[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 13 - Vật lý xã hội: Saint-Simon và Comte (Phần 2)

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 13 - Vật lý xã hội: Saint-Simon và Comte (Phần 2)

III.

Hai ấn phẩm chính khác của Saint-Simon, dù là những tác phẩm quan trọng nhất của ông, vẫn chủ yếu chỉ là sự triển khai chi tiết những ý tưởng đã được phác thảo trong Organisateur. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thấy rằng càng ngày ông càng đi theo con đường chủ nghĩa xã hội độc tài, con đường mà chỉ sau khi ông qua đời mới được những học trò của ông hoàn thiện. Trong bài bình luận Système industriel [Hệ thống công nghiệp] (1821)1– bài viết có tính hệ thống nhất do ông tự tay viết – ông chủ yếu bàn về “những phương sách rốt cuộc sẽ hủy hoại cuộc cách mạng”. Ông không còn cố gắng che giấu sự căm ghét của mình đối với những nguyên tắc tự do cũng như đối với những người vì bảo vệ nó mà cản trở việc hiện thực hóa những kế hoạch của ông. “Ý tưởng tự do mơ hồ và siêu hình”, “cản trở sự tác động của quần chúng đối với cá nhân” và “đi ngược lại quá trình phát triển của văn minh hóa và đối lập với việc tổ chức một hệ thống có trật tự cao”3. Lý thuyết về quyền con người4 và công việc mang đầy tính phê phán của giới luật sư và những nhà siêu hình học đã phục vụ đắc lực cho việc phá hủy hệ thống phong kiến và thần học cũng như chuẩn bị cho một hệ thống công nghiệp và khoa học. Saint-Simon hiểu rõ hơn hầu hết những nhà xã hội chủ nghĩa sau này rằng hệ thống tổ chức của một xã hội vì mục đích chung duy nhất 5, cái làm nền tảng cho tất cả những hệ thống xã hội chủ nghĩa, không phù hợp với tự do cá nhân và đòi hỏi sự tồn tại của một quyền năng tinh thần, cái “có thể lựa chọn một hướng đi để dẫn đường cho tất cả các lực lượng quốc gia” 6. Hệ thống “lập hiến, đại nghị hay nghị viện” hiện tồn là một hệ thống lai tạp, duy trì một cách vô ích những xu hướng phản khoa học và phản công nghiệp vì nó cho phép những mục đích khác nhau cạnh tranh với nhau. Triết học nghiên cứu tiến trình của sự văn minh hóa 8; còn các nhà khoa học thực chứng 9, những người có khả năng xây dựng những chính sách mang tính khoa học dựa trên hàng loạt những thực tế lịch sử được gắn kết chặt chẽ 10, vẫn sẽ phải đảm nhiệm vai trò cung cấp quyền năng tinh thần này. Các nhà tư bản công nghiệp giờ đây sẽ được dành cho một sân chơi rộng rãi hơn để tổ chức quyền lực thế tục – một đề tài được ông phát triển kỹ lưỡng hơn trong Catéchisme des industriels [Sách giáo lý của những nhà công nghiệp] (1823) 11.

Giao phó nhiệm vụ chuẩn bị ngân sách quốc gia và từ đó định ra hướng đi của chính quyền quốc gia cho các chủ doanh nghiệp là cách tốt nhất để bảo vệ quần chúng có được công ăn việc làm nhiều nhất và kế sinh nhai tốt nhất 12. Những nhà tư bản công nghiệp, do tính chất đa dạng trong công việc, đã tạo nên một hệ thống cấp bậc tự nhiên, và buộc phải tổ chức thành một liên minh lớn cho phép họ phối hợp với nhau trong việc giành được những lợi ích về chính trị; trong trật tự thứ bậc này, những chủ nhà băng, những người nhờ công việc của mình hiểu rõ các mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp khác nhau có điều kiện thuận lợi nhất để phối hợp những hoạt động của các ngành công nghiệp này, và những ngân hàng lớn nhất ở Paris, với vị trí trung tâm của mình, được kêu gọi đảm nhiệm việc điều hành tập trung đối với các hoạt động của tất cả các nhà tư bản công nghiệp 13. Dù là quyền điều hành công việc của tất cả những công nhân sản xuất vẫn nằm trong tay các doanh nhân, những ông chủ thực chất của họ, thì những doanh nhân này sẽ phải vận dụng quyền lực được giao phó của mình vì quyền lợi của những tầng lớp nhân dân nghèo khổ nhất và đông đảo nhất 14; sinh kế của những người vô sản phải được đảm bảo bằng sự đáp ứng đầy đủ công ăn việc làm phù hợp với năng lực và bằng sự ủng hộ của những người tàn tật 15. Khi nước Pháp trở thành một phân xưởng khổng lồ, một hình thức tự do mới sẽ tồn tại: với công thức sau này đã trở nên nổi tiếng nhờ Friedrich Engels, chúng ta được hứa hẹn rằng dưới một cơ cấu tổ chức mới và minh bạch, vận mệnh cuối cùng của nhân loại 16, bộ máy chính quyền và quân đội sẽ được thay thế bởi một bộ máy hành chính và công nghiệp 17. Trở ngại đối với bộ máy này là giai cấp quý tộc và tăng lữ, giới luật sư và siêu hình học, quân đội và những người hữu sản, những người đại diện cho hai phân kỳ xã hội trong quá khứ. Những nhà tư sản, những người đã tiến hành cuộc cách mạng, phá bỏ những đặc quyền của giới quý tộc trong việc khai thác của cải của quốc gia, giờ đã hợp nhất với với giai cấp quý tộc thành một giai cấp, và bây giờ [xã hội] chỉ còn lại hai giai cấp duy nhất 18. Trong cuộc đấu tranh chính trị giành quyền điều hành quốc gia, điều vẫn tiếp diễn kể từ khi cách mạng bắt đầu, những nhà công nghiệp, nghĩa là tất cả những người làm việc, vẫn chưa thực sự giành được quyền lực. Nhưng:

Những nhà sản xuất không mấy quan tâm đến việc liệu họ có bị ăn cắp bởi một giai cấp này hay giai cấp khác hay không. Rõ ràng là cuộc đấu tranh cuối cùng sẽ trở thành cuộc tranh chấp giữa một bên là lực lượng đông đảo những kẻ ăn bám và bên kia là những nhà sản xuất cho đến khi quyết định được liệu những nhà sản xuất có tiếp tục là nạn nhân của những kẻ vô công rồi nghề hay họ sẽ giành được quyền lãnh đạo tối cao đối với một xã hội mà bản thân họ là thành phần chiếm đa số. Câu hỏi này phải được trả lời ngay khi nó được đặt ra một cách thẳng thắn và rõ ràng, bằng việc cân nhắc đến quyền lực vượt trội và rộng khắp của những nhà sản xuất đối với những kẻ không cùng hàng ngũ.

Thời khắc mà nét đặc trưng đích thực của cuộc đấu tranh này phải lộ ra cuối cùng cũng đã đến. Hội những nhà sản xuất sẽ không ngần ngại thể hiện bản chất của chính mình. Và thậm chí kể cả một số người xuất thân từ tầng lớp ăn bám, những người có tầm nhìn xa hơn và tâm hồn cao cả hơn cũng bắt đầu cảm thấy rằng vị trí danh dự duy nhất mà họ có thể đảm nhận là cổ vũ những nhà sản xuất tham gia vào đời sống chính trị và giúp đỡ họ đạt được quyền lãnh đạo trong những công việc chung, ưu thế mà vốn dĩ họ đã đạt được trong xã hội.19

IV.

Trong Catéchisme des industriels, tác phẩm truyền bá học thuyết này một cách sâu rộng hơn, Auguste Comte đã đóng góp phần thứ ba, một mục quan trọng với nhan đề Plan for the Scientific Operations Necessary for Reorganizing Society [Kế hoạch cho những hoạt động khoa học cần thiết nhằm tái tổ chức xã hội] 20, và hai năm sau (1824) phần này đã được chính Comte tái bản dưới một nhan đề thậm chí còn nhiều tham vọng hơn, System of Positive Policy [Hệ thống chính sách thực chứng] “một tiêu đề có phần hấp tấp nhưng đã phần nào chỉ ra mục đích” đằng sau những nỗ lực của ông, như Comte từng nói sau đó 30 năm21. Nó là một tiểu luận ngắn nhất trong toàn bộ các tác phẩm mà chúng ta quan tâm ở đây.

Trong lần ra mắt đầu tiên này, “hệ thống thực chứng” không khác gì là một bài trình bày lại xuất chúng về học thuyết của Saint-Simon 22. Comte vẫn tiếp tục mang theo lòng thù hận của ông đối với những giáo lý về sự tự do tín ngưỡng (liberty of conscience), trở ngại lớn đối với việc tái tổ chức xã hội 23. Giống như trong thiên văn học, vật lý, hóa học và triết học, thứ gọi là sự tự do tín ngưỡng hoàn toàn không tồn tại 24; vì thế, thực thể nhất thời này sẽ biến mất một khi chính trị học được nâng lên ngang tầm với một ngành khoa học tự nhiên và khi một học thuyết đúng đắn và cuối cùng được thực sự hình thành 25. Ngành khoa học mới này là vật lý xã hội (social physics), cái tên dùng để gọi công việc nghiên cứu sự phát triển tập thể của loài người; nó thực sự là một nhánh của sinh lý học, hay bộ môn nghiên cứu con người ở mức độ tổng quát nhất. Nói cách khác, lịch sử về quá trình văn minh hóa không gì khác chính là kết quả và sự bổ sung không thể thiếu của lịch sử tự nhiên của con người 26. Chính trị học vì thế sẽ trở thành một ngành khoa học thực chứng phù hợp với nguyên lý ba giai đoạn, nguyên lý giờ đây được phát biểu ở dạng thức cuối cùng: “Mỗi một ngành tri thức nhất thiết phải trải qua ba trạng thái lý thuyết khác nhau: trạng thái thần thánh hay giả tưởng; trạng thái siêu hình hay trừu tượng; và cuối cùng, trạng thái khoa học hay thực chứng”, cái trạng thái rõ ràng của bất kì ngành tri thức nào 27.

Mục đích của ngành vật lý xã hội là khám phá những quy luật tự nhiên tất yếu trong tiến trình văn minh hóa, những quy luật mà có tầm quan trọng không kém gì quy luật về lực hấp dẫn 28. Comte quan niệm văn minh hóa là “sự phát triển của tư duy con người cùng những kết quả của nó, sức mạnh ngày càng tăng của con người trước thiên nhiên”, những cách thức mà con người đã học được nhằm tác động vào thiên nhiên, cải tạo nó vì lợi ích của chính con người 29. Văn minh hóa được hiểu theo nghĩa này là một tình trạng của khoa học, mỹ thuật và công nghiệp, những thứ quyết định và điều chỉnh tiến trình tổ chức xã hội 30. Ngành vật lý xã hội, giống như các ngành khoa học khác có mục đích dự đoán, giúp cho chúng ta, bằng cách quan sát quá khứ, có khả năng quyết định hệ thống xã hội mà tiến trình văn minh hóa có xu hướng hiện thực hóa trong thời đại của chúng ta 31. Tính ưu việt của ngành chính trị học thực chứng thể hiện ở chỗ nó khám phá ra những yếu tố tất yếu căn cứ vào những quy luật tự nhiên này trong khi những hệ thống [khoa học] khác thực hiện chức năng phát minh 32. Tất cả những gì còn lại mà chúng ta phải làm là đưa hệ thống thực chứng vào cuộc sống, cái hệ thống được tạo ra từ quá trình văn minh hóa, và chúng ta chắc chắn sẽ có được hệ thống tốt nhất nếu khám phá ra được cái gì là hòa hợp nhất với trạng thái hiện thời của của quá trình văn minh hóa 33.

Dễ nhận thấy quan điểm của Comte về triết học lịch sử, điều mà người ta thường coi là đối lập với cách giải thích “duy vật”, gần gũi đến mức nào với quan điểm đó – đặc biệt nếu chúng ta nhớ lại ý nghĩa chính xác mà ông dùng để định nghĩa thuật ngữ văn minh hóa. Trên thực tế, gốc rễ của cách giải thích duy vật về lịch sử từ chủ nghĩa Saint-Simon – điều mà chúng ta tin rằng rằng đúng như thế – có thể được tìm thấy trực tiếp trong tác phẩm này và các tác phẩm trước đó của Comte 34.

Dù là ngay sau khi xuất bản tác phẩm Catéchisme des industriels, Comte cuối cùng đã tách ra khỏi Saint-Simon khi ông này bắt đầu biến học thuyết của mình thành tôn giáo, thì trong hai tác phẩm tiếp theo, những gì Comte xuất bản ngay sau cái chết của Saint-Simon trên tờ tạp chí của chủ nghĩa Saint-Simon, Producteur [Nhà sản xuất] 35, vẫn tiếp tục dòng suy tư trước đó. Tác phẩm đầu tiên trong hai tác phẩm này quan tâm chủ yếu đến việc phân tích cẩn thận hơn tiến trình tiến tới phương pháp thực chứng. Ông chỉ ra “vì sao con người buộc phải khởi đầu bằng cách coi tất cả các cơ thể thu hút sự chú ý của mình như là vô số các sinh vật có sức sống giống như chính mình” 36, và điều thú vị là ở giai đoạn này Comte, người mà chỉ vài năm sau sẽ phủ nhận khả năng của phép nội quan 37, vẫn giải thích điều này bằng thực tế rằng “hành động cá nhân con người tác động lên những sinh vật khác hình thức duy nhất mà anh ta hiểu modus operandi [phương thức vận hành] của nó qua sự nhận thức về nó” 38. Nhưng ông đã trên con đường phủ nhận tính hợp pháp của các bộ môn khoa học được xây dựng dựa trên chính cái ý tưởng này. Các cuộc tấn công của ông bây giờ không còn chỉ nhằm vào con “quái vật nổi dậy”, tức giáo lý phản xã hội của tự do tín ngưỡng 39 và tình trạng vô chính phủ của chủ nghĩa cá nhân không được điều chỉnh nói chung 40, mà đã trực tiếp hướng tới chống lại việc giảng dạy kinh tế chính trị 41. Chỉ bằng cách xem xét các yếu tố lịch sử, chúng ta mới có thể lý giải được vì sao cái “hiện tượng lạ lùng”, tức cái ý tưởng cho rằng một xã hội không cần thiết phải được tổ chức một cách có ý thức, lại có thể cứ xuất hiện mãi 42. Nhưng do “tất cả mọi vật phát triển một cách tự phát tất yếu trở nên hợp lệ trong một giai đoạn nhất định” 43, nên học thuyết phê phán chỉ có tính biện minh tương đối trong quá khứ. Còn một trật tự xã hội hoàn hảo có thể được thiết lập chỉ khi chúng ta “giao đúng việc cho đúng người” 44 trong tất cả các trường hợp. Nhưng điều này ngầm giả định có sự tồn tại của quyền năng tinh thần, một bộ luật đạo đức, mà một lần nữa Comte không thể hình dung ra được trừ phi nó được tạo ra một cách có chủ ý 45. Do vậy, trật tự đạo đức nhất thiết phải có đó có thể được tạo ra bởi một hệ thống kiểm soát dư luận để quyết định “toàn bộ hệ thống các ý tưởng và thói quen cần thiết để gắn các cá nhân vào cái trật tự xã hội mà họ phải sống trong đó” 46. Những ý tưởng mà khiến J. S. Mill, sau 20 năm tiếp nhận và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Comte, phải kinh ngạc thốt lên rằng chúng là “hệ thống hoàn thiện nhất về sự chuyên chế tinh thần và thế tục mà bộ não con người có thể sản sinh ra được, có lẽ trừ phi đấy là của Ignatius Loyola” 47 đã xuất hiện trong suy nghĩ của Comte ngay từ ban đầu. Chúng là hệ quả tất yếu của toàn bộ hệ thống tư tưởng mà không chỉ J. S. Mill mà toàn bộ thế giới đã tiếp nhận từ Comte.

V.

Hầu như chẳng có gì để nói về giai đoạn cuối của cuộc đời Saint-Simon. Trong khi Catéchisme des industriels đang trong giai đoạn xuất bản thì một cuộc khủng hoảng tài chính mới trong công việc của ông lại đe doạ ông rơi vào cảnh đói khát vào đầu năm 1823. Người đàn ông đã luống tuối, giờ đây đã thực sự chán nản, phải cố gắng chống chọi lại với sự suy giảm trí tuệ. Tuy nhiên, ông đã hồi phục lại từ vết thương tự gây ra với việc mất đi một con mắt và sau đó ông nhận được sự giúp đỡ từ một học trò mới, đầy nhiệt tình và lần này thì giàu có. Olinde Rodrigues, một chủ nhà băng trẻ tuổi và cựu giáo viên của Ecole polytechnique, không chỉ chu cấp cho Saint-Simon những vật dụng cần thiết trong hai năm cuối đời, mà còn trở thành trụ cột của một nhóm nhỏ, cái nhóm đã phát triển thành Ecole Saint-Simonien (trường phái Saint-Simon) sau khi ông chết. Sau đó nhà thơ Léon Halévy, nhà sinh lý học Dr. Bailly, luật sư Duveyrier và những người khác cũng gia nhập nhóm này. Cùng với họ, Saint-Simon đã soạn thảo tác phẩm Opinions littéraires, philosophiques et industrielles [Quan điểm văn học, triết học và công nghiệp] (1925) trong đó các chủ nhà băng, nhà thơ và nhà sinh lý học, mỗi người phát triển chi tiết một phần học thuyết của người thầy tuỳ theo chuyên ngành riêng của mỗi người. Chỉ ngay sau đó, trong cùng một năm, tác phẩm cuối cùng và đánh dấu chấm hết sự nghiệp của ông, Noveau christianisme [Đạo thiên chúa mới], cũng đã ra mắt.

Trong một thời gian, Saint-Simon đã có xu hướng muốn làm cho học thuyết của mình ngày càng thoát khỏi hình thức “khoa học” chật hẹp và mang một hình thức bí ẩn và tôn giáo hơn. Đây thực sự là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bất hòa giữa ông và Comte, người dù thế vẫn cũng trải qua một sự thay đổi tương tự về cuối sự nghiệp của mình. Trong trường hợp của Saint-Simon, sự phát triển này một phần là sự trở lại các ý tưởng thuở ban đầu của ông.

Ông lập luận rằng kể từ sự kiện ly giáo vĩ đại trong thời kỳ Cải cách, không một nhà thờ Thiên Chúa nào đại diện cho Thiên Chúa giáo thực sự. Chúng đều bỏ qua lời giáo huấn cơ bản là con người cần cư xử với nhau như những người anh em. Mục tiêu chính của Thiên Chúa giáo phải là “sự cải thiện nhanh nhất hiện trạng đạo đức và thể xác của tầng lớp nghèo khổ nhất” – cụm từ xuất hiện trong hầu hết các trang sách vở và trở thành khẩu lệnh của nhóm theo Saint-Simon. Do các nhà thờ không tận dụng cơ hội họ có trong tay để cải thiện cho người nghèo nhiều hơn nữa bằng cách giảng dạy và khuyến khích họ có hiểu biết về nghệ thuật và tổ chức công nghiệp, nên Đức Chúa Trời giờ đây sẽ thuyết giảng cho nhân dân và giới quý tộc thông qua nhà tiên tri mới của Người. Ông tiến hành xây dựng lại thần học, một bộ môn thường xuyên cần phải được làm mới lại, tương tự như vật lý, hóa học và sinh học phải được đều đặn viết lại 48. Thần học mới sẽ chú ý nhiều hơn tới các lợi ích vật chất của con người. Tất cả những điều cần thiết phải có là một tổ chức công nghiệp chú trọng chủ yếu vào loại công việc nhằm mang lại sự tiến bộ nhanh nhất cho trí tuệ con người. “Bạn có thể tạo ra những điều kiện như vậy; bây giờ ngay cả giới hạn của hành tinh của chúng ta cũng đã được xác định, nên hãy để các học giả, nghệ sỹ và các nhà công nghiệp soạn thảo ra một kế hoạch chung cho những việc cần phải được thi hành trong một trật tự tại đó của cải vật chất có trên hành tinh của loài người cần được sử dụng một cách có hiệu quả nhất và đáp ứng các mục tiêu phù hợp nhất trên mọi khía cạnh của cuộc sống.” 49

Saint-Simon chỉ sống được vài tuần để chứng kiến sự ra mắt của Nouveau christianisme. Ông qua đời vào tháng Năm, năm 1825, ở tuổi 65. Ông đã đón chờ cái chết một cách bình tĩnh khi đang thảo luận về những dự án trong tương lai với một nhóm các học trò vây quanh. Cuộc đời ông, một tấm gương điển hình cho những lời giáo huấn mà chính ông đã đặt ra cho tất cả những nhà xã hội học tương lai, “trải qua tất cả các giai tầng trong xã hội, tự dấn thân vào vô số các vị trí trong xã hội, và thậm chí tạo ra cho chính mình và những người khác những mối quan hệ chưa từng tồn tại trước đây” 50, đã về nơi vĩnh hằng, hoàn toàn thanh thản, và thậm chí trong sự kính trọng sâu sắc.

Lễ tang ông là cuộc đoàn tụ của những học trò cũ như Thierry, Comte và những người học trò mới. Saint-Simon quá cố mới chỉ được chứng kiến những bước đi khởi đầu của trường phái mang tên ông, trường phái sau đó đã phổ biến sâu rộng toàn bộ những ý tưởng được rút ra từ những tác phẩm của ông. Chính nhờ những ý tưởng đó mà ông đã trở thành một nhân vật có tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử các tư tưởng xã hội. Mặc dù ông dĩ nhiên là một người khai nguồn, nhưng ông khó có thể được xem là nhà tư tưởng khai nguồn và uyên thâm. Những ý tưởng mà ông truyền đạt lại cho các học trò của mình rõ ràng cũng đã được rất nhiều người cùng thời đưa ra. Nhưng bằng sự kiên trì và lòng nhiệt tình, ông đã giành được sự kính trọng từ phía những người có khả năng phát triển chúng, và cũng chính ông là người khơi dậy trong họ lòng nhiệt thành lớn lao đối với việc truyền bá chúng thông qua một hệ thống tổ chức. Như một nhà viết tiểu sử người Pháp đã từng nói, vai trò của ông là de faire flamboyer les idées comme des réclames lumineuses [làm cho những tư tưởng sáng rực lên như những bảng quảng cáo sáng trưng] 51. Ông đã thực hiện vai trò đó đến độ tuyệt hảo.

Chú thích:

(1) Ibid., vols. 21, 22.

(2) bid., vol. 21, p. 16. Ngữ điệu của những đoạn này mang đậm phong cách của Comte khiến chúng ta khó có thể nghi ngờ về việc liệu chúng có được Comte viết hay không.

(3)  Système industriel (bản gốc), pp. xiii-xiv.

(4) OSSE, vol. 21, p. 83. Cũng xem vol. 22., p. 179.

(5) Ibid., vol. 21, p. 14; vol. 22, p. 184.

(6) “Des Bourbons et des Stuarts” (1825), trong Oeuvres Choisies, vol. 2, p. 447.

(7) OSSE, vol. 22, p. 248. Cũng xem p. 258, và vol. 21, pp. 14, 80, và vol 37, p. 179, ở đó sự ghê tởm của ông đối với tính thiếu tổ chức ở Anh đã thực sự bùng nổ: “hàng trăm tập sách dày cộm với những chữ như con kiến cũng không đủ để trình bày hết những bất cập về tổ chức đang tồn tại ở nước Anh”.

(8) Ibid., vol. 22, p. 188.

(9) Ibid., p. 148.

(10) Ibid., vol. 21, p. 20.

(11) Ibid., vols. 37-39.

(12) Ibid., vol. 22, p. 82. Cũng xem vol. 21, pp. 131-32.

(13) Ibid., vol. 21, p. 47.

(14) Ibid., p. 161.

(15) Ibid., p. 107.

(16) Ibid., vol. 22, pp. 80, 185.

(17) Ibid., vol. 37, p. 87. Cũng xem vol. 21, p. 151. Công thức này dường như bắt nguồn từ Comte (xem ở trên, pp. 243-44), và sau này được những người theo học phái Saint-Simon sử dụng (cụ thể xem Exposition, ed. Bouglé và Halévy, p. 162), trong các ấn phẩm của họ dưới dạng “Đối với người lao động, vấn đề không chỉ là quản lý vật dụng mà còn cả quản lý con người, một công cuộc khó khăn, mênh mông, thần thánh”. (Globle, 4 Tháng 4, 1831) Engels trình bày công thức này trong Anti-Dühring’s Umwälzung der Wissenschaft [Ông Dühring đảo lộn khoa học], 3d ed. [1894], p. 302) dưới dạng: “Thay chỗ cho việc quản lý con người là quản lý vật dụng. Nhà nước không bị “xóa bỏ”; nó tự tiêu vong”.

(18) OSSE, vol. 37, p. 8.

(19) Ibid., vol. 22, pp. 257-58.

(20) Sau này được đưa vào trong Early Essays on Social Philosophy, pp. 88-217, với cùng tiêu đề.

(21) Ibid., Tựa của tác giả, p. 24.

(22) Mức độ đóng góp của Comte trong giai đoạn đầu đối với học thuyết của Saint-Simon vẫn là một câu hỏi ngỏ.

(23) Ibid., pp. 96, 98.

(24) Ibid., p. 97. Giờ đây, điều này dĩ nhiên đã trở thành học thuyết Marxist chính thống. Cf. Lenin, “What Is to Be Done?” Little Lenin Library, p. 14: “Những người thực sự tin tưởng là họ đã đóng góp cho khoa học sẽ không đòi hỏi tự do theo đuổi các quan điểm mới song hành cùng với các quan điểm cũ, mà là một sự thay thế những quan điểm cũ bằng những quan điểm mới”.

(25) Early Essays, pp. 107, 130, 136.

(26) Ibid., pp. 200-201.

(27) Ibid., pp. 131-132.

(28) Ibid., pp. 147-49, 157.

(29) Ibid., pp. 133, 144.

(30) Ibid., pp. 144, 149.

(31) Ibid., pp. 180, 191.

(32) Ibid., p. 165. Về cách sử dụng cùng các thuật ngữ bởi Engels trong trình bày của ông về cách lý giải duy vật về lịch sử, xem tác phẩm của ông Herrn Eugen Anti-Dühring’s Umwälzung der Wissenschaft (bản tiếng Anh, Herrn Eugen Dühring’s Revolution in Science, trans. E. Burns, p. 300), ở đó ông nói là các phương tiện giúp chúng ta có thể tránh được những tồi tệ hiện tại “không được trí óc sáng tác ra, mà là được khám phá bởi trí óc từ các yếu tố sản xuất hiện tại”.

(33) Ibid., pp. 154, 165, 167, 170.

(34) Mặc dù ảnh hưởng của học thuyết Saint-Simon đối với cách lý giải duy vật về lịch sử thường được nhắc đến (cụ thể xem F. Muckle, Henri de Saint-Simon [Jena, 1908], và W. Sulzbach, Die Anfänge der materialistischen Geschichtsauffassung [Karlsruhe, 1911]), những tác gia này có vẻ coi nhẹ thực tế là các đoạn quan trọng thường luôn được trích dẫn từ những công trình do Comte viết.

(35) Producteur, vol. 1 (1826), p. 450. Những bài luận này được Comte đưa vào trong tuyển tập Early Essays trong phần phụ lục của Politique positive và xuất hiện trong bản tiếng Anh (pp. 217-74 và 276-332) dưới tiêu đề “Philosophical Considerations of the Sciences and Men of Science” và “Considerations on the Spiritual Power”.

(36) Early Essays, p. 229.

(37) Xuất hiện trong bài phê bình cuốn F. J. V. Broussais, De l’irritation et de la folie (1828), xuất bản trong cùng năm và cũng được đưa vào trong Early Essays. Cụ thể xem p. 339.

(38) Early Essays, p. 219.

(39) Ibid., pp. 281, 295.

(40) Ibid., p. 250.

(41) Ibid., pp. 306, 320-24.

(42) Ibid., p. 282.

(43) Ibid., p. 281. Lưu ý độc giả là có sự tương tự đáng kể giữa phát biểu này với các tư tưởng của Hegel. Chúng ta sẽ xem xét điều này trong phần sau.

(44) Ibid., p. 307.

(45) Ibid., pp. 319-20: “Mọi học thuyết ngầm giả định sự tồn tại của một nhà lập thuyết”.

(46) Ibid., p. 301.

(47) J. S. Mill, Autobiography (1873), p. 213.

(48)  OSSE, vol. 23, p. 99.

(49) Ibid., p. 152.

(50) Ibid., vol. 15, p. 82.

(51) H. Gouhier, op. cit., vol. 2, p. 3.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007