[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 3)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 3)

TẤN CÔNG ĐỘC QUYỀN

Các thể chế dung hợp ở Hoa Kỳ có nguồn gốc từ các cuộc đấu tranh ở Virginia, Maryland và Carolina trong thời kỳ thuộc địa. Hiến pháp Hoa Kỳ với hệ thống kiềm chế và phân lập quyền lực của nó đã tăng cường sức mạnh cho các thể chế này. Hiến pháp không đánh dấu chấm hết cho sự phát triển của các thể chế dung hợp. Cũng như ở Anh, những thể chế này được tăng cường sức mạnh nhờ quá trình phản hồi tích cực trong vòng xoáy đi lên.

Vào giữa thế kỷ 19, tất cả người da trắng là nam giới đều có quyền bầu cử ở Hoa Kỳ mặc dù phụ nữ và người da đen không được tham gia. Các thể chế kinh tế đã trở nên dung hợp hơn, ví dụ, Đạo luật Trang trại (Đạo luật Homestead) năm 1862 đã dành các vùng đất hoang dã phía tây cho người định cư tiềm năng chứ không phân phối những vùng đất này cho giới quyền thế chính trị. Tuy nhiên, cũng như ở Anh, thách thức đối với các thể chế dung hợp không bao giờ hoàn toàn vắng bóng. Nội chiến kết thúc đã mở đường cho cuộc bứt phá nhanh chóng trong kinh tế ở miền Bắc. Khi đường sắt, công nghiệp và thương mại phát triển, nhiều người đã trở nên giàu có. Với sức mạnh có được từ những thành công kinh tế, nhiều ông chủ và công ty của họ ngày càng trở nên vô lương tâm. Họ bị gọi là “tư bản kẻ cướp” (Robber Barons) vì cách thức kinh doanh thực dụng và không khoan nhượng nhằm mục đích củng cố độc quyền và ngăn chặn bất kỳ đối thủ cạnh tranh tiềm năng nào tham gia thị trường hoặc kinh doanh bình đẳng. Một trong trong số đó là Cornelius Vanderbilt, người nổi tiếng với phát biểu: “Việc gì tôi phải bận tâm đến luật pháp? Quyền lực trong tay tôi”.

Một người khác là John D. Rockefeller, người sáng lập Công ty Standard Oil vào năm 1870. Ông đã nhanh chóng loại bỏ các đối thủ ở Cleveland và giành vị trí độc quyền trong vận chuyển và bán lẻ dầu và các sản phẩm của dầu. Đến năm 1882, ông đã xây dựng công ty độc quyền khổng lồ, theo ngôn ngữ thời đó là một tờ-rớt (trust). Năm 1890, Standard Oil kiểm soát 88% sản lượng dầu lọc tại Hoa Kỳ và Rockefeller đã trở thành tỉ phú đầu tiên của thế giới vào năm 1916. Tranh biếm họa đương thời mô tả Standard Oil như một con bạch tuộc quấn vòi quanh cả ngành công nghiệp dầu mỏ và Capitol Hill, tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Một nhân vật khác cũng nổi tiếng không kém là John Pierpont Morgan, người sáng lập tập đoàn ngân hàng hiện đại JP Morgan, mà sau này, sau nhiều sáp nhập trong nhiều thập kỷ cuối cùng trở thành JP Morgan Chase. Cùng với Andrew Carnegie, Morgan thành lập Công ty Thép Mỹ trong năm 1901, công ty đầu tiên với giá trị vốn hơn 1 tỉ đô-la và đến nay là công ty thép lớn nhất thế giới. Trong thập niên 1890, các tờ-rớt lớn đã bắt đầu xuất hiện gần như trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế và nhiều công ty trong số đó kiểm soát hơn 70% thị phần trong lĩnh vực của nó. Trong số này có nhiều công ty gia đình như Du Pont, Eastman Kodak và International Harvester. Trong lịch sử Hoa Kỳ, ít nhất là ở miền Bắc và miền Trung Tây Hoa Kỳ, đã có thị trường tương đối cạnh tranh và bình đẳng hơn so với các khu vực khác, đặc biệt là miền Nam. Tuy nhiên, trong thời gian này, cạnh tranh phải nhường chỗ cho độc quyền và cách biệt giàu nghèo về tài sản tăng lên nhanh chóng.

Hệ thống chính trị đa nguyên của Hoa Kỳ đã trao quyền cho một bộ phận xã hội rộng lớn giúp họ có khả năng đứng lên chống lại sự chiếm đoạt này. Nạn nhân của hoạt động độc quyền của những tư bản kẻ cướp và những người phản đối sự thống trị vô lương tâm trong các ngành công nghiệp bắt đầu tổ chức phản kháng. Họ thành lập Đảng Dân túy và sau đó là các phong trào cấp tiến.

Phong trào Dân túy nổi lên từ cuộc khủng hoảng nông nghiệp kéo dài ở miền Trung Tây từ cuối những năm 1860 trở đi. Nghiệp đoàn Nông dân, hay còn gọi là Grangers, được thành lập vào năm 1867 và bắt đầu vận động nông dân chống lại hoạt động kinh doanh bất công và phân biệt đối xử. Trong năm 1873 và 1874, Grangers giành quyền kiểm soát 11 cơ quan lập pháp tiểu bang miền Trung Tây và bất mãn ở khu vực nông thôn lên đến đỉnh điểm với sự hình thành của Đảng Dân túy năm 1892. Đảng này giành được 8,5% số phiếu bầu phổ thông trong cuộc bầu cử tổng thống 1892. Trong hai cuộc bầu cử tiếp theo, Đảng Dân túy đã bị rớt lại phía sau với hai chiến dịch tranh cử thất bại của William Jennings Bryan thuộc Đảng Dân chủ mặc dù ông đã hết mình vì sự nghiệp của phong trào Dân túy. Lúc này phong trào phản kháng của người dân trước sự lan rộng của các tờ-rớt đã được tổ chức để chống lại ảnh hưởng của Rockefeller và các tư bản kẻ cướp trên chính trường quốc gia.

Những phong trào này dần dần đã tác động đến thái độ chính trị và tiếp đến là hoạt động lập pháp, cụ thể là vai trò của nhà nước trong hoạt động điều tiết chống độc quyền. Đạo luật quan trọng đầu tiên là Luật Thương mại Liên tiểu bang (Interstate Commerce Act) năm 1887 với việc thành lập Ủy ban Thương mại Liên tiểu bang và việc khởi động áp dụng các quy định liên bang đối với các ngành công nghiệp. Tiếp đến là sự ra đời của Đạo luật Chống độc quyền Sherman năm 1890. Đạo luật Sherman, đến nay vẫn là một phần quan trọng trong quy định chống độc quyền của Mỹ, đã trở thành cơ sở cho các cuộc tấn công vào các tờ-rớt của những tư bản kẻ cướp. Những bước tiến quan trọng trong phong trào chống tờ-rớt được thực hiện với sự trúng cử của nhiều tổng thống cam kết cải cách và hạn chế sức mạnh của các tư bản kẻ cướp như Theodore Roosevelt 1901-1909, William Taft 1909-1913 và Woodrow Wilson 1913-1921.

Một lực lượng chính trị quan trọng đứng đằng sau phong trào chống độc quyền và việc áp đặt quy định liên bang đối với các ngành công nghiệp một lần nữa là các cử tri ở khu vực nông thôn. Những nỗ lực đầu tiên của các tiểu bang trong năm 1870 nhằm cải cách ngành đường sắt là do các tổ chức của nông dân thực hiện. Thực tế, gần như toàn bộ 59 bản kiến nghị gửi lên Quốc hội trước khi Đạo luật Sherman được ban hành đều bắt nguồn từ các tiểu bang nông nghiệp và xuất phát từ các tổ chức như Liên đoàn Nông dân, Liên minh Nông dân, Hiệp hội Lợi ích chung của Nông dân, và Hội Bảo trợ Chăn nuôi. Nông dân nhận thức được lợi ích tập thể trong việc chống lại độc quyền công nghiệp.

Từ tro tàn của phong trào dân túy vốn đã suy thoái sau thất bại của Đảng Dân chủ, Đảng cấp tiến ra đời với phong trào đòi cải cách toàn diện. Phong trào cấp tiến do Teddy Roosevelt khởi xướng. Bấy giờ ông là phó tổng thống của William McKinley và là người kế nhiệm sau khi tổng thống McKinley bị ám sát năm 1901. Trước khi nhậm chức tổng thống, Roosevelt là thống đốc bang New York có chủ trương đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ tham nhũng chính trị và “các cỗ máy chính trị”. Trong diễn văn nhậm chức, Roosevelt đã mạnh mẽ chỉ trích các tờ-rớt. Ông khẳng định sự thịnh vượng của Hoa Kỳ được dựa trên nền kinh tế thị trường và sự tài ba của doanh nhân, tuy nhiên, “có những điều xấu đang tồn tại và rất nghiêm trọng… và… có niềm tin phổ biến rộng rãi trong tâm trí của người dân Mỹ là các công ty lớn, được gọi là các tờ-rớt, với các tính năng và khuynh hướng nhất định của nó đang gây tổn hại cho phúc lợi chung. Nhận định này không phải xuất phát từ lòng ghen tị hay thói nhỏ nhen, cũng không phải do không có niềm tự hào về những thành tựu công nghiệp to lớn đã đưa đất nước lên vị trí hàng đầu trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh thương mại. Nó không dựa vào sự đánh giá thiếu thông minh về yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện đã và đang thay đổi trong thương mại với các phương thức mới, cũng không phải là sự thiếu hiểu biết về sự cần thiết phải kết hợp vốn trong các nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu to lớn vì sự phát triển của thế giới. Nói một cách chân thành, không nên cấm kết hợp và tập trung vốn mà nên giám sát trong giới hạn hợp lý có thể kiểm soát được; và tôi tin rằng đây là điều đúng đắn cần làm”.

Ông nói thêm: “Mục tiêu của những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội nhằm xóa bỏ gian lận trong thế giới kinh doanh cũng giống như việc loại bỏ bạo lực khỏi toàn bộ cơ thể chính trị”. Ông kết luận:

Vì lợi ích của toàn dân, chính phủ liên bang không cần can thiệp vào quyền lực của các tiểu bang trong bản thân vấn đề này mà nên nắm quyền giám sát và điều tiết tất cả các công ty có hoạt động kinh doanh liên tiểu bang, đặc biệt là đối với những công ty tích lũy được của cải nhờ sự tồn tại của yếu tố độc quyền hay khuynh hướng độc quyền trong hoạt động kinh doanh của họ.

Roosevelt đề xuất Quốc hội thành lập một cơ quan liên bang có quyền điều tra hoạt động của các công ty lớn và nếu cần thiết, có thể sửa đổi hiến pháp để cho phép thành lập một cơ quan như vậy. Đến năm 1902, Roosevelt đã sử dụng Đạo luật Sherman để giải thể Công ty Chứng khoán phía Bắc, một sự kiện động chạm đến lợi ích của JP Morgan. Tiếp đến là các vụ kiện chống chống lại Du Pont, Công ty Thuốc lá Mỹ và Công ty Standard Oil. Roosevelt củng cố Đạo luật Thương mại Liên tiểu bang thông qua việc ban hành Đạo luật Hepburn năm 1906 trong đó trao thêm quyền lực cho Ủy ban Thương mại Liên tiểu bang, cụ thể là cho phép ủy ban này kiểm tra các tài khoản tài chính của ngành đường sắt và mở rộng phạm vi giám sát ra những lĩnh vực mới. Người kế nhiệm Roosevelt là William Taft đã truy quét các tờ-rớt một cách quyết liệt hơn, cao điểm là việc giải thể Công ty Standard Oil năm 1911. Taft cũng thúc đẩy các cải cách quan trọng khác, chẳng hạn áp dụng thuế thu nhập liên bang, với việc thông qua Tu chính án Hiến pháp thứ 16 vào năm 1913.

Phong trào cải cách cấp tiến đạt đến đỉnh điểm sau khi Woodrow Wilson thắng cử tổng thống vào năm 1912. Wilson viết trong cuốn Tự do mới (The New Freedom) năm 1913 của ông: “Còn độc quyền thì còn sự giám sát của chính phủ. Tôi không mong đợi độc quyền tự hạn chế chính nó. Ở đất nước này nếu để cho một người thâu tóm đủ sức mạnh để sở hữu chính phủ Hoa Kỳ thì chắc chắn họ sẽ mua cả chính phủ”.

Wilson đã đấu tranh để thông qua Đạo luật chống Độc quyền Clayton vào năm 1914 và củng cố Đạo luật Sherman. Ông cũng thành lập Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission) nhằm thực thi Đạo luật Clayton. Ngoài ra, cuộc điều tra của Ủy ban Pujo do nghị sĩ Arsene Pujo bang Louisiana đứng đầu nhằm vào các “tờ-rớt tài chính” khi độc quyền bắt đầu lan sang lĩnh vực tài chính đã tạo đòn bẩy cho Wilson tăng cường điều tiết trong lĩnh vực này. Ông thành lập Hội đồng Thống đốc (Federal Reserve Board) của Cục Dự trữ Liên bang với nhiệm vụ giám sát các hoạt động độc quyền trong lĩnh vực tài chính.

Sự xuất hiện của các tư bản kẻ cướp và các công ty độc quyền của họ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cho thấy, như chúng ta đã nhấn mạnh trong chương 3, bản thân sự hiện diện của thị trường không phải là một đảm bảo cho các thể chế dung hợp. Thị trường có thể bị chi phối bởi một số công ty bán hàng với giá cắt cổ và không ngừng ngăn chặn sự tham gia của các đối thủ cạnh tranh có khả năng sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn và sử dụng công nghệ mới hơn. Thị trường, khi để tự nó vận hành, có thể sẽ không còn tính chất dung hợp và ngày càng bị các thế lực kinh tế và chính trị mạnh mẽ chi phối. Các thể chế kinh tế dung hợp không chỉ đòi hỏi có sự tồn tại của thị trường đơn thuần mà là một thị trường dung hợp tạo ra sân chơi bình đẳng và đem lại cơ hội kinh tế cho đa số người dân. Độc quyền lan rộng với sự hậu thuẫn chính trị của giới quyền thế đi ngược lại tiến trình này. Tuy nhiên, sự phản kháng đối với các tờ-rớt độc quyền cũng minh chứng rằng khi có các thể chế chính trị dung hợp, chúng sẽ tạo ra một phản lực chống lại sự dịch chuyển ra khỏi thị trường dung hợp. Đây chính tác động của vòng xoáy đi lên. Các thể chế kinh tế dung hợp tạo ra nền tảng cho sự phát triển của các thể chế chính trị dung hợp, đồng thời các thể chế chính trị dung hợp cũng hạn chế tiến trình bị chệch hướng khỏi các thể chế kinh tế dung hợp. Trái ngược với những gì chúng ta đã thấy ở Mexico trong chương 1, cuộc đấu tranh chống lại các tờ-rớt Mỹ minh họa cho khía cạnh này của vòng xoáy đi lên. Trong khi không có cơ quan chính trị nào ở Mexico hạn chế sự độc quyền của Carlos Slim, Đạo luật Sherman và Clayton ở Hoa Kỳ đã liên tục được sử dụng trong thế kỷ qua để hạn chế các tờ-rớt, công ty độc quyền và các-ten nhằm đảm bảo một thị trường dung hợp.

Kinh nghiệm của Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20 cho thấy vai trò quan trọng của tự do truyền thông trong việc trao quyền cho một bộ phận lớn người dân trong xã hội và từ đó thúc đẩy vòng xoáy đi lên. Năm 1906 Roosevelt đặt ra thuật ngữ muckraker để chỉ báo chí dấn thân dựa trên một nhân vật văn học, người đàn ông với cái cào trong tác phẩm Hành hương (Pilgrim’s Progress) của Bunyan. Thuật ngữ này sau đó được dùng rộng rãi để chỉ các nhà báo điều tra và phơi bày sự quá quắt của những tư bản kẻ cướp cũng như tình trạng tham nhũng trong chính trị địa phương và liên bang. Muckraker nổi tiếng nhất có lẽ là Ida Tarbell với cuốn Lịch sử Công ty Standard Oil xuất bản năm 1904. Cuốn sách này đóng vai trò quan trọng trong việc vận động công luận chống lại Rockefeller và công ty của ông ta, mà đỉnh điểm là Công ty Standard Oil đã bị giải thể vào năm 1911. Một muckraker quan trọng khác là luật sư và tác giả Louis Brandeis, người sau này được Tổng thống Wilson bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Tối cao. Brandeis vạch ra một loạt các vụ bê bối tài chính trong cuốn Tiền của người khác và các nhà băng sử dụng nó như thế nào (Other People’s Money and How Bankers Use It) của ông. Ông cũng là một nhân vật rất có ảnh hưởng trong ủy ban Pujo. Ông trùm báo chí William Randolph Hearst cũng là một muckraker tiêu biểu. Việc ông cho xuất bản loạt phóng sự nhiều kỳ “Sự bội tín của Thượng viện” của David Graham Phillips trên tạp chí Cosmopolitan của ông năm 1906 đã thúc đẩy chiến dịch đòi bầu cử trực tiếp Thượng viện. Đây là một cải cách cấp tiến quan trọng được hiện thực hóa với việc thông qua Tu chính án 17 của Hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1913.

Các muckraker đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động các chính trị gia hành động chống lại tờ-rớt. Các tư bản kẻ cướp căm ghét giới muckraker, nhưng chính các thể chế chính trị của Hoa Kỳ đã không cho phép họ tiêu diệt và bịt miệng muckraker. Thể chế chính trị dung hợp tạo điều kiện cho truyền thông tự do phát triển, và truyền thông tự do đến lượt nó lại giúp phơi bày và đấu tranh chống lại những mối đe dọa đối với các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp. Ngược lại, tự do truyền thông lại không thể tồn tại trong các thể chế chính trị chiếm đoạt, chế độ chuyên chế hay độc tài. Chính vì thế mà các chế độ chiếm đoạt có thể dập tắt sự phản kháng ngay từ trong trứng nước. Rõ ràng trong nửa đầu thế kỷ 20 ở Hoa Kỳ, thông tin có được nhờ truyền thông tự do đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu không có những thông tin này, công chúng Mỹ không thể nhận thức quyền lực thực sự và hoạt động lũng đoạn của những tư bản kẻ cướp và như vậy sẽ không có sự huy động lực lượng chống lại các tờ-rớt của họ.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh