[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 14 - Tôn giáo của các kỹ sư: Enfantin và những người theo chủ nghĩa Saint-Simon

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 14 - Tôn giáo của các kỹ sư: Enfantin và những người theo chủ nghĩa Saint-Simon

Chưa đầy một tháng sau khi Saint-Simon qua đời, các bạn bè và môn đồ của ông cùng nhau thành lập một hiệp hội chính thức nhằm thực hiện dự án về một tờ báo nữa mà ông còn đang thảo luận dở dang với họ. Tờ Producteur, ra được sáu số trong năm 1825 và năm 1826, do nhóm này biên tập dưới sự lãnh đạo của Olinde Rodrigues, với sự cộng tác của Auguste Comte và một số người khác không phải là thành viên chính thức. Không lâu sau đó, một kỹ sư trẻ, người mới chỉ gặp Saint-Simon một lần qua sự giới thiệu của Rodrigues, đã trở thành nhân vật nổi bật trong nhóm và tham gia làm biên tập viên cho tờ báo.

Barthélemy-Prosper Enfantin là con trai của một chủ nhà băng. Ông đỗ vào Ecole polytechnique nhưng đã rời trường vào năm 1814, hai năm trước Comte, và cũng như Comte, ông đã bỏ dở khoá học. Từ đó ông bước vào kinh doanh, dành một vài năm đi du lịch và làm việc ở Đức và Nga, và gần trước khi gia nhập nhóm đã dành thời gian nghiên cứu kinh tế chính trị, đặc biệt là các tác phẩm của Jeremy Bentham. Mặc dù ông chưa hoàn thành khoá đào tạo để trở thành kỹ sư, hay cũng có thể chính bởi điều này, niềm tin của ông đối với sức mạnh vô biên của toán học và các môn khoa học kỹ thuật vẫn là một trong những nét đặc trưng tiêu biểu nhất tạo nên nền tảng tư duy của ông. Như ông đã có lần giải thích: “Khi tôi được làm quen với các từ xác suất, logarit, bất đối xứng, tôi thấy sung sướng vì đã tìm lại được con đường dẫn tôi đến với các công thức và hình hoạ” . Là người có nét điển trai khác thường trong con mắt của những người cùng thời, dường như ông có một vẻ duyên dáng đặc biệt mà nhờ nó ông có thể dần dà chèo lái toàn bộ phong trào Saint-Simon theo cách thức đầy cảm tính và bí ẩn của riêng ông. Nhưng khả năng tư duy của ông cũng không hề kém cạnh và khả năng này đã giúp ông có những đóng góp quan trọng trước khi chủ nghĩa Saint-Simon chuyển từ giai đoạn triết học sang giai đoạn tôn giáo2 .

Người ta vẫn nói không phải không có lý rằng chủ nghĩa Saint-Simon ra đời sau khi Saint-Simon đã qua đời 3. Dù các tác phẩm của Saint-Simon có giàu ý tưởng đến mấy, ông vẫn chưa bao giờ đạt tới một hệ thống rõ ràng, mạch lạc. Có lẽ cũng đúng nếu cho rằng chính sự khó hiểu trong các tác phẩm của Saint-Simon là một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy các môn đồ của ông phát triển sâu hơn nữa các học thuyết của ông. Sự khó hiểu đó cũng giải thích tại sao những nỗ lực chung của Saint-Simon và các học trò của ông ít khi được đánh giá đúng mức. Những người nhận ra điều này có xu hướng tự nhiên là gán cho bản thân Saint-Simon quá nhiều công trạng. Những người khác, vì bị quyến rũ bởi các ý tưởng chung của nhóm và tìm đến nghiên cứu các tác phẩm của chính Saint-Simon, lại thất vọng bỏ đi. Mặc dù hầu hết các tư tưởng của trường phái này có thể được tìm thấy đâu đó trong các tác phẩm đã xuất hiện dưới tên của Saint-Simon4  lực lượng thực sự đã có ảnh hưởng quyết định đến hệ tư tưởng ở châu Âu là những người theo chủ nghĩa Saint-Simon chứ không phải là bản thân Saint-Simon. Và chúng ta không bao giờ được phép quên rằng người vĩ đại nhất trong số những người theo chủ nghĩa Saint-Simon thời kỳ đầu, và nhân vật trung gian mà thông qua ông nhiều người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã tiếp thu học thuyết của vị tổ sư 5, chính là Auguste Comte, người, như chúng ta đã biết, vẫn tiếp tục đóng góp cho tờ Producteur, mặc dù ông không còn là thành viên và đã nhanh chóng cắt đứt mọi quan hệ với nhóm biên tập.

II.

Tờ báo mới hướng tới mục đích rõ ràng rằng nó phải “phát triển và mở rộng các nguyên tắc của một triết lý về bản chất con người dựa trên nhận thức rằng số mệnh của loài người là phải khai thác và biến đổi thiên nhiên bên ngoài để đem lại vị thế tốt nhất cho loài người”, và tờ báo tin tưởng rằng có thể làm được điều này một cách tốt nhất thông qua “việc không ngừng mở rộng mối liên kết, một trong những phương tiện hữu hiệu nhất mà tờ báo hiện có trong tay” Nhằm thu hút rộng rãi công chúng, các bài báo mang tính cương lĩnh được xếp xen kẽ với những bài về các chủ đề công nghệ hoặc thống kê, thường do người ngoài viết. Còn phần lớn các bài của tờ báo do một nhóm nhỏ các môn đồ của Saint-Simon viết. Cũng không mấy ai nghi ngờ rằng, ngay cả trong năm mà tờ Producteur là tâm điểm của các hoạt động của họ, Enfantin đã góp phần lớn nhất vào việc phát triển các học thuyết của trường phái này, cho dù trong một khoảng thời gian nhất định, vị trí của ông chỉ ngang hàng hoặc thậm chí bị lu mờ trước cá tính mạnh mẽ của một thành viên mới, Saint-Amand Bazard 7. Nhỉnh hơn Rodrigues và Enfantin một chút về tuổi tác, và là nhà cách mạng đầy kinh nghiệm vì đã từng là thành viên phong trào Carbonari [một tổ chức kín chống lại chính phủ bắt nguồn từ Italy trong giai đoạn 1820-1840 – ND] của Pháp, Bazard tham gia nhóm cộng tác viên của tờ Producteur; trong nhóm này còn có một số thành viên cũ của phong trào Babouvi [một nhóm hội kín chủ trương đấu tranh cách mạng vì sự bình quyền ở Pháp trong các năm 1920-1930 – ND] và Carbonari. Nhưng cho dù những cộng tác viên này, và đặc biệt là Bazard, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt những người theo chủ nghĩa Saint-Simon hướng đến những quan điểm cấp tiến hơn, thì có lẽ những đóng góp về mặt học thuyết của Bazard thường được đánh giá quá cao và vai trò của ông có lẽ được mô tả chính xác hơn bởi một người cùng thời, rằng “Ngài Enfantin đưa ra các ý tưởng, Ngài Bazard phát biểu lại chúng một cách có hệ thống” Các bài báo của Bazard trên tờ Producteur không đem lại nhiều điều mới mẻ, ngoại trừ mức độ thù ghét tự do tín ngưỡng còn gay gắt hơn những gì Saint-Simon và thậm chí cả Comte đã thể hiện. Nhận định này cũng đúng với hầu hết những người khác đã có đóng góp vào các học thuyết của chủ nghĩa Saint-Simon, trừ Enfantin và, dĩ nhiên, Comte, và chúng ta cũng không nên đánh giá thấp công lao của Léon Halévy trong việc phát triển chi tiết học thuyết Saint-Simon về chức năng xã hội của nghệ thuật. Ông tiên liệu rằng thời đại sắp tới với “nghệ thuật thúc đẩy quần chúng” sẽ được phát triển hoàn hảo tới mức các họa sỹ, nhạc sỹ và thi sỹ “sẽ có khả năng thuyết phục và thúc đẩy quần chúng với độ chắc chắn giống như việc nhà toán học giải một bài toán hình học và nhà hóa học phân tích một chất. Chỉ khi ấy phương diện đạo đức của xã hội mới được xác lập vững chắc” 10. Từ tuyên truyền vẫn chưa được sử dụng ở thời điểm đó, nhưng nghệ thuật tuyên truyền của các Bộ tuyên truyền hiện đại đã được nhận thức đầy đủ ngay từ lúc ấy và những thể chế này đã được những người theo chủ nghĩa Saint-Simon dự đoán trước.

Những bước phát triển quan trọng xuất hiện trong các bài báo về kinh tế mà Enfantin đóng góp cho tờ Producteur. Chúng ta có thể tìm thấy trong những bài báo này sự phát triển của gần như tất cả các nhân tố mới của học thuyết xã hội của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, những nhân tố mà ngày nay chúng ta sẽ tìm thấy dưới hình thức trình bày cuối cùng của chúng trong cuốn Exposition [Diễn giải học thuyết Saint-Simon] danh tiếng. Mối quan tâm rộng rãi đối với các vấn đề về tổ chức công nghiệp, sự ủng hộ nhiệt tình dành cho xu hướng phát triển mới của các công ty cổ phần, học thuyết về mối liên minh chung, những hoài nghi ngày càng gia tăng về tính hữu ích của tư hữu và của lợi nhuận, các kế hoạch về việc các ngân hàng sẽ chỉ đạo toàn bộ hoạt động kinh tế – tất cả những ý tưởng này đều được Enfantin phát triển dần dần và ngày càng được chú trọng mạnh mẽ. Đến đây chúng ta phải bằng lòng trích dẫn hai câu nói đặc biệt tiêu biểu cho cách tiếp cận vấn đề của ông. Một câu châm chọc ý tuởng cho rằng “xã hội loài người có thể tồn tại mà không cần đến trí tuệ dẫn lối” 11. Câu kia mô tả những khái niệm đã ngự trị trong kinh tế chính trị, cụ thể là “giá trị, giá cả và sản xuất, là những thứ chẳng đem lại chút ý tưởng hữu ích nào để xây dựng hay tổ chức xã hội”; chúng là những “chi tiết không liên quan” 12.

III.

Tờ Producteur, ban đầu ra hằng tuần, và sau đó là hằng tháng, đóng cửa vào tháng Mười năm 1826. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt tất cả các hoạt động công khai của nhóm trong ba năm qua; tuy vậy, một học thuyết chung đã được hình thành và có thể đóng vai trò nền tảng cho việc tuyên truyền sâu rộng qua con đường truyền khẩu. Chính vào thời điểm này nhóm đã đạt được những thành công lớn đầu tiên với các sinh viên của Ecole polytechnique, đối tượng mà họ đặc biệt hướng tới. Như Enfantin về sau đã phát biểu: “Ecole polytechnique phải là kênh tuyên truyền để các ý tưởng của chúng tôi đến với toàn xã hội. Nguồn sữa mà chúng tôi đã hấp thụ tại mái trường thân yêu phải nuôi dưỡng các thế hệ tiếp theo. Chính tại nơi đây chúng tôi đã học được lối biểu đạt thực chứng và các phương pháp nghiên cứu và trình bày mà ngày nay chúng đang đảm bảo cho sự tiến bộ của các môn khoa học chính trị.” 13 Những nỗ lực này thành công đến mức chỉ trong vòng vài năm nhóm của họ đã tập hợp được hàng trăm kỹ sư trong khi chỉ lác đác vài vị bác sỹ và dăm ba nghệ sỹ, chủ ngân hàng mà phần lớn trong số họ vốn là các môn đồ trực tiếp của Saint-Simon, hoặc, như anh em nhà Pereire là anh em họ với Rodrigues hay bạn ông là Gustave d’Eichthal, họ đều có quan hệ cá nhân với các môn đồ này.

Trong số những kỹ sư trẻ đầu tiên gia nhập phong trào có hai người bạn là Abel Transon và Jules Lechevalier14 , những người đã dùng vốn hiểu biết của mình về triết học Đức để góp phần đem lại cho các học thuyết của chủ nghĩa Saint-Simon vẻ bề ngoài của thuyết Hegel, một yếu tố hết sức quan trọng giúp chúng giành thắng lợi trên nước Đức sau này. Không lâu sau đó là sự góp mặt của Michel Chevalier, về sau nổi tiếng trên cương vị một nhà kinh tế học, và Henri Fournel, người đã từ chức giám đốc xưởng Creuzot để tham gia phong trào và sau này trở thành người viết tiểu sử của Saint-Simon. Hippolyte Carnot, tuy chưa bao giờ học tại Ecole polytechnique vì cả tuổi trẻ đã phải sống lưu đày cùng người cha, cũng phải được tính vào nhóm này, không chỉ với tư cách là con trai của Lazare, mà quan trọng hơn nữa là với tư cách anh trai của một người học tại Ecole polytechnique là Sadi Carnot, “người sáng lập ra khoa học năng lượng”, người phát minh ra “chu kỳ Carnot”, mô hình lý tưởng về hiệu quả kỹ thuật, người mà, trong thời gian Hippolyte Carnot sống cùng, đã xây dựng các lý thuyết nổi tiếng của mình, có đầy nhiệt huyết dù không phải là về các cuộc tranh luận với bạn bè về chính trị và xã hội 15. Ít nhất là trên phương diện truyền thống và các mối liên hệ, nếu không phải là trên phương diện học hành, Hippolyte Carnot cũng là một kỹ sư chẳng kém gì so với những kỹ sư khác.

Có một khoảng thời gian mà căn hộ nhà Carnot là nơi Enfantin và Bazard giảng dạy các thanh niên có nhiệt huyết với phong trào 16, và số người đến học ngày càng đông. Nhưng đến cuối năm 1828, căn hộ này không còn đủ chỗ cho các học viên và họ quyết định các buổi thuyết giảng tư tưởng sẽ được tổ chức một cách chính thức hơn với lượng người nghe lớn hơn. Có lẽ đề xuất này xuất phát từ thành công của một thử nghiệm tương tự của Comte, người từ năm 1826 đã bắt đầu thuyết trình về tác phẩm Positive Philosophy [Triết học thực chứng] của mình trước những khán giả uyên thâm, bao gồm không chỉ những học giả như Alexander von Humboldt và Poinsot mà cả Carnot, người được Enfantin cử đến để học buổi đầu tiên về chủ nghĩa Saint-Simon 17. Mặc dù sau đó không lâu, thử nghiệm của Comte bị dở dang vì những rắc rối trong đời sống tinh thần đã làm gián đoạn công việc của ông trong ba năm, nó cũng đủ để thu hút sự chú ý của những người khác và khiến họ muốn làm theo.

Một loạt các bài thuyết trình mà những người theo chủ nghĩa Saint-Simon biên soạn trong các năm 1829 và 1830, và ngày nay chúng ta biết tới chúng qua cuốn Doctrine de Saint-Simon, Exposition [Trình bày học thuyết của Saint-Simon] 18, được trình bày thành hai quyển. Đây là tài liệu quan trọng nhất mà Saint-Simon và các học trò của ông đã từng viết ra và là một trong những cột mốc lớn trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội, xứng đáng được biết đến nhiều hơn so với những hiểu biết hiện nay của những người ở ngoài nước Pháp. Nếu nó không phải là cuốn Kinh Thánh của chủ nghĩa xã hội như một học giả Pháp 19 đã gọi thì ít nhất nó cũng xứng đáng được coi là Kinh Cựu ước của chủ nghĩa này. Và trên một số lĩnh vực, nó đã thực sự đưa tư tưởng xã hội chủ nghĩa đi xa hơn những gì người ta đã làm trong gần một trăm năm sau khi nó được xuất bản.

IV.

Với tư cách là một trong những nền tảng của tư tưởng tập thể, Exposition không phải là sản phẩm của riêng cá nhân nào. Mặc dù Bazard, người có tài diễn thuyết nhất, đã trình bày phần lớn các bài giảng, thì nội dung những bài giảng này là kết quả thảo luận của cả nhóm. Những bài viết được xuất bản trên thực tế do H. Carnot viết trên cơ sở những điều ông và những người khác ghi chép lại trong khi nghe thuyết trình, và người ta cho rằng chính là nhờ ông mà Exposition có được vẻ tinh tế cũng như sức thuyết phục của nó. Một nhân tố quan trọng bổ sung cho tác phẩm này là năm bài giảng về tôn giáo Saint-Simon mà Abel Transon giảng cho các sinh viên Ecole polytechnique 20 nghe trong cùng khoảng thời gian đó và được đưa thêm vào một số ấn bản của Exposition.

Sẽ khó tránh khỏi việc lặp đi lặp lại một cách buồn tẻ nếu muốn đưa ra một cái nhìn đầy đủ về công trình toàn diện nhất thể hiện tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon, vì dĩ nhiên phần lớn công trình này không ít thì nhiều là sự sao chép lại những tư tưởng mà chúng ta đã gặp. Tuy nhiên, như lời tự giới thiệu, đây không phải là ấn phẩm duy nhất mà trong đó toàn bộ những đóng góp của Saint-Simon (và chúng ta cũng nên tính thêm chàng Comte trẻ tuổi) được sắp xếp thành một hệ thống tổng thể; nó cũng còn được phát triển thêm, và chính những bước phát triển mà Enfantin và bạn bè ông đóng góp là điều mà chúng ta nên tập trung xem xét.

Phần lớn quyển một, phần quan trọng hơn cả, của Exposition dành cho việc khảo cứu bao quát về lịch sử dưới góc độ triết học và “quy luật phát triển của loài người mà thiên tài Saint-Simon đã khám phá” 21, và quy luật này, dựa trên cơ sở nghiên cứu loài người như một “thực thể mang tính tập thể" 22, cho chúng ta biết một cách chắc chắn tương lai của nhân loại sẽ ra sao 23. Quy luật này ngay từ đầu đã khẳng định sự luân phiên giữa các nhà nước hữu cơ (organic states) và các nhà nước phê phán (critical states), trong đó với nhà nước hữu cơ, “mọi lĩnh vực hoạt động của con người được sắp đặt, dự báo và phối hợp bởi một nguyên lý chung”, trong khi với nhà nước phê phán, xã hội là tập hợp những cá nhân riêng rẽ tranh đấu lẫn nhau 24. Đích đến cuối cùng mà chúng ta đang hướng tới là một nhà nước mà tại đó tất cả những phản kháng giữa người với người sẽ hoàn toàn biến mất và tình trạng người bóc lột người sẽ được thay thế bằng hành động hợp tác và hài hòa giữa người với người tác động vào thiên nhiên 25. Nhưng nhà nước hoàn thiện này, nơi sự “hệ thống hóa các nỗ lực” 26, sự “tổ chức lao động” 27 nhằm một mục đích chung 28 được thực hiện một cách hoàn hảo, chỉ có thể đạt được theo từng giai đoạn. Việc giảm dần sự đối kháng giữa người với người, điều cuối cùng sẽ dẫn đến “mối liên kết toàn cầu” 29, là một sự thật khách quan cơ bản bao hàm việc “giảm dần tình trạng người bóc lột người” – một cụm từ hình thành nên tư tưởng chủ đạo của toàn bộ cuốn Exposition 30. Nếu bước tiến mang tính thực chứng hướng tới mối liên kết toàn cầu được đánh dấu bởi các giai đoạn gia đình, thành phố, quốc gia, và liên hiệp các nước cùng chung tín ngưỡng và nhà thờ 31, thì tình trạng bóc lột được giảm bớt thể hiện ở sự thay đổi mối quan hệ giữa các tầng lớp. Từ thời kỳ con người còn tập tục ăn thịt các tù binh, trải qua thời kỳ nông nô và nô lệ cho đến mối quan hệ hiện nay giữa những người vô sản và các ông chủ, mức độ bóc lột đã có sự thuyên giảm liên tục 32. Nhưng con người vẫn được chia thành hai giai cấp, những người bóc lột và những người bị bóc lột 33. Vẫn còn tầng lớp những người vô sản không được hưởng quyền thừa kế 34. Như nhà hùng biện Abel Transon đã giảng cho các sinh viên trẻ tuổi của Ecole polytechnique trong một trích đoạn từ các bài giảng của ông, một đoạn văn có thể tổng kết luận điểm chính ở trên chính xác hơn bất kỳ phần nào khác của Exposition:

Người nông dân hay người thợ thủ công không còn bị trói buộc vào người chủ hay vào đất đai, anh ta không bị lệ thuộc vào đòn roi như kẻ nô lệ; anh ta được sở hữu lao động của mình nhiều hơn so với người nông nô, nhưng luật lệ vẫn hết sức hà khắc đối với anh ta. Tất cả thành quả lao động của anh ta không thuộc về anh ta. Anh ta phải chia sẻ nó với những người khác, những người mà cả kiến thức lẫn quyền lực của họ chẳng có chút hữu ích gì đối với anh ta. Tóm lại, không còn những ông chủ hay lãnh chúa cưỡi đầu cưỡi cổ anh ta nữa, nhưng lại xuật hiện các nhà tư sản đảm nhận vị trí đó.

Là chủ sở hữu đất đai và vốn, nhà tư sản sử dụng chúng theo ý mình và không giao chúng vào tay người công nhân trừ khi với điều kiện là nhà tư sản được nhận một khoản phí trích từ lao động của họ, một khoản tiền dùng để nuôi dưỡng nhà tư sản và gia đình. Dù là người thừa kế trực tiếp từ thế hệ chinh chiến hay là người con được giải phóng khỏi tầng lớp lao khổ, sự khác biệt về thân phận này hợp thành cái đặc điểm chung mà tôi vừa miêu tả; chỉ trong trường hợp thứ nhất danh hiệu sở hữu của nhà tư sản (the title of his possession) mới dựa trên một thực tế giờ đây đang bị lên án, đó là dựa trên sức mạnh của đao kiếm; trong trường hợp thứ hai thân phận của nhà tư sản được tôn trọng hơn, đó là sản phẩm của công nghiệp. Nhưng từ con mắt của thế hệ tương lai, trong trường hợp nào thì cái danh hiệu này cũng không chính đáng và vô giá trị vì nó trao vào tay một giai cấp đặc quyền ban phát ân huệ cho tất cả những người mà không nhận được một chút công cụ sản xuất nào từ cha ông họ. 35

Căn nguyên của tình trạng hiện vẫn đang tồn tại này là sự “hình thành quyền sở hữu, sự chuyển giao của cải thông qua hình thức thừa kế trong phạm vi gia đình” 36. Nhưng sự hình thành “của cải là một thực tế xã hội tuân theo quy luật phát triển, tương tự như tất cả những thực tế xã hội khác.”37 Theo Exposition, trật tự mới sẽ được hình thành

từ sự chuyển giao cho nhà nước, mà sau này sẽ trở thành một liên hiệp của các công nhân, quyền thừa kế mà ngày nay chỉ giới hạn trong các thành viên gia đình. Những đặc quyền gắn với dòng dõi gia đình mà đến nay đã bị chỉ trích tơi bời trên nhiều khía cạnh phải hoàn toàn biến mất 38.

Như chúng ta đã chỉ ra, nếu nhân loại hướng đến một nhà nước nơi mọi cá nhân sẽ được phân chia thành các tầng lớp tùy theo năng lực và hưởng theo lao động, thì rõ ràng là quyền tư hữu, như nó đang tồn tại, phải bị xoá bỏ, bởi vì, bằng cách trao cho một giai cấp nào đó khả năng được sống trên lao động của người khác và hoàn toàn không phải làm gì, quyền tư hữu đã duy trì tình trạng bóc lột đối với một phần dân số, những người có ích nhất, những người lao động và sản xuất để phục vụ những kẻ chỉ biết phá hoại. 39 

Họ giải thích rằng đối với họ đất đai và sức lao động chỉ đơn thuần là “những công cụ lao động; và giới chủ cùng các nhà tư bản… là những người cất giữ các công cụ này; chức năng của họ 40 là phân phối những công cụ này cho các công nhân” 41. Nhưng họ thực hiện chức năng này rất thiếu hiệu quả. Những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã nghiên cứu ấn bản mới của cuốn Nouveaux principles d’économie politique [Những nguyên lý kinh tế chính trị mới] của Sismondi, ra mắt năm 1826, trong đó lần đầu tiên tác giả mô tả cách thức mà sự “cạnh tranh hỗn loạn” gây ra những thiệt hại trong những lần khủng hoảng kinh tế. Nhưng trong khi Sismondi không đề xuất được giải pháp thực tế nào và về sau dường như ông thậm chí còn hối hận vì những tác động mà lời giáo huấn của ông gây ra 42  những người theo chủ nghĩa Saint-Simon lại đưa ra được một giải pháp. Những gì họ miêu tả về các nhược điểm của cạnh tranh gần như là bệ y nguyên ý tưởng của Sismondi:

Trong tình hình hiện tại, khi việc phân phối [các công cụ sản xuất] bị chi phối bởi các nhà tư bản và giới chủ, không có chức năng nào trong số này được thực hiện trừ khi phải trải qua nhiều bước dò dẫm, thử nghiệm, và nhiều kinh nghiệm đáng tiếc; và ngay cả khi đó kết quả đạt được cũng không bao giờ hoàn hảo, không bao giờ dài lâu. Mỗi người vẫn phải tự hành động theo hiểu biết của cá nhân anh ta; không có biểu đồ tổng quan nào hướng dẫn sản xuất; điều này diễn ra mà không có đánh giá, không có dự báo trước; ở nơi này đó là sự thiếu hụt, ở nơi khác đó lại là sự dư thừa.43

Như vậy, các cuộc khủng hoảng kinh tế là do việc phân phối các công cụ sản xuất bị chi phối bởi các cá nhân riêng biệt mà không cần biết đến các yêu cầu và nhu cầu của sản xuất và của dân chúng, cũng như không cần biết đến những phương tiện có thể thỏa mãn họ 44. Giải pháp mà những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đề xuất là hoàn toàn mới mẻ và độc đáo vào thời điểm đó. Trong thế giới mới mà họ mời gọi chúng ta thưởng ngoạn sẽ không còn giới chủ, không còn những nhà tư bản riêng rẽ, những người mà thói quen đã khiến họ trở thành xa lạ với các hoạt động sản xuất, nhưng lại là những người quyết định đặc tính công việc và số phận của các công nhân. Một định chế xã hội phải gánh lấy những chức năng mà ngày nay chúng đang được thực hiện rất èo uột; định chế ấy là nơi coi giữ tất cả các công cụ sản xuất; nó chỉ huy quá trình khai thác mọi nguồn lực vật chất; từ vị trí đầy ưu thế của mình, nó có cái nhìn bao quát về toàn cục, nhờ thế nó có thể lĩnh hội nhanh chóng và đồng thời mọi bộ phận của xưởng sản xuất; thông qua các chi nhánh, nó liên hệ được với mọi nơi, mọi ngành, và với mọi công nhân; bởi thế nó có thể lưu tâm đến tất cả những mong muốn chung và riêng, có thể đưa con người và các công cụ đến những nơi nó cảm thấy đang có nhu cầu; tóm lại, nó có thể chỉ đạo sản xuất và điều hòa sản xuất với tiêu dùng và giao phó các công cụ vào tay những nhà tư bản công nghiệp xứng đáng nhất, bởi nó không ngừng nỗ lực khám phá khả năng của họ và ở vị thế tốt nhất để phát triển chúng… Trong thế giới mới này… những khủng hoảng xảy ra do thiếu sự hòa hợp chung và do việc phân phối mù quáng các tác nhân và công cụ sản xuất sẽ không còn và biến mất cùng với chúng là những rủi ro, thất bại của các công ty vốn đang khiến cho những người công nhân không khi nào được sống trong yên ổn. Nói tóm lại, hoạt động sản xuất đi vào tổ chức, mọi thứ được kết nối, mọi thứ được dự báo trước; phân công lao động được hoàn thiện và các nỗ lực ngày càng được phối hợp hiệu quả hơn. 45

“Định chế xã hội” thực hiện tất cả những chức năng này không mơ hồ như trong quan niệm của phần lớn những người theo chủ nghĩa xã hội sau này. Nó là hệ thống ngân hàng được tái thiết, tập trung hóa và đứng đầu là banque unitaire [ngân hàng thống nhất], đóng vai trò là cơ quan lập kế hoạch:

Định chế xã hội trong tương lai sẽ chỉ đạo mọi ngành vì lợi ích của toàn xã hội và đặc biệt là vì những người công nhân hiền lành. Chúng ta tạm thời gọi định chế này là hệ thống ngân hàng chung để tránh những cách hiểu quá hẹp có thể có đối với thuật ngữ này.

Hệ thống này trước hết sẽ bao gồm một ngân hàng trung ương, ngân hàng này cấu thành bộ phận quan tâm đến đời sống vật chất trong chính phủ; ngân hàng này sẽ trở thành nơi cất giữ mọi của cải, mọi nguồn vốn sản xuất, tóm lại là mọi thứ mà ngày nay chúng cấu thành toàn bộ nguồn tài sản cá nhân. 46

Chúng ta không cần đi sâu vào chi tiết cơ cấu tổ chức được đề xuất trong cuốn Exposition 47. Những điểm chính được đưa ra đã đủ để cho thấy trong khi mô tả về cơ cấu tổ chức của một xã hội kế hoạch hóa, họ đã đi quá xa so với những người theo chủ nghĩa xã hội sau này, và cũng đủ để cho thấy những người theo chủ nghĩa xã hội sau này đã dựa trên quan điểm của họ nhiều đến mức nào. Cho đến những tranh luận hiện đại về vấn đề kế hoạch hóa trong xã hội xã hội chủ nghĩa, người ta vẫn không tiến thêm bước nào trong việc mô tả cách thức hoạt động của nó. Việc phê phán bức tranh hết sức thực tế này về một xã hội kế hoạch hóa là “không tưởng” là hết sức thiếu cơ sở. Điển hình là Marx, người đã thêm vào bức tranh ấy một phần của kinh tế học cổ điển Anh về phân tích tổng thể về cạnh tranh, một phần chẳng ăn nhập gì với cái lý thuyết “khách quan” hay lao động về giá trị. Chúng ta sẽ nghiên cứu ở phần sau 48 những kết quả khái quát của sự kết hợp giữa các tư tưởng của Saint-Simon và Hegel mà Marx dĩ nhiên là đại diện nổi bật nhất.

Nhưng trong chừng mực còn liên quan đến chủ nghĩa xã hội chung chung đó, khái niệm mà ngày nay ai cũng biết, tư tưởng của Saint-Simon hầu như không được phát triển thêm là mấy. Một bằng chứng nữa cho thấy những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy hiện đại như thế nào là việc mọi ngôn ngữ châu Âu đều vay mượn rất nhiều từ trong vốn từ vựng của họ. “Chủ nghĩa cá nhân” 49, “nhà tư bản công nghiệp” 50, “chủ nghĩa thực chứng” 51 và “tổ chức lao động” 52, tất cả đều xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Exposition. Khái niệm đấu tranh giai cấp và sự tương phản giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản theo nghĩa chuyên môn của những thuật ngữ này là do Saint-Simon sáng tạo ra. Bản thân từ chủ nghĩa xã hội (socialism), mặc dù chưa xuất hiện trong cuốn Exposition (trong cuốn này họ dùng từ hội đoàn (association) với nghĩa khá tương đương), xuất hiện lần đầu tiên 53 với nghĩa hiện đại của nó muộn hơn một chút, trên tờ Globe 54 của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon.

V.

Với sự xuất hiện của cuốn Exposition và một số bài báo của Enfantin55 và những người khác trên các tờ báo mới của phong trào Saint-Simon là OrganisateurGlobe (điều mà chúng ta không cần nghiên cứu sâu hơn nữa), sự phát triển các tư tưởng của họ (điều mà chúng ta đang quan tâm) kết thúc tương đối bất ngờ. Nếu chúng ta lướt nhanh qua lịch sử tiếp theo của trường phái này, hay nói cách khác là giáo phái Saint-Simon, như sau này nó đã trở thành như vậy, lịch sử ấy sẽ cho thấy tại sao ảnh hưởng tức thời của nó không lan rộng hơn, hay nói cách khác, tại sao việc nhìn nhận rõ ràng ảnh hưởng đó lại khó khăn. Lý do là dưới ảnh hưởng của Enfantin, học thuyết này đã bị biến thành một thứ tôn giáo 56, những yếu tố mang tính tâm linh và huyền bí đã chi phối những yếu tố mà bề ngoài có vẻ là khoa học và lý tính, điều cũng đã xảy ra với giai đoạn cuối đời của Saint-Simon và sau này là Comte. Đến năm thứ hai kể từ khi ra mắt cuốn Exposition thì xu hướng này ngày càng hiện rõ. Nhưng càng về sau, vai trò của các hoạt động viết lách giảm dần và chúng ta phải xem xét cơ cấu tổ chức của giáo phái này và ứng dụng của những học thuyết của họ trên thực tế để tìm ra những đặc điểm dị thường và những việc làm gây chú ý của giáo phái mới này, những điều đã khiến họ được chú ý nhiều hơn so với trước đây và đem lại giai đoạn phát triển quan trọng hơn trong hoạt động của họ 57.

Tôn giáo mới ban đầu chỉ đơn thuần là niềm tin mơ hồ và đức tin nhiệt thành vào tình đoàn kết của toàn nhân loại. Nhưng tín điều đó còn chưa quan trọng bằng sự sùng kính và tôn ti trật tự trong giáo phái. Cả trường phái trở thành một gia đình dưới sự chỉ huy của Enfantin và Bazard, hai đức cha tối cao – những giáo hoàng mới với một đoàn tông đồ và những nhóm thành viên khác với những thứ bậc khác nhau ở dưới họ. Các buổi lễ được tổ chức, tại đó người ta không chỉ giảng về các học thuyết mà các thành viên còn phải bắt đầu xưng tội công khai. Các nhà truyền giáo lưu động truyền bá học thuyết trên toàn quốc và thiết lập các trung tâm ở các địa phương.

Trong một khoảng thời gian nhất định, họ gặt hái thành công đáng kể, không chỉ ở Paris mà trên toàn nước Pháp và thậm chí cả ở Bỉ. Khi ấy họ tính P. Leroux, Adolphe Blanqui, Pecqueur và Cabet vào nhóm của mình. Le Play cũng là một thành viên 58 và ở Brussels họ thu nạp được một nhân vật mới say mê vật lý xã hội, nhà thiên văn học và thống kê học A. Quetelet, người đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhóm thuộc Ecole polytechnique 59.

Trong cuộc cách mạng vào tháng Bảy năm 1830, họ hoàn toàn không có sự chuẩn bị gì nhưng lại ngây thơ cho rằng cuộc cách mạng đó sẽ đưa họ lên nắm quyền. Người ta đồn rằng Bazard và Enfantin thậm chí còn yêu cầu Louis Philippe phải trao lại lâu đài Tuileries cho họ vì họ là chính quyền hợp pháp duy nhất trên trái đất này. Một tác động của cuộc cách mạng tới các học thuyết của họ có lẽ là họ cảm thấy mình buộc phải có một số nhượng bộ trước các khuynh hướng dân chủ của thời đại. Do đó, chủ nghĩa xã hội độc đoán nguyên mẫu đã bắt đầu hợp tác tạm thời với nền dân chủ tự do. Các lý do của bước đi này được những người theo chủ nghĩa Saint-Simon giải thích với sự thẳng thắn đáng kinh ngạc, điều mà những người theo chủ nghĩa xã hội sau này hiếm khi sánh kịp: “Vào thời điểm này chúng ta yêu cầu quyền tự do tín ngưỡng để một tôn giáo có thể được hình thành trên những tàn tích của quá khứ tôn giáo của nhân loại… quyền tự do báo chí vì đây là điều kiện không thể thiếu để sau đó có thể điều khiển tư duy một cách hợp pháp; quyền tự do giảng dạy để học thuyết của chúng ta có thể được truyền bá dễ dàng và một ngày nào đó sẽ trở thành học thuyết duy nhất được mọi người ưa chuộng và đi theo; yêu cầu phải phá bỏ các độc quyền vì đây là biện pháp để đạt được cơ cấu tổ chức rõ ràng cho hệ thống sản xuất” 60. Tuy nhiên, quan điểm thực sự của họ thể hiện rõ hơn ở việc trước đó họ đã khám phá ra và nhiệt tình ủng hộ cái thiên tài tổ chức của nước Phổ 61– một sự đồng cảm, như chúng ta sẽ thấy ngay sau đây, đã được “Những người Đức trẻ tuổi” phúc đáp lại, bởi một người trong nhóm này đã đưa ra lý lẽ nhận xét rằng người Phổ từ lâu đã đi theo chủ nghĩa Saint-Simon 62. Bước phát triển duy nhất về mặt học thuyết vào thời kỳ này mà chúng ta cần nhắc đến là mối quan tâm ngày càng tăng của họ đối với ngành đường sắt, kênh đào và ngân hàng, những ngành mà rất nhiều người trong số họ đã chọn làm sự nghiệp cả đời sau khi trường phái này tan rã.

Những nỗ lực ban đầu của Enfantin nhằm biến trường phái này thành một tôn giáo đã tạo ra những căng thẳng nhất định giữa những người lãnh đạo và dẫn đến sự rút lui của một số người. Cuộc khủng hoảng chính xuất hiện khi ông bắt đầu xây dựng các lý thuyết mới về vị trí của người phụ nữ và mối quan hệ giữa hai giới tính. Trong những bài giảng của bản thân Saint-Simon hầu như không có gì để làm cơ sở cho hướng đi mới này, và những yếu tố đầu tiên của học thuyết này có lẽ là sự du nhập từ chủ nghĩa Fourier, với lý thuyết cho rằng đôi lứa giữa người đàn ông và người phụ nữ tạo thành cá thể xã hội thực sự. Đối với Enfantin, chỉ là một bước ngắn để đi từ nguyên lý giải phóng phụ nữ sang học thuyết về sự “khôi phục thú vui xác thịt” (“rehabilitation of the flesh”) và sự phân biệt giữa các kiểu người “chung thủy” và “không chung thủy” thuộc cả hai giới, mà cả hai kiểu người này đều có thể hưởng thú vui theo ý mình. Những học thuyết này và những đồn đại lan truyền xung quanh ứng dụng của chúng trong thực tế (phải thừa nhận là những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã đưa ra vô số lý do giải thích điều này trong các tác phẩm của họ) 63 đã gây ra một vụ xì-căng-đan khá lớn. Sau đó là sự rạn nứt giữa Enfantin và Bazard. Bazard rời bỏ phong trào và qua đời sau đó chín tháng. Vị trí Mère suprême [Mẹ bề trên – ND] của ông, một vinh dự mà George Sand đã từ chối, bị bỏ trống. Cùng với Bazard, một số thành viên nổi bật như Carnot, Leroux, Lechevalier và Transon cũng rút khỏi phong trào, hai người cuối đi theo chủ nghĩa Fourier; và một vài tháng sau ngay cả Rodrigues, nhân vật còn sống đã từng có quan hệ với Saint-Simon, cũng cắt đứt quan hệ với Enfantin.

Đối mặt với sự tan rã nghiêm trọng, vì những khó khăn về tài chính đã buộc họ phải đóng cửa tờ Globe, và vì họ đã bắt đầu thu hút sự chú ý của cảnh sát, Enfantin cùng bốn mươi tông đồ trung thành rút về một căn nhà ở Ménilmontant, ngoại ô Paris, để bắt đầu một cuộc sống mới theo đúng những lời giáo huấn trong học thuyết. Bốn mươi con người bắt đầu tại đó một cuộc sống tập thể không có người phục vụ, phân công cho nhau các công việc của người phục vụ và tuân thủ sự phân công ấy, và để dập tắt những lời đồn thổi ác ý, họ tuyệt đối không lập gia đình. Nhưng nếu cuộc sống của họ một nửa là dập khuôn theo cuộc sống tu viện thì trên những phương diện khác, nó giống một Führerschule [trường dạy lãnh đạo – ND] kiểu phát-xít nhiều hơn. Các bài tập và khoá học điền kinh trong học thuyết này nhằm chuẩn bị cho họ một cuộc sống năng động hơn trong tương lai.

Mặc dù họ tự nguyện giam mình trong tình trạng đó, họ vẫn không ngừng bị mọi người chú ý. Bốn mươi tông đồ ăn vận kỳ quái trồng trọt trong vườn và chăm nom nhà cửa trong chốc lát trở thành tâm điểm chú ý của dân Paris; hàng ngàn người đã đổ xô đến xem cảnh tượng ngoạn mục đó. Hậu quả là cảnh sát không thể nào ngồi yên trước cuộc sống “ẩn dật” đó. Các vụ kiện tụng chống lại Enfantin, Chevalier và Duveyrier vì tội vi phạm đạo đức xã hội được tiến hành và kết thúc bằng việc họ bị kết án một năm tù. Cuộc diễu hành của cả nhóm trước toà án trong những bộ trang phục lập dị với những chiếc mai làm vườn và các dụng cụ khác trên vai và sự phản kháng gay gắt của những người bị kết án gần như là lần xuất hiện công khai cuối cùng của nhóm. Khi Enfantin bước vào nhà tù St. Pelagier để thụ án, phong trào bắt đầu đi xuống rất nhanh và căn cứ ở Ménilmontant chẳng mấy chốc tan rã. Một nhóm các môn đồ vẫn khiến người ta phải bàn tán nhiều vì chuyến đi của họ đến Constantinople và phương Đông pour chercher la femme libre 64[để tìm kiếm người phụ nữ tự do]. Khi Enfantin ra tù, dù ông có tổ chức một chuyến đi nữa sang phương Đông, thì chuyến đi ấy nhằm một mục đích có tính toán hơn. Ông cùng một nhóm những người theo chủ nghĩa Saint-Simon sống một vài năm ở Ai Cập, cố gắng vượt qua eo biển Suez. Và tuy lúc đầu họ không thành công trong việc kêu gọi hỗ trợ nhưng chính là nhờ phần lớn ở những nỗ lực của họ mà về sau Công ty kênh đào Suez được thành lập 65. Chúng ta sẽ còn có dịp nhắc lại rằng phần lớn trong số họ tiếp tục cống hiến cuộc đời mình vì những nỗ lực tương tự – Enfantin sáng lập ra hệ thống đường sắt Paris-Lyon-Địa Trung Hải và nhiều môn đồ của ông tổ chức các công trình xây dựng trong ngành đường sắt và kênh đào tại những vùng khác trên nước Pháp và các nước khác 66.

Chú thích:

(1) Livre nouveau, Résumé des conférences faites à Ménilmontant, trong G. Pinet, Ecrivains et penseurs polytechniciens, 2d ed. (Paris, 1898), p. 180.

(2) Về Enfantin và những người theo chủ nghĩa Saint-Simon nói chung, xem Histoire du Saint-Simonisme (Paris, 1896; ấn bản mới năm 1931), cho đến nay vẫn là tác phẩm hay nhất viết về phong trào Saint-Simon. Một điều đáng ngạc nhiên là bản thân Enfantin chưa bao giờ trở thành chủ đề của một cuốn chuyên khảo nào. Cuốn Enfantin của S. Charléty (Paris, 1930) chỉ đơn thuần là một tập hợp hữu ích những bài viết của Enfantin với phần giới thiệu sơ lược.

(3) S. Charléty, Enfantin, p. 2.

(4) Xem H. Grossmann, “The evolutionist revolt against classical economics”, Journal of Political Economy (tháng 10 năm 1943). Grossmann cho rằng trong bài viết này tôi đã đánh giá quá cao tính sáng tạo của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon mà hạ thấp vị trí của bản thân Saint-Simon. Tôi sẵn sàng nhất trí rằng gần như tất cả những nhân tố trong hệ thống của họ có thể được tìm thấy trong những tác phẩm đã xuất hiện trong khoảng thời gian Saint-Simon còn sống và ký tên ông (dù một phần được viết bởi Comte và có thể là những người khác nữa); nhưng những bài viết này chứa đựng nhiều ý tưởng khác có phần trái ngược, điều đó khiến tôi đánh giá thành tựu của một hệ thống chặt chẽ mà các môn đồ của Saint-Simon xây dựng lên cao hơn so với đánh giá của Giáo sư Grossmann.

(5) “Công trình của M. A. Comte… đã giúp cho nhiều người trong chúng ta đến với học thuyết của Saint-Simon”)  (Doctrine de Saint-Simon, Exposition, première année, ed. Bouglé và Halévy (Paris, 1924) , p. 443). Comte (trong một bức thư gửi G. d’Eichthal đề ngày 11 tháng 12 năm 1829) cho rằng những người theo chủ nghĩa Saint-Simon có ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn: “Chắc ông biết rõ rằng chính tôi đã chứng kiến họ ra đời, nếu không muốn nói rằng tôi đã hình thành nên họ (tôi hoàn toàn không có ý tự đề cao mình!)… Những ý tưởng đầy tham vọng của các vị ấy không gì khác hơn là một sự học đòi hay nói đúng hơn, một sự cải biên rất tồi những quan niệm đã được tôi trình bày và họ đã làm hỏng chúng bằng cách chen vào đó những quan niệm dị loại do vay mượn… từ Saint-Simon” (E. Littré, Auguste Comte et la philosophie positive (Paris, 1863) , p. 173-74).

(6) Producteur (1825), vol. 1, Lời nói đầu.

(7) Về Bazard, xem W. Spühler, Der Saint-Simonismus: Lehre und Leben von Saint-Amand Bazard (Zürcher Volkswirtschaftliche Forschungen, hg. v. M. Saitzew, no. 7) (Thuyết của St. Simon: Học thuyết và cuộc đời của St. A. Bazard/Các nghiên cứu kinh tế học quốc dân ở Zürich)  (Zurich, 1926).

(8) Xem Louis Reybaud, Etudes sur les réformateurs contemperains ou socialistes modernes (Brussels, 1841), p. 61: “Chính ông M. Enfantin đã tìm ra ý tưởng, rồi M. Bazard phát biểu nó lên”. Cf. C. Gide và C. Rist, Histoire des doctrines économiques, 4th ed. (1922), p. 251.

(9)  Producteur, vol. 1, p. 83.

(10) Ibid., p. 399 et seq.; vol. 3, p. 110, 526 et seq. Các bài viết của Bazard là nguyên cớ trực tiếp của một trong những luận văn hùng hồn nhất của Benjamin Constant về bảo vệ tự do.

(11) Ibid., vol. 3, p. 74.

(12) Ibid., vol. 4, p. 86.

(13)  OSSE, vol. 14, p. 86. Trong một bức thư gửi Fournel tháng 6 năm 1832 (được G. Pinet trích dẫn trong “L’Ecole Polytechnique et les Saint-Simonién,” Revue de Paris, 15 tháng 5 năm 1894, p. 85), Enfantin mô tả Ecole polytechnique là “nguồn suối quý báu hay gia đình mới của chúng ta, mầm mống của nhân loại tương lai đã rút ra từ cuộc sống”. Hoặc “người vô sản lẫn nhà bác học đều yêu mến và kính trọng Ngôi trường vẻ vang này”.

(14)  Xem C. Pellarin, Jules Lechevalier et Abel Transon (Paris, 1877), tuy nhiên cuốn sách này phần lớn đề cập đến vai trò sau này của hai người đó trong phong trào Fourier. Trên thực tế Lechevalier sau khi học triết học Đức tại Pháp đã dành một năm (1829-30) tại Berlin để nghe các bải giảng của Hegel.

(15)  Xem Sadi Carnot, Biographie et manuscript, publiés sous les auspices de l’Académie des sciences avec une préface de M. Emile Picard (Paris, 1927), p. 17-20. Xem thêm G. Mouret, Sadi Carnot et la science de l’energie (Paris, 1892). Réflexion sur la puissance motrice du feu xuất hiện năm 1842, nhưng phải rất lâu sau này tầm vóc của nó mới được nhận ra.

(16)  Xem H. Carnot, “Sur le Saint-Simonisme,” Séances et travaux de l’Académie de sciences morales et politiques, 47e année, n.s. (1887), vol. 28, p. 132.

(17)  Ibid., p. 129.

(18)  Doctrine de Saint-Simon, Exposition, première année, 1829 (Paris, 1830. Deuxième année, 1829-30 (Paris, 1831). Một ấn bản tuyệt vời với phần giới thiệu và các chú thích giá trị của C. Bouglé và E. Halévy được xuất bản trong Collection des economistes et réformateurs français (Paris, 1924). Các tài liệu tham khảo dưới đây đều liên quan đến ấn bản này.

(19)  C. Bouglé trong phần giới thiệu của ông về E. Halévy, L’Ere des tyrannies (Paris, 1938), p. 9.

(20)  (Abel Transon) , De la religion Saint-Simonienne: Aux elèves de l’Ecole polytechnique. Xuất bản lần đầu trong Organisateur (thứ 2) (Tháng 7-9 năm 1829), và in lại riêng (Paris, 1830; Brussels, 1831), và in ở phần cuối ấn bản lần 2 của cuốn Exposition, deuxième année, 1829-30. Một bản dịch sang tiếng Đức xuất hiện ở Göttingen năm 1832.

(21)  Exposition, ed. Bouglé và Halévy, p. 127.

(22)  Ibid., p. 131, 160.

(23)  Ibid., p. 89

(24)  Ibid., p. 27.

(25)  Ibid., p. 162

(26)  Ibid., p. 206

(27)  Ibid., p. 89, 139.

(28)  Ibid., p. 73, 124, 153.

(29)  Ibid., p. 203, 206, 234, 253.

(30)  Ibid., p. 236, 350.

(31)  Ibid., p. 208-9.

(32)  Ibid., p. 214-16, 238.

(33)  Ibid., p. 225.

(34)  Ibid., p. 239, 307.

(35)  De la religion Saint-Simonienne (Paris, 1830), p. 48-49.

(36)  Exposition, ed. Bouglé và Halévy, p. 243.

(37)  Ibid., p. 244.

(38)  Ibid., p. 253-54.

(39)  Ibid., p. 255.

(40)  Từ tiếng Pháp fonction tất nhiên cũng có nghĩa là văn phòng.

(41)  Exposition, ed. Bouglé và Halévy, p. 257.

(42)  Trong một bức thư gửi Channing năm 1831 ông thừa nhận: “Tôi đã nêu ra những nhược điểm của các hệ thống cạnh tranh tự do; Tôi đã đánh đổ (nó) , nhưng tôi không đủ sức xây dựng lại” (J. C. C. Simonde de Sismondi, Fragments de son journal et de sa correspondance (Genève-Paris, 1857) , p. 130). Về ảnh hưởng chung của Sismondi, mà chúng ta không thể thảo luận đầy đủ ở đây, xin xem J. R. de Salis, Sismondi (Paris, 1932).

(43)  Exposition, p. 258.

(44)  Ibid., p. 258-59.

(45)  Ibid., p. 261.

(46)  Exposition, p. 272-73. Có thể thấy rằng đây có vẻ là lần xuất hiện đầu tiên của từ ngân hàng trung ương.

(47)  Đoạn sau trong cuốn Exposition, deuxième année (Première séance, résumé de l’exposition de la première année (1854) , p. 338-39) lại xứng đáng được trích dẫn: : “Để cho “liên hiệp công nghiệp” này được hiện thực hóa và mang lại mọi thành quả, điều cần thiết là nó phải tạo nên một trật tự thứ bậc, phải có một cái nhìn chung để điều khiển những công việc của nó và điều hòa chúng… Điều tuyệt đối cần thiết là Nhà nước phải sở hữu tất cả mọi công cụ lao động hiện đang là tài sản của nền tư hữu công nghiệp, và những giám đốc của xã hội công nghiệp phải được phân phối những công cụ này, một chức năng mà ngày nay những người vô sản và bọn chủ tư bản đang làm một cách quá mù quáng và quá lãng phí…; chỉ có như thế, ta mới thấy sự chấm dứt của trò gây tai tiếng và đáng phẫn nộ: sự cạnh tranh vô giới hạn, tức sự phủ định khổng lồ đầy nguy hiểm trong đời sống công nghiệp, tức hiện tượng – xét ở khía cạnh nổi bật nhất – không gì khác hơn là một cuộc chiến tranh ác liệt và đẫm máu mà những cá nhân và những quốc gia đang tiếp tục tiến hành dưới một hình thức khác”. Phần đầu đoạn này đã chỉ rõ rằng tại giai đoạn này họ đang sử dụng từ association với chính cái nghĩa mà hai năm sau này họ dùng với từ socialism.

(48)  Xem bên dưới, phần 3.

(49)  Exposition, p. 377. Tuy vậy cũng cần xem A. Comte, Letters à Valat, p. 164-65, để biết một dạng sử dụng dễ dãi của từ này trong một bức thư ngày 30 tháng 3 năm 1825.

(50)  Ibid., p. 275. Chủ nghĩa công nghiệp (Industrialism) là thuật ngữ được Saint-Simon tự đặt ra để mô tả cái đối lập với chủ nghĩa tự do. Xem OSSE , quyển 37, p. 178, 195.

(51)  Exposition, p. 183, 487.

(52)  Ibid., p. 98, 139.

(53)  Nói đúng ra, cả hai thuật ngữ người theo chủ nghĩa xã hội (socialist) và chủ nghĩa xã hội (socialism) đã được sử dụng trong tiếng Italia (bởi G. Guiliani) vào năm 1803, nhưng đã bị quên lãng. Độc lập với việc này, thuật ngữ người theo chủ nghĩa xã hội đã từng xuất hiện trên tạp chí Owenite Cooperative tháng 11 năm 1827, và thuật ngữ chủ nghĩa xã hội (cho dù theo một nghĩa khác) xuất hiện trong một tờ báo Thiên chúa giáo Pháp tháng 11 năm 1831. Nhưng chỉ sau khi xuất hiện trên tạp chí Globe nó mới lập tức được đón nhận và sử dụng rộng rãi, đặc biệt bởi Leroux và Reybaud. Xem C. Grünberg, “Der Ursprung der Worte ‘Sozialismus’ und ‘Sozialist’”, Archiv für die Geschichte des Sozialismus und der Arbeiterbewegung (1912), vol. 2, p. 378. Xem thêm Exposition, ed. Bouglé và Halévy, p. 205 n.

(54)  Globe, ngày 2 tháng 2 năm 1832. Từ này xuất hiện trong một bài báo của H. Joncières và nó xuất hiện trong ngữ cảnh đáng chú ý đến mức cần trích lại cả câu đó ở đây: “Chúng tôi không muốn hy sinh nhân cách cá nhân cho chủ nghĩa xã hội, càng không muốn hy sinh chủ nghĩa xã hội cho nhân cách cá nhân”.

(55)  Bên cạnh đó một số bài báo của Enfantin trên Globe tập hợp trong một quyển riêng dưới tiêu đề Economie politique et politique (Paris, 1832) cũng xứng đáng được đặc biệt lưu ý đến.

(56)  Eduard Gans đã có bài phân tích tỉ mỉ về lý do của việc này với tiêu đề “Paris in Jahre 1830,” trong Rückblicke auf Personen und Zustände (Berlin, 1836), p. 92: “B. Constant kể cho tôi nghe rằng khi các nhân vật theo thuyết Saint Simon, trước đây một năm, xin ông cho lời khuyên làm thế nào để truyền bá rộng rãi các nguyên lý của họ, ông đã trả lời cho họ rằng: hãy biến biến chúng thành một tôn giáo!”

(57)  Xem H. R. d’Allemagne, Les Saint-Simoniens 1827-1837 (Paris, 1931).

(58)  Xem G. Pinet, Ecrivains et penseurs polytechniciens, 2d ed. (Paris 1898), p. 176, và S. Charléty, Histoire du Saint-Simonisme (1931), p. 29.

(59)  Xem G. Weill, “Le Saint-Simonisme hors de France”, Revue d’histoire economique et sociale (1921), vol. 9, p. 105. Một phái đoàn của những người Saint-Simon bao gồm P. Leroux, H. Carnot và những người khác đã tới Brussels tháng 2 năm 1831; và mặc dù, ngoài lời nhận xét của Weill đã được đề cập, không có bằng chứng rõ ràng nào về ảnh hưởng của những người theo phái Saint-Simon lên Quetelet, nhưng điều đáng chú ý là chính từ cái ngày này tư tưởng của ông tiến triển theo hướng rất giống như của Comte. Về điều này xin xem J. Lottin, Quetelet: statisticien et sociologue (Louvain và Paris, 1912), p. 123, 356-67; và p. 10, 21.

(60)  Organisateur, vol. 2, p. 202, 213, trong trích dẫn của Charléty, op. cit., p. 83.

(61)  Globe, ngày 3 và 8 tháng 6 năm 1831, trong trích dẫn của Charléty, op. cit., p. 110.

(62)  Karl Gutzkow, Briefe eines Narren an eine Närrin (1832), trong trích dẫn của E. M. Butler, Saint-Simonian Religion in Germany (Cambridge, 1926), p. 263.

(63)  Ví dụ, Duveyrier, một trong những thành viên kỳ cựu nhất, viết trên tờ Globe ngày 12 tháng 1 năm 1832: “Ta sẽ thấy trên mặt đất điều chưa từng được thấy. Ta sẽ thấy những người đàn ông và đàn bà hợp nhất lại với nhau bằng một tình yêu chưa từng có tiền lệ và tên gọi, bởi tình yêu ấy không biết đến sự nguội lạnh lẫn sự hờn ghen; họ trao cho nhau rất nhiều nhưng không bao giờ ngừng là chính mình, và ngược lại, tình yêu của họ sẽ giống như một bữa tiệc thần thánh ngày càng tăng vẻ diễm lệ nhờ vào số đông và khả năng lựa chọn những vị khách mời”.

(64)  Có vẻ như thành ngữ chercher la femme xuất phát từ đây.

(65)  Xem J. Lajard de Puyjalon, L’Influence des Saint-Simoniens sur la réalisation de l’Isthme de Suez (Paris, 1926).

(66)  Xem M. Wallon, Les Saint-Simoniens et les chemins de fer (Paris, 1908), và H. R. d’Allemagne, Prosper Enfantin et les grandes entreprises du XIX siècle (Paris, 1935).

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007