[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 11:  Nhà nước lỗi thời (Phần 2)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 11: Nhà nước lỗi thời (Phần 2)

Chạy trốn các dịch vụ của chính phủ

Hiện nay, chính phủ ngày càng tìm cách cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn – không ai có thể tính đếm hết được - và người ta cũng ngày càng thất vọng hơn với chất lượng của các dịch vụ do chính phủ cung cấp. Thế giới đang nhanh chóng chuyển sang Thời đại Thông tin, nhưng trường học và bưu điện thì vẫn hoạt động như cũ. Những nhà cung cấp dịch vụ tài chính khổng lồ đưa ra một loạt các sản phẩm được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng, dịch vụ khách hàng hoạt động hai mươi bốn giờ mỗi ngày, nhưng hệ thống An sinh xã hội và những hệ thống khác - do chính phủ điều hành - thì cũng vẫn hoạt động như cũ. Công viên, đường phố, các dự án nhà ở và trường học của nhà nước ngày càng bẩn thỉu hơn và nguy hiểm hơn. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều Mỹ tìm cách chạy trốn các dịch vụ chính phủ, những người này thường phải trả thêm cho các sản phẩm và dịch vụ mà họ đã trả bằng tiền thuế.

Robert Reich, Bộ trưởng Bộ lao động trong chính quyền của Tổng thống Bill Clinton và là tác giả của nhiều cuốn sách thuộc hàng best-seller bàn về những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế, đã từng phàn nàn về những cái mà ông gọi là “sự ly khai của những người thành đạt”; năm 1995, ông nói với những sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Maryland (University of Maryland) rằng những người Mỹ giàu nhất đang tự tách mình ra khỏi phần còn lại của xã hội – họ làm việc ở những vùng ngoại ô, mua sắm trong khu mua sắm an toàn ở ngoại thành và thậm chí, sống trong các cộng đồng riêng. Tệ hơn nữa, ông nói, họ đang tìm cách chống lại những nỗ lực của chính phủ trong việc chi tiêu tiền thuế của họ ở bên ngoài cộng đồng mà họ sinh sống. Những người dân chủ xã hội, tương tự như Reich, tức là những người lo lắng cho những giá trị của cộng đồng, cần phải nghĩ vì sao chính sách của họ lại làm cho người Mỹ xa cách nhau. Họ đã giao cho chính phủ quá nhiều nhiệm vụ, và như vậy là đã làm suy yếu khái niệm xưa cũ về trách nhiệm và đạo đức cá nhân, và chính phủ không còn thực hiện được chức năng cơ bản của nó là bảo vệ chúng ta, để chúng ta không bị xâm phạm về mặt thể xác. Họ đã tập trung và quan liêu hóa các trường học đến mức chẳng còn mấy người quan tâm đến dạy và học nữa. Họ đã quốc hữu và quan liêu hóa công tác từ thiện. Có nên ngạc nhiên không khi người ta chạy trốn khỏi những thiết chế được tạo ra theo cách đó?

Thông tin liên lạc

Bưu điện Mỹ, một trong những công ty độc quyền lớn nhất thế giới, và nó cũng cho thấy toàn bộ tình trạng lề mề của một công ty độc quyền do chính phủ quản lý. Chỉ trong đời sống của một thế hệ gần đây, tất cả những hình thức thông tin liên lạc khác đều đã thay đổi đến mức không còn nhận ra được, nhưng Bưu điện vẫn ì ạch cùng với 800.000 nhân viên, vẫn gửi thư theo lối cũ, nhưng mỗi năm lại chậm hơn một chút. Trong vòng 15 năm qua, giá một megabit bộ nhớ máy tính cá nhân đã giảm từ 46.000 USD xuống còn 1 USD, nhưng giá tem thư thì tiếp tục tăng. Chúng ta đã nghe những câu chuyện khủng khiếp về bưu điện: 200 pound (một pound khoảng 450 gram – ND) thư được tìm thấy bên dưới một cái cầu vượt ở Chicago, 800.000 bức thư thuộc loại dịch vụ bưu điện hạng nhất bị giấu trong một chiếc xe đầu kéo ở gần một bưu điện Maryland vì người ta nói rằng nếu thư đã ra khỏi bưu điện thì không bị coi là “chậm” - nhưng tốc độ và độ tin cậy của thông tin liên lạc là những vấn đề quan trọng.

Ở những khu vực được phép cạnh tranh, ngành Bưu điện Mỹ bị mất gần như tất cả thị phần. 25 năm trước, thị trường vận chuyển bưu kiện chiếm 65%, đến năm 1990 chỉ còn 6%; và thị phần giao hàng qua đêm giảm từ 100% xuống còn 12% hoặc ít hơn (tùy theo ước tính của ngành). Những công ty như Mail Boxes Etc. ngày càng xây dựng nhiều trạm bưu chính và quầy dịch vụ, được một khách hàng mô tả: “đúng là những thứ bạn muốn thấy ở bưu điện” – hữu hảo, hiệu quả và có những món như hộp giấy và băng dính. Khi có sự lựa chọn, phần lớn các doanh nghiệp và cá nhân đều muốn để cho các công ty tư nhân, hoạt động theo lối cạnh tranh, vận chuyển thư từ, bưu phẩm của họ.

Nhưng dịch vụ bưu điện hạng nhất thì không có lựa chọn. Pháp luật cho Bưu điện Mỹ nắm độc quyền trong lĩnh vực này, nghĩa là công ty tư nhân chuyển bức thư cho người nhận là bất hợp pháp, trừ trường hợp “khẩn cấp”, mà phí ít nhất phải là 3 USD. Bưu điện Mỹ rất quan tâm tới những trường hợp “khẩn cấp” ngoại lệ này; Họ giám sát – bằng ống nhòm, kính thiên văn – các lô hàng và xuất phát của xe chở hàng, và cho nhân viên đến các công ty tư nhân để kiểm tra xem họ gửi gì qua Federal Express hay United Parcel Service. Mỗi năm họ phạt những công ty giao cho tư nhân gửi những bưu kiện được coi là không khẩn cấp hàng trăm ngàn USD. Dường như một công ty sẵn sàng trả mấy USD để bức thư được giao ngay ngày hôm sau là bằng chứng chứng tỏ tính cấp bách của nó, nhưng ngành Bưu điện tin rằng họ là người hiểu rõ nhất cái gì là cấp bách đối với doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi đó, các công ty tư nhân và các cá nhân đang ngày càng tích cực tìm cách né nạn độc quyền của bưu điện. Trong một nghĩa nào đó, fax và thư điện tử đang làm xói mòn thị phần các Bưu điện ngay trong thị trường mà nó nắm độc quyền. Đã có những ước tính cho rằng 50% lưu lượng điện thoại qua Đại Tây Dương và 30% lưu lượng điện thoại Mỹ-Thái Bình Dương là những bản tin được gửi qua fax. Thư điện tử sẽ còn mang tính cách mạng hơn nữa. Steve Gibson, thuộc Viện sinh thái học (Bionomics Institute), chỉ ra rằng máy in do Gutenberg phát minh đã làm giảm chi phí sao chép văn bản xuống một nghìn lần chỉ trong bốn mươi năm. Để so sánh, ông nói rằng, 25 sau khi phát minh ra bộ vi xử lý - năm 1971 - chi phí cho việc sao chép thông tin đã giảm mười triệu lần. Trong thập kỷ tới, công suất của máy tính dự kiến sẽ tăng 100 lần; còn băng thông, tức là kích thước của những đường “ống” vận chuyển thông tin kỹ thuật số, ví dụ như e-mail, sẽ tăng 1.000 lần.

Chẳng bao lâu nữa, thư viết trên giấy sẽ bị vất vào sọt rác của lịch sử. Cuối những năm 1970, Bưu điện Mỹ cố gắng bảo vệ sự độc quyền của mình bằng cách nắm độc quyền thư điện tử. Đó là phản ứng tự nhiên của doanh nghiệp độc quyền trước khả năng bị cạnh tranh trong tương lai, và tất cả chúng ta có thể vui mừng vì kế hoạch đã thất bại. Câu hỏi đặt ra là, vì sao một cơ quan quản lý hành chính quan liêu cồng kềnh lại được nắm độc quyền trong việc chuyển thư viết trên giấy. Có lẽ nếu bỏ độc quyền bưu chính thì các doanh nghiệp tư nhân có thể đã tìm ra biện pháp chuyển thư hiệu quả trước đó vài năm rồi. Nếu không, nền kinh tế sẽ coi Bưu điện là vật cản trở trên đường dây điện thoại và sẽ tìm các né nó.

Giáo dục

Mỗi năm chúng ta lại chi nhiều tiền hơn cho trường công lập – chi phí thực tế hiện nay lớn hơn 3 lần so với năm 1960 – nhưng điểm kiểm tra lại thấp hơn và nhiều trường trong thành phố đã trở thành những địa điểm thực sự nguy hiểm. Theo Keith Geiger, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA), khoảng 40% giáo viên trường công lập trong các thành phố cho con học ở trường tư thục. Chắc chắn là họ biết chuyện gì đó. Nhưng, NEA tìm mọi cách nhằm ngăn chặn những gia đình khác lựa chọn trường; năm 1993 Hiệp hội đã chi tới 16 triệu USD chỉ để làm thất bại một sáng kiến về việc chọn trường ở bang California.

Nhiều người Mỹ đã quyết định bỏ trường công lập và cho con học trong các trường tư thục, thực tế là họ phải trả hai lần tiền cho việc học hành của con em mình. Trong số đó có Tổng thống Clinton, Phó Tổng thống Al Gore, Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy, Mục sư Jesse Jackson, và người sáng lập Quỹ Bảo vệ trẻ em Marian Wright Edelman, tất cả đều là những người chống đối quyết liệt quyền lựa chọn trường học. Những gia đình không giàu có bằng sẽ khó khăn vì vừa phải đóng thuế cao vừa phải đóng học phí cho trường tư thục. Tuy nhiên, một số gia đình nghĩ rằng trường tư thục xứng đáng với những hy sinh mà nó đòi hỏi. Viện Giáo dục Độc lập phát hiện được rằng cả nước có 390 ngôi trường nhỏ do người da đen quản lý, 22% học sinh trong các trường này là con em những gia đình có thu nhập dưới 15.000 USD một năm, 35% là con em những gia đình có thu nhập từ 15.000 đến 35.000 USD một năm.

Một số gia đình khác, thường là những người khéo léo hơn về mặt chính trị, tìm cách xỏ mũi hệ thống: âm thầm đưa con em vào những trường tốt hơn trong khu vực khác của thị trấn hay trong những thị trấn gần đó. Những gia đình này sử dụng địa chỉ của bạn bè và người thân để đưa con của mình vào trường ở các quận huyện khác, lập hòm thư, hoặc buộc các quan chức của nhà trường phải ưu tiên để con em của họ được học ở những trường tốt hơn. Đáp lại, các quan chức của trường quay cảnh phim trẻ đi ra khỏi ga tàu điện ngầm để tìm cho bằng được những học sinh không sống trong khu vực và yêu cầu cơ quan lập pháp siết chặt hình phạt đối với việc “gian lận khi xin học”.

Nhiều gia đình không cho con đến trường nữa và bắt đầu tự dạy con ngay ở nhà. Các gia đình quyết định cho con học ở nhà vì nhiều lý do. Nhiều môn học trong các trường của nhà nước bị họ coi là chủ nghĩa thế tục cực đoan và muốn cho con em mình được hưởng một nền giáo dục được xây dựng trên cơ sở tôn giáo. Những người khác thì không thích sự đơn điệu và độc đoán mà có lẽ là không thể nào tránh được khi người ta đưa vào lớp học từ 20 đến 30 trẻ em và tìm cách dạy cho tất cả các cháu cùng một thứ. David Colfax - ba người con của ông này học ở nhà mà thi vào được Đại học Harvard (Harvard University) – nói: “Các trường công lập, như hiện nay, là bộ máy quản lý hành chính quan liêu bất bình thường”. Đối với những bà mẹ muốn ở nhà trông con, việc dạy con học có thể là lựa chọn ít tốn kém hơn là học ở trường tư thục. Còn một số gia đình thì nghĩ đơn giản là nhà trường không dạy được tốt những môn căn bản.

Những tính toán khác nhau đưa ra số trẻ em học ở nhà giao động từ 500.000 đến 1.500.000, nhưng tất cả các nhà quan sát đều đồng ý rằng số trẻ em học ở nhà đã tăng nhanh trong suốt 20 năm qua. Người ta còn xuất bản những bản tin dành những gia đình Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, gia đình người da đen tự dạy con học ở nhà. Có cả những Web Site dành cho học sinh học ở nhà, còn các câu lạc bộ thể thao thì giúp họ làm quen với nhau, tập thể thao và tương tác xã hội. Học ở nhà có nghĩa không cần chính phủ, nhưng vẫn cần xã hội dân sự.

Mặc dù học sinh học tại nhà có điểm kiểm tra khá cao, nhưng hệ thống trường học tìm mọi cách ngăn chặn, không để cho phụ huynh tự dạy con em của mình. Một quan chức trong ngành giáo dục ở Michigan đã ủng hộ việc bắt giữ một người mẹ không có chứng chỉ giáo viên bằng cách nói: “Nhà nước quan tâm tới lợi ích của nhà nước trong tương lai, mà trẻ em là tương lai của nhà nước”. Các quan chức trong ngành giáo dục dường như coi việc học ở nhà là phủ nhận hệ thống giáo dục, tất nhiên là thế rồi. Ngoài ra, cứ mỗi học sinh, bang và liên bang lại hỗ trợ cho các sở giáo dục trung bình từ 4.000 tới 7.000 USD, vì vậy, trẻ con tự học ở nhà thì những người quản lý sẽ nhận được ít tiền hơn. Hầu hết các bang đã tự do hóa luật lệ, nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 2.500 gia đình cho con học ở nhà tìm đến Hiệp hội bảo vệ về mặt pháp lý cho việc học ở nhà (năm 1987 có 55 vụ xử, đến năm 1991 đã tăng lên thành 75 vụ).

Thách thức lớn tiếp theo đối với hệ thống giáo dục là các công ty tìm kiếm lợi nhuận bước vào thị trường giáo dục. Mỗi năm Mỹ chi khoảng 600 tỷ USD cho lĩnh vực giáo dục, một nửa số tiền đó được dành cho các từ lớp mẫu giáo đến lớp mười hai. Nếu tất cả số tiền đó đều do các gia đình chi thì có khả năng là các công ty tìm kiếm lợi nhuận có thể đã cung cấp được một nền giáo dục tốt hơn hẳn so hệ thống trường lớp độc quyền sơ cứng hiện nay. Nhưng, số tiền đó được chi tiêu theo kiểu tập thể, cho nên tất nhiên, hầu hết các công ty tìm kiếm lợi nhuận bị cho ra rìa, và vì vậy, công nghệ giáo dục vẫn chẳng khác gì thế kỷ XVIII. Nhưng trường học thiếu hiệu quả đến mức 60% hội đồng các trường đã bắt đầu xem xét việc thuê các công ty tham gia quản lý một số hoạt động của trường. Năm 1996, Hội nghị hàng năm lần thứ nhất ngành giáo dục được tổ chức và bản tin mang tên Báo cáo lĩnh vực giáo dục (Education Industry Report), đã đưa 25 công ty giáo dục vào Chỉ số trong lĩnh vực giáo dục, thương tự như chỉ số Dow Joes (Dow Jones-Index); chỉ số này đang tăng rất nhanh. Các công ty như Sylvan Learning Systems và Huntington Learning Center đang kiếm lời từ việc dạy trẻ em những thứ mà trường học không dạy được. Công ty Hooked on Phonics quảng cáo: “Chúng tôi bảo đảm sẽ hoàn lại tiền. Bạn không muốn các trường làm thế hay sao?”

Vấn đề không phải là xã hội dân sự và thị trường không thể dạy được trẻ con. Vấn đề là các nhóm lợi ích đặc biệt, được hưởng lợi từ hệ thống hiện hành được nhà nước dùng tiền thuế tài trợ, không để cho phụ huynh giữ lại tiền của mình và mua giáo dục ở những nơi mà họ cho là có sản phẩm tốt nhất. Nhưng, trong vài năm tới, khi hệ thống trường công tiếp tục suy thoái và người ta dễ dàng tiếp cận với công nghệ dạy và học mới, sẽ ngày càng có nhiều người bỏ trường công để tìm cho con em mình một nền học vấn mà họ cần - ngay cả khi thị trường giáo dục vẫn bị o ép như hiện nay.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan