[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 2: Trạng thái tự nhiên (Phần 2)

[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 2: Trạng thái tự nhiên (Phần 2)

Các giải thích bằng bàn tay vô hình

Nếu có một hội đoàn bảo vệ thống lĩnh khác với nhà nước, thì chúng khác nhau như thế nào? Có phải Locke đã lầm khi nghĩ rằng cần phải có một khế ước để hình thành nên xã hội dân sự? Giống như ông đã sai khi nghĩ rằng để “phát minh ra tiền” thì cần có một “thỏa thuận”, hay “sự đồng thuận chung” (mục 46, 47, 50). Trong một hệ thống hàng trao đổi hàng, việc tìm được những người có thứ bạn muốn và muốn thứ bạn có là rất khó khăn và tốn kém, ngay cả ở trong một cái chợ, nơi mà chúng ta nên lưu ý rằng không nhất thiết cần tất cả mọi người cùng đồng ý giao dịch tại đó. Mọi người sẽ trao đổi hàng hóa của họ để lấy một thứ gì đó, mà họ biết rằng nhìn chung sẽ được mọi người muốn hơn những thứ họ đang có. Vì khả năng cao là họ có thể trao đổi thứ này lấy thứ khác mà họ muốn. Vì lý do tương tự, những người khác cũng sẵn sàng trao đổi để lấy thứ đáng mong muốn hơn này. Do vậy, mọi người sẽ tập trung vào một số mặt hàng có tính thị trường hơn trong các giao dịch của họ, và sẵn lòng trao đổi hàng hóa của họ để lấy chúng; và họ càng sẵn lòng thì họ càng biết rằng những người khác cũng sẵn lòng như vậy, và do đó hình thành một quá trình được gia cố nhờ quan hệ tương hỗ. (Quá trình này sẽ được củng cố và thúc đẩy bởi những người lái buôn, vốn thu lợi bằng cách thúc đẩy các giao dịch, cũng là những người thấy có lợi hơn cả khi đem những hàng hóa có tính thị trường cao hơn ra trao đổi.) Vì những lý do rõ ràng, thông qua lựa chọn cá nhân của những người tham gia thị trường, hàng hóa mà họ tập trung vào sẽ có các thuộc tính nhất định: giá trị độc lập ban đầu (nếu không chúng sẽ không bán được trên thị trường ngay từ đầu), bền chắc, không dễ hỏng, có thể phân chia, dễ di chuyển, và vân vân. Không một thỏa thuận công khai nào và không một khế ước xã hội nào là cần thiết cho việc hình thành nên một phương tiện trao đổi.1

Những giải thích theo kiểu này có những đặc tính dễ chịu nhất định. Chúng chỉ ra rằng một mẫu hình (pattern) hay thiết kế tổng thể nào đó không phải là kết quả thành công của một cá nhân hay một nhóm trong nỗ lực hiện thực hóa mẫu hình ấy – như mọi người thường nghĩ – thay vào đó, nó được tạo ra và duy trì thông qua một quá trình vốn không hề đề ra bất kỳ “ý tưởng” nào về mẫu hình hay thiết kế tổng thể. Theo Adam Smith, chúng ta gọi cách giải thích này là lời giải thích bằng bàn tay vô hình. (“Mỗi cá nhân chỉ có ý muốn giành được lợi ích cho bản thân mình, và trong khi làm như vậy, cũng như với nhiều người khác, anh ta được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình hướng tới một mục đích vốn nằm ngoài dự định của anh ta.”) Tính chất đặc biệt thỏa đáng của cách giải thích bằng bàn tay vô hình (tôi hy vọng rằng các giải thích về nhà nước trong quyển sách này cũng có tính chất như vậy) phần nào được giải thích bởi sự liên kết của nó với khái niệm về lời giải thích cơ bản mà ta đã bàn trong Chương 1. Những giải thích cơ bản của một lĩnh vực là những giải thích về lĩnh vực ấy bằng những thuật ngữ khác; chúng không sử dụng bất kỳ khái niệm nào trong lĩnh vực. Chỉ thông qua những giải thích như vậy, chúng ta mới có thể giải thích và từ đó hiểu được mọi thứ trong một lĩnh vực; lời giải thích của chúng ta càng ít sử dụng các khái niệm cấu thành sự vật cần được giải thích, thì chúng ta càng hiểu rõ nó (trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi). Bây giờ chúng ta hãy kiểm tra một số mẫu hình phức tạp, mà người ta vốn tin rằng chúng chỉ có thể được tạo ra thông qua thiết kế thông minh và chỉ thông qua những nỗ lực nhất định nhằm đạt được mẫu hình ấy. Người ta có thể cố gắng giải thích trực diện các mẫu hình như vậy dưới dạng các mong muốn, nhu cầu, niềm tin, và vân vân, của các cá nhân, vốn được định hướng hòng hiện thực hóa mẫu hình. Nhưng trong những cách giải thích như vậy, ít nhất là trong dấu ngoặc kép, sẽ xuất hiện các mô tả về mẫu hình như là những đối tượng của niềm tin và ước muốn. Bản thân kiểu giải thích này sẽ diễn tả rằng một số cá nhân mong muốn tạo ra một thứ gì đó bằng (một số) các đặc điểm của mẫu hình, và một số cá nhân tin rằng cách thức duy nhất (hoặc tốt nhất, hoặc…,) để có thể hiện thực hóa các đặc điểm của mẫu hình này chính là…, và vân vân. Các cách giải thích bằng bàn tay vô hình hạn chế tối đa việc sử dụng các ý niệm cấu thành nên các hiện tượng để giải thích chính hiện tượng ấy; trái với những cách giải thích trực diện, nó không đi giải thích các mẫu hình phức tạp bằng cách coi những ý niệm về mô thức tổng thể như là đối tượng của các ước muốn và niềm tin của con người. Do đó, khác với cách giải thích vốn coi hiện tượng là kết quả từ sự thiết kế có chủ định của con người, cách giải thích bằng bàn tay vô hình về các hiện tượng sẽ mang lại cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc hơn. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng thỏa đáng hơn.

Một lời giải thích bằng bàn tay vô hình giúp lý giải về những thứ trông giống như sản phẩm do một ai đó chủ định thiết kế, mặc dù nó không hề được tạo ra bởi chủ định của bất kỳ ai. Chúng ta có thể gọi cách giải thích ngược lại là “lời giải thích giấu tay” (hidden-hand explanation). Một lời giải thích giấu tay sẽ giải thích về những gì trông đơn thuần như một tập hợp các sự việc rời rạc mà (chắc chắn) không phải là do một ai đó chủ định thiết kế, mặc dù thực ra nó lại là sản phẩm của (các) thiết kế có chủ định của một cá nhân hoặc một nhóm người. Một số người cũng thấy rằng lời giải thích này là thỏa đáng, và sự phổ biến của các thuyết âm mưu chính là bằng chứng cho điều này.

Một số người có thể coi hai cách giải thích này là tốt, bằng bàn tay vô hình và bàn tay che giấu, anh ta có thể cố gắng làm một công việc có vẻ bất khả thi khi đi giải thích từng tập hợp các sự việc riêng biệt vốn được cho là phi thiết kế hoặc ngẫu nhiên chính là sản phẩm của một thiết kế có chủ định, những gì bị cho là sản phẩm của thiết kế thì lại chính là một tập hợp sự việc phi thiết kế! Thật thú vị khi tiếp tục công việc lặp đi lặp lại này, ngay cả khi nó chỉ lẩn quẩn một vòng tròn.

Bởi tôi không đưa ra giải thích rõ ràng về cách giải thích bằng bàn tay vô hình,2 và bởi khái niệm này đóng một vai trò quan trọng trong phần còn lại của cuốn sách, nên ở đây tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ để độc giả biết được ý của chúng ta là gì khi bàn về cách giải thích này. (Các ví dụ được sử dụng để minh họa cho cách giải thích này không nhất thiết phải là những giải thích chuẩn xác.)

1. Những giải thích các đặc điểm của sinh vật và quần thể trong lý thuyết tiến hóa (qua sự đột biến ngẫu nhiên, chọn lọc tự nhiên, biến dị di truyền, và vân vân). (James Crow và Motoo Kimura đã tóm tắt một số công thức toán học trong An Introduction to Population Genetics Theory (New York: Harper & Row, 1970).)

2. Những giải thích về sự điều chỉnh của quần thể động vật trong hệ sinh thái (Xem Lawrence Slobodkin, Growth and Regulation of Animal Populations [New York: Holt, Rinehart & Winston, 1966])

3. Mô hình giải thích của Thomas Schelling (American Economic Review, May 1969, trang 488 – 493) cho thấy các mẫu hình phân tách dân cư cực đoan được tạo ra như thế nào bởi những cá nhân không cố ý tách biệt nhưng, chẳng hạn, họ muốn sống trong những khu vực mà 55% dân số nơi họ sống thuộc về nhóm riêng của họ, và họ di cư vì mục đích này.

4. Một số giải thích hoạt động có điều kiện về các mẫu hành vi phức tạp khác nhau.

5. Thảo luận của Richard Herrnstein về các yếu tố di truyền trong một mẫu hình phân tầng giai cấp của xã hội (I.Q. in the Meritocracy, Atlantic Monthly Press, 1973).

6. Những thảo luận về bằng cách nào tính toán kinh tế được thực hiện trên thị trường (Xem Ludwig von Mises, Socialism, Part II, Human Action, chương 4, 7-9.)

7. Những giải thích kinh tế vi mô về các tác động của sự can thiệp từ bên ngoài vào một thị trường, và về sự hình thành và bản chất của những điểm cân bằng mới.

8. Giải thích của Jane Jacobs về những yếu tố gì làm cho một số khu vực của các thành phố trở nên an toàn hơn, trong The Death and Life of Great American Cities (New York: Random House, 1961).

9. Lý thuyết trường phái Áo về chu kỳ kinh doanh.

10. Karl Deutsch và William Madow quan sát thấy rằng trong một tổ chức cần phải đưa ra một số lượng lớn các quyết định quan trọng từ một vài lựa chọn (các quyết định này sau này có thể được đánh giá là đúng), nếu một số lượng lớn mọi người có cơ hội đưa ra ý kiến về quyết định nên được thực hiện theo cách nào, thì khi đó sẽ có một số người đạt được danh tiếng như những nhà tư vấn thông thái, ngay cả khi tất cả mọi người đều ngẫu nhiên quyết định đưa ra các lời khuyên. (“Note on the Appearance of Wisdom in Large Bureaucratic Organizations,” Behavioral Science, January 1961, trang 72 – 78.)

11. Các mẫu hình được tạo ra bởi sự điều chỉnh của Frederick Frey về Nguyên tắc Peter: những người đã được thăng chức ba bậc vượt lên trên cấp bậc kém cỏi của họ, cho đến khi sự kém cỏi của họ bị nhận ra.

12. Giải thích của Roberta Wohlstetter (Pearl Harbor: Warning and Decision [Stanford: Stanford University Press, 1962]), trái ngược với những người theo “thuyết âm mưu”, về lý do tại sao Mỹ đã không hành động khi có bằng chứng cho thấy quân Nhật chuẩn bị tấn công Trân Châu Cảng.

13. Giải thích về “tính ưu việt trong trí tuệ của người Do Thái” tập trung vào số lượng lớn những người đàn ông Công giáo thông minh nhất đã không có con trong nhiều thế kỷ, ngược lại, các giáo sĩ Do Thái khuyến khích việc kết hôn và sinh con.

14. Lý thuyết về cách thức mà hàng hóa công cộng không được cung cấp chỉ bởi các hành động cá nhân.

15. Quan điểm của Armen Alchian về một bàn tay vô hình khác với Adam Smith (trong thuật ngữ mà sau này chúng ta sẽ sử dụng, một bộ lọc) (“Uncertainty, Evolution, and Economic,” Journal of Political Economy, 1950, trang 211 – 221).

16. Giải thích của F. A. Hayek về việc hợp tác xã hội sẽ sử dụng nhiều tri thức hơn bất kỳ cá nhân nào sở hữu thông qua việc con người điều chỉnh hành vi của mình dựa trên mức độ ảnh hưởng đến tình trạng cục bộ xung quanh họ từ các hoạt động điều chỉnh tương tự của những người khác, và thông qua việc học hỏi từ các ví dụ mà họ biết đến, qua đó tạo ra các dạng thức thể chế mới, các mẫu hành vi chung mới, và vân vân (The Constitution of Liberty, chương 2).

Một hoạt động nghiên cứu có giá trị là phân loại các dạng thức (và các kết hợp) khác nhau của những giải thích bằng bàn tay vô hình, xác định cụ thể kiểu giải thích bàn tay vô hình nào có thể giải thích được cho loại mẫu hình nào. Ở đây chúng ta có thể đề cập đến hai loại quy trình bàn tay vô hình, mà từ đó một mẫu hình P có thể được tạo ra: quá trình lọc và quá trình cân bằng. Với quá trình lọc, chỉ những thứ phù hợp với P mới có thể đi qua quá trình lọc này, vì quá trình hoặc cơ cấu này lọc ra tất cả những thứ không phải là P; còn với quá trình cân bằng, mỗi thành phần phản ứng với hoặc điều chỉnh theo các điều kiện “cục bộ”, với mỗi lần điều chỉnh làm thay đổi môi trường cục bộ của những thành phần liền kề, do đó tổng các biến động của những sự điều chỉnh cục bộ tạo thành hoặc hiện thực hóa nên P. (Một số điều chỉnh cục bộ biến động như vậy sẽ không tạo ra một mẫu hình cân bằng, hay thậm chí là một mẫu hình chuyển động.) Quá trình cân bằng có thể duy trì một mẫu hình theo nhiều cách khác nhau; ngoài ra, có thể có một bộ lọc để loại bỏ những lệch lạc khỏi mẫu hình, bởi vì những lệch lạc này quá lớn nên chúng không thể được điều chỉnh bởi các cơ chế cân bằng nội bộ. Có lẽ hình thức tinh tế nhất của kiểu diễn giải này bao gồm hai quá trình cân bằng, mỗi quá trình duy trì mẫu hình bên trong nó trước những sai lệch nhỏ, và mỗi quá trình cũng là một bộ lọc loại trừ những sai lệch lớn xuất hiện trong quá trình kia.

Ngoài ra, chúng ta có thể chỉ ra rằng khái niệm về quá trình lọc cho phép chúng ta hiểu có một con đường mà phương pháp cá thể luận vốn chiếm một vị trí trong triết học khoa học xã hội có thể mắc sai lầm. Nếu có một bộ lọc lọc ra (phá hủy) tất cả những gì không phải P ra khỏi Q, thì phần giải thích cho việc tại sao tất cả những gì thuộc Q đều thuộc P (phù hợp với mẫu hình P) sẽ đề cập đến bộ lọc này. Đối với mỗi Q cụ thể, có thể có một lời giải thích cụ thể hòng lý giải tại sao P, làm sao nó trở thành P, và điều gì duy trì nó là P. Tuy nhiên, ta không thể kết hợp các lời giải thích riêng lẻ này để cho ra một lời giải thích về lý do tại sao tất cả những gì thuộc Q lại là P, ngay cả khi chúng bao gồm tất cả những gì thuộc Q, bởi vì sự kết hợp của các lời giải thích riêng lẻ này cũng lại là một phần cần được giải thích. Lời giải thích sẽ cần viện đến bộ lọc. Để làm rõ hơn, chúng ta có thể tưởng tượng rằng chúng ta không có bất kỳ lời giải thích nào về lý do tại sao một thứ thuộc Q lại thuộc P. Ở đây đơn giản là chỉ có một phép thống kê cuối cùng (ít nhất đấy là tất cả những gì chúng ta có thể nói) rằng một số thứ thuộc QP; thậm chí chúng ta còn không có khả năng tìm thấy bất kỳ quy luật thống kê ổn định nào. Trong trường hợp này, chúng ta có lẽ sẽ biết được rằng tại sao tất cả những gì thuộc Q đều thuộc P (và có lẽ cũng biết rằng có những thứ thuộc Q, và có lẽ thậm chí còn biết rằng tại sao lại có những thứ thuộc Q) mà lại không biết gì hết về Q, tại sao nó lại là P! Lập trường của những người theo phương pháp cá thể luận phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ quá trình lọc xã hội cơ bản (không thể quy giản hơn nữa) nào.

Có phải Hội đoàn Bảo vệ Thống lĩnh chính là một nhà nước?

Liệu có phải chúng ta đã đưa ra một giải thích về nhà nước bằng bàn tay vô hình? Có ít nhất hai khía cạnh, mà hội đoàn bảo vệ tư nhân này có thể được coi là khác với một nhà nước tối thiểu, và có thể không đáp ứng được một khái niệm tối thiểu về nhà nước: (1) nó dường như cho phép một số người thực thi áp đặt các quyền của chính họ, và (2) nó dường như không bảo vệ tất cả các cá nhân trong lãnh thổ của nó. Đối với các tác giả trong truyền thống của Max Weber,3 việc sử dụng quyền lực độc quyền trong một khu vực địa lý là đặc điểm chính của sự tồn tại của nhà nước, và sự độc quyền này không tương thích với quyền cưỡng chế tư nhân. Như Marshall Cohen chỉ ra trong một tiểu luận chưa được xuất bản, rằng một nhà nước có thể tồn tại mà không cần thực sự độc quyền sử dụng vũ lực, thứ mà nó không uỷ quyền cho những người khác sử dụng; trong lãnh thổ của nhà nước ấy có thể tồn tại các nhóm cũng sử dụng vũ lực như các lực lượng Mafia, Ku-Klux-Klan, Hội đồng Công dân Da trắng, những người thuộc tổ chức công đoàn tham gia đình công, và nhóm khủng bố Weathermen. Việc tuyên bố sự độc quyền như vậy không phải là điều kiện đủ để trở thành nhà nước (nếu bạn tuyên bố nắm sự độc quyền đó, bạn cũng không trở thành một nhà nước được), và việc trở thành người tuyên bố duy nhất cũng không phải là điều kiện cần. Mọi người không nhất thiết phải công nhận tính chính đáng của việc độc quyền sử dụng vũ lực của nhà nước, bởi họ với tư cách những người theo chủ nghĩa hòa bình, sẽ tin rằng không ai có quyền sử dụng vũ lực, hoặc bởi họ với tư cách những nhà cách mạng, sẽ tin rằng một nhà nước cụ thể không có quyền này, hoặc bởi họ tin rằng họ có quyền thực hiện hay chấm dứt bất kỳ hoạt động nào dù cho nhà nước có quy định gì chăng nữa. Do đó, việc đề ra những điều kiện đủ cho sự tồn tại của nhà nước trở thành một nhiệm vụ khó khăn và rắc rối.4

Đối với mục tiêu của chúng ta, ở đây chúng ta chỉ cần chú ý đến một điều kiện cần, mà hệ thống các đại lý bảo vệ tư nhân (hay bất kỳ bộ phận nào của nó) đều dường như chưa thỏa mãn được. Một nhà nước tuyên bố sự độc quyền trong việc quyết định ai và khi nào có thể sử dụng vũ lực; nó cho rằng chỉ có nó mới có thể quyết định ai có thể sử dụng vũ lực và trong những điều kiện nào; nó bảo lưu cho chính nó quyền duy nhất để hợp pháp hóa hoặc cho phép bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào bên trong ranh giới của nó; thêm nữa, nó tuyên bố có quyền trừng phạt tất cả những ai xâm phạm vào sự độc quyền mà nó đã tuyên nhận. Sự độc quyền có thể bị xâm phạm bằng hai cách: (1) một người có thể sử dụng vũ lực mặc dù chưa được nhà nước ủy quyền để làm điều đó, hoặc (2) mặc dù một nhóm hoặc cá nhân không tự sử dụng vũ lực, nhưng họ có thể tự thiết lập nên một cơ quan có thẩm quyền khác (và thậm chí có thể tuyên bố rằng đấy là cơ quan hợp pháp duy nhất) để quyết định xem việc sử dụng vũ lực là thích đáng và hợp pháp khi nào và bởi ai. Liệu một nhà nước có phải tuyên bố quyền trừng phạt đối với dạng xâm phạm thứ hai hay không, điều này vẫn chưa rõ ràng; và có phải bất kỳ nhà nước nào cũng thực sự tránh trừng phạt một nhóm người đáng kể trong ranh giới của nó hay không, cũng là một câu hỏi đáng nghi ngờ. Tôi đã bỏ qua những câu hỏi về tính “khả thi”, “hợp pháp”, và “được phép” đối với những vấn đề đang được thảo luận ở đây. Sự cho phép về mặt đạo đức không phải là vấn đề quyết định, và nhà nước không cần tự cao tự đại đến mức đòi hỏi rằng mình có quyền quyết định duy nhất cho các vấn đề đạo đức. Đối với sự cho phép về mặt luật pháp, để tránh tranh luận vòng vo, cần phải không sử dụng các quan niệm về nhà nước khi giải thích hệ thống pháp luật.

Vì mục đích thảo luận của chúng ta, chúng ta có thể theo đuổi hướng lập luận phát biểu rằng điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của nhà nước là nó (một cá nhân hoặc tổ chức nào đó) tuyên bố rằng nhà nước đó sẽ nỗ lực hết sức (xem xét đến chi phí, tính khả thi, những việc khác quan trọng hơn mà nó nên làm, và vân vân) để trừng phạt tất cả những ai mà nó thấy rằng đã sử dụng vũ lực mà chưa được nó công khai cho phép. (Sự cho phép này có thể là một sự cho phép cụ thể hoặc có thể được thừa nhận thông qua một quy định hoặc ủy quyền nào đó.) Cách tiếp cận này vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề: nhà nước có thể bảo lưu quyền ân xá cho một ai đó, quyền lực hồi tố (ex-post facto); và để trừng phạt, nhà nước có thể không chỉ dừng lại ở việc phát hiện ra hành động sử dụng vũ lực “trái phép” mà còn phải chứng minh chúng thông qua một thủ tục xác minh cụ thể cho thấy nó đã xảy ra, và vân vân. Nhưng cách tiếp cận này cho phép chúng ta tiếp tục thảo luận. Các đại lý bảo vệ dường như không đưa ra một tuyên bố nào như thế, dù là cá nhân hay tập thể. Dường như nó cũng không có tính hợp pháp về mặt đạo đức để làm như thế. Vì vậy, nếu hệ thống các hội đoàn bảo vệ tư nhân không làm gì bất hợp pháp về mặt đạo đức, thì dường như họ thiếu đi yếu tố độc quyền, và do đó họ dường như không thể tạo thành hoặc bao hàm một nhà nước. Để kiểm tra vấn đề về yếu tố độc quyền, chúng ta sẽ phải xem xét tình huống của một nhóm người nhất định (hoặc một người nào đó) sống trong một hệ thống đại lý bảo vệ tư nhân nhưng từ chối tham gia vào bất kỳ xã hội đoàn bảo vệ nào; những người này khăng khăng tự phán xử xem liệu các quyền của họ có bị xâm phạm hay không, và nhất quyết (nếu họ phán xét rằng quyền của họ bị xâm phạm) thực thi quyền của họ một cách cá nhân bằng cách trừng phạt và/hoặc đòi bồi thường từ những người xâm phạm họ.

Lý do thứ hai để cho rằng hệ thống hội đoàn bảo vệ tư nhân không phải là một nhà nước chính là, dưới hệ thống này (ngoại trừ hiệu ứng tràn) chỉ những ai trả tiền cho việc bảo vệ mới được bảo vệ; thêm nữa, họ cũng có thể mua các mức độ bảo vệ khác nhau. Các vấn đề kinh tế thực sự lại xuất hiện, không ai chi trả để kẻ khác được bảo vệ trừ khi họ lựa chọn làm điều đó; cũng không một ai bị bắt buộc phải mua hoặc góp tiền mua sự bảo vệ cho kẻ khác. Sự bảo vệ và thực thi các quyền của con người được xem như một hàng hóa kinh tế được cung cấp bởi thị trường, tương tự những hàng hóa quan trọng khác như là thực phẩm và quần áo. Tuy nhiên, trong quan niệm thông thường về nhà nước, mỗi cá nhân sống bên trong (hoặc thậm chí đôi khi di chuyển ra ngoài) các ranh giới địa lý của nó đều được (hoặc ít nhất là có quyền được) nó bảo vệ. Trừ khi một nhóm tư nhân nào đó quyên góp tiền để trang trải cho các chi phí bảo vệ như vậy (để chi trả cho các thám tử và cảnh sát nhằm đưa các tội phạm ra trước công lý, giao cho các tòa án, và đưa vào các nhà tù), hoặc trừ khi nhà nước thiết lập được một số tiện ích công cộng để thu tiền trang trải cho các chi phí này5, thì mọi người sẽ kỳ vọng rằng một nhà nước, để cung cấp sự bảo vệ rộng rãi như vậy, sẽ là một nhà nước tái phân phối. Đó phải là một nhà nước mà trong đó một số người phải trả nhiều tiền hơn để những người khác có thể được bảo vệ. Và thật vậy, nhà nước tối thiểu nhất được các nhà lý thuyết chính trị dòng chính thảo luận một cách nghiêm túc, một nhà nước cảnh sát đêm theo lý thuyết tự do cổ điển, dường như được tái phân phối theo cách này. Tuy nhiên, làm thế mà một đại lý bảo vệ, tức một doanh nghiệp, có thể thu tiền của ai đó để cung cấp sản phẩm của nó cho kẻ khác6 (Chúng ta bỏ qua những điều như là, chẳng hạn một số người trả một phần chi phí cho những người khác, bởi nếu đại lý phân loại và tính phí tỉ mỉ với từng khách hàng nhằm phản ánh các chi phí của từng dịch vụ, thì sẽ quá tốn kém.)

Vì vậy, có vẻ như đại lý bảo vệ thống lĩnh trong một lãnh thổ không chỉ thiếu sự độc quyền sử dụng vũ lực cần thiết, mà còn thất bại trong việc cung cấp sự bảo vệ cho tất cả mọi người trong lãnh thổ của nó; và vì vậy, đại lý thống lĩnh này dường như không thể trở thành một nhà nước. Tuy nhiên, hiện tượng bề ngoài này chỉ làm chúng ta dễ nhầm tưởng mà thôi.

(Hết chương 2)

Chú thích

(1) Xem Ludwig Von Mises, The Theory of Money and Credit, 2nd ed. (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1953), trang 30-34, tôi đã trích thảo luận bên trên từ tác phẩm này.

(2) Để bắt đầu tìm hiểu các vấn đề cần được lý giải bằng cách giải thích bằng bàn tay vô hình, hãy đọc các bài tiểu luận của F. A. Hayek gồm “Notes on the Evolution of Systems of Rules of Conduct” và “The Results of Human Action but not of Human Design,” trong cuốn sách của ông Studies in Philosophy, Politics, and Economics (Chicago: University of Chicago Press, 1967), cũng như các chương 2 và 4 trong một cuốn sách khác của ông, Constitution of Liberty (Chicago: University of Chicago Press, 1960). Ngoài ra, xem thêm phần thảo luận về các thiết chế để thiết kế và lọc trong Chương 10 của cuốn sách này. Để biết được mức độ gần gũi của chúng ta với nguồn gốc này, xin lưu ý rằng bất kỳ điều gì được đề cập ở đây không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về việc tại sao không phải tất cả các giải thích khoa học (diễn giải mà không cần dùng đến ý định) về mối liên hệ chức năng giữa các biến đều là giải thích bằng bàn tay vô hình.

(3) Xem Max Weber, Theory of Social and Economic Organization (New York: Free Press, 1947), trang 156; và Max Rheinstein, ed., Max Weber on Law in Economy and Society (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1954), chương 13.

(4) So sánh cách xử lý của H. L. A. Hart về vấn đề song song đối với sự tồn tại của hệ thống pháp luật trong cuốn The Concept of Law (Oxford: The Clarendon Press, 1961), trang 113-120.

(5) Tôi từng nghe một gợi ý rằng nhà nước có thể tự tài trợ bằng cách mở xổ số. Nhưng vì nó sẽ không có quyền cấm các nhà khởi tạo kinh doanh tư nhân làm điều tương tự, sao có thể cho rằng nhà nước sẽ thành công hơn trong việc thu hút khách hàng ở lĩnh vực này so với bất kỳ doanh nghiệp cạnh tranh nào khác?

(6) Về trường hợp các bác sĩ, đọc Reuben Kessell, “Price Discrimination in Medicine,” Journal of Law and Economics, 1, no. 1 (October 1958), 20-53.

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 2

1. John Locke, Two Treatises of Government, 2nd ed., ed. Peter Laslett (New York: Cambridge University Press, 1967). Trừ khi có chú thích khác, tất cả các trích dẫn trong này đều từ khảo luận thứ hai.

2. Về những bất tiện khi ràng buộc bản thân vào một vị trí, và về các thỏa thuận ngầm, xem Thomas Schelling’s The Strategy of Conflict (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1960).

3. Người khác có thể trừng phạt, nếu không có sự kêu gọi của anh ta; xem thêm phần thảo luận kỹ hơn trong Chương 5 của cuốn sách này.

4. Chúng ta sẽ thảo luận (trang 18) rằng tiền có thể tồn tại ở trạng thái tự nhiên như thế nào mà không cần đến một thỏa thuận rõ ràng nhằm thiết lập phương tiện trao đổi. Nhiều tác giả theo truyền thống chủ nghĩa cá nhân – không chính quyền đã đề xuất và thảo luận về các dịch vụ bảo vệ tư nhân. Để xem thông tin tổng quan, đọc Lysander Spooner, NO TREASON: The Constitution of No Authority (1870), Natural Law and A Letter to Grover Cleveland on His False Inaugural Address; The Usurpation and Crimes of Law-makers and Judges, and the Consequent Poverty, Ignorance, and Servitude of the People (Boston: Benjamin R. Tucker, 1886), tất cả các tác phẩm này đều được xuất bản lại trong The Collected Works of Lysander Spooner, 6 vols. (Weston, Mass.: M & S Press, 1971). Benjamin R. Tucker đã thảo luận về cách mà một hệ thống xã hội vận hành, trong đó tất cả các chức năng bảo vệ được cung cấp theo tư nhân, xem Instead of a Book (New York, 1893), trang 14, 25, 32-33, 36, 43, 104, 326-329, 340-341, rất nhiều đoạn trong số này được in lại trong cuốn sách của ông Individual Liberty. ed. Clarence Lee Swartz (New York, 1926). Các bài viết và lập luận của Spooner và Tucker sống động, hấp dẫn, và thú vị, đến mức mọi người ngại đề cập đến bất kỳ nguồn thứ cấp nào. Ta cũng có thể xem thêm tác phẩm thú vị của James J. Martin, Men Against the State: The Expositors of Individualist Anarchism in America, 1827-1908, về một mô tả về đời sống và quan điểm của Spooner, Tucker, lẫn các tác giả khác trong truyền thống của họ. Ngoài ra, xem thêm phần thảo luận mở rộng về kế hoạch bảo vệ tư nhân trong Francis Tandy, Voluntary Socialism (Denver: F. D. Tandy, 1896), trang 62-78. Một thảo luận quan trọng nữa về chủ đề này được trình bày trong John Hospers, Libertarianism (Los Angeles: Nash, 1971), chương II. Một người đề xướng khác gần đây là Murray N. Rothbard, trong cuốn Power and Market (Menlo Park, Calif.: Institute for Humane Studies, Inc., 1970), trang 1-7, 120-123, ông đã mô tả làm thế nào mà ông tin tưởng rằng kế hoạch bảo vệ nêu trên là khả thi, và ông đã cố gắng đáp lại những phản bác đối với kế hoạch này. Thảo luận chi tiết nhất mà tôi biết là trong cuốn sách của Morris và Linda Tannehill, The Market for Liberty (Lansing, Mich., privately printed, 1970), đặc biệt là ở trang 65-115. Kể từ khi tôi viết tác phẩm này vào năm 1972, Rothbard đã trình bày rộng hơn quan điểm của ông trong cuốn For a New Liberty (New York: Macmillan, 1973), các chương 3 và 11, và David Friedman đã bảo vệ chủ nghĩa tư bản không chính quyền bằng tác phẩm tâm huyết The Machinery of Freedom (New York: Harper & Row, 1973), phần III. Tất cả các tác phẩm nêu trên đều rất đáng đọc, nhưng không khiến tôi phải chỉnh sửa lại những gì tôi viết ở đây.

5. Xem I. B. Singer, In My Father’s Court (New York: Farrar, Strauss, and Giroux, 1966); về một ví dụ “phản văn hóa” gần đây, hãy đọc WIN Magazine, November 1, 1971, trang 11-17.

6. Bài tập cho độc giả: hãy mô tả xem làm thế nào mà các suy nghĩ được thảo luận ở đây lại dẫn đến sự thống trị của một đại lý hoặc một liên minh các đại lý ở mỗi khu vực địa lý, ngay cả khi ban đầu khu vực đó gồm một nhóm các đại lý mà việc “thắng gần như tất cả các trận chiến” là một quan hệ kết nối và không có tính bắc cầu.

7. Kenneth R. Boulding, Conflict and Defense (New York: Harper, 1962), chương 12.

8. Để hiểu thêm về sự phức tạp của một bộ quy tắc như vậy, hãy đọc American Law Institute, Conflict of Laws: Second Restatement of the Law, Proposed Official Draft, 1967-1969.

9. Đọc Yale Brozen, “Is Government the Source of Monopoly?” The Intercollegiate Review, 5, no. 2 (1968-69), 67-78; Fritz Machlup, The Political Economy of Monopoly (Baltimore: Johns Hopkins Press, 1952).

10. Locke cho rằng đa số những người sống trong tình trạng tự nhiên sẽ chấp nhận quy luật tự nhiên. Đọc Richard Ashcroft, “Locke’s State of Nature,” American Political Science Review, September 1968, trang 898-915 đặc biệt là phần I.

11. Xem Morris và Linda Tannehill, The Market for Liberty, về tầm quan trọng của việc hợp tác tự nguyện đối với các hoạt động của chính phủ, ví dụ, Adam Roberts, ed., Civilian Resistance as National Defense (Baltimore: Penguin Books, 1969) và Gene Sharp, The Politics of Non-Violent Action (Boston : Porter Sargent, 1973).

12. Xem Ludwig Von Mises, The Theory of Money and Credit, 2nd ed. (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1953), trang 30-34, tôi đã trích thảo luận bên trên từ tác phẩm này.

13. Để bắt đầu tìm hiểu các vấn đề cần được lý giải bằng cách giải thích bằng bàn tay vô hình, hãy đọc các bài tiểu luận của F. A. Hayek gồm “Notes on the Evolution of Systems of Rules of Conduct” và “The Results of Human Action but not of Human Design,” trong cuốn sách của ông Studies in Philosophy, Politics, and Economics (Chicago: University of Chicago Press, 1967), cũng như các chương 2 và 4 trong một cuốn sách khác của ông, Constitution of Liberty (Chicago: University of Chicago Press, 1960). Ngoài ra, xem thêm phần thảo luận về các thiết chế để thiết kế và lọc trong Chương 10 của cuốn sách này. Để biết được mức độ gần gũi của chúng ta với nguồn gốc này, xin lưu ý rằng bất kỳ điều gì được đề cập ở đây không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về việc tại sao không phải tất cả các giải thích khoa học (diễn giải mà không cần dùng đến ý định) về mối liên hệ chức năng giữa các biến đều là giải thích bằng bàn tay vô hình.

14. Xem Max Weber, Theory of Social and Economic Organization (New York: Free Press, 1947), trang 156; và Max Rheinstein, ed., Max Weber on Law in Economy and Society (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1954), chương 13.

15. So sánh cách xử lý của H. L. A. Hart về vấn đề song song đối với sự tồn tại của hệ thống pháp luật trong cuốn The Concept of Law (Oxford: The Clarendon Press, 1961), trang 113-120.

16. Về trường hợp các bác sĩ, đọc Reuben Kessell, “Price Discrimination in Medicine,” Journal of Law and Economics, 1, no. 1 (October 1958), 20-53.