Tự do và Phẩm chất], ông lập luận rằng để hiểu được bản chất con người chúng ta phải vượt qua được những giá trị đã lỗi thời đề trên tựa sách. Trong khi nhiều lý thuyết cụ thể của Skinner đã bị loại bỏ song các khía cạnh phương pháp tiếp cận của ông đã tìm được đất sống mới trong các nhà tâm lý học theo thuyết miền ý thức chịu sự phục tùng của miền vô thức. Ý chí dường như không còn quan trọng, đến mức nó thậm chí không được đo lường hay đề cập đến trong các học thuyết nhân cách hiện đại. Một số nhà thần kinh học tuyên bố bác bỏ sự tồn tại của nó. Nhiều triết gia từ bỏ sử dụng thuật ngữ này. Nếu họ muốn tranh luận về vấn đề triết học cổ điển đề cập đến "sự tự do trong ý chí", họ sẽ dùng cụm từ "tự do trong hành động", chứ không phải "trong ý chí", bởi vì họ nghi ngờ rằng không tồn tại một thứ gì như ý chí cả. Một số người thể hiện thái độ khinh miệt đối với "cái gọi là ý chí." Một số học giả chỉ ra rằng hệ thống pháp luật phải được sửa đổi để loại bỏ những ý niệm lỗi thời về trách nhiệm và ý chí tự do.

Tuy nhiên, trong lúc đó, một số ít các nhà nghiên cứu khác lại quan tâm đến chủ đề "tự điều chỉnh", thuật ngữ mà các nhà tâm lý học sử dụng để nói đến "tự kiểm soát". Sự phục hồi của nghiên cứu về "sự tự kiểm soát" không được dẫn dắt bởi các lý thuyết gia, những người vẫn tin rằng sức mạnh ý chí là chuyện hoang đường thời Victoria. Nhưng với các nhà tâm lý học khác làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc tiến hành nghiên cứu thực nghiệm, họ vẫn phải đối mặt với cái gì đó rất giống với sự tự kiểm soát.

Những manh mối đầu tiên đã đến một cách ngẫu nhiên, từ một cuộc thử nghiệm, trong đó những đứa trẻ bốn tuổi được phát cho một chiếc kẹo dẻo và được dặn rằng sẽ có một phần thưởng (một chiếc kẹo dẻo nữa) nếu chúng có thể nhịn ăn chiếc kẹo đó trong vài phút. Điểm trọng tâm của thử nghiệm, được dẫn dắt bởi Walter Mischel thuộc Đại học Stanford, chỉ đơn thuần là nghiên cứu trẻ em học được cách trì hoãn sự ham muốn như thế nào. Nhưng nhiều năm sau đó, sau khi nghe được câu chuyện về những gì đã diễn ra với một số đứa trẻ này, Mischel và các đồng nghiệp đã quyết định theo dõi hàng trăm cựu thành viên tham gia cuộc thử nghiệm này. Họ nhận thấy rằng những đứa trẻ 4 tuổi có thể chống lại sự cám dỗ của kẹo dẻo thường đạt được điểm kiểm tra và điểm tổng kết học tập tốt hơn.1 Những đứa trẻ có thể kiềm chế không đầu hàng trọn vẹn khoảng thời gian mười lăm phút, đã đạt mức điểm cao hơn 210 điểm, trong kì thi sát hạch SAT, so với những đứa trẻ chịu bỏ cuộc sau nửa phút đầu tiên. Những đứa trẻ có ý chí khi lớn lên sẽ được thầy cô và bạn bè yêu mến hơn. Họ có được mức lương cao hơn. Họ có chỉ số cơ thể BMI thấp hơn, cho thấy rằng họ ít có xu hướng tăng cân nặng khi chạm đến lứa tuổi trung niên. Và họ có vẻ như ít bị ghi nhận là có vấn đề lạm dụng ma túy.

Lợi ích của sự tự kiểm soát thậm chí còn rõ rệt hơn khi các kết quả nghiên cứu khác được tập hợp lại bởi Roy Baumeister trong cuốn Losing Control [Mất kiểm soát], một cuốn sách học thuật mà ông viết vào năm 1994 cùng với vợ ông, Dianne Tice, giáo sư tại Đại học Case Western Reserve, và Todd Heatherton, giáo sư tại Harvard. Họ đưa ra kết luận: "Sự mất kiểm soát bản thân là một bệnh lý xã hội quan trọng trong thời đại chúng ta", và chỉ ra các bằng chứng chất chồng cho thấy nó góp phần đưa đến tỷ lệ ly dị cao, bạo lực gia đình, tội phạm và một loạt các vấn đề khác. Cuốn sách khuyến khích nhiều thí nghiệm và nghiên cứu hơn, bao gồm cả việc phát triển thang đo lường khả năng tự kiểm soát trong các bài kiểm tra nhân cách. Khi các nhà nghiên cứu thực hiện đối chiếu điểm học tập của sinh viên với gần 36 đặc điểm tính cách, tự kiểm soát hoá ra là đặc điểm duy nhất dự đoán được điểm trung bình học tập của một sinh viên đại học chuẩn xác hơn xác suất ngẫu nhiên.2 Sự tự kiểm soát cũng đã chứng minh được khả năng dự đoán về điểm số học tập của sinh viên đại học tốt hơn so với các chỉ số IQ hoặc SAT.3 Mặc dù trí thông minh thiên bẩm rõ ràng là một lợi thế, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra sự tự kiểm soát quan trọng hơn bởi vì nó đảm bảo sự có mặt của sinh viên ở các lớp học một cách chắc chắn hơn, bắt đầu làm bài tập ở nhà sớm hơn, dành nhiều thời gian hơn để làm việc và ít thời gian hơn cho việc xem tivi.

Kết quả thật sự ấn tượng, nhưng chính xác thì nó đã diễn ra như thế nào? Cơ chế của sự tự kiểm soát là gì? Làm thế nào để tìm hiểu được điều gì đã diễn ra bên trong bộ não của các sinh viên kia? Câu trả lời hoá ra bắt đầu từ những chiếc bánh quy ấm nóng.

Củ cải, sôcôla và glucose

Đôi khi các nhà khoa học xã hội phải hơi tàn nhẫn trong các thí nghiệm của mình. Khi các sinh viên đại học bước vào phòng thí nghiệm của Baumeister, họ đói lả vì đã nhịn ăn trước đó, và bây giờ họ đang ở trong một căn phòng tràn ngập mùi thơm của loại bánh quy rắc hạt sôcôla, vừa được nướng trong phòng thí nghiệm. Các đối tượng thí nghiệm ngồi xuống bàn với nhiều sự lựa chọn về đồ ăn: bánh quy nướng ấm, vài miếng sô cô la và một bát củ cải. Một số sinh viên được mời ăn bánh quy và kẹo. Những người không may mắn đã được chỉ định vào "tình thế củ cải", tức là: không qua xử lý, chỉ có củ cải thô.

Để tối đa hóa sự cám dỗ, các nhà nghiên cứu đã để lại các sinh viên một mình với củ cải và bánh quy, và quan sát họ thông qua một cửa sổ nhỏ đã được ẩn đi. Những người trong “tình thế củ cải” rõ ràng phải vật lộn với sự cám dỗ. Một số nhìn chằm chằm vào những chiếc bánh quy một cách thèm muốn trước khi định thần lại để cắn củ cải một cách miễn cưỡng. Một số thì cầm một chiếc bánh quy lên và ngửi, cảm nhận hương vị sôcôla vừa mới nướng xong. Một cặp đôi tình cờ đánh rơi một chiếc bánh trên sàn và sau đó vội vã mang nó đặt lại chiếc bát để không ai biết được sự đùa giỡn tội lỗi đó. Nhưng thực tế là không ai trong số họ ăn thực phẩm cấm. Dù là trong một số trường hợp gần như đã chạm ngưỡng tới hạn, nhưng sự cám dỗ vẫn luôn luôn bị chống lại. Về mặt thử nghiệm, tất cả những điều này đều là tốt. Nó cho thấy rằng bánh quy thực sự có sức cám dỗ rất lớn và người ta cần phải tập trung ý chí của mình để cưỡng lại điều đó.

Sau đó, các sinh viên được đưa đến một căn phòng khác và nhận được những câu đố hình học để giải. Các sinh viên nghĩ rằng họ đang được kiểm tra về trí thông minh, mặc dù trên thực tế các câu đố đó đều không thể giải được. Thử nghiệm này là để xem họ sẽ suy nghĩ bao lâu trước khi bỏ cuộc. Đây là một kỹ thuật chuẩn mà các nhà nghiên cứu về stress (căng thẳng thần kinh) và các nhà nghiên cứu khác đã sử dụng trong nhiều thập kỷ vì đây là một chỉ số đáng tin cậy cho sự kiên trì. (Nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng một người tiếp tục cố gắng giải một trong những câu đố không thể giải được này cũng sẽ làm việc lâu hơn ở những nhiệm vụ có thể thực hiện được).

Nhóm sinh viên được phép ăn bánh quy sôcôla và kẹo đã làm việc trên các câu đố trong khoảng 20 phút, tương đương với thời lượng của các sinh viên thuộc nhóm kiểm soát, tức những sinh viên rất đói bụng và chưa được cung cấp bất kỳ loại đồ ăn nào. Tuy nhiên, nhóm người phải ăn củ cải, đã từ bỏ sau tám phút - một sự khác biệt rất lớn theo các tiêu chuẩn của thí nghiệm thực hành.4 Họ đã thành công trong việc chống lại sự cám dỗ của bánh quy và socola, nhưng nỗ lực đó đã khiến cho họ có ít năng lượng hơn để giải quyết các câu đố. Những câu châm ngôn cổ xưa về sức mạnh ý chí có vẻ rốt cục lại trở nên đúng đắn, trái với các lý thuyết tâm lý mới lạ về "cái tôi".

Sức mạnh ý chí không chỉ là phép ẩn dụ. Thực sự có một dạng năng lượng tinh thần mang đến khả năng tự kiểm soát - và nó có thể bị cạn kiệt do được sử dụng để chống lại sự cám dỗ. Tác động này, được gọi là "sự mất dần khả năng tự kiểm soát bản thân" (ego depletion), đã được chứng minh trong hàng chục nghiên cứu, vốn bao gồm rất nhiều sự cám dỗ và các bài tập khác nhau.5 Các thí nghiệm đã chứng minh một cách chắc chắn cho hai điều: 

1. Bạn sở hữu một lượng hữu hạn sức mạnh ý chí mà sẽ cạn kiệt dần khi bạn sử dụng nó.

2. Bạn sử dụng cùng loại sức mạnh ý chí cho tất cả các công việc.

Bạn có thể nghĩ rằng bạn có một nguồn dự trữ năng lượng tự kiểm soát cho công việc, một nguồn dự trữ khác cho việc ăn kiêng, một cái nữa cho luyện tập thể dục, và một cái khác để đối xử tốt với gia đình của bạn. Tuy nhiên, thí nghiệm củ cải đã cho thấy hai hoạt động hoàn toàn không liên quan đến nhau - cưỡng lại sôcôla và giải các câu đố hình học - đều sử dụng năng lượng từ cùng một nguồn và hiện tượng này đã được chứng minh qua lại nhiều lần. Luôn có những liên hệ ngầm giữa những điều hoàn toàn khác nhau mà bạn vẫn làm trong ngày.

Bạn sử dụng cùng một loại nguồn năng lượng để đối phó với trở ngại giao thông, sự cám dỗ của thức ăn, những đồng nghiệp phiền nhiễu, những yêu cầu từ ông chủ và những đứa trẻ hay hờn dỗi. Trước đây, người công nhân trở về nhà trong tình trạng chán nản và đá vào con chó đang chế nhạo mình, thể hiện sự đồng điệu với thí nghiệm "sự mất dần khả năng tự kiểm soát bản thân"; nhưng những công nhân thời buổi hiện đại thường không đối xử tệ bạc với thú cưng của họ. Họ có khuynh hướng nói năng thô tục với mọi người trong gia đình. Bằng cách theo dõi một nhóm người từ sáng đến hết đêm, các nhà nghiên cứu ở Đức đã tính toán rằng một người thường dành từ ba đến bốn giờ một ngày để chống chọi lại những ham muốn,6 - thèm đồ ăn, thích nhàn rỗi hay mong muốn được đưa ra ý kiến thực sự của bản thân về những ý tưởng mới nhất của ông chủ. Tất cả những hành vi tự kiểm soát này làm giảm đi lượng sức mạnh ý chí của bạn.

Còn có một tình trạng trọng yếu khác khiến cho ý chí cạn kiệt dần, theo một khám phá của Phòng thí nghiệm Baumeister. Theo sau những thử nghiệm đầu tiên với bánh quy và củ cải, vào một ngày nọ, Jean Twenge, một đồng nghiệp trẻ tuổi tại phòng thí nghiệm, đến làm việc sau khi dành hàng giờ đồng hồ với chồng chưa cưới của mình để quyết định nên chọn cái gì đặt vào danh sách quà mong muốn được tặng trong đám cưới. Quá trình ra quyết định đã làm cô hoàn toàn kiệt sức, và nó đã cho các nhà nghiên cứu một ý tưởng. Họ đã làm thử nghiệm với những người đi mua sắm trong một trung tâm thương mại ở ngoại ô và trên các trang web trực tuyến từ máy tính Dell7. Chẳng còn điều gì nghi ngờ nữa, càng nhiều quyết định mà người mua sắm đưa ra, họ càng có ít sức mạnh ý chí hơn để giải quyết các câu đố và làm các bài tập khác. Việc ra quyết định làm cạn kiệt nguồn năng lượng tinh thần tương tự như chống lại sự cám dỗ, dẫn đến tình trạng được gắn cho cái tên là "triệu chứng mệt mỏi vì phải quyết định" (decision fatigue).

Sau khi rơi vào "triệu chứng mệt mỏi vì phải quyết định", não bộ có hai cách hoàn toàn khác nhau để tìm được phím tắt cho mình. Một phím tắt là trở nên liều lĩnh: hành động bốc đồng thay vì sử dụng năng lượng để nghĩ trước đến hậu quả. Phím tắt còn lại là tiết kiệm năng lượng tối đa: không làm gì cả. Quyết định trong chốc lát. Điều này có thể giải tỏa sự căng thẳng thần kinh ở một thời điểm nhưng sẽ gây hại trong thời gian dài, như các nhà nghiên cứu đã chứng minh trong một nghiên cứu ở một đại lý ôtô tại Đức, quan sát khách hàng tiến hành đặt hàng với nhiều lựa chọn cho chiếc xe ô tô của mình.8 Những người mua xe - họ là những khách hàng đang thực sự chi tiêu tiền của chính mình, phải lựa chọn, ví dụ như giữa bốn kiểu cần số, mười ba loại lốp và vành bánh, 25 cấu hình của động cơ và hộp số, và một bảng màu gồm 56 màu sắc khác nhau cho nội thất ô tô.

Khi mới bắt đầu chọn các tính năng, khách hàng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn, nhưng khi xuất hiện "triệu chứng mệt mỏi vì quyết định", họ bắt đầu giải quyết việc lựa chọn bằng phương án lựa chọn các tính năng mặc định. Càng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn ngay từ lúc bắt đầu - chẳng hạn như xem lần lượt 56 màu sắc để chọn được sắc thái chính xác của màu xám hoặc nâu cho nội thất ô tô - thì họ càng nhanh chóng mệt mỏi và giải quyết theo hướng đòi hỏi sức chịu đựng thấp nhất, đó là chấp nhận phương án mặc định. Bằng việc lần theo theo thứ tự lựa chọn của những người mua xe, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khách hàng đã kết thúc với nhiều sự lựa chọn khác nhau, và tổng sự khác biệt trung bình là hơn 1.500 Euro cho mỗi xe (khoảng 2.000 USD vào thời điểm đó). Việc khách hàng phải trả thêm một khoản nhỏ để trang trí những chiếc bánh xe hay phải bỏ một khoản lớn cho một động cơ mạnh hơn phụ thuộc vào thời điểm lựa chọn được đưa ra (sớm hay muộn) và ý chí của khách hàng mạnh đến đâu.

Khi các nhà nghiên cứu quan sát những ảnh hưởng của việc sụt giảm ý chí, họ cố gắng tìm ra những điều gì đang diễn ra bên trong não. Câu trả lời xuất hiện bất ngờ trong một thí nghiệm vốn được thiết kế để thử nghiệm cho một quan điểm hoàn toàn khác, được gọi là lý thuyết Mardi Gras - cho rằng bạn có thể xây dựng ý chí bằng cách chiều theo ý thích bản thân trước tiên, chẳng hạn Mardi Gras luôn dự tiệc tùng trước khi bắt đầu mùa chay khắc nghiệt. Thay vào bữa ăn sáng giàu chất béo của ngày thứ Ba, các đầu bếp trong phòng thí nghiệm của Baumeister đã đánh kem đặc ngọt ngào kèm sữa lắc cho một nhóm các đối tượng đang nghỉ ngơi giữa hai bài tập đòi hỏi về sức mạnh ý chí được phòng thí nghiệm đưa ra. Không còn gì nghi ngờ nữa, món sữa lắc ngon lành dường như đã tăng cường sức mạnh ý chí thông qua việc giúp mọi người có biểu hiện tốt hơn mong đợi trong các bài tập kế tiếp. Mọi thứ lúc này vẫn diễn ra thuận lợi!

Nhưng thí nghiệm cũng được tiến hành với một nhóm kiểm soát, là những người được cung cấp một loại đồ uống nhạt nhẽo, được pha chế từ hỗn hợp các chế phẩm sữa ít béo. Nó đã không mang đến cho họ bất kỳ một sự thoả mãn nào, nhưng vẫn tạo ra sự cải thiện tương tự về khả năng tự kiểm soát. Lý thuyết Mardi Gras đã sai. Bên cạnh việc gỡ bỏ không thương tiếc đòi hỏi vui thú trên những khu phố ở New Orleans, kết quả này còn khiến các nhà nghiên cứu trở nên lúng túng. Matthew Gailliot, một sinh viên đã tốt nghiệp, người đã tiến hành nghiên cứu này, cúi đầu buồn bã khi ông nói với Baumeister về sự thất bại.

Baumeister đã cố gắng lạc quan. Có thể nghiên cứu này không phải là một thất bại. Một điều gì đó đã xảy ra, sau tất cả mọi thứ. Ngay cả loại thức uống hỗn độn và nhạt nhẽo cũng đã tạo ra hiệu quả, nhưng bằng cách nào? Nếu không phải là sự thoả mãn, liệu nó có thể là calo không? Thoạt đầu, ý tưởng này dường như hơi ngớ ngẩn. Trong nhiều thập kỷ trước đó, các nhà tâm lý học vẫn luôn nghiên cứu các hoạt động của trí óc mà không phải lo lắng về việc nó bị ảnh hưởng bởi một ly sữa. Họ vốn nhìn nhận tâm trí con người như một chiếc máy tính, tập trung vào cách thức nó vận hành thông tin. Hào hứng sơ đồ hoá con người tương tự như các chip và mạch điện tử của máy tính, hầu hết các nhà tâm lý học đã bỏ qua một điều tầm thường nhưng lại là yếu tố cần thiết của máy: dây nguồn.

Để xác minh nguyên nhân và kết quả, các nhà nghiên cứu đã thử sạc năng lượng cho bộ não trong một loạt các thí nghiệm có sử dụng nước chanh kết hợp với đường hoặc chất làm ngọt dành cho việc ăn kiêng.9 Kết quả lặp đi lặp lại, đường cải thiện khả năng tự kiểm soát, nhưng chất làm ngọt nhân tạo không có hiệu quả. Chỉ có đường mới cung cấp glucose cần thiết để tiếp nhiên liệu cho hoạt động cung ứng sức mạnh ý chí của não bộ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thức uống có đường vì nó tạo ra những hiệu ứng nhanh chóng tại phòng thí nghiệm, nhưng họ không khuyên sử dụng nó hằng ngày bởi vì đường tạo ra chu trình tăng đường huyết. Cơ thể chuyển đổi tất cả các loại đồ ăn thành glucose, và như vậy sẽ dễ dàng hơn để duy trì sự tự kiểm soát bằng cách ăn các loại thức ăn có khả năng giải phóng glucose chậm hơn và nhất quán hơn (như các loại rau và hạt).

Khi nghiên cứu tác động của sự mất dần khả năng tự kiểm soát bản thân, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nghĩ về sức mạnh ý chí giống như cơ bắp, nó bị suy yếu đi khi được sử dụng. Nhưng, giống như cơ bắp, liệu có thể củng cố sức mạnh cho nó thông qua tập luyện được hay không? Họ biết rằng việc tăng glucose nhanh chóng có thể tạm thời tăng cường sức mạnh ý chí, nhưng có cách nào để tăng sức chịu đựng dần dần theo thời gian hay không? Có điều gì liên hệ với quan niệm của con người thời đại Victoria về "xây dựng tính cách" hay những biểu đồ đánh giá hàng tuần của Benjamin Franklin và các bài tập của ông để tăng cường kỷ luật bản thân không? Tưởng như không có khả năng đó, nhưng sau đó một sự cố khác lại xảy ra trong phòng thí nghiệm của Baumeister.

Chú thích:

(1) W. Mischel, Y. Shoda, and P. Peake, “The Nature of Adolescent Competencies Predicted by Preschool Delay of Gratification,” Journal of Personality and Social Psycftology 54 (1988): 687–96.

(2) J. P. Tangney, R. F. Baumeister, and A. L. Boone, “High Self-Control Predicts Good Adjustment, Less Pathology, Better Grades, and Interpersonal Success,” Journal of Personality 72 (2004): 271–322.

(3) R. N. Wolfe and S. D. Johnson, “Personality as a Predictor of College Performance, “Educational and Psycftological Measurement 55 (1995): 177–85. Also see A. L.Duckworth and ft. E. P. Seligman, “Self-Discipline Outdoes IQ in Predicting Academic Performance of Adolescents,” Psycftological Science 16 (2005): 939–44.

(4) R. F. Baumeister et al., “Ego Depletion: Is the Active Self a Limited Resource?” Journal of Personality and Social Psycftology 74 (1998): 1252–65.

(5) R. F. Baumeister, K. D. Vohs, and D. ft. Tice, “Strength ftodel of Self-Control,” Current Directions in Psycftological Science 16 (2007): 351–55. ft. S. Hagger, C. Wood, C. Stiff, N. L. Chatzisarantis, “Ego depletion and the strength model of self-control: a meta-analysis,” Psycftological Bulletin 136 (2010): 495–525.

(6) W. Hofmann et al., “Everyday Temptations: An Experience Sampling Study of Desire, Conflict, and Self-control,” Journal of Personality and Social Psycftology 102 (2012): 1318–35. Mặc dù phân tích tổng hợp từ 83 nghiên cứu này đã chỉ ra một sự khẳng định về hiệu ứng suy giảm bản ngã, cường độ của của hiệu ứng này lại bị nghi vấn bởi vì một nghiên cứu theo sau đó bởi một trong những tác giả trong nhóm, M.S. Hagger, đã thất bại trong việc tìm ra bằng chứng chứng minh sự suy giảm bản ngã sau khi các đối tượng nghiên cứu tiến hành nhiệm vụ đọc trên máy tính. Baumeister đã phê bình phương pháp luận của nghiên cứu mới này với lập luận rằng nhiệm vụ thực hiện trên máy tính không làm suy giảm đáng kể ý chí của các chủ thể. Khi cuốn sách này được giới báo chí biết đến, ông và các nhà nghiên cứu khác đang chuẩn bị một phương pháp nghiên cứu mới để kiểm tra ảnh hưởng của sự suy giảm bản ngã.

(7) K. D. Vohs et al., “ftaking Choices Impairs Subsequent Self-Control: A Limited Resource Account of Decision ftaking, Self-Regulation, and Active Initiative,” Journal of Personality and Social Psycftology 94 (2008): 883–98.

(8) J. Levav et al., “Order of Product Customization Decisions: Evidence from Field Experiments,” Journal of Political Economics 118 (2010): 274–99.

(9) ft. Gailliot et al., “Self-control Relies on Glucose as a Limited Energy Source: Willpower is ftore Than a ftetaphor,” Journal of Personality and Social Psycftology 92 (2007): 325–336.

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Phạm Thúy Hồng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.