Hoá học não bộ giải thích sự tự do của con người và giúp chúng ta nhận ra nó như thế nào (Phần 2)

Hoá học não bộ giải thích sự tự do của con người và giúp chúng ta nhận ra nó như thế nào (Phần 2)

Xây dựng tính cách

Khi lên kế hoạch để cải thiện ý chí của con người, nhóm nghiên cứu của Baumeister quyết định thử nhiều chiến lược.10 Sau khi làm một thử nghiệm ban đầu về ý chí của sinh viên với một số bài tập trong phòng thí nghiệm, họ đã chia tay các sinh viên với những hướng dẫn khác nhau. Một nhóm được yêu cầu làm việc theo tư thế đã đề ra cho họ trong vòng hai tuần sau đó. Bất cứ khi nào họ nghĩ về công việc, họ phải cố gắng đứng thẳng hoặc ngồi thẳng. Vì hầu hết các sinh viên đại học này (hay bất kỳ sinh viên nào) thường hay có tư thế đứng hoặc ngồi thõng vai một cách cẩu thả, các bài tập sẽ buộc họ phải bỏ ra năng lượng để gạt bỏ những phản ứng theo thói quen của họ. Một nhóm thứ hai đã được sử dụng để kiểm tra lại quan điểm cho rằng ý chí cạn kiệt là do năng lượng được yêu cầu cho cơ chế tự giám sát bản thân (giống như quyết tâm của Jefferson để theo dõi chi tiêu của ông). Những sinh viên này được yêu cầu ghi lại bất cứ thứ gì họ ăn trong vòng hai tuần sau đó. Họ không phải thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống của mình, mặc dù có thể một vài người trong số họ sẽ thấy xấu hổ và thực hiện một số điều chỉnh. (Hừm, Thứ hai, pizza và bia. Thứ ba, pizza và rượu. Thứ tư, xúc xích và Coca. Có lẽ nhìn nó sẽ ổn hơn nếu thi thoảng tôi ăn salad hoặc táo). Một nhóm thứ ba đã được sử dụng để kiểm tra hiệu quả của việc thay đổi tâm trạng. Họ đã được hướng dẫn để hướng đến những tâm trạng và cảm xúc tích cực trong suốt hai tuần. Bất cứ khi nào những sinh viên này cảm thấy buồn, họ phải làm cho mình cảm thấy phấn chấn lên. Nhận thấy nhóm này có tiềm năng chiến thắng, các nhà nghiên cứu đã lựa chọn để tăng số lượng người nhóm này gấp đôi so với các nhóm khác, để có được kết quả đáng tin cậy nhất về mặt thống kê.

Nhưng linh cảm của các nhà nghiên cứu đã hoàn toàn sai lầm. Chiến lược họ tâm đắc hóa ra không có hiệu quả gì. Khi những sinh viên quay trở lại phòng thí nghiệm và lặp lại các bài thử nghiệm về khả năng tự kiểm soát, thì nhóm lớn, nhóm những người đã thực hiện kiểm soát cảm xúc trong hai tuần cho thấy không cải thiện được gì. Nhìn lại quá khứ thì thất bại lần này có vẻ như không gây bất ngờ như trước đó. Điều chỉnh cảm xúc không hề dựa vào ý chí. Con người không thể bắt mình phải lòng ai đó hay tự khiến mình cảm thấy vô cùng vui vẻ, hay tự dừng lại cảm giác hối lỗi. Một cách đặc thù, kiểm soát cảm xúc thường dựa nhiều vào thủ thuật tinh vi khác nhau, chẳng hạn như thay đổi cách nghĩ của một ai đó về một vấn đề trong tầm tay hoặc tự làm sao lãng chính bản thân mình. Bởi lí do trên, việc thực hiện kiểm soát cảm xúc không tăng cường sức mạnh ý chí của bạn.

Tuy nhiên, các bài tập khác lại mang lại kết quả hữu ích, vì đã được chứng minh bởi các nhóm trong thử nghiệm làm việc đúng tư thế và ghi chép lại mọi thứ đã ăn. Khi họ trở lại phòng thí nghiệm sau hai tuần, điểm số của họ trong các bài kiểm tra về khả năng tự kiểm soát đã tăng lên, và sự cải thiện này cao hơn đáng kể so với nhóm kiểm soát cảm xúc (nhóm người không phải thực hiện bất kỳ loại bài tập nào trong suốt hai tuần). Đây là một kết quả rất ấn tượng và với những phân tích tỉ mỉ về số liệu, các kết luận trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Khác hẳn với dự đoán, kết quả tốt nhất đến từ nhóm thực hiện làm việc đúng tư thế. Lời khuyên răn cổ hủ và gây chán nản - "Ngồi thẳng lên!" - hữu ích hơn tưởng tượng của bất kỳ ai. Bằng cách gạt bỏ thói quen đứng ngồi thõng vai xuống, các sinh viên đã củng cố sức mạnh ý chí của mình và hoàn thành tốt hơn các bài tập không liên quan gì đến tư thế. Các sinh viên làm theo lời khuyên một cách siêng năng nhất đã cho thấy rõ sự cải thiện (bằng cách ghi lại hàng ngày về tần suất mà những sinh viên này buộc mình phải ngồi hoặc đứng thẳng). 

Thử nghiệm này cũng khám phá ra một sự khác biệt quan trọng giữa hai loại sức lực trong tự kiểm soát: sức mạnh và sức bền. Ở các bài tập đầu tiên, người tham gia bắt đầu bằng cách bóp chặt tay nắm có gắn lò xo lâu nhất có thể (điều này đã được chứng minh trong các thí nghiệm khác là thước đo của ý chí, chứ không đơn thuần là sức mạnh thể chất). Tiếp đó, sau khi sử dụng năng lượng trí óc vào một bài tập khác, họ thực hiện bài tập tay nắm lần hai, nhằm đánh giá được họ ở tình trạng như nào khi sức mạnh ý chí đã cạn kiệt. Trải qua thời gian thực hiện làm việc đúng tư thế, hai tuần sau đó, họ trở lại phòng thí nghiệm, điểm số của họ trong bài kiểm tra tay nắm đầu tiên không cải thiện nhiều, có nghĩa là sức mạnh ý chí đã không mạnh hơn. Nhưng họ lại có sức bền lớn hơn, bằng chứng là biểu hiện của họ được cải thiện trong bài kiểm tra tay nắm thứ hai, sau khi các nhà nghiên cứu đã cố gắng làm cho họ mệt mỏi. Nhờ vào bài tập tư thế chuẩn cho các sinh viên, sức mạnh ý chí của họ đã không cạn kiệt nhanh như trước, nhờ đó họ có thêm sức bền cho các nhiệm vụ khác. 

Bạn có thể thử thí nghiệm tư thế chuẩn hai tuần để cải thiện sức mạnh ý chí của chính mình, hoặc bạn có thể thử các bài tập khác. Không có ma thuật gì khi ngồi thẳng cả, vì sau đó các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng khi họ thử nghiệm bằng các phác đồ khác thì vẫn nhận thấy những lợi ích tương tự. Bạn có thể chọn trong số các kỹ thuật họ đã nghiên cứu, hoặc ngoại suy để tạo ra hệ thống của riêng mình. Điểm mấu chốt là phải tập trung vào việc thay đổi một hành vi đã thành thói quen. Nếu bạn là người thuận tay phải, bạn có thể thử sử dụng tay trái thay vì tay phải theo thói quen để đánh răng, sử dụng chuột máy tính, mở cửa, hoặc nhấc ly lên môi. Bạn có thể thử thay đổi thói quen nói bằng cách buộc mình chỉ nói những câu hoàn chỉnh, hoặc luôn luôn nói "đồng ý" thay vì nói "được thôi".

Hay bạn có thể chỉ đơn giản cải thiện khả năng tự kiểm soát của mình trong một khía cạnh của cuộc sống, như nhiều sinh viên đã làm trong một cuộc thử nghiệm ở Úc.11 Các nhà nghiên cứu, Meg Oaten và Ken Cheng, đã tiến hành huấn luyện về nhiều hình thức tự cải thiện bản thân. Một số sinh viên đã được cấp tư cách hội viên của một phòng tập gym và được giúp đỡ trong việc thiết lập một chương trình thể dục. Một nhóm khác được huấn luyện để cải thiện thói quen học tập của họ. Số khác thực hiện công việc về quản lý tiền bạc bằng cách thiết lập ngân sách và theo dõi những gì họ chi tiêu. Thỉnh thoảng tất cả sinh viên trở lại phòng thí nghiệm để tiến hành một bài tập dường như không hề liên quan đến các chương trình tự cải thiện của họ. Họ phải nhận diện các mô hình trên màn hình máy tính đồng thời phải tự kiểm soát mình tránh khỏi một thứ gây nhiễu gần đó (một đoạn video kể chuyện hài hước được phát trên truyền hình). Nhiều tuần trôi qua, các sinh viên đã tiến bộ không ngừng khi phớt lờ được sự hấp dẫn từ những câu chuyện hài hước. Họ cũng đạt được sự tiến bộ trong những mục tiêu khác nhau. Những người trong chương trình tập luyện thể dục đã có dáng vóc vừa vặn hơn; Những người thực hiện kỷ luật học tập đã hoàn thành nhiều bài tập ở trường hơn; Những người trong chương trình quản lý tiền bạc đã tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

Nhưng - đây mới là một sự ngạc nhiên thực sự thú vị - họ còn trở nên tốt hơn trong các lĩnh vực khác. Các sinh viên đã thực hiện chương trình kỷ luật học tập báo cáo rằng họ luyện tập thể chất thường xuyên hơn và cắt giảm những chi tiêu bốc đồng. Những người trong chương trình quản lý tiền bạc và tập thể dục đã học tập chăm chỉ hơn. Các bài tập tự kiểm soát ở một lĩnh vực dường như đã cải thiện mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Họ hút thuốc lá ít hơn và uống ít rượu hơn. Họ giữ nhà cửa sạch sẽ hơn. Họ rửa bát đĩa thay vì để chúng xếp thành từng chồng trong bồn rửa, và giặt quần áo thường xuyên hơn. Họ trì hoãn ít hơn. Họ ưu tiên giải quyết công việc và làm việc vặt trong nhà trước tiên thay vì xem truyền hình hay đi chơi với bạn bè. Bằng cách tăng sức mạnh cho ý chí, họ đã đạt được mục tiêu xây dựng tính cách của con người thời đại Victoria. Người Victoria vốn có danh tiếng về khả năng kiềm chế - và họ có thể hơi kỳ quặc trong tình dục - nhưng họ biết rằng tự kiểm soát là một hình thức giải phóng. Đó là lý do tại sao nó là một phẩm hạnh tinh túy của con người. Nhờ việc có thể chống lại sự bốc đồng ập đến trong chốc lát, bạn được tự do lập kế hoạch cho tương lai của mình và sống trong một xã hội mà những người xung quanh bạn cũng tự do lập kế hoạch của chính họ.

Xã hội tự do và bạn bè của nó

Trong lúc các nhà tâm lý học đang xác định những lợi ích của sự tự kiểm soát, các nhà nhân chủng học và các nhà nghiên cứu thần kinh học lại cố gắng để hiểu nó tiến hoá như thế nào. Bộ não của con người được phân biệt với loài khác bởi những thùy trán lớn và phức tạp, đem đến cho chúng ta thứ được coi là lợi thế tiến hóa cốt yếu: trí thông minh để giải quyết các vấn đề của môi trường sống. Rốt cuộc, một con vật thông minh hơn chắc chắn có thể sống sót và sinh sản tốt hơn là một con vật ngu đần. Nhưng bộ não lớn cũng đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Não người trưởng thành chiếm 2% cơ thể nhưng tiêu thụ tới hơn 20% năng lượng của nó. Chất xám chỉ hữu ích nếu nó giúp cho động vật có khả năng lấy thêm đủ lượng calo để cung cấp năng lượng cho nó, và các nhà khoa học không hiểu được bằng cách nào mà bộ não người đã tự nuôi chính mình. Chính xác là điều gì đã làm cho não người lớn hơn bao giờ hết với những thùy trán mạnh mẽ được di truyền qua chọn lọc gen?

Giải thích ban đầu cho bộ não lớn liên quan đến chuối và các trái cây giàu calo khác. Động vật ăn cỏ không cần phải suy nghĩ nhiều về địa điểm tìm bữa ăn tiếp theo. Nhưng với một cây chuối đã chín quả từ tuần trước thì có thể sẽ bị ăn hết sạch ngày hôm nay hoặc có thể chỉ để lại những trái chín mềm nhũn, màu nâu, nhìn không còn hấp dẫn. Con vật ăn chuối cần một bộ não lớn hơn để nhớ được nơi có chuối chín, và não được cung cấp năng lượng từ toàn bộ lượng calo có trong những trái chuối đó, vì vậy "lý thuyết não bộ tìm kiếm trái cây" mang lại khá nhiều ý nghĩa - nhưng chỉ trên lý thuyết. Nhà nhân chủng học Robin Dunbar không tìm thấy căn cứ nào cho lý thuyết này khi ông tiến hành khảo sát não bộ và chế độ ăn uống của các loài động vật khác nhau. Kích thước não và loại thức ăn vốn không có sự tương quan với nhau.

Dunbar cuối cùng đã kết luận rằng bộ não lớn không tiến hoá để đối phó với môi trường vật chất, mà với một điều mang ý nghĩa quyết định sự sống còn, đó là: đời sống xã hội.12 Những con vật có bộ não lớn hơn sẽ có mạng lưới xã hội lớn hơn và phức tạp hơn. Điều đó đưa đến một cách hiểu mới mẻ nữa về Homo sapiens [Người tinh khôn]. Con người là động vật linh trưởng có thùy trán lớn nhất bởi vì chúng ta có các nhóm xã hội lớn nhất, và đó rõ ràng là lý do tại sao chúng ta cần đến sự tự kiểm soát nhiều nhất. Chúng ta có xu hướng suy nghĩ về ý chí như là một sức mạnh để cải thiện cá nhân – giữ vững chế độ ăn kiêng, làm việc đúng giờ, chạy bộ thể dục, bỏ hút thuốc - nhưng đó có lẽ không phải là lý do chính để não bộ tiến hoá tối ưu từ thời đại tổ tiên của chúng ta.

Linh trưởng là những sinh vật xã hội, chúng phải có khả năng tự kiểm soát bản thân để phù hợp với những sinh vật còn lại trong nhóm. Chúng dựa vào nhau để có đủ thức ăn cần thiết cho sự sống. Khi chia sẻ thức ăn, thường thì con đực lớn nhất và mạnh nhất được lựa chọn ăn thứ gì đầu tiên, trong khi những con khác thì chờ đến lượt mình theo thứ tự địa vị. Đối với động vật, để tồn tại trong một nhóm như vậy mà không bị tấn công, chúng phải biết kiềm chế những điều thôi thúc chúng đánh chén ngay lúc đó. Tinh tinh và khỉ không thể trải qua một bữa ăn trong hoà bình nếu chúng mang bộ não có kích cỡ như của sóc. Chúng có lẽ sẽ tiêu tốn nhiều calo cho việc chiến đấu hơn là lượng chúng tiêu thụ trong bữa ăn.

Mặc dù các loại động vật linh trưởng khác có sức mạnh trí óc để thể hiện một số nghi thức thô sơ vào bữa ăn, nhưng sự tự kiểm soát của chúng vẫn còn khá nhỏ bé so với tiêu chuẩn của con người. Các chuyên gia phỏng đoán rằng ngoại trừ con người ra, động vật linh trưởng thông minh nhất có thể dùng trí óc để dự phóng cho khoảng độ 20 phút trong tương lai - đủ lâu để cho con đực đầu đàn đánh chén xong, nhưng không đủ lâu để có thể lập kế hoạch cho điều gì vượt xa hơn bữa tối.13 (Một số động vật, như loài sóc, theo bản năng, tự chôn và lấy thức ăn sau đó, nhưng đây là những hành vi được định hình sẵn chứ không phải là kế hoạch lưu trữ đồ ăn có ý thức). Trong một thí nghiệm, khi những con khỉ được cho ăn duy nhất một lần trong ngày, vào buổi trưa, thì chúng không hề học cách tiết kiệm lương thực cho tương lai. Mặc dù, trong suốt thời gian cho ăn trưa, có thể lấy bất kể bao nhiêu theo ý muốn, nhưng chúng chỉ đơn giản là ăn đến no bụng, hoặc bỏ qua phần còn lại hoặc lãng phí nó bằng cách dùng thức ăn ném nhau. Chúng thức dậy mỗi sáng trong tình trạng đói khát vô cùng vì chưa lần nào chúng giấu đi một phần thức ăn của bữa trưa để dành cho bữa tối hoặc bữa sáng.

Con người hiểu biết hơn nhờ vào bộ não lớn phát triển từ thời của Homo tổ tiên của chúng ta, hai triệu năm trước. Nhiều hoạt động tự kiểm soát được vận hành một cách vô thức. Trong một bữa trưa bàn chuyện làm ăn, bạn không phải dùng ý thức để ngăn bản thân không ăn thịt ở đĩa của ông chủ. Phần não vô thức của bạn liên tục giúp bạn tránh được thảm họa xã hội, và nó hoạt động theo nhiều cách mạnh mẽ và tinh vi đến mức một số nhà tâm lý học đã xem nó như một ông chủ thực sự. Sự say mê với các quá trình vô thức này bắt nguồn từ một sai lầm cơ bản của các nhà nghiên cứu, khi họ có thói quen chia cắt hành vi thành các đơn vị mỏng hơn, gọn hơn và xác định các phản ứng xảy ra cực nhanh cho miền ý thức là sự chỉ đạo. Nếu bạn nhìn vào nguyên nhân của một số chuyển động trong một khung thời gian đo bằng mili giây, nguyên nhân trực tiếp sẽ là sự lan tỏa của một số tế bào thần kinh nối não với các cơ. Không có ý thức trong quá trình đó. Không một ai nhận thức được sự lan toả của các tế bào thần kinh.

Nhưng người ta phát hiện ra sự tồn tại của ý chí với chức năng kết nối các hành vi đơn lẻ theo thời gian.14 Ý chí bao gồm việc xem tình hình hiện tại như là một cấu phần của một mô thức tổng thể.15 Hút một điếu thuốc sẽ không huỷ hoại sức khoẻ của bạn. Dùng heroin một lần sẽ không làm bạn nghiện. Một miếng bánh sẽ không làm bạn béo, và bỏ qua một nhiệm vụ được phân công không làm tiêu tan sự nghiệp của bạn. Nhưng để giữ được sự khỏe mạnh và công việc của mình, bạn phải xem (hầu hết) mọi phân đoạn như một sự phản ánh của nhu cầu chung để chống lại những cám dỗ này. Đó là nơi sự tự kiểm soát bằng ý thức bắt đầu, và đó là lý do tại sao nó tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại trong mọi khía cạnh của cuộc sống, như kết quả báo cáo sau khi tiến hành nghiên cứu của các nhà khoa học.

Ở nơi làm việc, những nhà quản lý có được khả năng tự kiểm soát bản thân tốt được đánh giá cao hơn bởi cấp dưới cũng như các đồng nghiệp của họ. Những người có khả năng tự kiểm soát tốt dường như rất giỏi trong việc hình thành và duy trì sự gắn bó chắc chắn và thuyết phục người khác. Họ có sự đồng cảm hơn với những người xung quanh và xem xét sự việc từ góc độ của người khác. Họ ổn định hơn về mặt cảm xúc và ít khi rơi vào sự lo lắng, chán nản, chứng hoang tưởng, bệnh tâm thần, hành vi ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ăn uống, tình trạng lạm dụng rượu và các chứng bệnh khác. Họ ít khi tức giận, và khi họ tức giận, cũng ít khả năng họ gây sự hơn, kể cả bằng lời nói hay tấn công thể xác. Trong khi đó, những người có khả năng tự kiểm soát kém lại có xu hướng tấn công đối tác và phạm nhiều lỗi lầm hết lần này đến lần khác, theo lời giải thích của June Tangney, người cùng làm việc với Baumeister để phát triển thước đo khả năng tự kiểm soát trong các thử nghiệm về nhân cách. Khi cô thử nghiệm với những tù nhân và theo dõi họ trong nhiều năm sau khi được thả ra, cô thấy rằng những người có khả năng tự kiểm soát thấp thường phạm tội nhiều hơn và lại bị bỏ tù.16

Bằng chứng hùng hồn nhất đã được công bố vào năm 2011. Trong một nghiên cứu công phu, tiền hành trong một thời gian dài, với quy mô lớn hơn và triệt để hơn bất cứ nghiên cứu nào đã thực hiện trước đó, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã theo dõi hàng ngàn trẻ em ở New Zealand từ khi sinh ra cho đến khi ba mươi hai tuổi17. Sự tự kiểm soát của mỗi đứa trẻ được đánh giá xếp loại bằng nhiều cách khác nhau (thông qua quan sát của các nhà nghiên cứu cũng như qua báo cáo về các vấn đề từ cha mẹ, thầy cô, và chính các em nhỏ). Điều này đã tạo ra một thước đo đặc biệt đáng tin cậy về khả năng tự kiểm soát của trẻ, và điều này cho phép các nhà nghiên cứu có thể đối chiếu nó với một phạm vi rộng các thành quả trong thời kỳ thanh thiếu niên và bước vào tuổi trưởng thành. Trẻ em có khả năng tự kiểm soát cao khi lớn lên và trở thành người trưởng thành sẽ có sức khoẻ thể chất tốt hơn, bao gồm tỷ lệ béo phì thấp hơn, ít bệnh lây qua đường tình dục hơn, và thậm chí là răng chắc khỏe hơn. (Rõ ràng là tự kiểm soát tốt sẽ bao gồm cả việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa). Tự kiểm soát không liên quan đến vấn đề trầm cảm ở người trưởng thành, nhưng sự thiếu hụt khả năng này sẽ làm cho người ta có xu hướng lạm dụng rượu và ma túy nhiều hơn.

Những trẻ em có khả năng tự kiểm soát kém có khuynh hướng về sau sẽ túng thiếu hơn về mặt tài chính. Họ làm những công việc có lương tương đối thấp, có rất ít tiền trong ngân hàng và khó có khả năng sở hữu một căn nhà hay có tiền để dành lúc nghỉ hưu. Khi trưởng thành, họ khiến cho nhiều đứa trẻ phải lớn lên trong gia đình của ông bố bà mẹ đơn thân, có lẽ bởi vì họ phải trải qua một thời gian khó khăn hơn để thích nghi với kỷ luật cần thiết cho một mối quan hệ lâu dài. Những đứa trẻ có khả năng tự kiểm soát tốt về sau thường có xu hướng kết hôn ổn định và nuôi dạy con cái trong một gia đình có đủ cả bố và mẹ. Cuối cùng, nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng, những đứa trẻ có khả năng tự kiểm soát kém thường bị vào tù. Trong số những người có mức độ tự kiểm soát thấp nhất, hơn 40% đã từng bị kết án hình sự vào năm 32 tuổi, so với những người được đánh giá cao về khả năng tự kiểm soát khi còn thiếu niên thì con số này chỉ là 12%.

Không có gì đáng ngạc nhiên, một vài sự khác biệt nói trên có liên quan đến trí tuệ, tầng lớp xã hội và chủng tộc, nhưng ngay cả khi những yếu tố đó đã được tính đến thì tất cả những kết quả này vẫn có ý nghĩa thống kê. Vẫn là những nhà nghiên cứu đó, trong một nghiên cứu tiếp theo, họ theo dõi anh em, chị em trong cùng một gia đình để có thể so sánh giữa những đứa trẻ lớn lên trong cùng một nhà. Một lần nữa, kết quả được lặp lại, người có khả năng tự kiểm soát thấp hơn trong suốt thời thơ ấu sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn khi ở độ tuổi trưởng thành: đau ốm hơn, nghèo khó hơn, khả năng bị vào tù lớn hơn. Kết quả không thể rõ ràng hơn: tự kiểm soát là sức mạnh sống còn và là chìa khóa thành công trong cuộc đời.

Nỗ lực tái khám phá về sự tự kiểm soát đã khôi phục lại một số quan niệm của con người thời đại Victoria và là nguyên nhân khiến các nhà nghiên cứu phải xem xét lại những giả thuyết "cấp tiến" (progressive) của chính họ. Những người theo “tư tưởng cấp tiến” đầu tiên, vào đầu thế kỷ XX, đã hình dung một nước Mỹ được dẫn đường bởi các chuyên gia, những người sử dụng các nguyên tắc khoa học để đúc nặn ra một kiểu xã hội mới. Họ tin rằng tương lai thuộc về những nước chú trọng vào trách nhiệm tập thể hơn là trách nhiệm cá nhân. Nhiều nhà khoa học xã hội hăng hái đồng ý với công trình đó – sau tất cả, họ đều là những chuyên gia được chứng nhận trong việc định hình hành vi của con người. Họ đưa ra cơ sở hợp lý cho Luật cấm nấu và bán rượu, và sau khi cuộc cải cách theo hướng cấp tiến bị thất bại, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm những cách thức mới để chỉnh đốn phần còn lại của đất nước. Nhà nước bảo mẫu ngày càng phình to và chỉ định những tệ nạn nào là hợp pháp, những cám dỗ nào được phép quảng cáo, những loại thuốc nào có thể được bán, thực phẩm nào được cho phép, loại đồ uống có đường nào là cấm kị (bất kỳ loại nào trên 16 ounces ở thành phố New York).

Những người chỉ trích các chính sách cấp tiến này đã bị gạt ra như là những kẻ lỗi thời phản khoa học hoặc tồi tệ hơn. Các nhà khoa học xã hội này bị cáo buộc là phản đối các mục tiêu tiến bộ và níu bám vào các quan điểm truyền thống, thứ vẫn được họ xếp vào chủ nghĩa bảo thủ. Những người tin vào các quan niệm truyền thống về trách nhiệm cá nhân, nếu tốt đẹp thì trở thành kẻ khờ khạo và tồi tệ nhất sẽ là những kẻ áp bức. Các nhà tâm lý học nhận định rằng những người này, được xác định là người có khuynh hướng tư tưởng bảo thủ, sẽ là những kẻ độc đoán, phản khoa học, giáo điều, và chống đối lại những ý tưởng mới.18 Sự nhấn mạnh vào cá nhân trong tập thể được xem là một chiến lược để bảo vệ vị thế của họ trong hệ thống thứ bậc. Năm 2004, khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra trong các lớp học kinh tế, những sinh viên có khuynh hướng tư tưởng bảo thủ có điểm số cao hơn so với những người có khuynh hướng tư tưởng khai phóng, lời giải thích dường như đã trở nên rõ ràng: Những người theo khuynh hướng bảo thủ đang bảo vệ các đặc quyền từ vị thế xã hội của họ.19 "Những chuyên ngành cung cấp cho sinh viên khả năng tiếp cận quyền lực kinh tế và xã hội trong tương lai có xu hướng ưu ái những cá nhân có thái độ củng cố trật tự xã hội hiện hữu", các nhà nghiên cứu đã viết. Họ không thể giải thích chính xác làm thế nào các sinh viên theo khuynh hướng bảo thủ nhận được điểm cao hơn, nhưng rõ ràng là các khoa kinh tế ở các trường đại học đã duy trì hệ thống tầng lớp thống trị ở Mỹ bằng cách “tạo ra một lợi thế khác biệt cho các cá nhân được mong đợi có thể duy trì một hệ thống thứ bậc xã hội dựa trên các nhóm".

Một thập kỷ sau đó, một vài nhà khoa học xã hội khác đã đưa ra một cái nhìn khác về sự khác biệt giữa các sinh viên theo khuynh hướng bảo thủ và khai phóng.20 Lần này, thay vì lý thuyết về chế độ gia trưởng mang màu sắc phân biệt chủng tộc, họ đã kiểm tra khả năng tập trung vào các bài tập về trí óc của các sinh viên. Hoá ra các sinh viên có khuynh hướng bảo thủ có khả năng tự kiểm soát tốt hơn so với các sinh viên có khuynh hướng khai phóng, một phát hiện đưa đến lời giải thích trực tiếp hơn cho điểm số cao hơn của họ. Nó cũng giúp giải thích về niềm tin chính trị bảo thủ của họ. Những người có niềm tin vào khả năng tự kiểm soát cá nhân không tự động trông đợi sự bảo vệ của nhà nước, kể cả cho bản thân hay cho những người xung quanh họ. Thay vào đó, họ tập trung vào kỷ luật tự giác của mình bằng cách sử dụng các chiến lược cơ bản giống như của Thomas Jefferson và Ben Franklin.

Bước đầu tiên trong việc cải thiện khả năng tự kiểm soát là đặt mục tiêu, điều này nghe có vẻ đơn giản. Nhưng tất cả chúng ta đều vấp phải thứ mà các nhà tâm lý học gọi là "ngụy tạo kế hoạch": chúng ta thường đánh giá thấp công việc sẽ mất bao lâu. Một dự án thường mất gấp đôi thời gian so với dự tính và thông thường thì còn lâu hơn thế. Đó là lý do tại sao lượng mục tiêu mọi người thường đặt ra theo tuần còn nhiều hơn là số họ có thể hoàn thành trong cả tháng. Tốt hơn hết là bạn nên lựa chọn một vài mục tiêu quan trọng – có lẽ chỉ cần một mục tiêu cho một tuần - và sau đó theo dõi sự tiến bộ của bạn một cách kỹ lưỡng. Giám sát sự tiến bộ của bạn khi hướng đến một mục tiêu cũng quan trọng như việc thiết lập mục tiêu. Đó là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ loại hình tự kiểm soát nào. Nếu bạn muốn cắt giảm chi tiêu của mình, hãy theo dõi nó mỗi tuần. Nếu bạn muốn giảm cân, hãy đứng lên chiếc cân mỗi ngày - đó là một trong số ít cách thức đã được chứng minh lâm sàng cho việc giảm cân.21

Một chiến lược cần thiết khác, thứ mà Baumeister gọi là "chơi tấn công", xuất hiện từ một nghiên cứu tiến hành theo dõi những người có kỷ luật tự giác liên tục cả ngày.22 Các nhà nghiên cứu muốn thấy họ thường xuyên sử dụng sức mạnh ý chí để chế ngự những cám dỗ. Nhưng hoá ra những người có kỷ luật thực sự ít sử dụng sức mạnh ý chí hơn mức trung bình. Các nhà nghiên cứu thấy rất bối rối cho đến khi họ tìm ra bí mật của những người này: họ cấu trúc cuộc sống của họ để giảm thiểu cám dỗ. Họ tránh xa tất cả các bữa tiệc buffet được ăn thoải mái. Họ không để những bát kẹo trên bàn làm việc hoặc vài gallon kem trong tủ đá. Nếu họ muốn tập trung vào một dự án, họ tắt thông báo email của mình. Họ bảo toàn nguồn cung ý chí hạn hẹp để sẵn sàng cho những trường hợp khẩn cấp và các quyết định quan trọng. Họ chơi tấn công, không phòng thủ, và vì vậy họ đã thành công.

Sức mạnh ý chí cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ loại hình thành công cá nhân nào, và xét đến cùng thì sự tự kiểm soát có ý nghĩa vượt xa khỏi sự tự giúp chính mình. Trong số tất cả những lợi ích đã được chứng minh trong các thí nghiệm của Baumeister, một trong những điều hứng khởi nhất là: những người có ý chí mạnh mẽ hơn sẽ vị tha hơn.23 Họ quyên góp từ thiện, làm tình nguyện và cung cấp nhà riêng của mình như một nơi nương tựa cho những ai không có chỗ để đi. Sức mạnh ý chí đã tiến hoá bởi vì nó là điều kiện cần giúp cho tổ tiên của chúng ta có thể hoà hợp được với phần còn lại trong thị tộc, và nó vẫn còn phục vụ mục đích đó ngày hôm nay. Kỷ luật bên trong vẫn luôn dẫn đến hành xử tử tế, tốt đẹp ở bên ngoài.

Quan niệm về tự do cá nhân của những nhà lập quốc Hoa Kỳ có thể trở nên kỳ quặc đối với những người kêu gọi nhà nước bảo vệ quần chúng với ý chí yếu mềm khỏi những đe dọa và cám dỗ mới. Nhưng sự khám phá lại về sức mạnh ý chí đưa đến một cái nhìn thay thế: một xã hội mà trong đó các cá nhân có trí tuệ và sức mạnh để đối phó với những vấn đề mới. Sức mạnh ý chí của chúng ta đã làm cho chúng ta trở thành những sinh vật có khả năng thích nghi tốt nhất trên hành tinh này và chúng ta đang tìm hiểu làm thế nào để sử dụng nó vì lợi ích chung. Một lần nữa, chúng ta hiểu ra rằng sức mạnh ý chí là đức tính để phân biệt giữa các loài, và mang đến tự do cho mỗi chúng ta.

Chú thích:

(10) ft. fturaven, R. F. Baumeister, and D. ft. Tice, “Longitudinal Improvement of Self-Regulation through Practice: Building Self-Control through Repeated Exercise,” Journal of Social Psycftology 139 (1999): 446–57.

(11) ft. Oaten and K. Cheng, “Improved Self-Control: The Benefits of a Regular Program of Academic Study,” Basic and Applied Social Psycftology 28 (2006): 1–16; ft. Oaten and K. Cheng, “Longitudinal Gains in Self-Regulation from Regular Physical Exercise,” Britisft Journal of Healtft Psycftology 11 (2006): 717–33; ft. Oaten and K. Cheng, “Improvements in Self-Control from Financial ftonitoring,” Journal of Economic Psycftology 28 (2006): 487–501.

(12) R. I. ft. Dunbar, “The Social Brain Hypothesis,” Evolutionary Antftropology 6 (1998): 178–90.

(13) W. A. Roberts, “Are Animals Stuck in Time?” Psycftological Bulletin 128 (2002): 473–89.

(14) M. Donald, A Mind So Rare: Tfte Evolution of Human Consciousness (New York: Norton, 2002).

(15) G. Ainslie, Breakdown of Will (New York: Cambridge University Press, 2001).

(16) J. Mathews et al., “Reliability and Validity of the Brief Self-Control Scale among Incarcerated Offenders” (poster presented at the annual meeting of the American Society of Criminology, Atlanta, Georgia, November 2007).

(17) T. Hoffitt et al., “A Gradient of Self-Control Predicts Health, Wealth, and Public Safety,” Proceedings of tfte National Academy of Sciences ( January 24, 2011), http:// www.pnas.org/content/early/2011/01/20/1010076108.

(18) A. S. Westman, J. Willink, and J. W. ftcHoskey, “On Perceived Conflicts be- tween Religion and Science: The Role of Fundamentalism and Right-Wing Authoritarianism,” Psycftological Reports 86 (2000): 379–85; John T. Jost et al., “Political Conservatism as ftotivated Social Cognition,” Psycftological Bulletin 129 (2003): 339–375.

(19) Markus Kemmelmeier, Cherry Danielson, and Jay Basten, “What’s In a Grade? Academic Success and Political Orientation,” Personality and Social Psycftology Bulletin 31 (2005): 1386–1399.

(20) Joshua J. Clarkson et al., “The Self-control Consequences of Political Ideology,”PNAS 112 (2015): 8250–3.

(21) R. R. Wing et al., “‘STOP Regain’: Are There Negative Effects of Daily Weighing?” Journal of Consulting and Clinical Psycftology 75 (2007): 652–56.

(22) Hofmann et al., “Everyday Temptations,” 1318–35.

(23) C. N. DeWall et al., “Depletion ftakes the Heart Grow Less Helpful: Helping as a Function of Self-regulatory Energy and Genetic Relatedness,” Personality and Social Psycftology Bulletin 34 (2008) 1663–76.

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Phạm Thúy Hồng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.