Lẽ Thường (Common Sense) - Chương IV (Phần 1)

Lẽ Thường (Common Sense) - Chương IV (Phần 1)

Bàn Về Khả Năng Hiện Tại của Mỹ và Một Số Cảm Nghĩ Rời

Tôi chưa bao giờ gặp một người, ở bên Anh hay bên Mỹ, mà chưa từng thú nhận rằng sự tách biệt giữa hai nước, sẽ xảy ra không vào lúc này thì cũng vào lúc khác: Và không có thí dụ nào cho thấy là chúng ta đã thiếu suy xét khi đưa ra nhận định này mà chỉ cố gắng trình bày thực trạng đã chín muồi hay thích hợp cho sự độc lập của Lục địa Mỹ.

Vì tất cả mọi người đều đồng ý về việc tách biệt giữa hai nước, chỉ có khác nhau về thời điểm, cho nên để tránh phạm phải lỗi lầm, hãy làm một cuộc khảo sát tổng quát và cố gắng hết sức để xác định xem thời điểm đó là lúc nào. Nhưng ta không cần phải tìm kiến đâu xa, cuộc khảo sát đã chấm dứt vì thời điểm đó đã tới với chúng ta. Sự đồng ý chung của mọi người và sự đoàn kết vinh quang của tất cả mọi điều đã là bằng cớ chứng minh cho điểm này.

Sức mạnh lớn nhất của chúng ta không nằm ở số lượng mà ở sự đoàn kết; tuy nhiên con số [binh sĩ] chúng ta hiện có cũng đủ sức để đẩy lui quyền lực của tất cả thế giới. Lục địa chúng ta, ngay lúc này, có một lực lượng nhân sự có vũ trang và kỷ luật lớn nhất so với những nước khác dưới bầu trời, và sức mạnh của lực lượng này đã đạt đến đỉnh cao nhất mà không một thuộc địa riêng rẽ nào có thể yểm trợ nổi, và toàn bộ các thuộc điạ, khi kết hợp lại mới có thể hoàn thành được sứ mạng này, ở mức độ nhiều hơn hay ít hơn mức độ này một chút thì có thể tạo ra những ảnh hưởng tai hại. Lực lượng bộ binh của ta đã đủ rồi, còn về vấn đề hải quân, ta không thể không nhận thức rằng nước Anh sẽ chẳng bao giờ chịu đóng một chiến thuyền tại Mỹ nếu Lục địa này còn nằm trong tay Anh quốc. Vì thế ta chẳng nên làm kẻ tiên phong đi trước cả trăm năm theo hướng này [để đóng chiến thuyền], mà sự thực là nên hạn chế lại số tàu chiến, vì cây gỗ sẽ mỗi ngày bị hao mòn dần và những cây còn lại sẽ nằm sâu trong rừng và khó cho việc thu hoạch.

Nếu Lục địa có đông cư dân, thì sự đau khổ của họ dưới những hoàn cảnh hiện tại là những khổ đau không thể chịu đựng nổi. Ta càng có nhiều phố cảng bao nhiêu, thì ta càng phải tốn công vừa để bảo vệ, vừa để không bị mất thành vào tay địch quân. Con số hải cảng của ta hiện nay là con số tỷ lệ đẹp đẽ với nhu cầu của chúng ta, và ai cũng phải tham dự, không có ai được quyền nhàn tản. Sự giảm thiểu thương nghiệp giúp cho có thêm phương tiện để xây dựng quân đội, và những nhu cầu của quân đội tạo ra thương nghiệp mới.

Chúng ta không mắc nợ ai hết, và nếu ta có phải vay nợ trong việc này, thì đó sẽ là một kỷ vật vinh quang cho đức tính của chúng ta. Nếu ta có thể để lại cho hậu thế một mô hình chính quyền ổn định, một hiến pháp tự nó độc lập, thì cái giá nào phải trả cũng vẫn là giá hời. Nhưng nếu ta tiêu hàng triệu đồng chỉ để hủy bỏ vài đạo luật đê tiện và chỉ nhằm tấn công cái nội các hiện tại, thì điều đó không đáng cho ta phải tốn kém như vậy. Làm như vậy ta đang sử dụng hậu duệ của ta một cách độc ác nhất, vì ta đã để lại cho chúng công việc lớn lao phải làm và một món nợ trên lưng mà chúng chẳng được hưởng lợi gì hết. Tư tưởng như vậy không xứng đáng với những người có danh dự, và là đặc tính thực của một tấm lòng hẹp hòi và của chính trị gia vụ lợi.

Món nợ mà chúng ta có thể phải gánh chịu không đáng để cho ta quan tâm, nếu ta hoàn thành được nhiệm vụ. Không có nước nào mà lại không mang nợ. Một món nợ của quốc gia là một sự liên kết [giữa những công dân của] quốc gia; và khi mà món nợ này không có lãi, thì nó không phải là cái cớ để than phiền. Nước Anh bị áp lực của một món nợ lên đến 140 triệu bảng,1 và tiền lời phải trả cho món nợ này lên tới bốn triệu bảng. Và để bù lại cho món nợ này, nước Anh có một lực lượng hải quân to lớn; nước Mỹ không mang nợ ai hết, và cũng chẳng có một lực lượng hải quân; tuy nhiên, chỉ cần có khoản tiền bằng một phần hai mươi của món nợ quốc gia của nước Anh, Mỹ cũng có thể có một lực lượng hải quân to lớn. Hải quân của Anh, ngay lúc này, không có giá trị hơn ba triệu rưỡi bảng.

Ấn bản thứ nhất và thứ nhì của tiểu luận này không có phần bảng chiết tính dưới đây, tôi đính kèm trong ấn bản này để minh chứng cho lập luận nêu trên.2

Phí tổn của việc đóng một chiến thuyền theo mỗi loại, rồi trang bị nào buồm, nào lèo lái, phụ tùng, súng đạn, cùng với lương của trưởng thủy thủ và thợ mộc trong tám tháng, được ông Burchett, Bộ trưởng Hải quân tính như sau:

 

Tàu chiến có

Phí tổn (pounds sterling)

100 khẩu súng

35.553

90

29.886

80

23.638

70

17.795

60

14.197

50

10.606

40

7.558

30

5.846

20

3.710

 Từ những con số này ta có thể tính dễ dàng giá trị, hay nói đúng hơn là phí tổn của hải quân Anh quốc trong năm 1757, năm mà lực lượng hải quân Anh hùng mạnh nhất với con số tàu chiến và súng theo biểu dưới đây:

Số chiến thuyền

Súng

Phí tổn mỗi chiếc

Phí tổn mỗi loại

6

100

35.553

213.318

12

90

29.886

358.632

12

80

23.638

283.656

43

70

17.785

764.755

35

60

14.197

496.895

40

50

10.606

424.240

45

40

7.558

340.110

58

20

3.710

215.180

85 tàu tuần tra, tàu đánh bom và hỏa thuyền

 

2000

170.000

 

Chi phí còn lại cho súng

 

233.214

 

 

Tổng Phí tổn

3.500.000

Không có nước nào trên quả đất này mà lại được nằm ở một vị trí thuận lợi và may mắn, hoặc có được khả năng nội tại để xây dựng một hạm đội như nước Mỹ. Nào gỗ, nào dầu hắc, nào sắt, nào là dây thừng dây chão đều là những sản phẩm thiên nhiên của Mỹ. Chúng ta không cần phải đi mua từ nước ngoài. Trong khi đó nước Phổ—nước kiếm được những khoản lợi nhuận lớn lao khi cho người Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha thuê tàu chiến của họ—phải nhập cảng những vật dụng này cho tàu chiến của họ. Ta nên quan niệm rằng việc xây dựng một hạm đội cũng giống như tạo ra một món hàng thương mại mà chính nó là sản phẩm tự nhiên do chúng ta tạo nên. Nó là một sản phẩm tốt nhất mà ta có thể bỏ tiền ra mua được. Một lực lượng hải quân khi xây dựng xong có giá trị hơn phí tổn phải bỏ ra rất nhiều. Và như thế chẳng phải là một điểm hay trong chính sách quốc gia khi kết hợp được cả thương mại và quốc phòng. Chúng ta hãy xây dựng hải quân; nếu không còn cần nữa, ta có thể bán những tàu chiến này đi; và như thế ta hoán đổi tiền giấy lấy vàng thật và bạc thật.

Còn về điểm cung cấp nhân sự để điều hành hạm đội, người ta thường hiểu rất sai lầm về điều này; đó là không cần đến một phần tư nhân sự trên tàu là thủy thủ đâu. Thuyền trưởng Tử Thần, thuyền trưởng của chiếc tàu Kinh Khủng (một loại tàu của tư nhân được nhà nước ủy nhiệm để tấn công tàu ngoại quốc khi chiến tranh xảy ra), trong trận thủy chiến gay go nhất vừa qua, chỉ có 20 thủy thủ trên tàu, mặc dù cũng có thêm khoảng 200 người khác phụ việc. Một vài thủy thủ có khả năng sẽ có thể hướng dẫn cho đủ một số người không phải thủy thủ mà vẫn làm được công việc trên tàu. Vì thế, chưa bao giờ mà khả năng xây dựng hải quân của ta lại thuận lợi như bây giờ, vật liệu và gỗ đóng tàu đang có sẵn, ngư nghiệp của ta đang bị ngăn trở, thủy thủ và thợ đóng tàu đang bị thất nghiệp. Những tàu chiến trang bị 70 hay 80 súng đã từng được đóng tại New-England cách đây 40 năm, thì tại sao bây giờ lại không làm được? Kỹ nghệ đóng tàu là niềm hãnh diện lớn nhất của Mỹ, và chẳng bao lâu thì Mỹ sẽ dẫn dầu thế giới [về phương diện này]. Những đế quốc vĩ đại ở phương đông đa số nằm trong nội địa và vì thế không có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Phi châu còn là một nước man rợ; và không có một thế lực nào ở Âu châu mà lại có một bờ biển dài rộng như của Mỹ, hay có sẵn nguồn cung cấp vật liệu nội địa. Điều gì mà thiên nhiên đã cho kẻ này, thì lại giữ lại không cho kẻ khác. Chỉ riêng với nước Mỹ, thiên nhiên đã ưu đãi cho có đủ cả hai. Đế quốc Nga mênh mông là thế mà gần như bị đóng cửa không có đường ra biển; vì thế tài nguyên từ những cánh rừng vô tận, dầu hắc, mỏ sắt, thừng chão chỉ là những món đồ buôn bán mà thôi.3

Về vấn đề an toàn, liệu chúng ta có cần một hạm đội không? Chúng ta không còn là trẻ con như 60 năm trước; lúc đó ta có thể để của cải ngoài đường, thực ra là ngoài ruộng vì đã có đường đi đâu, và ngủ ngon lành mà không cần khóa cửa. Tình hình bây giờ đã khác rồi, và phương pháp để bảo vệ cũng nên được cải tiến theo với sự gia tăng tài sản của chúng ta. Một bọn cướp biển tầm thường, 12 tháng trước đây, có thể tiến theo sông Delaware và vây hãm thành phố Philadelphia và bắt thành phố này phải đóng cống phẩm theo ý chúng ấn định; và sự thể tương tự như vậy cũng có thể xảy ra ở những nơi khác. Nói cho đúng hơn, bất kỳ một kẻ bạt mạng nào, chỉ có một chiếc tàu với 14 hay 16 tay súng cũng có thể đi ăn cướp cả lục địa và thủ đắc được cả nửa triệu đồng. Đó là những trường hợp buộc ta phải để ý, và nêu lên sự cần thiết phải có sự bảo vệ của hải quân.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) 1 pound (lb) = đơn vị đo trọng lượng của Anh tương đương với khoảng 0.45 kg. Đơn vị này được chuyển sang tiền tệ thành bảng Anh, dùng ngân bản vị (pounds sterling: sterling là loại bạc tinh chất đến 92%). £ là dấu hiệu chỉ đồng bảng Anh. Giá trị tiền tệ hiện nay của 1£ tương đương với $1.60 US.

(2) Xem thêm Lịch sử Hải quân của Entic, phần giới thiệu, trang 56 –(ghi chú của Paine).

(3) Nước Nga có bờ biển dài nhất thế giới, 37.653 km, nhưng vùng biển phía bắc giáp Bắc Cực nên quanh năm bị đông đá, không di chuyển được. Còn vùng biển phía đông giáp Thái-bình-dương, biển Bering, biển Okhost, và một phần biển Nhật-bản; phía tây là một đoạn ngắn thuộc biển Baltic và Hắc Hải.

Nguồn: Học viện Công dân: Lẽ Thường (Common Sense) – Thomas Paine.

Dịch giả:
Nông Duy Trường