Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 5/5)

Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 5/5)

10

Danh hiệu người đầu tiên trình bày rõ ràng vấn đề cốt yếu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, theo cái cách khiến cho nó không thể biến mất khỏi cuộc thảo luận một lần nào nữa, thuộc về Ludwig von Mises, một nhà kinh tế học người Áo. Trong bài báo "Economic Calculation in a Socialist Community" [Tính toán kinh tế trong một cộng đồng xã hội chủ nghĩa] được xuất bản vào mùa xuân năm 1920, von Mises đã chỉ ra rằng tính khả thi của tính toán duy lí trong hệ thống kinh tế hiện nay của chúng ta dựa trên một thực tế rằng các mức giá cả được thể hiện dưới dạng tiền tệ đã cung cấp điều kiện cần thiết khiến cho sự tính toán này trở nên khả thi1. Điểm cốt lõi giúp Giáo sư Mises đi xa hơn hẳn những người tiền nhiệm là ở chỗ ông đã trình bày một cách mạch lạc rằng, việc sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách kinh tế chỉ khả thi khi việc định giá được áp dụng không chỉ với sản phẩm cuối cùng, mà còn cho tất cả sản phẩm trung gian và cho các yếu tố sản xuất, và rằng ta không thể hình dung ra được bất cứ quá trình nào khác thực hiện cùng chức năng cân nhắc tất cả những thực tế liên quan vào trong tính toán kinh tế giống như quá trình định giá của thị trường cạnh tranh. Bài báo này, mà về sau được đưa vào trong một tác phẩm lớn hơn của Giáo sư Mises, đã trở thành điểm khởi đầu, không thể bỏ qua, cho tất cả những cuộc thảo luận về các vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội, dù theo nghĩa xây dựng hay phê phán.

Không nghi ngờ gì, các trước tác của Giáo sư Mises thể hiện đầy đủ nhất và thành công nhất về điều mà từ đó trở đi được coi là vấn đề trung tâm của chủ nghĩa xã hội, và tạo ra sức ảnh hưởng lớn nhất tới tất cả những cuộc thảo luận sau đó. Nhưng có một sự trùng hợp thú vị khi đồng thời có hai tác giả đáng chú ý khác đã độc lập đi đến những kết luận tương tự. Người đầu tiên là Max Weber, nhà xã hội học vĩ đại người Đức. Trong kiệt tác Wirtschaft und Gesellschaft [Kinh tế và xã hội], được xuất bản năm 1921 sau khi ông qua đời, ông đã thiết lập được một cách tường minh những điều kiện để cho các quyết định duy lí trở nên khả thi trong một hệ thống kinh tế phức tạp. Cũng như Mises (người mà Weber ghi chú là có bài báo mà ông chỉ được biết đến khi bài thảo luận của ông đã được đưa đến nhà xuất bản), ông khẳng định rằng những tính toán dựa trên các đơn vị vật lí vốn được những học giả hàng đầu đề xuất cho một nền kinh tế kế hoạch hoá không thể cung cấp một giải pháp hợp lí cho các vấn đề mà các cơ quan trong hệ thống như vậy buộc phải giải quyết. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng việc sử dụng hợp lí và bảo tồn nguồn vốn chỉ có thể được đảm bảo trong một hệ thống dựa trên sự trao đổi và sử dụng tiền, và rằng, sự lãng phí do không thể tính toán duy lí trong một hệ thống được xã hội hóa hoàn toàn là nhân tố đủ nghiêm trọng để khiến cho hệ thống này không thể đảm bảo được cuộc sống cho lượng dân số hiện tại của các quốc gia có mật độ dân cư ngày càng đông đúc.

"Giả định, rằng cuối cùng rồi cũng sẽ tìm ra một hệ thống hạch toán nào đó nếu có những nỗ lực nghiêm túc để giải quyết vấn đề của nền kinh tế phi tiền tệ, không giúp gì ở đây: đây là vấn đề cơ bản của bất kỳ sự xã hội hóa toàn bộ nào, và chắc chắn không thể bàn về một "nền kinh tế được hoạch định" một cách duy lí bởi vì, chừng nào còn phải cân nhắc đến điểm quyết định then chốt này, thì chừng đó chúng ta vẫn không có bất kỳ một phương tiện nào để xây dựng “một kế hoạch””2.

Trên thực tế, người ta tìm thấy những ý tưởng tương tự được trình bày cùng lúc ở Nga. Đó là vào mùa hè năm 1920, một quãng thời gian ngắn sau những chiến công quân sự đầu tiên của hệ thống mới, khi mà người ta vẫn còn có thể bày tỏ công khai những lời phê phán, thì Boris Brutzkus, một nhà kinh tế xuất chúng được biết đến chủ yếu nhờ những nghiên cứu về các vấn đề nông nghiệp của Nga, đã đưa ra những phê phán sâu sắc các nguyên tắc chi phối hoạt động của những nhà cầm quyền Cộng sản qua một loạt các bài giảng. Những bài giảng này được xuất bản trong một tạp chí của Nga dưới tiêu đề "Những vấn đề của nền kinh tế xã hội trong chủ nghĩa xã hội", và chỉ nhiều năm sau đó nó mới có thể tiếp cận tới đông đảo công chúng nhờ một bản dịch tiếng Đức3. Kết luận chính của các bài viết này cho thấy sự tương đồng đáng chú ý với các học thuyết của Mises và Max Weber, mặc dù chúng nảy sinh từ việc nghiên cứu các vấn đề cụ thể mà nước Nga phải đối mặt vào thời điểm đó, và mặc dù chúng được viết vào cùng thời điểm mà tác giả của chúng có thể chưa biết đến những nỗ lực tương tự của các học giả người Áo và Đức do không hề có liên lạc với thế giới bên ngoài. Cũng giống như Giáo sư Mises và Max Weber, những lời phê phán của ông xoay quanh việc không thể tính toán duy lí trong một nền kinh tế chỉ đạo tập trung, nơi mà các mức giá cả chắc chắn sẽ hoàn toàn vắng bóng.

11

Mặc dù ở một phạm vi nào đó, Max Weber và Giáo sư Brutzkus chia sẻ niềm tin trong việc độc lập chỉ ra các vấn đề cốt yếu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng sự giải thích hoàn chỉnh và hệ thống hơn thuộc về Giáo sư Mises, cụ thể trong tác phẩm lớn hơn của ông là Die Gemeinwirtschat [Chủ nghĩa xã hội], tác phẩm đã có sức ảnh hưởng lớn đến xu hướng thảo luận tiếp theo ở châu Âu lục địa. Trong những năm ngay sau khi cuốn sách này được xuất bản, một số người đã nỗ lực đối đầu trực tiếp với thách thức mà Mises đặt ra và tìm cách chỉ ra rằng Mises đã sai lầm trong luận điểm chính của mình, theo đó ngay cả trong một hệ thống kinh tế chỉ đạo tập trung toàn diện, các giá trị có thể được xác định một cách chính xác mà không gặp phải bất cứ khó khăn nghiêm trọng nào. Mặc dù cuộc thảo luận về vấn đề này kéo dài trong một vài năm, trong đó Mises đã hai lần đáp lại những lời phê phán4, thì càng ngày càng rõ ràng rằng, trong phạm vi chỉ liên quan đến dạng hệ thống kinh tế kế hoạch hóa được chỉ đạo tập trung toàn diện vốn được đề xuất ngay từ đầu bởi hầu hết các nhà xã hội chủ nghĩa, thì luận điểm chính yếu của ông không thể bị bác bỏ. Nhiều ý kiến phản đối được đưa ra lúc đầu thực chất chỉ là những ngụy biện về mặt từ ngữ, bởi thực tế Mises thỉnh thoảng đưa ra tuyên bố có phần mơ hồ rằng chủ nghĩa xã hội là "không khả thi", trong khi điều ông muốn nói chính xác là chủ nghĩa xã hội khiến cho việc tính toán duy lí trở nên không khả thi. Tất nhiên, nếu một đề xuất có một ý nghĩa nhất định nào đó, thì bất kỳ tiến trình triển khai nào đó của đề xuất đều là khả dĩ theo nghĩa chính xác của từ này, tức là, có thể mang nó ra thử nghiệm. Câu hỏi chỉ có thể là liệu nó có dẫn đến kết quả mong đợi hay không, nghĩa là liệu tiến trình hành động được đề xuất có đáp ứng được các mục đích mà nó mong muốn mang lại hay không. Trong chừng mực người ta hy vọng thông qua giải pháp chỉ đạo tập trung mọi hoạt động kinh tế để đạt được đồng thời cả hai mục tiêu, (i) sự phân phối thu nhập không phụ thuộc vào sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất và (ii) sản lượng đầu ra chí ít cũng phải xấp xỉ bằng hoặc hơn sản lượng đầu ra được sản xuất thông qua sự cạnh tranh tự do, thì nói chung người ta ngày càng thừa nhận rằng đó không phải là giải pháp có tính thực tiễn để có thể đạt được những mục tiêu này.

Nhưng ngay cả khi người ta thừa nhận luận điểm chính của Giáo sư Mises, thì điều này dĩ nhiên không hàm ý rằng người ta phải từ bỏ công cuộc tìm kiếm phương cách hiện thực hóa những lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa chính của luận điểm này là nó đã hướng sự chú ý ra khỏi những gì trước nay được nhất trí xem như là những dạng thức khả thi nhất của việc tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa, và từ đó hướng tới tìm kiếm các mô hình thay thế khác. Có thể phân biệt hai loại phản ứng chính trong số những người thừa nhận lập luận trung tâm của ông. Thứ nhất, có những người nghĩ rằng sự thiếu hiệu quả, sự sụt giảm của cải chung do thiếu vắng các phương tiện tính toán duy lí, không phải là cái giá quá đắt để thực hiện việc phân phối của cải này một cách công bằng hơn. Dĩ nhiên, nếu quan điểm này dựa trên sự nhận thức rõ ràng về hàm ý của sự lựa chọn này, thì chẳng có gì để nói, ngoại trừ việc liệu những người bảo vệ quan điểm này có thể tìm được nhiều người đồng tình với ý tưởng của họ hay không. Tất nhiên, khó khăn thực sự ở đây là, đối với hầu hết mọi người, quyết định ủng hộ quan điểm này phụ thuộc vào mức độ mà tính không khả thi của việc tính toán duy lí sẽ làm giảm sản lượng trong một nền kinh tế chỉ đạo tập trung so với nền kinh tế trong hệ thống cạnh tranh. Theo ý kiến của các tác giả hiện nay, mặc dù có vẻ như, nếu tiến hành một nghiên cứu cẩn thận, thì sự khác biệt đó sẽ là rất lớn, nhưng phải thừa nhận rằng không có phương pháp giản đơn nào để chứng tỏ sự khác biệt này lớn tới mức nào. Ở đây không thể đưa ra câu trả lời từ sự xem xét chung chung, mà phải dựa trên một nghiên cứu so sánh cẩn thận về sự vận hành của hai hệ thống khác nhau; và điều này sẽ cần phải huy động lượng kiến thức liên quan khổng lồ dựa trên một nghiên cứu kinh tế có hệ thống chứ không phải theo bất cứ cách thức nào5.

Loại phản ứng thứ hai đối với phê phán của Giáo sư Mises là xem nó chỉ có giá trị khi liên quan đến một dạng thức cụ thể của chủ nghĩa xã hội mà luận điểm này chống lại, và nỗ lực xây dựng những dạng thức khác sẽ miễn nhiễm với lời phê phán đó. Một phần rất đáng kể trong các cuộc thảo luận sau này ở châu Âu lục địa đã đi theo hướng đó, và có lẽ đây là phần thảo luận thú vị hơn cả. Sự suy xét như vậy diễn ra theo khuynh hướng chính. Một mặt, người ta nỗ lực vượt qua những khó khăn của vấn đề bằng cách mở rộng các yếu tố của kế hoạch hoá vượt xa hơn những gì được đề xuất từ trước, như xóa bỏ hoàn toàn sự tự do lựa chọn của người tiêu dùng và sự tự do lựa chọn nghề nghiệp. Mặt khác, người ta nỗ lực đưa ra các yếu tố khác của sự cạnh tranh. Những đề xuất này thực sự vượt qua được những khó khăn nào và có khả năng thực tiễn ở mức độ ra sao sẽ được xem xét trong các phần khác nhau của cuốn Collective Economic Planning [Kế hoạch Kinh tế Tập thể] [do F.A. Hayek biên tập, xuất bản năm 1935 - ND].

Chú thích:

(1) "Die Wirtschaftsrechnung im sozialistischen Gemeinwesen”, Archiv fur Sozialwissenschaften und Sozialpolitik, Tập XLVII, Số 1 (Tháng 4, 1920), được giới thiệu lại trong một bản dịch tiếng Anh trong tác phẩm Collectivist Economic Planning. Phần lớn bài báo này được đưa vào trong một thảo luận chi tiết hơn về các vấn đề kinh tế của một cộng đồng xã hội chủ nghĩa tại Phần II của tác phẩm Gemeinwirtschaft (Jena, 1922; ấn bản thứ 2, 1932) của Giáo sư Mises; Bản dịch tiếng Anh do J. Kahane thực hiện với nhan đề Socialism (London, 1936).

(2) Max Weber, Wirtschaft und Gesellschalt ("Grundriss der Sozialokonomik", Tập III [Tiibingen, 1921]), tr. 55-56.

(3) Tiêu đề gốc mà những bài thuyết trình này xuất hiện vào mùa xuân năm 1921-22 trong tạp chí Ekonomist tiếng Nga là "Problems of Social Economy under Socialism". Sau đó chúng được in lại trong bản tiếng Nga gốc như một cuốn sách móng, xuất bản tại Berlin vào năm 1923, và một bản dịch tiếng Đức với tiêu đề Die Lehren des. Marxismus im Lichte der russischen Revolution được xuất bản ở Berlin năm 1928. Tiểu luận này, cùng với cuộc thảo luận về sự phát triển của công tác hoạch định kinh tế ở Nga, xuất bản trong một bản dịch tiếng Anh trong tác phẩm Economic Planning in Soviet Russia (London, 1935) của B. Brutzkus.

(4) Mises, "Neue Beitrage zum Problem der sozialistischen Wirtschaftsrechnung", Archiv fur Sozialwissenschaften, Tập LI (1924), và "Neue Schriften zum Problem der sozialistischen Wirtschaftsrechnung", Archiv fur Sozialwissenschaften, Tập LX (1928).

(5) Về vấn đề này, có lẽ cần phải diễn đạt rõ ràng rằng hoàn toàn không thuyết phục nếu một sự so sánh như vậy được thực hiện giữa chủ nghĩa tư bản như nó đang tồn tại (hay được cho là vẫn tồn tại) và chủ nghĩa xã hội như nó phải vận hành theo các giả thuyết lí tưởng - hay giữa chủ nghĩa tư bản như nó phải là trong dạng thức lí tưởng của nó và chủ nghĩa xã hội trong dạng thức không hoàn hảo. Để sự so sánh mang lại giá trị nào đó trong việc làm sáng tỏ câu hỏi về nguyên lí, thì nó phải được thực hiện trên cơ sở giả định là mỗi hệ thống được hiện thực hóa ở dạng thức duy lí nhất trong điều kiện xác định về bản chất con người và các hoàn cảnh bên ngoài mà không thể bỏ qua.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 7, NXB Tri thức, 2016