[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 11: Khởi nguồn của sự ngạo mạn duy khoa học: Trường Đại học Bách khoa Paris (Phần 2)

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 11: Khởi nguồn của sự ngạo mạn duy khoa học: Trường Đại học Bách khoa Paris (Phần 2)

III

Không chỉ ở bậc giáo dục trung học mà thậm chí ở cả những bậc giáo dục cao hơn, Công ước Cách mạng (Revolutionary Convention) đã tạo ra một loại trường viện mới, loại được thành lập có tính trường tồn và trở thành một khuôn mẫu được cả thế giới áp dụng: Ecole Politechnique. Các cuộc chiến tranh xảy ra trong Cuộc cách mạng và sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc sản xuất ra những chiết xuất quan trọng1 đã khiến cho nhu cầu đối với những kỹ sư được đào tạo, ban đầu là cho các mục đích quân sự, được đánh giá cao. Tuy nhiên, tiến bộ công nghiệp cũng đã tạo ra sự quan tâm mới đối với máy móc. Tiến bộ khoa học và công nghệ đã tạo ra một hứng thú rộng lớn đối với các nghiên cứu về công nghệ, sự hứng thú được thể hiện rõ trong việc thành lập các hội như Association philotechnique [Hội truyền bá nghệ thuật và khoa học] và Société polytechnique [Hiệp hội những nhà kỹ thuật]2. Giáo dục kỹ thuật bậc cao hơn sau đó vẫn chỉ được dạy hạn chế trong các trường chuyên ngành như Ecole des Ponts et Chaussés [Trường Đại học Cầu đường] và nhiều trường quân sự. G. Monge, người khai sinh ra hình học họa pháp (descriptive geometry), tư lệnh hải quân trong Cuộc cách mạng và sau này là bạn của Napoléon đã từng giảng dạy trong một trường quân sự. Ông ta ủng hộ ý tưởng thành lập một ngôi trường lớn riêng biệt, tại đó tất cả các lớp kỹ sư sẽ được đào tạo những bộ môn chung mà họ đều cần3. Ông ta đã trao đổi ý tưởng đó với Lazare Carnot, “nhà tổ chức của chiến thắng”, học trò cũ của ông ta, người không phải là một nhà vật lý học hay một kỹ sư4. Hai con người này đã “đào móng” xây dựng ngôi trường mới vào năm 1794. Đó là Ecole Politechnique mới (đi ngược lại với lời khuyên của Laplace)5, chủ yếu dành cho các ngành khoa học ứng dụng – trái với Ecole normale [Trường Đại học Tổng hợp], được thành lập cùng thời gian, chủ yếu giảng dạy lý thuyết – và tình trạng này vẫn giữ nguyên như vậy trong suốt 10 hay 20 năm đầu tồn tại của trường. Với một mức độ cao hơn các trường viện tương tự, việc giảng dạy tập trung xoay quanh bộ môn của Monge, hình học họa pháp, hay nghệ thuật thiết kế, cái tên mà chúng ta có thể dùng để thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với các kỹ sư6. Lúc đầu trường được tổ chức dựa trên những nguyên tắc dân sự cơ bản, nhưng sau đó đã trở thành một tổ chức quân sự hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển của Napoléon, người mà mặc dù rất muốn điều ngược lại nhưng vẫn kiên quyết bác bỏ bất kỳ cố gắng nào nhằm tự do hóa chương trình học của nó và thậm chí chỉ miễn cưỡng chấp nhận việc đưa vào các khoá học vô hại như văn học7.

Tuy nhiên bất chấp những hạn chế về các bộ môn, và những hạn chế thậm chí còn nghiêm trọng hơn liên quan đến trình độ đầu vào của sinh viên trong những năm đầu mới thành lập, ngay từ đầu Ecole Politechnique đã có sẵn một đội ngũ giáo viên tiếng tăm hơn bất kỳ một tổ chức nào ở châu Âu có thể có trước đó. Lagrange từng là một trong những giảng viên đầu tiên của nó, và mặc dù Laplace không phải là giáo viên thường xuyên, ông đã có mối liên hệ với trường bằng rất nhiều cách, bao gồm với cả văn phòng của chủ tịch hội đồng. Monge, Fourier, Prony và Poinsot là những giáo viên toán học và vật lý học thuộc thế hệ đầu tiên; Berthollet, người đã viết tiếp tác phẩm của Lavoisier, và một số những người không kém phần kiệt xuất khác8, giảng dạy hóa học. Thế hệ thứ hai bắt đầu đảm nhận vị trí vào đầu thế kỷ mới bao gồm những tên tuổi như Poisson, Ampère, Gay-Lussac, Thénard, Arago, Cauchy, Fresnel, Malus – đây mới chỉ là những người nổi tiếng nhất và hầu hết đều là những sinh viên cũ của Ecole Politechnique. Tuy trường mới chỉ tồn tại được mấy năm nhưng đã trở nên nổi tiếng khắp châu Âu, và vào khoảng thời gian hòa bình đầu tiên vào những năm 1801-1802, Volta, Count Rumford và Alexander von Humboldt 9 đã hành hương đến thánh đường khoa học mới này.

IV

Đây không phải là nơi đi sâu thảo luận về những sự chinh phục thiên nhiên gắn liền với những tên tuổi này. Chúng ta chỉ quan tâm đến tinh thần chung của sự khoáng đạt mà họ đã đem lại, thứ cảm giác không hề có bất kỳ một giới hạn nào đối với trí tuệ con người, thứ cảm giác mở rộng biên giới mà con người hi vọng có thể kìm hãm và điều khiển được tất cả những thế lực đã từng đe doạ họ. Có lẽ không có gì thể hiện tinh thần này rõ hơn ý tưởng táo bạo của Laplace về một công thức thế giới được ông đề cập đến trong một đoạn nổi tiếng của tác phẩm Essai philosophique sur les propabilités [Triết luận về xác suất]: "Giả sử có một bộ óc biết tất cả những thế lực làm cho thiên nhiên sống động và biết vị trí của tất cả những vật thể trong thiên nhiên, và nếu giả sử bộ óc đó đủ lớn để có thể chứa đựng tất cả những dữ liệu này cho phân tích của mình, thì bộ óc đó có thể bao quát tất cả những chuyển động của những vật thể lớn nhất trong vũ trụ cũng như của những nguyên tử nhỏ bé nhất vào trong một công thức đơn nhất; không gì là không chắc chắn đối với anh ta; tương lai và quá khứ có thể sẽ trở nên bình đẳng trong con mắt của anh ta”10. Ý tưởng này, cái ý tưởng đã tạo ra một sự mê hoặc11 vô cùng sâu sắc đối với nhiều thế hệ các nhà khoa học, ngày càng tỏ rõ rằng nó không chỉ là một khái niệm miêu tả một điều kiện lý tưởng phi thực tế mà thực chất còn là một suy luận không hợp lệ từ những nguyên lý giúp chúng ta thiết lập nên những quy luật cho những sự kiện vật lý cụ thể. Bản thân nó bây giờ được các nhà thực chứng hiện đại xem như là một “hư cấu siêu hình”12.

Người ta từng miêu tả chi tiết việc toàn bộ hoạt động giảng dạy trong Ecole Polytechnique đã thấm nhuần tư tưởng thực chứng của Lagrange như thế nào và toàn bộ các khoá học cũng như sách giáo khoa đã được soạn ra theo khuôn mẫu của ông13 ra sao. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với một cái nhìn tổng thể của các nhà bách khoa kỹ thuật có lẽ là những bài thực hành xác định, bắt buộc phải tuân theo trong tất cả các chương trình giảng dạy của nó: tất cả các bộ môn khoa học đều được giảng dạy chủ yếu dưới dạng các ứng dụng thực hành và mọi sinh viên đều mong đợi được sử dụng kiến thức của mình trong vai trò của các nhà quân sự hay những kỹ sư. Chính tại đây, tầng lớp kỹ sư với nhãn quan, tham vọng và hạn chế đặc thù đã được đào luyện ra. Cái tinh thần nhân tạo, không công nhận bất kỳ thứ gì không được xây dựng nên một cách có chủ ý là có ý nghĩa, cái tình yêu tính tổ chức nảy nở từ hai nguồn song sinh, thực tiễn quân đội và kỹ nghệ14, cái sở thích thẩm mỹ dành cho tất cả mọi thứ được tạo nên một cách có ý thức vượt lên trên những thứ “chỉ phát triển tự phát”, là một nhân tố mới mạnh mẽ góp phần vào việc hun đúc – và theo thời gian dần chiếm lĩnh – bầu nhiệt huyết cách mạng của các nhà bách khoa kỹ thuật trẻ tuổi. Có thể dễ nhận ra khuynh hướng trở thành những nhà xã hội chủ nghĩa15 và đặc điểm riêng biệt của lớp kỹ sư mới này, những người, như có người đã nói, “cảm thấy hãnh diện về bản thân bởi đã có được những giải pháp chính xác và thỏa đáng hơn bất kỳ ai khác cho tất cả những thắc mắc về chính trị, tôn giáo và xã hội”16, và những người ''đã dấn thân vào việc tạo ra một tôn giáo theo cách thức xây dựng một cây cầu hay một con đường như đã được học ở Ecole17. Ở đây chúng ta chỉ giới hạn trong việc chỉ ra rằng chính trong không khí này Saint-Simon đã nghĩ ra một số những kế hoạch sớm nhất và kỳ dị nhất cho việc tổ chức xã hội, và chính tại Ecole Polytechnique, trong suốt 20 năm đầu tồn tại, Auguste Comte, Prosper Enfantin, Victor Considérant, và hàng trăm người theo chủ nghĩa Saint-Simon và Fourier sau này đã được đào tạo, và tiếp sau đó là những nhà cải cách xã hội trong suốt thế kỷ cho đến tận Georges Sorel18.

Nhưng, cho dù những hướng đi của các sinh viên trong trường có khác nhau như thế nào đi chăng nữa, thì một lần nữa chúng ta lại phải chỉ ra rằng, những nhà khoa học vĩ đại, những người đã tạo dựng nên danh tiếng cho Ecole Polytechnique không hề có lỗi trong việc mở rộng một cách quá mức những kỹ năng và thói quen tư duy của họ vào những lĩnh vực không thuộc sở trường của mình. Họ ít bận tâm tới những vấn đề của con người và xã hội19. Đây là lĩnh vực của một nhóm những người khác, những người cùng thời đại với họ và có tầm ảnh hưởng cũng sâu rộng không kém gì họ. Tuy nhiên, cố gắng của những người này nhằm duy trì những truyền thống của thế kỷ XVIII đối với nhóm các ngành khoa học xã hội đã bị nhấn chìm bởi làn sóng thủy triều của chủ nghĩa duy khoa học và bị mất tiếng nói bởi sự bức hại chính trị. Thật bất hạnh cho những nhà tư tưởng học (ideologues), cách mà họ tự xưng, bởi lẽ tên tuổi của họ sẽ bị xuyên tạc thành những khẩu hiệu trái ngược lại với những gì mà họ ủng hộ, và những ý tưởng của họ sẽ bị rơi vào tay những kỹ sư trẻ tuổi, những người bóp méo và thay đổi chúng đến mức không còn có thể nhận ra được nữa.

V

Có một sự thực đáng đề cập là những học giả Pháp mà chúng ta đang nói đến lẽ ra nên được chia ra thành hai “nhóm riêng biệt, mà giữa họ chỉ có duy nhất một đặc điểm chung, sự nổi tiếng về tên tuổi”20. Nhóm đầu tiên bao gồm những giáo sư và giáo chức ở Ecole Polytechnique, ngôi trường mà chúng ta đã nhắc đến, và những người ở Collège de France (Trường Cao đẳng Pháp). Nhóm còn lại gồm các nhà sinh lý học, sinh vật học và tâm lý học, những người phần lớn có liên hệ với Ecole de medecine (Trường Y) và được biết đến như là những nhà tư tưởng học (Ideologues).

Không phải tất cả những nhà sinh học lỗi lạc mà nước Pháp có thể tự hào vào thời điểm đó đều thuộc về nhóm thứ hai. Ở Collège de France, Cuvier, người tìm ra phương pháp giải phẫu so sánh, và có lẽ là người nổi tiếng nhất trong số những nhà sinh học lỗi lạc người Pháp, về cơ bản chỉ là một nhà khoa học thuần túy. Những tiến bộ của các ngành sinh vật học, như ông đã giải thích cặn kẽ, có lẽ đã có đóng góp đáng kể không kém cạnh bất kỳ yếu tố gì khác trong việc tạo ra niềm tin về sức mạnh vạn năng của những phương pháp khoa học thuần túy. Càng ngày càng có nhiều vấn đề tưởng như không thể giải quyết được bằng những phương pháp chính xác lại được chứng minh là có thể bị khuất phục bởi những phương pháp giống như vậy21. Hai nhà sinh học khác, những người mà tên tuổi ngày nay còn được biết đến nhiều hơn so với Cuvier, đó là Lamarck và Geoffrey St. Hilaire, vẫn nằm ngoài nhóm những nhà tư tưởng học và không mấy quan tâm đến việc nghiên cứu con người như một sinh vật biết tư duy. Tuy nhiên, Cabanis và Main de Biran, cùng với những người bạn của họ, Destutt de Tracy và Degesrando, lại coi đây là vấn đề trung tâm cho những nỗ lực của mình.

Bộ môn tư tưởng học22, theo như nhóm này hiểu, chỉ đơn giản là sự phân tích những ý tưởng và những hành động của con người, bao gồm cả mối quan hệ giữa thể tạng vật chất và tâm trí con người23. Cảm hứng của nhóm này chủ yếu xuất phát từ Condillac và phạm vi những nghiên cứu của họ đã được vạch ra nhờ Cabanis, một trong những người đặt nền móng cho tâm lý học sinh lý, trong tác phẩm Rapports du physique et du moral de l’homme [Những mối quan hệ giữa thân xác và tinh thần của con người] (1802) của ông. Và mặc dù đã có nhiều tranh luận giữa họ về việc áp dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên đối với con người, điều này vẫn chỉ có nghĩa rằng họ muốn nghiên cứu về con người mà không có bất kỳ thành kiến hay những suy đoán mập mờ nào về mục đích hay số phận của con người. Tuy nhiên, điều này đã không ngăn cản được Cabanis hay những người bạn của ông cống hiến phần lớn cuộc đời khoa học của mình vào việc phân tích những ý tưởng của con người, điều đã khiến công việc này đuợc mang tên là bộ môn tư tưởng học. Họ cũng đã không hề nghi ngờ tính xác đáng của phương pháp nội quan. Nếu như nhân vật quan trọng thứ hai của nhóm, Destutt de Tracy đề xuất việc coi toàn bộ bộ môn tư tưởng học là một bộ phận của ngành động vật học24, thì điều này vẫn không ngăn cản ông tự hướng mình hoàn toàn vào cái mảng nghiên cứu mà ông ta gọi là idéologie rationelle [tư tưởng học về lý tính], vốn bao hàm cả logic, ngữ pháp và kinh tế học, và đối lập với idéologie physiologique [tư tưởng học về sinh lý]25.

Một điều không thể phủ nhận là: trong mảng nghiên cứu này, do sự nhiệt tình đối với khoa học thuần túy, họ đã sử dụng nhiều thuật ngữ dễ gây lạc hướng, những thuật ngữ đã từng bị Saint-Simon và Comte [cố ý] hiểu nhầm một cách lộ liễu. Riêng Cabanis liên tục nhấn mạnh rằng vật lý phải là cơ sở cho các ngành khoa học luân lý26; nhưng với bản thân ông, điều này cũng chỉ có nghĩa là những nền tảng sinh lý cơ bản của những hoạt động tâm trí cần phải được tính đến và ông ta luôn luôn nhận ra ba phần riêng biệt của “science de l’homme” [khoa học về con người]: sinh lý học, phân tích ý tưởng và những chuẩn mực luân lý27. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của những vấn đề xã hội, trong khi nghiên cứu của Cabanis vẫn chủ yếu mang tính cương lĩnh thì Destutt de Tracy đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Ở đây chúng ta chỉ cần đề cập đến một trong số đó: sự phân tích của ông về giá trị và mối quan hệ của nó đối với độ thỏa dụng. Trong phân tích này, ngoài việc phát triển tiếp những nền tảng do Condillac để lại, ông đã đi rất xa trong việc cung cấp những điều mà hệ thống kinh tế chính trị cổ điển Anh còn thiếu – một học thuyết đúng đắn về giá trị –, điều mà lẽ ra đã có thể cứu vãn hệ thống kinh tế này khỏi sự bế tắc. Có thể nói rằng Destutt de Tracy (và Louis Say, người sau này đã tiếp tục công việc của ông) đã tiên đoán trước hơn nửa thế kỷ điều sẽ trở thành một trong những tiến bộ quan trọng nhất của lý thuyết xã hội, lý thuyết chủ quan về giá trị (hay lý thuyết về độ thỏa dụng cận biên)28.

Quả thực là những người bên ngoài nhóm các nhà tư tưởng học đã đi xa hơn trong việc áp dụng phương pháp của những ngành khoa học tự nhiên vào các hiện tượng xã hội, cụ thể Société des observateur de l’homme [Hiệp hội những nhà nghiên cứu về con người], một nhóm chịu ảnh hưởng đáng kể từ Cuvier, đã hướng tới việc giới hạn khoa học xã hội vào việc thuần túy ghi lại những quan sát theo hồi tưởng của chúng ta về những tổ chức cùng loại có trong thời đại của chúng ta29. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, không ai có thể nghi ngờ việc các nhà tư tưởng học đã bảo tồn được những truyền thống tốt đẹp nhất của philosophes [các “triết gia”: chỉ các nhà tư tưởng của phong trào khai sáng Pháp như Voltaire, Diderot v.v… – ND] thế kỷ XVIII. Và trong khi những đồng nghiệp của họ ở Ecole Polytechnique trở thành những người được Napoléon hâm mộ và coi là bạn bè cũng như nhận được ở ông ta mọi sự ủng hộ có thể thì những nhà tư tưởng học vẫn là những người bảo vệ trung thành đối với tự do cá nhân và kết cục là họ đã phải gánh chịu sự phẫn nộ của tên bạo chúa.

VI

Chính Napoléon mới là người đã tạo nên sự phổ biến của từ “nhà tư tưởng học” theo một nghĩa khác bằng cách sử dụng nó như một thuật ngữ ưa thích để xúc phạm tất cả những ai dám cả gan vì bảo vệ tự do mà chống lại ông ta30. Và ông ta đã không tạm bằng lòng với sự lạm dụng đó. Một người mà hiểu rõ hơn bất kỳ ai hết trong số những người bắt chước ông ta rằng “về lâu dài thanh gươm luôn luôn bị đánh bại bởi tinh thần” sẽ không ngần ngại đưa “những bất đồng [của ông ta] về tất cả những cuộc thảo luận và giảng dạy những vấn đề chính trị”31 vào thực tiễn. Nhà kinh tế học J. B. Say, một thành viên của nhóm tư tưởng học và là chủ biên tập tờ báo Décade philosophique [Thập niên triết học] của nhóm trong nhiều năm, là một trong những người đầu tiên cảm nhận được bàn tay quyền uy. Khi ông từ chối thay đổi một chương trong cuốn sách Traité d’économie politique [Luận về kinh tế chính trị] của mình cho phù hợp với ý muốn của nhà độc tài, việc tái bản lần thứ hai đã bị cấm và tác giả của nó bị cắt chức tribunat [quan hộ dân – ND]32. Vào năm 1806, Destutt de Tracy đã phải đệ đơn lên tổng thống Jerffeson nhằm bảo vệ việc xuất bản ít nhất một ấn phẩm dịch sang tiếng Anh cuốn sách Commentaire sur “l’Esprit des lois” [Bình luận về quyển “Tinh thần của pháp luật”] của ông, cuốn sách mà ông đã không được phép xuất bản ở chính đất nước mình33. Trước đó không lâu (1803), toàn bộ lớp học thứ hai về khoa học chính trị và luân lý của Institut [Học viện – ND] đã bị cấm hoạt động34. Hậu quả là những chủ đề này đã không được đưa vào trong tác phẩm nổi tiếng Tableau de l’état et des progrès des sciences er des arts depuis 1789 [Biểu nhất lãm về tình hình và những tiến bộ của các ngành khoa học và nghệ thuật từ 1789], tác phẩm được hình thành từ yêu cầu giảng dạy cho ba lớp học của Institut năm 1802. Đây là thực tế rõ ràng, minh họa toàn bộ chỗ đứng của những chủ đề này dưới thời đế chế. Việc giảng dạy chúng bị ngăn cấm và toàn bộ những thế hệ trẻ hơn đã lớn lên trong sự kém hiểu biết về những thành tựu của quá khứ. Vì thế, cánh cửa đã mở ra cho một sự khởi đầu mới và sự khởi đầu này đã không bị kho tàng tri thức tích luỹ trước đây hãm phanh ngăn trở. Những vấn đề xã hội được tiếp cận bằng một lăng kính mới. Những phương pháp mà kể từ khi d’Alembert (người mà tính cách ở thời điểm đó đã trở nên rõ ràng) áp dụng hết sức thành công trong vật lý đã được áp dụng không kém phần thành công gần như sau đó trong hóa học và sinh học, bây giờ lại được áp dụng trong khoa học về con người. Kết quả của quá trình này như thế nào? Rồi chúng ta sẽ dần thấy rõ.

Chú thích

(1) Cụ thể là nitrat kali (loại bột trắng dùng để làm thuốc súng).

(2) Xem Pressard, Histoire de l’association philotechnique (Paris, 1889) và Gouhier, op. cit., p. 54.

(3) Về sự hình thành và lịch sử của Ecole Politechnique, xem A. Fourcy, Histoire de l’Ecole politechnique (Paris, 1828); G. Pinet, Histoire de l’Ecole politechnique (Paris, 1887); G.-G. J. Jacobi, “Ueber die Pariser polytechnische Schule (Vortrag gehalten am 22, Mai 1835, in der Physikalisch-ökonomischen Gesellschaft zu Köningsberg), trong Gesammelte Werke (Berlin, 1891), vol. 6, p. 355; F. Schnabel, Die Anfänge des technischen Hochschulwessens (Stuttgart, 1925); và F. Klein, Vorlesungen über die Etwicklung der Mathematik (Berlin, 1926), vol. 1, pp. 63-89.

(4) Carnot đã công bố năm 1783 tác phẩm Essay on Machines in General (tái bản lần thứ hai [1803] trong Principles fondamentaux de l’equilibre du mouvement) tại đó ông đã không chỉ trình bày lại quan điểm mới của Lagrange về cơ học mà còn phát triển thêm ý tưởng về “cỗ máy lý tưởng”, không chịu tổn thất lực trong quá trình vận động. Công trình của ông đã dọn đường đáng kể để con trai ông, Sadi Carnot viết “the founder of the science and energy”. Con trai thứ của ông, Hippolyte, là thành viên dẫn đầu trong nhóm theo chủ nghĩa Saint-Simon và cũng là tác giả của Doctrine de Saint-Simon. Chúng tôi sẽ đề cập tới tác phẩm này ở phần sau. Bản thân Lazare Carnot là người khâm phục và bảo vệ Saint-Simon trong suốt cuộc đời. Như Arago ghi chép về Lazare Carnot rằng ông “luôn bộc bạch với (Argo) về cách tổ chức hệ thống chính trị của xã hội giống như một cỗ máy, chính xác như ông đã trình bày trong tác phẩm của mình”. Xem F. Arago, Biographies of Distinguished Men, trans. W.H. Smith etc. (London, 1857), pp. 300-304, và E. Dühring, Kritische Geschichte der allgemeinen Principien der Mechanik, 3d ed. (Leipzig, 1887), pp. 258-61.

(5) L. de Launay, Un grand français Monge, fondateur de l’Ecole polytenique (Paris, 1933), p. 130.

(6) Cf. A. Comte, “Philosophical Considerations on the Sciences and Men of Science”, trong Early Essays on Social Philosophy, New Universal Library (London, 1825), p. 272. Trong tác phẩm này ông nói rằng ông biết “có một khái niệm có khả năng phản ánh chính xác [cái đặc điểm tiêu biểu cho sự tồn tại của tầng lớp kỹ sư] là cái khái niệm nổi tiểng của Monge, trong tác phẩm Géometrie Descriptive của ông, nơi ông đưa ra một lý thuyết chung về nghệ thuật xây dựng”.

(7) Jacobi, op. cit., p. 370.

(8) Fourcroy, Vauquelin, Chaptal.

(9) Vào tháng 3 năm 1808, ngay sau khi tới Paris (trên danh nghĩa một nhân viên công vụ ngoại giao), Alexander von Humboldt đã viết cho bạn: “Tôi miệt mài ở Ecole polytechnique và trong vườn Tuileries, làm việc, ăn ngủ suốt ngày suốt đêm ở đó. Tôi ở cùng phòng với Gay-Lussac” (K. Bruhns, Alexander von Humboldt [1872], vol. 2, p. 6).

(10) Laplace, “Essai philosophique sur les probabilités” (1814), trong Les maitres de la pensée scientifique (Paris, 1921), p. 3.

(11) Chẳng hạn, tham khảo điều này tại Abel Transon, De la religion Saint-Simonienne: aux elèves de l’Ecole polytechnique (Paris, 1830), p. 27. Cũng xem tại cuốn sách này, chương 12, chú thích 15.

(12) Xem O. Neurath, Empirische Soziologie (Vienna, 1931), p. 129. Về nền tảng của quyết định luận tổng quát mà thực sự có liên quan, cụ thể xem K. Popper, Logik der Forschung (1935), p. 183; P. Frank, Das Kausalgesetz; và R. von Mises, Probability, Statistics and Truth (1939), pp. 284-94. Một giai thoại nổi tiếng đặc trưng cho tinh thần của chủ nghĩa thực chứng và có ảnh hưởng lan rộng là câu trả lời của Laplace khi Napoléon hỏi tại sao trong tác phẩm Mécanique céleste [Cơ học bầu trời - ND] của ông lại không có tên của Chúa Trời: “Tôi không cần đến giả thuyết ấy”.

(13) Dühring, op. cit., pp. 569 et seq.

(14) H. de Balzac, sau khi lưu ý tiếng Pháp được làm giàu bằng các từ ngữ đặc trưng nhất định (chẳng hạn, organizer/tổ chức) trong các thời kỳ như thế nào trong một tiểu thuyết của ông (Autre étude de famme), nói thêm rằng đây là “một từ của đế chế bao hàm toàn bộ Napoléon”.

(15) Xem Arago, op. cit., vol. 3, p. 109, và F. Bastiat, Baccalauréat et socialisme (Paris, 1850).

(16) E. Keller, Le géneral de la Moricière, trích trong Pinet, op. cit., p. 136.

(17) A. Thibaudet, trích từ Gouhier, op. cit., vol. 1, p. 146.

(18) Xem G. Pinet, Ecrivains et penseurs polytechniciens (Paris, 1898).

(19) Xem thêm các bài luận của Lavoisier và Lagrange trong Daire, Mélanges d’économie politique, 2 vols. (Paris, 1847-48), 1:575-607.

(20) Xem Arago, op. cit., vol. 2, p. 34, ở đó ông chỉ ra rằng Ampère (một nhà sinh lý học thực hành) là một trong ít người nối kết hai nhóm với nhau.

(21) Về ảnh hưởng của Cuvier, xem phân tích trong J. T. Merz, A History of European Thought in the Nineteenth Century (1906), vol. 1, pp. 136 et seq., ở đó đoạn đặc sắc sau đây được trích dẫn (p. 154) từ tác phẩm Cuvier, Rapport historique sur le progrès des sciences naturelles depuis 1789 (Paris, 1810), p. 389: “Bản thân các thí nghiệm – các thí nghiệm chính xác, được thực hiện bằng các quá trình cân, đo, đong, đếm, bằng cách so sánh tất cả các chất sử dụng với tất cả các chất tạo ra – ngày nay là phương pháp duy nhất chính đáng dùng cho việc lập luận và mô tả. Vì thế, ngay cả với nhóm các ngành khoa học tự nhiên không cần thiết phải ứng dụng giải tích học, chúng vẫn là vương quốc nơi tinh thần toán học ngự trị, và nhờ vào sự tiếp nhận thông minh đầy kiên định đó, các ngành này tránh được rủi ro rơi vào lạc hậu”. Cũng xem Lord Acton, Lectures on Modern History, pp. 22, 338 n. 82.

(22) A.C. Thibaudeau (Bonaparte and the Consulate [1843; trans. G.K. Fortescue, 1908], p. 153) chỉ ra rằng, mặc dù thuật ngữ idéologuesidéologie, thường được cho là do Napoléon sáng tác ra, được sử dụng như là các loại thuật ngữ hàn lâm bởi Destutt de Tracy trong cuốn đầu tiên của tác phẩm Eléments d’idéologie (1801), nhưng ít nhất thuật ngữ idéologie được biết trong tiếng Pháp sớm hơn, từ năm 1684.

(23) Về toàn bộ trường phái tư tưởng học, xem trình bày đầy đủ tại F. Picavet, Les Idéologues, Essai sur l’histoire des idées et des théories scientifiques, philosophiques, religieuses, en France depuis 1789 (Paris, 1891), và tác phẩm E. Cailliet, La tradition littéraire des idéologues (Philadelphia, 1943) được công bố trong thời gian bài luận này chuẩn bị ra mắt lần đầu tiên. Thực ra, tương tự như việc sử dụng thuật ngữ anthropology bởi các học giả người Đức đương đại, thuật ngữ [idéologues] được sử dụng theo một nghĩa khá rộng. Về thuật ngữ tiếng Đức tương đương với idéologues, xem F. Günther, “Die Wissenschaft vom Menschen, ein Beitrag zum deutschen Geistesleben im Zeitalter des Rationalismus” trong Geschichtiliche Untersuchungen, ed. K. Lamprecht (1907), vol. 5.

(24) Picavet, op. cit., p. 337.

(25) Ibid., p. 314.

(26) Ibid., p. 250. Cũng xem pp. 131-35, Volney, người tiền nhiệm của Cabanis, bàn về cùng hướng đi này. Năm 1793, Volney đã xuất bản Catéchisme du Citoyen Français, sau này trở thành La loi naturelle ou les principes physiques de la morale, trong đó ông đã không thành công trong việc đưa luân lý vào trong ngành khoa học vật lý.

(27) Picavet, op. cit., p. 226.

(28) Về Destutt de Tracy, xem H. Michel, L’Idée d’état (Paris, 1895), pp. 282-86; về Louis Say, xem A. Schatz, L’Individualisme économique et social (Paris, 1907), pp. 153 et seq.

(29) Picavet, op. cit., p. 82.

(30) Xem trích đoạn sau từ lời phúc đáp của Napoléon đối với Hội đồng quốc gia trong phiên khai mạc ngày 20 tháng 12, 1812: “Tất cả những nỗi bất hạnh mà nước Pháp xinh đẹp của chúng ta phải gánh chịu là do ‘tư tưởng học’, cái đám mây siêu hình khéo léo đi tìm chính nghĩa và dần mang lại cho những nhóm người tuân theo chúng nền tảng hợp pháp hòng tránh phải tuân thủ pháp luật, cái chúng ta biết từ trái tim và từ bài học lịch sử. Những lỗi lầm như thế chỉ có thể dẫn đến một chế độ của những kẻ khát máu và sự thực đã là như vậy. Kẻ nào đã xúi giục cộng đồng bằng cách đẩy vào tay họ cái chủ quyền mà họ không thể thực thi? Kẻ nào đã phá hủy tính linh thiêng của pháp luật và lòng thành kính với pháp luật bằng cách, thay vì phải dựa trên các nguyên lý linh thiêng của công lý, trên bản chất của sự vật, và bản chất của công lý dân sự, lại đơn giản dựa trên ý nguyện của một hội đồng được hình thành bởi những cá nhân hoàn toàn xa lạ với bất kỳ hiểu biết nào về pháp luật, bất kể đó là về dân sự, hành chính, chính trị, hay quân đội? Khi một người được kêu gọi tổ chức lại một nhà nước, anh ta phải tuân thủ các nguyên lý mà không bao giờ mâu thuẫn nhau. Các ưu và khuyết điểm của những hệ thống lập pháp khác nhau cần phải rút ra từ lịch sử.” Đây là trích đoạn được Pareto (Mind and Society, vol. 3, p. 1244) lấy ra từ Moniteur universel (Paris), ngày 21 tháng 12 năm 1812. Cũng xem H. Taine, Les origines de la France contemporaine (1876), vol. 2, pp. 214-33. Trích đoạn đặc sắc sau của một lãnh tụ học phái Saint-Simon được đưa ra không phải bởi vì tính đúng đắn của lịch sử , điều mà có lẽ chúng ta phải đặt câu hỏi, mà là nhằm chỉ ra vì sao tất cả điều này lại xuất hiện trong thế hệ tiếp sau: “Sau năm 1773, Viện Hàm lâm khoa học nắm vương trượng quyền uy; các nhà toán họcvật lý học như Monge, Fourcroy, Laplace... thay chỗ cho những khách văn chương để ngự trị vương quốc của trí tuệ. Đồng thời, Napoléon, bản thân là thành viên của Viện Hàn lâm, đặt môn cơ học vào chiếc nôi của những đứa con hợp pháp của triết học thế kỷ XVIII” (P. Enfantin, Colonisation de l’Algérie [1843], pp. 521-22).

(31 Xem A. C. Thibaudeau, Le Consulat et l’empire (Paris, 1835-37), vol. 3, p. 396.

(32) Xem J. B. Say, Traité d’économie politique, 2d ed. (1814), Avertissement.

(33) Xem G. Chinard, Jefferson et les idéologues (Baltimore, 1925).

(34) Xem Merz, op. cit., p. 149.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007