[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 16 - Xã hội học: Comte và các môn đồ

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 16 - Xã hội học: Comte và các môn đồ

I.

Tám năm sau cuốn Système de politique positive 1 đầu tiên ra đời, một tác phẩm khác của Comte xuất hiện làm rạng danh tên tuổi của ông. Đấy là bộ Cours de philosophie positive [Các bài giảng về triết học thực chứng], bản ghi chép lại các bài giảng mà ông bắt đầu thuyết trình lần đầu tiên vào năm 1826 và sau đó, vào năm 1829 khi ông đã khỏi căn bệnh thần kinh, được in thành sáu tập, xuất hiện trong giai đoạn từ 1830 tới 1842 2. Dành trọn những năm tháng đẹp nhất đời mình vào công việc lý luận này, Comte luôn trung thành với niềm tin đã dẫn đến sự đổ vỡ trong quan hệ với Saint-Simon: việc tái tổ chức xã hội về mặt chính trị chỉ có thể đạt được sau khi đã thiết lập được một nền tảng tinh thần trên cơ sở tái tổ chức mọi tri thức 3. Nhưng ông vẫn luôn để tâm đến mảng chính trị. Tác phẩm triết học lớn nhất của ông đích thực là bộ Système de politique positive (4 tập, 1851-54) hoàn chỉnh, một tác phẩm tuy có nhiều chi tiết kỳ quặc không cần thiết nhưng đã kiên định triển khai những kế hoạch từ thời trai trẻ của Comte. Và nếu như ông không bị mất đột ngột vào năm 1857, hẳn ông đã tiếp tục mở rộng công trình này sang phần thứ ba của kế hoạch ban đầu, một chuyên luận tỉ mỉ không kém về công nghệ hay là “tác động của con người lên thiên nhiên”.

Ở đây chúng ta không thể tóm tắt toàn bộ triết học của Comte hay sự phát triển của cái triết học ấy. Chúng ta chỉ quan tâm đến sự ra đời của một ngành khoa học mới mà cả Saint-Simon và Comte thời trẻ đều mơ tới nhưng chỉ thành hiện thực khi có những tác phẩm vào thời kỳ sung mãn của Comte. Tuy nhiên, vì toàn bộ công trình nghiên cứu của Comte đều hướng đến mục tiêu này nên chúng ta không thể chỉ giới hạn công việc của mình ở đây. Trong công trình đồ sộ của ông, chúng ta phải xem xét những khía cạnh có tầm quan trọng đặc biệt do ảnh hưởng của chúng đến những nhà tư tưởng hàng đầu khác của thời kỳ đó, hoặc do chúng đặc biệt tiêu biểu cho những xu hướng tư duy của thời đại. Những khía cạnh này chủ yếu liên quan đến các phương pháp thích hợp để nghiên cứu các hiện tượng xã hội, một chủ đề được đề cập rất nhiều trong bộ Cours. Nhưng có lẽ cần chỉ ra rằng chính vì những chủ đề mà chúng ta quan tâm được giải quyết trong tác phẩm này nên chúng ta sẽ giới hạn xem xét của chúng ta chỉ trong nội dung của nó, và chúng ta không thể chấp nhận quan niệm đã xuất hiện phổ biến rằng giữa tác phẩm này và các tác phẩm về sau của Comte có sự thay đổi về cơ bản, xuất phát từ căn bệnh thần kinh ngày càng trầm trọng của ông 4

Chúng ta có thể điểm lại một vài sự kiện chi tiết hơn về cuộc đời của Comte để hiểu thêm những quan điểm của ông cũng như phạm vi và giới hạn của tầm ảnh hưởng của ông. Đặc trưng quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông có lẽ là: ông vẫn là một nhà toán học do ông được đào tạo về chuyên ngành này. Trong phần lớn cuộc đời mình, ông kiếm sống bằng việc dạy và nghiên cứu toán học cho Ecole polytechnique – nhưng người ta vẫn từ chối phong cho ông chức giáo sư tại ngôi trường này, điều mà ông vẫn hằng ao ước. Những bất bình và cãi cọ liên miên xuất phát từ những lời cáo buộc từ phía ông cuối cùng khiến ông không giữ được bất kỳ vị trí nào dù là nhỏ nhất, và điều này phần nào giải thích vì sao ông ngày càng trở nên bị cô lập, vì sao ông thể hiện sự khinh thường không che giấu đối với số đông những người làm khoa học cùng thời, và vì sao các tác phẩm của ông hầu như không được để ý đến ngay tại quê hương mình khi ông còn sống. Mặc dù rốt cuộc ông cũng tìm được một vài môn đồ đầy nhiệt huyết, thì nhìn chung chẳng có gì khó hiểu khi ông là một nhân vật đơn điệu, không hấp dẫn đối với đa số mọi người; cách tư duy của ông khiến cho những người có nhiều điểm tương đồng với ông nhất cũng phải khó chịu 5. Người tự hào rằng chỉ trong vài năm tuổi trẻ đã tiếp thu tất cả những kiến thức mà từ đó ông có thể hệ thống hóa trên quy mô đồ sộ tất cả khoa học của nhân loại, và người dành phần lớn đời mình thực hiện công cuộc “giữ sạch não bộ” bằng cách không đọc các tác phẩm mới xuất bản, hẳn không thể ngay tức khắc được thừa nhận là preceptor mundi et universae scientiae [bậc thầy khoa học của cả thế giới và nhân loại] như ông vẫn tự phong cho mình. Độ dài quá mức, sự rườm rà và văn phong quê mùa của các tác phẩm ông viết thời kỳ sau này cũng là một rào cản nữa khiến chúng không đến được với đông đảo công chúng. Tuy nhiên, nếu điều này hạn chế số người trực tiếp biết đến tác phẩm của ông, thì bù lại nó gây ra tác động sâu sắc đối với một số nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất của thời đại đó. Ảnh hưởng của ông được xếp vào hàng lớn nhất thế kỷ XIX, tất nhiên là trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng xã hội, mặc dù phần lớn là ảnh hưởng gián tiếp.

II.

Toàn bộ triết lý của Comte tất nhiên xoay quanh quy tắc trứ danh về ba giai đoạn mà chúng ta đã gặp ở những bài luận thời kỳ đầu của ông. Ông cũng đã xác định là phải làm cho đối tượng nghiên cứu chính của mình phải tuân theo quy tắc này: tất cả những môn khoa học đơn giản hơn như vật lý, hóa học và sinh học đã đạt đến giai đoạn thực chứng, công việc dành cho Comte là làm tương tự với môn khoa học “vua” về nhân loại; và do đó, ông phải hoàn thiện bước phát triển trọng yếu của tâm trí con người. Tuy nhiên, sự chú trọng mà bản thân Comte và những người diễn giải học thuyết của ông dành cho ba giai đoạn riêng biệt này lại khá là sai lệch. Có sự đối lập rất lớn giữa một bên là giai đoạn thần học và giai đoạn siêu hình (giai đoạn sau chỉ là “sự cải biến” 6của giai đoạn đầu), và bên kia là giai đoạn thực chứng. Điều mà ông quan tâm là sự giải phóng dần dần và liên tục khỏi việc lý giải theo thuyết nhân hình tất cả các hiện tượng mà mỗi ngành khoa học chỉ có thể đạt được khi phát triển đến giai đoạn thực chứng. Giai đoạn siêu hình chỉ đơn thuần là thời kỳ tan rã của giai đoạn thần học, thời kỳ rất quan trọng trong đó con người tuy đã trút bỏ được những quan điểm thô sơ của thuyết nhân cách, tức quan điểm là phải tìm ra những ý nghĩa tâm linh và thần thánh trong mọi hiện tượng, nhưng lại chỉ thay thế những quan điểm này bằng các thực thể trừu tượng hay các bản chất vốn không có chỗ đứng trong quan điểm khoa học thực chứng thực sự. Trong giai đoạn thực chứng, mọi giải thích các hiện tượng bằng các nguyên nhân hoặc một tuyên bố về “phương thức sản xuất” đều phải bị chấm dứt 8; giai đoạn này hướng tới việc liên kết trực tiếp các hiện tượng quan sát được với nhau bằng các quy tắc về sự cùng tồn tại hoặc tính tiếp nối hoặc, như cách nói hiện đại mà thời ấy Comte chưa sử dụng, hướng tới việc thuần túy “mô tả” các mối tương quan giữa chúng bằng các quy luật chung và bất biến. Nói cách khác, do thói quen tư duy mà con người có được khi lý giải các hành động của mình từ lâu đã cản trở việc nghiên cứu thiên nhiên bên ngoài, và việc nghiên cứu đó chỉ thực sự đạt được những tiến bộ tương xứng khi bỏ được thói quen này của con người, nên cách thức để đạt được sự tiến triển trong việc nghiên cứu con người cũng phải như vậy: chúng ta phải chấm dứt việc nhìn nhận con người theo thuyết nhân hình và phải coi như những gì chúng ta biết về con người cũng ít ỏi như những gì chúng ta biết về thiên nhiên. Tuy Comte không mất quá nhiều lời như vậy để diễn tả điều này nhưng ông cũng làm gần như vậy, và do đó, người ta không thể không thắc mắc tại sao ông lại không nhận ra bản chất nghịch lý của kết luận này9.

Nhưng việc phải nhìn nhận con người khi xem xét các hiện tượng xã hội dưới góc độ thực chứng theo cùng cách thức như cách chúng ta tiếp cận các hiện tượng tự nhiên vô tri vô giác chỉ là một nét tiêu cực trong đặc điểm của ngành “khoa học tự nhiên” 10 mới về xã hội. Chúng ta vẫn còn phải xem đâu là các đặc điểm tích cực của phương pháp “positive” này [chơi chữ: “positive” vừa có nghĩa là “tích cực”, vừa có nghĩa là “thực chứng” - ND]. Đây là công việc khó khăn hơn nhiều, bởi thật đáng tiếc, những gì Comte trình bày về phần lớn các vấn đề nhận thức luận liên quan đều ngây thơ và không thỏa đáng. Nền tảng cho các quan điểm của Comte hiển nhiên là nhận định đơn giản rằng “đặc điểm cơ bản của toàn bộ ngành triết học thực chứng là phải coi tất cả các hiện tượng đều tuân theo những quy luật tự nhiên bất biến mà việc phát hiện ra những quy luật này và giảm thiểu số lượng các quy luật này đến mức tối thiểu có thể là mục tiêu của mọi nỗ lực của chúng ta” 11. Mọi ngành khoa học đều giải quyết những thực tế quan sát được 12, và, như ông đã tuyên bố trong một câu nói mà ông tự hào trích ra từ một bài luận ông viết năm 1825, “bất kỳ định đề nào không thừa nhận việc nó có thể rút gọn được về một cách biểu đạt đơn giản phản ánh thực tế, dù là thực tế đặc biệt hay thông thường, đều không có giá trị thực hay ý nghĩa trí tuệ” 13. Nhưng trong các tác phẩm của Comte, câu hỏi mà chúng ta rất khó tìm được lời giải đáp là: “các hiện tượng” tuân theo các quy luật bất biến, hay những thứ mà ông gọi là “các thực tế”, chính xác có nghĩa là gì. Nhận định cho rằng mọi hiện tượng đều tuân theo các quy luật tự nhiên bất biến rõ ràng có ý nghĩa chỉ khi chúng ta có chút manh mối về đâu là những sự kiện riêng lẻ sẽ phải được xem xét như là những hiện tượng giống nhau. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là tất cả những gì có vẻ giống nhau theo các giác quan của chúng ta đều biểu hiện hành vi theo cách thức giống nhau. Nhiệm vụ của khoa học là tái phân loại một cách chính xác những ấn tượng cảm giác trên cơ sở mối quan hệ (cùng tồn tại hoặc tiếp nối nhau) với những ấn tượng khác để có thể thiết lập những hiện tượng xuất hiện thường xuyên về hành vi của các đơn vị cơ sở (units of reference) mới được xây dựng. Nhưng đây lại chính là điều Comte phản đối. Việc xây dựng những kiểu thực thể mới như “ether” rõ ràng là một quá trình siêu hình và bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải thích “phương thức sản xuất” của các hiện tượng mà không dựa trên việc nghiên cứu những quy luật liên kết trực tiếp các thực tế quan sát được phải bị nghiêm cấm. Điều cần nhấn mạnh là việc thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa những thực tế vừa được đưa ra. Nhưng những thực tế này (có thể là “cụ thể” hoặc “tổng quát”!) là gì dường như không thành vấn đề đối với Comte, người tiếp cận vấn đề theo một kiểu chủ nghĩa hiện thực hoàn toàn ngây thơ và không có tính phê phán. Cũng như trong toàn bộ chủ nghĩa thực chứng thế kỷ XIX 14, khái niệm này vẫn chưa được làm sáng tỏ là bao.

III.

Có thể tìm ra dấu hiệu duy nhất giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của thuật ngữ thực tế hay dữ kiện (fact) mà Comte sử dụng từ việc nó thường xuyên được liên kết với tính từ quan sát được (observed), cũng như việc Comte bàn luận về khái niệm quan sát (observation) của ông. Điều này vô cùng quan trọng đối với ý nghĩa của thuật ngữ thực tế trong lĩnh vực mà chúng ta đang quan tâm, đó là nghiên cứu con người và các hiện tượng xã hội. Comte đã cho chúng ta biết rằng: “Sự quan sát thực thụ nhất thiết phải ở bên ngoài người quan sát” và “sự quan sát từ bên trong mà người ta vẫn đồn thổi chẳng qua chỉ là nhái lại một cách vô ích sự quan sát từ bên ngoài”, và điều này bao hàm “tình huống mâu thuẫn nực cười khi trí tuệ của chúng ta tự ngắm mình trong khi thực hiện các hoạt động thường lệ” 15. Theo đó, Comte nhất quyết phủ nhận triển vọng của mọi ngành tâm lý học, “bước chuyển hóa cuối cùng của thần học” 16, hoặc ít nhất là mọi tri thức mang tính nội quan về tâm trí con người. Chỉ có hai cách để các hiện tượng thuộc về tâm trí cá nhân có thể trở thành đối tượng của nghiên cứu thực chứng: hoặc là thông qua nghiên cứu các cơ quan tạo ra chúng, tức thông qua “tâm lý học não tướng” (phrenological psychology) 17; hoặc thông qua việc nghiên cứu “các kết quả ít nhiều mang tính trực tiếp và kéo dài của các chức năng tình cảm và lý trí” do chúng có một đặc điểm kỳ quặc là “không thể quan sát trực tiếp khi chúng đang được thực hiện” 18 – đây có lẽ là cái mà ngày nay người ta gọi là cách tiếp cận theo chủ nghĩa hành vi. Bên cạnh hai cách chính thống để nghiên cứu các hiện tượng thuộc về tâm trí cá nhân, sau này, do việc hình thành bộ môn xã hội học, người ta đã bổ sung thêm việc nghiên cứu “tâm trí tập thể”, hình thức tâm lý duy nhất phù hợp được chấp nhận đưa vào hệ thống thực chứng.

Về cách tiếp cận đầu tiên trong số những cách tiếp cận này, ở đây chúng ta không cần nói thêm điều gì ngoài việc cần lưu ý rằng Comte thậm chí đã rơi hoàn toàn vào vòng ảnh hưởng của người đã sáng lập ra “não tướng học”, “Gall lừng danh, người đã có những tác phẩm bất hủ, để lại những ấn tượng không phai mờ trong tâm trí nhân loại” 19, khi tin rằng nỗ lực của ông nhằm khoanh vùng những “năng lực” tâm trí cụ thể vào trong những vùng cụ thể của não bộ đủ để thay thế mọi hình thức tâm lý khác.

Cách tiếp cận “theo chủ nghĩa hành vi” của Comte đáng được chúng ta lưu tâm nhiều hơn vì dưới hình thức khởi thủy này, cách tiếp cận ấy bộc lộ rất rõ các nhược điểm của nó. Chỉ vài trang sau khi Comte giới hạn việc nghiên cứu tâm trí cá nhân vào trong phạm vi quan sát “các kết quả ít nhiều mang tính trực tiếp và kéo dài” của nó, công việc này đã trở thành việc quan sát trực tiếp “một loạt các hành vi trí tuệ và đạo đức vốn thuộc về ngành lịch sử tự nhiên nhiều hơn” và đây là những thứ mà có vẻ như ông cho là, về một khía cạnh nào đó, được cho trước và được biết đến một cách khách quan mà không cần phải sử dụng phép nội quan hay sử dụng bất kỳ phương tiện nào không phải là “quan sát từ bên ngoài”. Do đó, Comte không chỉ ngầm thừa nhận các hiện tượng trí tuệ là một bộ phận trong số các “thực tế” của ông, những thứ được ông nhìn nhận như bất kỳ thực tế nào trong tự nhiên được quan sát một cách khách quan; đối với sự hiện diện của tất cả các ý định và mục đích, ông thậm chí còn thừa nhận rằng tri thức con người, thứ mà chúng ta sở hữu chẳng qua vì bản thân chúng ta là con người và tư duy tương tự như những người khác, là một điều kiện không thể thiếu để chúng ta có thể lý giải các hiện tượng xã hội. Điều này chỉ đúng khi ông nhấn mạnh rằng mỗi khi chúng ta phải nghiên cứu đời sống “động vật” (để phân biệt với đời sống thực vật thuần túy, nghĩa là những hiện tượng chỉ xuất hiện ở tầng cao hơn trong nấc thang tiến hóa của các loài động vật) 20, việc nghiên cứu không thể thành công nếu chúng ta không bắt đầu từ việc “xem xét con người, thực thể duy nhất mà tại đó trật tự của các hiện tượng này có thể lý giải được một cách trực tiếp”21

IV.

Lý thuyết ba giai đoạn của Comte có liên quan chặt chẽ đến đặc điểm chính thứ hai của hệ thống, của sự phân loại các ngành khoa học mà ông đề ra, hay là của lý thuyết về “hệ thống cấp bậc thực chứng (positive hierarchy)” của các ngành khoa học. Ở phần đầu bộ Cours, ông vẫn trung thành với tư tưởng của phong trào Saint-Simon về sự thống nhất tất cả các ngành khoa học bằng cách quy mọi hiện tượng về một quy luật duy nhất, quy luật về lực hấp dẫn 22. Nhưng dần dần ông từ bỏ niềm tin này và rốt cuộc nó trở thành đề tài bị ông lên án kịch liệt như là một “chuyện không tưởng ngớ ngẩn” 23. Thay vào đó, những ngành khoa học “cơ bản” hay lý thuyết (để phân biệt với các ngành ứng dụng cụ thể của chúng) được sắp xếp theo một trật tự tuyến tính duy nhất với mức độ tổng quát hóa giảm dần và mức độ phức tạp tăng dần, bắt đầu là toán học (bao gồm cơ học lý thuyết) và tiếp theo là thiên văn học, vật lý, hóa học và sinh học (bao gồm mọi nghiên cứu về con người như là một cá nhân) đến những ngành mới và cuối cùng là vật lý xã hội và xã hội học. Vì mỗi ngành khoa học cơ bản này đều dựa trên những ngành đứng trước nó trong trật tự cấp bậc, xét trên khía cạnh là nó tận dụng mọi kết quả của những ngành đi trước cộng thêm một số yếu tố mới của riêng chúng, nên có một “điều bổ sung không thể thiếu đối với quy tắc ba giai đoạn” là những ngành khoa học khác nhau chỉ có thể đạt đến giai đoạn thực chứng lần lượt theo “trật tự bất biến và cần thiết” này. Nhưng vì đối tượng nghiên cứu của ngành cuối cùng trong số các ngành khoa học này lại là sự phát triển của tâm trí con người và do đó, sự phát triển của bản thân ngành khoa học này, nên một khi được hình thành, nó trở thành một ngành khoa học chung nhất, ngày càng có xu hướng tiếp nhận mọi tri thức vào hệ thống của mình, dù cho có thể không bao giờ nhận biết được lý tưởng này một cách hoàn chỉnh.

Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến ý nghĩa của lời khẳng định rằng xã hội học “dựa” trên các kết quả của tất các ngành khoa học khác và do đó chỉ có thể được hình thành sau khi mọi ngành khoa học khác đã đạt đến giai đoạn thực chứng. Điều này không hề liên quan đến luận điểm không thể phủ nhận là để nghiên cứu dưới góc độ sinh học về con người như là một trong những sinh vật phức tạp nhất, phải tận dụng các kết quả của tất cả các ngành khoa học tự nhiên khác. Xã hội học của Comte, như bây giờ chúng ta thấy, không nghiên cứu con người như một đơn vị vật chất mà lại nghiên cứu sự tiến hóa của tâm trí con người như là biểu hiện của “sinh vật tập thể” được hợp thành từ toàn bộ loài người. Chính sự nghiên cứu tổ chức của xã hội và các quy luật tiến hóa của tâm trí con người mới cần phải sử dụng các kết quả của tất cả các ngành khoa học khác. Ở đây, giá như Comte thực sự tin chắc rằng mục đích của xã hội học (và cái bộ phận thuộc sinh vật học thay thế cho tâm lý học cá nhân trong hệ thống của ông) là nhằm giải thích các hiện tượng tâm trí dưới góc độ vật lý, nghĩa là, nếu ông thật sự muốn thực hiện những ước mơ thời tuổi trẻ là thống nhất mọi ngành khoa học dựa trên cơ sở một quy luật chung duy nhất, thì lời khẳng định trên của ông sẽ được biện minh 24. Nhưng ông đã công khai từ bỏ điều này. Trên thực tế, lược đồ của ông đã dẫn ông đến chỗ khẳng định rằng không có hiện tượng nào thuộc những ngành khoa học cao hơn trong trật tự thứ bậc của ông có thể hoàn toàn quy gọn hoặc giải thích dưới góc độ của những ngành khoa học trước nó. Theo ông, giải thích các hiện tượng xã hội học dưới góc độ sinh học thuần túy cũng là điều không thể làm được, cũng như không bao giờ có thể quy các hiện tượng hóa học hoàn toàn về góc độ vật lý. Trong khi luôn có những quy luật xã hội học không thể quy về các quy luật cơ học hay sinh học, sự tách biệt giữa xã hội học và sinh học này không khác gì sự khác biệt mà người ta vẫn cho là tồn tại giữa hóa học và vật lý.

Tuy nhiên, khi Comte cố gắng chứng minh luận điểm của ông rằng xã hội học phụ thuộc vào sự phát triển đầy đủ của các ngành khoa học khác, ông đã hoàn toàn thất bại và các ví dụ ông đưa ra để minh họa hết sức ngây ngô. Hoàn toàn không đúng khi cho rằng để hiểu các hiện tượng xã hội chúng ta phải hiểu cách giải thích sự thay đổi giữa ngày và đêm và những thay đổi trong bốn mùa “dựa vào các điều kiện là sự quay hàng ngày và hàng năm của Trái đất”, hoặc cho rằng “quan niệm về trạng thái ổn định của mối liên kết giữa con người với nhau không thể được hình thành một cách thực chứng trước khi phát hiện ra lực hấp dẫn” 25. Các kết quả của các ngành khoa học tự nhiên có thể là những dữ liệu cốt yếu đối với ngành xã hội học trong chừng mực chúng thực sự ảnh hưởng đến hành động của những người sử dụng chúng. Nhưng điều đó là đúng, bất kể kiến thức tự nhiên ở trạng thái nào, và không có lý gì mà nhà xã hội học lại cần biết về khoa học tự nhiên nhiều hơn so với những người có những hành động mà nhà xã hội học ấy đang cố gắng giải thích, và vì thế, không có lý gì mà sự phát triển của ngành nghiên cứu xã hội lại phải đợi các ngành khoa học tự nhiên đạt đến một giai đoạn phát triển nào đó.

Comte cho rằng với việc áp dụng phương pháp thực chứng vào các hiện tượng xã hội, sự thống nhất về phương pháp của mọi ngành khoa học sẽ được thiết lập. Nhưng ngoài đặc điểm chung của phương pháp thực chứng, thì “để từ bỏ, vì sự vô nghĩa không cần thiết, việc tìm kiếm các nguyên nhân, dù là ban đầu hay cuối cùng, và để tự hạn chế trong việc nghiên cứu các mối quan hệ bất biến tạo thành các quy luật tác động lên mọi sự kiện quan sát được” 26, thật khó có thể nói chính xác cốt lõi của phương pháp thực chứng này là gì. Hiển nhiên đó không phải là, như người ta có thể nghĩ, ứng dụng rộng khắp của các phương pháp toán học. Mặc dù đối với Comte, toán học là nguồn gốc của phương pháp thực chứng, lĩnh vực mà tại đó nó xuất hiện đầu tiên và dưới dạng thuần khiết nhất 27, ông không cho rằng nó có thể được ứng dụng một cách có ích vào những môn phức tạp hơn, thậm chí cả hóa học 28 và ông miệt thị những nỗ lực nhằm ứng dụng thống kê trong sinh vật học 29 hoặc ứng dụng toán xác suất vào các hiện tượng xã hội 30. Ngay cả sự quan sát, yếu tố chung duy nhất của mọi ngành khoa học, cũng không mang hình thái giống hệt nhau trong tất cả những ngành đó. Càng lên đến các ngành khoa học phức tạp hơn, các phương pháp quan sát mới sẽ được áp dụng, trong khi các phương pháp khác vốn thích hợp với những hiện tượng ít phức tạp hơn sẽ không còn phát huy tác dụng. Do đó, nếu như trong ngành thiên văn học, phương pháp toán học và quan sát đơn thuần chiếm vị trí chủ đạo thì trong vật lý và hóa học, thí nghiệm xuất hiện như là một phương pháp hỗ trợ mới. Và nếu chúng ta tiếp tục xét lên cao hơn, ngành sinh vật học sản sinh ra phương pháp so sánh và cuối cùng, ngành xã hội học sản sinh ra “phương pháp lịch sử”, trong khi toán học và thí nghiệm đến lượt mình không còn thích hợp nữa 31

Còn một khía cạnh nữa trong hệ thống cấp bậc các ngành khoa học mà chúng ta cần nhắc qua ở đây, vì nó liên quan đến những điểm mà ngay sau đây chúng ta sẽ phải xem xét đến. Khi chúng ta đi theo hướng tăng dần trên thang cấp bậc của các ngành khoa học, và các hiện tượng mà chúng nghiên cứu ngày càng phức tạp lên, các ngành khoa học cũng dễ bị thay đổi hơn bởi hành động của con người, đồng thời ít “hoàn thiện” hơn và do đó, cần được cải thiện nhiều hơn dưới sự điều khiển của con người. Comte vô cùng khinh ghét những ai ca tụng “sự thông thái của tự nhiên”, và ông tin chắc rằng một vài kỹ sư có năng lực tham gia vào việc hình thành một tổ chức để thực hiện một công việc cụ thể nào đó nhất định sẽ cho kết quả tốt hơn [khi không có tổ chức đó] 32. Và điều tương tự cũng tất yếu áp dụng với hiện tượng phức tạp nhất, và do đó, ít hoàn thiện nhất trong tất cả các hiện tượng tự nhiên, đó là xã hội loài người. Nghịch lý mà Comte không mảy may bận tâm là: công cụ tư duy của con người, mà theo lý thuyết này là ít hoàn thiện nhất trong tất cả các hiện tượng, lại đồng thời có sức mạnh duy nhất để kiểm soát và cải tiến chính mình.

V.

Có một khía cạnh mà ở đó Comte không chỉ thừa nhận mà còn nhấn mạnh sự khác biệt về phương pháp không chỉ của xã hội học mà của tất cả các ngành khoa học hữu cơ so với phương pháp của các ngành khoa học vô cơ. Tuy vậy, mặc dù sự khác biệt này xuất hiện giữa hóa học và sinh vật học, tầm quan trọng của sự “đảo ngược” quy trình này, như Comte tự gọi, còn lớn hơn nhiều trên phương diện xã hội học và chúng ta nên trích dẫn đầy đủ đoạn văn trong đó Comte giải thích điều này trong mối quan hệ trực tiếp với việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội. “Nhất thiết phải tồn tại”, ông giải thích, “sự khác nhau cơ bản giữa toàn bộ các ngành vô cơ và toàn bộ các ngành hữu cơ. Ở nhóm ngành thứ nhất, nơi sự gắn kết giữa các hiện tượng, như chúng ta đã chỉ ra, không thể hiện rõ, và không mấy ảnh hưởng đến việc nghiên cứu chủ đề này, chúng ta phải khảo sát tỉ mỉ một hệ thống mà tại đó các phần tử được biết đến nhiều hơn là tổng thể, và thậm chí có thể quan sát được một cách trực tiếp và riêng rẽ. Nhưng ngược lại, ở nhóm ngành thứ hai, nơi con người và xã hội hợp thành đối tượng chính, quy trình đảo ngược trở thành quy trình duy nhất hợp lý trong phần lớn trường hợp; đó là một hệ quả khác của cùng một nguyên tắc logic, bởi đối tượng tổng thể ở đây dĩ nhiên được biết đến nhiều hơn và dễ tiếp cận trực tiếp hơn”33

Lời khẳng định đáng kinh ngạc này, rằng khi nghiên cứu các hiện tượng xã hội, tổng thể được biết đến nhiều hơn các bộ phận, lại được đưa ra như một tiên đề không phải bàn cãi mà chẳng có mấy lời giải thích. Nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc nắm bắt bộ môn xã hội học, ngành khoa học mới do Comte sáng tạo ra và được các môn đồ trực tiếp của ông thừa nhận. Tầm quan trọng của nó còn được nâng lên bởi cách tiếp cận theo chủ nghĩa tập thể này là nét đặc trưng của hầu hết các nghiên cứu viên tiếp cận những hiện tượng này theo quan điểm mà chúng ta gọi là quan điểm “duy khoa học” 34. Nhưng phải thừa nhận, tại sao sự thể lại như vậy là điều không dễ hiểu, và Comte không giúp gì nhiều cho chúng ta trên phương diện này.

Một cách biện minh khả thể cho quan điểm này vốn được những bộ óc hiện đại nghĩ đến trước tiên lại chỉ giữ một vai trò rất nhỏ trong suy nghĩ của Comte: đó là ý kiến cho rằng các hiện tượng số đông (mass phenomena) có thể biểu lộ ra những hiện tượng xuất hiện thường xuyên theo thống kê trong khi các phần tử cấu thành dường như không tuân theo các quy luật mà ta có thể nhận biết 35. Ý tưởng này, được phổ biến bởi một người cùng thời với Comte là Quetelet 36, dĩ nhiên không phải là nền tảng cho lập luận của chính Comte. Trên thực tế, rất khó tin là Comte có để mắt đến các công trình của Quetelet ngoài việc bày tỏ sự phẫn nộ trước việc Quetelet sử dụng trong tiêu đề phụ của một công trình về “thống kê học thuần túy” 37 thuật ngữ “social physics” (“vật lý xã hội”) mà Comte cho là thuộc quyền sở hữu trí tuệ của ông. Nhưng dù là Quetelet dường như phải chịu trách nhiệm gián tiếp đối với việc sử dụng thuật ngữ mới xã hội học (sociology38 trong việc thay thế cho cái mà đến tận tập thứ tư của bộ Cours Comte vẫn mô tả là “vật lý xã hội” 39  thì ý tưởng chính của ông, vốn đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong ngành xã hội học duy khoa học và lẽ ra phải rất phù hợp với cách tiếp cận chung của Comte, lại không hề có chỗ trong hệ thống của Comte.

Có lẽ chúng ta sẽ phải tìm kiếm lời giải thích từ quan điểm chung của Comte về việc coi bất kỳ những hiện tượng nào mà một ngành khoa học phải nghiên cứu đều là những “sự vật” cho trước và từ việc ông mong muốn thiết lập sự tương đồng giữa sinh vật học, ngành khoa học ngay dưới xã hội học trong hệ thống cấp bậc thực chứng, và ngành khoa học về “tổ chức hữu cơ tập thể”. Và vì [theo Comte] trong sinh vật học, một điều hiển nhiên đúng là các sinh vật được chúng ta biết đến nhiều hơn so với các bộ phận của chúng nên một khẳng định như thế cũng đúng trong xã hội học.

VI.

Những diễn giải về xã hội học của Comte, nội dung tập thứ tư của bộ Cours, thực ra còn kéo thêm thành ba tập, mỗi tập đều dài hơn rất nhiều so với ba tập đầu tiên vốn trình bày về tất cả các ngành khoa học khác. Tập thứ tư, xuất bản năm 1839, chủ yếu gồm các nghiên cứu chung về ngành khoa học mới này và phần tĩnh (static part) của ngành khoa học đó. Hai tập còn lại trình bày rất đầy đủ và chi tiết về phần động của xã hội học (sociological dynamics), lý thuyết chung về lịch sử tâm trí loài người, mục tiêu nghiên cứu chính của Comte.

Việc chia đối tượng nghiên cứu thành phần tĩnh và phần động 40 cách chia mà Comte cho là thích hợp với tất cả các ngành khoa học, là do ông kế thừa, không phải trực tiếp từ ngành cơ học, mà là từ sinh vật học, và cách phân chia này được áp dụng vào sinh học bởi nhà sinh lý học De Blainville, người có những công trình mà mức độ ảnh hưởng của chúng đến Comte chỉ Lagrange, Fourier và Gall mới sánh được 41. Sự phân biệt này, mà theo De Blainville, trong sinh học tương ứng với sự phân biệt giữa giải phẫu và sinh lý, hoặc giữa sự cấu tạo và sự sống, được đưa ra để tương ứng trong xã hội học với hai mật mã quan trọng của chủ nghĩa thực chứng là trật tự và phát triển. Xã hội học tĩnh (static sociology) nghiên cứu các quy luật về sự tồn tại đồng thời của các hiện tượng xã hội, trong khi xã hội học động (dynamic sociology) quan tâm đến các quy luật của sự tiếp nối trong quá trình tiến hóa cần thiết của xã hội.

Tuy vậy, đến phần thực hiện kế hoạch này, thực tế cho thấy Comte chẳng có gì nhiều nhặn để nói về phần tĩnh của đối tượng ông đang nghiên cứu. Những bài viết tỉ mỉ của ông về sự đồng thuận (consensus) cần có giữa tất cả các bộ phận trong bất kỳ hệ thống xã hội nào, tức cái idée mère [ý tưởng mẹ - ND] về sự thống nhất như Comte thường gọi, điều mà trong các hiện tượng xã hội còn thể hiện rõ ràng hơn so với trong các hiện tượng sinh vật học, vẫn chỉ là những điều khái quát suông, bởi Comte không có cách nào (hoặc không có ý định) xác minh tại sao các thể chế cụ thể, hoặc loại hình thể chế nào, nhất thiết phải đi với nhau, hoặc tại sao các thể chế nào khác lại không tương hợp với nhau. Những nhận xét về các mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội, trong chương viết riêng về các vấn đề tĩnh của xã hội (social statics), cũng có đôi chút thú vị 42. Khi Comte bàn về phân công lao động, mặc dù có đôi chút chịu ảnh hưởng của Adam Smith 43, không có dấu hiệu cho thấy ông nắm được các nhân tố quyết định sự phân công lao động; và việc Comte không hiểu mấy về các nhân tố này càng trở nên rõ ràng hơn khi ông tuyệt đối phủ nhận khả năng tương tự giữa sự phân công lao động trí óc và sự phân công lao động chân tay 44.

Tuy vậy, toàn bộ phần tĩnh ông nghiên cứu chỉ là nét phác sơ lược và không mấy quan trọng so với phần động của xã hội học, phần nghiên cứu đã giúp ông đạt được tham vọng lớn nhất của mình. Đó là nỗ lực nhằm chứng minh nhận định cơ bản mà Comte, khi mới 26 tuổi, đã trình bày trong một bức thư gửi một người bạn khi ông hứa sẽ chỉ ra rằng “có những quy luật chi phối sự phát triển của loài người, và chúng rõ ràng như những quy luật định đoạt sự rơi xuống của một hòn đá” 45. Lịch sử đáng phải trở thành một môn khoa học và cốt lõi của mọi môn khoa học là chúng phải có khả năng dự báo 46. Phần động của xã hội học vì thế đáng phải trở thành một môn khoa học về lịch sử, như cách gọi phổ biến nhưng có phần dễ gây hiểu lầm, hoặc một lý thuyết về lịch sử, theo cách gọi có phần chính xác hơn. Ý tưởng đã khơi gợi phần lớn các tư tưởng trong nửa cuối thế kỷ XIX là viết “lịch sử trừu tượng”, “lịch sử không cần tên người, thậm chí, không cần nhân vật” 47. Ngành khoa học mới này đã đề ra một kế hoạch về lý thuyết, một trình tự trừu tượng trong đó những thay đổi lớn trong quá trình văn minh hóa của loài người nhất thiết phải tiếp nối nhau.

Cơ sở của kế hoạch này dĩ nhiên là quy luật ba giai đoạn và nội dung chính của xã hội học động là sự triển khai chi tiết quy luật này. Bởi vậy, điểm lạ lùng trong hệ thống của Comte là ở chỗ quy luật được dùng để chứng minh sự cần thiết của ngành khoa học mới đồng thời lại chính là kết quả lớn nhất và gần như duy nhất của ngành khoa học ấy. Ở đây chúng ta không cần phải bận tâm đến những phân tích chi tiết, ngoài việc cho rằng trong tay Comte, phần lớn lịch sử nhân loại được gắn chặt với sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên48. Cái liên quan đến chúng ta chỉ là những ngụ ý chung chung từ ý tưởng về một ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu các quy luật phát triển của trí tuệ loài người, và những kết luận thực tế rút ra từ đó liên quan đến tổ chức xã hội trong tương lai. Ý tưởng về những quy luật có thể nhận biết của không chỉ sự phát triển của các tâm trí cá nhân mà cả sự phát triển của tri thức toàn nhân loại hàm ý là tâm trí con người có thể, nói một cách bóng gió, nhìn xuống bản thân mình từ một chiếc máy bay ở trên cao và có thể không chỉ hiểu hoạt động của nó từ bên trong, mà còn quan sát được nó, nếu có thể nói như vậy, từ bên ngoài. Điều khiến ta băn khoăn về định đề này, đặc biệt khi nó nằm trong hệ thống tư tưởng của Comte, là mặc dù nó công khai thừa nhận rằng sự tương tác giữa các tâm trí cá nhân có thể tạo ra một cái gì đó mà xét trên khía cạnh nhất định cao hơn những gì một tâm trí cá nhân có thể đạt được, nó lại cho rằng cũng tâm trí cá nhân ấy không chỉ có khả năng nắm bắt toàn bộ sự phát triển và nhận biết nguyên lý hoạt động và thậm chí cả tiến trình mà nó phải tuân theo, mà còn có khả năng kiểm soát và chỉ huy nó và nhờ thế, hoàn thiện phần hoạt động không được kiểm soát của nó.

Niềm tin này chung quy lại là: các sản phẩm của quá trình tư duy có thể được thấu hiểu một cách tổng thể nhờ một quá trình giản đơn hơn nhiều so với một quá trình rất khó khăn là hiểu được chúng, và khi ấy tâm trí cá nhân, nếu nhìn vào những sản phẩm này từ bên ngoài, có thể trực tiếp xâu kết những tổng thể này lại bằng các quy luật áp dụng vào chúng như những thực thể, và cuối cùng, bằng cách ngoại suy quá trình phát triển quan sát được, có thể nhanh chóng đi tắt tới giai đoạn phát triển [cao hơn] trong tương lai. Học thuyết mang tính thực nghiệm này về sự phát triển của tâm trí tập thể là kết quả vừa ngây thơ nhất, nhưng lại là kết quả đáng kể nhất của việc ứng dụng quy trình nghiên cứu của nhóm các ngành khoa học tự nhiên vào các hiện tượng xã hội, và tất nhiên, nó dựa trên ảo tưởng rằng các hiện tượng thuộc về tâm trí cũng được cho trước như các sự vật khách quan, và có khả năng quan sát và điều khiển từ bên ngoài như các hiện tượng vật lý. Từ cách tiếp cận này có thể suy ra là tri thức của chúng ta được coi là “tương đối” và phụ thuộc vào các nhân tố có thể chỉ định (assignable), không chỉ theo quan điểm của một tâm trí giả định, có tổ chức cao hơn nào đó, mà còn là theo quan điểm của chính chúng ta. Chính quan điểm này đã làm nảy sinh niềm tin rằng chúng ta có thể tự nhận thức được sự “biến đổi” 49 của tâm trí chúng ta và của những quy luật của nó và niềm tin rằng loài người có thể tự kiểm soát sự phát triển của mình. Ý tưởng về việc tâm trí con người có khả năng tự nâng mình lên bằng nỗ lực bản thân, nếu có thể nói như vậy, vẫn là một đặc điểm nổi bật của xã hội học cho đến tận ngày nay 50, và ở đây chúng ta đã chỉ ra cội nguồn (hay đúng hơn là một trong các cội nguồn, cội nguồn kia là Hegel) của thói ngạo mạn hiện đại vốn đã tìm được cách thể hiện hoàn hảo nhất của mình trong cái gọi là xã hội học nhận thức. Và thực tế rằng ý tưởng này – tâm trí con người tự điều khiển sự phát triển của nó – ngay từ đầu đã là một trong những ý tưởng lớn nhất trong xã hội học cũng chính là một sợi dây liên kết luôn gắn nó với những lý tưởng xã hội chủ nghĩa để rồi theo tư duy thông thường, xã hội học và chủ nghĩa xã hội thường được đồng nhất thành một hệ thống 51.

Chính việc tìm kiếm “quy luật chung của những biến đổi liên tục trong quan niệm của con người” 52 vốn được Comte gọi là “phương pháp lịch sử” là “phần bổ sung không thể thiếu của logic thực chứng” 53. Nhưng mặc dù nội dung này, một phần là do ảnh hưởng của Comte, ngày càng trở thành cái nghĩa của thuật ngữ phương pháp lịch sử trong nửa cuối thế kỷ XIX, thì chúng ta vẫn không được phép chấm dứt chủ đề này khi chưa chỉ ra rằng lẽ đương nhiên, nó gần như trái ngược với cái nghĩa thực sự hoặc đã từng như vậy của phương pháp tiếp cận lịch sử theo quan niệm của những nhà sử học tầm cỡ, những người từ đầu thế kỷ đã cố gắng áp dụng phương pháp lịch sử để hiểu được nguồn gốc của các thể chế xã hội 54.

VII.

Không có gì phải ngạc nhiên khi Comte, với quan niệm đầy tham vọng về nhiệm vụ của ngành khoa học lý thuyết duy nhất về xã hội mà ông chấp nhận đưa vào hệ thống của mình, lại có thái độ khinh miệt đối với các ngành khoa học xã hội đã có từ trước. Lẽ ra chúng ta không cần phải nói đi nói lại về thái độ này nếu nó không phải là nét đặc trưng cho quan niệm về các ngành khoa học xã hội luôn tồn tại trong đầu những kẻ mù quáng vì những định kiến duy khoa học, và nếu những nỗ lực cá nhân của Comte, chí ít là một phần trong số đó, không phải là do ông gần như không biết tí gì về thành tựu của những ngành khoa học xã hội lúc bấy giờ. Một số ngành, cụ thể như ngành nghiên cứu ngôn ngữ, ông cho là không đáng nhắc đến 55. Nhưng ông vẫn bỏ khá nhiều công sức để phê phán kịch liệt ngành kinh tế chính trị, và ở đây, sự gay gắt của ông tương phản lạ lùng với những kiến thức nghèo nàn không tưởng tượng nổi của ông về đối tượng mà ông đang đả kích. Trên thực tế, ngay cả một trong những người ngưỡng mộ ông, người đã dành cả một cuốn sách để nói về mối quan hệ giữa Comte và kinh tế học 56, cũng không thể không nhấn mạnh rằng kiến thức của Comte về kinh tế học là thứ không hề tồn tại. Ông biết, và thậm chí còn ngưỡng mộ Adam Smith, một phần vì những công trình sinh động của ông trong kinh tế học, nhưng phần lớn là vì cuốn History of Astronomy [Lịch sử thiên văn học]. Thời còn trẻ, ông đã làm quen với J. B. Say và một số thành viên cùng nhóm, đặc biệt là Destutt de Tracy. Nhưng đối với Comte, việc de Tracy coi kinh tế học là bộ môn nằm giữa logic học và đạo đức học trong chuyên luận “tư tưởng học” nổi tiếng của mình chẳng qua chỉ là sự thẳng thắn thừa nhận đặc tính “siêu hình” của kinh tế học 57. Đối với những nhà nhà kinh tế học còn lại, Comte chẳng buồn để mắt đến. Ông đã có thành kiến là họ chỉ thuần túy thực hiện chức năng hủy diệt cần thiết của mình, là những đại diện điển hình của tinh thần phủ định, hay có tính cách mạng, đặc trưng cho giai đoạn siêu hình. Không thể mong đợi họ có đóng góp gì tích cực cho công cuộc tái tổ chức xã hội, và điều ấy là hiển nhiên căn cứ vào thực tế là họ không được đào tạo để trở thành nhà khoa học: “Phần lớn đều là luật sư hoặc dân viết lách, họ không có cơ hội được tôi luyện trong tinh thần duy lý thực chứng, điều đáng ra họ phải có để thực hiện các nghiên cứu của mình. Những gì họ được học đã ngăn cản họ tiếp xúc với các ý niệm về việc quan sát một cách khoa học ngay cả những hiện tượng nhỏ nhất, các ý niệm về các quy luật tự nhiên, và mọi nhận biết về luận chứng, vì thế đương nhiên họ không thể áp dụng một phương pháp mà họ chưa từng thực hành vào những phân tích khó nhất trong mọi phân tích” 58. Thực ra Comte chỉ thừa nhận những ai đã nghiên cứu liên tục và thành công tất cả những ngành khoa học khác vào ngành nghiên cứu xã hội học bởi lẽ những người này đã tự trang bị đầy đủ cho mình trước công việc khó khăn nhất là nghiên cứu hiện tượng phức tạp nhất trong mọi hiện tượng 59. Mặc dù việc tiếp tục mở rộng ngành khoa học mới này không còn gặp nhiều trở ngại lớn như trước đây ông đã phải trải qua khi mới lập ra nó 60, thì vẫn chỉ những bộ óc xuất chúng mới có thể hy vọng vượt qua được những trở ngại ấy. Trở ngại đặc biệt của công việc này xuất phát từ sự cần thiết tuyệt đối phải nghiên cứu mọi khía cạnh của xã hội cùng một lúc, sự cần thiết được chỉ định bởi sự “đồng thuận” rất cao giữa mọi hiện tượng xã hội. Việc phản đối nguyên tắc này và việc cố gắng nghiên cứu các hiện tượng kinh tế một cách biệt lập, “không dính dáng gì đến phân tích trạng thái trí tuệ, đạo đức và chính trị của xã hội” 61, là những nội dung khiến ông chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với các nhà kinh tế học. Đối với “những quan toà tài ba và đầy kinh nghiệm”, thứ “khoa học ngụy tạo” của họ hiện nguyên hình cái “bản tính thuần túy siêu hình” 62. “Nếu bạn xem xét một cách công bằng những tranh cãi vô ích đã chia rẽ họ liên quan đến những khái niệm sơ đẳng nhất về giá trị, tính thỏa dụng, sản xuất v.v…, bạn sẽ thấy mình lạc vào những cuộc tranh luận kỳ quặc nhất của các học giả thời Trung cổ về các thuộc tính cơ bản của các thực thể siêu hình của họ” 63 Nhưng khiếm khuyết chủ yếu của kinh tế chính trị lại là kết luận của nó, tức là “câu cách ngôn khô khan về tự do kinh doanh tuyệt đối” 64, hay niềm tin rằng không cần phải có một “định chế đặc biệt đảm nhận trực tiếp nhiệm vụ điều tiết sự phối hợp tự phát”, cái đáng ra chỉ nên coi là một cơ hội rõ ràng đòi hỏi phải áp đặt cách thức tổ chức thực sự 65 . Và ông đặc biệt coi thường xu hướng của kinh tế chính trị là “giải đáp mọi lời kêu ca rằng trong dài hạn, mọi tầng lớp, và đặc biệt là tầng lớp bị thiệt hại nhiều nhất trong hoàn cảnh hiện nay, sẽ được thỏa mãn thực sự và lâu bền; đấy sẽ còn là một câu trả lời đầy nhạo báng chừng nào con người còn chưa trường sinh bất tử” 66

VIII.

Trong mọi cuộc thảo luận về triết học của Comte, sẽ không có gì là quá nếu cho rằng ông không bao giờ dùng đến bất kỳ kiến thức nào mà ông không thấy có giá trị thực hành67. Và “mục đích của việc thiết lập triết học xã hội là nhằm tái thiết lập trật tự xã hội”68. Đối với ông tình trạng vô trật tự dưới mọi hình thức là thứ “xung khắc [nhất] với tinh thần khoa học thực sự, kể cả tinh thần thần học” 69, và có lẽ không gì đặc trưng cho toàn bộ trước tác của Comte hơn là “sự đòi hỏi thái quá đối với ‘tính đồng nhất’ và ‘tính hệ thống’”, điều mà J .S. Mill mô tả là fons errorum [cội nguồn của sai lầm] của tất cả những nghiên cứu tư biện sau này của Comte70. Nhưng ngay cả khi “sự ham muốn điên cuồng đối với sự điều tiết” 71 không hề nổi bật trong bộ Cours như trong bộ Système de philosophie positive sau này, thì những kết luận thực tiễn mà bộ Cours đưa ra cũng đã bộc lộ đặc điểm này ở một mức độ đáng kể, cho dù những kết luận đó chưa hề mang những cường điệu thái quá như của cuốn sách sau. Với sự ra đời của loại triết học “cuối cùng”72, chủ nghĩa thực chứng, học thuyết phê phán vốn tiếp nhận những đặc điểm tiêu biểu của thời kỳ chuyển tiếp trước đó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và cái giáo điều gắn với thời kỳ trước đó về sự tự do tín ngưỡng vô hạn sẽ biến mất73. Vai trò hữu ích cuối cùng của “giáo lý cách mạng về tự do tư biện” là để bộ Cours có thể hình thành74, nếu có thể nói vậy, nhưng giờ đây khi điều này đã thành hiện thực, giáo lý này không còn ý nghĩa nữa. Khi mọi tri thức một lần nữa được thống nhất trở lại, điều đã không có được kể từ khi giai đoạn thần học bắt đầu suy tàn, nhiệm vụ tiếp theo là thành lập một chính quyền trí thức mới trong đó chỉ những nhà khoa học có năng lực mới được phép quyết định các vấn đề xã hội hóc búa75. Vì trên mọi phương diện, hành động của họ sẽ tuân theo các mệnh lệnh của khoa học nên đây sẽ không phải là một chính quyền độc đoán và thậm chí, “tự do thực sự”, cái không là gì khác ngoài “sự phục tùng có lý tính trước ưu thế của các quy luật tự nhiên”76, sẽ còn được thúc đẩy hơn nữa.

Ở đây chúng ta không cần quan tâm đến chi tiết của tổ chức xã hội mà khoa học thực chứng sẽ tạo ra. Trên phương diện đời sống kinh tế, nó vẫn có nhiều mặt giống với các kế hoạch của phong trào Saint-Simon trước đây, đặc biệt nếu xét về vai trò lãnh đạo của các giới ngân hàng trong việc dẫn dắt các hoạt động công nghiệp77. Nhưng ông phản đối thứ chủ nghĩa xã hội triệt để sau này của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon. Quyền sở hữu cá nhân sẽ không bị hủy bỏ, nhưng người giàu sẽ trở thành “nơi cất giữ cần thiết các tư bản công cộng” 78 và sở hữu tài sản là một chức năng xã hội79. Đây không phải là điểm giống nhau duy nhất giữa hệ thống của Comte với chủ nghĩa xã hội chuyên chế gắn với nước Phổ (thay vì là cái chủ nghĩa xã hội mà chúng ta thường biết). Trên thực tế, thật đáng kinh ngạc, trong một số đoạn, sự giống nhau giữa hệ thống của Comte với chủ nghĩa xã hội Phổ thậm chí còn giống cả về những từ ngữ được sử dụng. Vì vậy khi ông cho rằng trong xã hội tương lai, cái khái niệm “đồi bại” về các quyền cá nhân sẽ biến mất và sẽ chỉ còn lại những nghĩa vụ80, hoặc rằng trong xã hội mới sẽ không có những con người cá nhân mà chỉ có những công chức nhà nước thuộc các bộ phận và các cấp bậc khác nhau81, và rằng vì vậy nghề nghiệp thấp kém nhất cũng sẽ trở nên cao quý bởi nó góp phần cấu thành hệ thống thứ bậc chính quyền, cũng giống như việc một người lính vô danh nhất cũng có giá trị của anh ta do tính thống nhất của một tổ chức quân sự82, hoặc cuối cùng, trong phần kết luận của bản phác thảo đầu tiên về trật tự tương lai, khi ông phát hiện ra một “thiên hướng đặc biệt đối với sự ra lệnh ở một số người và sự tuân lệnh ở những người khác” và khẳng định với chúng ta rằng trong sâu thẳm trái tim mình, tất cả chúng ta đều biết rằng “thật hạnh phúc khi nghe lời người khác”83, thì chúng ta có thể so sánh hầu như mọi câu nói đó với những phát biểu tương tự của những lý thuyết gia người Đức gần đây, những người đã đặt nền móng tư tưởng cho các học thuyết của Đệ Tam Quốc Xã84. Bị dẫn dắt bởi triết lý của mình, cái triết lý tiếp nhận từ Bonald thứ quan điểm phản động rằng cá nhân là “một khái niệm trừu tượng thuần túy”85 và toàn bộ xã hội là một sinh vật tập thể đơn nhất, ông tất yếu bị dẫn dắt đến phần lớn những nét đặc trưng của một quan điểm toàn trị về xã hội.

Việc tất cả những điều này về sau trở thành một Tôn giáo nhân văn mới, với một giáo đoàn phát triển đầy đủ, không nằm trong nội dung bàn luận của chúng ta. Việc Comte, một người chắc chắn hoàn toàn xa lạ với một giáo đoàn thực sự nhân văn và bao dung (điều mà có lẽ ông chỉ thừa nhận trong những vấn đề không quan trọng và không chắc chắn)86, không phải là loại người quan tâm nhiều đến ý tưởng đó, một ý tưởng mà bản thân nó không kém phần vĩ đại, là điều không cần phải bàn luận. Cuối cùng, chúng ta không thể tổng kết giai đoạn cuối trong tư tưởng của Comte tốt hơn câu nói dí dỏm nổi tiếng của Thomas Huxley, người đã mô tả nó như là “đạo Cơ Đốc trừ đi đạo Thiên Chúa.”

IX.

Trước khi bàn lướt qua ảnh hưởng trực tiếp từ các tác phẩm chính của Comte, chúng ta phải xem xét một cách vắn tắt những nỗ lực diễn ra đồng thời, và theo một nghĩa nào đó là song song, với những nỗ lực của Comte; Đó là những nỗ lực có cùng một nền tảng tri thức nhưng đi theo một con đường khác, đã góp phần thúc đẩy những trào lưu mà các tác phẩm của Comte được xem là đại diện chính. Nhà thiên văn học và thống kê học người Bỉ Quetelet, người nhất thiết phải được nhắc đến ở đây trước tiên, khác với Comte không chỉ bởi ông là một nhà khoa học vĩ đại trong lĩnh vực của mình mà còn bởi những đóng góp vĩ đại của ông cho các phương pháp nghiên cứu xã hội. Ông làm việc này chính xác là bằng cách áp dụng toán học vào nghiên cứu xã hội, điều mà Comte lên án. Thông qua việc ứng dụng đường cong sai số chuẩn tắc “kiểu Gauss” vào việc phân tích dữ liệu thống kê, ông đã trở thành, hơn bất cứ cá nhân riêng lẻ nào khác, người sáng lập ra thống kê học hiện đại và đặc biệt là ứng dụng của nó vào các hiện tượng xã hội. Giá trị của thành tựu này là điều không ai tranh cãi và cũng không thể tranh cãi. Nhưng giữa bầu không khí chung mà trong đó các công trình của Quetelet trở nên nổi tiếng, người ta có xu hướng tin rằng các phương pháp thống kê, mà ông đã áp dụng rất thành công vào một số vấn đề của đời sống xã hội, đã được trù định từ trước để trở thành phương pháp nghiên cứu duy nhất. Và chính Quetelet đã đóng góp không ít cho sự hình thành niềm tin này.

Môi trường tri thức mà từ đó Quetelet nổi lên87 cũng chính là môi trường của Comte: chính các nhà toán học Pháp trong nhóm nghiên cứu của Ecole polytechnique88, mà trên hết là Laplace và Fourier, là những người đã truyền cho ông cảm hứng để ứng dụng lý thuyết xác suất vào vấn đề thống kê xã hội, và trong hầu hết mọi khía cạnh, ông xứng đáng hơn Comte rất nhiều khi được coi là người kế tục chân chính cho sự nghiệp của họ và của Condorcet. Các công trình đúng đắn của ông về thống kê không phải là mối quan tâm của chúng ta. Chính tác động chung của luận chứng của ông, rằng những thứ như các phương pháp của khoa học tự nhiên có thể ứng dụng tốt cho một số hiện tượng số đông nhất định của xã hội, và của yêu cầu mà ông ngầm thể hiện và thậm chí là nói thẳng ra, rằng mọi vấn đề của khoa học xã hội phải được xử lý theo một cách thức tương tự [như của lĩnh vực khoa học tự nhiên], đã gây ra ảnh hưởng theo chiều hướng tương tự như những lời thuyết giảng của Comte. Không gì mê hoặc thế hệ kế tiếp bằng khái niệm “con người trung bình” của Quetelet và kết luận nổi tiếng của những nghiên cứu của ông về thống kê đạo đức rằng “chúng ta đi từ năm này qua năm khác với viễn cảnh đáng buồn là phải chứng kiến những tội ác giống nhau được lặp lại theo cùng trình tự và dẫn đến những hình phạt giống nhau theo những tỷ lệ giống nhau. Tình cảnh đáng buồn của loài người!… Chúng ta có thể tính trước bao nhiêu kẻ tay sẽ vấy máu đồng loại, bao nhiêu kẻ sẽ làm giả mạo giấy tờ, bao nhiêu kẻ sẽ đầu độc người khác, chúng ta hầu như có thể tính trước sẽ có bao nhiêu ca sinh và bao nhiêu ca tử. Có một thứ ngân sách mà chúng ta vẫn trả với một mức độ đều đặn đáng sợ: đó là ngân sách dành cho nhà tù, xiềng xích và án tử hình”89. Các quan điểm của ông về việc ứng dụng các phương pháp toán học đã trở nên đặc trưng cho phương pháp của các nhà thực chứng sau này hơn bất cứ quan điểm nào xuất phát trực tiếp từ Comte: “Các môn khoa học càng trở nên tiến bộ thì lại càng có khuynh hướng đi vào lãnh địa của toán học, giống như sự hội tụ về cùng một tâm điểm. Chúng ta có thể đánh giá sự hoàn thiện mà một bộ môn khoa học đạt được thông qua khả năng vận dụng toán học, dù nhiều hay ít, của bộ môn đó”90.

Cho dù Comte đã lên án quan điểm này và đặc biệt là mọi nỗ lực nhằm tìm ra các quy luật xã hội bằng phương pháp thống kê, thì những nỗ lực chung của ông và Quetelet nhằm tìm ra những quy luật tự nhiên về sự phát triển của toàn thể nhân loại, nhằm mở rộng quan niệm của Laplace về quyết định luận phổ quát (universal determinism) đối với các hiện tượng văn hóa, và nhằm làm cho các hiện tượng số đông trở thành đối tượng duy nhất của khoa học xã hội cũng đủ tương đồng để dẫn đến sự hợp nhất dần dần các học thuyết của họ.

Cùng nằm trong số những nỗ lực đương thời với các xu hướng phương pháp luận tương tự, ít nhất chúng ta phải đề cập ngắn gọn tới sự nghiệp của F. Le Play, một người xuất thân từ Ecole polytechnique và đã từng theo phong trào Saint-Simon, người mà những khảo sát xã hội sinh động của ông đã trở thành hình mẫu cho những công trình xã hội học xuất hiện khá lâu sau này. Dù những khía cạnh khác nhau giữa ông với Comte và Quetelet nhiều hơn so với những khía cạnh tương đồng, ông cũng có đóng góp ở mức tương đương với họ vào phản ứng chống lại chủ nghĩa cá nhân trên phương diện lý thuyết, kinh tế học cổ điển và chủ nghĩa tự do chính trị, và vì vậy, đã góp phần thúc đẩy sự lan rộng của các ảnh hưởng mang tính duy khoa học mà chúng ta quan tâm ở đây91.

X.

Lần theo dấu vết của các ảnh hưởng là địa hạt bất trắc nhất trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng, và bởi trong chương cuối này chúng ta đã trót vượt qua những quy tắc cẩn trọng của lĩnh vực này nhiều lần, nên giờ đây chúng ta chỉ thực hiện lướt nhanh công việc này. Nhưng vì ảnh hưởng của Comte có lộ trình kỳ lạ, và điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để chúng ta hiểu được lịch sử trí tuệ của thế kỷ XIX cũng như nguyên nhân dẫn đến nhiều quan niệm sai lầm vẫn còn thịnh hành về vai trò của ông, thế cho nên chúng ta không thể không nói thêm vài lời về điều này. Tại Pháp, như chúng ta đã thấy, ảnh hưởng trực tiếp của Comte đối với những nhà tư tưởng quan trọng là rất ít. Nhưng, như J. S. Mill chỉ ra, “luận thuyết vĩ đại của M. Comte hầu như không được nhắc đến trong tư liệu tham khảo hay nền phê bình Pháp, trong khi nó đã có chỗ đứng vững chắc trong tâm trí của nhiều sinh viên và nhà tư tưởng Anh”92. Chính ảnh hưởng này đối với bản thân Mill và một số nhà tư tưởng hàng đầu khác của Anh đã trở thành nhân tố quyết định tạo nên tác động của Comte lên tư tưởng châu Âu93. Chính Mill, trong cuốn thứ sáu của tác phẩm Logic, tác phẩm nói về phương pháp của các ngành khoa học luân lý, đã vượt trên cả vai trò người diễn giải học thuyết của Comte. Triết gia George Lewes và George Eliot là hai trong số những môn đồ Anh nổi tiếng của Comte. Và không gì có thể tiêu biểu cho ảnh hưởng lớn lao của Comte đối với nước Anh hơn là việc chính Quý cô Martineau, trong những năm tuổi trẻ đã từng là người truyền bá trung thành và thành công nhất kinh tế học của Ricardo, sau này không chỉ trở thành dịch giả và người cô đọng khéo léo nhất các tác phẩm của Comte, mà còn là môn đồ nhiệt tình nhất của ông. Cũng quan trọng gần như ngang bằng với bản thân Mill trong việc truyền bá trong giới nghiên cứu các quan điểm thực chứng về các hiện tượng xã hội là việc các quan điểm này được tiếp nhận bởi nhà sử học H. T. Buckle, mặc dù trong trường hợp này ảnh hưởng của Comte được củng cố, nhưng có lẽ kém hơn ảnh hưởng của Quetelet.

Chủ nghĩa thực chứng của Comte thâm nhập vào nước Đức phần lớn thông qua vai trò trung gian của các tác gia người Anh94. Logic của Mill, các tác phẩm sử học của Buckle và Lecky, và sau này là Herbert Spencer đã làm cho các ý tưởng của Comte trở nên quen thuộc hơn với rất nhiều người vốn không hề biết tới nguồn gốc của những ý tưởng đó. Và cho dù người ta không rõ liệu nhiều học giả Đức, những người trong nửa sau thế kỷ XIX đã bày tỏ những quan điểm rất gần với Comte, có phải đã lấy những quan điểm đó trực tiếp từ ông hay không, thì có lẽ vẫn không ở nước nào khác lại có nhiều đến thế những người có uy tín đã cố gắng cải tổ các ngành khoa học xã hội theo những đường lối về bản chất là của Comte. Vào thời đó không quốc gia nào khác có vẻ dễ tiếp nhận những ý tưởng mới hơn nước Đức, và tư tưởng thực chứng cùng với các phương pháp thống kê mới của Quetelet thực sự là trào lưu của thời kỳ đó và được tiếp nhận ở Đức với sự nhiệt tình tương xứng95. Hiện tượng kỳ lạ là ở đó (và những nơi khác), ảnh hưởng của các nhà thực chứng đã được kết hợp nhanh chóng với ảnh hưởng của Hegel là điều cần được nghiên cứu riêng.

Đến đây chúng ta chỉ còn đủ chỗ để nhắc qua về những môn đồ ở Pháp, những người rốt cục cũng đã tiếp tục truyền thống của Comte. Trước khi đề cập đến những nhà xã hội học thực thụ, chí ít chúng ta phải nhắc đến tên tuổi của Taine và Renan, cả hai, tình cờ thay, đều trở thành những đại diện của sự kết hợp lạ lùng giữa tư tưởng của Comte và của Hegel mà chúng ta vừa nói đến. Trong số các nhà xã hội học, hầu như tất cả những người nổi tiếng nhất (ngoại trừ Tarde) như Espinas, Lévy-Bruhl, Durkheim, và Simiand, đều trực tiếp hấp thụ truyền thống của Comte, cho dù trong trường hợp của họ, tư tưởng Comte cũng trở về Pháp thông qua nước Đức cùng với những biến cải mà nó đã trải qua tại Đức96. Để truy tìm ảnh hưởng theo con đường này của Comte lên tư tưởng Pháp trong thời kỳ Nền Cộng hòa thứ Ba thì có lẽ phải viết một cuốn lịch sử xã hội học tại một đất nước mà trong một thời gian ngành này đã tạo dựng được uy thế lớn nhất. Tại đây nhiều bộ óc lỗi lạc nhất, những người đã từng cống hiến cho nghiên cứu xã hội, đã bị cuốn hút bởi ngành khoa học mới, và có lẽ sẽ là không quá nếu cho rằng sự trì đọng đặc thù của kinh tế học Pháp thời kỳ ấy ít nhất có một phần là do sự thịnh hành của lối tiếp cận xã hội học đối với các hiện tượng xã hội97.

Ảnh hưởng trực tiếp đó của Comte vẫn chỉ giới hạn trong một số tương đối ít người, nhưng chính thông qua rất ít người này mà nó đã được truyền bá đi rất xa, điều này thậm chí còn đúng với thế hệ hiện nay hơn cả với các thế hệ trước. Sẽ chỉ có ít sinh viên các ngành khoa học xã hội hiện nay từng đọc tác phẩm của Comte hay biết nhiều về ông. Nhưng số sinh viên đã tiếp thu hầu hết những yếu tố quan trọng trong hệ thống của ông thông qua trung gian là một số ít những người có ảnh hưởng rất lớn, đại diện cho xu thế của ông như Henry Carey và T. Veblen98 ở Mỹ, J. K. Ingram, W. Ashley và L. T. Hobhouse99 ở Anh, và K. Lamprecht100 và K. Breysig tại Đức, trên thực tế lại rất đông. Đối với những ai đã từng cố gắng nghiên cứu trước tác của Comte thì việc giải đáp câu hỏi vì sao ảnh hưởng của Comte thông qua con đường gián tiếp lại thường xuyên phát huy tác dụng lớn hơn nhiều như thế sẽ không còn khó hiểu nữa.

 

Chú thích:

(1) Xuất bản lần đầu năm 1822 dưới tiêu đề Prospectus des travaux nécessaires pour réorganiser la société và được in lại dưới tiêu đề trên vào năm 1824.

(2) Bộ Cours ấn bản lần thứ 2, do E.Littré (Paris, 1864) biên tập, sẽ được sử dụng cho việc chỉ dẫn số trang ở đây. Cách đánh số trang của lần xuất bản này cũng giống như lần xuất bản thứ 3 và 4, tuy nhiên khác với lần 1 và lần 5. Các trích dẫn tiến Anh trong bản văn, khi cần thiết, được lấy từ ấn bản tiếng Anh rút gọn hết sức cô đọng của Quý cô Martineau (The Positive Philosophy of Auguste Comte, do Harriet Martineau dịch và rút ngọn, 3d. ed., 2 vols. (London, 1893) . Với các chỉ dẫn liên quan đến ấn bản tiếng Anh này, phần tiêu đề được viết tắt là PP, để phân biệt với ấn bản gốc tiếng Pháp, là Cours).

Năm 1842, thời điểm tập cuối của bộ Cours xuất hiện, là thời điểm trùng hợp ngẫu nhiên tại đó “giai đoạn Pháp” của trào lưu tư tưởng mà chúng ta quan tâm ở đây kết thúc và tại đó “giai đoạn Đức” của trào lưu này, chủ đề mà chúng tôi hy vọng sẽ trình bày vào một dịp khác, khởi đầu. Năm 1842, tác phẩm của Lorenz von Stein, Sozialismus und Communismus im beutigen Frankreich và tác phẩm đầu tiên của Rodbertus, Zur Erkenntnis unserer staatswirtschaftlichen Zustände xuất hiện, và đây là thời điểm Karl Marx gửi những bài luận đầu tiên của ông cho nhà xuất bản. Trong năm tiếp theo, Friedrich List đã xuất bản cuốn Nationale System der Politischen Oekonomie, và L. Feuerbach công bố cuốn Wesen des Christentums. Trong năm tiếp sau nữa, tác phẩm sau của W. Roscher, Grundriss zu Vorlesungen über die Staatswirtschaft nach historischer Methode, cũng xuất hiện. Tầm quan trọng đặc biệt của thời điểm nảy trong lịch sử trí tuệ của Đức cũng được H. Freund nhắc đến trong tác phẩm Soziologie und Sozialismus: Ein Beitrag zur Geschichte der deutschen Sozialtheorie um 1842 (Würzburg, 1934).

(3) Cours, vol. 2, p. 438.

(4) Sự thống nhất trong tư tưởng của Comte, điều mà luôn được nhiều người bảo vệ, đã được chấp nhận trên thực tiễn bởi tất cả các học giả Pháp quan tâm đến những vấn đề này kể từ sau các nghiên cứu của G. Dumas, Psychologie de deux messies positivistes (Paris, 1905) . Xem nhận xét về nghiên cứu này trong H. Gouhier, La jeunesse d’Auguste Comte, vol. 1 (Paris, 1933), pp. 18-29, và hai tác phẩm của P. Ducassé, Méthode et intuition chez Auguste Comte và Essai sur l’origine intuitive du positivisme (cả hai đều xuất bản ở Paris năm 1939).

(5) Tham khảo nhận xét thú vị của H. G. Wells trong tác phẩm của ông Experiment in Autobiography (London, 1934), p. 658: “Có lẽ tôi có thái độ không phải với Comte và miễn cưỡng phải xác nhận việc ông đạt được một đẳng cấp nào đó trong việc vạch ra thế giới quan hiện đại. Nhưng về ông, cũng như Marx, tôi thực sự không ưu thích”.

(6) Xem Cours, vol. 1, p. 9: “Giai đoạn siêu hình, về căn bản, chỉ là một sự biến cải khái quát và đơn giản của trạng thái đầu tiên”. Cũng xem vol. 4, p. 213.

(7) Cf. L. Lévy-Bruhl, La Philosophie d’Auguste Comte, 4th ed. (Paris, 1921), p. 42, và Cours, vol. 5, p. 25.

(8) Cours, vol. 2, p. 312, và vol. 4, p. 469.

(9) Ibid., vol. 3, pp. 188-89: “Mọi triết học thần học hay siêu hình học đều có tinh thần chung là: khi giải thích những hiện tượng của thế giới bên ngoài, chúng luôn bám vào cảm giác trực tiếp về những hiện tượng nhân sinh; trong khi đó, ngược lại, triết học thực chứng luôn có đặc điểm – vốn dĩ không kém phần sâu sắc – đó là : quan niệm duy lý về con người nhất thiết phải dựa theo quan niệm về thế giới. Cho dù tính không thể tương thích giữa hai nền triết học về cơ bản là rõ ràng, thì, xét tổng thể sự phát triển nối tiếp nhau của chúng, trên thực tế cũng không có một nguồn gốc cốt yếu nào khác, và cũng không tồn tại quan niệm nào khác ngoài hai quan niệm đều thiết yếu như nhau ấy cả. Thoạt đầu, ở hoàn cảnh sơ khai, do sự bức bách của tinh thần con người, người ta buộc phải đặt việc xem xét con người lên trên sự xem xét về thế giới, và điều này không tránh khỏi dẫn đến chỗ người ta gán cho tất cả những hiện tượng những ý chí tương ứng, trước tên là những ý chí tự nhiên, rồi tiếp theo là những ý chí bên ngoài-tự nhiên; đó là điều tạo nên hệ thống thần học. Ngược lại, việc nghiên cứu trực tiếp về thế giới bên ngoài là phương cách duy nhất cho phép hình thành và phát triển ý niệm tổng quan về những định luật của giới tự nhiên, nền tảng không thể thiếu được của mọi nền triết học thực chứng. Rồi nền triết học này dần dần mở rộng sang nghiên cứu những hiện tượng xuất hiện kém thường xuyên hơn, và cuối cùng áp dụng cho bản thân việc nghiên cứu về con người và xã hội, tức tiến tới cái giới hạn sau cùng của công cuộc khái quát hóa hoàn toàn của nó… Việc nghiên cứu thực chứng không có đặc điểm nào nổi bật hơn là xu hướng tự phát và bất biến sau đây: nghiên cứu hiện thực về con người trên nền tảng của nhận thức trước đó về thế giới bên ngoài”. Cũng xem vol. 4, pp. 468-69.

(10) Ibid., vol. 4, p. 256.

(11) Ibid., vol. 1, p. 16; cũng xem vol. 2, p. 312, vol. 4, p. 230.

(12) Ibid., vol. 1, p. 12.

(13) Ibid., vol. 6, p. 600. Cf. Auguste Comte, Early Essays on Social Philosophy, trans. H. D. Hutton, New Universal Library (London, 1911), p. 223. Do gần như toàn bộ các ý tưởng cơ bản của Comte đã được trình bày rõ ràng trong Early Essays, nên bên cạnh bộ Cours, chúng tôi đôi lúc cũng sẽ sử dụng cuốn này để trích dẫn.

(14) Xem L. Grunicke, Der Begriff der Tatsache in der positivistischen Philosophie des 19. Jahrhunderts (Halle, 1930).

(15) Cours, vol. 6, pp. 402-3; cũng xem vol. 1, pp. 30-32: “Trong trường hợp này, nếu cơ quan được quan sát và cơ quan quan sát là đồng nhất thì làm sao có thể có sự quan sát?” và vol. 3, pp. 538-41. PP, vol. 2, p. 385, và vol. 1, pp. 9-10, 381-82.

(16) Cours, vol. 3, p. 535.

(17) Ibid., vol. 3, p. 535.

(18) Ibid., p. 540.

(19) Ibid., pp. 533, 563, 570.

(20) Ibid., pp. 429-30, 494; PP, vol. 1, p. 354.

(21) Cours, vol. 3, pp. 336-37; cũng xem pp. 216-17 và Early Essays, p. 219. Một điểm thú vị cần lưu ý là trong khi trong tác phẩm đầu đoạn văn chỉ đơn giản là: “Hành động cá nhân của con người đối với những thực thể khác là hành động duy nhất mà con người hiểu được phương thức, nhờ vào tình cảm mà con người có trong đó” (A. Comte, Opuscules de la philosophie sociale, 1819-1829 (Paris, 1883) , p. 182), thì nó lại được viết trong bộ Cours (vol. 4, p. 468) như sau: “Những hành vi của chính mình, những hành vi duy nhất mà con người đã luôn tin rằng có thể hiểu được phương thức cốt yếu của việc tạo ra chúng” (chữ nghiêng được thêm vào).

(22) Cours, vol. 1, pp. 10, 44.

(23) Ibid., vol. 6, p. 601.

(24) Cf. C. Menger, Untersuchungen über die Methoden der Sozialwissenschaften (Leipzig, 1883), p. 15 n, ở đó ông lập luận rằng “Những nhân tố cuối cùng giúp cho việc lý giải chính xác về mặt lý thuyết các hiện tượng tự nhiên là những “nguyên tử” và những “lực”. Cả hai đều không có tính thường nghiệm. Ta tuyệt nhiên không thể hình dung về những “nguyên tử”, và chỉ có thể hình dung các lực tự nhiên bằng một hình ảnh, và trong thực tế, ta chỉ hiểu về các lực tự nhiên như là những nguyên nhân của những vận động hiện thực mà ta không biết được. Từ đó việc giải thích chính xác những hiện tượng tự nhiên, xét đến cùng, gặp những khó khăn hết sức lớn. Các khoa học xã hội chính xác thì lại khác. Ở đây là những cá nhân con người và những nỗ lực của họ; những nhân tố cuối cùng hình thành phân tích của ta đều có bản tính thường nghiệm và, do đó, các ngành khoa học xã hội lý thuyết và chính xác có thuận lợi lớn so với các ngành khoa học tự nhiên chính xác. Trong thực tế, công việc nghiên cứu chính xác những hiện tượng xã hội không gặp phải các trở ngại liên quan đến các “ranh giới của việc nhận thức Tự nhiên” và những khó khăn nảy sinh từ đó đối với việc thấu hiểu những hiện tượng tự nhiên trên khía cạnh lý thuyết. Khi A. Comte hiểu những “xã hội” như là những thực thể hữu cơ thực tồn, và cho rằng đó là những thực thể hữu cơ thuộc loại phức tạp hơn nhiều so với những thực thể tự nhiên, và gọi việc giải thích lý thuyết về chúng là vấn đề khoa học khó khăn hơn và phức tạp hơn, ông đã rơi vào một sai lầm lớn. Học thuyết của ông chỉ đúng đối với những nhà nghiên cứu xã hội nào – do quan tâm đến tình trạng hiện nay của các ngành khoa học tự nhiên – có ý tưởng điên rồ là muốn giải thích những hiện tượng xã hội không phải bằng các đặc thù của khoa học xã hội mà bằng các phương pháp của khoa học tự nhiên và nguyên tử luận”.

(25) Cours, vol. 4, pp. 356-57; PP, vol. 2, p. 97.

(26) Cours, vol. 6, p. 599.

(27) Ibid., vol. 1, p. 122; vol. 3, p. 295.

(28) Ibid., vol. 3, p. 29.

(29) Ibid., p. 291.

(30) Ibid., vol. 4, pp. 365-67; Early Essays, pp. 193-98.

(31) Cours, vol. 3, 40e leçon; vol. 6, p. 671.

(32) Ibid., vol. 3, pp. 321-22.

(33) Ibid., vol. 4, p. 258; cf. Early Essays, p. 239.

(34) Điều này đã thường được nhắc đến và bình luận. Cụ thể xem E. Bernheim, Geschichtsforschung und Geschichtsphilosophie (Göttingen, 1880), p. 48, và Lehrbuch der historischen Methode, 5th ed. (1908), index, sv. “Sozialistisch-naturwissenschaftliche oder kollecktivistische Geschichtsauffassung.”

(35) Có một chỉ dẫn mơ hồ liên quan đến điểm này trong Cours, vol. 4, pp. 270-71.

(36) Xem dưới đây, pp. 393-95, tại cuốn sách này.

(37) Cours, vol. 4, p. 15 n.

(38) Defourny, La Philosophie positiviste, Auguste Comte (Paris, 1902), p. 57.

(39) Sociologie được đưa vào trong Cours, vol. 4, p. 185; lois sociologiques xuất hiện lần đầu tiên trong một vài trang trước đó, ibid., p. 180.

(40) Ibid., vol. 1, p. 29; vol. 4, pp. 230-31.

(41) Cours được tác giả đề tặng cho Fourier và De Blainville, hai trong số bốn người này vẫn sống cho tới thời điểm bộ sách được công bố.

(42) Tuy nhiên, có lẽ phải nói thêm là, do dường như là không được thông báo trước đó, sự phân biệt giữa Gemeinschaft (Cộng đồng) và Gesellschaft (Xã hội) , vốn được phổ biến bởi nhà xã hội học người Đức F. Toennies, đã xuất hiện trong tác phẩm của Comte, người nhấn mạnh rằng các mối quan hệ “nội địa” không tạo thành một liên hiệp (association) mà chỉ là một hiệp hội (union)” (Cours, vol. 4, p. 419; PP, vol. 2, p. 116).

(43) Ảnh hưởng của Smith xuất hiện dưới một hình thức rõ ràng và đáng ngạc nhiên khi Comte đặt câu hỏi: “Trong toàn bộ những hiện tượng tự nhiên, thử hỏi ta có thể thực sự hình dung được một cảnh tượng nào kỳ diệu hơn là sự hội tụ đều đặn và liên tục của vô vàn cá nhân con người - mỗi người có một sự hiện hữu hoàn toàn khác nhau, và ở mức độ nào đó, là độc lập, và, bất chấp những sự dị biệt ít hay nhiều về tài năng và nhất là về tính cách của họ – đều đồng quy một cách tự phát, bằng vô số những phương diện khác nhau, về cùng một sự phát triển chung, mặc dù số đông trong họ không hề hay biết và cứ tưởng rằng mình chỉ tuân theo những động lực cá nhân của mình mà thôi?” (Cours, vol. 4, pp. 417-18).

(44) Ibid., p. 436; PP, vol. 2, p. 121.

(45) Lettres d’Auguste Comte à M. Valat, 1815-1844 (Paris, 1870), pp. 138-39 (bức thư đề ngày 8 tháng 9 năm 1824).

(46) Cours, vol. 1, p. 51; vol. 2, p. 20; vol. 6, p. 618; Early Essays, p. 191.

(47) Cours, vol. 5, p. 14; cũng xem p. 188, ở đây điều này được giải thích là: “Ở đây, những cách đặt tên bằng tiếng Hy Lạp và Latin tuyệt nhiên không cốt yếu biểu thị những xã hội ngẫu nhiên và đặc thù; chúng trước hết liên quan đến những tình huống tất yếu và tổng quát mà người ta chỉ có thể định danh một cách trừu tượng bằng những cách nói quá phức tạp”.

(48) Ibid., vol. 1, p. 65.

(49) Cf. ibid., vol. 6, pp. 620, 622.

(50) Tham chiếu với các câu kết trong tác phẩm Sociology gần đây của Giáo sư Morris Ginsberg (Home University Library (1934) , p. 244): “Quan niệm loài người tự dẫn dắt bản thân là mới và có lẽ vẫn còn cực kỳ mơ hồ. Việc làm sáng tỏ hoàn toàn các ngụ ý lý thuyết của nó, và việc tìm hiểu về các khả năng hiện thực hóa nó với sự trợ giúp của những ngành khoa học khác có lẽ là những mục đích cuối cùng của xã hội học”.

(51) Có lẽ điều này còn đúng hơn nữa ở châu Âu lục địa, nơi mọi người đều biết rằng “các hiệp hội xã hội học” khác nhau đều hầu như bị kiểm soát hoàn toàn bởi những người theo chủ nghĩa xã hội.

(52) Cours, vol. 6, p. 670.

(53) Ibid., p. 671.

(54) Xem trong cuốn sách này, pp. 420-21.

(55) “Những nhà ngữ pháp học thậm chí còn vớ vẩn hơn cả những nhà logic học” (Système de politique positive, vol. 2, pp. 250-51).

(56) R. Mauduit, Auguste Comte et la science économique (Paris, 1929), esp. pp. 48-69. Một trả lời đầy đủ cho cấu trúc kinh tế chính trị của Comte đã được thực hiện bởi J. E. Cairnes trong bài luận “M. Comte and Political Economy”, Fortnightly Review (May, 1870); in lại trong Essays on Political Economy (1873), pp. 265-311.

(57) Cours, vol. 4, p. 196.

(58) Ibid., p. 194; PP, vol. 2, p. 51.

(59) Cours, vol. 1, p. 84; vol. 4, pp. 144-45, 257, 306, 361.

(60) Ibid., vol. 6, p. 547; PP, vol, 2, p. 412.

(61) Cours, vol. 4, pp. 197-98, 255.

(62) Ibid., p. 195.

(63) Ibid., p. 197.

(64) Ibid., p. 203; PP, vol. 2, p. 54.

(65) Cours, vol. 4, pp. 200-201.

(66) Ibid., p. 203; PP, vol. 2, p. 54.

(67) Cf. Lettres à Valat, p. 99 (Bức thư đề ngày 29 tháng 9, 1819): “Trong nghiên cứu khoa học, tôi hoàn toàn không hứng thú với những thứ không có lợi ích trực tiếp hoặc quá xa vời.”

(68) Cours, vol. 1, p. 42.

(69) Ibid., vol. 4, p. 139.

(70) J. S. Mill, Auguste Comte and Positivism, 2d ed. (London, 1866), p. 141.

(71) Ibid., 196.

(72) Cours, vol. 1, p. 15. Cf. Early Essays, p. 132.

(73) Cours, vol. 4, p. 43.

(74) Ibid., p. 43; PP, vol. 2, p. 12.

(75) Cours, vol. 4, p. 48.

(76) Ibid., p. 147; PP, vol. 2, p. 39.

(77) Cours, vol. 6, p. 495.

(78) Ibid., p. 511.

(79) Système de politique positive, vol. 1, p. 156.

(80) Cours, vol. 6, p. 454; Système de politique positive, vol. 1, p. 151, 261-66; vol. 2, p. 87.

(81) Cours, vol. 6, pp. 482-85.

(82) Ibid., pp. 484.

(83) Ibid., vol. 4, p. 437; PP, vol. 2, p. 122.

(84) Ý này ám chỉ cụ thể tới các bài viết của O. Spengler và W. Sombart.

(85) Cours, vol. 6, p. 590; Discours sur l’esprit positif (1918), p. 118.

(86) Cours, vol. 4, p. 51.

(87) Nơi phân tích đầy đủ nhất cuộc đời và sự nghiệp của Quetelet là tác phẩm của J. Lottin, Quetelet: statisticien et sociologue (Louvain and Paris, 1912).

(88) Về ảnh hưởng của nhóm Saint-Simon đối với Quetelet, xem ở chương trước tại cuốn sách này, trang 315, chú thích 59.

(89) Bản dịch tiếng Anh trích đoạn này là từ H. M. Walker, Studies in the History of Statistical Method (Baltimore, 1929), p. 40.

(90) Ibid., p. 29.

(91) Cf. L. Dimier, Les maîtres de la contre-révolution (Paris, 1917), pp. 215-35.

(92) Mill, op. cit., p. 2.

(93) Về một trình bày đầy đủ chủ nghĩa thực chứng ở Anh, xem R. Metz, A Hundred Years of British Philosophy (London, 1936), pp. 171-234, và J. E. McGee, A Crusade for Humanity – The History of Organized Positivism in England (London, 1931). Về ảnh hưởng của Comte ở Mỹ, xem hai nghiên cứu của R. L. Hawkins, Auguste Comte and the United States (1816-1853) (1936), và Positivism in the United States (1853-1861) (1938) (cả hai đều được xuất bản bởi Harvard University Press).

(94) Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực chứng kiểu Comte vào Đức qua kênh các tác gia người Anh là một quá trình đảo chiều so với khi tư tưởng Anh thế kỷ 17 và 18 xâm nhập vào Đức chủ yếu qua các tác gia người Pháp, từ Montesquieu và Rousseau tới J. B. Say. Thực tế này giải thích khá tốt cái niềm tin phổ biến ở Đức là có sự tồn tại một sự đối nghịch cơ bản giữa các nhà tự nhiên “phương Tây” và tư tưởng duy tâm Đức. Thực ra, nếu như có thể vạch ra được một đường ranh giới nào đó cho một sự đối nghịch như thế, thì đó sẽ là sự khác biệt giữa một bên là tư tưởng Anh, đại diện bởi, chẳng hạn, Locke, Mandeville, Hume, Smith, Burke, Bentham, và các nhà kinh tế học cổ điển, và bên kia là tư tưởng châu Âu lục địa, đại diện bởi hai nhánh phát triển song song và tương tự nhau, một từ Montesquieu qua Turgot và Condorcet tới Saint-Simon và Comte, và cái khác từ Herder qua Kant, Fichte, Schelling, và Hegel, cho tới các nhà Hegel chủ nghĩa sau này. Trường phái tư tưởng Pháp, mà thực ra rất gần với tư tưởng Anh, là của Condillac và nhóm “tư tưởng học”. Đây là trường phái đã bị biến mất vào thời điểm mà chúng ta đang nhắc đến ở đây.

(95) Sự thâm nhập của tư tưởng thực chứng vào nhóm các ngành khoa học xã hội ở Đức là một câu chuyện mà chúng ta không thể trình bày được ở đây. Trong số các đại diện có ảnh hưởng của nó có hai nhà sáng lập ra bộ môn Völkerpsychologie, M. Lazarus và H. Steinthal (người đầu có vị trí quan trọng hơn vì ông ta ảnh hưởng tới W. Dilthey), E. du Bois-Reymond (đặc biệt xem bài giảng của ông “Kulturgeschichte und Naturwissenschaft”, 1877), và Nhóm thành Vienna của T. Gomperz và W. Scherer, W. Wundt (khi già), H. Vaihinger, W. Ostwald, và K. Lamprecht. Về khía cạnh này, xem E. Rothacker, Einleitung in die Geisteswissenschaften (Tübingen, 1920), pp. 200-206), 253, et seq.; C. Misch, Der junge Dilthey (Leipzig, 1933); E, Bernheim, Geschichtsformschung und Geschichtphilosophie (Göttingen, 1880); và Bernheim, Lerhbuch der historischen Methode, 6th ed. (Leipzig, 1908), pp. 699-716. Và về ảnh hưởng đối với một số các thành viên của trường phái lịch sử thế hệ sau của các nhà kinh tế Đức, cụ thể xem H. Waentig, Auguste Comte und seine Bedeutung für die Entwichkung der Sozialwissenschaft (Leipzig, 1894), pp. 279 et seq.

(96) Cf. S. Desploige, Le conflit de la morale et de la sociologie (Louvain, 1911), đặc biệt là chương 6, về nguồn gốc của hệ thống tư tưởng của Durkheim.

(97) Ảnh hưởng trực tiếp của Comte đối với Charles Maurras có lẽ nên được nhắc đến ở đây.

(98) Cf. W. Jaffé, Les théories économiques et sociales de T. Veblen (Paris, 1924), p. 35, và R. V. Teggart, Thorstein Veblen: A Chapter in American Economic Thought (Berkeley, 1932), pp. 15, 43, 49-53.

(99) Cf. F.S Marvin, Comte, Modern Sociologists (London, 1936), p. 183.

(100) Cf. E. Bernheim, Lehrbuch der historischen Methode, pp. 710 et seq.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007

Tác giả liên quan