[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 3: Các ràng buộc đạo đức và nhà nước (Phần 1)

[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 3: Các ràng buộc đạo đức và nhà nước (Phần 1)

NHÀ NƯỚC TỐI THIỂU VÀ NHÀ NƯỚC CỰC TỐI THIỂU

Chức năng của nhà nước cảnh sát đêm, trong lý thuyết tự do cổ điển, được giới hạn trong việc bảo vệ tất cả các công dân của nó trước bạo lực, trộm cắp, và gian lận, và trong việc thực thi các khế ước, v.v.; thế nên loại nhà nước này dường như mang thuộc tính tái phân phối. Chúng ta có thể tưởng tượng đến ít nhất một dạng sắp xếp xã hội nằm ở đâu đó giữa một hệ thống các hội đoàn bảo vệ tư nhân và một nhà nước cảnh sát đêm. Bởi nhà nước cảnh sát đêm thường được gọi là một nhà nước tối thiểu, nên chúng ta sẽ gọi sự sắp xếp kiểu này là nhà nước cực tối thiểu (ultraminimal state). Một nhà nước cực tối thiểu duy trì sự độc quyền đối với tất cả các hoạt động sử dụng vũ lực ngoại trừ việc dùng vũ lực cần thiết cho việc tự vệ tức thời, và do đó nó ngăn cản sự trả đũa cá nhân (hoặc của đại lý) cho những hành vi sai trái và đòi hỏi bồi thường; nhưng nó cung cấp dịch vụ bảo vệ và thực thi chỉ cho những ai chi trả cho các chính sách bảo vệ và thực thi của nó. Những ai không trả tiền cho một hợp đồng bảo vệ độc quyền sẽ không được bảo vệ. Nhà nước tối thiểu (nhà nước cảnh sát đêm) sẽ tương đương với nhà nước cực tối thiểu gắn liền với một kế hoạch phiếu mua hàng (voucher) theo kiểu Friedman (một kế hoạch rõ ràng có tính tái phân phối), được tài trợ từ nguồn thu thuế.1 Theo kế hoạch này, tất cả mọi người, hoặc một số người nhất định (chẳng hạn những người cần được hỗ trợ) có thể nhận được phiếu mua hàng từ tiền thuế, và phiếu mua hàng này chỉ có thể được sử dụng để chi trả cho các chính sách bảo vệ từ nhà nước cực tối thiểu.

Vì nhà nước cảnh sát đêm dường như tái phân phối ở mức nó buộc một số người phải chi trả dịch vụ bảo vệ cho những người khác, nên những người ủng hộ nó phải giải thích tại sao nhà nước phải đảm nhận chỉ duy nhất chức năng tái phân phối này. Nếu một sự tái phân phối nào đó, nhằm bảo vệ tất cả mọi người, là chính đáng, thì tại sao sự tái phân phối nhằm vào các mục tiêu khác - hấp dẫn hơn và đáng mong muốn hơn - lại không chính đáng? Đâu là cơ sở hợp lý để chỉ ra rằng các dịch vụ bảo vệ là đối tượng chính đáng duy nhất cho việc tái phân phối? Một khi tìm ra được một cơ sở hợp lý như vậy, nó có thể chỉ ra rằng việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ này không phải là tái phân phối. Chính xác hơn, thuật ngữ "tái phân phối" áp dụng cho các lý do dàn xếp, hơn là cho chính sự dàn xếp ấy. Chúng ta có thể gọi tóm gọn một sự dàn xếp có tính “tái phân phối” nếu bản thân những lý do chính (chỉ những lý do khả thi) khiến người ta phải dàn xếp cũng có thuộc tính phân phối. (“Chủ nghĩa gia trưởng” cũng được lập luận theo cách tương tự.) Việc tìm ra những lý do thuyết phục không có tính tái phân phối có thể sẽ khiến chúng ta phải bỏ kiểu gán nhãn này. Việc chúng ta cho rằng một tổ chức thu tiền từ một người và trao nó cho người khác có tính tái phân phối hay không, sẽ phụ thuộc vào việc tại sao chúng ta nghĩ tổ chức ấy lại làm điều đó. Việc hoàn lại số tiền bị đánh cắp, hoặc việc bồi thường cho việc xâm phạm các quyền, không phải là lý do cho sự tái phân phối. Từ trước tới nay, tôi chỉ nói rằng nhà nước cảnh sát đêm dường như là tái phân phối, hòng để ngỏ cho các khả năng khác, mà ở đó có thể tồn tại các lý do không tái phân phối, nhằm biện minh cho việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ cho một số người bằng tiền của những người khác (tôi sẽ đi sâu vào một vài lý do như vậy trong Chương 4 và 5 của Phần I.)

Một người ủng hộ nhà nước cực tối thiểu dường như đang ở một vị trí mâu thuẫn, ngay cả khi anh ta né tránh câu hỏi rằng đâu là lý do khiến cho việc cung cấp sự bảo vệ lại là thứ duy nhất phù hợp cho sự tái phân phối. Vì rất quan tâm đến việc bảo vệ các quyền khỏi bị xâm phạm, anh ta đã biến điều này thành chức năng duy nhất chính đáng của nhà nước; và anh ta phản đối rằng tất cả các chức năng khác là không chính đáng bởi chúng kéo theo việc xâm phạm các quyền. Vì anh ta gán vị trí tối cao cho việc bảo vệ và không xâm phạm các quyền, làm thế nào mà anh ta có thể ủng hộ nhà nước cực tối thiểu, một nhà nước dường như bỏ mặc cho các quyền của một số người không được bảo vệ hoặc bảo vệ kém? Làm thế nào mà anh ta có thể ủng hộ một nhà nước như vậy nhân danh việc không xâm phạm các quyền?

CÁC RÀNG BUỘC ĐẠO ĐỨC VÀ CÁC MỤC TIÊU ĐẠO ĐỨC

Câu hỏi này giả định rằng một mối quan tâm đạo đức có thể có chức năng chỉ như một mục tiêu đạo đức, như là một trạng thái sau cùng, các kết quả hướng đến của một số hành động nhất định. Thật vậy, có vẻ như đây là một sự thật tất yếu, rằng những sự "đúng", "phải", "nên", và vân vân, cần phải được giải thích dưới dạng những thứ có tác dụng, hoặc được mong đợi là có tác dụng để mang đến điều tốt đẹp nhất, dưới dạng tất cả những mục tiêu được gán cho điều tốt đẹp này. [2] Vì vậy, người ta thường nghĩ rằng cái sai của thuyết công lợi (thuộc dạng này) chính là quan niệm quá hẹp của nó về lợi ích. Người ta cho rằng thuyết công lợi không quan tâm đúng mức đến các quyền và sự bất khả xâm phạm của chúng; thay vào đó, nó đặt chúng vào vị trí thứ yếu. Nhiều ví dụ chống lại thuyết công lợi dùng kiểu lập luận này, chẳng hạn như, việc trừng phạt một người vô tội để cứu một khu dân cư thoát khỏi cơn báo thù thịnh nộ. Tuy nhiên, một lý thuyết có thể ưu tiên sự bất khả xâm phạm các quyền, nhưng nó lại đặt sự ưu tiên đó không đúng chỗ và sai cách. Chẳng hạn một lý thuyết giả định rằng trạng thái sau cùng cần đạt được là giảm tổng số (có trọng số) vụ xâm phạm quyền xuống mức tối thiểu. Như vậy, chúng ta có một thứ gì đó tương tự như một "thuyết công lợi về các quyền"; sự xâm phạm các quyền (cần được giảm xuống mức tối thiểu) đơn thuần sẽ thay thế tổng hạnh phúc như là một trạng thái sau cùng liên quan trong cấu trúc công lợi. (Lưu ý rằng, ở đây, chúng ta không coi việc giữ các quyền của mình bất khả xâm phạm như là một lợi ích lớn nhất của chúng ta, hay thậm chí ưu tiên đặt nó lên hàng đầu nhằm tránh phải đánh đổi, nếu có xã hội đáng mong muốn nào đó thì chúng ta vẫn lựa chọn để sinh sống, dù rằng tại đó một số quyền của chúng ta đôi khi sẽ bị xâm phạm, hơn là chọn di chuyển đến một hoang đảo nơi chúng ta có thể phải sinh sống một mình.) Điều này vẫn sẽ đòi hỏi chúng ta đôi khi phải xâm phạm quyền của một số người, miễn là điều này giúp giảm thiểu tổng số (có trọng số) các vụ xâm phạm các quyền trong xã hội. Chẳng hạn, việc xâm phạm các quyền của một ai đó có thể ngăn cản những người khác từ bỏ ý định của họ về việc xâm phạm các quyền một cách nghiêm trọng, hoặc có thể loại bỏ động cơ hành động của họ, hoặc có thể chuyển hướng sự chú ý của họ, và vân vân. Một nhóm côn đồ giết chóc và phóng hỏa khi đi qua một thị trấn sẽ xâm phạm các quyền của những người sống tại đó. Bởi vậy, một người nào đó có thể cố gắng biện minh cho việc anh ta trừng phạt một ai đó đã xúc phạm đám côn đồ, người mà anh ta biết là vô tội, lấy lý do rằng việc trừng phạt người vô tội này sẽ giúp ngăn chặn những người khác xâm phạm quyền ở mức lớn hơn, và do đó làm giảm tổng số xâm phạm quyền trong xã hội xuống mức thấp nhất.

Trái ngược với việc đưa các quyền vào trong một trạng thái sau cùng cần đạt được, người ta có thể coi chúng là những ràng buộc lề (side constraint) đối với các hành động được thực hiện: không được vi phạm các ràng buộc C. Các quyền của những người khác xác định những ràng buộc lên hành động của bạn. (Một quan điểm hướng tới mục tiêu với các ràng buộc sẽ là: trong số những hành động khác nhau bạn có thể thực hiện mà không xâm phạm các ràng buộc C, bạn nên chọn hành động nhằm tối đa hóa mục tiêu G. Ở đây, các quyền của những người khác sẽ ràng buộc hành động hướng tới mục tiêu của bạn. Tôi không nói rằng quan điểm đạo đức đúng đắn phải bao gồm những mục tiêu cụ thể mà mọi người bắt buộc phải theo đuổi, ngay cả khi những mục tiêu này bị ràng buộc.) Quan điểm này khác với một quan điểm cố gắng lồng ghép các ràng buộc lề C vào trong mục tiêu G. Quan điểm ràng buộc lề sẽ ngăn cản bạn vi phạm các ràng buộc này về mặt đạo đức trong khi theo đuổi các mục tiêu của bạn; trái với quan điểm về mục tiêu tối thiểu hóa sự xâm phạm các quyền vẫn cho phép bạn xâm phạm các quyền (các ràng buộc) nhằm giảm bớt tổng số sự xâm phạm trong xã hội.2

Tuyên bố rằng người ủng hộ nhà nước cực tối thiểu không nhất quán, như giờ đây  chúng ta có thể thấy, dựa trên giả định rằng anh ta là một "nhà công lợi về quyền". Ví dụ, nó giả định rằng mục tiêu của anh ta là giảm càng nhiều sự xâm phạm các quyền trong xã hội càng tốt, và rằng anh ta nên theo đuổi mục tiêu này, thậm chí bằng những phương tiện xâm phạm các quyền của con người. Nhưng anh ta có thể xem việc không xâm phạm các quyền như là một ràng buộc lên hành động, thay vì đưa nó vào (hoặc thêm vào) trạng thái sau cùng cần đạt được. Lập trường mà người ủng hộ nhà nước cực tối thiểu này nắm giữ sẽ là một lập trường nhất quán nếu anh ta  tuân thủ quan niệm của anh ta về quyền: rằng việc bạn bị ép buộc đóng góp cho phúc lợi của người khác là xâm phạm các quyền của bạn, trong khi đó việc người khác không cung cấp cho bạn những thứ bạn thực sự cần, bao gồm cả những thứ cần thiết để bảo vệ các quyền của bạn,  bản thân nó không xâm phạm các quyền của bạn, dầu rằng nó thoái thác việc gây thêm khó khăn cho ai đó xâm phạm các quyền của bạn. (Quan niệm đó sẽ nhất quán, miễn là nó không diễn giải rằng chính yếu tố độc quyền của nhà nước cực tối thiểu là một sự xâm phạm quyền.) Tất nhiên, việc nó là một lập trường nhất quán cũng không phải là biểu hiện cho thấy nó là một lập trường có thể chấp nhận.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Milton Friedman, Capitalism and Freedom (Chicago: University of Chicago Press, 1962), chương 6. Tất nhiên, phiếu mua hàng của Friedman cho phép lựa chọn ai sẽ cung cấp sản phẩm, và do đó, khác với các phiếu mua dịch vụ bảo vệ mà ta đang đề cập ở đây.

(2) Đáng tiếc là, cho đến nay, có quá ít mô hình về cấu trúc các quan điểm đạo đức được xác định, dù là chắc chắn có những cấu trúc thú vị khác. Do đó, lập luận biện minh cho cấu trúc ràng buộc lề không mang tính kết luận, vì nó chủ yếu dựa vào lập luận chống lại cấu trúc tối đa hóa trạng thái sau cùng, trong khi nhữngcấu trúc khác lại chưa được nghiên cứu chi tiết. (Ở trang 46, chúng ta mô tả một quan điểm không hoàn toàn phù hợp với cấu trúc ràng buộc lề, cũng như cấu trúc về trạng thái sau cùng.) Một loạt các cấu trúc nên được xây dựng và nghiên cứu một cách chính xác; có lẽ một cấu trúc mới nào đó sẽ cho thấy rằng nó thích hợp nhất.

Liệu có thể kết hợp một quan điểm về ràng buộc lề vào trong một dạng quan điểm hướng tới mục tiêu nhưng lại không có ràng buộc lề hay chăng; đây là một câu hỏi khó. Ví dụ, người ta có thể nghĩ rằng mỗi người có thể phân biệt được, trong phạm vi mục tiêu của mình, giữa việc anh ta xâm phạm quyền của người khác và việc người khác làm điều đó. Nếu cái trước có tầm quan trọng vô hạn (tiêu cực) trong mục tiêu của một người, thì hành vi ngăn cản người khác xâm phạm quyền không thể nào có sức nặng bằng hành vi anh ta đi xâm phạm quyền của người khác. Ngoài chuyện một thành phần của mục tiêu có sức nặng vô hạn, thì còn xuất hiện các biểu đạt trực chi (indexical expressions), chẳng hạn như “những chuyện tôi đã làm”. Một tuyên bố cẩn trọng xác định “các quan điểm ràng buộc” sẽ loại trừ những mánh lới này nhằm biến các ràng buộc lề thành một dạng quan điểm trạng thái sau cùng. Các phương pháp toán học nhằm biến một bài toán tối thiểu hóa có ràng buộc thành một chuỗi các tối thiểu hóa không ràng buộc của một hàm phụ được phát triển bởi Anthony Fiacco và Garth McCormick trong cuốn Nonlinear Programming: Sequential Unconstrained Minimization Techniques (New York: Wiley, 1968). Cuốn sách này thú vị cả về các phương pháp của nó, lẫn về những hạn chế trong việc làm sáng tỏ lĩnh vực mà chúng ta quan tâm; lưu ý về cách thức mà các hàm phạt (penalty functions) bao gồm các ràng buộc, sự thay đổi trọng số của các hàm phạt (mục 7.1), vân vân.

Câu hỏi về việc liệu những ràng buộc lề này có phải là tuyệt đối hay không, hay liệu chúng có thể bị vi phạm để tránh những thảm họa kinh hoàng về đạo đức hay không, và nếu là ý thứ hai, thì nó sẽ dẫn đến loại cấu trúc như thế nào, là điều mà tôi hy vọng là có thể tránh được càng nhiều càng tốt.

Nguồn: Nozick, Robert (1974). Anarchy, State and Utopia. Basic Books