Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 4/5)

Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 4/5)

8

Kinh tế chính trị cổ điển sụp đổ chủ yếu vì nó đã thất bại khi giải thích về hiện tượng cơ bản của giá trị dựa vào cùng phương pháp phân tích về những nguồn gốc của hoạt động kinh tế, vốn tỏ ra rất thành công khi áp dụng vào việc phân tích các hiện tượng cạnh tranh phức tạp hơn. Lí thuyết giá trị lao động là sản phẩm của một nghiên cứu theo đuổi những nội dung hão huyền về giá trị, hơn là một phân tích về hành vi của chủ thể kinh tế. Bước quyết định trong sự tiến bộ của kinh tế học được tạo ra khi các nhà kinh tế học bắt đầu đặt câu hỏi, rằng đâu mới chính xác là hoàn cảnh khiến cho các cá nhân ứng xử với hàng hóa theo một cách thức nhất định. Việc đặt câu hỏi theo hình thức này ngay lập tức dẫn tới chỗ thừa nhận rằng, việc gán một ý nghĩa hay giá trị nhất định cho các đơn vị của những hàng hóa khác nhau là một bước cần thiết nhằm tìm ra giải pháp cho một vấn đề phổ quát, phát sinh ở khắp mọi nơi khi vô số các mục đích phải cạnh tranh với nhau trước một lượng phương tiện hữu hạn.

Vấn đề về giá trị này tồn tại ở bất cứ đâu có hành động duy lí, và đây chính là một hiện tượng cơ bản, làm tiền đề cho việc tiến hành khảo sát có hệ thống các dạng thức [xã hội chủ nghĩa], nơi mà vấn đề giá trị có thể xuất hiện dưới dạng những tổ chức khác nhau của đời sống kinh tế. Khi chuyển dịch dần từ dạng thức gốc theo hướng ít tập trung hơn thì tới một thời điểm nào đó, các vấn đề của một nền kinh tế chỉ đạo tập trung sẽ tìm được một chỗ đứng đáng kể trong những nghiên cứu khảo sát của kinh tế học hiện đại. Rõ ràng, thảo luận về những vấn đề cơ bản dựa trên giả định về sự tồn tại chỉ một thang đo các giá trị được theo đuổi một cách nhất quán là một công việc quá đơn giản so với khi dựa trên giả định về vô số các cá nhân theo đuổi những thang đo riêng của mình, nhưng đó là điều mà trong giai đoạn đầu thảo luận về các hệ thống xã hội mới này các tác giả thường sử dụng khi đưa ra giả định về sự tồn tại của một nhà nước Cộng sản - và đã mang lại lợi thế đáng kể - như là một công cụ phân tích1. Nhưng việc giả định này được sử dụng chỉ minh chứng cho một điều, đó là, bất cứ dạng thức được đề xuất nào đều tất yếu làm nảy sinh những hiện tượng về giá trị - như tiền tô, tiền công, và tiền lãi, v.v. - mà chúng ta thực sự thấy trong xã hội cạnh tranh, và rồi nói chung các tác giả tiến tới việc chỉ ra rằng bằng cách nào sự tương tác giữa những hoạt động độc lập của các cá nhân tạo ra những hiện tượng này một cách tự phát, nhưng lại tiếp tục không nghiên cứu sâu hơn liệu những hiện tượng này có thể được tạo ra trong một xã hội hiện đại phức tạp bằng bất kỳ cách thức nào khác không. Cứ như thể, việc không có một thang đo chung, được đồng thuận về các giá trị lại là nguyên nhân khiến cho cái vấn đề về giá trị không còn bất cứ tầm quan trọng thực tiễn nào. Đúng là một số tác giả gần đây của trường phái mới không chỉ nghĩ rằng họ đã thực sự giải quyết được các vấn đề của chủ nghĩa xã hội, mà còn tin tưởng rằng mô hình tính toán độ thoả dụng của họ đã cung cấp một phương tiện cho phép họ hợp nhất thang đo độ thỏa dụng cá nhân thành thang đo các mục đích mang tính khách quan cho toàn xã hội. Nhưng bây giờ nói chung người ta đã nhận ra rằng niềm tin đó chỉ là ảo tưởng, và rằng không có những tiêu chí khoa học cho phép chúng ta so sánh hay đánh giá giá trị tương đối của các nhu cầu của những người khác nhau, mặc dù chúng ta vẫn có thể tìm thấy những kết luận được ngụ ý qua các so sánh liên cá nhân một cách không hợp lệ như vậy về độ thỏa dụng trong những cuộc thảo luận về các vấn đề đặc biệt.

Nhưng rõ ràng là, khi sự tiến bộ của việc phân tích hệ thống cạnh tranh cho thấy sự phức tạp của các vấn đề vốn dĩ được giải quyết một cách tự phát, thì các nhà kinh tế ngày càng trở nên hoài nghi về khả năng giải quyết cùng những vấn đề đó bằng quyết định có chủ ý. Có lẽ phải lưu ý rằng ngay từ năm 1854, một người Đức tên là H. H. Gossen, người nổi tiếng nhất trong số những tiền nhiệm của trường phái "lợi ích cận biên" hiện đại, đã đi đến kết luận rằng cơ quan kinh tế trung ương được những người Cộng sản thiết lập hẳn sẽ sớm nhận ra rằng nó đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ vượt xa năng lực của con người cá nhân2. Các nhà kinh tế sau này của trường phái hiện đại thường xuyên nói bóng gió với nhau về một luận điểm vốn dĩ là cơ sở để Gossen đưa ra các lập luận phản đối, đó là, sự khó khăn của việc tính toán duy lí khi không có sở hữu tư nhân. Luận điểm này được trình bày hết sức rõ ràng bởi Giáo sư Cannan, người đã nhấn mạnh một thực tế rằng các mục tiêu của những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản chỉ có thể đạt được khi "xóa bỏ cả thiết chế sở hữu tư nhân lẫn việc thực hiện trao đổi, mà khi không có chúng thì giá trị không thể tồn tại, dù theo bất kỳ nghĩa hợp lí nào của thuật ngữ này"3. Nhưng, ngoài những phát biểu khái quát dạng này, việc khảo sát một cách phê phán tính khả thi của chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa có rất ít tiến triển, với lí do đơn giản là không tồn tại bất kỳ một đề xuất xã hội chủ nghĩa cụ thể nào, bàn về cách thức mà những vấn đề này có thể vượt qua, để có thể khảo sát được4.

Chỉ vào đầu thế kỷ này, cuối cùng thì, mệnh đề tổng quát về luận điểm mà chúng ta vừa xem xét về tính không khả thi của chủ nghĩa xã hội đã được một nhà kinh tế học người Hà Lan nổi tiếng là N. G. Pierson phát biểu, và điều này đã khích động K. Kautsky, lúc đó là một lí thuyết gia hàng đầu của chủ nghĩa xã hội Marxist, phá vỡ sự im lặng truyền thống về sự vận hành thực tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa tương lai; và Kautsky đã đưa vào trong một bài thuyết giảng, với một chút ngập ngừng và nhiều lời biện bạch, một mô tả về điều gì sẽ diễn ra ngay sau cuộc Cách mạng5. Nhưng Kautsky chỉ cho thấy rằng ông thậm chí còn không thực sự ý thức được vấn đề mà các nhà kinh tế học đã nhìn thấy. Vì vậy, ông đã tạo cơ hội cho Pierson trình bày chi tiết trong một bài báo lần đầu xuất hiện trong tờ Economist bằng tiếng Hà Lan rằng, cũng giống như những hệ thống kinh tế khác, một nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ gặp phải các vấn đề về giá trị, và nhiệm vụ mà các nhà xã hội chủ nghĩa phải giải quyết là phải chỉ ra cách thức xác định giá trị của những hàng hóa khác nhau khi hệ thống giá cả không tồn tại. Bài báo này là đóng góp quan trọng đầu tiên cho cuộc thảo luận hiện đại về các khía cạnh kinh tế của chủ nghĩa xã hội, và mặc dù thực tế nó vẫn không được biết đến bên ngoài Hà Lan, và chỉ có thể tiếp cận bằng phiên bản tiếng Đức sau khi những người khác đã bắt đầu độc lập thảo luận, nó vẫn đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt vì đó là bài thảo luận quan trọng duy nhất về những vấn đề này từng được công bố trước Thế chiến I. Nó đặc biệt có giá trị nhờ sự bàn luận của mình về các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế giữa một số quốc gia xã hội chủ nghĩa6.

Tất cả những cuộc thảo luận xa hơn về các vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội xuất hiện trước Thế chiến I đều ít nhiều tự giới hạn chính chúng trong việc chứng minh rằng, chí ít các phạm trù thiết yếu về giá cả như tiền công, tiền tô, và tiền lãi, cũng cần phải được đưa vào trong những tính toán của cơ quan hoạch định theo cùng cách thức như chúng xuất hiện ngày nay, và về cơ bản sẽ được xác định bởi cùng các yếu tố. Sự phát triển hiện đại của lí thuyết về tiền lãi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nối kết này, và sau Bohm-Bawerk7, đặc biệt có Giáo sư Cassel đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng tiền lãi phải là một yếu tố quan trọng trong việc tính toán duy lí các hoạt động kinh tế. Nhưng không ai trong số các tác giả này từng cố gắng chỉ ra bằng cách nào xác định được những đại lượng thiết yếu này trong thực tế. Có một tác giả chí ít đã từng xem xét vấn đề này, đó là một nhà kinh tế người Ý tên là Enrico Barone, người đã triển khai một số gợi ý này khác của Pareto8 trong một bài báo về "Bộ sản xuất trong nhà nước tập thể" vào năm 1908. Bài báo này nhận được quan tâm đáng kể vì nó được xem như là một ví dụ về cách thức mà những công cụ phân tích toán học về các vấn đề kinh tế có thể được sử dụng để giải quyết những nhiệm vụ của một cơ quan hoạch định tập trung9.

9

Khi Thế chiến I (1914-1918) kết thúc, các đảng phái xã hội chủ nghĩa bắt đầu lên nắm quyền ở hầu hết các nước Trung và Đông Âu, và việc thảo luận về tất cả những vấn đề này tất phải bước sang một giai đoạn mới và có tính quyết định. Các đảng phái xã hội chủ nghĩa thắng cuộc hiện giờ phải suy nghĩ về một cương lĩnh hành động cụ thể, và tư liệu nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội của những năm ngay sau Thế chiến I lần đầu tiên nhận được sự quan tâm lớn với các câu hỏi thực tế về cách thức tổ chức sản xuất theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều những cuộc thảo luận này chịu sự ảnh hưởng của kinh nghiệm trong những năm chiến tranh khi nhà nước thiết lập sự kiểm soát đối với thực phẩm và nguyên liệu thô để đối phó với sự thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu nhất. Nhìn chung người ta tin rằng kinh nghiệm chiến tranh đã chỉ ra rằng sự chỉ đạo tập trung đối với các hoạt động kinh tế là khả thi và thậm chí còn ưu việt hơn so với hệ thống cạnh tranh; không những thế, nó còn cho thấy rằng các kỹ thuật đặc biệt dùng cho việc lập kế hoạch, vốn được triển khai để đối phó với những vấn đề của kinh tế thời chiến, có thể được đem ra áp dụng tương tự cho việc quản lí lâu dài đối với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Ngoại trừ Nga, nơi sự thay đổi nhanh chóng trong những năm ngay sau cuộc cách mạng để lại quá ít thời gian cho các suy tư nghiêm chỉnh, thì chủ yếu ở Đức và thậm chí nhiều hơn ở Áo, những vấn đề này đã được tranh luận một cách nghiêm túc nhất. Đặc biệt là ở Áo, nơi các nhà xã hội chủ nghĩa từ lâu đã đóng một vai trò hàng đầu trong sự phát triển trí tuệ của chủ nghĩa xã hội, nơi một đảng xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ và không bị chia rẽ đã tạo ra sức ảnh hưởng chi phối đến chính sách kinh tế của quốc gia này hơn bất kỳ quốc gia nào khác (ngoại trừ Nga), thì những vấn đề của chủ nghĩa xã hội hẳn phải được xem là đem lại một ý nghĩa thiết thực to lớn. Có lẽ cần nói qua rằng, khá kỳ lạ khi mà có rất ít các nghiên cứu nghiêm túc được dành cho những kinh nghiệm kinh tế của nước Áo trong thập kỷ sau Thế chiến I, dù chắc chắn chúng phù hợp với các vấn đề của chính sách xã hội chủ nghĩa ở phương Tây hơn là bất kỳ những gì đã xảy ra ở Nga. Nhưng, dù người ta có thể nghĩ gì về tầm quan trọng của những kinh nghiệm thực tế ở Áo chăng nữa, thì hầu như không còn nghi ngờ gì nữa, rằng những đóng góp về mặt lí thuyết được tiến hành ở đó nhằm hiểu được các vấn đề sẽ tỏ ra có ảnh hưởng đáng kể lên lịch sử trí tuệ trong thời đại của chúng ta.

Trong số những đóng góp từ tư tưởng xã hội chủ nghĩa thời kỳ đầu cho các cuộc thảo luận, cuốn sách xuất bản năm 1919 của Otto Neurath là một công trình thú vị nhất trên nhiều phương diện và cũng cá tính nhất, mặc dù nó mới chỉ nhìn thấy được rất ít bản chất của các vấn đề kinh tế có liên quan. Trong tác phẩm này, tác giả đã cố gắng chỉ ra rằng những kinh nghiệm của chiến tranh cho thấy có thể bỏ qua bất kỳ sự suy xét nào về giá trị trong việc quản lí nguồn cung hàng hóa, và rằng tất cả tính toán của các cơ quan kế hoạch trung ương nên và có thể được thực hiện bằng những đơn vị vật lí (in natura), tức là, các tính toán không cần phải được tính toán thông qua một đơn vị chung nào đó về giá trị, mà có thể được tính toán bằng hiện vật10. Neurath nhận thức khá rõ về những khó khăn không thể vượt qua do sự vắng mặt các tính toán về giá trị đặt ra đối với bất kỳ cách sử dụng các nguồn lực kinh tế hợp lí nào, và có vẻ ông thậm chí coi đó là một lợi thế. Có thể đưa ra những phê phán tương tự đối với các tác phẩm được công bố cùng thời điểm bởi Bauer11, một trong những thủ lĩnh tinh thần hàng đầu của đảng dân chủ xã hội Áo. Ở đây ta không thể phân tích chi tiết luận điểm của những tác phẩm này và một số tác phẩm khác có liên quan được xuất bản cùng thời gian đó. Tuy nhiên, ta phải đề cập tới chúng vì chúng quan trọng như là lời phát ngôn đại diện cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngay trước tác động của sự phê phán mới, và vì phần lớn phê phán mới này hướng trực tiếp hoặc ngầm ẩn đến những tác phẩm này.

Tại Đức, cuộc thảo luận tập trung xung quanh các đề xuất của "ủy ban xã hội hóa" vốn được thiết lập để thảo luận về những khả năng chuyển đổi các ngành công nghiệp riêng lẻ sang thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của nhà nước. Chính từ uỷ ban này cũng như những mối quan hệ xung quanh các định hướng của nó mà những nhà kinh tế học như E. Lederer và E. Heimann và W. Rathenau xấu số đã phát triển các kế hoạch xã hội hóa, và những bản kế hoạch này đã trở thành chủ đề chính trong cuộc thảo luận của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, do mục đích phân tích của chúng ta, các đề xuất này sẽ được quan tâm ít hơn so với những đề xuất tương tự ở Áo, vì chúng không dự liệu về một hệ thống xã hội hóa hoàn chỉnh, mà chủ yếu liên quan tới vấn đề về sự tổ chức của các ngành công nghiệp xã hội hóa riêng lẻ trong một hệ thống cạnh tranh khác. Vì lí do này, các tác giả của chúng không phải đối mặt với những vấn đề cơ bản của một hệ thống xã hội chủ nghĩa thực sự. Tuy nhiên, chúng đóng vai trò như là các triệu chứng quan trọng của tình trạng công luận ở tại thời điểm và tại quốc gia nơi việc khảo sát một cách khoa học hơn về những vấn đề này đã được khởi động. Trong giai đoạn này, một trong những dự án có lẽ xứng đáng được đề cập đặc biệt, không chỉ bởi các tác giả của nó là những người phát minh ra một thuật ngữ tân thời, "nền kinh tế kế hoạch hóa", mà còn bởi nó rất giống với các đề xuất kế hoạch hóa hiện đang rất thịnh hành ở Anh [1935]. Đó chính là bản kế hoạch được triển khai vào năm 1919 bởi R. Wissel, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, và Thứ trưởng của ông là W. von Moellendorf12. Nhưng dù là những đề xuất của họ về sự tổ chức các ngành công nghiệp riêng lẻ là rất thú vị cũng như liên quan tới nhiều vấn đề hiện đang được thảo luận ở Anh, chúng không thể được xem như là loại đề xuất xã hội chủ nghĩa mà ta đang thảo luận ở đây, mà thuộc về nhóm con đường trung dung giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Vì những lí do nêu trên nên cuộc thảo luận này đã được chủ ý đưa ra khỏi bài luận này.

Chú thích:

(1) Cũng xem F. von Wieser, Natural Value (London, 1893), nhiều đoạn.

(2) H. H. Gossen, Entwicklung der Gesetze des menschlichen Verkehrs und der daraus fliessenden Regeln fiir menschliches Handeln (Braunschweig, 1854), p. 231: "Dazu folgt aber ausserdem aus den im vorstehenden gefundenen Satzen uber das Geniessen, und infolgedessen uber das Steigen and Sinken des Werthes jeder Sache mit Verminderung und Vermehrung der Masse und der Art, dass nur durch Feststellung des Privateigenthums der Massstab gefunden wird zur Bestimmung der Quantitat, welche den Verhaltnissen angemessen am Zweckmassigsten von jedem Gegenstand zu produzieren ist. Darum wurde denn die von Communisten projectierte Zentralbehorde zur Verteilung der verschiedenen Arbeiten sehr bald die Erfahrung machen, dass sie sich eine Aufgabe gestellt habe, deren Losung die Krafte einzelner Menschen weir ubersteigt" (chữ nghiêng trong nguyên tác).

(3) E. Cannan, A History of the Theories of Production and Distribution (1893; ấn bản thứ 3, 1917), tr. 395. Giáo sư Cannan sau đó đã có một đóng góp quan trọng cho vấn đề về mối quan hệ quốc tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Cũng xem bài luận của ông "The Incompatibility of Socialism and Nationalism", trên The Economic Outlook (London, 1912).

(4) Việc không có một nỗ lực thực sự nào từ phe xã hội chủ nghĩa để giải quyết vấn đề này ít nhất cho thấy người ta đã nhận ra những khó khăn thực sự của vấn đề này. Đây là luận điểm được đưa ra bởi G. Sulzer, trong Die Zukun/t des Sozialismus (Dresden, 1899).

(5) Bài thuyết trình này lần đầu được đưa ra ở Delft vào ngày 24/04/1902, và ngay sau đó được xuất bản bằng tiếng Đức, cùng với bản dịch của một bài thuyết trình khác được đưa ra hai ngày trước đó cũng ở Delft. Bản dịch tiếng Anh của bài thuyết trình được xuất bản dưới nhan đề, The Social Revolutionand On the Morrow of the Social Revolution (London, 1907).

(6) Bản dịch tiếng Anh bài báo của Pierson nằm trong tập Collectivist Economic Planning mà tiểu luận này là Lời giới thiệu.

(7) Ngoài tác phẩm phẩm tổng quan của ông về tiền lãi, tiểu luận của ông "Macht und okonomisches Gesetz" (Zeitschri/t fur Volkswirtschaft. Sozialpolitik und Verwaltung [1914]) phải được đề cập đến một cách đặc biệt, vì ở một góc độ nào đó nó được xem như một sự báo trước trực tiếp các tác phẩm phê phán sau đó.

(8) V. Pareto, Cours d'economie politique, II (Lausanne, 1897), 364 ff.

(9) Bản dịch tiếng Anh của tiểu luận là phụ lục trong tập Collectivist Economic Planning.

(10) Otto Neurath, Durch die Kriegswirtschaft zur Naturalwirtschaft (Miinchen, 1919).

(11) O. Bauer, Der Weg zum Sozialismus (Wien, 1919).

(12) Kế hoạch này được phát triển đầu tiên trong bản ghi nhớ đệ trình cho nội các của Reich vào ngày 7/ 5/1919, và sau đó được phát triển bởi R. Wissel trong hai cuốn sách mỏng, DiePlanwirtschaft (Hamburg, 1920) và Praktische Wirtschaftspolitik (Berlin, 1919).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 7, NXB Tri thức, 2016