[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] - Lời tựa

[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] - Lời tựa

Mọi cá nhân đều hưởng những quyền, và có những điều không ai hoặc nhóm nào được phép làm với họ (mà không vi phạm quyền của họ). Đấy là những quyền đầy sức mạnh và rộng khắp; chúng làm nảy sinh câu hỏi: nhà nước và các quan chức của nó có quyền làm gì, nếu quả là có quyền đó. Quyền cá nhân chừa lại cho nhà nước những khoảng trống nào? Bản chất của nhà nước, các chức năng chính đáng của nhà nước và những biện minh cho nhà nước, nếu quả là cần có nhà nước, là mối quan tâm chính của cuốn sách này; ngoài ra còn có nhiều chủ đề phong phú đan xen khác được nghiên cứu, xem xét xuyên suốt công trình của chúng tôi.

Những kết luận chính của chúng tôi về nhà nước là: một nhà nước tối thiểu, được giới hạn vào trong một số ít các chức năng như bảo vệ chống lại vũ lực, trộm cắp, gian lận, thực thi hợp đồng, v.v., là biện minh được; bất kỳ nhà nước nào mở rộng vượt quá quy mô tối thiểu ắt sẽ vi phạm những quyền không buộc phải làm những việc nhất định của mọi người, và vì thế không biện minh được; và ý tưởng về nhà nước tối thiểu cũng truyền cảm hứng tương tự như ý tưởng về quyền vậy. Hai ngụ ý đáng kể là: nhà nước không được sử dụng bộ máy cưỡng chế của mình cho mục đích khiến một số công dân này [phải] hỗ trợ một số công dân khác, hoặc để ngăn cấm người dân tham gia các hoạt động vì lợi ích hoặc bảo vệ bản thân họ.

Mặc dù chúng tôi chỉ loại trừ những con đường cưỡng chế hướng tới những mục tiêu này, trong khi giữ lại những con đường tự nguyện, nhiều người sẽ bác bỏ kết luận của chúng tôi ngay tức thì, lấy lý do là họ không muốn tin vào bất cứ điều gì biểu lộ sự nhẫn tâm trước sự cầu cứu và đau khổ của người khác. Tôi biết phản ứng đó; nó là của tôi khi tôi lần đầu tiên bắt tay vào xem xét những quan điểm như vậy. Và rồi tôi thấy mình dần bị thuyết phục, không thể cưỡng lại, bởi quan điểm (như giờ đây chúng thường được gọi) tự do cá nhân, xuất phát từ những suy xét và lý lẽ khác nhau. Cuốn sách này chứa rất ít bằng chứng về sự miễn cưỡng trước đây của tôi. Thay vào đó, nó chứa đựng nhiều suy xét và lý lẽ được tôi trình bày mạnh mẽ nhất có thể. Do đó, tôi có nguy cơ bị hở lưng cho người khác tấn công: vừa để lộ lập trường, vừa bày ra các lý lẽ củng cố lập trường này.

Tôi không trình bày sự miễn cưỡng trước đó của tôi trong cuốn sách này bởi vì giờ đây nó đã biến mất hoàn toàn. Theo thời gian, tôi đã quen thuộc với các quan điểm và hệ quả của chúng, và giờ tôi nhìn lĩnh vực chính trị qua lăng kính này. (Tôi có nên nói rằng chúng giúp tôi có thể nhìn thấu lĩnh vực chính trị không?) Bởi vì nhiều người, với lập trường tương tự, lại có suy nghĩ hẹp hòi và cứng nhắc, phẫn nộ trước những lối sống tự do hơn (thật nực cười), nên với việc các lý giải tự nhiên của tôi giờ đây tương thích với lý thuyết khiến tôi chẳng còn chỗ lui tới. Thật đáng buồn là hầu hết những người mà tôi biết và kính trọng đều không đồng ý với tôi; họ đã không kiềm chế được cảm xúc, mà thật ra chẳng đáng ngưỡng mộ chút nào, đó là trút giận lên mọi người bằng cách bày tỏ những lý do mạnh mẽ ủng hộ những lập trường mà họ không thích hoặc thậm chí là ghê tởm.

Tôi viết tác phẩm với văn phong triết học đương đại về nhận thức luận hoặc siêu hình học: đưa ra những lập luận tỉ mỉ, những tuyên bố bị bác bỏ bởi những ví dụ phản bác hiếm gặp, những luận đề đầy bất ngờ, những câu đố, những điều kiện cấu trúc trừu tượng, những thách thức để tìm ra một lý thuyết khác phù hợp với một loạt trường hợp cụ thể, những kết luận đáng kinh ngạc, và cứ như thế. Mặc dù điều này mang đến sự thích thú và phấn khích về trí tuệ (tôi hy vọng), nó có thể khiến một số người cho rằng việc khám phá sự thật về luân lý học và triết học chính trị là công việc nghiêm túc và quan trọng cảm thấy những công cụ "hào nhoáng" như vậy khó có thể thu được kết quả. Tuy nhiên, những phương pháp thường trực trong trí óc của chúng ta có thể lại không phát hiện ra được cái đúng trong luân lý học.

 Không nên sử dụng các lý lẽ chi tiết để soi xét  quan điểm đã được tiếp nhận hoặc các nguyên lý đã được chấp nhận. Để phản bác những quan điểm khác, người ta thường chỉ cần chỉ ra rằng chúng đối lập với quan điểm mà độc giả mong muốn chấp nhận bằng mọi giá. Nhưng không thể tự bảo vệ một quan điểm khác với quan điểm của độc giả bằng cách lập luận rằng quan điểm đã được độc giả tiếp nhận đối lập với quan điểm kia! Thay vì làm như vậy, ta sẽ phải đặt quan điểm đã được tiếp nhận dưới những kiểm nghiệm trí tuệ gắt gao nhất, thông qua phản biện, xem xét kỹ lưỡng các tiền giả định của nó và trình bày một loạt các tình huống có thể xảy ra mà ngay cả những người ủng hộ nó cũng không thoải mái với những hậu quả của nó.

Ngay cả khi đọc giả cho rằng lập luận của tôi không thuyết phục, thì anh ta cũng thấy rằng, để bảo lưu quan điểm của mình, anh ta phải làm sáng tỏ và mài rũa nó sâu sắc hơn nữa. Hơn nữa, tôi thường nghĩ rằng, sự trung thực về mặt trí tuệ đòi hỏi rằng, chí ít là đôi khi, chúng ta phải bước ra ngoài thế giới của chúng ta để đối mặt với những lập luận mạnh mẽ chống lại quan điểm của chúng ta. Còn có cách nào khác để chúng ta tự bảo vệ mình khỏi việc tiếp tục mắc lỗi? Cũng phải công bằng khi nhắc nhở độc giả rằng sự trung thực về mặt trí tuệ có những nguy hiểm của nó; những lập luận có lẽ lúc đầu chỉ được đọc bởi sự tò mò, lại có sức mạnh thuyết phục và thậm chí khiến anh ta chấp nhận một cách tự nhiên và trực quan. Chỉ có kẻ mũ ni che tai mới đảm bảo không bị sự thật lọt vào.

Nội dung của cuốn sách này là về những lập luận cụ thể của nó; tuy thế, tôi vẫn muốn gợi mở thêm về những gì cuốn sách sẽ trình bày. Vì tôi bắt đầu bằng một phát biểu mạnh về các quyền cá nhân, nên tôi xem xét hết sức nghiêm túc tuyên bố của chủ nghĩa vô chính phủ cho rằng trong quá trình duy trì độc quyền sử dụng vũ lực và bảo vệ mọi người trong một lãnh thổ, nhà nước ắt phải xâm phạm các quyền của cá nhân, và do đó về bản chất là trái đạo đức. Phản bác lại tuyên bố này, tôi lập luận rằng một nhà nước sẽ khởi sinh từ tình trạng vô chính phủ (được thể hiện dưới dạng trạng thái tự nhiên của Locke) dù rằng không ai có ý định này hoặc cố gắng làm cho nó xuất hiện, thông qua một quá trình không vi phạm quyền của bất kỳ ai. Theo đuổi lý lẽ trung tâm này của Phần I dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm: tại sao các quan điểm đạo đức liên quan đến những ràng buộc lề  (side constraints) đối với hành động thay vì chỉ hướng tới mục tiêu, cách đối xử với động vật, tại sao có thể giải thích một cách thuyết phục các mẫu hình phức tạp phát sinh bởi các quá trình không ai có ý định tạo ra chúng như vậy, các lý do giải thích tại sao một số hành động nên bị cấm thay vì  được cho phép miễn là bồi thường được trả cho nạn nhân do hành động gây ra, sự không tồn tại của lý thuyết răn đe về sự trừng phạt, các vấn đề về việc cấm các hành động rủi ro, cái gọi là "nguyên tắc công bằng" của Herbert Hart, tấn công phủ đầu và giam giữ phòng ngừa. Những vấn đề này và nhiều vấn đề khác được đưa ra để khám phá bản chất và tính chính đáng về mặt đạo đức của nhà nước và của tình trạng vô chính phủ.

Phần I biện minh cho nhà nước tối thiểu; Phần II cho rằng không thể biện minh được cho nhà nước nào mở rộng hơn quy mô tối thiểu. Tôi tiếp tục bằng cách lập luận rằng có nhiều lý do biện minh cho một nhà nước mở rộng hơn, tuy nhiên đều không thành công. Nhằm phản bác lại tuyên bố cho rằng một nhà nước như vậy là biện minh được trên khía cạnh mang lại hoặc tạo ra công bằng phân phối giữa các công dân của nó, tôi phát triển một lý thuyết về công lý (lý thuyết về quyền hưởng – entitlement theory) mà không đòi hỏi phải có bất kỳ nhà nước nào mở rộng hơn, và sử dụng khung lý thuyết này để mổ xẻ và phê phán các lý thuyết khác về công bằng phân phối, vốn đóng vai trò mở đường cho sự hình thành nhà nước mở rộng hơn, trong đó đặc biệt tập trung vào lý thuyết đầy sức mạnh gần đây của John Rawls. Tôi cũng phê phán những lý do khác có thể nghĩ đến để biện minh cho một nhà nước mở rộng hơn như bình đẳng, lòng đố kỵ, sự kiểm soát của người lao động, và các lý thuyết của Marx về sự bóc lột. (Độc giả nếu thấy Phần I khó đọc, sẽ thấy Phần II dễ hơn, và Chương 8 dễ đọc hơn Chương 7.) Phần II khép lại bằng một mô tả giả định về cách nhà nước mở rộng hơn có thể khởi sinh, một câu chuyện được tạo dựng để cho thấy một nhà nước như vậy chẳng hấp dẫn chút nào. Ngay cả khi nhà nước tối thiểu là nhà nước duy nhất có thể biện minh được, nó có vẻ nhợt nhạt và kém hấp dẫn, khó trở thành lý tưởng để truyền cảm hứng cho một ai đó hoặc trở thành một mục tiêu đáng để tranh đấu. Để đánh giá cảm nhận này, tôi quay sang lý thuyết không tưởng – một truyền thống đầy cảm hứng của tư tưởng xã hội, và lập luận rằng những gì có thể bảo lưu được từ truyền thống này chính là cấu trúc của nhà nước tối thiểu. Lập luận liên quan đến việc so sánh các phương pháp khác nhau trong việc định hình một xã hội, phương pháp thiết kế và phương pháp lọc, và trình bày một mô hình lấy cảm hứng từ việc áp dụng khái niệm của các nhà kinh tế toán học về phần lõi của một nền kinh tế.

Việc tôi nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa những kết luận của cuốn sách so với những gì mà đa số độc giả tin tưởng có thể khiến ai đó nghĩ rằng đây là một thể loại sách chính trị. Không phải vậy; đây là một tác phẩm triết học khám phá vấn đề, trong số đó nhiều vấn đề hấp dẫn đến từ bản thân chúng; đây là những vấn đề nảy sinh và liên kết với nhau khi chúng tôi xem xét chủ đề về quyền cá nhân và nhà nước. Từ "khám phá" (exploration) được chọn ở đây là thích đáng. Có một quan điểm về phong cách viết tác phẩm triết học theo đó một tác giả nên suy nghĩ kỹ tất cả các chi tiết về quan điểm mà anh ta trình bày, và các vấn đề của nó, đánh bóng và tinh chỉnh quan điểm của mình để trình ra thế giới một tổng thể hoàn thiện, hoàn chỉnh và trang nhã. Đây không phải là quan điểm của tôi. Dù sao đi nữa, tôi tin rằng vẫn có chỗ trong đời sống trí tuệ đang diễn ra của chúng ta đối với một tác phẩm chưa thực sự hoàn thiện, còn chứa đựng những đoạn trình bày dang dở, những phỏng đoán, những câu hỏi và vấn đề mở, những điểm gợi mở, những kết nối phụ, cũng như chỉ có một dòng lập luận chính. Vẫn có chỗ để bàn luận về các chủ đề khác thay vì là những câu nói chắc như đinh đóng cột.

Thật vậy, cách trình bày tác phẩm triết học thông thường thực sự thách đố tôi. Các tác phẩm triết học được viết như thể các tác giả của chúng tin rằng chúng là lời cuối cùng tuyệt đối đúng về chủ đề mà chúng bàn luận. Nhưng chắc chắn là không nhà triết học nào nghĩ rằng cuối cùng, tạ ơn Chúa, mình đã tìm ra chân lý và xây dựng một pháo đài bất khả xâm phạm xung quanh nó. Tất cả những nhà triết học chúng ta thực sự khiêm tốn hơn nhiều. Vì lý do tốt. Với việc suy nghĩ rất lâu và sâu về quan điểm mà mình đề xuất, một nhà triết học hẳn cũng biết rõ về những điểm yếu của nó; những nơi sức nặng trí tuệ lớn được đặt lên một thứ gì đó có lẽ quá mỏng manh, những nơi việc làm sáng tỏ quan điểm mới chỉ bắt đầu, chính là những nơi chứa những giả định chưa được chứng minh mà anh ta còn cảm thấy trăn trở.

Hình thức làm công việc triết học có cảm giác giống như việc đưa những đồ vật sao cho vừa khớp vào bên trong một hình dạng xác định với một chu vi cố định nào đó. Tất cả những đồ vật đó đang nằm bên ngoài, và nhiệm vụ là phải đút chúng vừa vặn vào trong đó. Bạn đẩy và đưa từng vật một vào trong đó, nó chạm vào thành bên này, và phình ra ở thành bên kia. Bạn chạy xung quanh và ấn vào những chỗ lồi ra, và bằng cách đó, tạo ra thêm không gian để chứa những vật khác. Vì vậy, bạn đẩy, đút và cắt gọt các phần lồi của mọi thứ sao cho chúng vừa vặn, rồi bạn ép chúng vào cho đến khi cuối cùng hầu hết mọi thứ đều gần như nằm yên vị trong đó; những gì không đưa vào được, bạn sẽ đẩy chúng ra xa để không bị chú ý. (Tất nhiên, không phải mọi thao tác đều thô cứng như vậy. Cũng có những động tác uốn lượn mềm mại để lùa vào. Và cả cử động cơ thể nữa.) Nhanh chóng, bạn tìm thấy một góc mà từ đó nó nhìn có vẻ vừa xinh và chụp thật nhanh trước khi có cái gì đó phình ra quá lố. Sau đó, trở lại phòng tối để trám lại những chỗ thủng, rách, xước trên bề mặt vải của vỏ bao. Công việc còn lại là công bố bức ảnh thể hiện chính xác các sự vật trông như thế nào, và lưu ý vì sao lại không thể có bất kỳ hình dạng nào khác tuyệt vời hơn.

Không có nhà triết học nào nói: "Đây là nơi tôi bắt đầu, kia là nơi tôi kết thúc; điểm yếu chính trong công trình của tôi là tôi đã đi từ kia đến đây; cụ thể, đây là những chỗ méo mó, ép đẩy, chêm chặn, đục mài, cắt đẽo tiêu biểu nhất mà tôi đã phải làm trong suốt hành trình; ấy là chưa kể đến những thứ tôi đã lờ đi hoặc vứt bỏ, và cả những chỗ đành phải cúi mặt làm ngơ. "

Tôi nghĩ, sự dè dặt của các nhà triết học về những điểm yếu mà họ nhận thấy từ quan điểm của riêng mình không đơn giản chỉ là câu hỏi về tính trung thực và chính trực triết học, dù rằng đấy chính là hoặc ít nhất trở thành mối quan tâm khi suy nghĩ về nó. Tính cẩn trọng gắn với mục đích của các nhà triết học trong quá trình hình thành quan điểm. Tại sao họ cố gắng gói mọi thứ vào một chu vi cố định đó? Tại sao không phải là một chu vi khác, hoặc triệt để hơn, tại sao không để mọi thứ ở đúng nơi chúng đang ở? Việc đưa mọi thứ vào trong một chu vi giúp ích gì cho chúng ta? Tại sao chúng ta muốn nó như vậy? (Nó giúp chúng ta che chắn khỏi cái gì?) Với những câu hỏi sâu sắc (và đáng sợ) này, tôi hy vọng sẽ không phải cúi mặt làm ngơ trong những công trình khác trong tương lai.

Tuy vậy, lý do tôi đề cập đến những vấn đề này ở đây không phải là vì tôi cảm thấy chúng liên quan chặt chẽ đến tác phẩm này hơn là các tác phẩm triết học khác. Những gì tôi nói trong cuốn sách này, tôi nghĩ là chính xác. Đây không phải là cách để tôi rút lại những điều trình bày trong cuốn sách. Đúng hơn, tôi muốn trao tất cả cho các bạn: những nghi ngờ, lo lắng và không chắc chắn cũng như niềm tin, xác tín và lý lẽ.

Tại những điểm cụ thể trong lập luận, chuyển tiếp, giả định, v.v., nơi tôi cảm thấy căng thẳng, tôi cố gắng bình luận hoặc chí ít là thu hút sự chú ý của người đọc vào điều khiến tôi không thoải mái. Trước hết, tôi muốn nêu lên một số suy tư về lý thuyết nói chung. Cuốn sách này không trình bày một lý thuyết chính xác về cơ sở đạo đức của các quyền cá nhân; nó không chứa đựng một mệnh đề chính xác và sự biện minh cho một lý thuyết trừng phạt về hình phạt; hoặc một mệnh đề chính xác về các nguyên lý của lý thuyết ba bên về công bằng phân phối mà nó trình bày. Phần lớn những gì tôi nói đều dựa vào hoặc sử dụng các đặc điểm tổng quát mà tôi tin rằng những lý thuyết như vậy sẽ có được nếu chúng được đem ra áp dụng. Tôi muốn viết về những chủ đề này trong tương lai. Nếu tôi làm vậy, chắc chắn lý thuyết đạt được sẽ khác với những gì giờ đây tôi mong đợi, và điều này sẽ đòi hỏi cần có một số sửa đổi trong cấu trúc thượng tầng được dựng lên ở đây. Thật là ngốc nghếch nếu ai đó mong đợi tôi sẽ giải quyết thỏa đáng những nhiệm vụ cơ bản này; vì đấy là những công việc thầm lặng, chỉ được công bố sau khi hoàn thành. Có lẽ tác phẩm này sẽ tạo được niềm cảm hứng để những người khác cùng chung tay gánh vác.

(Còn nữa)

Nguồn: Nozick, Robert (1974). Anarchy, State and Utopia. Basic Books