Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần cuối)

Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần cuối)

9

Thoạt nhìn, ta không thấy rõ ngay tại sao một hệ thống xã hội chủ nghĩa như vậy với sự cạnh tranh bên trong các ngành công nghiệp cũng như sự cạnh tranh giữa chúng lại không hoạt động tốt như hoặc tệ như hệ thống chủ nghĩa tư bản cạnh tranh. Tất cả những khó khăn, mà người ta nghĩ là sẽ phát sinh, dường như chỉ là về đặc điểm tâm lí hay đạo đức, những thứ vốn dĩ chẳng có mấy cơ sở chắc chắn để thảo luận. Quả thực, những vấn đề phát sinh gắn với một hệ thống như vậy có bản chất hơi khác với trong một hệ thống “được lập kế hoạch”, mặc dù qua khảo sát, chúng tỏ ra không quá khác biệt như mới thoạt nhìn.

Những câu hỏi quan trọng trong trường hợp này là: Cái gì sẽ là đơn vị kinh doanh độc lập? Ai sẽ là người quản lí? Những nguồn lực nào sẽ được giao phó cho anh ta, và làm thế nào để đánh giá sự thành công hay thất bại của anh ta? Rồi chúng ta sẽ thấy, đây không chỉ là những vấn đề quản lí thứ yếu, những câu hỏi về nhân sự như vậy ngày nay phải được giải quyết trong bất kỳ tổ chức lớn nào, mà còn là vấn đề chính yếu mà giải pháp cho nó sẽ tác động lên cấu trúc ngành công nghiệp cũng nhiều như các quyết định của một cơ quan kế hoạch hóa thực sự.

Để bắt đầu phân tích, ta cần hiểu rõ là nhu cầu đối với một cơ quan kinh tế trung ương nào đó sẽ không giảm đáng kể. Rõ ràng là cơ quan này cũng sẽ phải có quyền lực gần như cơ quan trong hệ thống kế hoạch hóa. Nếu cộng đồng là chủ sở hữu của tất cả các nguồn lực sản xuất vật chất, thì một ai đó phải thực hiện quyền này, ít nhất về khía cạnh phân phối và kiểm soát việc sử dụng các nguồn lực. Không thể hình dung một cách giản đơn cơ quan trung ương này giống như một loại siêu ngân hàng, dùng quỹ sẵn có để cho người trả giá cao nhất vay. Thực chất, nó sẽ cho những người không có tài sản vay tiền. Do đó, nó sẽ chịu mọi rủi ro và không có quyền đối với một lượng tiền nhất định giống như là ngân hàng. Nó chỉ đơn giản có quyền sở hữu tất cả các nguồn lực thực tế. Các quyết định của nó cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi tái phân phối nguồn vốn nhàn rỗi dưới dạng tiền và có thể cả dưới dạng đất đai. Cơ quan này cũng phải quyết định liệu một nhà máy hoặc một phần máy móc cụ thể có nên được giao lại cho người chủ doanh nghiệp, người trước kia đã sử dụng nó, để anh ta tự đưa ra quyết định của mình, hay liệu nó nên được chuyển giao cho một người khác mà hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao hơn từ nó.

Khi tưởng tượng về một hệ thống dạng này, thật độ lượng khi cho rằng sự phân phối những nguồn lực ban đầu giữa các doanh nghiệp riêng rẽ sẽ được thực hiện trên cơ sở cấu trúc ngành công nghiệp đã có sẵn, và rằng sự lựa chọn các nhà quản lí được thực hiện dựa trên việc kiểm tra tính hiệu quả và kinh nghiệm trước đó. Nếu cấu trúc tổ chức ngành hiện hành không được chấp nhận, thì nó chỉ có thể được cải tiến hoặc thay đổi hợp lí trên cơ sở kế hoạch hóa tập trung rộng khắp, và điều này đưa chúng ta quay trở lại những hệ thống đang được hệ thống chủ nghĩa xã hội cạnh tranh tìm cách thay thế. Nhưng việc chấp nhận cấu trúc tổ chức hiện hành sẽ chỉ giải quyết được các khó khăn một cách tạm thời. Mọi thay đổi về hoàn cảnh sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong cấu trúc tổ chức này, và trong một quãng thời gian tương đối ngắn, cơ quan trung ương sẽ phải thực hiện việc tái cơ cấu toàn bộ tổ chức ngành.

Việc thay đổi cấu trúc tổ chức ngành sẽ thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?

Rõ ràng là trong một xã hội như vậy, sự thay đổi sẽ khá thường xuyên như trong chủ nghĩa tư bản; nó cũng sẽ khá khó lường. Tất cả hành động sẽ phải dựa trên các tiên đoán về những sự kiện trong tương lai, và các kỳ vọng về phía những nghiệp chủ khác dĩ nhiên sẽ khác nhau. Quyết định giao phó một lượng nhất định nguồn lực có sẵn cho ai phải được thực hiện dựa trên những hứa hẹn cá nhân về lợi tức mang về trong tương lai. Hay đúng hơn, nó sẽ phải được thực hiện dựa trên tuyên bố rằng một mức lợi tức nhất định được kỳ vọng với một mức xác suất nhất định. Dĩ nhiên, sẽ không có sự kiểm tra khách quan về mức độ rủi ro. Nhưng rồi ai sẽ là người quyết định liệu có đáng chấp nhận mức độ rủi ro đó? Cơ quan trung ương sẽ không có căn cứ nào khác để quyết định ngoại trừ thành tích hoạt động trước đây của nghiệp chủ. Nhưng làm thế nào họ quyết định được liệu các rủi ro anh ta chấp nhận trong quá khứ là có cơ sở biện minh? Và thái độ của anh ta đối với việc chấp nhận rủi ro có giống với khi anh ta mạo hiểm tài sản của chính mình?

Trước tiên hãy xem xét vấn đề làm thế nào để kiểm tra sự thành công hay thất bại của anh ta. Câu hỏi đầu tiên sẽ là, liệu anh ta đã thành công trong việc bảo tồn giá trị của các nguồn lực được giao phó cho mình hay chưa. Nhưng ngay cả chủ doanh nghiệp tốt nhất thỉnh thoảng cũng gây ra thua lỗ, và đôi khi thua lỗ rất nặng. Liệu anh ta có bị khiển trách nếu nguồn vốn giao cho anh ta trở nên “teo tóp” vì một phát minh hoặc một sự thay đổi nhu cầu? Làm thế nào để quyết định liệu anh ta có được quyền chấp nhận một mức rủi ro nhất định? Liệu người chưa bao giờ gây ra thua lỗ, vì anh ta không bao giờ chấp nhận rủi ro, có nhất thiết là người luôn hành động vì lợi ích cộng đồng? Chắc chắn sẽ có một xu hướng nghiêng về sự an toàn hơn sự mạo hiểm.

Nhưng ở đây, sự mạo hiểm, và ngay cả sự đầu cơ thuần túy, sẽ không kém phần quan trọng hơn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản. Sự chuyên môn hóa trong chức năng chịu rủi ro của các nhà đầu cơ hàng hóa chuyên nghiệp sẽ là một dạng phân công lao động đáng mong muốn như hiện nay. Nhưng làm thế nào để xác định quy mô vốn của nhà đầu cơ, và làm thế nào để cố định thù lao cho anh ta? Bao lâu thì một nghiệp chủ thành công trước đây sẽ đi đến làm ăn thua lỗ? Nếu hình phạt đối với sự thua lỗ là tước bỏ địa vị "nghiệp chủ", thì phải chăng hầu như không thể tránh được việc khả năng gây ra thua lỗ sẽ tạo ra sự răn đe mạnh đến mức khiến cho nó được coi trọng cao hơn hẳn khả năng thu được mức lợi tức cao nhất? Trong chủ nghĩa tư bản, sự thất thoát vốn cũng có thể có nghĩa là sự mất đi địa vị của nhà tư bản. Nhưng đối lập với sự răn đe này luôn luôn là sự hấp dẫn kiếm được lợi nhuận khả dĩ. Điều này không thể tồn tại trong chủ nghĩa xã hội. Thậm chí có thể hình dung được rằng, sự miễn cưỡng thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh mạo hiểm nào đều có thể đẩy lãi suất xuống gần bằng không. Nhưng phải chăng điều này mang lại lợi ích cho xã hội? Nếu như chỉ là nhằm hài lòng tất cả bằng những kênh đầu tư an toàn tuyệt đối, thì điều này sẽ phải trả giá bằng sự hy sinh tất cả mọi thử nghiệm sử dụng các phương pháp mới và chưa được thử nghiệm. Ngay cả sự tiến bộ cũng ắt phải gắn với cái thường được gọi là "lãng phí", thì phải chăng “lãng phí” là thứ không đáng có, nếu xét tổng thể phần thu được từ đó lớn hơn phần tổn thất?

Nhưng, quay trở lại vấn đề phân phối và kiểm soát các nguồn lực, vẫn còn câu hỏi rất quan trọng rằng làm thế nào để quyết định trong ngắn hạn liệu một tổ hợp doanh nghiệp có đang sử dụng các nguồn lực một cách tốt nhất hay không. Thậm chí việc liệu nó có đang tạo ra lợi nhuận hay thua lỗ lại là một vấn đề phụ thuộc vào công việc ước tính lợi tức trong tương lai được trông đợi từ các thiết bị của nó. Các kết quả của nó có thể xác định chỉ khi nhà máy hiện tại của nó được gán một giá trị nhất định. Quyết định sẽ là gì nếu một nghiệp chủ khác hứa hẹn mang về từ nhà máy (hoặc thậm chí từ một chiếc máy riêng biệt) một mức lợi tức cao hơn mức lợi tức mà người quản lí hiện tại của nhà máy dựa vào để định giá? Có phải lấy nhà máy và máy móc từ anh này và trao cho anh kia dựa vào sự hứa hẹn đơn thuần của anh kia? Đây có thể là một trường hợp cực đoan, tuy nhiên nó chỉ minh họa sự thay đổi liên tục của những nguồn lực giữa các doanh nghiệp, vốn diễn ra trong chủ nghĩa tư bản và sẽ mang lại lợi ích tương tự trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong một xã hội tư bản, sự chuyển giao vốn từ doanh nghiệp kém hiệu quả sang doanh nghiệp hiệu quả hơn diễn ra là do bên này gây thua lỗ còn bên kia mang lại lợi nhuận. Ai sẽ được trao quyền để mạo hiểm các nguồn lực, và anh ta được tin tưởng ở mức độ nào, những vấn đề này được quyết định bởi người đã thành công trong việc thâu tóm được và duy trì những doanh nghiệp đó. Vấn đề trong nhà nước xã hội chủ nghĩa liệu có được quyết định theo những nguyên tắc tương tự? Người quản lí doanh nghiệp liệu có được tự do quyết định tái đầu tư lợi nhuận vào bất cứ đâu và bất cứ khi nào anh ta nghĩ là đáng giá? Hiện tại, anh ta sẽ so sánh rủi ro liên quan đến việc mở rộng hoạt động hiện tại hơn nữa với mức thu nhập mà anh ta sẽ đạt được nếu anh ta đầu tư ở nơi khác hoặc nếu anh ta dùng vốn của mình cho mục đích tiêu dùng. Liệu việc cân nhắc các cơ hội lợi ích khác nhau mà xã hội có thể thu được từ nguồn vốn đó có cẩn trọng như việc “cân đo”/tính toán rủi ro và lợi ích cho chính của riêng anh ta hay không?

Quyết định về lượng vốn được trao cho một nghiệp chủ doanh nghiệp riêng lẻ, và do đó, quyết định liên quan đến độ lớn của doanh nghiệp riêng lẻ nằm dưới sự kiểm soát của một cơ quan duy nhất, trên thực tế, là những quyết định về sự kết hợp các nguồn lực thích hợp nhất13. Nó sẽ tùy thuộc vào cơ quan trung ương trong việc quyết định liệu một nhà máy đặt tại một nơi nào đó có nên được mở rộng thay vì xây dựng một nhà máy khác nằm ở nơi khác. Tất cả điều này liên quan đến trách nhiệm lập kế hoạch của phía cơ quan trung ương ở mức độ tương tự như thể nó đang thực sự điều hành doanh nghiệp. Trong khi nghiệp chủ riêng lẻ chắc chắn phải được bổ nhiệm chức vụ theo điều khoản hợp đồng nhất định để quản lí nhà máy mà anh ta được giao phó, thì cơ quan trung ương nhất thiết sẽ phải quyết định tất cả những hoạt động đầu tư mới. Sự phân công trách nhiệm trong việc quản lí các nguồn lực như vậy sẽ gây ra hậu quả là cả nghiệp chủ lẫn cơ quan trung ương đều không thực sự ở vị thế lập kế hoạch, và không rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm. Thật là ảo tưởng khi giả định rằng chúng ta có thể thiết lập các điều kiện cho cạnh tranh đầy đủ mà không cần buộc những người chịu trách nhiệm ra các quyết định phải trả giá cho những sai lầm của họ. Họa may lắm thì mới tạo ra được một hệ thống tựa như cạnh tranh, ở đó người thực sự chịu trách nhiệm sẽ không phải là nghiệp chủ mà là quan chức phê duyệt các quyết định cho anh ta, và hệ quả là, tất cả khó khăn lại dồn về tính chủ động sáng tạo và khả năng xác định trách nhiệm của bộ máy quan liêu14.

10

Nếu không viện đến bất kỳ sự cứu cánh nào cho cuộc thảo luận về mô hình cạnh tranh giả tưởng này, chí ít ta có thể tuyên bố rằng, nó đã chỉ ra rằng việc quản lí nó thành công phô ra những trở ngại đáng kể, và cho thấy mô hình này đặt ra vô số khó khăn phải được khắc phục trước khi chúng ta có thể tin rằng các kết quả của nó sẽ tiệm cận với những kết quả từ sự cạnh tranh dựa trên sở hữu tư nhân về các phương tiện sản xuất. Phải nói rằng ở trạng thái hiện tại của chúng, ngay cả khi cân nhắc đến cả đặc điểm tạm thời và sơ bộ của chúng, các đề xuất này có vẻ không khả thi bằng những đề xuất xã hội chủ nghĩa cũ về một hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung. Đúng là tất cả các khó khăn nêu ra "chỉ" là do những khiếm khuyết của tâm trí con người; và nhận định này thậm chí còn đúng hơn trong trường hợp kế hoạch hóa thật sự. Nhưng trong khi điều này khiến cho quan điểm cho rằng các đề xuất này là "không khả thi" theo bất kỳ nghĩa chuẩn xác nào trở nên không hợp lệ, thì luận điểm sau vẫn không kém phần đúng đắn: những trở ngại nghiêm trọng nhất đối với việc đạt được kết quả mong muốn vẫn tồn tại, và dường như không có cách nào để có thể vượt qua được những trở ngại đó.

Thay vì thảo luận tiếp về những khó khăn cụ thể mà các đề xuất này đưa ra, có lẽ thú vị hơn khi xem xét điều gì thực sự đằng sau hiện tượng sau đây: rất nhiều người trong số những nhà xã hội chủ nghĩa trẻ tuổi, những người đã nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề kinh tế liên quan đến chủ nghĩa xã hội, đã từ bỏ niềm tin vào một hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhưng lại gắn niềm tin của họ vào hy vọng rằng sự cạnh tranh có thể được duy trì ngay cả khi sở hữu tư nhân bị bãi bỏ. Chúng ta hãy tạm thừa nhận rằng, bằng cách này, ta có thể đến rất gần kết quả đạt được từ hệ thống cạnh tranh dựa trên sở hữu tư nhân. Liệu người ta có thực sự ý thức được bao nhiêu phần hy vọng gắn liền với hệ thống xã hội chủ nghĩa phải bị từ bỏ khi đề xuất thay thế hệ thống kế hoạch hóa tập trung, vốn được xem là tốt hơn bất cứ hệ thống cạnh tranh nào, bằng một sự mô phỏng gặt hái được ít nhiều thành công từ mô hình cạnh tranh? Vậy đâu là những ưu việt cần phải giữ lại để tiếp tục bù đắp cho sự giảm sút hiệu quả vốn dĩ dường như không thể tránh khỏi, như được chỉ ra trong các lập luận phản bác trước đó của chúng ta, bởi một thực tế là, nếu không có sở hữu tư nhân thì sự cạnh tranh tất yếu sẽ bị hạn chế phần nào, và do đó một số quyết định phải được để lại cho một cơ quan trung ương thực hiện theo cách độc đoán và tuỳ tiện?

Quả thực, nhiều ảo tưởng gắn với ý tưởng về một hệ thống kế hoạch hóa tập trung đã bị gỡ bỏ. Hy vọng hệ thống kế hoạch hoá sẽ tạo ra năng suất cao hơn hẳn so với hệ thống cạnh tranh "hỗn loạn" đã phải nhường chỗ cho hy vọng năng suất của hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể gần bằng hệ thống tư bản chủ nghĩa. Hy vọng hoạt động phân phối thu nhập có thể độc lập hoàn toàn với giá cả của các dịch vụ được tạo ra và chỉ dựa trên những xem xét về công bằng, đấy là theo nghĩa phân phối bình đẳng, được thay thế bằng hy vọng có thể sử dụng một phần thu nhập từ các yếu tố tư liệu sản xuất để bổ sung cho thu nhập từ lao động. Sự kỳ vọng rằng "hệ thống tiền lương" sẽ được dỡ bỏ, rằng những người quản lí của một ngành công nghiệp hoặc của doanh nghiệp được xã hội hóa sẽ hành động theo nguyên tắc hoàn toàn khác với hành vi của nhà tư bản tìm kiếm lợi nhuận, cũng đã được chứng minh là sai. Mặc dù chưa có dịp để thảo luận về vấn đề này một cách chi tiết, nhưng hy vọng rằng một hệ thống xã hội chủ nghĩa như vậy sẽ tránh được khủng hoảng và thất nghiệp cũng có kết cục tương tự. Một hệ thống kế hoạch tập trung, dù không thể tránh được việc tạo ra các dạng sai lầm nghiêm trọng dẫn đến những khủng hoảng như trong chủ nghĩa tư bản, chí ít có ưu điểm là người ta có thể sẻ chia sự mất mát đều nhau giữa các thành viên của nó. Ở khía cạnh này, nó ưu việt hơn ở chỗ có thể giảm tiền lương bằng sắc lệnh khi nó thấy điều này là cần thiết để sửa chữa những sai lầm. Nhưng không có lí do gì khiến cho một hệ thống xã hội chủ nghĩa cạnh tranh lại có được vị thế tốt hơn so với chủ nghĩa tư bản cạnh tranh xét trên khía cạnh tránh được các cuộc khủng hoảng và nạn thất nghiệp. Có lẽ một chính sách tiền tệ khôn ngoan có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng cho cả hai, nhưng ở khía cạnh này, nếu có một cơ hội nào đó dưới chủ nghĩa xã hội cạnh tranh, thì tất cũng sẽ có ở mức độ tương đương trong chủ nghĩa tư bản.

Để chống lại tất cả xu hướng này, chủ nghĩa xã hội cạnh tranh dĩ nhiên có một lợi thế, đó là nó có thể cải thiện vị trí tương đối của giai cấp công nhân bằng cách chia cho họ một phần lợi tức từ đất đai và vốn. Xét cho cùng thì đây là mục đích chính của chủ nghĩa xã hội. Nhưng việc có thể cải thiện vị trí của họ trong mối tương quan với vị trí của những người trước đây là các nhà tư bản lại không đồng nghĩa với việc thu nhập tuyệt đối của họ sẽ tăng lên, hoặc thậm chí, giữ nguyên như trước đây. Điều gì sẽ xảy ra trên khía cạnh này phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ mà năng suất chung bị giảm xuống. Ở đây, một lần nữa phải chỉ ra rằng, những suy xét tổng quát về loại vấn đề được triển khai trong một bài luận ngắn có thể không đưa đến một kết luận dứt khoát nào. Chỉ bằng cách áp dụng phân tích chuyên sâu theo những hướng gợi mở này vào các hiện tượng của thế giới thực, thì mới có thể đạt được một ước tính gần đúng về tầm quan trọng về lượng của các hiện tượng mà ta thảo luận ở đây. Về điểm này, các ý kiến hiển nhiên sẽ khác nhau. Nhưng ngay cả khi có thể đồng ý về mức độ ảnh hưởng chính xác của bất kỳ hệ thống đề xuất nào đối với thu nhập quốc dân, thì vẫn còn một câu hỏi nữa, rằng liệu với một mức giảm cụ thể nào đó, hoặc dưới dạng giá trị tuyệt đối hiện nay hoặc dưới dạng tỉ lệ hướng đến trong tương lai, có phải là cái giá không quá cao để hiện thực hóa các lí tưởng đạo đức vì sự bình đẳng thu nhập lớn hơn. Về câu hỏi này, lập luận khoa học dĩ nhiên phải nhường đường cho xác tín cá nhân.

Nhưng ít nhất, chúng ta không thể đưa ra quyết định trước khi biết đến các phương án khả dĩ khác nhau, trước khi biết cái giá phải trả cho quyết định đó, dù ở mức độ tương đối. Việc vẫn còn tồn tại rất nhiều sự nhầm lẫn trong lĩnh vực này, và việc mọi người vẫn từ chối thừa nhận rằng không thể vẹn cả đôi đường, chủ yếu là vì hầu hết các nhà xã hội chủ nghĩa có ít ý tưởng về việc hệ thống mà họ ủng hộ thực sự là như thế nào, dù là một hệ thống kế hoạch hóa hay là một hệ thống cạnh tranh. Hiện tại, đó là một chiến lược hữu hiệu về phía các nhà xã hội chủ nghĩa đương thời khi để vấn đề này chìm trong bóng tối, và trong khi vẫn đề cập đến tất cả các lợi điểm, mà thường gắn với kế hoạch hóa tập trung, cho hệ thống chủ nghĩa xã hội cạnh tranh khi họ được hỏi rằng làm thế nào để giải quyết một khó khăn cụ thể nào đó. Nhưng vẫn chưa ai có thể giải thích được làm thế nào mà sự kế hoạch hóa và sự cạnh tranh có thể kết hợp với nhau một cách hợp lí; và chừng nào điều này còn chưa được thực hiện, chắc chắn người ta vẫn có quyền giữ nguyên quan điểm rằng hai khả năng này rõ ràng được tách riêng, và rằng bất cứ ai ủng hộ chủ nghĩa xã hội phải quyết định chọn cái này hay cái khác, và sau đó giải thích làm thế nào mà anh ta có thể khắc phục được những khó khăn vốn có trong hệ thống mà anh ta đã chọn.

11

Các kết luận rút ta được ở đây sau khi khảo sát những dạng thức xã hội chủ nghĩa khác nhau không nhất thiết phải là các kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, có một điều dường như hiện ra từ các cuộc thảo luận trong những năm qua với một sức mạnh không thể bàn cãi: rằng ngày nay chúng ta chưa được trang bị đầy đủ trí tuệ để cải tiến sự vận hành của hệ thống kinh tế của chúng ta bằng phương cách "kế hoạch hóa", hoặc để giải quyết vấn đề sản xuất xã hội chủ nghĩa theo bất cứ cách nào khác mà không khiến cho năng suất bị suy giảm đáng kể. Điều còn thiếu không phải là "kinh nghiệm" mà là sự tinh thông, làm chủ vấn đề, điều mà cho đến nay chúng ta chỉ dừng ở mức độ nhìn nhận chứ chưa đưa ra được câu trả lời. Không ai muốn loại trừ mọi khả năng có thể tìm ra một giải pháp nào đó [trong tương lai]. Nhưng với tình trạng nhận thức hiện tại của chúng ta, vẫn phải nghiêm túc hoài nghi rằng liệu một giải pháp như vậy có thể được tìm thấy hay không. Ít nhất chúng ta phải đối mặt với khả năng rằng trong năm mươi năm qua, tư tưởng đã đi theo hướng sai lầm, bị thu hút bởi một khái niệm, mà khi xem xét cẩn trọng, đã chứng tỏ là không thể thực hiện được. Nếu quả thực như vậy, thì không có cơ sở gì để cho rằng thời điểm trước khi xu hướng này bắt đầu là thời điểm đáng mong muốn, mà chỉ là nếu phát triển theo hướng khác thì có thể tốt hơn. Thực sự có cơ sở để tin rằng, ví dụ, việc tìm kiếm một cơ chế vận hành trơn tru hơn cho cạnh tranh là hành động duy lí hơn hẳn việc cản trở nó quá lâu bằng tất cả các loại nỗ lực kế hoạch hóa đến mức mà gần như bất kỳ phương cách nào khác cũng có vẻ thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Nhưng nếu các kết luận của chúng ta về giá trị của niềm tin, vốn chắc chắn là một trong những động lực chính của thời đại chúng ta, về cơ bản là tiêu cực, thì điều đó chắc chắn không tạo ra sự hài lòng. Trong một thế giới thiên về kế hoạch hóa, không gì có thể bi thảm hơn cái kết luận chứng tỏ chắc chắn rằng việc bền bỉ theo đuổi tiến trình này hẳn phải dẫn tới sự suy sụp kinh tế. Ngay cả khi đã xuất hiện phản tỉnh trí tuệ nhất định, thì gần như chắc chắn rằng chuyển động sẽ tiếp tục theo hướng kế hoạch hóa trong nhiều năm. Do đó, khi các nhà kinh tế ngày nay nhìn vào tương lai của thế giới, họ không có cách gì tốt hơn để có thể làm cho sự ảm đạm dịu bớt đi ngoài việc chỉ ra rằng có một phương cách khả thi và thực tế để vượt qua những khó khăn. Ngay cả đối với những người không đồng cảm với tất cả các mục tiêu tối hậu của chủ nghĩa xã hội, họ vẫn có mong ước mạnh mẽ rằng với việc hiện nay thế giới đang đi theo hướng đó, sẽ tìm ra được giải pháp khả thi trong thực tiễn và thảm họa sẽ được ngăn chặn. Nhưng phải thừa nhận rằng ngày nay dường như không chắc có thể tìm ra một giải pháp như vậy, đấy là đã nói giảm nhẹ. Đáng nói là, cho tới nay, những người ủng hộ việc kế hoạch hóa mới chỉ có các đóng góp rất nhỏ để đưa ra một giải pháp như vậy. Nếu có thể đạt được một giải pháp, thì điều này là nhờ những nhà phê phán, những người ít nhất đã làm rõ bản chất của vấn đề - ngay cả khi họ tuyệt vọng trong việc kiếm tìm giải pháp.

(còn nữa)

Chú thích:

(13) Một thảo luận chi tiết hơn về việc xác định quy mô của doanh nghiệp riêng lẻ trong điều kiện cạnh tranh và cách mà trong đó điều này ảnh hưởng đến sự đáng giá của các phương pháp sản xuất và các chi phí sản xuất khác, d. E. A. G. Robinson, The Structure of Competitive Industry (Cambridge Economic Handbooks, Tập VII), London, 1931.

(14) Một thảo luận rõ ràng hơn nữa về các vấn đề này, xem R. G. Hawtrey, The Economic Problem (London, 1926), và J. Gerhardt, Unternehmertum und Wirtschaftsfuhrung (Tiibingen, 1930).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 8, NXB Tri thức, 2016