![[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 4)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_12.4_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 4)
DÂN CHỦ XUẤT HIỆN
Ở những nước khác ở châu Á, quá trình phát triển dân chủ đang bị khựng lại. Một vụ chuyển đổi làm nhiều người ngạc nhiên, đấy là từ năm 1990, sau 65 năm dưới chính quyền cộng sản và nghèo đói tràn lan, Mông Cổ đã đàm phán và tiến hành chuyển đổi nhanh chóng sang chế độ dân chủ. Kể từ đó, nước này đã duy trì được mức độ cao về quyền tự do chính trị và dân sự, hoạt động của xã hội dân sự, và tính cạnh tranh trong bầu cử. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển sau đã diễn ra với tốc độ chậm hơn và gần đây đang bị đe dọa, đấy là tình trạng yếu kém và chia rẽ của các đảng phái chính trị, tham nhũng gia tăng và những cuộc tranh cãi về “tốc độ và mức độ của các cuộc cải cách kinh tế.” Nhưng, trong khi Mông Cổ cho ta một cửa sổ để nhìn vào những cơ hội rộng mở cho tiến trình dân chủ ở châu Á, thì dường như nó không có ảnh hưởng tới những khu vực lớn hơn, đặc biệt là khi so sánh với Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới và là nước mạnh nhất trong số mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bao gồm một chuỗi khoảng sáu ngàn hòn đảo có người ở, sự chia rẽ giữa các sắc tộc có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và áp lực đòi li khai, Indonesia đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với khả năng sống còn của dân chủ.
Kể từ khi vị tổng thống độc tài Suharto từ chức năm 1998 – sau 30 cầm quyền – Indonesia đã bắt đầu tiến hành một trong những vụ chuyển tiếp dân chủ quan trọng nhất ở châu Á – sau khi làn sóng dân chủ hóa thứ ba bắt đầu. Trong thập kỉ vừa qua, nước này đã liên tục thực hiện những cuộc cải cách chính trị nhằm dỡ bỏ quyền lực đan xen một cách chặt chẽ giữa quân đội Indonesia và đảng cầm quyền gọi là Golkar. Năm 1999, cả nước bắt đầu tiến hành phân cấp quyền lực và tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng cởi mở. Năm 2003, thành lập tòa án hiến pháp, với nhiệm vụ giám sát về mặt hành chính hệ thống tư pháp ngày càng độc lập hơn, cũng như giám sát Ủy ban bài trừ tệ tham nhũng. Trong vòng có 5 năm, lần đầu tiên sau hơn 40 năm, nước này được chứng kiến cuộc bầu cử quốc hội tự do (1999) và quốc hội dân cử theo lối hoàn toàn dân chủ (không còn 38 ghế giành riêng cho quân đội nữa, năm 2004), trong khi chức vụ tổng thống được bầu trực tiếp. Cuộc bầu cử năm 2004, 17 đảng tranh nhau ghế trong quốc hội gồm 550 thành viên, không đảng nào giành được 25% số ghế trong quốc hội, được các nhà quan sát quốc tế đánh giá là tự do và công bằng. Trong cuộc bầu cử tổng thống này, Susilo Bambang Yudhoyono, một vị tướng hồi hưu, người đã giúp đưa quân đội ra khỏi chính trường, đã bị thách thức nghiêm trọng trong vòng bầu cử thứ hai.
Dưới thời tổng thống Yudhoyono, cải cách đã tăng tốc. Vị tướng hồi hưu này tiếp tục cắt bớt ảnh hưởng của giới quân nhân trên chính trường, mặc dù ảnh hưởng này vẫn còn ở bộ máy quản lý khu vực. Năm 2005, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Indonesia bầu các lãnh đạo chính quyền địa phương một cách dân chủ (khoảng 180 người), và chính phủ tiến hành đàm phán giải pháp hòa bình ở tỉnh Aceh, khu vực nhiều dầu mỏ, nhằm chấm dứt phong trào li khai từng làm cho bạo lực lan tràn và những biện pháp đàn áp kéo dài từ năm 1976. Trong khi đó, do giá dầu trên thế giới tăng vọt và sản xuất giảm đến mức Indonesia trở thành nước nhập khẩu ròng, tổng thống đã có bước đi cần thiết nhưng khó khăn và tốn kém về mặt chính trị nhằm cắt hẳn các khoản bù giá nhiên liệu.
Chắc chắn là, Indonesia vẫn là chế độ dân chủ có nhiều rắc rối với chế độ pháp quyền còn quá yếu. “Lạm dụng chức vụ để vun vén cho lợi ích cá nhân vẫn là hiện tượng tràn lan,... Các mối quan hệ thối nát giữa các đối tác tư nhân đầy sức mạnh với các quan chức chính phủ, các chính trị gia và quan chức trong ngành an ninh đã thấm vào hệ thống chính trị và làm suy yếu nó từ bên trong.” Kết quả là, “các nhóm lợi ích đầu sỏ trong lĩnh vực kinh doanh tạo được ảnh hưởng quá mức đối với các đảng phái, các cơ quan lập pháp và hành pháp.” Tham nhũng thấm sâu vào nhiều cơ quan hành chính địa phương, thường song hành với “những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.” Các quan chức an ninh vi phạm và xã hội đen thường được tha bổng bởi vì chính các cơ quan tư pháp (cùng với cảnh sát) cũng dính vào những “vụ tham nhũng cực lớn.” Có những khiếm khuyết nghiêm trọng, mang tính kinh điển, đe dọa khả năng tồn tại trong dài hạn chế độ dân chủ phi tự do. Tuy nhiên, cũng phải xem xét Indonesia đã tiến xa đến mức nào trong có một thập kỉ, và quy mô của những vụ thiên tai mà chính phủ của nước này đã giải quyết: những vụ cháy rừng lớn, sóng thần năm 2004 giết chết hơn hai trăm ngàn người, năm 2006 động đất ở trung tâm đảo Java làm hơn một triệu người thành vô gia cư. Khả năng của chế độ dân chủ này trong việc đối phó với áp lực thật là ấn tượng và cùng với những cuộc cải cách từng bước một, nó sẽ mang lại cho đất nước này cơ hội tốt nhằm duy trì những thiết chế vừa mới ra đời.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)