Nền kinh tế thời chiến

Nền kinh tế thời chiến

 
 
 
 
 
 
 
 
 

1. Chiến tranh và nền kinh tế thị trường

Chế độ dân chủ là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế thị trường trong các vấn đề trong nước; hòa bình là một sản phẩm tất yếu của nó trong chính sách với nước ngoài. Nền kinh tế thị trường có nghĩa là hợp tác trong hòa bình và trao đổi hàng hóa và dịch vụ trong hòa bình. Nó không thể tồn tại khi có sự giết chóc diễn ra hàng ngày.

Nền kinh tế thị trường và nền văn minh không song hành với chiến tranh. Đây là điều hoàn toàn chưa được nhận thức do sự phát triển tiến bộ của nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi cội rễ của bản thân chiến tranh. Nó dần biến cuộc chiến tranh toàn diện thời cổ đại thành chiến tranh lính trận (soldiers’ war) thời hiện đại.

Chiến tranh toàn diện giống như một đoàn người đang di chuyển để chiến đấu và để cướp bóc. Toàn bộ bộ lạc, toàn bộ người dân đều di chuyển; không một ai – kể cả phụ nữ hoặc trẻ nhỏ – ở lại trừ khi họ phải thực hiện các nghĩa vụ cần thiết cho cuộc chiến tại đó. Việc huy động là mang tính tổng thể và người dân luôn sẵn sàng tham gia cuộc chiến. Mỗi người đều là một chiến binh hoặc phục vụ như một chiến binh. Quân đội và quốc gia, quân đội và nhà nước đều là một. Không có gì khác biệt giữa các chiến binh và người dân thường. Mục đích của cuộc chiến là để tiêu diệt toàn bộ quốc gia thù địch. Cuộc chiến tranh toàn diện không thể kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình mà phải bằng một chiến thắng hoàn toàn hoặc một thất bại hoàn toàn. Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ bại trận đều bị tiêu diệt; việc họ trở thành nô lệ được coi là một sự khoan hồng. Chỉ có quốc gia chiến thắng là tồn tại.

Trái lại, trong chiến tranh lính trận, chỉ có quân đội tham chiến còn những người dân không trong lực lượng vũ trang tiếp tục cuộc sống thường nhật của họ. Công dân chi trả chi phí chiến tranh; họ trả cho chi phí để duy trì chiến tranh và cho các trang thiết bị của quân đội, nhưng mặt khác bản thân họ vẫn đứng ngoài cuộc chiến. Chiến tranh có thể san bằng nhà cửa, tàn phá đất đai, và hủy hoại tài sản khác của họ, nhưng đây cũng là một phần của chi phí chiến tranh mà họ phải gánh chịu. Cũng có thể họ bị cướp bóc và bất ngờ bị giết bởi những chiến binh, thậm chí là do những người lính của quân đội mình. Nhưng những tính huống đó không phải là điều tất yếu của cuộc chiến; chúng làm tổn hại thay vì trợ giúp cho những người đứng đầu quân đội và chúng không được dung thứ nếu như những người chỉ huy nắm toàn quyền kiểm soát quân đội. Quốc gia đang tham chiến gây dựng, trang bị và duy trì quân đội luôn coi việc cướp bóc của những người lính là một hành vi phạm tội; họ được thuê để chiến đấu, không phải để cướp bóc của chính người dân nước mình. Nhà nước muốn giữ cho cuộc sống của người dân diễn ra một cách bình thường bởi vì họ muốn duy trì khả năng chi trả thuế của người dân; những lãnh thổ được chinh phục được coi là thuộc phạm vi cai quản của họ. Hệ thống kinh tế thị trường tiếp tục được duy trì trong thời gian chiến tranh để phục vụ những yêu cầu của chiến tranh.

Cái tiến trình khiến chiến tranh toàn diện chuyển thành chiến tranh lính trận hướng tới loại bỏ hoàn toàn các cuộc chiến tranh. Đó là một tiến trình mà mục đích cuối cùng là mang lại hòa bình vĩnh cửu giữa những quốc gia văn minh. Những người theo chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX hoàn toàn nhận thức được thực tế này. Họ coi chiến tranh như là một tàn dư của một thời kỳ đen tối đã bị tiêu diệt, cũng như các thể chế của quá khứ đã trôi qua – như chế độ nô lệ, chế độ độc tài, chế độ thiếu khoan dung, hay sự mê tín. Họ tin chắc rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn với nền hòa bình vĩnh cửu.

Nhưng sự thể đã diễn ra theo chiều hướng khác. Sự phát triển nhằm mang lại yên bình cho thế giới đã diễn tiến theo trình tự ngược lại. Không nên hiểu sự đảo ngược hoàn toàn này như một sự kiện riêng biệt. Ngày nay chúng ta chứng kiến sự nổi lên của một hệ tư tưởng phủ nhận một cách có chủ ý mọi thứ vẫn được coi là nền văn hóa. Những giá trị của “giai cấp tư sản” bị đánh giá lại. Những thể chế của “giai cấp tư sản” bị thay thế bởi các thể chế của “giai cấp vô sản”. Và cũng chung số phận, lý tưởng “giai cấp tư sản” về nền hòa bình vĩnh cửu bị thay thế bằng sự tôn vinh vũ lực. Nhà tư tưởng chính trị người Pháp Georges Sorel, lãnh đạo các tổ chức công đoàn và hoạt động bạo lực, là cha đỡ đầu của chủ nghĩa Bolshevik và Chủ nghĩa phát xít.

Có một chút khác biệt ở đây. Trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc mong muốn chiến tranh diễn ra giữa các quốc gia, thì những người theo của nghĩa Mác-xít lại muốn chiến tranh giữa các giai cấp, đồng nghĩa với một cuộc nội chiến. Nhưng mấu chốt ở đây là cả hai trường phái đều chủ trương chiến tranh hủy diệt hay chiến tranh toàn diện. Một khía cạnh quan trọng khác là liệu những nhóm chống đối chế độ dân chủ khác nhau sẽ hợp tác với nhau, như hiện nay, hay sẽ đối đầu với nhau. Trong bất kể trường hợp nào, họ luôn là đồng minh của nhau trong việc công kích nền văn minh phương Tây.

2. Chiến tranh toàn diện và Chủ nghĩa xã hội thời chiến

Khi chúng ta coi đám người man rợ đột ngột tấn công Đế chế La Mã từ phía Đông là nhà nước, chúng ta buộc phải gọi chúng là những nhà nước chiến tranh toàn diện. Đám người đó bị chi phối bởi nguyên tắc chính trị mà những người trong Đảng quốc xã ngày nay gọi là nguyên tắc Führer [nguyên tắc trung thành tuyệt đối với lãnh tụ - ND]. Chỉ có ý nguyện của Attila và Alaric là có giá trị.1 Người Hung Nô hay Goth, như là những cá nhân, không có quyền và không có nơi chốn riêng. Tất cả đàn ông, phụ nữ, và trẻ nhỏ đơn thuần là những chủ thể trong quân đội của người cai trị của họ hoặc trong hệ thống cung cấp của người cai trị; họ phải phục tùng vô điều kiện.

Có thể là sai sót nếu cho rằng những nhóm người này được tổ chức theo phương thức xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội là một hệ thống sản xuất xã hội dựa trên quyền sở hữu công các phương tiện sản xuất. Những đám người này không có phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Chừng nào họ không còn sống dựa trên việc cướp bóc để trang trải cho nhu cầu của họ, các gia đình cá thể sẽ phải tự sản xuất bằng chính những nguồn lực của riêng họ. Người cai trị không bận tâm tới những vấn đề như vậy; những người đàn ông và phụ nữ phải tự lực cánh sinh. Không có kế hoạch và cũng chẳng có chủ nghĩa xã hội. Sự phân phối đồ cướp bóc không phải là chủ nghĩa xã hội.

Nền kinh tế thị trường và chiến tranh toàn diện không tương thích với nhau. Trong chiến tranh lính trận, chỉ những người lính chiến đấu; với đa số người dân, chiến tranh chỉ là nỗi đau do tội ác gây ra, không phải là sự chủ động tham dự. Trong khi quân đội chiến đấu, người dân, nông dân và công nhân cố gắng tiếp tục các hoạt động bình thường của họ.

Bước đầu tiên làm cho chiến tranh lính trận trở lại thành chiến tranh toàn diện là sự ra đời của chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Việc này dần dần loại bỏ sự khác biệt giữa những người lính và người dân. Chiến tranh thôi không còn chỉ là vấn đề của lính chuyên nghiệp; nó bao gồm tất cả những người có đủ sức khỏe cần thiết. Khẩu hiệu "cả nước chung tay" lúc đầu ám chỉ một chương trình nước đôi vì những lý do tài chính. Chỉ một phần nam giới đủ sức khỏe mới được đào tạo quân sự và tham gia vào các nghĩa vụ quân đội. Nhưng một khi đã theo đuổi chương trình này thì không thể dừng giữa đường. Cuối cùng, việc nhập quân ngũ buộc phải điều động cả những người đàn ông không thể thiếu đối với công việc sản xuất ở hậu phương, những người có nhiệm vụ cung cấp thức ăn và trang bị cho những người lính. Cần thiết phải phân biệt giữa nghề nghiệp cần thiết và không cần thiết. Những người đàn ông làm các công việc hậu cần cần thiết cho quân đội được miễn tham gia các đơn vị chiến đấu. Với lý do này, các nhà lãnh đạo quân sự cần được trao quyền bố trí nguồn nhân lực theo ý muốn. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc đề ra việc tất cả những người có thể chất phù hợp phải tham gia quân đội; chỉ những người ốm yếu, với thể chất không phù hợp, người già, phụ nữ và trẻ em mới được miễn. Nhưng khi nhận ra rằng một phần những người có sức khỏe vẫn cần phải tham gia vào những công việc có thể được thực hiện bởi người già và trẻ em, những người thể chất yếu và phụ nữ, thì không có lý do gì để phân biệt nhiệm vụ bắt buộc giữa những người có thể chất phù hợp và những người có thể chất không phù hợp. Vì vậy, nghĩa vụ quân sự bắt buộc dẫn đến nghĩa vụ lao động bắt buộc của tất cả các công dân có thể làm việc, bao gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ. Người chỉ huy tối cao thực thi quyền lực trên toàn quốc, ông ta thay công việc của những người có thể chất phù hợp bằng công việc của của những người lính có thể chất không phù hợp, và có thể đưa số người có thể chất phù hợp ra mặt trận tương đương số người ở hậu phương mà không ảnh hưởng gì tới những nguồn cung của quân đội. Người chỉ huy tối cao sau đó sẽ quyết định sản xuất những gì và làm thế nào. Ông ta cũng quyết định cách thức sử dụng sản phẩm. Huy động quân sự giờ trở thành toàn diện; các quốc gia và nhà nước bị chuyển hóa thành một đội quân; chủ nghĩa xã hội thời chiến đã thay thế nền kinh tế thị trường.

Liệu rằng những nghiệp chủ trước đây có được trao một vị trí đặc quyền trong hệ thống của chủ nghĩa xã hội thời chiến hay không là câu hỏi lạc điệu ở đây. Họ có thể được gọi là các nhà quản lý và có vị trí cao hơn trong các nhà máy, và tất cả các nhà máy đó đều phục vụ quân đội. Họ có thể nhận khẩu phần lớn hơn so với những người trước đây chỉ là nhân viên hoặc người lao động. Nhưng họ không còn là nghiệp chủ nữa. Họ là những người quản lý cửa hàng được yêu cầu sản xuất cái gì và như thế nào, mua phương tiện sản xuất ở đâu và với những mức giá như thế nào, sản xuất cho ai và bán sản phẩm ở giá bao nhiêu.

Nếu hòa bình được coi là một thỏa thuận ngừng chiến mà trong khoảng thời gian đó các quốc gia phải tự trang bị cho cuộc chiến sắp tới, việc đẩy mạnh sản xuất nhiều nhất có thể trong thời bình để chuẩn bị và tổ chức quân đội là điều cần thiết. Sẽ không hợp lý chút nào nếu trì hoãn việc huy động toàn diện cho đến khi chiến sự bùng nổ. Sự khác biệt duy nhất giữa chiến tranh và hòa bình ở khía cạnh này là trong thời bình, một số người tham gia tiền tuyến trong thời chiến, vẫn sẽ tham gia trên mặt trận hậu phương. Việc chuyển đổi từ thời bình sang thời chiến sau đó đơn thuần chỉ là sự chuyển dịch của những người từ hậu phương vào quân đội.

Rõ ràng rằng xét đến cùng thì chiến tranh không thích hợp với nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển vì tinh thần công nghiệp hóa đã đẩy lùi chủ nghĩa quân phiệt và vì nó “biến” chiến tranh toàn diện thành chiến tranh lính trận.

Chúng ta không cần thảo luận về câu hỏi liệu chủ nghĩa xã hội có nhất thiết dẫn đến chiến tranh toàn diện hay không. Đối với chủ đề chúng ta đang quan tâm ở dây thì không cần thiết phải có một phân tích như vậy. Có lẽ đủ cơ sở để nói rằng những kẻ xâm lược không thể phát động chiến tranh toàn diện nếu không đưa chủ nghĩa xã hội vào.

3. Nền kinh tế thị trường và quốc phòng

Ngày nay thế giới được chia thành hai cực. Nhóm nhà nước chuyên chế đang tấn công các quốc gia cố gắng duy trì nền kinh tế thị trường và chế độ dân chủ; chúng có ý định phá hủy nền văn minh phương Tây "suy tàn", và thay thế nó bằng một trật tự mới.

Người ta tin rằng hành động xâm lược này sẽ buộc bên bị tấn công phải điều chỉnh hệ thống xã hội của mình để phù hợp với các yêu cầu của cuộc chiến tranh toàn diện này, nghĩa là phải từ bỏ nền kinh tế thị trường và thay thế bằng chủ nghĩa xã hội, và từ bỏ chế độ dân chủ và thay bằng chế độ độc tài. Một bộ phận dân chúng đã nói trong tuyệt vọng: “Chiến tranh chắc chắn sẽ dẫn đến chủ nghĩa xã hội và chế độ độc tài. Trong khi chúng tôi đang cố gắng để bảo vệ chế độ dân chủ và đẩy lùi cuộc tấn công của kẻ thù, thì bản thân chúng tôi đang phải tự chấp nhận trật tự kinh tế và hệ thống chính trị của họ”. Tại Hoa Kỳ, lập luận này là lời ủng hộ trọng yếu cho chính sách biệt lập. Những người theo chủ nghĩa biệt lập tin rằng tự do chỉ có thể được bảo toàn nếu không tham chiến.

Đáng mừng thay những “thành viên cấp tiến” có cùng quan điểm. Họ ủng hộ cuộc tranh đấu chống lại Hitler bởi vì họ tin rằng chiến tranh sẽ mang lại chủ nghĩa xã hội. Họ muốn nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến để đánh bại Hitler và khai mở hệ thống xã hội chủ nghĩa của mình tại Mỹ. Điều này có nhất thiết đúng không? Chẳng lẽ bản thân một quốc gia phải tự bảo vệ chống lại sự xâm lược của các nước độc tài phải trở thành một nước độc tài? Chẳng lẽ một nhà nước với nền dân chủ và hệ thống xã hội của nền kinh tế thị trường không thể giành chiến thắng trong việc chống lại một kẻ thù chuyên chế và xã hội chủ nghĩa?

Người ta thường tin rằng những trải nghiệm từ cuộc chiến tranh hiện tại chứng minh rằng sản xuất xã hội chủ nghĩa có một vị thế tốt hơn so với nền kinh tế thị trường trong việc cung cấp vũ khí và các vật liệu chiến tranh khác. Quân đội Đức có ưu thế vượt trội trong mọi loại thiết bị mà một đội quân chiến đấu cần có. Quân đội của Pháp và Đế quốc Anh có thể sử dụng nguồn lực của toàn thế giới theo ý muốn nhưng lại không được trang bị đầy đủ khi bước vào cuộc chiến và họ đã không thể vượt qua mặc cảm này. Đây là những sự thật không thể chối cãi, nhưng chúng ta phải hiểu chúng một cách chính xác.

Thậm chí vào thời điểm khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, Đế chế Đức đã chuẩn bị tốt hơn rất nhiều cho một cuộc chiến tranh mới so với những gì các chuyên gia Anh và Pháp đã phỏng đoán. Kể từ năm 1933, Đế chế Đức đã tập trung tất cả sức lực của mình vào công cuộc chuẩn bị cho chiến tranh. Hitler đã biến Đế chế Đức thành một trại vũ trang. Sản xuất cho chiến tranh đã mở rộng đến mức giới hạn. Sản xuất hàng hoá cho tiêu dùng cá nhân bị cắt giảm đến mức tối thiểu. Hitler công khai chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hủy diệt chống lại Pháp và Anh. Người Anh và Pháp không có động tĩnh gì như thể điều đó không liên quan gì đến họ.

Trong những năm quan trọng trước thềm bùng nổ Chiến tranh Thế giới II, ở Châu Âu, ngoài những nước theo chủ nghĩa chuyên chế, tồn tại hai đảng phái: phản đối chủ nghĩa cộng sản và phản đối chủ nghĩa phát xít. Những cái tên này không phải do những người khác hoặc đối thủ đặt cho họ, mà họ tự lựa chọn tên gọi cho chính mình.

Những người chống chủ nghĩa phát xít – chủ yếu là Đảng Lao động tại Anh và trên mặt trận bình dân tại Pháp – sử dụng ngôn từ mạnh mẽ chống lại Đức quốc xã. Nhưng họ phản đối mọi cải tiến vũ trang tại quốc gia của họ; với tất cả các đề xuất mở rộng lực lượng vũ trang, họ hoài nghi đó là theo chủ nghĩa phát xít. Họ tin vào quân đội Xô Viết, và bị thuyết phục bởi sức mạnh, vũ khí cao cấp và tính bất khả chiến bại của Xô Viết. Điều họ cho là cần thiết chính là cần liên minh với Liên Xô. Họ lập luận rằng, để có được sự ủng hộ của Stalin, cần thiết phải theo đuổi một chính sách nội địa ngả về phía Cộng sản.

Những người chống lại chủ nghĩa Cộng sản - đảng Bảo thủ của Anh và Đảng "cánh hữu" của Pháp – nhìn thấy Siegfried trong con người Hitler, kẻ sẽ tiêu diệt con rồng chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy, họ có cái nhìn đồng cảm với chủ nghĩa phát xít. Họ gán quan điểm cho rằng Hitler đang lên kế hoạch chiến tranh để tiêu diệt Pháp và Đế chế Anh và thèm muốn thống trị toàn bộ châu Âu là luận điệu dối trá của “người Do Thái”.

Kết quả của chính sách này là Anh và Pháp bước vào cuộc chiến mà không hề có sự chuẩn bị. Nhưng cũng không hẳn là quá muộn để sửa chữa những thiếu sót này. Tám tháng kể từ ngày chiến tranh bùng nổ tới cuộc tấn công của Đức vào tháng 5 năm 1940 lẽ ra là đủ để huy động trang thiết bị cho các lực lượng đồng minh, cho phép họ bảo vệ thành công biên giới phía đông nước Pháp. Họ đã có thể sử dụng sức mạnh của các ngành công nghiệp của họ. Nhưng việc họ không làm như vậy không thể đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản.

Một trong những giai thoại chống chủ nghĩa tư bản phổ biến nhất muốn chúng ta tin rằng những mưu đồ của ngành công nghiệp vũ khí đã làm hồi sinh tinh thần chiến tranh. Chủ nghĩa đế quốc hiện đại và cuộc chiến tranh toàn diện được cho là kết quả của công tác tuyên truyền chiến tranh của những tác gia được thuê bởi các nhà sản xuất vũ khí. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất được cho là đã bắt đầu vì Krupp, Schneider-Creuzot, DuPont, và J.P. Morgan muốn thu được những khoản lợi nhuận lớn. Để tránh thảm họa như vậy bùng nổ, cần thiết phải ngăn chặn các ngành công nghiệp vũ khí tạo ra lợi nhuận.

Trên cơ sở lý luận như vậy, chính quyền Blum2 đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp vũ khí của Pháp. Khi chiến tranh nổ ra và chính phủ Pháp đang trong tình huống cấp bách phải tận dụng khả năng sản xuất của tất cả các nhà máy của Pháp nhằm phục vụ những nỗ lực hiện đại hóa vũ trang, thì chính quyền Pháp lại coi việc ngăn chặn lợi nhuận thu từ chiến tranh quan trọng hơn chiến thắng trong chiến tranh. Từ tháng 9 năm 1939 cho đến tháng 6 năm 1940, Pháp đã không thực hiện cuộc chiến tranh chống lại Đức Quốc xã, mà thực tế Pháp đã chiến đấu chống lại việc trục lợi từ chiến tranh. Ở phương diện này, họ đã thành công.

Tại Anh, chính phủ cũng chủ yếu quan tâm ngăn ngừa việc trục lợi từ chiến tranh hơn là mua sắm các thiết bị tốt nhất có thể cho lực lượng vũ trang. Ví dụ như áp dụng thu 100% thuế lợi nhuận chiến tranh. Thậm chí có một thực tế tai hại hơn đối với các nước đồng minh đó là Mỹ cũng thực hiện các bước để ngăn chặn lợi nhuận từ chiến tranh và tiếp tục công bố việc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Đây là lý do tại sao ngành công nghiệp Mỹ có đóng góp nhưng mới chỉ là một phần nhỏ của những gì Mỹ có khả năng hỗ trợ cho Anh và Pháp.

Những người chống chủ nghĩa tư bản nói rằng, “Chính xác như vậy. Trong kinh doanh, không tồn tại tình yêu nước. Họ nói rằng trong khi phần còn lại chúng ta được yêu cầu phải rời bỏ gia đình và từ bỏ công việc, bị đưa vào quân đội và phải mạo hiểm cuộc sống của bản thân mình, thì các nhà tư bản vẫn đòi hỏi phải có lợi nhuận ngay cả trong thời chiến tranh. Nếu chúng ta bị bắt buộc phải chiến đấu, họ cũng nên bị buộc phải làm việc không vị kỷ vì tổ quốc.” Những lập luận như vậy đã đẩy vấn đề đó sang khía cạnh đạo đức. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đạo đức mà là vấn đề động cơ cá nhân.

Những người căm ghét chiến tranh dựa trên nền tảng đạo đức, tức họ coi việc giết hại và làm tổn thương người dân là vô nhân đạo, thường cố gắng thay thế hệ tư tưởng dẫn tới chiến tranh bằng một ý thức hệ đảm bảo nền hòa bình vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu một quốc gia hòa bình bị tấn công và phải tự bảo vệ mình, chỉ một điều đáng được quan tâm: công cuộc bảo vệ phải được tổ chức một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất có thể; những người lính phải được trang bị vũ khí và trang thiết bị tốt nhất. Chỉ có thể thực hiện được điều này nếu chúng ta không can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế thị trường. Trong quá khứ, ngành công nghiệp vũ khí kiếm được lợi nhuận lớn đã trang bị và cung cấp cho quân đội tốt đến mức họ đã có thể giành chiến thắng. Do những kinh nghiệm thực tế chiến đấu trong thế kỷ XIX nên việc chính phủ sản xuất trực tiếp vũ khí phần lớn bị ngưng lại. Không thời điểm nào có thể chứng minh tính hiệu quả và năng lực sản xuất của các nghiệp chủ tốt hơn là trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Chỉ vì những ghen tị và oán hận thiếu suy nghĩ đã khiến người ta phản đối chống lại lợi nhuận của những nghiệp chủ, những người làm cho sản xuất trở nên hiệu quả và giúp chiến thắng trong chiến tranh trở nên khả thi.

Trong thời kỳ chiến tranh, khi các quốc gia tư bản chủ nghĩa từ bỏ sự vượt trội về công nghiệp mà hệ thống kinh tế đã mang lại cho họ, sức mạnh chiến đấu và cơ hội chiến thắng của họ sẽ bị giảm đi đáng kể. Đúng là chiến tranh gây ra một số hệ quả bất công, nhưng đó là điều dễ hiểu. Việc những nghiệp chủ làm giàu bằng con đường sản xuất vũ khí chỉ là một trong nhiều tình trạng không mấy dễ chịu và bất công do chiến tranh tạo ra. Nhưng tình trạng bất công cũng tồn tại giữa những người lính mạo hiểm mạng sống và sức khỏe của họ. Việc người lính hy sinh vô danh ở tiền tuyến và không được đền ơn, trong khi các nhà lãnh đạo quân đội và nhân viên vẫn được an toàn đến khi giành chiến thắng vinh quang và được thăng tiến trong sự nghiệp của họ cũng là “không công bằng”. Đòi hỏi loại bỏ lợi nhuận từ chiến tranh còn kém hợp lý hơn nếu so với đòi hỏi các nhà lãnh đạo quân đội, nhân viên của họ, các bác sĩ phẫu thuật, và những người đàn ông ở hậu phương phải thực hiện công việc trong điều kiện thiếu thốn và nguy hiểm tương tự như người lính chiến đấu phải đối mặt. Lợi nhuận từ chiến tranh của các nghiệp chủ không đáng bị chê trách. Chính chiến tranh mới đáng bị lên án!

Những quan điểm kiểu này về lợi nhuận từ chiến tranh cũng thể hiện nhiều hiểu lầm về bản chất của nền kinh tế thị trường. Tất cả các doanh nghiệp mà trong thời bình đã có tất cả các trang thiết bị cần thiết để sản xuất vũ khí, và các vật tư chiến tranh khác, bắt tay vào việc ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến để phục vụ đơn đặt hàng của chính phủ. Nhưng ngay cả khi làm việc hết công suất, những nhà máy này cũng chỉ có thể sản xuất đáp ứng một phần nhỏ những nhu cầu chiến tranh. Do vậy có một câu hỏi đặt ra về việc chuyển đổi những nhà máy trước đây chưa từng sản xuất vũ khí để phục vụ sản xuất cho chiến tranh, và về việc thực tế xây dựng các nhà máy mới. Cả hai cách trên đều đòi hỏi những khoản đầu tư mới đáng kể. Liệu những khoản đầu tư này có được hoàn vốn, điều này không chỉ phụ thuộc vào giá cả thiết lập tại những bản hợp đồng đầu tiên mà còn từ những bản hợp đồng được thực hiện trong chiến tranh. Nếu như chiến tranh kết thúc trước khi những khoản đầu tư này được hoàn trả bởi các khoản thu từ hợp đồng, những người chủ sở hữu sẽ không chỉ không kiếm được lợi nhuận, mà thậm chí còn bị mất vốn. Trong nhiều khía cạnh khác nhau, lập luận phổ biến ủng hộ một ngành công nghiệp sản xuất vũ khí không có lợi nhuận đã bỏ qua thực tế rằng các doanh nghiệp, mà phải bắt đầu sản xuất trong lĩnh vực đến nay vẫn chậm phát triển, phải có nguồn vốn cần thiết từ ngân hàng hoặc trên thị trường vốn. Họ không thể đảm bảo có được nguồn vốn đó nếu việc sử dụng vốn không làm tăng lợi nhuận kỳ vọng mà chỉ đem lại rủi ro thua lỗ. Làm thế nào để một nghiệp chủ có lương tâm có thể thuyết phục ngân hàng hoặc nhà tư bản cho ông ta vay tiền nếu như ngay cả bản thân ông ta cũng không thể thấy bất kỳ triển vọng lợi nhuận trên khoản đầu tư của mình? Trong nền kinh tế thị trường, nơi mà những người vay nợ có trách nhiệm phải hoàn trả khoản vay, sẽ chẳng tồn tại những giao dịch không có triển vọng lợi nhuận để đền bù cho rủi ro thua lỗ. Đây chỉ là một kỳ vọng lợi nhuận cho phép một nghiệp chủ hứa hẹn trả lãi và nợ gốc. Bằng cách loại bỏ kỳ vọng lợi nhuận có thể tê liệt chức năng của toàn bộ hệ thống nghiệp chức.

Cuối cùng thì đây là điều mà người ta đỏi hỏi ở ngành công nghiệp. Hãy từ bỏ hoạt động sản xuất mà các bạn, những nhà sản xuất, đã thực hiện thành công cho đến nay. Đừng nghĩ về việc mất mát các khách hàng quen thuộc và khấu hao các trang thiết bị nhàn rỗi. Đầu tư nguồn vốn mới vào ngành sản xuất mà các bạn không quen thuộc. Nhưng lưu ý rằng, chúng tôi sẽ không trả các mức giá giúp bạn chi trả cho khoản đầu tư mới trong một khoảng thời gian ngắn. Còn nếu bạn tạo ra lợi nhuận, chúng tôi sẽ đánh thuế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ công khai gọi bạn là “những kẻ kinh doanh xác chết”.

Trong chiến tranh cũng vậy, chỉ có một sự lựa chọn giữa nền kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn thứ ba, chủ nghĩa can thiệp, là bất khả thi trong thời chiến. Vào thời điểm cuộc chiến tranh hiện tại bùng nổ, việc quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế là có thể xảy ra, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, cách này sẽ dẫn tới một thất bại hoàn toàn. Nếu không muốn lựa chọn cách thức đó, thì nên chấp nhận nền kinh tế thị trường và tất cả những gì liên quan đến nó. Nếu lựa chọn nền kinh tế thị trường, cuộc tấn công của Hitler có thể đã dừng lại ở biên giới phía đông nước Pháp. Thất bại của Pháp và việc nhiều thành phố của Anh bị phá hủy chính là cái giá phải trả đầu tiên của việc loại bỏ lợi nhuận kiếm được từ chiến tranh theo quan điểm của chủ nghĩa can thiệp.

Khi chiến tranh xảy ra, không nên có bất kỳ thảo luận nào về các biện pháp chống lại lợi nhuận từ chiến tranh. Sau khi giành thắng lợi và trật tự thế giới được thiết lập, và không còn phải sợ hãi cuộc xâm lược mới, vẫn còn thời gian để sung công lợi nhuận từ chiến tranh. Bất kể thế nào, trước khi chiến tranh kết thúc và các khoản đầu tư thu hồi được vốn, không ai có thể dám chắc liệu một doanh nghiệp có thực sự thu được lợi nhuận từ chiến tranh hay không.

Chú thích:

(1) Attila là lãnh tụ người đế chế Hung Nô từ năm 434 đến 453, còn Alaric là vua của người Goth từ 395 đến 410. Cả hai người này đều nổi tiếng quả cảm, đã lãnh đạo bộ tộc của mình chiến đấu chống lại Đế chế La Mã. Những cuộc chiến lãnh đạo bởi hai người này đều diễn ra khốc liệt và tàn bạo, huy động tất cả dân chúng trong bộ tộc tham gia (ND). 

(2) Léon Blum (1872-1950): Một chính trị lão thành xã hội chủ nghĩa người Pháp, người đã hình thành liên minh giữa những đảng viên cấp tiến Xã hội chủ nghĩa, đảng viên Xã hội chủ nghĩa và đảng viên đảng Cộng sản trên mặt trận bình dân – Chủ biên.

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998
 
 
Dịch giả:
Vũ Minh Long
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Greaves, Bettina Bien