Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 3/5)

Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 3/5)

5

Giờ là lúc chúng ta phải phân tách các khía cạnh khác nhau trong cương lĩnh mà trước nay chúng ta đã gộp chung lại dưới cái tên cương lĩnh xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn đầu, khi niềm tin vào kế hoạch hoá tập trung gia tăng, sự đồng nhất ý tưởng về chủ nghĩa xã hội và ý tưởng về kế hoạch hoá có thể được biện minh về mặt lịch sử mà không gây ra hiểu nhầm. Trong chừng mực chúng ta chỉ quan tâm đến các vấn đề kinh tế cốt yếu thì điều này cho đến nay vẫn còn đúng. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, trong nhiều khía cạnh khác, các nhà chủ nghĩa xã hội hiện đại và các nhà kế hoạch hoá hiện đại hoàn toàn có quyền từ chối trách nhiệm về các cương lĩnh của nhau. Ở đây chúng ta cần phải phân biệt giữa những mục đích hướng đến và những phương tiện được đề xuất hoặc thực sự cần thiết để đạt được mục đích. Vẫn còn tồn tại những mơ hồ về chuyện này là bởi vì các phương tiện cần thiết để đạt được mục đích của chủ nghĩa xã hội theo cái nghĩa hẹp hơn có thể được sử dụng cho những mục đích khác, và rằng các vấn đề mà chúng ta quan tâm phát sinh từ phía phương tiện chứ không phải từ phía mục đích.

Mục đích chung của tất cả các chủ nghĩa xã hội, theo nghĩa hẹp, tức chủ nghĩa xã hội "vô sản", là cải thiện địa vị của các tầng lớp vô sản trong xã hội bằng cách tái phân phối thu nhập lấy từ tài sản. Điều này ngụ ý về sự sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất vật chất và sự chỉ đạo, kiểm soát tập thể đối với việc sử dụng chúng. Tuy nhiên, cùng những phương pháp tập thể vẫn có thể được sử dụng để phục vụ những mục đích hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, chế độ độc tài phong kiến có thể dùng cùng những phương pháp tập thể để thúc đẩy quyền lợi của một số giới elite (tinh hoa) dòng tộc hay giới elite khác, hay phục vụ một số mục đích khác rõ ràng trái ngược với triết lí bình đẳng chủ nghĩa. Tình hình trở nên phức tạp hơn bởi một thực tế là, phương pháp tập thể về sở hữu và kiểm soát, vốn cần thiết cho bất cứ nỗ lực nào để tách sự phân phối thu nhập ra khỏi sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, có thể được áp dụng ở các mức độ khác nhau. Hiện tại, sẽ thuận tiện cho chúng ta khi sử dụng thuật ngữ "chủ nghĩa xã hội" để mô tả các mục đích của chủ nghĩa xã hội truyền thống, còn thuật ngữ "kế hoạch hóa" để mô tả phương pháp thực hiện, dù rằng sau này chúng ta sẽ dùng thuật ngữ "chủ nghĩa xã hội" theo nghĩa rộng hơn. Theo nghĩa hẹp của thuật ngữ, người ta có thể cho rằng việc có quá nhiều kế hoạch và quá ít chủ nghĩa xã hội, hay ngược lại, là khả thi. Phương pháp kế hoạch hóa trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể hoàn toàn được sử dụng cho các mục đích vốn không có quan hệ gì với những mục tiêu đạo đức của chủ nghĩa xã hội. Liệu rằng chủ nghĩa xã hội có thể hoàn toàn tách biệt khỏi kế hoạch hoá hay không - và liệu những lời chỉ trích chống lại phương pháp kế hoạch hoá có dẫn đến những nỗ lực theo hướng này hay không - là một vấn đề mà chúng ta sẽ phải nghiên cứu sau.

Không chỉ trong lí thuyết mà còn trong thực tế, việc tách biệt các vấn đề về phương pháp ra khỏi mục đích là hoàn toàn khả thi, và điều này là hết sức hữu ích cho mục đích tranh luận học thuật. Khoa học chẳng có gì để nói về tính hợp lí của các mục đích tối hậu. Người ta có thể chấp nhận hay bác bỏ chúng, nhưng không thể chứng minh chúng đúng hay sai. Tất cả những gì chúng ta có thể tranh luận một cách duy lí là liệu có hay không và ở một mức độ nào thì các biện pháp nhất định sẽ dẫn đến những kết quả mong muốn. Tuy nhiên, nếu phương pháp đang được bàn đến chỉ được đề xuất như là phương tiện cho một mục đích cụ thể, thì, xét về mặt thực tiễn, thực sự khó để giữ những tranh luận về vấn đề kỹ thuật và về các phán xét giá trị hoàn toàn tách biệt. Nhưng, bởi vì cũng một vấn đề phương tiện có thể phát sinh trong tất cả những lí tưởng đạo đức khác nhau, nên ta có thể hy vọng rằng việc giữ cho các phán xét giá trị hoàn toàn nằm ngoài cuộc tranh luận là điều khả thi.

Để có được sự phân phối thu nhập độc lập với sở hữu tư nhân về nguồn lực - mục đích chung của chủ nghĩa xã hội và các phong trào khác chống chủ nghĩa tư bản - thì điều kiện cần, mang tính phổ quát, là chính quyền, vốn quyết định các nguyên tắc phân phối thu nhập này, cũng phải có quyền kiểm soát các nguồn lực. Bất kể nội dung của các nguyên tắc phân phối này là gì, thì hiện nay những ý tưởng về công bằng này hay đúng hơn là một sự phân chia thu nhập đáng mong muốn, đều phải giống nhau ở một khía cạnh thuần túy hình thức nhưng lại rất quan trọng: Chúng phải được thể hiện dưới dạng thang đo mức độ quan trọng của một số mục đích riêng rẽ cạnh tranh lẫn nhau. Ở khía cạnh mang tính hình thức này, việc một cơ quan trung ương phải giải quyết vấn đề kinh tế phân phối một lượng nguồn lực hữu hạn giữa vô số các mục đích cạnh tranh là một thực tế cấu thành nên vấn đề của chủ nghĩa xã hội như là một phương pháp. Câu hỏi nền tảng là, liệu dưới những điều kiện phức tạp của một xã hội hiện đại rộng lớn, một cơ quan trung ương như vậy có thể hiện thực hóa những ngụ ý của bất kỳ thang đo giá trị nào như thế với một độ chính xác hợp lí, với một mức độ thành công ngang bằng hoặc gần bằng với các kết quả mà chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tạo ra hay không, chứ không phải liệu bất kỳ tập các giá trị cụ thể ở dạng này có luôn ưu việt hơn ở dạng khác hay không. Chính các phương pháp quen thuộc đối với chủ nghĩa xã hội theo nghĩa hẹp cũng như đối với tất cả phong trào hiện đại khác hướng đến một xã hội kế hoạch hóa, chứ không phải là các mục đích cụ thể của chủ nghĩa xã hội, mới là thứ mà chúng ta quan tâm ở đây.

6

Trong phần còn lại, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến những phương pháp được sử dụng chứ không phải các mục đích được hướng đến, và từ giờ trở đi việc sử dụng thuật ngữ "chủ nghĩa xã hội" theo nghĩa rộng này sẽ thuận tiện hơn. Do đó, theo nghĩa này, nó bao gồm mọi trường hợp của sự kiểm soát tập thể đối với nguồn lực sản xuất, bất kể sự kiểm soát này được sử dụng vì quyền lợi của ai. Nhưng trong khi, vì mục đích phân tích của mình, chúng ta không cần định nghĩa gì thêm nữa về các mục đích cụ thể, thì vẫn cần thêm định nghĩa các phương pháp mà chúng ta muốn xem xét chính xác là gì.

Tất nhiên, có rất nhiều dạng xã hội chủ nghĩa, nhưng những tên gọi truyền thống của những dạng khác nhau này, như "chủ nghĩa cộng sản", "chủ nghĩa công đoàn", "chủ nghĩa xã hội phường hội", chưa bao giờ hoàn toàn tương đương với sự phân loại các phương pháp mà chúng ta muốn, và trong thời gian gần đây, hầu hết chúng trở nên có kết nối chặt chẽ với những đảng phái chính trị hơn là với các chương trình cụ thể đến mức chúng hầu như chẳng hữu ích gì cho mục đích của chúng ta. Về cơ bản, những gì đáng quan tâm với chúng ta chính là mức độ thực hiện sự kiểm soát và chỉ đạo tập trung trong mỗi dạng khác nhau. Để thấy được mức độ đa dạng của những dạng thức khả thể liên quan đến điểm này, có lẽ tốt nhất là bắt đầu với dạng chủ nghĩa xã hội quen thuộc nhất, và sau đó xem xét ở mức độ mà cơ cấu tổ chức của nó có thể thay đổi theo những hướng khác.

Cương lĩnh ngay lập tức được ủng hộ rộng rãi nhất, và thoạt nhìn có vẻ hợp lí nhất là cương lĩnh không chỉ đề xuất sở hữu tập thể mà còn cả chỉ đạo tập trung thống nhất về việc sử dụng tất cả các nguồn lực sản xuất vật chất. Đồng thời, nó cũng hứa hẹn tiếp tục duy trì quyền tự do lựa chọn hàng hoá tiêu dùng và lựa chọn nghề nghiệp. Ít nhất thì chủ nghĩa Marx đã được giải thích về cơ bản theo hình thức này bởi các đảng dân chủ xã hội ở châu Âu lục địa, và đó là hình thức mà phần lớn người dân hình dung về chủ nghĩa xã hội. Cũng ở hình thức này, chủ nghĩa xã hội được thảo luận rộng rãi nhất; hầu hết các phê phán gần đây đều tập trung vào dạng này. Thực vậy, việc nó được xem là cương lĩnh xã hội chủ nghĩa quan trọng duy nhất rộng khắp đến nỗi, trong hầu hết các cuộc thảo luận về vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội, các tác giả có liên quan đã lờ đi việc chỉ rõ họ đang nói về dạng chủ nghĩa xã hội nào. Điều này phần nào đã gây ra những tác động không như ý, vì nó chưa bao giờ cho người ta biết rõ ràng rằng liệu những phản đối hay phê phán cụ thể chỉ được áp dụng cho dạng thức cụ thể này hay là cho tất cả các dạng thức của chủ nghĩa xã hội.

Vì lí do này, ngay từ đầu cần phải ghi nhớ các dạng thức khác nhau và cần thận trọng xem xét ở mọi giai đoạn của cuộc thảo luận rằng liệu đó là vấn đề nảy sinh từ các giả định vốn là cơ sở cho bất kỳ cương lĩnh xã hội chủ nghĩa nào, hay liệu đó chỉ là vấn đề phát sinh từ các giả định liên quan đến một số trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng hay quyền tự do nghề nghiệp hầu như không phải là thuộc tính thiết yếu của bất cứ cương lĩnh xã hội chủ nghĩa nào, và mặc dù các nhà chủ nghĩa xã hội trước đó thường bác bỏ ý kiến cho rằng chủ nghĩa xã hội sẽ bãi bỏ những quyền tự do này, song các chỉ trích gần đây về lập trường xã hội chủ nghĩa đã được phản hồi lại rằng những thứ được cho là khó khăn sẽ nảy sinh vì rằng các quyền tự do này vẫn được duy trì; và rằng đó không hẳn là một cái giá quá cao để có được những ưu việt khác của chủ nghĩa xã hội nếu việc bãi bỏ các quyền tự do này là điều thực sự cần thiết. Do đó, cần phải xem xét hình thức chủ nghĩa xã hội cực đoan này ngang hàng với các hình thức khác. Ở hầu hết các khía cạnh, nó tương đương với cái trước kia thường được gọi là "chủ nghĩa cộng sản", nghĩa là một hệ thống trong đó không chỉ phương tiện sản xuất mà tất cả hàng hóa đều là thuộc sở hữu chung, và thêm nữa, chính quyền trung ương cũng sẽ nắm vị thế ra lệnh cho bất cứ ai thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào.

Dạng xã hội này, nơi mọi thứ đều được chỉ đạo tập trung, có thể được coi là một mốc giới hạn trong một chuỗi dài các hệ thống xã hội chủ nghĩa khác nhau theo hướng ít tập trung hơn. Dạng quen thuộc hơn mà chúng ta vừa mới thảo luận đứng xa hơn một chút theo hướng phi tập trung. Nhưng nó vẫn đòi hỏi phải lập kế hoạch ở cấp độ bao quát nhất - sự chỉ đạo kỹ lưỡng đến gần như tất cả các hoạt động sản xuất thực tiễn bởi một cơ quan trung ương. Ở đây, chúng ta không cần quan tâm đến các hệ thống chủ nghĩa xã hội phi tập trung hơn, đã tồn tại từ rất sớm, như chủ nghĩa xã hội phường hội hoặc chủ nghĩa công đoàn, bởi hiện giờ nói chung người ta đã thừa nhận rằng chúng không có bất cứ cơ chế nào cho việc định hướng các hoạt động kinh tế một cách duy lí. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một khuynh hướng, lại chủ yếu với mục đích đối phó với những phê phán, giữa các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa nhằm đưa trở lại một mức độ cạnh tranh nhất định vào hệ thống của họ nhằm vượt qua những khó khăn mà họ thừa nhận sẽ phát sinh trong trường hợp kế hoạch hóa tập trung hoàn toàn. Ở giai đoạn này, ta không cần phải xem xét chi tiết những dạng thức theo đó sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất riêng lẻ có thể được kết hợp với chủ nghĩa xã hội. Điều này sẽ được bàn sau1. Nhưng chúng ta cần phải ý thức về chúng ngay từ đầu. Điều này là bởi hai lí do. Thứ nhất là để giữ được sự tỉnh táo xuyên suốt cuộc thảo luận xa hơn, mà ở đó sự chỉ đạo tập trung toàn diện đến tất cả các hoạt động kinh tế, vốn thường được coi là điển hình của tất cả chủ nghĩa xã hội, có thể thay đổi ở một mức độ nào đó. Và thứ hai - thậm chí còn quan trọng hơn - là để chúng ta có thể thấy rõ mức độ kiểm soát nào từ trung ương phải được duy trì để có thể đề cập đến chủ nghĩa xã hội một cách hợp lí, hoặc đâu là các giả định tối thiểu, cho phép chúng ta xem xét một hệ thống như đang xuất hiện trong lĩnh vực của chúng ta. Ngay cả khi người ta thấy việc sở hữu tập thể các nguồn lực sản xuất tương thích với việc xác định những mục đích có tính cạnh tranh trong việc sử dụng các đơn vị nguồn lực riêng lẻ theo những phương pháp nhất định nào đó, thì chúng ta vẫn phải giả định rằng những câu hỏi như, "Ai là người thực thi mệnh lệnh đối với một lượng nguồn lực nhất định cho cộng đồng?", "Giao phó bao nhiêu nguồn lực cho các “chủ doanh nghiệp“ khác nhau?", sẽ phải được quyết định bởi một cơ quan trung ương. Đây có vẻ là giả định tối thiểu phù hợp với ý tưởng sở hữu tập thể, đó là mức độ kiểm soát tập trung nhỏ nhất vẫn còn cho phép cộng đồng giữ lại quyền đối với thu nhập có được từ các phương tiện sản xuất vật chất.

7

Nếu không có sự kiểm soát tập trung các phương tiện sản xuất như vậy, việc kế hoạch hóa - theo nghĩa của thuật ngữ mà chúng ta sử dụng - không còn là một vấn đề nữa. Đây là điều không tưởng. Đa số các nhà kinh tế học của tất cả các trường phái hầu như chắc chắn đồng ý như vậy, mặc dù hầu hết những người còn tin tưởng vào kế hoạch hóa vẫn xem nó là một thứ gì đó có thể được thử nghiệm hợp lí trong khuôn khổ của một xã hội dựa trên nền tảng tư hữu. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu "kế hoạch hóa" mang nghĩa sự chỉ đạo trên thực tế đối với các hoạt động sản xuất thông qua những quy định bắt buộc, như về số lượng phải được sản xuất, các phương pháp sản xuất phải được sử dụng, hoặc các mức giá được ấn định, thì ta dễ dàng thấy rằng điều này không phải là không thể, nhưng bất kỳ biện pháp riêng rẽ nào thuộc loại này cũng sẽ gây ra những phản ứng mà sẽ làm thất bại mục tiêu của chính nó, và bất kỳ nỗ lực hành động nhất quán nào cũng sẽ đòi hỏi ngày càng nhiều các biện pháp kiểm soát cho đến khi tất cả hoạt động kinh tế được đặt dưới một cơ quan quyền lực tập trung.

Trong phạm vi thảo luận về chủ nghĩa xã hội, ta không thể bàn luận sâu hơn về một chủ đề riêng rẽ, liên quan đến sự can thiệp của nhà nước trong một xã hội tư bản. Tôi đề cập điều này ở đây chỉ để nói rõ rằng nó sẽ không được đưa vào xem xét. Theo quan điểm của chúng tôi, một phân tích chặt chẽ sẽ cho thấy sự can thiệp của nhà nước không phải là một phương án thay thế có thể được lựa chọn một cách duy lí hoặc có thể đem lại kỳ vọng đưa ra được một khung khổ ổn định lâu dài, thỏa đáng cho bất kỳ vấn đề nào mà nó được áp dụng2.

Nhưng ở đây ta lại cần phải đề phòng sự hiểu lầm. Việc cho rằng loại kế hoạch hóa một phần mà chúng ta đang ám chỉ này là phi lí, tuy thế, lại không tương đương với việc tuyên bố rằng hình thức duy lí duy nhất của chủ nghĩa tư bản mà chúng ta có thể ủng hộ là hình thức laissez faire [thị trường tự do vận hành một cách tự nhiên - ND] theo nghĩa cũ. Không có cơ sở nào để cho rằng các thể chế pháp lí mang tính lịch sử nhất thiết phải là "tự nhiên" nhất theo bất cứ nghĩa nào. Sự thừa nhận nguyên tắc sở hữu tư nhân tuyệt nhiên chưa hẳn ngụ ý rằng việc phân định cụ thể các nội dung của quyền này, được xác định bởi pháp luật hiện hành, là thích hợp nhất. Đâu là khung khổ ổn định lâu dài thích hợp nhất, đảm bảo cho sự cạnh tranh vận hành trơn tru và hiệu quả nhất, là câu hỏi quan trọng lớn nhất. Và phải thừa nhận rằng, câu hỏi này đã bị các nhà kinh tế học lờ đi một cách đáng buồn.

Nhưng mặt khác, việc thừa nhận khả năng có những thay đổi trong khung khổ pháp lí hoàn toàn đồng nhất với việc thừa nhận khả năng tồn tại của một loại kế hoạch hóa khác với nghĩa chúng ta đã sử dụng từ này như trước nay. Ở đây có một sự phân biệt thiết yếu không thể bỏ qua: đó là sự phân biệt giữa một bên là một khung khổ pháp lí ổn định lâu dài nhằm cung cấp các động lực khuyến khích cần thiết cho sự sáng tạo cá nhân để thích nghi với bất kỳ sự thay đổi nào, và bên kia là một hệ thống mà ở đó sự thích nghi như vậy lại được tạo ra bởi sự chỉ đạo tập trung. Đây mới là vấn đề thực sự, chứ không phải là câu hỏi liệu việc duy trì trật tự hiện tồn có đối nghịch với việc đưa ra các thiết chế mới hay không. Theo một ý nghĩa nào đó, có thể mô tả cả hai hệ thống đều là sản phẩm của việc kế hoạch hóa duy lí. Nhưng trong một trường hợp, việc kế hoạch hóa này chỉ liên quan đến khung khổ ổn định lâu dài của các thể chế, và có thể cũng chẳng cần tới nó nếu ta sẵn sàng chấp nhận các thể chế vốn tiến triển trong một tiến trình lịch sử chậm chạp, trong khi ở trường hợp kia thì kế hoạch hoá phải đối phó với sự thay đổi hằng ngày của mọi thể loại.

Không nghi ngờ gì nữa, dạng kế hoạch hoá này kéo theo những thay đổi thuộc loại và với quy mô chưa từng được biết đến trong lịch sử nhân loại. Đôi khi người ta cho rằng những thay đổi đang diễn ra hiện nay chỉ đơn thuần là sự quay về các hình thức xã hội của thời đại tiền công nghiệp. Nhưng đó là một sự ngộ nhận. Ngay cả khi hệ thống phường hội thời trung cổ lên đến đỉnh cao nhất, và khi các rào cản thương mại là rộng lớn nhất, thì chúng cũng chưa bao giờ được sử dụng giống như một phương tiện thực sự để chỉ đạo các hoạt động cá nhân. Chắc chắn chúng không phải là khung khổ ổn định lâu dài hợp lí nhất để tạo động lực khuyến khích cho những hoạt động cá nhân, nhưng về cơ bản, chúng vẫn là khung khổ ổn định lâu dài mà tại đó các hoạt động sáng tạo hằng ngày của cá nhân được tự do thể hiện. Với việc chúng ta nỗ lực đưa các thiết chế hạn chế kinh doanh lỗi thời vào sử dụng giống như một công cụ để điều chỉnh hằng ngày trước những đổi thay, thì quả là chúng ta đã đi quá xa theo hướng kế hoạch hóa tập trung các hoạt động hiện tại hơn bất cứ khi nào. Nếu chúng ta cứ đi trên con đường mà chúng ta đã khởi hành, nếu chúng ta cố gắng nhất quán trong hành động và tìm cách chống lại những khuynh hướng tự gây thất vọng của bất kỳ hành động kế hoạch hoá riêng rẽ nào, thì chắc chắn chúng ta đang lao vào một cuộc thử nghiệm chưa từng có trong lịch sử. Mà ngay cả trong giai đoạn này, chúng ta cũng đã đi quá xa. Nếu chúng ta ở vị thế phải đánh giá đúng các tiềm năng, thì cần phải thừa nhận rằng, hệ thống mà chúng ta đang sống, và đang bị bóp nghẹt bởi những nỗ lực kế hoạch hoá một phần và các biện pháp hạn chế, là cái gì đó hoàn toàn khác so với bất kỳ hệ thống chủ nghĩa tư bản nào vốn có thể được ủng hộ một cách duy lí, và cũng hoàn toàn khác so với bất kỳ hệ thống kế hoạch hóa nhất quán nào. Trong bất kỳ nghiên cứu nào về tính khả thi của kế hoạch hóa, điều quan trọng là cần phải nhận ra rằng việc coi chủ nghĩa tư bản như nó tồn tại ngày hôm nay như một phương án lựa chọn là một sai lầm. Chắc chắn chúng ta đang khác rất xa so với hình thức chủ nghĩa tư bản đích thực, cũng như chúng ta đang khác rất xa so với bất kỳ hệ thống kế hoạch hóa tập trung nào. Thế giới hôm nay chỉ là trạng thái hỗn loạn do chủ nghĩa can thiệp tạo ra.

Chú thích:

(1) Xem Chương IX trong sách này.

(2) Cf. L. von Mises, Interventionismus (Jena, 1929).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 7, NXB Tri thức, 2016